Công trình nhà lưu niệm Kim Lân mà các con ông xây dựng cho cha là không gian đồ vật ông hằng gắn bó, từ nay sẽ là nơi Kim Lân hiện hữu với độc giả xa gần. Nhà lưu niệm sẽ chính thức khánh thành ngày mai (5/1) tại số nhà 35 ngõ 424 Trần Khát Chân Hà Nội.
Kim Lân viết không nhiều, song hầu hết các tác phẩm của ông đều trụ với thời gian. Kim Lân có độc giả và chiếm được nỗi nhớ khán giả nhiều đến mức các diễn viên chuyên nghiệp, có tiếng cũng khát khao. Kim Lân là diễn viên có nghề, dù ông chỉ tham gia điện ảnh cho vui với bạn. Từ Pụ Pạng trong Vợ chồng A Phủ (ĐD Mai Lộc - Hoàng Thái) tới lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy, đều thành vai để đời. Ngày hội mang tên Kim Lân Có thể coi cuộc khai mạc nhà lưu niệm Kim Lân ngày mai (5/1) là ngày hội của các nghệ sĩ nhiều lĩnh vực: Hội Nhà văn VN cùng phối hợp với gia đình nhà văn tổ chức sự kiện này mà người gánh trọng trách tổ chức, chủ lực kinh tế chính là con gái cả Nguyễn Thị Hiền. Cống hiến đa dạng của Kim Lân đã khiến ông trở thành một nhà văn có sức sống lâu bền và tầm ảnh hưởng rộng. Nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn VN), đạo diễn - NSƯT Đặng Xuân Hải (Chủ tịch Hội Điện ảnh VN), họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN), nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN), nhà thơ Bằng Việt (Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội), TS Chu Văn Sơn (ĐHSP Hà Nội) sẽ phát biểu về những đóng góp của Kim Lân trong lễ khai mạc diễn ra tại Công viên Tuổi trẻ (99 Võ Thị Sáu, HN). Suốt hơn 1 năm qua, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã cật lực sưu tập, sao chụp, in ấn hình ảnh, bút tích của cha từ nhiều nguồn, cùng lượng tư liệu phong phú. Bà đã dày công lưu trữ bao năm, nhằm chuẩn bị cho công trình nhà lưu niệm tại nhà riêng: số 35 ngõ 424 Trần Khát Chân, Hà Nội. Trên diện tích 60m2, ngôi nhà 4 tầng được trưng dụng từ phòng khách, theo cầu thang gỗ lên các tầng trưng bày tranh, ảnh kỷ vật của nhà văn. Chị em họa sĩ Nguyễn Thị Hiền là những người chơi đồ cổ có tiếng, họ được cha truyền lại các sinh thú, sự hiểu biết với những gì thuần hậu mà tinh tế của đồ gỗ, gốm từ xa xưa. Từ nhiều băng tư liệu, phim ảnh, đạo diễn Phạm Việt Thanh đã dựng bộ phim dài gần 2 tiếng về cuộc đời Kim Lân. Bộ phim không lời bình, chỉ có lời các nhân vật. Âm nhạc trong phim là các bài quan họ cổ: Ăn ở trong rừng, Thân lươn bao quản lấm đầu, Con ếch do Thúy Hường hát. Bộ phim được chiếu liên tục tại Công viên Tuổi trẻ trong khi diễn ra các phát biểu và qua hai tivi plasma lắp tại phòng lưu niệm Kim Lân. 400 giấy mời được phát ra, khách đến sẽ được thưởng thức ẩm thực làng quê, bánh giày giò chả, nghe chèo và đặc biệt, NSƯT Thúy Hường con gái nuôi của ông bà Kim Lân (từ 1986) cùng các liền chị Thúy Cải, Khánh Hạ, Lan Hương, Thanh Hiếu cùng các nhạc công, sẽ hát các bài quan họ cổ. Đây cũng là tấm lòng tri ân với nhà văn, người đã dày công bảo vệ quan họ. NSƯT Thuý Hường tâm sự: “Thầy Kim Lân, u Tám hay về quê, gặp tôi chất phác tươi tắn, khi đang là học sinh trường VHNT tỉnh, nhận làm con. Thầy gần gũi với cả đoàn quan họ các thế hệ, thuộc nhiều làn điệu. Thầy vào Thị Cầu, Y Na nghe hát, sưu tầm lời cổ. Không ít lần, thầy còn tổ chức canh hát tại nhà số 6 Hạ Hồi. Tôi sẽ hát Nhớ mãi khôn nguôi để tưởng nhớ thầy. Lúc nào thầy tôi cũng đau đáu bảo tồn quan họ, nhắc nhở dặn dò các nghệ sĩ, lãnh đạo văn hóa địa phương gìn giữ vốn quý Kinh Bắc”. Nhớ Kim Lân từ những kỷ vật “độc nhất vô nhị” Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức - chuyên gia dựng nhà cổ và hiện là họa sĩ thiết kế bối cảnh điện ảnh hàng đầu - đã cất công mua nhà cổ gỗ xoan từ Ba Vì về dựng trên tầng 5 ngôi nhà của chị gái. Họa sĩ Nguyễn Việt Tuấn thì làm cầu thang bằng gỗ lim. Họa sĩ Từ Ninh cùng chị mua chim, cây cảnh. Trong gian nhà gỗ xoan là tượng đồng Kim Lân của nhà điêu khắc Lê Liên, phía trước có bể cá, cây si. Các tủ cổ đời Nguyễn trưng bày bản thảo, bài viết, của Kim Lân. Mang giá trị trong các tủ cổ là những trang viết của ông, là hồi ức về đời văn, bạn văn. Kim Lân còn giữ được rất nhiều bút tích của các nhà văn, họa sĩ bậc thầy, các bức minh họa của Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Phan Kế An... Mảng ảnh cũng là một giá trị quý hiếm mà nhà lưu niệm Kim Lân sở hữu. Tiến trình của Hội Nhà văn VN, những gương mặt văn nghệ sĩ từ kháng chiến tới đương đại qua hàng nghìn ảnh chụp cùng Kim Lân, cho người xem biết bao điều. Cảnh Kim Lân “nude” với mảnh quần đùi che nghịch ngợm bên bờ biển Vĩnh Linh thuộc loạt ảnh Kim Lân đi công tác cùng Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân vào mặt trận. Cùng Nguyên Hồng thăm mộ Ngô Tất Tố, rồi nhiều lần thăm mộ Nguyên Hồng. Cảnh về làng lần cuối, ngồi bậc thềm nhà cũ, xà nhà gãy và la liệt ngói vỡ dưới chân. Kỷ vật của Kim Lân để lại, có mảnh ngói vỡ từ ngôi nhà thơ ấu, điếu cày, ấm chén, bài viết, bàn trà, điếu bát. Tủ kính trưng bày bộ quần áo nhà văn về quê lần cuối, với áo len cổ lọ do con gái cả đan từ 1971 với cả gậy, đôi giày đen, tất xù và mũ. “Đồ chơi” của nhà văn là hàng trăm ấm đất các cỡ, lọ đất nung, bình men rạn từ thế kỷ 4. Vò rượu, bình vôi, nồi đất, bếp lò nhỏ, hoành phi câu đối. Về Kim Lân, nhà văn Tô Hoài từng nói: “Thương tiếc một tài năng bao giờ cũng đương độ”. Kỹ tính và cầu toàn nên viết mà không cho in, sáng tác không ưng thì ngừng lại Kim Lân chỉ muốn xuất hiện những gì “đương độ”. Cả đời ông không màng lợi danh, xa lạ bon chen tham vọng, như Nguyên Hồng viết về tri kỷ: “Một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy”. Sống ở Thủ đô, ông vẫn thao thức nhớ thương phù lưu. Tình quê, hồn làng tụ về thiên nhiên hiền hòa mà ông chăm chút, lão nhà văn mát tay chơi hoa chơi cây, nuôi chim hót hay, nuôi sáo biết nói. Tôi tâm đắc đoạn văn nhà thơ Lê Đạt viết về Kim Lân khi tiễn biệt: “Tôi quý anh như một nhà văn ngồi nhầm lớp đặc biệt trong giới văn học Việt Nam. Anh ở cấp đại học ngồi nhầm ghế trung học. Anh có cách tự học độc đáo. Văn hóa của một nhà văn không dựa vào bằng cấp. Người ta chê Kim Lân viết ít, đó là một nhận xét không đúng. “Người anh em” chỉ muốn trình làng những tác phẩm mà ông lượng định là đáng trân trọng xem nhất. Đó là một thái độ lễ phép với công chúng và tự lễ phép đáng trân trọng”. Kim Lân từ trần chiều 20/7/2007. Giờ ông nằm trong đất làng Phù Lưu, cái làng đẹp nhất Việt Nam trong trí tưởng và tình yêu của ông. Nhưng ngày mai, nhà văn Kim Lân lại trở về với chúng ta, gần gũi như ngày nào, nối kết những nỗi nhớ yêu thương của ông với cuộc đời, giữa mọi người. Tình yêu cha nơi các con ông, không chỉ là tạo nên một công trình vinh danh và tưởng nhớ cha, cuộc đời giàu bạn của cha, mà là mở ra một chốn để chúng ta có thể đến. Đến, để bình yên, để suy ngẫm, để phiêu lãng, để trở về sự thuần khiết, bản nguyên đẹp đẽ của tinh thần. Kim Lân “ngồi nhầm lớp” nhưng đã chưa bao giờ sống nhầm. Ông đã sống kỹ 87 năm. Và không dừng lại. Theo Vi Thùy Linh - TT&VH |