[if gte mso 9]> Đặc biệt, kỷ yếu có các tư liệu lịch sử, bằng chứng chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và phần cảm nhận về Hoàng Sa của 24 nhân chứng từng đến sống và làm việc tại quần đảo này trong những thập niên 50-70 của thế kỷ 20. Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), việc ra mắt "Kỷ yếu Hoàng Sa" là bước khẳng định mang tính khoa học, chuẩn xác và tính pháp lý để tạo lập niềm tin cho người đọc về chủ quyền Hoàng Sa, chống lại các luận điểm xuyên tạc của một số sách, báo nước ngoài từ trước đến nay. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Cúc, người đã từng làm việc tại Hoàng Sa xúc động cho biết, việc ra mắt "Kỷ yếu Hoàng Sa" là một việc làm đầy ý nghĩa của Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi mà ông và những đồng đội của ông đã từng làm việc và đã có người mãi mãi không trở về. Cũng tại buổi lễ, ông Phạm Khôi, người đã công tác tại Hoàng Sa từ 1969-1970, cho biết tôi không thể nào quên những tháng ở Hoàng Sa, đến nay tôi vẫn nhớ như in vị trí các bãi san hô, các cửa ra vào, các công trình dân sinh và cơ quan hành chính. Bằng trí nhớ của mình, ông đã thực hiện một bản đồ "Sơ phát về quần đảo Hoàng Sa" và tặng cho Ủy ban Nhân dân quận đảo Hoàng Sa. Trong dịp này, Ủy ban Nhân dân quận đảo Hoàng Sa đã tặng quà cho các nhân chứng đã một thời sống và làm việc tại Hoàng Sa đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng./. Theo Văn Sơn (TTXVN/Vietnam+) |