Văn nghệ trong nước
Nhà phê bình âm nhạc dẫn dắt thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng
09:07 | 28/12/2011
Trách nhiệm lớn của nhà phê bình âm nhạc là định hướng và dẫn dắt thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, nhưng cần phải thận trọng, tránh áp đặt một cách máy móc và cứng nhắc.
Nhà phê bình âm nhạc dẫn dắt thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng
Âm nhạc là nghệ thuật của cảm xúc và chỉ bằng cảm xúc mới có thể biểu hiện được chiều sâu tâm hồn con người, vậy thật vô cùng khó khăn đối với nhà phê bình âm nhạc khi phải giải thích được âm nhạc nói lên điều gì, phải qua ngôn ngữ để biểu hiện xúc cảm của dòng chảy âm nhạc. Ngay cả trong giới âm nhạc chuyên nghiệp cũng còn có những người có thái độ và quan điểm lệch lạc đối với công tác phê bình âm nhạc. Họ cho rằng âm nhạc chỉ cần thưởng thức một cách tự nhiên và miễn bình luận. Nhưng thử tưởng tượng xem, nếu thiếu công tác phê bình âm nhạc có thể nảy sinh ra sự cẩu thả, vô trách nhiệm của một số nhạc sỹ, nghệ sỹ đối với thính giả và tạo điều kiện phát triển cho những tác phẩm, chương trình hòa nhạc kém chất lượng, làm hỏng thẩm mỹ âm nhạc của công chúng.

Nhân đây, xin phép nhắc đến lời một nhạc sỹ nổi tiếng: “Mọi ý tưởng tuyệt diệu, thông thái về âm nhạc đáng giá hơn tác phẩm âm nhạc tầm thường”, nhưng làm sao để ý tưởng trở nên tuyệt diệu và thông thái? Để đạt được điều đó, nhà phê bình âm nhạc ngoài việc phải nắm vững nền tảng kiến thức một cách khoa học về nghệ thuật, văn hóa xã hội nói chung và có trình độ lý luận uyên bác với “kỹ thuật” biểu hiện đạt tiêu chuẩn chuyên nghiệp còn phải là người có nhạy cảm nghệ thuật cao và một nhân cách đôn hậu. Đó là người nghiêm khắc nhất nhưng cũng rộng lượng nhất, cùng một lúc phải đảm bảo các chức năng người đánh giá, người phê phán đồng thời là người bảo vệ nhạc sỹ và nghệ sỹ, tất cả nhằm hướng tới cái đẹp và sự hoàn thiện.

Tựu trung, trách nhiệm lớn của nhà phê bình âm nhạc là truyền bá, giáo dục, định hướng và dẫn dắt thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng nhưng cần phải thận trọng, tránh áp đặt một cách máy móc và cứng nhắc. Một thính giả được giáo dục thái quá, sai lệch sẽ chỉ là một thính giả tồi hay nói một cách khác, như một cái máy nghe nhạc. Nhà phê bình âm nhạc cần kiên trì thuyết phục và chứng minh cho những điều mình viết nhưng chỉ chứng minh thôi chưa đủ, cần phải biết cách phát triển thẩm âm của thính giả sao cho họ có thể tự cảm thụ được âm nhạc.

Theo PGs, Ts Cù Lệ Duyên - ĐBND




























Các bài mới
Các bài đã đăng