Nghiên Cứu & Bình Luận
Trần Đức Thảo, đường tới tự do
15:43 | 20/05/2013

LUÂN NGUYỄN

Trần Đức Thảo, với người Việt, hiển nhiên là một trí tuệ hiếm có. Trong tín niệm của tôi, ông còn là một trí thức chân chính. Một trí thức dân tộc.

Trần Đức Thảo, đường tới tự do
Triết gia Trần Đức Thảo (ảnh chụp trước năm 1990 tại Hà Nội)- Ảnh: hnue.edu.vn

Trí thức không chỉ là một tầng lớp xã hội trong mô hình: vô sản, tư sản, trí thức, mà còn là một kết cấu giá trị và kết tinh văn hóa của không chỉ một thời mà của nhiều thời, thậm chí, nhiều không gian trong thời hiện tại. Hay nói khác đi, bản chất của trí thức thuộc về giá trị vững bền, không phải vấn đề nghề nghiệp hay lớp áo xã hội - nghề nghiệp, giai tầng. Kẻ mang “ý tưởng” liên tục trong quan niệm của Arthur M. Schlesinger hay sự không ngừng vươn tới tri thức (“khuynh hướng muốn biết”) của James V. Schall là một phần quan trọng của giá trị đó. Song giá trị bao giờ cũng có tính tự khẳng định, tức là, lý do tồn tại hay tiêu vong nằm ngay ở bản thân nó. Trí thức, được tự do bởi khả năng nhìn ra quy luật vận động, và cũng có nguy cơ bị trói buộc, trước, bởi các thiết chế như là cách đề phòng sự phủ định, sau, trói buộc vô hình của chính sự hướng tâm giá trị, lớn nhất là giá trị dân tộc. Trí thức có khả năng đi trước thời đại, nhưng không thể tách khỏi thời đại lịch sử bằng chính những hoạt động thực tiễn của bản thân. Trí thức đích thực không đồng nghĩa với, và bao giờ cũng ít hơn nhóm người có chữ, có triện. Là trí thức, do đó, đồng nghĩa với sự lựa chọn dũng cảm, quyết liệt và đôi khi, dám trả giá cho sự chọn lựa ấy.

Trí thức, Trần Đức Thảo không chỉ là, mà còn thuộc về, thuộc về ở đỉnh cao nhất. Tất thảy mọi chuyện của đời ông, từ thành tựu triết học tới những bi kịch cá nhân, cũng từ đây mà ra.

Trần Đức Thảo sinh năm 1917, tại Bắc Ninh, thuộc lớp trí thức du học Tây phương đầu tiên người Việt. Cùng với những tên tuổi lớn khác: Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Phạm Quang Lễ, Nguyễn Văn Huyên,… họ lớn lên trong hoàn cảnh xã hội phong kiến thuộc địa, vì thế, dẫu có phi truyền thống, nhưng không tách khỏi truyền thống, trước tiên là truyền thống trí thức.

Đời triết gia có 3 giai đoạn: 1917 - 1951; 1951 - 1991; 1991 - 1993, bước rẽ thứ nhất là chuyến du học Pháp tròn 15 năm. Nền văn minh và sự tiến bộ của giáo dục đại học phương Tây đã thắp lên tư duy duy lý trong con người Á Đông. Nhờ thế, ông tạo nên một sự nghiệp mà không một người dân thuộc địa nào mơ đến. Ông tốt nghiệp thủ khoa của trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp bấy giờ: École normale supérieure d”Ulm (Cao đẳng Sư Phạm phố Ulm); ngoài 30 tuổi, gây chú ý cho giới triết học Pháp và châu Âu bởi cuốn Phénoménologie et matérialisme dialectique (Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhà in Minh Tân, Paris, 1951), trước đó đã được đăng vài phần ở một số báo. R. Barthes - nhà lý luận lớn đã viết những dòng trân trọng về công trình của ông: “Très brillante, la démonstration de Thao a le mérite immense de faire rentrer l’évolution des idées et des mythes dans l’évolution d’une Histoire profonde, qui est celle de la propriété, ou mieux encore de l’idée de la propriété.” (Rất đặc sắc, sự chứng minh của Trần Đức Thảo có giá trị lớn là đã đặt sự tiến hóa của tư tưởng và huyền thoại vào trong sự tiến hóa của Lịch sử chiều sâu, đó là lịch sử của sở hữu, hay đúng hơn nữa, của ý tưởng sở hữu)(1). Cho tới nay, nhiều nhà nghiên cứu ở Pháp và phương Tây vẫn xem “Nửa đầu của tác phẩm Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, sáu mươi năm sau ngày xuất bản, vẫn được coi là cuốn sách nhập môn sáng giá về hiện tượng luận, ngang tầm với những tác phẩm của Maurice Merleau - Ponty và Paul Ricoeur(2). Cuốn sách đã đưa Trần Đức Thảo thành triết gia Hiện tượng luận nổi danh với tư duy đặc sắc có khả năng soi chiếu tỉnh táo các vấn đề hóc búa của triết học. Năm cuộc trao đổi từ cuối năm 1949 - đầu năm 1950 với J. P. Sartre theo lời mời của nhà tư tưởng lớn nhất nước Pháp đương thời phần nào cho thấy địa vị của tư duy Trần Đức Thảo. Ở Pháp, Trần Đức Thảo có tương lai triết học, và thực tế, có cơ hội dạy cho Sorbonne, như ông thừa nhận trong Tiểu sử tự thuật. Nhưng, bỏ lại tất cả, ông đã về nước. Một nước thuộc địa đang chiến tranh. Hẳn ông đã nghĩ, Tây phương tuy lạc bất như quy - theo cách của một trí thức lớn khác, trước ông 6 thế kỷ. Trí thức Việt Nam chân chính, rõ ràng, luôn đồng nghĩa với một lựa chọn: dân tộc trên hết.

Do tiến trình của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tư tưởng Marxist trở thành lựa chọn của dân tộc Việt Nam. Con đường Việt Nam đồng nghĩa với con đường Marxist - Leninist. Con đường ấy có thể tìm thấy ở hành trình Trần Đức Thảo. Từ nhà Hiện tượng luận, ông đi một vòng từ chủ nghĩa Marx, rồi chủ nghĩa Marx - Lenin, cuối cùng dừng chân với phép biện chứng duy vật mà Marx gây dựng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta cho phép mình nhìn ông như một tín đồ, mà phải cao hơn, ông là một triết gia dấn thân. Dấn thân tìm về chân lý tối thượng của suy tư: tự do.

Công trình chính thức đầu tiên của Trần Đức Thảo đề cập đến trào lưu triết học thời thượng - Hiện tượng luận, khởi điểm đồng thời xoay quanh Husserl và một triết thuyết đối nghịch với nó - chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx. Công trình của Trần Đức Thảo đánh động tới hai vấn đề thiết yếu: thứ nhất, tâm lý tôn sùng những trào lưu thời thượng trong xã hội Pháp, thậm chí, ở cả giới trí thức đương thời, thứ hai, khai thị một vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận - phép duy vật biện chứng, mà như chính tác giả của nó tin tưởng như một tín điều là phương pháp duy nhất khả thủ để lý giải các vấn đề khoa học. Xin nhấn mạnh, cả hai vấn đề trên đều mang tinh thần và có giá trị khoa học chứ không hẳn chứa đựng những xúc cảm cá nhân một công dân thuộc địa. Công trình năm 1951, phần 1, thực chất, là sự kế thừa thành tựu suy nghiệm của tác giả ở luận văn viết trước đó 9 năm: Phương pháp hiện tượng học của Husserl. Trần Đức Thảo đã chỉ ra sự hạn chế trong thành tựu tư duy của triết gia Đức ở sự “bỏ quên hiện thực mà thực ra chúng quy định nên nội dung thực sự cho suy nghĩ của ông ta”(3). Trong Một hành trình, viết cuối đời, ông tiếp tục khẳng định vai trò của hiện thực trong nhận thức: sự phản ánh hình ảnh bản thân vào trong óc như là “sự vận động gửi trả lại hay phản chiếu” qua sự trung giới của hình ảnh xã hội có bên trong cơ thể, kết quả là “hình ảnh sống trải của nó (cá nhân - LN) nhằm vào đối tượng hay còn có thể nói là hình ảnh có chủ định về đối tượng, từ đó mà có ý thức sống trải của nó về đối tượng”(4). Nhìn nhận chủ nghĩa Husserl như “chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm”, triết gia thấy buộc phải vứt bỏ không những tính tổng thể của học thuyết Husserl mà ngay cả phương pháp của nó trong chừng mực nó bị xơ cứng biến thành các công thức trừu tượng(5). Để phê phán quan niệm và phương pháp luận Hiện tượng luận, Trần Đức Thảo đứng trên quan điểm duy vật, và nhất là, sử dụng phép duy vật của Marx như một phương pháp tư duy: “Quá trình duy nhất có giá trị đối với việc xây dựng nên các ý nghĩa đã trải nghiệm là dựa trên nền tảng các hiện thực vật chất”(6). Kết quả sự sống trải của con người trong thế giới được nhìn nhận từ chính nền tảng hiện thực của nó: sản xuất vật chất. Bằng cách ấy, triết gia nhận thấy sự vận động lịch sử trong chính điều mà ông tổ Hiện tượng luận trong đà tư duy của mình hướng đến: nội dung hiện thực. Như vậy, triết học tư sản tìm thấy ở chủ nghĩa Marx hình thức xóa bỏ nó. Nói cách khác, bằng chủ nghĩa Marx, Trần Đức Thảo thực hiện phủ định biện chứng chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm bằng ngay chính phương pháp của mình, cho dù, điều đó đã không diễn ra như ý, để từ đây, ông xác lập và trung thành đến cùng với tư cách nhà Marxist, sau đó là nhà Marxist - Leninist, trong hoàn cảnh đặc thù của đất nước.

Trước tác cuối cùng: Logic hiện tại sống động (La logique du present vivant) viết trong đoạn đời cuối của tác giả. Nếu căn cứ vào thời điểm kí tên ở cuối (12/04/1993), tác phẩm chỉ tạm dừng trước ngày tác giả của nó về cửu tuyền không lâu - 12 ngày. Lần sau cuối, cuộc nghiệm sinh dành cho một vấn đề cũ của triết học: luận lý về thời gian và tồn tại cá thể, nhưng vẫn cho thấy những sáng tạo cá nhân xuất sắc trên nền tảng triết Phương Tây bằng đôi mắt biện chứng pháp. Phủ nhận luận lý hình thức khái quát tư duy trên ba nguyên lý nền tảng: “Nguyên lý đồng nhất: cái gì hiện hữu, thì hiện hữu. Nguyên lý không mâu thuẫn: cái gì không hiện hữu, thì không hiện hữu. Hay nói cách khác: A không thể vừa là A vừa là “không A”. Nguyên lý triệt tam: một sự vật chỉ có thể là A hoặc “không A”, không có giải pháp thứ ba”(7). Tác giả cho rằng đó là kết quả của “tri giác thông thường”, theo đó, thời hiện tại được quan niệm “như tự nó bất động”. Hạn chế đó, theo Trần Đức Thảo, được khắc phục bởi Luận lý biện chứng với ba nguyên lý tư duy: “(1) Mọi sự vật hiện hữu, đồng thời không hiện hữu, vì nó lưu chuyển. (2) Điều không hiện hữu, cũng hiện hữu, vì quá khứ không còn hiện hữu, thành tựu trong hiện trạng của lúc này, và tương lai chưa hiện hữu, đã bắt đầu hiện lên, cũng từ cái hiện trạng lúc này ấy. (3) Mọi sự vật đều là chính nó và là cái khác, vì nó tự biểu hiện như một cái khác trong sự xuất hiện của tương lai đã bắt đầu trong lúc này”(8). Thời hiện tại được trả về với tính sống động vốn có của nó, nơi quy tụ quá khứ - hiện tại - tương lai trong sự “lưu chuyển” không ngừng giữa các khoảng khắc: “Hiện tại chính là sự chuyển biến từ quá khứ đến tương lai, một sự chuyển biến liên tục, trong mỗi giây lát, với quá khứ lắng đọng trong nó, và với tương lai nẩy mầm từ nó”(9). Mặc dù Trần Đức Thảo thừa nhận sự thừa hưởng phép biện chứng Heraclite và Hegel, và điều đó là chính xác, nhưng dấu ấn tư duy của Marx (đặc biệt, trong Tư bản luận, rõ rệt hơn cả), giúp tác giả hoàn tất luận lý biện chứng duy vật, thể hiện ở các vấn đề sau:

1. Trước hết, về phương pháp luận: việc giải quyết vấn đề có tính căn để: logic của luận lý. Khi xử lý quan hệ giữa “cái logic” (quá trình tư duy) với “cái lịch sử”, Marx cho rằng, định hướng cho nhà lý luận không phải là lịch sử cụ thể mà chỉ là lịch sử của cơ chế khái niệm: “Khác với các nhà kiến trúc khác, khoa học không những vẽ ra những lâu đài trên không, mà còn xây dựng những tầng nhà ở riêng biệt của lâu đài trước khi đặt nền móng cho nó”(10). Trong Tư bản luận, Marx đã dành XXIII chương cho việc “phân tích logic về tư bản với tính cách (…) một khái niệm tương ứng với nó” trước khi mô tả lịch sử ra đời của tư bản ở chương XXIV. Triết gia người Việt cũng xây dựng tiền đề cho mình bằng cách khẳng định luận lý biện chứng trên cơ sở bác bỏ luận lý hình thức ngay ở chương đầu tiên.

2. Hiện tại trong quan niệm của Luận lý biện chứng. Đầu tiên, hiện tại như sự quy tụ các chiều thời gian. Marx coi quá trình lịch sử trong sự hình thành cái cụ thể và kết quả của nó nằm trong mối quan hệ có tính quy luật. Do đó, theo Marx, vấn đề quan trọng nằm ở cách quan niệm về hiện tại, để qua đó có thể hiểu quá khứ trong khi không cần ở trong quá khứ: “Để phát hiện ra các quy luật của nền kinh tế tư sản, không cần thiết phải viết về lịch sử hiện thực của các quan hệ sản xuất (…). Những chỉ dẫn ấy (số liệu thực nghiệm - LN) cùng với sự hiểu biết đúng đắn hiện đại trong trường hợp này cũng mang lại cho ta chiếc chìa khóa để hiểu quá khứ”(11).Trần Đức Thảo thể hiện rất tập trung điều đó trong phần II - Biện Chứng Luận Lý như biện chứng tổng quát của Hội Nhập Thời Gian, và minh chứng sâu sắc trong phần IV - Lý Thuyết Hiện Tại Sinh Động như Lý Thuyết của Tính Kết Hợp.

3. Vấn đề hình thái lịch sử. Marx xem hình thái lịch sử kế tiếp như là sự phủ định của phủ định hình thái lịch sử trước nó. Mọi sự vật tồn tại trong sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, sự vận động của các hình thái xã hội, do đó, thông qua sự giải quyết mâu thuẫn giữa LLSX và QHSX. Trần Đức Thảo chỉ rõ sự hình thành các Hình thái nhờ giải quyết mâu thuẫn trong sự vận động thời gian: “Một hình thái lịch sử là một tập hợp trong thời gian và không gian của những thực thể tương tác với nhau trong vô số giây lát không ngừng chuyển động và tự trở thành”(12).

Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của Trần Đức Thảo trong Logic của cái hiện tại sống động lại nằm ở chỗ khác: quan niệm Lý thuyết hiện tại sống động như Lý thuyết của cá tính. Thực sự đột phá, triết gia nhìn nhận khoa học trong những hiện hữu cá biệt, điều trước đó, nhân loại, bắt đầu từ Aristote, thừa nhận “chỉ có khoa học trong tổng quát”, còn “hiện hữu” được tìm “trong cá biệt”. Chống lại định luật này, nhưng không tìm thấy giải đáp đúng đắn, người ta phải chối bỏ khoa học và tư duy kỹ trị, Chủ nghĩa lãng mạn và hiện sinh là những ví dụ. Tránh khỏi cực đoan đó, triết gia tìm ra lời giải “qua sự hội nhập thời gian trong sinh học”(13). Những vấn đề thuộc chức năng và cấu trúc sinh học như: sự “chuyển hóa, vận hành, đồng hóa, phân hủy và đào thải, cùng với sự tái tạo của cấu trúc chức năng” được khoa học thực chứng chỉ ra đã minh chứng cho sự vận động nội tại của từng cá thể ở giây lát hiện tại, khi “quá khứ được tồn trữ, sự hiện hữu trong lúc này, áp lực hướng tiền”. Để hiểu cá thể hiện hữu, công việc của khoa học,do đó, phải nâng lên mức “hiểu biết cảm thông”. Hay, nhận thức “sự đối kháng giữa chức năng tồn đọng và chức năng hướng đến tương lai, chính là mâu thuẫn nội tại của cá thể sinh học”(14). Điều này khiến chúng ta quay về với luận điểm nổi tiếng của Engel: “Sự sống hữu cơ và sự phát triển của sự sống hữu cơ đó (lại càng) phải chứa đựng mâu thuẫn… sự sống trước hết chính là ở chỗ một sinh vật trong mỗi lúc vừa là nó nhưng lại vừa là cái khác”(15). Cuốn sách đầu tiên và bản thảo cuối cùng của Trần Đức Thảo cách nhau trên 40 năm, nhưng giữa chúng luôn có sự thống nhất rõ ràng: tín điều và hiện thực hóa phương pháp luận Marxist.

Trần Đức Thảo đến và trung thành với chủ nghĩa Marx từ tư cách một nhà hiện tượng luận. Điều đó tạo nên khác biệt giữa ông với những người nghiên cứu Marxist ở trong nước. Ông là nhà khoa học trong nước duy nhất “tỉnh táo” suốt mấy thập niên trước Đổi mới, theo nghĩa, thấu triệt những hạn chế cũng như tính khả dụng của Hiện tượng luận Husserl, Hegel, Kant và cả thuyết hiện sinh của J.P. Sartre đối với tư duy duy vật biện chứng và với các phái Marxist biến thái. Ông nhận thức sâu sắc khả năng lý giải các vấn đề bản thể của chủ nghĩa duy vật biện chứng, điều mà triết học duy tâm đi vào ngõ cụt, hoặc sai lầm, từ đó, bảo vệ kiên quyết phép biện chứng chân chính của Marx - Angels trước sự đội lốt của bọn phản Marxist hòng cổ xúy chủ nghĩa sùng bái cá nhân và xiết chặt tự do dân chủ. Trên Nhân văn, số 3, ra ngày 15/10/1956, ông nhắc đến sự sai lầm của Stalin: “Những nghị quyết lịch sử của Đại hội (Đại hội XX của ĐCS Liên Xô) đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nước dân chủ nhân dân anh em và phong trào công nhân và nhân dân thế giới. Nước ta không thể nào đứng riêng: Chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã gột rửa những nét xấu của đời Stalin, với nội dung chân chính xây dựng trên kinh nghiệm kiến thiết chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, trong ấy dưới hình thức này hay hình thức khác, nhiệm vụ của vô sản chuyên chính là phát triển tự do cá nhân”. Trong Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, ông thẳng thừng vạch trần tính giả Marxist của Stalin, rằng, bằng sự giáo điều, duy ý chí, Stalin đã “bóp méo” học thuyết Marx - Engels ngay ở những nguyên lý, quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật như, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, quy luật thống nhất - đấu tranh giữa các mặt đối lập, quy luật lượng - chất, đặc biệt, quy luật phủ định của phủ định, do đó rơi vào “chủ nghĩa duy tâm”: “Stalin chỉ có thể chủ trương một thứ biện chứng duy tâm chứ không thể nào là duy vật. Và từ quan điểm duy tâm này, tất cả các nguyên tắc hay quy luật của biện chứng pháp như Marx và Engels đã truyền đạt đều bị bóp méo”(16). Trong triết tác duy nhất viết bằng tiếng mẹ đẻ, Trần Đức Thảo phê phán quan điểm siêu hình, phủ nhận tính người nói chung từ “phương pháp cấu trúc chủ nghĩa” của Louis Althusser. Ông khẳng định sự tồn tại của con người nói chung (cùng với con người sinh vật, con người hóa lý) “là cái bản chất hàng hai”, “có trước và lắng xuống cái bản chất hàng một”(17) - con người giai cấp. Trong Luận cương thứ 6 về Feuerbach, Marx viết: “(nhưng) bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(18). Tuyệt đối hóa bản chất giai cấp ở con người dễ dẫn tới (thực tế đã diễn ra ở các nước theo hướng Xã hội chủ nghĩa) việc phóng đại đấu tranh giai cấp, triết gia Pháp, thực chất, đã phản lại phép biện chứng duy vật. Cách làm của Althusser không khác mấy với việc hòa tan bản chất con người vào bản chất tôn giáo của Feuerbach, chỉ khác ở chỗ, trong khi triết gia cổ điển Đức thiếu sót khi bỏ qua quá trình lịch sử thì đằng sau Althusser ẩn chứa một dụng tâm chính trị.

Lòng trung thành bao giờ cũng gắn với sự dấn thân. Dấn thân ở một người “ngây thơ” như Trần Đức Thảo, trớ trêu thay, biến thành vết trượt của lịch sử, kín đáo nhưng không hề bí ẩn. Trần Đức Thảo là người có ý thức dấn thân chính trị bằng tố chất của một nhà triết học. Vì thế, trong sâu thẳm, (và nghịch lý) ông bận tâm tới chân lý hơn là thời cuộc, giá trị sau cùng hơn là ý nghĩa thời điểm. Do thế, sở hữu bộ óc mẫn tiệp ở khía cạnh triết học chừng nào, ông càng thêm lụy thân chừng ấy. Trần Đức Thảo quan tâm rốt ráo tới vấn đề mà vì nhiều lý do, người ta né tránh, thậm chí hầm hè phủ nhận: tự do dân chủ. Ngay khi về nước 5 năm, cuối năm 1956, khi đã nắm được tình hình xã hội đất nước, ông viết ngay loạt 2 bài về dân chủ (trên Nhân văn, Giai phẩm), trong đó, ông so sánh nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với nền dân chủ tư sản; trong Nỗ lực phát triển tự do dân chủ (19) ông xem tự do như một tất yếu: “tự do không phải là cái gì có thể ban ơn”, vì thế, tự do nói chung và tự do cho trí thức nói riêng vô cùng cần thiết: Cái tự do mà họ muốn phát triển là tự do của toàn dân phê bình lãnh đạo (…). Người trí thức hoạt động văn hóa, cần tự do như khí trời để thở”. Nhận thức đó được ông tiếp thu từ quan điểm của Engels trong cuốn Chống Đuyrinh: “Tự do tất yếu là một sản phẩm của sự phát triển lịch sử, trong tiến trình tới văn minh của nhân loại mỗi bước tiến lên trên con đường văn minh lại là một bước tiến tới tự do”(19). Và lòng nhiệt huyết kêu gọi tự do của Trần Đức Thảo chứa đựng âm hưởng từ quan điểm tự do báo chí của Marx: “Báo chí tự do - đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân: là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước, với toàn thế giới, nó là hiện thân nền văn hóa đang biến cuộc đấu tranh vật chất thành cuộc đấu tranh tinh thần và lý tưởng hóa hình thức vật chất thô bạo của cuộc đấu tranh đó… Báo chí Tự do là Toàn diện, nơi nào cũng có mặt, cái gì cũng biết. Báo chí tự do là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí dưới hình thức của cái tinh thần ngày càng dồi dào”(20). Không thể hoài nghi một cách khoa học tinh thần Marxist trong loạt bài trên Nhân văn - Giai phẩm của triết gia, nhưng, với sự trớ trêu của lịch sử, điều đó có quan trọng gì. Hệ quả: một nhà Marxist bị quy thành “bọn Trốt-kít”(21), kẻ có “nọc độc”, và thành… ông lão chăn bò!

Trần Đức Thảo là nhà triết học thừa hưởng 100% nền học thuật Tây phương. Vì thế, như con tàu lớn, ông có thể “mắc cạn” ở vài thời điểm, nhưng luôn rướn mình tới viễn dương. Đích đến là Tự do phóng giải tư duy. Trong cuốn Một hành trình (Un Itinéraire, 1992), hoàn thành khi trở lại Pháp, ông viết: “Nhờ ý thức mà con người mãi mãi vươn tới tự do, hay nói cách khác là một hành trình đi từ tự do tương đối đến tự do tuyệt đối. Sáng tạo tinh thần chính là con đường để đi đến tự do tuyệt đối, khẳng định lịch sử tự nhiên phát triển đưa đến lịch sử xã hội - con người, khẳng định mối liên hệ biện chứng giữa tự nhiên và xã hội - con người, mối liên hệ biện chứng giữa hoạt động và đời sống sản xuất vật chất của xã hội - con người với hoạt động sản xuất đời sống tinh thần của xã hội - con người, khẳng định mối liên hệ biện chứng giữa các mặt sinh vật, xã hội và tâm thần. Trên tổng thể đó, chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản đặt con người ở vị trí trung tâm để nhận thức sự hài hòa, thống nhất giữa con người nói chung với con người cá thể, cá nhân - nhân cách. Từ đó khẳng định trong tất yếu mãi mãi con người vươn tới tự do, để con người cá nhân - nhân cách tự do phát triển toàn diện, làm điều kiện và tiền đề cho xã hội phát triển toàn diện” 22). Ông thực sự tìm lại và được sống với chân lý của một nhà triết học đích thực. Lúc ấy, ông “khoát tay” được hệ lụy của quá khứ, cái quá khứ có lúc một bộ óc tầm thế giới phải quay mặt vào tường bệnh viện. Khóc rưng rức(23) như một đứa trẻ.

Đến năm 2013 này, tròn 20 năm bộ óc Trần Đức Thảo ngừng tư duy. Không hiểu, khi buông tay ở xứ người, ông có nghĩ điều gì không? Chỉ biết, đã đến lúc, phải trả ông về lại cảnh giới của ông.

Cảnh giới của một triết gia, một trí thức đích thực.

L.N
(SH291/5-13)


.....................................
1. Barthes Roland (1951), “Phénoménologie et matérialisme dialectique”, http://www.viet-studies.info.
2. Nguyễn Ngọc Giao, Tư duy Trần Đức Thảo: một hành trình mở.
3,5,6. Trần Đức Thảo (2004), Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, trang 18,17, 20.
4. Trần Đức Thảo, Một hành trình (1992), http://www.viet-studies.info.
7, 8, 9, 12, 13, 14. Trần Đức Thảo (1993) Nguyễn Hoài Vân (dịch), La logique du present vivant (Logic hiện tại sống động), http://triethoc.hnue.edu.vn
10, 11. Nhiều tác giả (1986), Lịch sử phép biện chứng Mác - xít, từ khi xuất hiện chủ nghĩa Mác đến giai đoạn Lê-nin, Nxb. Tiến bộ, Maxcơva.
15. C. Mác và Ph. Ăngghen Toàn tập (1994), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 20, trang 173-174.
16. Phạm Trọng Luật, Triết lý của Trần Đức Thảo đã đi đến đâu?, http://www.viet-studies.info
17. Trần Đức Thảo (2000), Vấn đề con người và chủ nghĩa “Lý luận không có con người”, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, trang 134.
18. Mác - Ăngghen Tuyển tập, Tập 1 (1980), Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, trang 257.
19. Mác, Ănghen Tuyển tập, Tập 5 (1983), Nxb. Sự thật, trang 164.
20. Mác - Ăngghen Toàn tập, Tập 1 (1995), Nxb Chính trị quốc gia, trang 100.
21. Tố Hữu (1958), Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân Văn - Giai Phẩm” trên mặt trận văn nghệ, nhà xuất bản Văn hóa, trang 17.
22. Cù Huy Chử, Hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo, http://một hành trình, theo http://www.viet-studies.info.
23. Theo Nguyễn Thanh Giang, khi Phạm Trọng Luật gặp Trần Đức Thảo ở Paris, hỏi về những tác phẩm trước đó của ông, ông chỉ khoát tay và cho xem bản thảo tác phẩm mới. Đó chính là cuốn Logic hiện tại sống động. Cũng theo Nguyễn Thanh Giang, năm 1981, ông vô tình nằm điều trị cùng phòng với Giáo sư Trần Đức Thảo tại Bệnh viện Việt - Xô (Trong vụ Nhân văn - Giai phẩm, triết gia thuộc diện “được”…chỉnh huấn về tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải nhờ sự can thiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông mới được điều trị tại đây): “Cả tuần lễ hầu như không có ai vào thăm ông. Ông nằm thui thủi và thường quay mặt vào tường. Thỉnh thoảng lại giơ bàn tay trái lên, nhìn chằm chằm qua kẽ tay lẩm bẩm một câu tiếng Pháp “Một giọt nước trong suốt đang từ từ rơi”. Rồi ông khóc rưng rức, nho nhỏ”.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng