Văn nghệ trong nước
Quang Dũng hồn nhiên mà độc đáo
11:52 | 05/01/2012
Khi Cách mạng tháng Tám 19.8.1945 ở Hà Nội, Quang Dũng là một chàng trai 24 tuổi khỏe đẹp, biết làm thơ, từng kéo nhị cho một gánh hát và dạy học tư gia.
Quang Dũng hồn nhiên mà độc đáo

Ông học trường sư phạm ra, nhưng không dạy ở các trường công, e bị gò bó. Máu lãng du của ông trước hết thể hiện ở sự lãng du trên khắp phố phường, thể hiện ở cả tên tập thơ in riêng duy nhất Mây đầu ô sau này. Ông hồ hởi đón luồng gió Cách mạng mà ông tin chắc sẽ chắp cánh cho ông được thỏa nguyện tiếp cận bao hình sông thế núi… Sau này những câu thơ hay nhất của ông thường là viết về núi sông đất nước: Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt/ Mà như lau sậy có linh hồn (Pha Đin),Sông Mã gầm lên khúc độc hành… Heo hút cồn mây súng ngửi trời (Tây Tiến).

Quang Dũng tham gia đại đội vệ binh khu II ở Hà Nội, ông được cử ngay làm chính trị viên phó đại đội (có lẽ nhờ mảnh bằng sư phạm). Rồi ông được cử làm phái viên Phòng Quân vụ Bắc bộ, về vùng Sơn Tây tìm mua, thu thập những vũ khí quân đội Nhật đầu hàng, quân Tàu phù lén bán… Sau đợt công tác đó, Quang Dũng được cử đi học lớp bổ túc quân sự ở tổng Sơn Tây.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”

Cuối xuân 1947, Quang Dũng gia nhập trung đoàn Tây Tiến với cấp bậc đại đội trưởng. Nhiệm vụ của đoàn quân là hành quân lên phía Tây, phối hợp với bộ đội Lào, vũ trang tuyên truyền và đánh tiêu hao quân đội Pháp. Lính Tây Tiến đủ các thành phần: công nhân, trí thức, dân nghèo thành thị, binh sĩ chế độ cũ, có nhà sư, có cả những cô đầu Khâm Thiên, nhưng phần lớn nguyên là học sinh Hà Nội, những tiểu trí thức mang sẵn trong tâm hồn hạt giống tài hoa và hào hoa đất Thăng Long, sau một số trở thành những tên tuổi của giới văn nghệ (các họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ, nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Doãn Quang Khải…)

Địa bàn đóng quân và hoạt động của Tây Tiến khá rộng: từ Mai Châu, Mộc Châu sang Sầm Nưa, rồi vòng về qua phía Tây Thanh Hóa. Tinh thần đánh địch càng cao thì gian khổ, thiếu thốn như càng ghê gớm để thử thách ý chí của họ: nhiều trận đánh phục kích, giáp lá cà làm giặc Pháp kinh hồn như trận Dốc Đẹt (trên đường từ Phố Vàng sang Mường Bi), trận chiến khốc liệt ở Xóm Trại, Bãi Sang, Chiềng Sại… có những chiến sĩ bị sốt rét, run cầm cập vẫn không rời trận địa. Đoàn quân không mọc tóc vì sốt rét tóc không mọc được, quân xanh màu lá không chỉ vì lá ngụy trang xanh hay màu quân phục mà còn vì nước da tái mét vì sốt rét, thiếu thuốc, thiếu ăn. Đóng quân trong rừng, ở làng bản ven rừng thì sốt rét hoành hành, thuốc men cạn kiệt. Mỗi sáng, cô y tá bỏ được vài viên ký ninh vàng vào bình nước lớn, mỗi bệnh nhân được uống một hai chén làm phép. Số người chết bệnh do thiếu thuốc men, thiếu dinh dưỡng nhiều hơn chết trận. Khu đóng quân tản mát các xóm nên khi có người qua đời, phải lấy tiếng cồng làm hiệu, để bà con trong xóm đến giúp đỡ chôn cất, để những chiến sĩ còn khỏe về lán quân y tiễn đưa đồng đội. Giữa đêm vắng nghe hiệu cồng không khỏi có người tự hỏi: bao giờ thì đến tiếng cồng báo tử của mình? Đại đội trưởng Như Trang nằm bệnh xá, sáng tác bài Tiếng cồng quân y. Đài tưởng niệm ở Châu Trang hiện nay, bên cạnh lư hương có hình chiếc cồng. Những chiếc cồng di sản văn hóa dân tộc trở thành đồ tế khí với các liệt sĩ Tây Tiến, sau khi chúng đi vào thơ nhạc, vào hội họa, điêu khắc của những đồng đội sống sót… Gỗ lạt đóng quan tài rất thiếu vừa không đóng kịp, đành bó chiếu đem chôn. Rồi đến chiếu cũng thiếu, anh em có sáng kiến chẻ tre buộc bó thân liệt sĩ… (tư liệu:Tây Tiến, một thời và mãi mãi, NXB Hà Nội, 2008. Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo, Ban liên lạc cựu chiến binh Tây Tiến chịu trách nhiệm xuất bản).

Với bao kỷ niệm Tây Tiến bi tráng đó, khi phải rời xa, chuyển đơn vị khác, cuối năm 1948, về đến Phù Lưu Chanh, Quang Dũng bần thần ngồi nhớ đồng đội, ông viết một mạch bài thơNhớ Tây Tiến (sau Quang Dũng đổi là Tây Tiến).

Mỗi bài thơ một số phận

Bài thơ Tây Tiến không chỉ là bài thơ tiêu biểu sự nghiệp thơ Quang Dũng, nó còn là niềm vinh dự, thành phiên hiệu nổi tiếng của một trung đoàn bộ đội. Bài thơ Tây Tiến đã được khắc vào bia đá, bia tưởng niệm các liệt sĩ, ghi chiến tích trung đoàn 52 Tây Tiến dựng ở Mai Châu. Từng có cuộc mít tinh kỷ niệm tuổi sáu mươi của bài thơ vào tháng 3 năm 2008 của các cựu chiến binh trung đoàn và các con, cháu, chắt, bốn thế hệ của những người còn sống hay đã chết, ngồi chật hội trường trường Đại học Y tế Công cộng đường Giảng Võ. Bài thơ đã được giảng dạy tại các trường trung học, tác giả của nó được đúc tượng đồng. Vì là sự đúc tượng tôn vinh tự phát của câu lạc bộ Văn Nghệ sĩ xứ Đoài, nên chỉ có thể đặt ở vị trí khiêm tốn trên sân trường ngày xưa Quang Dũng học. Còn bài thơ, cũng có lúc gian truân như cuộc đời người sinh ra nó. Bài thơ bị phê bình mang hơi hướng tiểu tư sản, thiếu tính chiến đấu… Nhưng sau Đổi mới, đã được đánh giá lại.

Quang Dũng làm thơ từ bao giờ? Khi ông mất, nhà thơ Trần Lê Văn bạn thân nhất của ông cũng không biết. Nhờ sự tình cờ, tôi đi tìm xuất xứ bài thơ Dặm về (ông luôn ngâm ngợi, từ nhà thơ Hoàng Cầm đến nhà văn Nguyễn Dậu ai cũng bảo thơ của ông, kể cả sách báo in ở Sài Gòn và hải ngoại đều giới thiệu là thơ Quang Dũng), nhờ bút tích ông ghi lại trong sổ chép thơ của bác sĩ quân y trung đoàn Tây Tiến Phan Quang Chấn (Đi tìm xuất xứ một bài thơ của Vân Long, báo Văn Nghệ 37, 16/9/1989). Quang Dũng chép chùm thơ năm bài cho bác sĩ Chấn (khoảng năm 1949 - 50) tại Hang Cáy Đầm Đa, Chi Nê, nơi đóng quân y viện của Trung đoàn.

Nét chữ gọn đẹp mà vẫn phóng khoáng, chỉ qua đó đã thấy lộ rõ bản sắc Quang Dũng: bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị chép xong ông còn vẽ một chàng tư mã áo xanh dắt ngựa xuống bến sông. Dưới thuyền, một cô ca kỹ đứng đầu thuyền đón khách. Bài Đôi mắt người Sơn Tây và Tây Tiến dưới đề hai chữ tắt QD. Riêng bài Dặm về ông rất hay ngâm, hay đọc và ai cũng tưởng của ông (nhưng chưa bao giờ ông nói là của ai) thì ông đề rõ tên bàiKhông đề, dưới bài: Không tác giả. Thật là sòng phẳng, không lập lờ gì với bài thơ hay vô chủ lúc ấy. Đặc biệt, bài đầu chùm ông chép là bài Chiêu Quân đề cuối bài QD 1937. Trời ơi! Quang Dũng làm thơ từ lâu thế ư? (tôi thốt lên lúc ấy) Vậy là ông làm bài này năm mười sáu tuổi. Phải chăng tôi đã tìm được bài thơ đầu tiên của Quang Dũng? Cho đến nay, bạn bè và thân nhân của ông, chưa ai biết một bài thơ nào ông làm sớm hơn thế! Với Quang Dũng, người không biết lưu giữ bản thảo của mình thì phát hiện này quả là lý thú! (bài này được giới thiệu trên báo ngay sau đó, và mười năm sau, Tuyển tập Quang Dũng, 1999, Trần Lê Văn biên soạn đã bổ sung bài này (lần đầu in sách) ngay đầu tập thơ tuyển). Còn Dặm vềđược xác nhận của Nguyễn Đình Tiên (tác giả Chân dung tướng ngụy Sài Gòn) nguyên Cục phó cục xuất bản Quân đội. Cả đời ông này chỉ làm một bài thơ (thu 1945). Sau 46 năm lưu lạc, khoác tạm tên Quang Dũng, nay không biết in vào đâu, đành in vào bìa bốn tập truyện ngắn của ông Ra giêng anh lại đi tìm (NXB Quân đội nhân dân, 1990), sau được bổ sung vàoTuyển tập thơ 1945 - 1954 (kháng chiến chống Pháp).

Vậy là cùng lúc, tôi là người may mắn, phát hiện và bổ sung được hai bài thơ có vị trí đặc biệt của hai nhà thơ, qua bút tích ông chép tay bài Dặm về, phù hợp với cái lắc đầu kiên quyết trên giường bệnh khi ông không đồng ý đưa bài này vào tập Mây đầu ô của ông sắp đưa in, và bài thơ đầu tiên ông làm là Chiêu Quân (1937). Với bút pháp, chất lượng bài này và bài Cố quận 1940 nếu ông có ý thức lưu danh đưa in từ năm đó, thì mặc nhiên ông thuộc thế hệ các nhà thơ mới, như Tế Hanh, cũng sinh 1921, 17 tuổi làm bài thơ đầu, 18 tuổi in tập đầu, 19 tuổi Giải thưởng Tự Lực văn đoàn…

Hồn nhiên mà độc đáo

Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988) độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự nhiên như chim trời cá nước mà thành độc đáo. Một buổi sớm mùa đông lạnh đến dưới mười độ, nghe tiếng chuông gọi cửa, tôi tỉnh giấc, nhìn đồng hồ, mới hơn năm giờ sáng. Tôi mở cửa, thấy ông Quang Dũng đang chạy tại chỗ chắc để đỡ lạnh. Chưa hết ngạc nhiên thì ông dúi vào tay tôi cuốn sách cỡ nhỏ: “Tặng ông cuốn sách mới, nhân tập chạy, lúc khác thì lại quên!” Đó là cuốn bút ký Những chặng đường Cao Bắc. Từ nhà ông đến tôi phải năm sáu cây số. Khi đi viết về lâm nghiệp, ông cục trưởng có nhã ý tặng mỗi nhà văn một sản phẩm của rừng, ông chỉ xin một bộ đồ đi rừng gồm giầy tất chống vắt để lại đi tiếp…

Quang Dũng vóc dạc to lớn, đôn hậu, hóm hỉnh, nhưng có tính nhát. Ông Trần Lê Văn trêu bạn, vẫn định nghĩa: Quang Dũng là người mở cửa sổ thì sợ gió lùa, đóng cửa thì sợ thiếu không khí. Tôi chứng thực một lần ông lên căn gác phố cổ Nguyễn Siêu nhà tôi: đó là kiểu cửa sập nằm ngang, có móc sắt cố định cánh cửa mở, để lên xuống cho an toàn, đêm mới hạ xuống, gài then. Thế mà khi lên thang, ông vẫn gườm mắt nhìn cánh cửa, một cánh tay giơ lên sẵn sàng đỡ nếu cánh cửa sập xuống. Thấy chúng tôi bật cười, ông chữa ngượng:“Tôi biết không bao giờ chủ nhà để nó sập xuống đầu khách như cái bẫy chuột, nhưng… nhỡ trăm năm nó mới sập một lần, lại đúng lúc tôi lên, thì sao?”

Liệu có phải ông rút ra kinh nghiệm từ những lần “tai bay vạ gió”?

Theo Vân Long - ĐBND












Các bài mới
Các bài đã đăng