Nghiên Cứu & Bình Luận
Cách đặt tên kép của vua Minh Mạng cho con cháu trong hoàng tộc
16:32 | 07/05/2013

NGUYỄN HỒNG TRÂN

Vua Minh Mạng (tên hoàng tử là Nguyễn Phúc Đảm) lên làm vua năm Canh Thìn (1820). Ông là một vị vua có tri thức uyên thâm, biết nhìn xa thấy rộng.

Cách đặt tên kép của vua Minh Mạng cho con cháu trong hoàng tộc

Khi lên làm vua, ông biết lo lắng nhiều việc: lo xây dựng chính trị, phát triển giáo dục, văn hóa xã hội v.v... chắc là ông rất tâm đắc câu phương châm mà người xưa thường nói: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nghĩa là muốn cho dân chúng yên ổn, làm ăn phát đạt thì phải lo điều hành cai quản nhà nước thật nghiêm minh, chặt chẽ. Nhưng muốn vậy thì trước tiên phải lo dàn xếp nội bộ gia tộc được êm thấm theo khuôn phép rõ ràng.

Minh Mạng cũng đã biết từ nhiều đời vua trước đây ở trong nước và nước ngoài do việc tề gia không tốt nên đã sinh ra tranh chấp quyền hành trong nội bộ hoàng gia dẫn đến ngai vàng bị sụp đổ, triều đình nát tan. Vì thế, ông lo lắng cho cơ nghiệp nhà Nguyễn. Nếu không tìm cách tề gia cho nghiêm chỉnh thì cũng dẫn đến số phận như thế thôi. Cho nên Minh Mạng đã nghĩ ra nhiều cách để duy trì đế nghiệp của mình và con cháu kế tục lâu dài về sau. Trong đó có một cách mang đậm sắc thái văn hóa, tâm lý xã hội. Đó là cách đặt tên kép. Nghĩa là bên cạnh tên chính, phải ghép thêm một tên phía trước theo phân định bắt buộc để biết vị trí, thứ lớp của mình trong hàng ngũ của hoàng tộc. Nhưng trình bày việc đó như thế nào cho tế nhị với các hoàng tử anh em để họ dễ chấp thuận là việc không dễ dàng. Minh Mạng biết rằng anh em mình ai cũng yêu thích thơ văn nên ông bèn nghĩ ra cách tạo ra những bài thơ có ý nghĩa xã hội - nhân văn thâm thúy. Nhà vua đã sáng tác ra 11 bài thơ kiểu “ngũ ngôn, tứ cú” để dễ đọc, dễ nhớ. Trong đó có một bài gọi là “Đế hệ thi” và 10 bài gọi là “Phiên hệ thi”.

Bài “Đế hệ thi” dùng để đặt tên kép cho các con cháu nội nhà vua từ vua Thiệu Trị trở về sau theo thứ tự với các chữ trong bài thơ. Đó là:

Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh.
Bảo Quý Định Long Trường.
Hiền Năng Kham Kế Thuật.
Thế Thoại Quốc Gia Xương


Bài thơ này trong Thế tộc phả Nguyễn Phước đã dịch nội dung ý nghĩa thành thơ như sau:

Huấn nghiệp lớn do Tổ Tiên gầy dựng
Gắng giữ gìn cho xứng ân sâu
Phồn vinh thịnh đạt dài lâu
Anh tài hiền đức cùng nhau bảo toàn
Đời đời nối nghiệp tiền nhân
Nước nhà hưng thịnh muôn phần phát huy.


Bài thơ này gồm 20 chữ. Từ chữ đầu tiên cho đến chữ cuối cùng, mỗi chữ có một ý nghĩa sâu xa. Người ta đã truyền lại lời giải thích của vua Minh Mạng theo từng chữ thành câu thơ như sau:

1.MIÊN: Trường cửu phước duyên trên hết.
2.HƯỜNG: Oai hùng đúc kết thế gia.
3.ƯNG: Nên danh xây dựng sơn hà.
4.BỬU: Bối báu lợi tha quần chúng.
5.VĨNH: Bền chí hùng anh ca tụng.
6.BẢO: Ôm lòng khí dũng bình sanh
7.QUÝ: Cao sang vinh hạnh công thành.
8.ĐỊNH: Tiên quyết thi hành oanh liệt
9.LONG: Vương tướng rồng tiên nối nghiệp.
10.TRƯỜNG: Vĩnh cửu nối tiếp giống nòi.
11.HIỀN: Tài đức phúc ấm sáng soi.
12.NĂNG: Gương nơi khuôn phép bờ cõi.
13.KHAM: Đảm đương mọi cơ cấu giỏi
14.KẾ: Hoạch sách mây khói cân phân.
15.THUẬT: Biên chép lời đúng ý dân.
16.THẾ: Mãi thọ cận thân gia tộc.
17.THOẠI: Ngọc quí tha hồ phước lộc.
18.QUỐC: Dân phục nằm gốc giang san.
19.GIA: Muôn nhà Nguyễn vẫn huy hoàng
20.XƯƠNG: Phồn thịnh bình an thiên hạ.


Khi đặt tên kép cho cháu chắt của vua Minh Mạng thì cứ lấy tên chính của người đó ghép với một chữ trong bài thơ “Đế hệ thi” theo thứ tự từng đời từ cao xuống thấp, mỗi đời một chữ. Khi có tên kép rồi thì có thể không cần ghi họ (họ coi như được ẩn) người ta vẫn hiểu đó là thuộc họ tộc Nguyễn Phước. Thí dụ: Miên Tông là vua Thiệu Trị (con vua Minh Mạng). Ghi đầy đủ là Nguyễn Phước Miên Tông; Vua Tự Đức là Hường Nhậm (Hường hoặc Hồng đều như nhau), là con vua Thiệu Trị; Ưng Chân là vua Dục Đức (con nuôi của vua Tự Đức, con đẻ của Nguyễn Phước Hồng Y); Bửu Lân là vua Thành Thái, con vua Dục Đức, tức NP. Ưng Chân); Vĩnh Thụy là vua Bảo Đại (con vua Khải Định tức là NP Bửu Đảo).

Những người không làm vua nhưng thuộc dòng đế hệ của vua Minh Mạng cũng được đặt tên kép (theo hàng từng đời, từng chữ) và được ẩn họ như thế. Thí dụ: Nhà thơ Ưng Bình (hiệu Thúc Dạ Thị) là con cụ Nguyễn Phúc Hồng Thiết, cháu nội cụ Nguyễn Phúc Miên Trinh (Nhà thơ Túy Lý Vương). Nhà Hán học: Vĩnh Cao là con cụ Bửu Kế.

Như vậy bài “Đế hệ thi” của vua Minh Mạng chỉ mới thực dụng được câu đầu tiên “Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh” thì đã hết chế độ nhà vua ở Việt Nam. Tuy vậy, sự ảnh hưởng của tục lệ này khá đậm nét ở Huế nên trong thực tế xã hội hiện nay vẫn còn nhiều người ở thế hệ sau của Hoàng tộc Minh Mạng vẫn thích đặt tên kép để kỷ niệm nguồn gốc tổ tông là con cháu nội nhà vua nhưng vẫn kèm theo họ Nguyễn Phước.

Theo Thế phả của Nguyễn Phước tộc có ghi thêm rằng:

“Bài Đế hệ thi được khắc trong một cuốn sách bằng vàng (kim sách), cất trong hòm vàng (kim quỹ) để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; Các bài Phiên hệ thi cũng được khắc trong các cuốn sách bằng bạc. Có tư liệu cho rằng tới thời Vua Tự Ðức, chúng đã bị nấu ra để trả nợ chiến phí bốn triệu đồng cho Pháp và Tây Ban Nha theo Hiệp ước Nhâm Tuất (1862). Không ai biết sự thật ra sao, vì đến lúc Ngài Bảo Ðại - vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn thoái vị, các loại kim sách này đã không còn nữa.

Nói chung, con cháu các hệ Chánh từ vua Minh Mạng trở về sau, kể cả các Phòng thuộc hệ Chánh, đều đặt họ tên kép theo cách nói trên”.

Ngoài ra, Minh Mạng còn quy định cách viết chữ Hán theo từng bộ đi kèm với mỗi chữ trong bài Đế hệ thi là một bộ Ngự Chế Mạng Danh Thi:

Miên (có bộ miên chữ Hán), Hồng (bộ nhân), Ưng (bộ thị), Bửu (bộ sơn), Vĩnh (bộ ngọc), Bảo (bộ phụ), Quý (bộ nhân), Định (bộ ngôn), Long (bộ thủ), Trường (bộ hòa),

Hiền (bộ bối), Năng (bộ lực), Kham (bộ thủ), Kế (bộ ngôn), Thuật (bộ tâm),

Thế (bộ ngọc), Thoại (bộ thạch), Quốc (bộ đại), Gia (bộ hòa), Xương (bộ tiểu),


Nghĩa là anh em ruột của vua phải đặt tên có cùng một bộ:

Ví dụ: Vua Thiệu Trị, có chữ lót là Miên, và tên là Tông (thuộc bộ “miên”: (宀) và tất cả các anh em của Vua Thiệu Trị cũng đều phải có tên chữ Hán có bộ Miên như thế cả, còn các con của vua Thiệu Trị thì tên đặt theo chữ Hán phải có bộ “nhân” (亻), con kế ngôi của vua Thiệu Trị là vua Tự Đức (Hồng Nhậm) có bộ nhân (亻) trong tên chữ Hán, nhưng con của các vị Hoàng Tử anh em ruột của vua Thiệu Trị thì phải đặt tên không được có bộ nhân (亻), trừ con vua Thiệu Trị).

Bài “Phiên hệ thi” là gồm 10 bài thơ dùng đặt tên kép cho các con cháu những ông hoàng anh em với vua Minh Mạng (vua Gia Long có 13 người con, 2 người con cả và con thứ mất sớm, người con thứ 3 được phong là Hoàng Thái tử, nhưng về sau do sức khỏe yếu nên không thay vua cha lên ngôi vua được. Vì vậy, vua Minh Mạng là con thứ 4 được chọn lên ngôi vua, nên còn lại 10 anh em. Do đó, Minh Mạng đặt 10 bài thơ ngũ ngôn tứ cú. Mỗi bài tặng cho mỗi ông để buộc con cháu phải đặt tên kép theo quy định thứ tự các đời như các chữ kế tiếp nhau trong từng bài thơ.

Bài 1: Tặng cho TĂNG DUỆ (Hoàng tử thứ 3 - Anh Duệ hệ)
Mỹ Duệ Anh Cường Tráng.
Liên Huy Phát Bội Hương.
Linh Nghi Hàm Tốn Thuận.
Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang.


Bài 2: Tặng KIẾN AN VƯƠNG (hoàng tử thứ 5) (Kiến An hệ)
Lương Kiến Ninh Hòa Thuật.
Du Hành Suất Nghĩa Phương.
Dưỡng Di Tương Thực Hảo.
Cao Túc Thể Vy Tường.


Bài 3: Tặng ĐỊNH VIỄN QUẬN VƯƠNG (Hoàng tử thứ 6 - Định Viễn hệ)
Tịnh Hoài Chiêm Viễn Ái.
Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha.
Nghiễm Cách Do Trung Đạt.
Liên Trung Tập Cát Đa.


Bài 4: Tặng DIÊN KHÁNH VƯƠNG (Hoàng tử thứ 7 - Diên Khánh hệ).
Diên Hội Phong Hạnh Hiệp.
Trọng Phùng Tuấn Lãng Nghi.
Hậu Lưu Thành Tứ Diệu.
Diễm Khánh Thích Phương Huy.


Bài 5: Tặng ĐIỆN BÀN CÔNG (Hoàng tử thứ 8 - Điện Bàn hệ).
Tín Điện Tự Duy Chánh.
Thành Tồn Lợi Thỏa Trinh.
Túc Cung Thừa Hữu Nghị.
Vinh Hiển Tập Khanh Danh.


Bài 6: Tặng THIỆU HÓA QUẬN VƯƠNG (Hoàng tử thứ 9 - Thiệu Hóa hệ).
Thiên Thiệu Kỷ Tuần Lý.
Văn Tri Tại Mẫn Du.
Ngưng Lân Tài Chế Lạc.
Địch Đạo Doãn Phu Hưu.


Bài 7: Tặng QUẢNG OAI CÔNG (Hoàng tử thứ 10 - Quản Oai hệ).
Phụng Phù Trung Khải Quảng
Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ.
Điển Học Kỳ Gia Chí.
Đôn Di Khắc Tự Trì.


Bài 8: Tặng THƯỜNG TÍN QUẬN CÔNG (Hoàng tử thứ 11 - Thường Tín hệ)
Thường Cát Tuân Gia Huấn.
Lẫm Trang Túy Thạnh Cung.
Thận Tu Di Tấn Đức.
Thọ Ích Mậu Tân Công.


Bài 9: Tặng AN KHÁNH VƯƠNG (Hoàng tử thứ 12-An Khánh hệ).
Khâm Tùng Xưng Ý Phạm.
Nhã Chánh Thủy Hoằng Quy.
Khải Đế Đằng Cần Dự.
Quyến Ninh Đặng Tập Hy.


Bài 10: Tặng TỪ SƠN CÔNG (Hoàng tử thứ 13 - Từ Sơn hệ).
Từ Thể Dương Quỳnh Cẩm.
Phu Văn Ái Diệu Dương.
Bách Chi Quân Phụ Dực.
Vạn Diệp Hiệu Khuôn Tương.


Từ khi có quy định của vua Minh Mạng về việc đặt tên kép theo “Đế hệ thi” hay “Phiên hệ thi” thì người đặt tên đều có thể chỉ ghi theo tên kép mà không ghi họ cũng được (ẩn họ). Chính nhờ đó mà người ta dễ nhận ra con cháu của Minh Mạng.

Việc đặt tên kép theo 10 bài thơ trong “Phiên hệ thi” như trên với 200 chữ thì bà con nội thân nhà Nguyễn cũng khó nhớ để biết chính xác người mang tên kép có đúng là con cháu của các ông Hoàng trong phiên hệ hay không? Tuy vậy, người ta cũng có cách để tìm ra gốc tích thuộc dòng chi nào, phòng nào trong phiên hệ. Đương nhiên trước hết là người mang tên kép đó phải có gốc là họ tộc Nguyễn Phước (hay Phúc cũng như nhau). Đối với các con cháu trai của các ông Hoàng anh em vua Minh Mạng thì phần lớn lấy họ Tôn Thất.

“Họ” Tôn Thất bắt đầu xuất hiện từ năm 1822. “Họ” này áp dụng cho con cháu của anh em vua Minh Mạng; khi đặt có thêm chữ lót theo thế thứ của bài phiên hệ thi dành cho dòng họ mình.

Ví dụ: ông Tôn Thất Cường Để (thường gọi giản lược là Cường Để) là dòng dõi con trưởng vua Gia Long (Hoàng tử Cảnh); ông Tôn Thất Dương Kỵ là dòng dõi con thứ 13 của vua Gia Long là Hoàng tử Từ Sơn. Mặt khác, phải xem tên kép của đời cha, ông cũng phải phù hợp với thứ tự các từ đã được đặt ra trong từng phiên hệ. Thí dụ: Ông Tôn Thất Viễn Bào (GV. Môn tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ Huế) đúng là người thuộc phòng Định Viễn Quận Vương. Bởi vì ông Viễn Bào là con cụ Chiêm Tấn; GS.TSKH. Nguyễn Viễn Thọ là con của cụ Nguyễn Phước Chiêm Tế.

Thực ra 10 bài thơ của “Phiên hệ thi” có một số chữ vua Minh Mạng đã dùng lúc đầu có khác với sau này (như đã ghi ở trên). Về sau vì do một số chữ bị phạm húy nên đã thay đổi lại. Gồm có 11 chữ thay đổi như sau (chữ trong ngoặc đơn là chữ gốc lúc đầu): Kiến (Cẩn), Ninh (An), Trọng (Nguyên), Tuấn (Thái), Thỏa (Kiến), Kỳ (Thuần), Du (Cầu), Cát (Hổ), Tòng (Hoa), Dương (Hoàng), Quân (Giai).

Vấn đề đặt tên kép của vua Minh Mạng còn nhiều ý nghĩa sâu sắc, thâm nho lắm. Chúng tôi không thể giải bày thêm nhiều nữa. Hy vọng rằng những điều đó được nêu ra ở trên có thể giúp cho bạn đọc phần nào hiểu được về cách đặt tên kép ngày xưa của vua Minh Mạng.

Ngoài việc đặt tên kép cho con cháu trai của Hoàng tộc như quy định theo 11 bài thơ trên thì cũng có quy định đặt tên kép cho con cháu chắt gái theo cách riêng.

Đối với nữ, việc đặt chữ lót khác hẳn. Trước tên kép của từng người thì phải thêm các tên lót theo quy định là: đối con gái của vua gọi là Công chúa đi đôi với tên kép. Ví dụ như Công chúa An Đông, Công chúa Ngọc Tây... Cháu gái nội của vua lấy chữ lót trước tên kép là Công Nữ, chắt gái nội của vua thì chữ lót trước tên kép là Công Tôn Nữ; tiếp tục các cháu chắt những đời sau với các chữ lót trước tên kép lần lượt là: Công Tằng Tôn Nữ (thuộc cháu 4 đời), Công Huyền Tôn Nữ (thuộc cháu 5 đời), Lai Huyền Tôn Nữ” (thuộc cháu 6 đời).

------------
Lưu ý: Có tài liệu đã nói rằng 11 bài thơ này không phải chính vua Minh Mạng sáng tác, mà là Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên (người quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), có tài liệu ghi là Nguyễn Đình Phiên là tác giả của 11 bài thơ ấy. Chuyện này tôi cho rằng đây là một sự ngộ nhận của ai đó mà thôi, chưa có tài liệu thật chính xác để khẳng định điều đó. Vì vua Minh Mạng là một ông vua sành thơ và cũng thông thái chữ Hán, không lẽ nào nhà vua không sáng tác được bài “Đệ hệ thi” và “Phiên hệ thi” hay sao mà lại nhờ người khác sáng tác rồi lấy tên cho mình? Thật là vô lý!

Theo tôi nghĩ rằng 11 bài thơ ấy là do vua Minh Mạng đưa ra nội dung, mục đích, ý tưởng và giao cho một vị quan chịu trách nhiệm soạn thảo ra rồi trình lên nhà vua xem xét, sửa đổi cho hoàn chỉnh rồi mới chính thức ban hành để làm Ngọc phả Hoàng tộc nhà Nguyễn.

Năm Minh Mạng thứ nhất, ngày 20 tháng 11 năm 1820, Nguyễn Đình Phiên đã tâu lên vua Minh Mạng: “Bề tôi Đông các học sĩ Nguyễn Đình Phiên cúi đầu, rập đầu trăm lạy kính tâu về việc: Nay kính vâng chủ kiếm soạn các chữ trong Ngọc Phổ. Hãy kính đấy. Kính cẩn xếp thành 11 bài 4 câu 20 chữ, tổng cộng 220 chữ. Kính cẩn trình bày theo thứ tự. Kính chờ Thánh thượng xét đoán” (bản dịch từ chữ Hán, Châu bản triều Nguyễn, tờ 223 đến 235).

Bài “Đế hệ thi”, Đinh Hồng Phiên viết:

Miên hồng khai bửu tộ
Bảo định ứng trinh tường
Toản tự di nhân viễn
Gia hy tích dận trường
.

Đọc bài thảo, vua Minh Mạng ban đầu sửa chữ Khai thành chữ Ưng. Câu thứ hai vua sửa lại là Long quý định bảo trường. Câu ba, Toản tự di nhân viễn, vua sửa lại là Hiền năng kham kế thuật. Câu bốn: các chữ hy tích dận trường vua sửa thành Thụy Quốc gia xương. Rồi vua lại sửa câu bốn một lần nữa, thành Thế Thọ Quốc Gia Xương. Sau đó vua chỉnh lại Thế Thụy. Rồi vua tham khảo ý kiến anh em mình và các trí thức trong triều, một lần sửa nữa mới chính thức thành: Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh/ Bảo Quý Định Long Trường/ Hiền Năng Kham Kế Thuật / Thế Thụy Quốc Gia Xương.

Như vậy chúng ta cũng đủ hiểu rằng bài “Đế hệ thi” không phải là hoàn toàn do Đinh Hồng Phiên sáng tác.

Có lẽ vì người hậu duệ của cụ Phiên là ông Đinh Văn Niêm đọc một tài liệu chữ Hán lưu trữ tại thư viện Quốc gia Việt Nam có ghi bút tích của cụ Phiên nói rằng cụ viết bài “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi” để làm kim sách cho nhà vua.

Bởi vì cụ Phiên là người văn hay chữ đẹp nên vua Minh Mạng mới sai lo việc soạn thảo để nhà vua xem xét sửa chữa rồi mới chính thức ban hành, chứ không do cụ Đinh Hồng Phiên sáng tác hoàn toàn 11 bài thơ đó. Thế nhưng báo Văn hóa Nghệ An cũng như một số bài viết trên báo chí đã có người vội vàng đưa lên bài “Tìm lại tác giả bài “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi”.

Nội dung bài đó nói rằng bài “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi” là của tác giả Đinh Hồng Phiên người Nghệ An. Một số cứ liệu nêu ra trong bài đó là không chứng minh được là cụ Phiên là tác giả độc nhất của 11 bài thơ đó. Chắc cụ Phiên ở thế giới âm cũng phải chạy đến và lạy vua Minh Mạng mà tạ lỗi đã phạm Thượng vì để cho lớp hậu duệ tâng bốc mình quá đáng!...

N.H.T
(SDB8/3-13)


Tài liệu tham khảo:

1.Nguyễn Phước Tộc Thế phả. Nxb Thuận Hóa, Huế 1995.
2.Niên biểu lịch sử Việt Nam. Nxb. Văn hóa Thông tin. Hà Nội 1999.
3.Kim sách và ngân sách triều Nguyễn Tg: Tôn Thất Thọ (Đã đăng trên X&N số 342 - tháng 10/2009 ký là Tôn Châu Quân) 4. “Nghiên cứu Huế” do Nguyễn Hữu Châu Phan chủ biên, tập 8, do Nxb. Thuận Hóa ấn hành, QI/ 2012.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng