Nghiên Cứu & Bình Luận
Tinh thần dân chủ lý luận như một thành tựu và như một kinh nghiệm
10:57 | 27/11/2008
PHAN TRỌNG THƯỞNGLTS: Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2006, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc. Trên 150 nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đã tham dự và trình bày các tham luận có giá trị; đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực của đời sống lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện đại ở nước ta, trong đối sánh với những thành tựu của lý luận – phê bình văn học nghệ thuật thế giới.

Với tinh thần dân chủ và học thuật, các nhà lý luận, phê bình, nghiên cứu đã nêu và thảo luận rất sôi nổi, đúng trọng tâm những vấn đề có liên quan đến khoa nghiên cứu văn học, đến tính khoa học và hiện đại của công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật.
Sông Hương trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS. Phan Trọng Thưởng – Viện trưởng Viện Văn học phát biểu tại Hội nghị.

1. Thống nhất cách hiểu khái niệm dân chủ lý luận
Từ trong bản chất của nó, lý luận là kết quả của hoạt động tư duy lôgic và tư duy trừu tượng; là khả năng nhận thức khái quát; khả năng trừu suất và đúc rút vấn đề; khả năng phân tích và tổng kết hoạt động thực tiễn... Để có thể hoạt động lý luận cần phải có phẩm chất tư duy; có kiến thức lý luận tổng hợp và chuyên ngành; có trình độ am hiểu thực tiễn và năng lực nghiên cứu khái quát... Do vậy, lý luận, nhất là lý luận chuyên ngành, khó có thể là sự nghiệp của số đông, và dân chủ lý luận không có nghĩa là toàn dân làm lý luận. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, ở lĩnh vực lý luận, tư cách và phẩm chất chuyên gia, tư cách nhà hoạt động chuyên môn được thể hiện và đề lên hàng đầu. Vậy nên hiểu như thế nào về dân chủ lý luận?

Trước hết, dân chủ lý luận cần được hiểu là quyền độc lập suy nghĩ; quyền được công khai tư tưởng; quyền bảo vệ và bảo lưu ý kiến đề xuất của cá nhân khi ý kiến đó không phản tiến bộ, không đi ngược lại lợi ích của dân tộc; là quyền được phản biện lại các quan điểm, học thuyết trên tinh thần khách quan khoa học. Cùng với các quyền này, dân chủ lý luận được thể hiện ở thái độ coi trọng sự nghiên cứu, tiếp thu và phê phán đúng mức; mở rộng khả năngå lựa chọn và diện tham bác, tham khảo, làm chủ các nguồn thông tin, không sùng bái cá nhân, kỳ thị hoặc định kiến.
Dân chủ lý luận là tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý, là ý thức trách nhiệm cao về các kiến giải, đề xuất của mình nhưng không rơi vào sùng bái cá nhân bảo thủ, trì trệ.
Và cuối cùng, dân chủ lý luận là sự đảm bảo nguyên tắc xuất phát từ thực tiễn và hướng tới lý giải thực tiễn, hướng tới sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.
Với cách hiểu khái niệm dân chủ lý luận như vậy, chúng ta có căn cứ để nhận thức rõ hơn về thành tựu và những kinh nghiệm lý luận đã đạt được trong mỗi thời kỳ.

2- Tinh thần dân chủ lý luận như một thành tựu và như một kinh nghiệm
Phát huy tinh thần dân chủ trên mọi mặt của đời sống xã hội được xem là một thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới do Đảng ta phát động từ 1986 đến nay. Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, lý luận và phê bình nói riêng, tinh thần dân chủ thực sự trở thành động lực thúc đẩy tiến trình đổi mới tư duy lý luận và hoạt động sáng tạo.
Suy nghĩ rộng ra chúng ta sẽ thấy, tuy bài học về tinh thần dân chủ lý luận có vẻ thời sự, có vẻ mới, nhưng những kinh nghiệm rút ra từ vấn đề này thì không mới chút nào. Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của lý luận văn học và mỹ học hiện đại ở Việt Nam từ những năm ba mươi của thế kỷ XX đến nay có thể bước đầu gợi được những suy nghĩ, chiêm nghiệm bổ ích.

Trước hết, hãy trở lại với giai đoạn văn học 1930 – 1945. Có thể xem đây là giai đoạn phát triển đột biến của lịch sử văn học dân tộc. Trong hoàn cảnh của một nước thuộc địa, tuy không tránh khỏi sự kiểm duyệt của chính quyền thực dân, nhưng văn học nghệ thuật và báo chí vẫn tận dụng được các cơ hội để phát triển và đạt được những thành tựu rực rỡ. Nhất là từ giữa những năm ba mươi trở đi, dưới ảnh hưởng của những tư tưởng dân chủ tiến bộ từ phong trào Mặt trận bình dân, những tư tưởng chính trị, xã hội và văn học càng có điều kiện để nảy nở và phát huy ảnh hưởng một cách công khai trên văn đàn và báo giới. Có lẽ chỉ kém bây giờ, còn chưa bao giờ báo chí ở nước ta lại phát triển nhanh, phong phú và đa dạng như thời kỳ này. Cũng chưa bao giờ trong lịch sử văn học dân tộc lại cùng lúc xuất hiện nhiều nhân tài; nhiều trào lưu, khuynh hướng trường phái chính trị tư tưởng, văn chương nghệ thuật và học thuật đến vậy. Có thể xem đây là thời kỳ phục hưng mạnh mẽ của tư tưởng và văn chương học thuật dân tộc. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã tiếp xúc, tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của hầu hết các trào lưu tư tưởng mỹ học, các phong cách nghệ thuật của thế giới để từ đó hiện đại hoá văn học dân tộc. Ý nghĩa cách tân, cách mạng và những thành tựu nhiều mặt của văn học thời kỳ này, cho đến nay vẫn được xem là đỉnh cao, là hiện tượng khó lặp lại.

Giới nghiên cứu có thể đưa ra nhiều lý do để giải thích hiện tượng này, nhưng một trong số các lý do quan trọng là trong khi chính quyền thực dân đặc biệt chú ý đến những khác biệt về tư tưởng chính trị đối kháng để bóp nghẹt và kiểm duyệt thì ở lĩnh vực văn hoá và văn chương học thuật, dưới sức ép của những trào lưu tư tưởng tiến bộ, trong một phạm vi nào đó, chính quyền thực dân buộc phải chấp nhận tinh thần tự do, dân chủ của các cá nhân và các nhóm phái. Ở những thời điểm nhất định, các tổ chức, khynh hướng, nhóm phái công khai tôn chỉ mục đích của mình trên các diễn đàn và trên mặt báo; công khai tranh luận, ủng hộ hoặc chỉ trích, phê phán lẫn nhau. Các tư tưởng thông qua cọ sát, tranh biện để mở rộng ảnh hưởng và tồn tại. Chính trong hoàn cảnh đó, những tư tưởng văn học vô sản và lý luận văn học mác xít của Hải Triều cùng các đồng chí của ông đã tận dụng được cơ hội để truyền bá và gây được ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống xã hội và văn học, tạo sơ cở lý luận đầu tiên cho sự hình thành, phát triển của dòng văn học yêu nước và cách mạng sẽ trở thành dòng chủ lưu trong các giai đoạn sau này. Và cũng chính trong hoàn cảnh đó, những tư tưởng văn chương suy đồi, phản tiến bộ, trái với xu thế lịch sử dần dần bị tan rã, tiêu vong mà không cần đến bạo lực hành chính.
Thiết nghĩ, tinh thần dân chủ và công khai, động cơ tranh luận trung thực khá phổ biến ở thời kỳ này đáng để chúng ta suy nghĩ.

Bước sang giai đoạn 1945 – 1954, trong không khí tự do và thiết chế dân chủ mới, với phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng, đặc biệt là tư tưởng đại chúng, nhân dân và quần chúng vừa trở thành đối tượng, vừa trở thành chuẩn mực, khuôn thước của sáng tạo nghệ thuật. Tư tưởng dân chủ mới và tinh thần tự do đã dẫn đến các cuộc tranh luận về quan điểm văn học nghệ thuật diễn ra khá sôi nổi và gay gắt trong các năm từ 1948 đến 1950. Có thể xem đó là cuộc đấu tranh để đi đến sự thống nhất tư tưởng – nghệ thuật của giai đoạn nhận đường, giai đoạn hợp lưu, hội tụ của văn học nghệ thuật cách mạng. Nghiên cứu lại báo chí và các biên bản Hội nghị như Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (1949), Hội nghị tranh luận sân khấu Việt Bắc (1950) v.v... có thể thấy tinh thần dân chủ và công khai; tinh thần trách nhiệm trước cá nhân và đoàn thể, cao hơn là trước kháng chiến và dân tộc; tinh thần tranh luận, chỉ trích và phê phán luôn luôn thường trực và trở thành điều kiện để đạt đến sự thống nhất trong nhận thức lý luận và hành động thực tiễn. Ngay cả các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, bên cạnh việc đề ra các nguyên tắc và yêu cầu cho lý luận, cũng trực tiếp tham dự vào các cuộc tranh luận, cũng đề xuất ý kiến cá nhân và lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ. Đó là thời kỳ sinh hoạt văn nghệ hồn nhiên, sôi nổi và bồng bột chưa từng có; thời kỳ lý luận và thực tiễn gần như hoà quyện nhất thể hoá, cùng đồng hành theo mục tiêu của cách mạng và kháng chiến. Điều đáng để chúng ta suy nghĩ hôm nay vẫn chính là cơ chế dân chủ công khai, là ý thức trách nhiệm cá nhân trước nhân dân đoàn thể về các quan điểm của mỗi người. Tôn trọng điều đó cũng có nghĩa là tạo ra động lực cho hoạt động lý luận và thực tiễn.

Cho đến nay, sau gần nửa thế kỷ nhìn lại cuộc đấu tranh tư tưởng trên lĩnh vực văn chương học thuật diễn ra vào thời kỳ cuối những năm năm mươi, đầu những năm sáu mươi, tuy đã có cơ sở để gần nhau về mặt nhận thức, nhưng những bài học kinh nghiệm cho mỗi người, mỗi phía, trong cuộc và ngoài cuộc có thể khác nhau. Đây là thời kỳ hình thành những nguyên tắc tư tưởng thẩm mỹ đầu tiên của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa thông qua các tác phẩm kinh điển của Marx-Angel và Lenine, thông qua việc lĩnh hội, tiếp thu từ hệ thống quan điểm lý luận văn học và mỹ học của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác nên yêu cầu đấu tranh để bảo vệ và xây dựng, cũng như những mẫn cảm và dị ứng tuỳ theo cơ địa của mỗi cá nhân trí thức văn nghệ sĩ là điều dễ hiểu. Trong cuộc đấu tranh đó, đương nhiên không thể khoan nhượng, hữu khuynh với những biểu hiện công khai chống lại chế độ, đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Nhưng đối với những người do mẫn cảm nghệ sĩ, mẫn cảm khoa học, do khát vọng tự do dân chủ mà công khai có ý kiến khác, lẽ ra phải được dành cho một thái độ bao dung, uyển chuyển hơn; phải được tạo thêm các điều kiện và cơ hội để tranh luận, biện bác và đối thoại thì những ngộ nhận và lầm lạc, những đúng sai, phải trái, những động cơ trung thực và động cơ vụ lợi, theo đuôi cũng sẽ được làm sáng tỏ. Kết quả của cuộc đấu tranh sẽ vừa bảo vệ được nguyên tắc, vừa bảo đảm tính dân chủ và hạn chế tối đa sắc thái tả khuynh, hạn chế tối đa những tổn thất về danh dự và nhân phẩm của không ít trí thức, văn nghệ sĩ có tài năng và tâm can trong sáng mà số phận của họ trong nhiều chục năm qua có thể gây nên ít nhiều cảm khái, phân vân. Từ đây, có thể có hai bài học: một bài học về tinh thần đấu tranh bảo vệ nguyên tắc và một bài học về tinh thần dân chủ. Trên thực tế, vẫn có khả năng đạt được cả hai mục đích mà không cần loại trừ, không làm phương hại lẫn nhau, nhất là trong thời kỳ hiện nay, khi dân chủ cũng trở thành một nguyên tắc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, do sự chi phối của quy luật chiến tranh, toàn xã hội buộc phải vận hành theo cơ chế chỉ huy, tập trung quan liêu bao cấp. Trong sự bao cấp đó, có bao cấp về tư tưởng. Và chính sự bao cấp về tư tưởng đã dẫn đến căn bệnh minh họa, giáo điều; dẫn đến tình trạng độc tôn và độc thoại trong sinh hoạt tư tưởng lý luận và học thuật. Suốt mấy chục năm, các thế hệ nghĩ giống nhau, nói giống nhau, cùng học và cùng trích dẫn một sách.Sự thống nhất đó, trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định có tạo nên ý chí, tạo nên sức mạnh nhận thức và tinh thần to lớn trong  sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước; nhưng mặt khác lại triệt tiêu động cơ suy nghĩ tìm tòi của cá nhân, làm nghèo khả năng tư duy sáng tạo lý luận, nhất là lý luận trừu tượng. Phổ biến là tình trạng xem lý luận như một định thức có sẵn, một nguyên lý bất di bất dịch chỉ được phép vận dụng mà không được phép đổi mới và phát triển. Lý thuyết nào khác với lý thuyết độc tôn, dấu hiệu nào khác với dấu hiệu của hệ thống chính thống đều bị phê phán, bác bỏ. Biểu hiện này không chỉ phổ biến ở nước ta mà còn phổ biến ở nhiều nền văn học thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong phe xã hội chủ nghĩa trước đây. Trong điều kiện như vậy, tinh thần dân chủ nói chung, dân chủ, lý luận nói riêng không có điều kiện để phát huy. Cùng với bệnh minh hoạ, nói theo, làm theo, nghĩ thay, nói thay và làm thay là dấu hiệu khá đặc trưng, là sản phẩm lịch sửã của một thời kỳ. Nghiền ngẫm từ phương diện lý luận cũng có thể rút ra từ đây những kinh nghiệm bổ ích.

Thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay có thể xem là thời kỳ thức tỉnh của lý trí dân tộc, thời kỳ phục hưng sức mạnh của đất nước. Sau 20 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu không ngờ. Trong số các thành tựu đó, có thành tựu về tư duy lý luận. Cần phải nhận thức và đánh giá đây là một thành tựu quan trọng, là thành tựu có ý nghĩa đẻ ra thành tựu. Không có đổi mới nhận thức và tư duy thì cái án “khoán chui” trong nông nghiệp vẫn dai dẳng nằm chờ trên bàn thẩm phán. Trong lĩnh vực văn chương, nếu không có sự đổi mới tư duy thì không ít giá trị văn chương đích thực không được nhìn nhận đánh giá lại; không ít những giá trị ảo, giá trị chưa tới đã được minh xác; không ít những hiện tượng bị hàm oan để mặc cho cái án văn chương lơ lửng kéo dài được hoá giải... Về lý luận văn học và mĩ học, tuy đến nay vẫn còn dấu hiệu của sự  khủng hoảng do tác động của những thay đổi lớn lao về hệ giá trị diễn ra trên thế giới, nhưng về đại thể, với tinh thần đổi mới tư duy, tinh thần dân chủ lý luận ,những phương hướng tìm tòi và suy nghĩ để đổi mới và phát triển hệ thống lý luận văn học và mĩ học dựa trên nền tảng mác xít đã được xác định (1).

Chính tinh thần dân chủ lý luận đã cho phép chúng ta tiếp cận một cách đàng hoàng hơn, khách quan khoa học hơn, toàn diện và thấu đáo hơn với các thành tựu lý thuyết của các trường phái, học phái khác nhau trên thế giới để từ đó bổ sung vốn tri thức lý luận, tạo cơ sở cho việc đối thoại và tiếp thu, làm giàu hơn vốn liếng trí tuệ và khả năng tư duy trừu tượng. Cũng chính tinh thần dân chủ lý luận đã tạo cho chúng ta dũng khí phát hiện những điểm khả thủ cũng như những thiếu hụt, phiến diện, những sắc thái quan phương giáo điều trong hệ thống lý luận văn học và mĩ học của chúng ta để xây dựng luận chứng cho sự đổi mới và phát triển. Trong quá trình đổi mới với những dấu hiệu không lành mạnh của lý luận và  phê bình văn học xuất hiện vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX, chúng ta đã nhận ra từ mặt trái của quá trình dân chủ lý luận những biểu hiện hụt hẫng về kiến thức cơ bản, sự thiếu chuẩn, loạn chuẩn trong hoạt động đánh giá, phê bình và thưởng thức nghệ thuật. Từng bước hoàn bị hệ thống lý luận văn học và mĩ học, xây dựng hệ thống tiêu chí giá trị nghệ thuật làm văn cứ cho thẩm định, sáng tạo, thưởng thức và hoạt động thực tiễn hiện đang là khát vọng của giới nghiên cứu lý luận. Nhưng, chỉ có thể thực hành và thực hiện được khát vọng đó bằng con đường phát huy tinh thần dân chủ lý luận, dân chủ khoa học; tinh thần công khai công bố; tinh thần tranh biện cá nhân với động cơ trong sáng, trung thực. Thiếu các điều kiện đó, sinh khí lý luận sẽ chìm đắm, khó có thể tạo ra nội lực thôi thúc suy nghĩ và tìm tòi để đi đến thống nhất.

Nhìn lại thời kỳ đổi mới, chúng ta thấy rõ tinh thần dân chủ đã bước đầu được đề cao, nhưng chưa phải đã phát huy hết xung lực vốn có của nó. Trái lại, chưa phải đã hết những biểu hiện của tư tưởng học phiệt, những rơi rớt của bệnh giáo điều cũng như những biểu hiện vi phạm và lợi dụng dân chủ.
Tuy thành tựu lý luận mong muốn vẫn đang ở phía trước, nhưng với những gì giới nghiên cứu đạt được nhờ tinh thần dân thủ, ý thức tìm kiếm cá nhân, ý thức lấp đầy các khoảng trống nhận thức, ý thức hoàn bị hành trang lý luận cần thiết để hoạt động sáng tạo... nhất định chúng ta sẽ chiếm lĩnh được.
             P.T.T

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

---------------------
(1) Xin xemTạp chí Sộng sản, số tháng 3-2005, bài: Đổi mới, phát triển lý luận văn học và mỹ học phù hợp với thực tiễn lịch sử và thực tiễn nghệ thuật mới. Tr.64.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng