Trong tiến trình của văn học Việt
, tôi nghĩ, hiếm có nhóm sáng tác nào lại độc đáo như Xuân Thu nhã tập. Độc đáo về chủ thể sáng tác, về đặc điểm thể loại và độc đáo về lịch sử số phận tác phẩm. Xuân Thu chỉ tồn tại trong vòng mấy năm (1942-1945), và chỉ gồm mấy tác giả, nhưng lại hội tụ đầy đủ cả “đại gia đình” nghệ thuật: Thơ ca, âm nhạc, hội họa. Số lượng sáng tác cũng rất “khiêm tốn” nhưng lại rất đa dạng về thể loại: thơ, văn xuôi, tiểu luận. Mục đích sáng tác cũng khá độc đáo ”Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: TRÍ THỨC - ĐẠO ĐỨC - SÁNG TẠO.
2. Xuân Thu nhã tập ra đời khi Thơ mới đã rơi vào bế tắc, khủng hoảng. Cái tôi- mảnh đất linh diệu của Thơ mới đã được đào sâu đến tận cùng, và lúc này, đã mất hết sức sống. Trong xu thế đó, Xuân Thu đã trăn trở và tìm một hướng đi mới cho thơ ca dân tộc: “Tìm con đường thực, nối liền nguồn gốc xưa với ước vọng nay. Gọi về những tính cách riêng của ta, để có thể xuôi chảy trong cái dòng sống thực của ta, không quanh co, lúng túng vì những ảnh hưởng ngoài” (1). Là một nhóm nghệ thuật có tính tổ chức, Xuân Thu nhã tập có hẳn một nguyên lí sáng tác, một hệ thống quan điểm nghệ thuật riêng. Ngay từ khi ra đời, Xuân Thu đã mang một tinh thần tiên phong với ý thức cách tân táo bạo. Mục đích cách tân thể hiện trên hai phương diện: - Không lặp lại cái tôi của Thơ mới - Chống lại sự đồng hóa của phương Tây để ngăn cái họa mất gốc. Xuân Thu nhã tập là một hiện tượng nghệ thuật tiên phong, một trong những đặc trưng của xu hướng chủ nghĩa hiện đại ở Việt Nam - như cách nói của Nohire Munehiro, một nghiên cứu sinh Nhật Bản, tại Việt Nam (2). Nhìn từ phương diện này, Xuân Thu nhã tập có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học dân tộc.
3. Giá trị lớn nhất và ấn tượng sâu nhất của Xuân Thu nhã tập, đó là phần tiểu luận về thơ. Bằng những kiến giải độc đáo, Xuân Thu nhã tập đã nêu được những vấn đề lý luận cơ bản của thơ ca như: đặc trưng của thơ so với văn xuôi, mối quan hệ giữa thi nhân và bạn đọc, thơ ca với âm nhạc, hội họa. Có thể rút ra một số luận điểm cơ bản sau của nhóm Xuân Thu nhã tập: * Thơ là gì? Câu hỏi cổ xưa này đã được Xuân Thu luận giải một cách khá lý thú. Thơ là sự rung động, sự quyến rũ- không thể cưỡng lại, một cách tự nhiên, hoàn toàn. Thơ - vì thế, không cần để hiểu mà cốt để cảm. Thơ được ví như giai Nhân, như Đẹp, như Trời. Trước lúc chưa kịp hiểu nó là gì, ta đã bị nó quyến rũ, lôi kéo, xâm chiếm: “Áng thơm của hoa, vẻ trong của nước, thần của vạn vật, thơ của văn nghệ. Trước khi thưởng thức hương, nhận chân sắc, dò hỏi trời, phân tích vui, trước khi dùng những phương thức lí trí, có ý thức, có hệ thống để phán đoán, để hiểu biết, ta đã chịu sự quyến rũ của mùi thơm, sự lan tràn của ý thích, ta đã cảm thấy đẹp, đạt được thật, đầm trong thơ, nát bàn nghệ thuật”.
Thơ được Xuân Thu nhã tập đồng nghĩa với Trong, Đẹp, Thật. Thơ là một phạm trù thiêng liêng, cao quí, là một trí thức cao cấp sánh với tình yêu, nẻo đạo và tôn giáo: “Thơ trước hết phải là sự trong trẻo, sự vô tư lợi, sự khêu gợi không cùng, sự rung động tức khắc, sự gặp gỡ đột nhiên, sự hiến dâng không nghĩ đến trở về”. Đưa thơ vào phạm trù của đạo, xem thơ là một thứ cao siêu như tôn giáo, Xuân Thu nhã tập đã rút ra một nguyên lý căn bản (trong mối quan hệ) giữa thơ ca với vũ trụ: ĐẠO - ÂM + DƯƠNG - SÁNG TẠO - RUNG ĐỘNG - THƠ - ĐẠO Nằm trong vòng tương sinh trên, thơ mới đạt đến sự siêu việt, trong trẻo, nhịp nhàng, mới vươn đến cái tuyệt đối, cái đẹp- lẽ cuối cùng.
* Đặc trưng của thơ so với văn xuôi Từ góc độ tư duy nghệ thuật và chức năng thơ ca, Xuân Thu đã khu biệt nét đặc trưng của thơ so với văn xuôi. Thơ không thuộc về lý trí, mà thuộc về tình cảm: “Văn nói chuyện đời, nhưng thơ chính là tiếng đời u huyền, trực tiếp”. Văn xuôi có tính vụ lợi, thơ không mang tính vụ lợi, không mang nghĩa tục. Văn xuôi thường kích động người đọc một cách thô sơ, dễ dãi; còn thơ:” là cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy, cao siêu, cái hình ảnh sự khắc khoải bất diệt của muôn sự vật: cõi vô cùng”. Tính hàm súc, đa nghĩa, gợi cảm chính là đặc điểm cơ bản nhất để phân biệt thơ và văn xuôi: “Một bài thơ không được hiểu như một bài văn một cách lộ liễu, nhất định. Phải chứa nhiều sức khêu gợi, ý ở ngoài lời, đủ với sự thật sâu sắc, bao la trong toàn thể ”.
* Đặc tính của thơ ca PhươngĐông Tính cô đọng, hàm súc của thơ, theo Xuân Thu có nguồn gốc sâu xa từ đặc tính của người Á Đông. Ngôn ngữ phương Đông rất phù hợp cho tính chất của thơ, nó có thể:“phát hiện bằng toàn hình ảnh, hương sắc, xếp đặt một cách u uẩn”. Thơ phương Đông thường dồn nén, cốt gợi hơn là tả. Vì thê, theo họ: “Ảnh hưởng phương Tây có thể tốt cho văn hơn cho thơ. Luận điệu phương Tây có thể giúp cho lối diễn đạt tư tưởng của ta được có phương pháp, nhưng không thể và không nên chen vào lối diễn tả cảm giác riêng của ta, cái đẹp riêng của ta. Phần trên là phần chung có tính phổ thông - phần văn. Nhưng phần dưới là đặc biệt từng dân tộc, linh khí từng giang sơn - phần thơ". Xuân Thu nhã tập khẳng định tính chất uẩn khúc, huyền ảo trong thơ tượng trưng Pháp ở thế kỷ XIX - điều mà lâu nay người ta cho rằng, chúng ta ảnh hưởng của phương Tây, thì thực ra “người Á Đông ta có cái trí cổ sơ, trực giác ngay từ lúc đầu, nhờ một ngôn từ đặc biệt“. Vì vậy, họ kêu gọi: “Tìm thơ vĩnh viễn, ta trở về nguồn: TA”.
* Tính chất tượng trưng, huyền bí... Trở về với tính hàm súc, tính đa nghĩa của thơ ca cổ điển phương Đông, Xuân Thu nhã tập đã bắt gặp tính ám gợi, tính biểu tượng của chủ nghĩa tượng trưng phương Tây. Đi từ cái Tôi đến cái Ta, từ công thức: “Thơ = Trong = Đẹp = Thật” và bằng tuyên ngôn sáng tác: ”Trí thức, Sáng tạo, Đạo lý“, Xuân Thu đã tạo ra những thi phẩm đậm tính chất tượng trưng, siêu thực. Khát khao đi tìm cái đẹp, họ ngụp lặn trong thế giới vô cùng, chìm sâu trong cõi hư vô, huyền bí: “Quên cái đã gặp, ngã về cái chưa tìm, nhớ cái sẽ mất“. Một số quan niệm về thơ của Xuân Thu nhã tập rất giống với quan niệm của Valéry. Chẳng hạn, quan niệm về tính nhạc, tính huyền diệu, tính trong trẻo, gợi cảm của thơ ca.
Không chỉ gặp chủ nghĩa tượng trưng trong một vài ý tưởng kiến giải về thơ, mà những sáng tác của nhóm Xuân Thu đã biểu hiện rõ thi pháp của chủ nghĩa tượng trưng. Chính Nguyễn Xuân Sanh cũng thừa nhận rằng, Buồn xưa là bài thơ đầu tiên có khuynh hướng tượng trưng. Hầu hết, các sáng tác của Xuân Thu nhã tập đã vượt lên tính xúc cảm, tính chất giãi bày cái tôi cá nhân của Thơ mới. Xuân Thu đã tiến đến chủ nghĩa tượng trưng ở tính ám gợi, tính biểu tượng, tính mơ hồ, huyền bí. Hoài Thanh cho bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ là một lối thơ rất tinh tế và kín đáo, nhưng hình ảnh mờ: Màu thời gian không xanh Màu thời gian tím ngát Hương thời gian không nồng Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ có thể xem là bài thơ trong trẻo, gợi cảm, đáng yêu nhất của Xuân Thu nhã tập. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã “chuyển hóa” bài thơ thành một bản nhạc huyền diệu. Tác giả của Thi nhân Việt Việt
đã hạ bút, mà rằng: “Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế”. Đến Buồn xưa, Hồn ngàn mùa, Bình tàn thu của Nguyễn Xuân Sanh thì đã rơi vào cõi siêu thực, hư vô. Người đọc không dễ tìm được mã để giải nghĩa văn bản. Dường như nhà thơ sáng tạo trong một trạng thái vô thức, siêu thăng. Tính triết lý không vượt qua được tính siêu thực để mang lại sự lôgich cho bài thơ. Chẳng hạn ở bài thơ Buồn xưa: Lẵng Xuân Bờ giũ trái xuân sa Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa Tôi thử làm một thao tác là: đảo lộn thứ tự các khổ thơ trong văn bản nghệ thuật trên, nhưng nghĩa của nó cũng không có gì thay đổi. Chứng tỏ những câu chữ, hình ảnh ở đây được tuôn ra trong một trạng thái vô thức, khó nắm bắt. Nhân vật trữ tình như chìm trong cõi hư vô, tan biến thành từng mảnh để nhập vào các biểu tượng.
Câu thơ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà đã hơn một lần được “siêu độc giả” cắt nghĩa, nhưng xem ra chẳng tìm được nghĩa đích thực (điều đó cũng dễ hiểu, vì Xuân Thu nhã tập chủ trương; thơ không cần rõ nghĩa, chỉ cần gợi cảm và rung cảm). Câu thơ này đã mở ra nhiều trường liên tưởng khác nhau. Và nghĩa đích thực của nó nằm trong các cách cảm nhận của độc giả. Đúng như Xuân Thu nhã tập chủ trương: “Một bài thơ có thể hiểu ra nhiều lối dù có cảm một cách duy nhất. Nên độc giả tùy theo trình độ trí thức mà hưởng thụ ít hay nhiều. Cùng một ánh trăng, cùng một nụ cười, cùng một tiếng đờn, kẻ dung - phu hay người tài tử có lẽ chung một thứ cảm, là rung động, nhưng phong phú không bằng nhau. Nên thi ca cũng phân nhiều bậc. Tiếng thơ trong bài này chẳng qua đã hiểu theo nghĩa cao đẳng vậy. Độc giả lĩnh hội được hay không, tưởng không phải điều quan tâm của thi sĩ. Thi sĩ đi tìm thơ, tìm lẽ thật, tìm mình. Phận sự chỉ ở đó. Nguyên nhân lòng ham mê chỉ ở đó”. Tôi nghĩ, các tác phẩm của nhóm Xuân Thu không hẳn hoàn toàn rơi vào kín mít, bí hiểm. Điều cơ bản là chúng ta phải tìm ra “mã” của văn bản. Người ta cho rằng, đọc Xuân Thu nhã tập mặc dù không rõ nghĩa nhưng vẫn thấy hay. Khi nghệ thuật đã mang đến cái hay, hẳn đã có lý của nó.
* Thơ ca với âm nhạc, hội họa Mối quan hệ này không có gì mới, nhưng Xuân Thu có cách kiến giải mới, và khá bất ngờ. Nếu cổ nhân nói: "Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc, thì Xuân Thu nói ngược lại: trong nhạc, trong họa có thơ và thơ “tàng ẩn” ở khắp mọi sự vật hiện tượng: “Thơ có thể có trong âm nhạc, hội họa, trong kiến trúc nói rộng ra ở khắp ngành nghệ thuật, và cả trong đạo lý, trong hành động, một khi đã gạn lắng những cặn đục mà còn tinh hoa”. Một mỹ nhân và một con bò không có gì khác, chỉ khác ở chỗ hình ảnh nào mang lại cho ta xúc cảm. Ta cũng không nên băn khoăn về lẽ thiện ác ở các sự vật đó, mà chủ yếu chú trọng đến cái đẹp do nó gây nên (quan niệm này có vẻ giống với Baudelaire - đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa tượng trưng - symbolisme).
Âm nhạc, hội họa, thơ ca sở dĩ khác các hiện tượng khác chính là ở chỗ, nó mang lại cho ta cái đẹp vô cùng, cái đẹp tuyệt đối và cái đẹp siêu việt: ”Bằng con đường thẳng của hình ảnh, tiết tấu,... âm thanh, màu sắc, mùi, giọng được hòa hợp thành những biểu hiện nhịp nhàng để khêu gợi những rung động siêu việt của bản nhạc vô - cùng”. Tuy nhiên, thơ ca khác với âm nhạc, hội họa ở chỗ: “Một bài thơ là do sự phối hợp những âm thanh, chữ, hình ảnh... theo những niêm luật rõ rệt hay tiềm tàng, để khơi nguồn lưu thông cái run rẩy huyền diệu của thơ. Nó tràn sóng qua người đọc, được rung động theo nhịp điệu của tuyệt đối”. Nguyên nhân sâu xa của sự khác nhau, đó là do phương thức biểu hiện. Thơ ca nói riêng và văn chương nói chung có “lợi khí” hơn so với các loại hình khác, đó là ngôn ngữ. Ngôn ngữ có thể giúp ta “cảm thông đến cái vô cùng”, thấu đạt đến “mọi nghĩa lý” và thâm nhập vào cái đẹp tuyệt đối của vũ trụ.
* Thi sĩ với bạn đọc (Chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận) Xuân Thu cũng đã lý giải rất độc đáo về mối quan hệ giữa nhà thơ - tác phẩm - bạn đọc. Họ gọi nhà thơ là “thi sĩ”, người đọc là “thi nhân”, còn bài thơ là “khúc hợp tấu của vô cùng”. Cả ba “phải được lên dây cùng cung bậc” để hòa điệu như cây đàn, thi sĩ với tình nhân. Người đọc muốn cảm nhận được cái “trác tuyệt”, cái thần bí tuyệt vời của khúc nhạc ấy, đòi hỏi phải “có chất thơ, có cốt đàn, có nòi tình”. Thi sĩ cũng phải cần đến một tri âm (thi nhân - tức người đọc) để thưởng thức, để cảm thông, để tiếp tục hoàn thiện “khúc nhạc vô cùng” ấy: “Thi sĩ làm xong một bài thơ có thể nói: Bản Đẹp chưa thành, vì còn chờ tác giả thứ hai: người đọc. Cảm xúc chuyển từ người thơ sang độc giả, hòa hợp hai lẽ siêu hình, con sông thơ lộng một trời mới. Người đọc phải là thi nhân, tái tạo vũ trụ bài thơ tạo ra”. Từ góc độ tiếp nhận văn học, chúng ta gọi hiện tượng này là người đọc đồng sáng tạo.
“Thơ như thần linh: con đồng là thi sĩ tạo được bài thơ - cảm thông, nối thần linh đến với đệ tử là thi nhân. Thơ như tôn giáo: giáo sĩ là thi sĩ tạo nên “bài thơ giác ngộ” cho tín đồ là thi nhân. Thơ như tình yêu: thi sĩ là người cung nữ thả “bài thơ lá thắm”, người vớt lá là thi nhân". Giữa người đọc và nhà thơ phải tri âm, tri kỷ như Bá Nha và Tử Kỳ. Muốn tạo ra bản đàn tuyệt diệu để “truyền sóng” sang người đọc, thì thi sĩ phải “nhập thần” vào đối tượng: “Thi sĩ cảm trong chiếc lá, khi đã nằm hẳn trong chiếc lá, hòa trộn trong cái lẽ thật muôn đời, là cái tính túy muôn vật, là chất thơ muôn nguồn gốc. Thi sĩ từ trong chiếc lá, mà rung động ra ngoài và đã chiếm đoạt hoàn toàn chiếc lá, đã cùng nó hợp một; có một phút thi sĩ đã là chiếc lá". Có nằm trong thơ, dầm trong nhạc, người đọc mới có thể “biết đầy đủ sự trong trẻo, nhịp nhàng” của thế giới thơ ca.
Đòi hỏi thi sĩ phải “tan hồn vào cảnh vật”, người đọc phải “nhập thần vào bài thơ”, tác giả Xuân Thu đã chạm phải thuyết trực giác của Bergson. Dùng lý thuyết hiện đại của phương Tây để soi vào tính chất “hàm súc, tĩnh mạc, tổng hợp” của thơ ca phương Đông, Xuân Thu đã tìm ra một số hạt nhân hợp lý trong quy luật sáng tạo nghệ thuật. Tóm lại, đi tìm cái đẹp vô biên - không cùng, cái đẹp tuyệt đối của nghệ thuật, Xuân Thu đã có ý thức khẳng định bản lĩnh sáng tạo. Xuân Thu đã thể hiện một quan niệm nghệ thuật mới, có tính tiên phong: vượt lên bát nháo của hiện thực, tìm về cội nguồn để hướng tới tương lai.
4. Một số hạn chế của Xuân Thu nhã tập Thứ nhất, quan niệm của Xuân Thu về cuộc đời (phần Đại thừa) và quan niệm về nghệ thuật (phần Tiểu thừa) đầy tính chất mâu thuẫn. Chủ trương trở về cội nguồn - ngăn cái họa mất gốc, nhưng Xuân Thu đã ảnh hưởng sâu sắc chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực của phương Tây. Các khái niệm mà họ đưa ra cũng đầy màu sắc triết học phương Tây, pha lẫn với những ý niệm của Phật giáo phương Đông. Thứ hai, Xuân Thu đã phân biệt rõ đặc trưng giữa thơ so với văn xuôi, nhưng cuối cùng lại đưa “một trang Bergson, một thiên Trang Tử, một vở Musset, một chuyện Bồ Tùng Linh” vào phạm trù của thơ.
Thứ ba, Xuân Thu chủ trương: thơ phải trong - đẹp - thật, nhưng phần lớn sáng tác của họ lại rơi vào bí hiểm. Các bài thơ của Xuân Thu phần lớn khó hiểu, không hợp với thị hiếu và tư duy của công chúng bạn đọc Việt
. Bởi vậy, giữa thi nhân (tác giả) và thi sĩ (bạn đọc) đã không thể cùng hòa mình vào chiếc lá (bài thơ) - như Xuân Thu đã bày tỏ ở trên. Đây cũng là một bài học cho nhóm Thơ tân hình thức (tạm gọi như vậy đối với những cây bút trẻ) hiện đang có ý thức thể nghiệm thơ ca.
Sáng tạo nghệ thuật là một hình thức giãi bày tình cảm. Chủ thể sáng tạo cần có sự chia sẻ và thấu cảm của bạn đọc. Không có bạn đọc thì tác phẩm chỉ là một văn bản chết cứng, một đống giấy loại, một trang nhật ký của cá nhân nghệ sĩ. Động lực lớn nhất của sự sáng tạo và lý do duy nhất của sự tồn tại tác phẩm, đó là sự cộng hưởng của độc giả. Muốn tạo ra sự cộng hưởng, giao thoa đó, người cầm bút phải biết nhu cầu của công chúng. Kinh nghiệm trong lịch sử văn học cho thấy, những tác phẩm có giá trị, chính là những tác phẩm, mà ở đó, tiếng nói của cá nhân nghệ sĩ, bắt gặp tiếng nói chung của đồng loại. Vì sao phong trào Thơ mới thành công lớn như vậy? Nó có nhiều nguyên nhân. Nhưng theo tôi, một trong những lý do căn bản nhất, đó là các nhà thơ mới đã thấu hiểu được niềm khao khát của bạn đọc. Điều này đã thể hiện rõ qua tâm sự của Lưu Trọng Lư: “Người thanh niên Việt Nam chỉ ao ước có một điều, một điều mà khát khao hơn trăm nghìn điều khác, là được một thi nhân hiểu mình...Người thanh niên Việt nam đang bơ vơ đi tìm người thi nhân của mình như người con đi tìm mẹ, có ai thấy cái cảnh thảm thiết ấy không?” (Phụ nữ tân văn, số 216, 1932).
Tuy nhiên, xét về sự hạn chế của nhóm Xuân Thu nhã tập, các nhà nghiên cứu cũng nên lưu ý một điểm (thuộc về nguyên nhân khách quan). Do bị “ức chế của lịch sử”, thời gian để nhóm này thể nghiệm quá ít. Nung nấu thành lập từ năm 1939, xuất bản tập Xuân Thu năm 1942, sau đó bị làn sóng cách mạng cuốn hút. Như vây, họ đâu còn thời gian tiếp tục tinh thần sáng tạo của nhóm Xuân Thu đề ra? Xuân Thu nhã tập từng được đánh giá như một “hiện tượng nghệ thuật độc đáo, lý thú”, những “trang viết tuyệt vời”. Xuân Thu cũng đã từng bị xem như những gì tắc tị, tăm tối, bí hiểm. Nếu tránh được những ý kiến cực đoan, biết gạt bỏ những hạn chế tất yếu của Xuân Thu, chúng ta có thể tìm thấy những hạt nhân hợp lý, những giá trị đích thực để vận dụng vào công cuộc đổi mới của văn học hôm nay. T.H.S
(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)
---------------------------------------- (1) Các trích dẫn lấy từ cuốn Xuân Thu nhã tập, NXB Văn học, 1992. (2) Nohire Munehiro - Một số đặc trưng về tinh thần tiên phong của nhóm Xuân Thu nhã tập, Tạp chí văn học, số 10, 1997, tr.70.
|