Âm Hán, đoạn 1: Nhất thứ kê đề dạ vị tan Quần tinh ủng Nguyệt thướng thu san Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng Nghênh diện thu phong trận trận hàn Dịch: Gà gáy một lần đêm chửa tan (1) Chòm sao đưa Nguyệt vượt lên ngàn (2) Người đi cất bước trên đường thẳm (3) Rát mặt đêm thu trận gió hàn (4) Sau nhiều ý kiến của các bạn, tôi thưa thầy: Bài thơ dịch thoát nghĩa, có vần điệu, đọc nghe rất xuôi tai, nhưng em nghĩ rằng dịch như vậy e không đúng ý tác giả.
Tại câu 3, từ “chinh nhân” được hiểu là người chiến sĩ đi đánh giặc, “dĩ tại chinh đồ thượng” được hiểu là đang trên đường ra trận, Bác Hồ của chúng ta là một chiến sĩ cách mạng, Bác đang dấn thân vào con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc, tuy bị bắt và bị giải đi, nhưng với sự lạc quan cách mạng Bác đã hài hước ví Bác như một người chiến sĩ đang trên đường ra trận để chiến đấu với kẻ thù, nhưng lại được dịch là: Người đi cất bước trên đường thẳm thì có thể hiểu bất cứ người nào, lại đang đi trên “đường thẳm” là xa vời vợi, mịt mù, vô định, không phương hướng, không mục đích. Tại câu 4: Từ “nghênh diện” được hiểu là đối mặt; “thu phong trận trận hàn” là từng trận, từng trận gió lạnh mùa thu thổi tới; là người chiến sĩ đang trên đường đi đánh giặc Bác sẵn sàng đón nhận phong ba bão táp, gian khổ, khó khăn ở phía trước, chứ không phải “rát mặt đêm thu trận gió hàn” như chỉ có một sự đau đớn thể xác, có thể làm chán nản, nhụt nhuệ khí của người chiến sĩ cách mạng.
Bởi vậy, theo em hai câu trên phải tạm dịch là: “Chiến binh trên bước đường ra trận Đối mặt đêm thu trận gió hàn. Như vậy mới sát nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh và đúng với ý chí đích thực của tác giả, lúc bấy giờ. Sau buổi bình thơ, nghe bạn bè nói tôi được điểm 10, tôi hốt hoảng, trong lòng nghi bạn bè “chơi khăm”, trực tiếp hỏi thầy giáo, thầy trả lời “chính tôi cho em điểm 10 vì em đã nói những điều mà chưa ai nói”. H.V.T
(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)
|