Vay mượn tiếng nước ngoài một cách bừa bãi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: ”Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn cái của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”. Tiếng Việt của chúng ta từ trước cũng đã có nhiều trường hợp mượn từ của tiếng Hán, tiếng Pháp. Nguyên nhân của sự vay mượn ấy là bởi hoàn cảnh lịch sử. Sau hàng chục thế kỷ dưới sự cai trị và đồng hóa của người Hán chúng ta có sự ảnh hưởng nhất định về văn hóa, kể cả trong tư tưởng triết học và ngôn ngữ. Tuy vậy, người Việt vẫn giữ được tiếng nói và nhiều phong tục riêng của mình. Chúng ta có lớp từ Hán - Việt là từ vựng sử dụng trong tiếng Việt có gốc từ tiếng Trung Quốc nhưng đọc theo âm Việt. Sau này khi có sự ra đời của chữ quốc ngữ, từ Hán - Việt ngày nay được ghi bằng ký tự Latinh. Từ Hán -Việt đã góp phần làm phong phú vốn từ của tiếng Việt, nhiều khi không tìm được từ thuần Việt tương đương để thay thế. Sự ảnh hưởng của Tiếng Pháp đối với Tiếng Việt cũng tương tự như vậy. Hiện nay, chúng ta vẫn sử dụng các từ ấy như một thói quen. Trong lịch sử, ông cha ta đã rất tinh tế trong việc học hỏi và tiếp thu để làm cho ngôn ngữ của mình thêm phong phú. Chúng ta đã Việt hóa nhiều từ tiếng Hán và sau nay có những từ của phương Tây, có những chữ dùng lâu ngày và ổn định. Trong tình hình toàn cầu hóa đang diễn ra trong mọi mặt của đời sống xã hội, hiện tượng vay mượn từ nước ngoài đã trở thành một hiện tượng tự nhiên của mọi ngôn ngữ trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Mượn từ là chính đáng, nó đáp ứng đáp ứng một nhu cầu về ngôn ngữ, nhưng làm sao để khi dùng những từ vay mượn ấy vẫn biểu hiện ý thức tôn trọng, nghiêm túc đối với ngôn ngữ của dân tộc là vấn đề cần được quan tâm. Hiện nay là một bộ phận giới trẻ cũng như báo chí, truyền hình đã vay mượn từ nước ngoài một cách không có chọn lọc, làm mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Hãy dạo ngoài phố để thấy, tên các cửa hiệu hiện đều có những từ nước ngoài như: Gallery, Beauty care, Game... Thậm chí len lỏi đến những thị trấn và cả những vùng quê. Tại sao không gọi Gallery là Phòng triển lãm, Phòng trưng bày..., Beauty care là chăm sóc da, game là trò chơi điện tử... mà lại sử dụng những từ vay mượn? Thậm chí một từ tiếng Việt lâu như cà-phê cũng lại bị viết thành coffee, café, caphé.... Ngay cả ở một số tờ báo, một số chương trình giải trí hiện tượng vay mượn tiếng nước ngoài đang trở nên phổ biến. Trong các trang sách báo tiếng Việt bị tiếng Anh lấn át nghiêm trọng bởi các từ như hot boy, hot girl, tuổi teen, cute... Giới trẻ dần quen với cách dùng từ kiểu như trên của báo chí và sử dụng nó nhưng một thói quen. Trước kia chúng ta không hề dùng từ tuổi teen. Trong tiếng Việt có rất nhiều từ hay và cụ thể cho từng độ tuổi để chỉ lứa tuổi học trò như: thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên.. những từ trên rất hay và phù hợp tại sao chúng ta lại “thay thế” bằng tuổi teen? Hiện nay từ “tuổi teen” xuất hiện tràn lan trên các tờ báo giành cho giới trẻ, nó dần thay thế các từ thuần Việt khác mà chúng ta vẫn sử dụng nhiều năm về trước. Tại một số trang báo giành cho giới trẻ có các tít báo như: Vòng quanh thế giới cập nhật street-style mùa đông, Update xì-tai shorts cho mùa đông, 4 xì-tai mix đồ siêu kute với ankle boots, Những bộ trang phục gây shock nhất của sao 2010, Mini-skirts sắc màu cho cô nàng "nấm lùn", Sao Việt quay cuồng theo xu hướng bodysuit gợi cảm, Công ty thực hiện concert của JYJ tại Seoul xin lỗi fan... Tiếng Việt có rất nhiều từ có thể thay thế những từ tiếng Anh sử dụng ở những tít báo trên. Vậy tại sao không dùng tiếng Việt?! Hiện nay tại các chương trình giải trí trên truyền hình người ta thường gọi: người hâm mộ là fan, tiền thù lao là cat-xê (cachet), chạy suất biểu diễn là chạy sô (show) chơi đẹp là fair play, người hâm mộ cuồng nhiệt, quá khích là crazy fan, trò chuyện là chat hay nhiều các từ khác như: live show, topic, forum... Liệu rằng ở các vùng quê người dân có hiểu được hết nghĩa của các từ trên? Trên phim truyền hình, cũng có thể thấy sự xuất hiện tràn lan những câu thoại ngắn như: ừ ok; bye nhé; hi, tới lâu chưa... Nghe những câu thoại trên khán giả hoàn toàn có thể hiểu được diễn viên nói gì, bởi đó là những từ tiếng Anh đơn giản, nhưng vấn đề ở đây là sử dụng như vậy là sự xúc phạm với tiếng mẹ đẻ. Chúng ta có thể thấy: “ừ” trong tiếng Việt cùng nghĩa với “ok” trong tiếng Anh. Đối với câu: “hi, tới lâu chưa" cũng vậy, “tới lâu chưa” khi sử dụng trong trường hợp này đối với tiếng Việt cũng có thể được coi là một lời chào hỏi. Nên nhớ rằng, xem báo, xem phim không phải ai cũng hiểu được tiếng nước ngoài, mà đã không hiểu được thì người viết đã đưa độc giả, khán giả vào “thế bí”. Còn người hiểu được thì chắc hắn cũng sẽ chê cười người viết sính ngoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”. Như vậy , hiện tượng trên là có nên? “Biến hóa” Tiếng Việt ! Trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin, với sự trợ giúp của các công nghệ đa phương tiện, việc phát triển này rất cần thiết đối với một nước đang phát triển như nước ta nhưng nó cũng mang lại những mặt trái. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, mọi việc trở nên nhanh hơn rất nhiều và một bộ phận giới trẻ tự trao cho mình cái quyền “cải biên” tiếng Việt theo tiêu chí: ngắn, gọn, khó hiểu và sành điệu. Ngay khi điện thoại di động trở nên phổ biến thì hiện tượng “tạo từ mới” lại ngày một nhiều. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là bởi các từ viết tắt rất tiết kiệm thời gian. Có thể tóm tắt cách “tạo từ mới” của một bộ phận giới trẻ hiện nay khi sử dụng trên điện thoại di động như sau: Thay chữ cái chuẩn thành 1 chữ cái khác có âm giống như: b = p, chữ i = j, chữ c = k, tr = ch, I = y, qu = w... và ngược lại... ví dụ như: pan lam gj thja? (bạn làm gì thế), nhiều = nhiu; yêu = iu; biết = bit, pjt, pit..; thôi = thui.... Với các nguyên âm được hoán đổi vị trí cho nhau như a, i, o, u, y... ví dụ: rồi = roai. Cùng với đó, là việc thay các bán nguyên âm, như oa, oe, uy, các phụ âm ghép như gh, nh, ph, ngh... bằng các nguyên âm, phụ âm đơn có âm tiết "gần gận" như: nghe = nge, nhanh = nhah... Và rất nhiều các cách khác, mà mỗi ngày giới trẻ lại sáng tạo thêm. Đối với cách sử dụng trên máy vi tính lại có thêm các trường hợp khác. Trên bàn phím máy tính có đầy đủ các ký tự để có thể viết một văn bản Tiếng Việt hoàn chỉnh đúng chính tả, tuy nhiên cũng vì lý do "nhanh, khó hiểu, sành điệu” mà nhiều người sử dụng các cách viết tắt khác nhau. Những con chữ lạ hiện đang phổ biến trên các mạng xã hội của giới trẻ hiện nay: Wey! Hum wa kỉm tra Dzăn làm được hok? (Hey, hôm qua kiểm tra Văn làm được bài không?); Seo dzạ? (^o^) Chiện là dư thế lào? (Sao vậy, chuyện là như thế nào?).... Ngoài những nguyên tắc có tính phổ biến trên, một số bạn trẻ còn dùng thứ ngôn ngữ mà ít dùng đến bảng chữ cái đó là ghép các ký hiệu trên bàn phím máy vi tính thành thứ ngôn ngữ riêng. Điều đáng lo ngại là trong tương lai việc “sáng tạo” Tiếng Việt của giới trẻ sẽ là rào cản đối với rất nhiều người. Vì thế, vô hình trung nếu chúng ta không có biện pháp khắc phục, ngôn ngữ sẽ trở thành yếu tố gia tăng sự cách biệt. Xin mượn lời của GS. Hoàng Tuệ thay cho lời kết: “Cần chú ý tới một sự tổng kết của lịch sử: Kẻ bành trướng tràn tới đâu là đem theo ngôn ngữ của chúng tới đó làm công cụ thống trị... Đấu tranh bảo vệ bản ngữ là góp phần rất quan trọng vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước...". Tiếng Việt là một minh chứng cho tinh thần đấu tranh của dân tộc ta, bởi vậy, hiện tại cũng như trong tương lai, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một vấn đề lớn, có ý nghĩa sâu sắc, song hành với quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Theo Hồng Ngọc - ĐCSVN |