Văn nghệ trong nước
Thú lãng du kiếm tìm cái Đẹp...
15:38 | 13/02/2012

Ham đi như ham sống, ham đến mức thành bệnh “xê dịch”, ham đi để trở về trút cho bằng hết vào chữ nghĩa văn chương, rồi lại lên đường thiên lý.

Thú lãng du kiếm tìm cái Đẹp...

Tôi bấm chuột quang, lên Google, thử xem thú rong chơi của người Việt thời nay - thập niên đầu thế kỷ XXI. Thấy nhiều khác lạ so với người Việt thuở nào, dẫu rằng cùng sống trong khung cảnh giao lưu văn hóa với phương Tây ngay từ đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam bắt đầu có đô thị kiểu Tây, tiêu biểu là Hà Nội, Sài Gòn. Và cũng chịu “Âu hóa” ngay từ ấy, đến tận hôm nay, đã hết thập niên đầu thế kỷ XXI, bởi làn sóng “khai hóa văn minh” cố tình của người Pháp đối với người Việt, vốn cố hữu trong nền văn hóa, văn minh lúa nước bản địa cổ truyền.

Thời ấy, có lẽ thú lãng du, phong trần tha hương, lang bạt kỳ hồ là quá xa xỉ đối với nông dân Việt, ở vùng văn hóa gốc châu thổ sông Hồng, vốn thích sống êm đềm sau lũy tre xanh. Con đường duy nhất họ đi hàng ngày là từ ngôi nhà trong làng ra ruộng lúa và ngược lại. Vậy nên cái thú lãng du nhuốm màu “Tây hóa” này đã chỉ xảy ra với văn nghệ sĩ, thường là văn nghệ sĩ ở Hà Nội, chịu nhiều ảnh hưởng từ lối sống phương Tây. Trong cái nhớ và trong sự tiếp xúc của tôi, thành phố Hà Nội thuở nào từng có ít nhất hai nhân vật nghệ sĩ ưa xê dịch, nổi tiếng giang hồ lãng tử cả trong cuộc đời lẫn trong tác phẩm văn chương nghệ thuật.

Đó là thi sĩ tiền phong của phong trào Thơ Mới: Thế Lữ, nhà văn độc đáo bậc thầy Nguyễn Tuân. Cả hai đều ưa xê dịch, mỗi người một kiểu, song rất giống nhau ở cái cách muốn coi cuộc đời là những cuộc phiêu lưu. Đi để được, để thấy, để đổi thay, và để sáng tạo tác phẩm mới. Và rất có thể, đi, là để trở về nơi mình đã ra đi, để tìm cái Đẹp mang phong vị hương xa, và từ đó ngược về bản thể chính mình, với một cảm giác hiếm hoi đầy khoái thú: cảm giác tân kỳ trong cái viết và cái sống!

Thế Lữ có lẽ thích được đi xa từ ngày bé dại, khi ông mới tí tuổi đầu, sinh năm Mùi 1907, trong cảnh gia đình riêng phức tạp, trái ngang. Thế Lữ bị dứt khỏi vú mẹ khi còn ẵm ngửa, từ Hải Phòng, được bế lên theo cha làm ký ga Lạng Sơn, ở với bà nội, và u, vợ chính thất của cha (mẹ ông phận lẽ mọn). Cầm tinh con dê, được bà nội gọi là “con Dê núi”, bởi suốt ngày “cậu Gầy” (tên cúng cơm của Thế Lữ) chạy nhảy, lêu lổng chơi bời theo đám trẻ con, hiếm khi nào ở yên một chỗ. Tính cách ham rong chơi từ ngày trẻ dại ấy có lẽ bắt nguồn từ một cảnh tượng sầu thương thời thơ ấu: mẹ ông mỗi năm được một lần từ Phòng (Hải Phòng) lên thăm con đôi ba bữa, rồi vội vã dứt áo biệt Gầy về lại Phòng, trong chứa chan nước mắt nhớ thương. Mẹ lên tàu. Tàu lăn bánh. Gầy nhớ mẹ quặn thắt cả lòng, chỉ biết phủ phục xuống đường tàu, vuốt ve sắt lạnh, thổn thức nghe tiếng còi tàu xa biền biệt, đem mẹ tuốt luốt xuống mãi Hải Phòng… Dường như Thế Lữ đã mê đi xa, mê phố thị kinh kỳ từ độ ấy.Và hành trình kiếm tìm cái Đẹp của ông, cũng khởi đi từ đấy, từ những ngày đầu ngây thơ xứ Lạng. Vốn ngoan đạo, Thế Lữ đắm đuối mê man tìm cái Đẹp trong Kinh Thánh. Song, chính những cuộc lãng du trên đường thiên lý cứ giăng giăng suốt cuộc đời ông đã cho ông một vỡ lẽ thật tân kỳ: cái Đẹp có khi không phải trên Vườn Địa đàng xa ngái, mà ở ngay cõi trần, trong vẻ đẹp ngồn ngộn da thịt của Vườn-trần-gian. Ông sung sướng, bất ngờ chiêm nghiệm điều đó, và ngân nga đọc cho con trai trưởng, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, đoạn Kinh Thánh: “Chúa Jesus bảo môn đồ: Dù vua Salomon ăn vận quá ư quý phái sang trọng, nhưng vẫn không mặc đẹp bằng bông huệ trắng tươi ngoài đồng”.

Từ ấy, Thế Lữ phải lòng cái đẹp hồng trần. Ông hân hoan thú nhận trong “Cây đàn muôn điệu”:Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ/ Mượn câu bút nàng Ly Tao tôi vẽ/ Mượn cây đàn ngàn phím tôi ca. Và Thế Lữ lãng du không mỏi trên đường truy tìm cái đẹp. Tuổi hoa niên, từ Lạng Sơn về Phòng ở với mẹ chưa được bao lâu, lại biệt mẹ già, tuổi xuân dấn thân lên chốn Hà thành, Thế Lữ chính thức bước vào nghiệp văn chương nghệ thuật. Hình ảnh thanh xuân của Thế Lữ là kẻ lang bạt kỳ hồ, “mũ lợt bốn phương trời sương nắng gội”, “tóc lộng tơi bời gió bốn phương”. Cái phút giây hoan lạc nhất, theo ông, được “vụt hiện” trên đường thiên lý:“Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”. Không phải ngẫu nhiên thơ trữ tình là nơi được Thế Lữ chọn đầu tiên để chất chứa nguồn cảm hứng dạt dào của ông về cái đẹp trần thế, dù đó chỉ là “vẻ đẹp thoáng qua” của “nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay”. Và,  cũng vì thế mà ông có tuyệt tác “Nhớ rừng”, được xem là bài thơ mới hay nhất của Thế Lữ - thi sĩ. Hoài Thanh phấn chấn nhận định: “Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam… Mà thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu số chữ, cách bỏ vần cho đến tiết tấu âm thanh… Thế Lữ đã làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch. Chữ dùng lại rất táo bạo. Đọc đôi bài, nhất là bài “Nhớ rừng”, ta tưởng chừng những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường”…

Tưởng không còn lời nào huy hoàng, đích đáng hơn Hoài Thanh, khi viết về sức mạnh riêng của con chữ thơ Thế Lữ, với vai trò thi sĩ mở đường cho trào lưu Thơ Mới. Và không thể không cho rằng, hành trình sáng tạo tác phẩm và thành công về nhiều phương diện nghệ thuật của Thế Lữ (có thể ví tài năng lấp lánh nhiều mặt của ông như một khối vuông rubic), lại không phải là kết quả từ các cuộc giang hồ lãng tử mải miết kiếm tìm cái đẹp trên khắp miền đất nước…

Song, Nguyễn Tuân lại là một trường hợp khác Thế Lữ. Các cuộc phiêu lưu trên đường thiên lý xảy ra khá muộn trên đường đời của ông. Ông đã chỉ thực sự bắt đầu hành trình lãng mạn cùng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nương nhờ vào tư liệu viết của nhà nghiên cứu văn chương Vương Trí Nhàn: “Nguyễn Tuân, người nhập vai” trong sách “Cây bút đời người”, ta được biết Nguyễn Tuân đã có nhiều cuộc hành trình trong đời ông với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Với Nguyễn Tuân, người viết văn là một kẻ đi đường không bao giờ mệt mỏi. Và ông từng đặt chân lên khắp miền đất Việt, và không chỉ đất Việt. Ông từng nhiều lần đến ở khách sạn châu Âu, đại lộ Nievsky, thành phố Leningrad, Liên Xô và ứng xử lịch lãm đến nỗi, ở đấy, những nữ nhân viên khách sạn người Nga (bây giờ cả ông lẫn họ đều đã ra người thiên cổ) vẫn còn nhớ những bông hồng đỏ và những trái táo đỏ tươi ông mua tặng họ, cùng những lời chúc thanh nhã, lịch thiệp đặc Hà Nội…

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Tuân cũng đã bắt đầu ham xê dịch. Mỗi lần nổi hứng lãng du, ông lại xách va li lên tàu lửa, thành khách quen của những chuyến tàu xuyên Việt. Theo tàu đi ròng rã, bất ngờ thích ga nào thì dừng lại ngao du: Thanh Hóa, Huế, Hội An… Sau ngày hòa bình, những chuyến lên rừng xuống biển của Nguyễn Tuân càng trở nên dày đặc. Vương Trí Nhàn cho hay, có lần trèo được lên một ngọn núi trong dãy Hoàng Liên Sơn, Nguyễn Tuân hóm hỉnh đùa với một nhà báo nước ngoài: “Giờ thì ngọn núi đã cao thêm một mét vì có tôi ở trên”. Và họ Vương kể tiếp: “Một lần khác, ông đi một chuyến dọc theo Cẩm Phả, Cô Tô, Vân Hải, một huyện đảo có “sáu trăm đảo dư”, Nguyễn Tuân xúc động kêu lên: “Chao ơi, thấy như mình vừa cầm hẳn vào bàn tay của hạnh phúc, một thứ hạnh phúc mà chỉ có Tổ quốc tươi đẹp mới ban nổi cho, và đã ban cho ta đúng vào lúc ấy”. Như thế, Nguyễn Tuân thực sự là một lãng tử văn nhân theo cái nghĩa đẹp nhất của cụm từ này.

Có lẽ, Nguyễn Tuân đã trở thành một lãng tử chuyên nghiệp vì ông biết cách đi, cách đến, cách thu nhận của một người “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” dọc đường văn học, nên chính ông đã tự trở thành hình mẫu về một nhà văn chuyên nghiệp. Ham đi như ham sống, ham đến mức thành bệnh “xê dịch”, ham đi để trở về trút cho bằng hết vào chữ nghĩa văn chương, rồi lại lên đường thiên lý. Rất có thể, một câu ngạn ngữ phương Tây đã ăn mặn vào tâm thức của Nguyễn Tuân trên các nẻo đường “xê dịch” chăng?: “Có đi thì có đến, có tìm thì có thấy và có gõ thì có mở”. Đi - như một kẻ lữ hành chuyên nghiệp hành hương đến cảm giác lạ và bến bờ mới của cái đẹp, ta có thể đồng thuận ngay với nhà nghiên cứu họ Vương khi nhận xét: chữ điở Nguyễn Tuân vốn không chỉ bó hẹp vào sự di chuyển trong không gian mà còn có nghĩa rất rộng: “Ngay cả lúc anh đăm đăm ngồi trước trang giấy trắng lạnh phau giữa phòng văn, anh cũng vẫn là một con người đang đi. Đi vào cái đêm làm việc của mình. Đi cho đến chỗ tận cùng của đêm mình”. Cái dạng đi này của Nguyễn Tuân còn ít được nói tới, nhưng thật ra, chính nó lại là khía cạnh quan trọng bậc nhất trong con người Nguyễn Tuân mà những người yêu mến văn ông cần biết”. Sau khi đi đã đời: đi dọc đi ngang đi lên đi xuống, đường đi nước bước như kẻ bàn cờ trên sông hồ trăng nước, Nguyễn Tuân lui về phòng văn, lùi thật sâu vào bản thể, nhập Thiền hoàn toàn, và lúc đó, chỉ còn chính ông với kỹ nghệ riêng độc đáo điều khiển con chữ. Tôi nghĩ, sau cuộc nhập-Thiền-chữ-nghĩa ấy, người như Nguyễn Tuân và đúng là Nguyễn Tuân sẽ náo động ra đi, đi như lời kêu gọi thống thiết và hào sảng của thơ Trần Dần: “Hãy sống như/ những con tàu/ Phải lòng muôn hải lý/ mỗi ngày/ bỏ sau lưng/ nghìn-hải-cảng-mưa-buồn…

Thế hệ nhà văn trẻ của thập niên thứ nhất, thứ hai của thế kỷ XXI hôm nay cũng không muốn kém cạnh các bậc tiền bối trong thú lãng du. Có lời một bài hát Tây bỗng trở lại ký ức của tôi lúc này: “Lãng du khắp nơi, em với anh cùng lênh đênh trên tháng ngày”. Có những nhà thơ  đầu thế kỷ này từng xuyên Việt bằng đi bộ, bằng xe máy và cả xe hơi lớn nhỏ. Có những nhà văn xuyên Việt bằng cả tuổi xuân để lại nơi chiến trường, khi hòa bình trở lại, mãi vẫn không thể quên cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt và thấy tận tâm can mình một “Nỗi buồn chiến tranh” đã hóa thành tiểu thuyết. Đó là nhà văn Bảo Ninh. Lại có thi sĩ Phạm Tiến Duật cảm xúc chiến tranh là con đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn Tây. Và ngay giữa lòng chiến trường, thi sĩ lòng trong trẻo này cũng chỉ nghe tiếng bom rất nhỏ. Nhỏ đến mức có thể âu yếm rủ người con gái mình yêu, hãy cùng anh sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả/ Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá…

Nhà văn Võ Thị Hảo bạn tôi khoe chuyến xuyên Việt vừa về bằng xe con, cùng vài người bạn. Và hoan hỉ bảo tôi, Tết Nguyên đán được nghỉ chín ngày có khi phải lên Lạng Sơn, hay Sapa nhỉ, nhỡ đâu được hưởng một mùa băng tuyết cũng nên? Tôi bảo Hảo muốn băng tuyết thì phải sang nước Nga, nơi tôi du học và đang thương nhớ quá chừng. Đã hàng chục năm trời tôi chưa được quay lại mùa đông Nga hoa tuyết bay bời bời trắng trời đất. Thú xê dịch từ các bậc tiền bối chắc đã chảy tràn từ Nguyễn Tuân, Thế Lữ đến các nhà văn hậu sinh chúng tôi. Nhưng mơ đến nước Nga mùa tuyết này vẫn đang là một điều lãng mạn. Tôi rủ Hảo và bạn bè trước Tết, chưa đi được đâu xa thì cầm bằng hãy lên Mộc Châu trảy hoa đào rừng về Hà Nội chơi Tết Nhâm Thìn (năm nào cữ này, áp Tết, chúng tôi cũng rủ nhau đi).

Và tôi mường tượng một nóc xe con đầy nhóc cành hoa đào phai năm cánh mỏng, vẫn còn ngậm nụ chi chít, sẽ theo chúng tôi về Hà Nội, sau hai ba ngày lên bản Láng Luông tìm kiếm hoa đào núi và lang thang chơi ở đó, thăm hỏi chuyện trò với những cô gái Mông e lệ, váy áo rực rỡ màu thổ cẩm, má hồng rực bên ngọn lửa bếp vẫn đun bằng củi khô. Không đi thì khó mà viết, khó mà yêu, hết đi thì hết viết, hết yêu thì hết sống, phải không bà chị? Hảo triết lý vụn, cười tít mắt, má hồng, môi thắm, dường như cô nhà văn này hễ cứ nghĩ đến đi là đã thấy đắm say, cứ như bắt đầu vào cuộc yêu đương?...

Theo Nguyễn Thị Minh Thái - ĐBND

 







 

Các bài mới
Các bài đã đăng