Những ai từng dành cái nhìn thiện cảm cho Jean-Marie Lejude, đạo diễn của Ngụ ngôn La Fontaine, ra mắt cũng tại Nhà hát lớn cách đây một năm, hẳn bất ngờ khi đón nhận vở kịch hợp tác tiếp theo của ông: Andromake. Trước hết, bởi cái không gian vui nhộn, sinh động, dễ cảm Jean - Marie Lejude tạo ra đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là một phong cách dàn dựng khán giả Việt Nam chưa từng biết đến, đầy tính thách đố với những người quen thưởng thức kịch nói kiểu cũ.
Có lẽ, kích cỡ Nhà hát lớn hơi nhỏ hẹp so với ý tưởng của Jean - Marie Lejude, nên ông phải đẩy chiều sâu của sân khấu vào tận trong “hậu đài”, nơi hiếm khi được sử dụng. Suốt hai tiếng đồng hồ, cảnh trí không thay đổi. Chỉ có những lớp mành buông thẳng, im lìm, mang một dáng vẻ thâm u, đầy bí ẩn.
Khoảng cách giữa những lớp mành nhỏ vẽ ra những đường dẫn mơ hồ, để nhân vật bước lên sân khấu, cũng gợi mở cho khán giả hình dung về những hành lang hun hút, những ngóc ngách bí mật, nơi người ta thì thào những câu chuyện cần giữ kín, hay bàn thảo những âm mưu, toan tính, vốn chẳng thiếu ở bất cứ triều đại nào. Một không gian hoàn hảo cho những bi kịch tình yêu nảy nở. Oreste yêu Hemione, mà nàng lại trao con tim cho Pyrrus, chàng trai cả đời tôn thờ Andromake. Nhưng lẽ sống của Andromake, một nửa đã chôn vùi vĩnh viễn theo người chồng quá cố, nửa còn lại chỉ để giành giật sinh mạng và cuộc sống bình yên cho con trai, đứa trẻ tội nghiệp bị biến thành con tốt yếu ớt trong những ván cờ tình yêu và chính trị của người lớn.
Không dễ dàng theo được diễn biến của Andromake, vì chỉ có 8 diễn viên xuất hiện trên sân khấu, thoại liên tục, nhưng một nửa nói tiếng Pháp, còn một nửa nói tiếng Việt. Khán giả “ta” mỏi cổ vì phải ngước nhìn bảng phụ đề treo tít trên cao. Khán giả “Tây” thì ngậm ngùi đoán mò do không có bảng phụ đề tiếng Pháp. Nhưng nếu như không căng tai, căng mắt, và giỏi tưởng tượng, rất khó nắm bắt được tứ giác tình yêu trong Andromake, bởi từng diễn viên, hoặc từng cặp diễn viên chỉ thay phiên nhau bước ra và thoại, diễn xuất chủ yếu qua nét mặt, ánh mắt, khẩu hình và giọng nói, hầu như không dùng đến cử chỉ. Đôi khi, một diễn viên đối đáp với một diễn viên khác không lộ diện, ẩn mình đâu đó trong dãy hành lang sâu hút được tạo nên bởi những bức mành, nhưng mọi biểu cảm trên gương mặt cùng giọng nói thì được “phát sóng” trực tiếp qua một màn hình nhỏ treo lửng lơ trên sân khấu.
Dàn diễn viên của Andromake, đặc biệt là 4 diễn viên nhà hát kịch Việt Nam phải nói là đã nhập vai xuất sắc. Bởi chỉ cần thiếu tập trung một chút thôi, hoặc đài từ không ổn, họ sẽ biến thành những bức tượng biết nói trên sân khấu, toàn bộ đêm diễn sẽ trở thành một buổi tập đọc lời thoại đầy va vấp, và đáng ngại nhất là những bộ trang phục hiện đại của thế kỷ 21 cũng sẽ đập chan chát với cái nền cổ đại của câu chuyện.
Chắc chắn, tính đến thời điểm này, chưa có vở kịch hợp tác nào nhận được nhiều ý kiến trái chiều như Andromake. Nhưng bằng giọng bình thản, đạo diễn Lê Hùng, giám đốc nhà hát kịch Việt Nam, người góp phần đưa Andromake đến với công chúng Việt Nam, nói rằng: “Tôi chẳng hề bất ngờ. Thứ nhất, là vì mỗi đạo diễn có một sáng tạo riêng. Thứ hai, là bởi trên thế giới, người ta đã “phá cách” kiểu này từ lâu lắm rồi. Điều quan trọng là diễn viên Việt Nam có cơ hội được thử sức trong nghề nghiệp, và khán giả cũng có cơ hội tiếp cận cái mới”. Đương nhiên, rất khó để phân định chính xác cái "độc", cái lạ, cái mới trong Andromake có tỉ lệ thuận với cái hay và khả năng hấp dẫn được đa số người xem hay không. Nhưng nửa sau của tác phẩm, khi các diễn viên Việt Nam bắt đầu thoại một số câu bằng tiếng Pháp, và các diễn viên Pháp chêm nhiều câu tiếng Việt khá dài với âm sắc ngang ngang đúng kiểu Tây tập nói tiếng ta, khán giả đã không phì cười, hoặc cố nén cười, hoặc vỗ tay động viên như thường lệ. Phải chăng, đó là điều mà chí ít, Jean - Marie Lejude đã làm được khi tặng cho công chúng (cả ta lẫn Tây) một buổi xem kịch khá nhọc nhằn. Nếu bình tĩnh nhìn lại, thì đúng là dù thích hay không thích Andromake, khán giả Việt Nam cũng được một lần vượt qua chính mình.
Andromake là dự án giao lưu hợp tác giữa nhà hát kịch Việt Nam và trung tâm Văn hóa Pháp. Lấy cảm hứng từ Andromaque, bi kịch 5 hồi của nhà văn Pháp Jean Racine, công diễn lần đầu năm 1667 tại Paris và thành công vang dội, nhà soạn kịch Jon Fosse đã viết lại kịch bản với tên gọi Andromake, tác phẩm có tên trong danh sách “100 kiệt tác nổi tiếng sân khấu thế giới”. Trong đêm công diễn Andromake, phiên bản Việt Nam, bản dịch đầy chất thơ của nhà thơ Dương Tường đã góp phần giúp khán giả dễ hòa nhập hơn vào không gian sân khấu hoàn toàn mới lạ do đạo diễn Jean - Marie Lejude tạo nên. Andromake Việt Nam sẽ lên đường lưu diễn tại Pháp vào đầu năm 2013.
|
Theo Hương Lan - SGTT.VN
|