Nghiên Cứu & Bình Luận
Nét đặc sắc trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng
15:23 | 21/06/2012

VŨ XUÂN TRIỆU

Là một cây bút có tên tuổi của văn đàn dân tộc tuy nhiên tác phẩm của Vũ Bằng lại gặp khá nhiều trắc trở trên con đường đến với bạn đọc. Mãi sau này khi nhà văn từng mang tiếng “dinh-tê” này được công nhận là một chiến sĩ công báo hoạt động trong nội thành, thì các tác phẩm của ông mới dần dần được công bố.

Nét đặc sắc trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng

Cùng với thời gian độc giả trực tiếp đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn và ngày càng chú ý hơn đến Vũ Bằng như một đời cầm bút sống động, thú vị còn không ít điều cần khám phá.

Vũ Bằng dấn thân vào nghiệp báo với nỗi đam mê song trong lĩnh vực văn học, ông cũng có không ít những cống hiến đặc biệt là ở thể loại hồi ký. Trong đó Bốn mươi năm nói láo (1969) là một thiên hồi ký với những nét đặc sắc tiêu biểu. Qua ngòi bút tinh tế, đầy tài năng của Vũ Bằng tác phẩm được xem vừa là một cuốn vừa biên khảo về lịch sử báo chí, vừa là một cuốn tạp chí về cảnh sinh hoạt báo chí của nước ta với những trải nghiệm, sự thức tỉnh trong nhận thức của nhà văn về sự nghiệp làm báo.

1. Bốn mươi năm nói láo - nét đặc sắc trong tiêu đề

Chúng ta đã từng bắt gặp những cái tên tác phẩm khiến người đọc phải suy nghĩ như “Đôi mắt” của Nam Cao hay “Vợ nhặt” của Kim Lân… và ở đây ta lại bắt gặp Vũ Bằng với cách đặt tên tiêu đề cho tác phẩm của mình khá thú vị: Bốn mươi năm nói láo. Vậy đằng sau tiêu đề đó ẩn chứa điều gì? Ngay từ trang viết đầu tiên trong tác phẩm của mình, Vũ Bằng đã lý giải cách đặt tiêu đề của mình như sau: “Bây giờ, người ta gọi nghề làm báo là nghề nói láo ăn tiền. Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay là mình làm nghề “nói láo”. Vì thế tác giả lấy đầu đề tập ký ức là “Bốn mươi măm nói láo” chớ không dám đề là “Bốn mươi năm làm báo”” [1, tr.15-16].

Nghề “nói láo” là một tiếng thông dụng chỉ những người viết báo, có tính châm biếm. Chính “danh hiệu” mà những độc giả lúc bấy giờ gán cho ông và đồng nghiệp của mình khiến cho Vũ Bằng trong hồi ký của mình không dám nhận đó là “nghề làm báo”. Trong tiêu đề của tác phẩm người đọc thấy ở Vũ Bằng dường như chứa đựng sự chua xót cho chính bản thân và nghề nghiệp của mình. Đồng thời nó cũng thể hiện tính tự trào, ông cười, một tiếng cười đầy chua xót cho chính bản thân mình và những người đồng nghiệp cùng thời. Suốt hơn ba trăm trang sách của mình Vũ Bằng đã tường thuật lại những gì mà ông và đồng nghiệp đã “nói láo” trong gần bốn thập kỷ phát triển của báo chí nước nhà với tư cách là một chứng nhân. Và độc giả đã phần nào cảm nhận được những gì mà công việc của những con người bị mang tiếng là “nói láo” mang lại cho lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử báo chí, văn học Việt Nam. Đến đây mọi người đã thực sự hiểu được cái dụng ý của nhà văn ẩn đằng sau tiêu đề Bốn mươi năm nói láo. Đó dường như là một sự thổ lộ, giải bày, một sự nhìn lại mình một cách nghiêm cẩn của nhà văn để đi từ sự lầm lạc trong suy nghĩ đến một sự thức tỉnh trong nhận thức về nghề nghiệp và vai trò của mình trong xã hội. Và trong suốt mấy chục năm làm báo, va chạm với biết bao nhiêu là chuyện bất như ý, cũng như trải qua bao nhiêu lần “lên voi xuống chó”, mặc dù người mẹ hiền của ông đã khuyên can ông đừng chọn lựa một cái nghề mà cái nghiệp quá nặng. Bởi bà đã là người in sách, bán sách có rất nhiều kinh nghiệm với những người có liên quan đến nghề bạc bẽo ấy. Nhưng ông vẫn kết luận câu chuyện của mình bằng thái độ cho sự lựa chọn nghề nghiệp của mình là đúng: “…Người mẹ nào sinh con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế nhưng mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: nếu trở lại làm người con cứ lại xin làm báo!!” [1, tr.389].

Với tất cả những gì Vũ Bằng viết ra để lý giải về nhan đề mà mình “tự nhận” và những tâm sự ông thể hiện trong tác phẩm của mình, độc giả đã phần nào hình dung được bức tranh sinh hoạt của báo chí Việt Nam với những thăng trầm cũng như những tâm sự ẩn chứa đằng sau của những người làm nghề “nói láo”. Nó gợi cho người đọc nhiều ẩn chứa đằng sau tác phẩm cần phải khám phá.

2. Bốn mươi năm nói láo - hồi ký về báo chí và nghề báo

Qua Bốn mươi năm nói láo Vũ Bằng đã cho độc giả thấy sự thật về chuyện thời đó ra một tờ báo nhanh chóng như thế nào và đóng cửa một tờ báo cũng nhanh chóng và dễ dàng không kém, những vui buồn trong từng số báo, mục báo, bài báo... Rồi cả chuyện bọn thực dân không từ thủ đoạn nào để khủng bố, chèn ép những người làm báo dám công khai đả kích quan trường, lên án chế độ thuộc địa. Chuyện tờ “Công dân” chấp nhận đóng cửa chứ nhất quyết không hạ bút xin lỗi viên tri huyện giết người theo yêu cầu của bọn mật thám. Chuyện các nhà báo mắc bẫy Pháp quay sang đả kích căm thù lẫn nhau. Chuyện hầu hết các nhà báo, nhà văn ai cũng “nghiện lõ đít”, hút á phiện sáng đêm, chơi cô đầu tưng bừng... Thông qua cuốn hồi ký của Vũ Bằng, người đọc cũng có thể hình dung một cách khá đầy đủ những biến động của báo chí Việt Nam trong suốt khoảng bốn thập kỷ cả ở miền Bắc và miền Nam, từ lúc đánh đuổi Pháp, Nhật đến chuyện Ngô Đình Diệm của chính quyền ngụy quyền bị ám sát. Đó là những câu chuyện vui buồn lẫn lộn, những thách thức những cảm xúc mà ông cùng đồng nghiệp trải qua trong hoạt động làm báo, làm cách mạng. Chuyện kể về những biến động ở Sài Gòn khi Ngô Đình Diệm thoát chết và những tác dụng của những bài báo đối với công luận, chuyện những tờ báo bị đóng cửa hàng loạt như thế nào cũng được Vũ Bằng tái hiện một cách đầy đủ qua hành trình ngòi bút của mình. Cả một thời kỳ sôi động và đầy biến động của báo chí nước nhà đã được Vũ Bằng “tua” lại bằng ký ức của mình tươi mới và nóng hổi như ngày hôm qua qua từng trang viết.

Tuy chưa phải là người học báo và làm báo chuyên nghiệp nhưng khi đọc và tìm hiểu Bốn mươi năm nói láo chúng tôi cảm nhận dường như tác phẩm còn “dạy” cho người ta biết yêu báo, say báo và biết quý trọng nghề báo. Đó là bài học về cách viết như thế nào cho hay, cách phản bác lại những sự công kích của những người quản lý như thế nào cho khỏi nhận “phần thiệt” về mình… Những tâm sự và những nhận định xương máu đó của Vũ Bằng trong “một vạn rưỡi ngày làm báo” được ông thể hiện ở phần 5 (Báo là gì) của cuốn hồi ký. Đó cũng chính là những điều mà Vũ Bằng muốn nhắn gửi, những lời tâm huyết của nhà văn về việc làm báo. Đồng thời ông cũng nêu lên những phẩm chất, đạo đức mà những người làm báo tương lai hôm nay cần phải có để hoàn thành nhiệm vụ của mình theo đúng nghĩa của một người làm báo, để báo chí xứng đáng là “quền lực thứ tư” của xã hội, là thứ mà “dắt người ta đi đâu thì người ta phải đi đến đấy”.

Có thể khẳng định Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng đã thâu tóm được khá toàn diện và trung thực bộ mặt của báo chí công khai nước nhà từ những năm 30 dưới chế độ Pháp thuộc đến tận những năm dưới chế độ Mỹ - Ngụy ở Miền Nam sau này. Bao thăng trầm, thua hay dở của hàng mấy chục tờ báo có tên tuổi trong thời Pháp và thời Mỹ đều được Vũ Bằng với tư cách là một chứng nhân, một người hoạt động dài hơi nhất. Sau những lời hồi kể của ông, người đọc hình dung được một bức tranh khá sống động thuộc một dòng chảy khác của báo chí nước nhà mà ngày nay chúng ta rất cần nhìn ngắm lại. Cái dòng chảy đó rất phong phú và đa dạng và không kém phần phức tạp như chính tình hình chính trị - xã hội lúc đó. Nếu quên hoặc không công bằng với nó, vô hình dung chúng ta đã đánh mất hoặc làm nghèo đi một mảng quan trọng của đời sống tinh thần và trí tuệ dân tộc. Đừng quên nó, đó là điều mà Vũ Bằng đã làm được qua cuốn hồi ký này.
 


Nếu như Bốn mươi năm nói láo chỉ đơn giản là cuốn hồi ký về con đường làm báo của nhà văn Vũ Bằng, chỉ có đơn độc những sự kiện liên quan đến Vũ Bằng: nào là Vũ Bằng đã làm ở những tờ báo nào, đã viết những bài báo để đời nào, tiếng tăm ra sao một cách đơn thuần không thôi thì chắc nó sẽ chẳng được ai mó tới hoặc cùng lắm là để người ta đọc một lần tham khảo rồi thôi. Nhưng không, Bốn mươi năm nói láo lại chẳng có tí phần trăm nào tôn vinh tác giả, hay coi tác giả là nhân vật chính. Bởi nó thu nạp trong đó bao nhiêu câu chuyện lâm ly, kỳ thú về một thời sôi động của báo chí Việt Nam hàng chục năm nửa đầu thế kỷ XX, về những cây bút, những nhà trí thức nổi danh. Thế nên mỗi lần đọc tác phẩm là một lần ta khám phá, chúng ta biết thêm nhiều người đáng biết mà ta chưa biết, yêu mến thêm nhiều người đã biết mà chưa hiểu hết. Họ hoặc đã chết đi, hoặc còn sống nhưng những nhân vật ấy lần lượt xuất hiện qua ngòi bút của nhà văn, mỗi người hiến cho độc giả một vài mẩu chuyện vui có, buồn có, nhưng thật mới lạ.

Thật thế, nếu không có Bốn mươi năm nói láo ai có thể biết được Vũ Trọng Phụng viết Giông tố Số đỏ theo kiểu “ăn xổi”: “…Cứ gần đến ngày phải nộp bài cho “Hà Nội Báo” - tiểu thuyết “Giông tố” bắt đầu viết từng kỳ trên báo này - Vũ Trọng Phụng lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết kỳ trước “Giông tố” đã viết đến đoạn nào rồi không. Chẳng ai trả lời cả, bởi vì chẳng có ai đọc “Giông tố” hết. Vũ Trọng Phụng chán đời hết sức, đành phải đi tìm “Hà Nội Báo” để đọc xem mình đã viết đến câu gì, bấy giờ mới phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lại khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sanh sống” [1, tr.108]. Không đọc Bốn mươi năm nói láo, sao ai có thể biết một người nổi tiếng uyên thâm, sắc sảo như Ngô Tất Tố lại tin lời Vũ Bằng thành tâm học thuộc làu mấy từ “tiếng Pháp” do ông dạy: “đanh đông” là cái đỉnh đồng, “lơsơvơ” là anh sợ vợ, “laboratoire” là Lã Bố ra tòa... để thiếu chút nữa thì có thể uất đến thổ ra máu như Chu Công Cẩn. Đọc Bốn mươi năm nói láo người ta còn biết thêm được sự cầu kỳ của Nguyễn Tuân trong ăn uống để có thể nâng nó lên thành văn hóa ẩm thực, …

Bằng vài nét tiêu biểu, từ sự thông hiểu cũng như quen biết, những nhân dáng ấy có sự chân thật, tuy đôi lúc có chút suồng sã… Trong tác phẩm Bốn mươi năm nói láo, chân dung của những người cầm bút, đồng nghiệp của Vũ Bằng được hình thành với tất cả những nét đặc thù: Hoàng Tích Chu, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Tychia Đái Đức Tuấn, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Đào Trinh Nhất, Tô Hoài,... toàn là những tên tuổi của một thời văn học. Những nét chấm phá thật sinh động, là sự thực của đời thường, nên có sức lôi cuốn và những chi tiết sống thực ấy làm cho người đọc hiểu rõ ràng hơn về trường hợp sáng tác cũng như những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm…

3. Nét đặc sắc trong phương thức thể hiện

Ngôn ngữ trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo được Vũ Bằng sử dụng một cách độc đáo, thể hiện được những nét tính cách riêng của nhà văn. Thông qua những dòng hồi tưởng của mình, hồi ký thông thường là ngôn ngữ độc thoại của nhà văn nhưng ở Bốn mươi năm nói láo người đọc cảm nhận dường như nhà văn đang thể hiện những tâm trạng, những dòng hồi kể của mình dưới dạng ngôn ngữ đối thoại. Người đọc có thể lắng nghe một cách thú vị hai cái “tôi” đã được tác giả phân thân qua tính chất của lời nói, cho phép sự trở đi trở lại uyển chuyển giữa quá khứ và hiện tại, giữa phân tích và lời nhắc lại, bộc lộ khao khát vươn tới cội nguồn những kỷ niệm với những cuộc gặp gỡ lớn in dấu trong cuộc đời tác giả.

Ngôn ngữ trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo cũng thể hiện tính trào lộng. Tính trào lộng được thể hiện ngay trong tiêu đề của tác phẩm. Tính tự trào, hài hước trong tác phẩm còn được Vũ Bằng thể hiện qua cách sử dụng câu chữ một cách khéo léo theo kiểu chơi chữ tạo cho người đọc những ấn tượng và bị thu hút.

Có thể nói toàn bộ áng văn xuôi này là tâm tình của tác giả với bạn đọc và những tâm tình ấy được giãi bày trong sự tha thiết đến chới với, muốn nói thật nhanh, muốn nói ra bằng được những điều bấy lâu dồn ép, và lấy việc được bộc lộ tình cảm, thái độ của mình trước những gì đã qua làm sung sướng.

Cũng vì chú ý giữ lấy tính chất tự nhiên của câu chuyện, và sẵn sàng xem việc viết ra là để thoả mãn nhu cầu của bản thân hơn là cho một công chúng giả tưởng nào đó được đọc, tác phẩm văn xuôi này của Vũ Bằng còn nổi bật lên với một giọng điệu riêng khó lẫn với người khác. Bốn mươi năm nói láo là một hồi ký đa giọng điệu với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giọng của một nhà văn và giọng của một nhà báo.

Ngay từ những trang viết đầu tiên người đọc đã bắt gặp một giọng điệu mỉa mai, tự trào của tác giả khi đọc tiêu đề Bốn mươi năm nói láo Bên cạnh một sắc giọng chua xót tự trào của nhà văn chúng ta còn bắt gặp trong tác phẩm một cái tôi hồi tưởng của nhà văn thông qua những dòng hồi ức mang đậm chất suy tư, mượt mà giàu chất thơ. Và có lẽ “Làm báo lưu động ở khu Ba” là một phần viết hay nhất trong tập sách, bởi ngòi bút ông đã đi trọn trong dòng mạch đỏ của cảm xúc: “Sống cả một kiếp ở nội thành ông thừa nhận - không thể có những phút giây thương thương như thế” [1, tr.394]. Phút giây ấy là những phút giây cảm nhận của Vũ Bằng về tấm lòng của nhân dân vùng hậu phương kháng chiến khi ngày đầu mới chống Pháp. Tiếc rằng Vũ Bằng đã không được nhiều “những phút giây thương thương như thế” trong suốt cuộc đời làm báo và hoạt động cách mạng của mình.

Xuyên suốt cả hơn ba trăm trang sách của mình, người đọc thấy ở Vũ Bằng toát lên một giọng chủ đạo đó chính là sự suy tư và hồi tưởng của tác giả về những gì đã qua. Đó còn là một sự soi lại mình và soi lại xã hội của tác giả một cách nghiêm cẩn để đi từ sự lầm lạc trong suy nghĩ đến một sự thức tỉnh trong nhận thức về nghề nghiệp và vai trò của mình trong xã hội. Chính sự nghiêm cẩn đó đã giúp tác giả và những người làm báo cùng thời với ông nhận ra một điều rằng: người đời nói làm báo là “nói láo ăn tiền”, mặc họ; nhưng người làm báo chân chính không thể và không bao giờ quan niệm nghề nghiệp của mình như vậy. Hơn ai hết họ biết báo chí là bộ môn văn hóa phản ánh sinh động nhất, đầy đủ nhất tinh thần cho một chế độ, cho một xã hội.

*

Hồi ký ­Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng là tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các đặc điểm, tính chất của ký văn học và ký báo chí. Với tính chất phác họa bức tranh lịch sử báo chí nước nhà, tác phẩm mang đôi chút hơi thở của một tác phẩm hồi ký báo chí. Nhưng với chất giọng giàu suy tư và tình cảm cũng như những hình tượng mà nhà văn đã xây dựng nên nó lại mang đậm tính chất của một hồi ký văn học.

Nếu như với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, trên cảm hứng sáng tạo về tình yêu dân tộc, yêu quê hương Vũ Bằng đã gợi lên một nỗi buồn nhớ của con người thuở đất nước chia cắt làm hai miền, ở những gam màu này ta thấy lòng yêu nước, yêu đất đai của con người giăng mắc, vấn vương từ muôn ngàn sự việc ngỡ như bình thường, nhỏ nhoi, như vô cớ, không đâu mà lại thắt buộc bền chắc cả đời người. Thì cũng con người tài năng ấy nhưng khi đọc và cảm nhận những trang mà Vũ Bằng viết về năm tháng sống và làm báo qua hồi ký Bốn mươi năm nói láo người đọc lại cảm nhận dường như ông đang thể hiện tiếng lòng của mình với tâm huyết của một đời làm báo.

Có thể nói với Bốn mươi năm nói láo người đọc ấn tượng với tác phẩm ngay từ trong tên tiêu đề với nhiều ẩn chứa nghệ thuật bên trong cũng như cách sử dụng ngôn ngữ vừa bình dị dân dã nhưng mang lại hiệu quả nghệ thuật cao phù hợp với chất giọng vừa có phần chua xót, vừa có chút gì tự trào ngông với đời nhưng cũng đầy suy tư và chiêm nghiệm về sự nghiệp, cuộc đời, xã hội. Đồng thời với tài năng của một nhà văn, nhà báo lão thành, Vũ Bằng đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa ký báo chí và ký văn học để tạo một phong cách và hơi thở riêng cho tác phẩm của mình. Chính những điều này thể hiện được nét phong cách và giọng điệu riêng của một nhà văn, nhà báo đầy tâm lực Vũ Bằng.

V.X.T
(SDB 6-12)














 

Các bài mới
Các bài đã đăng