Nghiên Cứu & Bình Luận
Vấn đề ứng dụng phân tâm học vào phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975
16:46 | 02/12/2008
TRẦN HOÀI ANH              1. Phân tâm học là lý thuyết có nguồn gốc từ y học, do S.Freud (1856-1939) một bác sĩ người Áo gốc Do Thái sáng lập. Đây là học thuyết không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực y học mà còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực nghệ thuật.

Riêng trong sáng tạo văn học, rất nhiều phạm trù của phân tâm học được các nhà nghiên cứu ứng dụng để phân tích quá trình sáng tạo văn chương của nhà văn cũng như quá trình tiếp nhận của người đọc. Đó là các phạm trù: “vô thức", tính dục (libido), mặc cảm Oedipe, giấc mơ, thăng hoa… Tất cả vấn đề này đều có mối liên hệ chặt chẽ và được thể hiện trong quá trình sáng tạo văn học. Bởi theo quan niệm của Freud, nghệ sĩ giống như người mắc bệnh tâm thần, rời bỏ thực tại chán chường để đi vào thế giới ảo tượng. Và sản phẩm của nghệ sĩ là kết tinh của những ẩn ức tính dục, để biến thành những phút thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Còn thưởng thức nghệ thuật chẳng qua là hình thức trá hình của những ham muốn vô thức. Đây cũng là cơ sở vận dụng vào việc nghiên cứu văn học trong đó có phê bình văn học. Vì vậy, dù thuyết phân tâm học còn nhiều điều phải bổ khuyết nhưng với việc phát hiện ra học thuyết phân tâm, Freud xứng đáng là một trong những nhà tư tưởng lớn của thời đại.

Phân tâm học là một học thuyết có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới. Ở Việt Nam vào thời kì thuộc Pháp, phân tâm học đã bước đầu đi vào văn học mà tiêu biểu là các sáng tác của Vũ Trọng Phụng như Số đỏ, Làm đĩ, Giông tố. Riêng ở lĩnh vực phê bình văn học, từ năm 1936 đã có một số tác phẩm ứng dụng phân tâm học vào nghiên cứu văn học như Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương của Trương Tửu đăng trên báo Tiến Hóa số 1, Hồ Xuân Hương: tác phẩm, thân thế và văn tài của Nguyễn Văn Hanh. Đến năm 1940, trong Kinh thi Việt Nam Trương Tửu lại vận dụng học thuyết Freud để phân tích mảng ca dao dâm và tục và thơ Hồ Xuân Hương. Năm 1942, với bút danh Nguyễn Bách Khoa, ông viết tác phẩm Văn chương Truyện Kiều lại tiếp tục ứng dụng phân tâm học để phê bình Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sau 1954, do hoàn cảnh lịch sử, ở miền Bắc phân tâm học không được chú trọng nghiên cứu như một khuynh hướng phê bình độc lập mà được kết hợp nghiên cứu với phê bình xã hội học.

Khuynh hướng phê bình này đã thể hiện ở một số tác phẩm như Hồ Xuân Hương bà chúa thơ nôm (1958) của Xuân Diệu; phần viết về thơ Hồ Xuân Hương trong "Sơ khảo lịch sử văn học Việt Nam" (1959) của Văn Tân; Người cổ Nguyệt, chuyện Xuân Hương (1962) của Nguyễn Đức Bính. Ở miền Nam, phân tâm học được giới thiệu và nghiên cứu rộng rãi trên sách báo. Không những thế, phân tâm học còn được đưa vào giảng dạy ở nhà trường. Vì vậy, các loại sách viết về phân tâm học được giới thiệu khá nhiều. Ngoài những tác phẩm dịch từ nguyên tác của Freud như Phân tâm học nhập môn của Freud (Nguyễn Xuân Hiếu dịch, 1969); Nghiên cứu phân tâm học của Freud  (Vũ Đình Lưu dịch, Nxb An Tiêm, 1969), còn có một số công trình biên khảo, dịch thuật, những bài viết giới thiệu về phân tâm học như Phân tâm học của J.P.charrier (Lê Thanh Hoàng Dân dịch, Nxb Trẻ, 1972), Hành trình vào phân tâm học của Vũ Đình Lưu (Nxb Hoàng Đông Phương,1968), Tâm lý học ứng dụng của Phạm Xuân Độ (Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục xb, 1970), Tâm phân học & tôn giáo của E.Fromm (Trí Hải dịch, Đại học Vạn Hạnh, 1968), Tâm thức luyến ái của E.Fromm (Tuệ Sỹ dịch, Nxb Ca Dao, 1969), Thế giới tình dục của Henry Miller (Hoài Lãng Tử dịch, Nxb Ca Dao, 1969), Thiền và phân tâm học của SuZuKi, Fromm, Martino (Như Hạnh dịch, Nxb Kinh Thi,1973), Dục tính văn minh của Herbert Marcuse, (Hoàng Thiên Nguyễn dịch, Nxb Kinh Thi, 1973)...
Như vậy, ở miền Nam với tính chất của một xã hội tiêu thụ, với ảnh hưởng lối sống tự do theo kiểu văn hóa Âu Mỹ, học thuyết phân tâm học cũng như các học thuyết khác của phương Tây có điều kiện phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đời sống trong đó có phê bình văn học.

2.
Có thể nói việc ứng dụng phân tâm học vào phê bình văn học là cánh cửa mở ra những chân trời mới cho phê bình văn học, là một đóng góp quan trọng của học thuyết Freud. Bởi vậy, chính Freud là người đầu tiên ứng dụng lý thuyết của mình vào phê bình văn nghệ với các bài viết: Sự mê sảng và những giấc mơ trong Gradiva của W.Jensen (1907), Một kỷ niệm của thời thơ ấu của Lenord de Vinci (1910). Từ sau thế chiến lần thứ hai, tư tưởng của Freud trên các lĩnh vực tâm lý học, triết học, y học, văn học, xã hội học, giáo dục học, văn hóa học… đã tràn khắp thế giới và cũng đã có nhiều phát hiện mới bổ khuyết cho tư tưởng của ông với những chiêm nghiệm về con người và cuộc sống. Ở khoa học văn học, Pháp là một trong những nước có đóng góp nhất định vào việc ứng dụng phân tâm học trong sáng tác, nghiên cứu văn học, cũng như phê bình văn học. Tiêu biểu như Otto Ranks với tác phẩm Đề tài loạn luân trong thi ca và chuyện kể (1911); Baudouin với Phân tâm học về nghệ thuật (1922); Bachelard với các công trình nghiên cứu về Lautreamont (1938), Phân tâm học về lửa (1938), Nước và những giấc mơ (1941), Không khí và những giấc mộng (1943)…

Ở những tác phẩm này, nhiều vấn đề của phân tâm học như vô thức, ẩn ức về tính dục, mặc cảm tuổi ấu thơ, giấc mơ, cái tôi, cái siêu tôi… đã được vận dụng rất linh hoạt để nghiên cứu về tác phẩm và quá trình sáng tạo của nhà văn, tâm lý tiếp nhận của độc giả, từ đó đề ra các chức năng của văn học nghệ thuật. Đây chính là những đóng góp quan trọng của khoa nghiên cứu văn học ở Pháp trong việc nghiên cứu và ứng dụng phân tâm học vào sáng tác và phê bình văn học, là cơ sở hình thành khuynh hướng phê bình phân tâm học mà theo Bachelard, đó là một sự đổi mới của phê bình văn học. Đây cũng là tiền đề cơ bản tác động đến sự hình thành khuynh hướng phê bình phân tâm học ở nước ta trước 1954 và ở đô thị miền Nam từ 1954-1975.

Thật vậy, nhìn vào đời sống lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, cùng với Chủ nghĩa hiện sinh, học thuyết Freud cũng là một trong những học thuyết phương Tây được ứng dụng nhiều trong sáng tác văn học cũng như trong lý luận phê bình thể hiện ở các công trình như: Lược khảo văn học 3 (Nam Sơn xb 1968) của Nguyễn Văn Trung; Nhà văn hôm nay tập 1 (Nhà văn Việt Nam xb 1969) của Nguyễn Đình Tuyến; Dư vang nghệ thuật (Nxb, Hạnh, 1971) của Trần Nhựt Tân; Đi tìm tác phẩm văn chương của Huỳnh Phan Anh (Đồng Tháp xb, 1972); Vũ trụ thơ (Giao Điểm xb,1972) của Đặng Tiến; Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay (Lá Bối xb, 1972) của Tạ Tỵ; Các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970 (Nhân Chủ xb, 1973) của Uyên Thao... Hay một số bài viết như: "Nguồn thơ tượng trưng của Lý Thượng Ẩn" (Văn nghệ số 24, 6-7/1963) của Lam Giang; "Tìm hiểu Hồ Xuân Hương hay một vài nhận định về tâm lý học, phân tâm học và văn học" (Bách Khoa số 168 /1964) của Nguyễn Mạnh Côn và Hoàng Vũ; "Nguyên Sa và ngôn ngữ tình yêu trong thơ ca" (Văn học số 99/1969) của Tạ Tỵ; "Đọc thơ Điên" của Tam Ích (Tư tưởng số 4/1970); "Đọc thơ hay" của Tam Ích (Khởi hành số 105 /1971; "Đoạn Trường Tân Thanh hay là cuộc đời kỳ quái của Nguyễn Du như được chiếu hắt lên trong tác phẩm của ông" (Nghiên cứu văn học số 7 và 8/1971) của Thanh Lãng; "Chế Lan Viên và khuynh hướng siêu thực" (Giai phẩm Văn học số ra ngày 20/8/1974) của Thanh Huy…

Nếu ở lĩnh vực sáng tác, các nhà văn ứng dụng một số phạm trù của học thuyết Freud nhưng tập trung nhất là mặc cảm Oedipe và tính dục thì ở lý luận phê bình, các nhà nghiên cứu ứng dụng hầu hết các phạm trù trong phân tâm học để phê bình các hiện tượng văn học cũng như giải mã tâm lý sáng tạo của nhà văn như vấn đề vô thức, tính dục, ám ảnh tuổi thơ, vấn đề dự phóng trong sáng tạo…
Một trong những vấn đề mấu chốt của học thuyết Freud là ông đã chứng minh quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ không chỉ có ở ý thức, tiềm thức mà có ngay trong vô thức. Vì vậy, phân tâm học rất  đề cao yếu tố vô thức trong sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ có vô thức cá thể như phát kiến của Freud mà sau này Jung còn nói đến cả vô thức tập thể. Như vậy, vô thức có vai trò rất quan trọng trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Đây cũng là điều các nhà phê bình văn học quan tâm khi nghiên cứu quá trình sáng tạo của nhà văn.


Uyên Thao cho rằng tác phẩm văn chương chính là sản phẩm được sáng tạo trong vô thức của nhà văn. Bởi lẽ "Chúng ta có thể công nhận rằng một tác phẩm văn chương là một công trình xây dựng có ý thức nhưng hoàn tất hay không lại là chuyện khác. Vả lại không có gì bảo đảm trăm phần trăm rằng ngoài cái ý thức mà tác giả đem đến cho một tác phẩm, tác phẩm đó lại không thể phản ảnh một điều gì khác. Freud gọi điều đó có thể có này là sản phẩm của một ý thức chưa được nhận biết bởi chính người mang ý thức” [1]. Nguyễn Thị Hoàng khi nói về quá trình sáng tác của mình có tâm sự: “Đã ngồi lại viết ý tưởng khi nhập vào xác hồn mình, ngồi như một người bị đồng nhập, không còn hay biết đến xung quanh, bất chấp cả tiếng ồn ào và sinh hoạt khác” [2]. Sở dĩ nhà văn sáng tạo trong vô thức, vì nhà văn luôn chứa đựng trong mình những ẩn ức của tiềm thức và giấc mơ mà theo phân tâm học, đây chính là những dự phóng tạo nên sự thăng hoa trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Thanh Lãng đã vận dụng quan niệm này để lý giải việc sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, khi ông cho rằng: “Cái Kim Trọng rất đàn bà, si mê liều lĩnh, đó là dự phóng của một Nguyễn Du tiềm thức, một Nguyễn Du ở bề sâu, một Nguyễn Du sâu kín, cái Nguyễn Du đã từng say mê cô lái đò Nhật mà sau này trong thơ chữ Hán có lẽ Nguyễn Du gọi là cô Cầm, người mà Nguyễn Du đã dành cho một chỗ hầu như cao nhất trong đời sống tình cảm của ông” [3].

Hoặc khi lý giải khát vọng tự do của Nguyễn Du qua nhân vật Từ Hải, Thanh Lãng cũng cho rằng “Từ Hải chỉ là điều ước mơ bị giấu kín, bị dồn ép mãi tận đáy tâm thức Nguyễn Du, chứ cái Nguyễn Du hữu thức là một Nguyễn Du vô vi, ít nói, hầu như câm lặng, chẳng muốn can thiệp, đứng ở ngoài… Từ Hải là một dự phóng vọt ra dưới sức dồn ép quá độ. Từ Hải đã dự phóng giấc mơ kiêu hùng của Nguyễn Du” [4]. Còn khi lý giải những mâu thuẫn trong tâm lý sáng tạo của Nguyễn Du ở thơ chữ Hán, Thanh Lãng cho rằng đó là một Nguyễn Du với một thể xác bệnh hoạn, già, tóc bạc, tàn úa, rã rời và luôn ám ảnh về sự chết ngược lại với một hình ảnh Kiều luôn đẹp, luôn tươi trẻ, khỏe mạnh mặc dầu bị triền miên đau khổ dày vò cả thể xác lẫn tâm hồn. Thanh Lãng cho rằng đó là dự phóng với nhiều sửa chữa trá hình, “Một Kiều trẻ đẹp, không bao giờ đau khổ, không bao giờ suy giảm tài, sắc, và hầu như bất tử sau bao nhiêu lần tự tử là dự phóng một Nguyễn Du phản kháng, tự tiềm thức, đối với mối lo ngại sợ già, lo sợ tóc bạc, lo sợ bệnh hoạn, lo sợ chết. Kiều là giấc mơ yêu dấu, nhưng bi đát tuyệt vọng của Nguyễn Du” [5].

Cùng quan niệm với Thanh Lãng, Tam Ích khi phê bình tập Thơ điên cũng lý giải hiện tượng “điên” trong thơ là hình thức của sáng tạo, một dự phóng của vô thức xét từ góc độ phân tâm học: “Thi nhân là chú trẻ con của Freud, còn người điên, nhất lại là người điên làm thơ, là trẻ con của ông Lão Tử. Một chút Lão Giáo, một mẫu Trang Chu, một vệt ánh sáng của sự trung thực (authenticité của Heidegger)” [6]. Và cũng theo Tam Ích, chỉ có thể căn cứ vào phân tâm học của Freud mới lý giải được hiện tượng thơ của Nguyễn Đức Sơn, “muốn hiểu Sơn phải viện Freud – phân tâm luận - chỉ có Freud! Chỉ dùng lăng kính phân tâm mới ít nhiều hiểu được Sơn và hiểu nổi Sơn (…) thơ Sơn là chất liệu nghệ thuật mượn ngõ tiềm thức để thành thi ngữ và thành âm thanh – có thể nói là để thăng hoa.” [7]. Đó cũng là quan điểm của Nguyễn Đình Tuyến khi lý giải thơ của Sao Trên Rừng (tức Nguyễn Đức Sơn - T.H.A): “Sự bất mãn, sự phản kháng thường trực, sự chối bỏ liên tục hàm chứa ý nghĩa khinh bạc, sự ẩn ức theo phân tâm học của Freud đã thể hiện một cách rõ rệt trong những vần thơ của Sao Trên Rừng tạo ra một thứ trữ tình mới lạ, những thứ thơ chứa đựng những khoái cảm bị dồn ép, những u uẩn của hư vô, của trời đất, của rừng biển, của sao khuya huyền bí.” [8].

Không chỉ vận dụng những khái niệm vô thức, tiềm thức, dự phóng để lý giải quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, các nhà phê bình còn vận dụng phạm trù tính dục trong học thuyết phân tâm để lý giải tâm lý sáng tạo của nhà văn. Bởi lẽ vô thức có liên quan đến nội dung tính dục. Và đây là hai phạm trù cơ bản trong học thuyết của Freud. Vì theo ông, bản năng tính dục là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tuy nhiên hiểu vấn đề này như thế nào còn phụ thuộc quan niệm của người nghiên cứu. Nhưng không thể phủ nhận vấn đề tính dục trong đời sống con người cũng như sự tác động của nó đến sáng tạo nghệ thuật, vì đó là một hoạt động thuộc bản năng sinh tồn của mọi giống loài mà con người không thể là loại biệt.

Như ta biết, trong văn học ở đô thị miền có rất nhiều tác phẩm văn chương được sáng tác dưới ảnh hưởng của tính dục. Đây không chỉ là trường hợp cá biệt, mà đã trở thành một trào lưu sáng tác có ảnh hưởng đến đời sống xã hội và văn học ở đô thị miền Nam, muốn giải mã  không có cách nào khác là dựa vào lý thuyết nó ảnh hưởng
. Chẳng hạn khi lý giải vấn đề khao khát tính dục của các nhân vật trong tác phẩm của Túy Hồng, dựa vào học thuyết Freud, Uyên Thao cho rằng đó là do sự ám ảnh nhục cảm và ẩn ức tính dục: “Ám ảnh nhục cảm đối với các nhân vật tiểu thuyết Túy Hồng không chỉ được phát hiện trong những cảnh trao đổi đó. Nó còn được phát hiện qua những hình thức khác, những hình thức mà có lẽ người ta mới chỉ gặp loáng thoáng trong một vài tác phẩm của Chu Tử để diễn tả cái mức độ nóng bức sôi bỏng trong những tiếng thở dài của tuổi dậy thì con gái." [9]. Cũng trên cơ sở của quan niệm về tính dục, Uyên Thao so sánh nỗi ám ảnh nhục cảm giữa các nhân vật nữ trong tác phẩm của Túy Hồng với các nhân vật nữ trong tác phẩm của Nguyễn Thụy Vũ. Theo Uyên Thao: "So với Nguyễn Thị Thụy Vũ, ám ảnh nhục cảm trong tiểu thuyết Túy Hồng đã vượt hẳn lên như một dấu hằn, dù Túy Hồng rất ít chú trọng tới thân xác của những nhân vật. Ngòi bút Túy Hồng như hực lửa khi được đẩy vào vùng trời giải phóng là tiếp nhận những rung động của thể xác.

Những người trung thành với quan điểm phân tâm của Freud có thể mổ xẻ Túy Hồng qua một trạng thái dồn nén khủng khiếp, khủng khiếp đến độ có những giấc mơ tàn bạo hơn cả giấc mơ chém đầu kẻ khác phái. Ở đây, chúng ta chỉ nói về tiểu thuyết của Túy Hồng với những nhân vật trong thế giới tiểu thuyết đó. Mặc dầu trước Túy Hồng đã có Đò dọc của Bình Nguyên Lộc và ở bên cạnh Túy Hồng đã có những nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhưng chỉ Túy Hồng làm nổi bật được kích thước mối ám ảnh nhục cảm của những cô gái lỡ thì." [10]. Ám ảnh nhục cảm và tính dục không chỉ là “vết thương dậy thì” trong tác phẩm Túy Hồng mà còn là những đam mê bỏng cháy, những khát vọng bị dồn nén đến “điên dại” trong sáng tác của Nguyễn Thị Thụy Vũ được Uyên Thao chỉ ra dưới góc nhìn phân tâm học: "Theo quan điểm của Freud, chúng ta có thể cho rằng Nguyễn Thị Thụy Vũ là một người bị dồn nén trầm trọng về tình dục. Khởi từ đây, chúng ta có thể hướng công việc phát họa chân dung Nguyễn Thị Thụy Vũ theo các suy luận dựa trên những tìm tòi hướng về tác giả đó" [11].

Sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ theo quan niệm của phân tâm học là sáng tạo từ những giấc mơ tĩnh trên cơ sở của những liên tưởng, tưởng tượng. Vì vậy, tác phẩm văn học bao giờ cũng ẩn chứa những dấu ấn của tuổi thơ. Đây là yếu tố tạo nên những dự phóng sáng tạo ở người nghệ sĩ. Vì vậy, cùng với vô thức, tính dục, ám ảnh tuổi thơ cũng là phạm trù được các nhà phê bình vận dụng để giải mã tâm lý sáng tạo của nhà văn. Trong Dư vang nghệ thuật, khi phân tích cái nắng trong thơ Huy Cận, Trần Nhựt Tân cho rằng đó là cái nắng của ám ảnh tuổi thơ và vô thức: "Vâng, một thứ gì cũng rất “huy cận”: trong nắng, mưa, gió, mai chiều, trong sương, một thứ nắng “huy cận” làm bằng tâm hồn, bằng ám ảnh tuổi thơ, bằng vô thức, “huy cận” mà ta nghe nhìn dàn trải đến mênh mông, mênh mông, đến hư vô, hư vô, một thứ nắng gợi nhớ gợi tình, nắng của hoài niệm ước mong, của tưởng tượng êm đềm của mơ màng (revevie) man mác: buồn, buồn - huy - cận:" [12]. Thanh Huy trong “Chế Lan Viên và khuynh hướng siêu thực” lý giải quá trình sáng tạo của Chế Lan Viên ở Điêu tàn cũng từ những ám ảnh tuổi thơ: "Ở đây chúng ta thấy thuyết Freud được chứng nghiệm rõ ràng. Những cảm xúc đau thương về họa diệt vong của giống Chiêm Thành in sâu vào tiềm thức của thi sĩ hồi nhỏ nay sống dậy và tuôn trào ra. Từ những ấn tượng thu nhập từ khi thiếu thời, trí tưởng mạnh mẽ của thi nhân tạo ra những văn ảnh tượng trưng đạt đến một nghệ thuật cao độ, và từ đó thi nhân bước qua lĩnh vực siêu tưởng" [13].

Huỳnh Phan Anh khi viết về Mai Thảo cũng cho rằng nhiều tác phẩm của Mai Thảo mà tiêu biểu là Chuyến tàu trên sông Hồng đã thể hiện rõ những ám ảnh tuổi thơ của ông: "Dường như tuổi thơ là đối tượng của sự chọn lựa đó. Tuổi thơ bàn bạc trên khắp các trang sách. Tuổi thơ xuất hiện trong tất cả các câu chuyện kể chính cái tuổi thơ với những rung động say sưa, những nhịp thở bàng hoàng không ngừng lên tiếng dưới ngòi bút trên từng dòng chữ tác giả" [14]. Và khi viết về nỗi ám ảnh tuổi thơ trong tác phẩm Duyên Anh, Huỳnh Phan Anh lại cho rằng: "Nhân vật Duyên Anh không ngớt chuyện trò với tuổi thơ, với thời niên thiếu của mình. Dưới ngòi bút của Duyên Anh, quá khứ và kỷ niệm về một tuổi thơ bao giờ cũng đằm thắm và đầy thương yêu: tất cả trở thành nguồn cảm hứng vô tận của người viết truyện" [15]. Còn đây là ám ảnh tuổi thơ trong Khung Rêu của Nguyễn Thị Thụy Vũ được Uyên Thao chỉ ra: “Tác giả cho biết Khung Rêu là một tác phẩm có nhiều liên hệ với quãng đời thơ dại của chính tác giả. Nhưng cái khung rêu mà tác giả mô tả cũng không khác biệt với cái khung cảnh tỉnh lẻ mà người đọc đã bắt gặp rải rác từ  Mèo Đêm, Chiều Mênh Mông qua Thú Hoang”. [16]

Như các học thuyết khác, phân tâm học cũng có những mặt tích cực, những hạn chế cần bổ khuyết. Song, sự xuất hiện của phân tâm học cũng đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề của đời sống xã hội trong đó có khoa học văn học.
Việc ứng dụng phân tâm học như vấn đề vô thức, dự phóng, mặc cảm Oedipe,  tính dục… vào phê bình văn học đã góp phần lý giải quá trình sáng tạo của nhà văn, mà nếu chỉ nhìn với quan điểm xã hội học thô thiển, nhiều khi không giải mã được quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, nhất là ở những nghệ sĩ có cá tính và phong cách. Không những thế, khuynh hướng phê bình phân tâm học cũng mở ra điều kiện cho người tiếp nhận đi sâu tìm hiểu thế giới bên trong của nhà văn để từ đó nắm bắt được diễn biến tư tưởng, tình cảm của nhà văn một cách trung thực nhất. Khuynh hướng phê bình phân tâm học trong đời sống lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam là sự tiếp nối và phát triển khuynh hướng phê bình phân tâm học đã xuất hiện ở nước ta trước 1954. Với lối tư duy mới, khuynh hướng phê bình phân tâm học ở đô thị miền ngày càng tiệm cận với khuynh hướng phê bình phân tâm học hiện đại của thế giới. Đó là sự kết hợp giữa phân tâm học và hiện sinh. Đây là một trong những khuynh hướng phê bình chủ yếu của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam có nhiều ảnh hưởng đến đời sống văn học, nên cần được khẳng định. Đồng thời, sự hiện hữu của khuynh hướng phê bình phân tâm học trong đời sống lý luận phê bình văn học đã góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng trong bức tranh lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975, tạo cho người đọc nhiều sự lựa chọn trong phương thức tiếp nhận các hiện tượng văn học.

3.
Có lẽ, khi nói đến vấn đề phân tâm học trong văn học ở đô thị miền Nam nhiều người thường nghĩ đến vấn đề tính dục trong một số tác phẩm văn chương và cho rằng đó là văn chương khiêu dâm, gợi dục, sa đọa, đồi trụy và đổ tội cho Freud. Theo chúng tôi, văn học viết theo quan điểm phân tâm học không phải là thứ văn học khiêu dâm, đồi trụy như có người lầm tưởng, nó là một thứ văn học đích thực nhằm khám phá những tầng sâu trong tâm thức con người mà bản năng tính dục là một trong những vấn đề như thế. Tất nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ loại tác phẩm lợi dụng phân tâm học để khêu gợi bản năng tính dục, làm hạ thấp giá trị con người, với loại văn chương vận dụng phân tâm học như một phương thức phản ánh hiện thực cuộc sống. Vì phạm vi bài viết chỉ nói đến việc ứng dụng phân tâm học vào phê bình văn học, nên chúng tôi không đi sâu phân tích vấn đề này, chỉ muốn nói rõ hơn quan niệm của mình về vấn đề khá nhạy cảm liên quan đến phân tâm học, đó là nhận thức việc phê bình vấn đề tính dục trong văn học như thế nào. Bởi lẽ, nếu nhà phê bình không nhận thức đúng, lý giải không thấu đáo, quá đề cao yếu tố tính dục trong văn chương, thì vô tình cổ xúy cho loại văn chương mang nặng nhục cảm, thậm chí khiêu dâm, gợi dục, như thế sẽ có tác dụng tiêu cực đến mỹ cảm của người tiếp nhận. Còn nếu phê phán vấn đề này quá cực đoan, cũng không thật nhân bản, không phản ánh đúng bản thể con người. Ranh giới giữa cái thanh và tục rất mong manh, rất cần ở nhà phê bình sự tỉnh táo thì mới lý giải vấn đề đúng đắn được.

Mặt khác, phân tâm học cũng chỉ là một trong những khuynh hướng phê bình văn học. Vì thế, nếu chúng ta độc tôn khuynh hướng phê bình phân tâm học khi giải mã các hiện tượng văn học sẽ dẫn đến cực đoan và sai lầm. Bởi lẽ chỉ một lý thuyết phân tâm học, không thể lý giải hết mọi vấn đề của khoa học văn học. Việc ứng dụng phân tâm học trong phê bình văn học cũng chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận khi tìm hiểu các hiện tượng văn học. Vì vậy, việc kết hợp ứng dụng khuynh hướng phê bình phân tâm học với các khuynh hướng phê bình khác như phân tâm học và chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học và văn hóa học, phân tâm học và xã hội học, phân tâm học và hiện tượng học... là một vấn đề cần thiết, có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu và phê bình văn học.

Với những phân tích ở trên, ta thấy sự hiện hữu của khuynh hướng phê bình phân tâm học là một thực thể tồn sinh trong đời sống phê bình văn học ở đô thị miền . Việc hình thành khuynh hướng phê bình này đã phản ánh sự da dạng trong diện mạo lý luận phê bình văn học ở đô thị miền 1954-1975.  
T.H.A

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 



-------------
(1), (9), (10), (11), (16) Uyên Thao,
Các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970, Nhân chủ xb, Sài Gòn,1973, tr.186, tr.179, tr.180-181, tr.207, tr.211.
(2) Nguyễn Thị Hoàng, "Cuộc đời và tác phẩm",
Nghiên cứu văn học số 5/1971, tr.61.
(3), (4), (5) Thanh Lãng, "Đoạn Trường Tân Thanh hay là cuộc đời kỳ quái của Nguyễn Du được chiếu hắt bóng lên tác phẩm của ông",
Nghiên cứu văn học số 8/1971, tr.59, tr.60, tr.63.
(6)Tam Ích, "Đọc
Thơ điên", Tư tưởng số 4/1970, tr.128.
(7) Tam Ích "Thơ hay",
Khởi hành số 105/1971, tr.8.
(8) Nguyễn Đình Tuyến,
Nhà văn hôm nay tập 1, Nxb Nhà văn Việt , Sài Gòn, 1969, tr. 183.
(12) Trần Nhựt Tân,
Dư vang nghệ thuật, Nxb Hạnh, Sài Gòn 1971, tr.106-107.
(13) Thanh Huy, "Chế Lan Viên và khuynh hướng siêu thực",
Giai phẩm văn học số ra ngày 20/8/1974, tr. 24.
(14) Huỳnh Phan Anh,
Đi tìm tác phẩm văn chương, Nxb Đồng Tháp, Sài Gòn, 1972, tr.187.
(15) Huỳnh Phan Anh, Duyên Anh tuổi trẻ mộng và thực, Nxb Vàng Son, Sài Gòn, tr.218.

Các bài mới
Các bài đã đăng