Nghiên Cứu & Bình Luận
Kinh cầu tự - lời nguyện cầu sự sống và khát vọng sáng tạo
10:45 | 28/12/2012

ĐỖ HẢI NINH

Quan sát hành trình Thơ mới, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vào đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Thơ mới bắt đầu có dấu hiệu chững lại, thậm chí khủng hoảng về cảm hứng và thi pháp.

Kinh cầu tự - lời nguyện cầu sự sống và khát vọng sáng tạo
Nhà thơ Huy Cận - Ảnh: internet

Điều ấy đúng nhưng chưa đủ, bởi ngay trong thời khắc thoái trào ấy, nhiều cây bút vẫn nỗ lực tìm kiếm sự đổi mới mà bằng chứng rõ rệt nhất là sự xuất hiện của Xuân thu nhã tập (1942), và sau đó, là nhóm Dạ đài (vừa gắn với sự phong trào làm mới thơ Việt từ 1932, vừa như một hình thức muốn vượt thoát thi pháp lãng mạn) với Bản tuyên ngôn tượng trưng (1946). Cũng chính trong thời gian này, một số nhà thơ đã cố vượt lên mình bằng “những cảm hứng khác và những phương thức thể hiện khác”, như Chế Lan Viên với tập văn xuôi triết lý Vàng sao, và Huy Cận với Kinh cầu tự (1)...

Trong sự nghiệp văn chương Huy Cận, Kinh cầu tự không phải là một đỉnh cao nhưng lại khá độc đáo và có vai trò nhất định trong con đường nghệ thuật của ông. Hơn thế, quyển sách hé cho ta thấy sự đa dạng và thống nhất trong “ngọn triều đông” Huy Cận: nếu Lửa thiêng âm bản của sự sống qua cái nhìn thê lương, chán nản thì Kinh cầu tự dương bản chứa đựng một niềm tin, một niềm hy vọng. Cả hai dường như đối lập nhưng lại thống nhất hài hòa trong “linh hồn trời đất” Huy Cận.

Thực ra, ngay từ khi xuất hiện, Kinh cầu tự không được đánh giá cao, thậm chí được coi là tiêu biểu cho sự non nớt và bế tắc của Huy Cận(2). Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã chỉ ra rất nhiều hạn chế và khẳng định “tập tư tưởng không có cái giọng buồn như Lửa thiêng, vì ở đây tác giả muốn cầu Sự Sống”. Ông phê phán Huy Cận: Mục đích cầu sự sống mà lại dùng chữ “cầu tự” là “chỉ để cho lạ tai, chứ về nghĩa, thật vô nghĩa”, bởi vì “đã có một sự sống mà còn cầu một sự sống cao hơn thì cũng giống như những người đã có con trai nhưng nó không vừa ý mình, nên muốn cầu một đứa con trai nữa thông minh hơn”. Ở đây, Vũ Ngọc Phan đã không nhận thấy hàm ý sâu xa hơn của nhà thơ, bởi với Huy Cận, cầu tự, cầu sự sống là cầu sự sinh sôi nảy nở, cầu cho sự khai tạo, chứ không nên bó hẹp cầu tự: cầu con trai. Huy Cận viết: “kinh cầu tự của muôn loài - của muôn kiếp tàn khô” cất lên lời cầu nguyện của những người vợ không con, những cây không hoa, không trái, những thi sĩ không thơ,… Chính tại đây, người đọc sẽ nhận thấy sự tha thiết của Huy Cận với cõi đời. Coi Kinh cầu tự là tập văn tư tưởng, Vũ Ngọc Phan đã so sánh tác phẩm này với Pensées của Pascal và đi đến kết luận “Huy Cận gắng sức viết được Lửa thiêng nên dù mới 23 tuổi ông đã tưởng mình lịch duyệt lắm rồi và cần phải soạn ngay một tập tư tưởng để răn dạy người đời”. Những ý kiến có phần khe khắt của Vũ Ngọc Phan đã ảnh hưởng khá sâu sắc đến những thế hệ tiếp sau khi đánh giá về Kinh cầu tự. Chẳng hạn, trong Lược sử văn nghệ, Thế Phong nhận xét: “Năm xuất bản tập thơ đầu tay mới là chàng thi sĩ đôi mươi. Rồi cho xuất bản sách khảo luận giáo dục Kinh cầu tự thì tầm thường, giả tạo, vu vơ không gây được ảnh hưởng. Nói về ông chỉ có thơ”(3). Dễ thấy rằng ý kiến của Thế Phong chưa thỏa đáng, bởi vì trước hết Kinh cầu tự không phải là tập khảo luận giáo dục và đọc kỹ tác phẩm thì sẽ khó có thể gọi đó là “tầm thường, giả tạo, vu vơ”. Đúng là so với thơ, mà cụ thể là Lửa thiêng, chất lượng nghệ thuật của tập văn xuôi này không thể sánh bằng, nhưng rõ ràng, Kinh cầu tự hàm chứa trong đó những giá trị nghệ thuật không thể chối cãi. Đó là lý do ngay từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước, Hội - thống Vũ Văn Lợi khi bàn về Kinh cầu tự đã nhắc đến Paul Bourget với Le Sense de la mort (Nghĩa của cái chết), và Edouard Rod với Le Sense de la vie (Nghĩa của sự sống) để lưu ý rằng, ý nghĩa của sự sống và sự tồn vong của muôn vật xưa nay đã khiến bao người phải suy nghĩ mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Vũ Văn Lợi cắt nghĩa: “May thay, ông Huy Cận, đầy một lòng tin tưởng và tín nhiệm vào cuộc đời đã cho ta biết “Nghĩa sự sống” một cách gọn gàng, minh bạch trong tập Kinh cầu tự (...) “Nghĩa sự sống? Chỉ là lòng yêu sự sống mà thôi”. Tuy nhiên, cho dù rất thiện cảm với quyển sách, Vũ Văn Lợi cũng nhận thấy những điểm bất cập của Huy Cận là đã “đứng ở phương diện tình cảm để giải quyết vấn đề thuộc siêu hình học”, “có mâu thuẫn trong tư tưởng”, “lời văn tuy chải chuốt nhưng hiềm vài chỗ trúc trắc, sỗ sàng”, vì thế, Kinh cầu tự vẫn “chưa phải là cuốn sách gối đầu giường cho thanh niên nam nữ”(4). Sau 1945, do ảnh hưởng của cái nhìn giai cấp luận, Thơ mới nói riêng, văn học lãng mạn nói chung bị ghẻ lạnh, và tất nhiên, những quan điểm của Huy Cận trong Kinh cầu tự cũng không được để ý và không được đánh giá cao. Thậm chí, Kinh cầu tự gần như bị lãng quên.

Sở dĩ ngay từ khi ra đời, Kinh cầu tự đã bị phê phán khá nặng nề là bởi các nhà phê bình không chịu được sự kiêu hãnh và thái độ thiếu khiêm tốn bao trùm tác phẩm: “Ta nhớ lại những bà mẹ may áo cho con, trừ hao dài rộng: “lớn lên thì vừa”. Kẻ đọc ta ơi! (ta không muốn gọi người là người bạn đọc) đừng phiền lòng nhé! Ta đang may áo trừ hao cho người đây!”. Vũ Ngọc Phan lưu ý Huy Cận mới 23 tuổi với lời nhắc nhở “Pascal viết tập Pensées khi đã ngót bốn mươi tuổi, khi ấy danh tiếng ông đã lan khắp nước Pháp và mấy nước lân cận, mà trong cả tập chưa có chỗ nào ông dám lên mặt dạy đời và khinh thị độc giả...”. Hội - thống Vũ Văn Lợi cũng nhận thấy Huy Cận “quả đã hơn M. Barreé và A. Gide” khi Barreé phát biểu: “Giá tôi có tài làm thơ thời tôi ngâm vịnh để tả tấm lòng khao khát muốn nuốt cả trời xanh” và Gide khuyên ta nên vứt bỏ tác phẩm của ông sau khi đã đọc để đi sâu vào sự sống thiên hình vạn trạng. Nhưng Huy Cận đã viết những trang văn của mình bằng tất cả niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ, bằng sự gây hấn của cái individu và bằng khát vọng yêu đời sống của tuổi đôi mươi. Gốc rễ của nó cũng chính là “khát vọng thành thực” của phong trào Thơ mới! Điều này đã được Phạm Xuân Nguyên nhận thấy khi coi tinh thần kiêu hãnh và thái độ “thiếu khiêm tốn” chính là “sự điên cuồng của những người dũng cảm hát ca lên” nhằm giải phóng cá tính sáng tạo của những nhà Thơ mới(5).

Trước đây, một trong những lý do khiến Vũ Ngọc Phan không mấy mặn mà với Kinh cầu tự là bởi ông cho rằng Huy Cận đã thiển cận khi so sánh văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa: “Tâm hồn người Tàu chật chội quá. Mặc dầu đã có những thi nhân đời Đường. Chính vì đã có những thi nhân đời Đường. Trong Tạo vật chỉ thấy có cảnh trời; trong cuộc sống chỉ thấy có cảnh đời. (...) Người Tàu “nghệ sĩ” quá, không biết thấy cái huyền bí của cuộc đời. May thay! Tâm hồn Việt Nam không bị tâm hồn Tàu đè nén, và vẫn biết ngạc nhiên”. Một mặt, có thể thấy nhận xét của Vũ Ngọc Phan là xác đáng: “Sao cả cái văn hóa Tàu mà lại chỉ nói đến thi nhân đời Đường và Khổng Tử; mà về Khổng Tử cũng mới chỉ nói có một phần nhỏ?”, nhưng mặt khác cần phải ghi nhận tinh thần phản biện, óc phê phán và niềm tự hào dân tộc của Huy Cận: “Người Tàu chỉ biết cảnh mà ít biết Tạo vật. Người Tây chỉ nhận thức được cái khung thôi. Cả hai đều hẹp hòi. Phải mở hồn mà nhận lấy hồn to của vũ trụ. Hồn ấy là một khúc ca tin tưởng, một tín nhiệm vào cuộc đời”. Có thể nói, quan niệm này trước đó đã ám vào Lửa thiêng và thi phẩm này chính là sự nới rộng không gian đến vô hạn, là hình thức vượt lên sự hẹp hòi của cả người Tàu lẫn người Tây mà Huy Cận đã nhìn thấy. Hơn thế, Huy Cận biết hòa lẫn Đông - Tây trong “niềm khắc khoải không gian” bằng một thứ nghệ thuật tinh vi, hàm súc. Vậy là ngay từ thời trẻ trai, tuy không tránh khỏi sự phiến diện nhưng ở Huy Cận luôn thường trực một ý thức sâu sắc về bản ngã, tinh thần dân tộc và thái độ sẵn sàng đối thoại với tiền nhân. Nó cũng là một bằng chứng về sự hòa kết của một cái tôi văn hóa gắn liền với cái tôi nghệ sĩ đầy sáng tạo trong lộ trình đổi mới thi ca.

Ta biết rằng Huy Cận viết Kinh cầu tự sau khi Lửa thiêng đã đưa ông lên vị trí những cây bút hàng đầu của Thơ mới. Chính vì thế, Kinh cầu tự thực chất là nỗ lực kiếm cái khác, kiếm tìm hình thức biểu đạt khác, rộng hơn: trước là thơ, giờ là văn xuôi (khác về thể loại); trước là nỗi sầu vạn kỷ, giờ là niềm vui sống vô biên (khác về cảm hứng), trước là cách nói hình tượng, giờ là sự phát biểu trực tiếp tư tưởng và thái độ. Hai mặt âm bản và dương bản này tạo thành một hòa điệu thống nhất trong cảm quan vũ trụ và niềm khát sống Huy Cận. Hình thức mới này trong cách tổ chức diễn ngôn Kinh cầu tự có thể nhìn thấy qua cấu trúc bề nổi và mạch ngầm tác phẩm. Kinh cầu tự có khá nhiều đoạn in nghiêng như Lời nói đầu, một số đoạn trữ tình ngoại đề Gửi bạn, Từ biệt, và hai tiểu mục được in đậm: Cái nhục cằn cỗi và Ánh sáng. Những đoạn ngoại đề có vai trò nói thêm, giải thích và chia sẻ trực tiếp với người đọc, chẳng hạn Gửi bạn: “Những chiều thơ dại, đã có khi ta muốn cầm trái Đất trong tay mà vắt như một quả cam. Nhưng Vũ Trụ phải đâu là cửa hàng giải khát! Mà cổ ta khát khao nhường ấy, thì suối thao thao bất tuyệt mới vừa. Nay ta mang lòng ta nơi ngực làm chỉ - tuyền - cơ, ta đi tìm Nguồn, có lời nhắn bạn”. Hay đoạn thiết lập quan hệ chuyện trò, nhắn gửi: “Kẻ đọc ta ơi! Ta không muốn gọi ngươi là bạn đọc... Từ biệt là những lời dặn dò “các huyễn tưởng của tâm thần” - tức là những tư tưởng của tác giả - trước khi mở rộng cửa bước vào sân đời với những câu nhắn nhủ đầy tự tin, mạnh mẽ: “Trời đang mưa, nhưng đường còn dài, gì mà chả có lúc nắng. Gặp nắng, gặp gió cho săn chân, dẻo thịt mà đi hết thời gian. Và can đảm nhé, vì tận cuối đường, thì, bao la trong trẻo, có một trời xanh”. Chính trong những đoạn trữ tình ngoại đề này, ta thấy được rõ nhất sự tự tin, lòng kiêu hãnh, tinh thần say mê cuộc sống, và hăng hái nhập cuộc của tuổi trẻ. Mạch của tác phẩm đi từ lời cầu nguyện cho sự sống của muôn loài, tới những chiêm nghiệm về sống và chết, về nghệ thuật và sứ mệnh của thi sĩ. Cuối cùng, tác giả gói trọn những dòng suy tưởng miên man của mình bằng hình ảnh “ta tìm hồn ta như đứa bé tìm hoa trái” “Chúa Đời ơi! Ta sẽ đi tìm hồn ta trọn đời. Ta sẽ đem đến dâng Người một bận. Người sẽ ôm ta mà thương; - không phải cốt vì ta đã tìm ra hoa này, trái nọ, mà chính vì ta đã hết lòng tìm kiếm hoa trái của hồn ta”. Kết thúc tác phẩm là đoạn cầu nguyện tràn ngập Ánh sáng với sự thăng hoa của cảm xúc hân hoan, rạng rỡ. Kinh cầu tự có cấu trúc lạ và độc đáo, đầy ấn tượng, mặc dù không dễ đọc và không dễ dàng được chia sẻ.

Trong Kinh cầu tự, Huy Cận cầu sự sống cho muôn loài cằn cỗi, héo hon, những cây không hoa trái, những mạch đất héo tàn, những nghệ sĩ không sáng tạo, những người vợ không con,... Với ông cằn cỗi là cái nhục, cái buồn của người đàn bà không con với cái sầu của một vừng sao giá lạnh. “Cầu tự: xin mang sự sống vào lòng, nghe cái đời lên mộng trong da thịt”. Cầu Thượng đế ban sự sống cho muôn loài bằng những lời khẩn cầu tha thiết, tác giả dần bộc lộ ý tưởng độc đáo. Nhà thơ diễn tả một cách tinh tế và thấm thía cái buồn, cái đau, cái nhục khi thiếu sự sống, đó là “Cái buồn của người đàn bà không con với cái sầu của một vừng sao giá lạnh”, “Sắc không nở, hương không xông, ngày tháng kêu lên trời cao một lời góa bụa”. Đi tìm ý nghĩa cuộc đời, tác giả bày tỏ niềm vui được sống và lòng yêu cuộc sống: “Ngọn triều lên xuống với ngực ta đang thở, ôi vui sao! Đời trẻ như chàng trai mười sáu. Thơm sao sự sống tưng bừng! Ta ôm sự sống, ta hôn cuộc đời. Vui này tinh khiết như bóng trăng, như sương, như gió”. Niềm vui trong Kinh cầu tự khác với niềm vui trong trẻo, mộng mơ, háo hức vào đời “được khơi dậy từ thiên đường trần thế của tuổi học sinh” ở Lửa thiêng. Và khát vọng sống vươn tới sự tột đỉnh bằng một giọng đầy tự tin, kiêu hãnh: “Hãy nâng sự sống lên cao, rồi khi đến tột cùng hãy chết ở đấy, Ta cốt đến hoàn toàn, tuyệt đích; nhưng phải đâu ở mãi đấy mà phè phỡn hồn ta. Ta sẽ tìm đỉnh khác mà leo, và nếu cần, ta sẵn sàng xuống đáy để rồi lại lò mò lên chóp”. Đây là lời nguyện cầu sự sống với niềm khát khao mãnh liệt, nhưng sẵn sàng chết đi cho sự sống lên cao, dám thay vỏ lột da, “hy sinh cho cái sống đang ùn sau lưng được ra trước mặt mà thẳng tiến”, “ta tạo ra thì một phần ta phải chết, ta phải bỏ một thời của ta đi, cho thời khác xuất hiện, cho một cái ta mới ra đời”. Thái độ tích cực được thể hiện ở tình yêu sống nhưng không ngại ngần đối diện với cái chết và luôn lạc quan khi nghĩ về nó: “Công dụng của vật chất, của cái chết: nhân sự sống lên hoài, dàn sự sống ra mãi. Cái chết là niềm vui thao thức của bánh xe sự sống quay vòng đó thôi!”. Những suy tưởng của Huy Cận trong tập văn xuôi này giàu màu sắc triết lý, chất chứa sức nặng tư tưởng. Tác giả cho thấy sự suy tư nghiêm túc trước cuộc sống qua những điều được đúc rút: “Sống với cho là một”, “ta tự bằng lòng vì ngày mai còn sống, chứ phải đâu vì đã sống xong hôm nay”. Vừa lạc quan, tin tưởng, vừa say sưa, hào hứng nhập cuộc, Huy Cận viết: “Có lẽ nếu ta không tin là ngày mai mặt trời lại mọc thì mặt trời chẳng bao giờ mọc nữa”.

Quan niệm về nghệ sĩ, nhà thơ, tác phẩm cũng được thể hiện khá rõ trong Kinh cầu tự. Những đoạn cha tâm sự với con về đọc thơ, làm thơ, người đọc ngày nay có thể chấp nhận được, mặc dù diễn đạt còn vụng về nhưng xét về ý tưởng, đó là những so sánh khá độc đáo và giàu hình ảnh: “Đọc thơ cũng tổn thọ như làm thơ”, “Cái chết của kẻ thơ là cái chết lăng trì”,... Kinh cầu tự dành nhiều trang suy tưởng về nghệ thuật và nhất là suy ngẫm về sứ mệnh của nghệ sĩ. Thi sĩ là người mang khát vọng lớn, tâm hồn rộng mở và trái tim nồng nhiệt: “Anh hãy dơ tay mà vắt lại trời đất”, “Và ta chớ ngạc nhiên nếu sớm mai thi sĩ sẽ chết. Thi sĩ chết nhưng sự sống vẫn còn, trăng sao vẫn đẹp, trăng sao đã mê chàng thi sĩ đêm đêm lại về”, “Tôi muốn lòng anh như đóa hoa gạo nở mạnh, chói hồng, dâng lên trời xanh”, “Hồn thi sĩ cuối đời xanh ngắt đó chăng?… “Khi chết đi, hồn anh xanh; hồn anh xanh để rộng khoáng với trời”, “Thi sĩ ơi! Tôi yêu anh vì anh là người cổ nhất. Cổ nhất mới thành mới nhất được. Trong máu anh còn sôi giòng lửa sơ khai của Vũ Trụ buổi đầu…”. Đó là những chiêm nghiệm được rút ra từ bản thân trải nghiệm nhà thơ, là lời chia sẻ với những người “đồng bệnh tương liên” và cũng là lời tự dặn chính mình.

Huy Cận cũng là người ý thức rất rõ về bản chất của sáng tạo nghệ thuật, những suy ngẫm đó được hình thành ngay khi còn rất trẻ, những năm tháng của tuổi hai mươi: “Tả sự sống không cần mấy. Tạo thêm sự sống mới là tối cần, mới là nghệ thuật cao đẳng”, “mỗi công trình sáng tạo đều mang dấu hiệu của một niềm chung vui, một tiếng gọi đàn”,… Ý tưởng này về sau được nhắc lại, triển khai kỹ hơn trong Suy nghĩ về nghệ thuật (1982). Sự giàu có về tư tưởng và văn hóa của Huy Cận không phải bỗng dưng mà có, nó được khởi đầu ngay từ tuổi đôi mươi và được bồi đắp, nhân rộng cùng thời gian. Bởi vậy, từ Lửa thiêng đến Kinh cầu tự chính là một hình thức vượt qua lối mòn để tìm đến một hình thức sáng tạo mới. Điều này cũng được ông nhắc đến khá nhiều trong Kinh cầu tự: “lòng biết ơn tai hại nhất là khi mình biết ơn tác phẩm mình, trung thành với hành vi của mình” và “Mỗi tác phẩm phải kết liễu một đoạn đời. Hơn thế nữa: tác phẩm phải xong để cho đoạn đời phải hết, đừng dây dưa quá hạn, quá kỳ”. Những suy nghĩ của Huy Cận tích cực ở chỗ ông luôn thúc giục người nghệ sĩ không bằng lòng với cái đã có, luôn có ý thức: “Việc phải làm là một cuộc tiễn đưa, phải là sự quên lãng. Tiễn đưa một cái ta đã chín”. Bằng lối viết giàu tính tự sự, tác giả chia sẻ một cách chân thành “những tư tưởng, những ý nghĩ của tôi gởi cho anh đây, tôi đã đau khổ vì chúng. Một ít tôi chết đi cho chúng ra đời… Đây là máu mủ của tôi, xin anh hãy nhận lấy. Máu: sự sống của tôi; và mủ: đau khổ của tôi”.

Tên tác phẩm và kết cấu của Kinh cầu tự khiến cho nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến hơi hướng tôn giáo trong tập văn xuôi này. Cũng giống như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, những nhà thơ mới bị cuốn hút bởi triết lý “hư vô sâu thẳm” của ngọn nguồn tôn giáo, nhưng đây không phải là một tôn giáo với những con chiên ngoan đạo. Trong Lửa thiêng, ngay từ những bài đầu tiên như Trình bày, Thân thể Huy Cận cầu nguyện trước Thượng đế, nhưng tất thảy sự nguyện cầu ấy là để không bị lạc loài với nòi giống, không bị lìa xa cõi thế, bởi trước sau, Huy Cận vẫn gắn với đời, vẫn lắng nghe những chuyển động của Xuân ý và những cựa mình của sự sống. Trong con mắt Huy Cận, sự thờ phụng lớn nhất mà ông hướng tới chính là Chúa Đời với tất cả niềm hân hoan và đau khổ, gần gũi mà cao vợi. Chúa Đời không nằm đâu xa, nó nằm ngay trong bản thể tâm hồn Huy Cận, nằm trong mạch đập và tiếng vọng của sự sống mà ông đã lắng nghe bằng “cái nghiêng tai kỳ diệu” của mình. Đến đây ta hoàn toàn có thể nhận thấy tư tưởng Huy Cận trong Kinh cầu tự thống nhất với thơ ông: yêu tạo vật, khát khao hướng tới sự sống hòa điệu: “Có lẽ tạo vật đau thương, đất trời vắng lặng vì nỗi lòng ta xa cách tạo vật đó thôi. Ta hãy trở về, ta hãy nhập cuộc, có nhịp sống đưa nâng, có dòng đời xô đẩy, cái vui lớn, cái vui trọng đại dâng sóng tràn khắp cõi đời”.

Bản năng là một nhà thơ nên văn xuôi của Huy Cận đượm chất thơ. Chất thơ trong Kinh cầu tự không quá đậm nhưng đã mang lại cho tác phẩm sự uyển chuyển, mượt mà. “Mùa hoa lau nở: Lơ thơ trên đồi những chùm lau mảnh khảnh, hoa thì tím, lá thì lục, màu tím rất xưa, nhẹ nhàng phảng phất như tâm hồn một giai nhân thời trước”, “Âm nhạc tỏa hồn, không gian nức nở. Chiều xưa trên phố đông chỉ nghe những gót giầy nện mạnh. Đời như u uất và mây cũng hết xa xôi. Bỗng tiếng đàn lên, những mảnh hồn về, ào ào như gió. Ngón nào đã gọi nhớ nhung, quá khứ?”, “Ta đã khóc những ngày tàn lạnh lẽo, những phút vô duyên phí bỏ tuổi măng tơ”. Nhịp điệu, tiết tấu khi gấp gáp, mạnh mẽ, khi trầm bổng khoan thai, là những bổ trợ cần thiết cho dòng suy tưởng triết lý của tác giả. Bên cạnh việc xây dựng những hình tượng phong phú với hai trục song song: cái buồn của cuộc đời - cái vui của Sự Sống, Huy Cận đã sáng tạo ngôn ngữ mới lạ mang đầy hơi thở phập phồng của cuộc sống như “ngọn Đời vút thẳm”, “kêu lên trời cao một lời góa bụa”, “thớ thịt giăng mành”, “hoa sống”,… Đây là những cách dùng từ táo bạo, độc đáo, qua đó cho thấy khát vọng sáng tạo và sự lao động cần cù của Huy Cận với từng con chữ.

Sau những khắt khe và dè dặt vì nhiều lý do khác nhau, với độ lùi thời gian khá dài, năm 1990 trong Văn học Việt Nam 1945 - 1975, Nguyễn Văn Long hoàn toàn có cơ sở khi đưa ra nhận định: “Kinh cầu tự Vũ trụ ca được viết trong khoảng 1940 - 1943 là một nỗ lực của Huy Cận đi tìm lối thoát cho thơ mình. Tập văn xuôi triết lý Kinh cầu tự ghi lại nhiều ý nghĩ của Huy Cận về cuộc đời và nghệ thuật. Trong sự bối rối và bế tắc về tư tưởng nghệ thuật, Huy Cận tìm lối thoát vào vũ trụ, thiên nhiên, đưa ra một triết lý cho niềm vui siêu thoát ấy”. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Kinh cầu tự đã được nhắc đến nhiều hơn với vai trò nhất định trong sự nghiệp văn chương Huy Cận(6). Nói khác đi, trong hình dung của giới nghiên cứu hôm nay, cả hai, Kinh cầu tự Lửa thiêng, mỗi tác phẩm đều hé mở cho người đọc một góc nhìn mới về bản thể Huy Cận, một bản thể gắn đời, khát đời và tận hiến cho nghệ thuật. Đó cũng điều cốt lõi để những giá trị nghệ thuật xuất sắc nhất của Huy Cận đủ sức vượt qua bức tường âm thanh để tồn tại cùng sự trường cửu của thời gian.

Đ.H.N
(SH286/12-12)



-----------------------------------------------------------
(1) Tác phẩm Kinh cầu tự in lần thứ nhất do “Mới” xuất bản năm 1942, trên bìa không ghi tên thể loại. Trong Tuyển tập Huy Cận (tập 1 năm 1986, tập 2 năm 1995), nhiều đoạn đã được cắt bỏ, chỉnh sửa: những lời dẫn vào tác phẩm, đoạn triết lý về tình thương và lòng thương hại từ trang 28 -31, những cảm xúc về giai nhân ở tr 53 - 54, câu “Sông cứ trôi đi, mặc cha cái bến và người ở trên” được sửa lại thành “sông cứ trôi đi, mặc kệ cái bến và người ở trên”,... Sau khi sửa chữa và cắt gọt để xóa đi ấn tượng “lối văn ngập ngừng, bỡ ngỡ”, tác phẩm cũng không còn giọng ngang tàng, khoảng đạt như lần đầu xuất bản.

(2) Trong nghiên cứu về Huy Cận trước đây, Kinh cầu tự thường bị bỏ qua, nếu có nhắc đến thì hoặc chỉ bằng vài câu đánh giá thoáng qua hoặc là thể hiện thái độ phủ nhận. Nhìn lại lịch sử tiếp nhận tác phẩm này, có một số lý do để giải thích điều đó: do Kinh cầu tự là văn xuôi của một nhà thơ thành danh nên ít được chú ý, do ảnh hưởng cách đánh giá của những nhà phê bình đi trước, do bản thân cách viết của tác giả, giọng văn, tên tác phẩm và vấn đề thể loại. Trong sự nghiệp văn chương thành công rực rỡ của Huy Cận, Kinh cầu tự chỉ là một tập văn xuôi, tức là một tác phẩm tay trái của nhà thơ, bởi vậy tác phẩm ít giành được sự quan tâm của người đọc cũng là điều dễ hiểu. Sở trường của mỗi tác giả chỉ ở một lĩnh vực nào đó, thành công ở một giai đoạn nào đó, chẳng hạn như ít ai biết cây bút truyện ngắn Nam Cao đã từng viết thơ với bút danh Thúy Rư, Nhiêu Khê nhưng không thành công nên sau đó chuyển hẳn sang truyện ngắn. Với Huy Cận, sau khi xuất bản Kinh cầu tự nhận được khá nhiều lời chỉ trích, ông quay lại chuyên tâm đầu tư vào thơ hơn, khác với Xuân Diệu, hăng hái và liên tục thể nghiệm ở nhiều thể tài khác nhau như trường ca, bút ký,... Tuy vậy, tư tưởng nhân sinh tích cực và quan điểm nghệ thuật trong Kinh cầu tự vẫn được Huy Cận tiếp tục phát triển và thể hiện trong những chặng đường sáng tác tiếp theo.

(3) Nguồn: newvietart.free. fr

(4) Tri tân số 55, 21 Jullet, 1942, tr. 18

(5) Phạm Xuân Nguyên. Điều kiện cần và đủ để có tác phẩm hay, Nguồn: http://nhavan.vn

(6) Trong các nghiên cứu về Huy Cận giai đoạn sau này, Kinh cầu tự đã được đánh giá khách quan hơn, chẳng hạn: Trần Khánh Thành trong bài tổng kết Huy Cận từ Lửa thiêng đến Lời tâm nguyện cùng hai thế kỷ khẳng định quan điểm nhân sinh tích cực được thể hiện trong Kinh cầu tự, “quan niệm đó đã tạo thành kiểu tư duy nghệ thuật độc đáo chi phối cách nhìn cách cảm và thế giới nghệ thuật thơ Huy Cận”.  








 

Các bài mới
Các bài đã đăng