Nghiên Cứu & Bình Luận
Suy nghĩ về sự cách tân thơ và những người làm thơ trẻ
16:03 | 05/12/2008
TRẦN HOÀI ANH1. Có thể nói yêu cầu đổi mới của các thể loại văn học là một yêu cầu tất yếu trong đời sống văn học. Tính tất yếu nầy luôn đặt cho văn học một hành trình cách mạng. Cách mạng trong đời sống văn học và cách mạng trong bản thân từng thể loại văn học.

Song nếu sự đổi mới ở các thể loại văn học khác là một quá trình tiệm tiến, thì ở thơ quá trình ấy có thể có những bất ngờ, những đột biến, những gien trội, nhiều khi chẳng theo một qui luật nào.Vì vậy, Hàn Mặc Tử, Bích Khê trên con đường sáng tạo thi ca của mình, từ Đường thi đã nhảy vọt đến lĩnh vực tượng trưng, siêu thực. Thế nên ở lĩnh vực thi ca người ta thường đặt vấn đề cũ hay mới, truyền thống hay cách tân, cổ điển hay hiện đại, già hay trẻ... mà ở các thể loại khác ít nêu ra hoặc nếu có thì vấn đề cũng không cấp bách và khốc liệt như thơ.

2. Sở dĩ có tình hình này, vì so với các thể loại khác thơ là một thể loại năng động luôn gắn với những biến sinh của đời sống xã hội. Đối tượng tiếp nhận thơ vô cùng phong phú và đa phức nên đòi hỏi thơ phải luôn tự đổi mới mình. Nghĩa là thơ phải mới và luôn được cách tân. Sự lặp lại trong sáng tạo văn học ở mọi thể loại là điều không thể chấp nhận được. Với thơ, điều ấy lại là một bi kịch. Vì vậy, yêu cầu tạo sinh khí mới để đem đến sức trẻ cho thơ đó là một phẩm chất, là một hằng số của thơ. Song để hiểu được thơ là điều không hề đơn giản!? Nhà thơ Bungari Blaga Dimitrova đã tâm sự “Ôi nếu tôi biết thơ là gì thì cả đời tôi chẳng phải khổ sở thế” (1). Còn nhà thơ Chế Lan Viên luôn tự vấn “Thực ra tôi chưa hiểu hết thơ đâu, tôi cũng có định nghĩa nhiều lần đấy, nói hẳn hoi, viết hẳn hoi. Nhưng lần này định nghĩa thì lần sau nắn lại, chỗ này định nghĩa thì chỗ khác bổ sung. Vẫn còn nghĩ tiếp, nghĩ tiếp mà” (2). Vì thế, việc đi tìm bản thể của thơ luôn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Cho nên, yêu cầu đổi mới để cách tân thơ để khám phá bản thể thơ là một yêu cầu hằng cửu. Song phẩm chất của thơ không phải ở chỗ thơ mới  hay cũ, hiện đại hay cổ điển, truyền thống hay cách tân mà là ở chỗ, đó là “thơ chính hiệu” hay chỉ là “cái giống thơ”. Bởi nói như nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch “Dù sao thì thơ vẫn tồn tại với tư cách là sứ giả quý tộc của thế giới tâm linh và nó không chịu đánh tráo giữa mục đích và phương tiện, giữa đồng nghĩa và đồng âm (.....).

Đây đó, người ta đã than phiền rằng thơ hôm nay đang lạm phát. Cái đó không có thực . Đấy là sự ngô nhận đáng tiếc, thơ đúng nghĩa của nó chưa bao giờ có nhiều. Cái phần nhiều đó chỉ là cái giống thơ chứ không phải là thơ. Đừng đánh đồng cái giống thơ với thơ (.....) đành rằng những cái giống thơ ấy đang thịnh hành như một thứ “mốt”. Đây là vật trang sức thời thượng, rẻ tiền cho những kẻ háo danh. Nó là cái ngoài đời sống văn học, mặc nó. Hãy để sự im lặng lạnh lùng như hố thẳm của qui luật đào thải nâng niu nó?” (3). Và anh tiếp tục khẳng định “Thơ là sáng tạo cuộc sống, nó song song với cuộc sống, nó không miêu tả cuộc sống như lâu nay người ta quan niệm. Với thơ nếu cần nói tới chức năng thì phải chăng nó chỉ có một chức năng duy nhất mà tưởng như tổng thể là chức năng thẩm mĩ” (4). Nghĩa là sự hằng tồn của thơ luôn gắn với sự hằng tồn của cái đẹp trong đời sống. Vũ trụ của thơ là vũ trụ của cái đẹp ở đó khí hậu dinh dưỡng nhà thơ phải là khí hậu của cái đẹp. Sản phẩm thơ phải là thơ đích thực mà phẩm chất trước tiên phải hay và đẹp, không phải là thứ giả thơ. Có như thế thơ mới trở thành một “lời kinh cầu” trong đời sống tâm linh con người và thật sự hiện tồn trong cõi nhân sinh. Bởi “Thơ là sự Đẹp tuyệt trần của sự vật, và sự chiêm ngưỡng sự Đẹp ấy trong lý tưởng” (Alfred De Vigny). Hay nói như nhà thơ Chế Lan Viên:
                           Thơ dở không dịch được 
                             Thơ hay như người đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng

                                                                                     (Sổ tay thơ)
Quả thật, thơ hay như mĩ nhân bao giờ cũng là tâm điểm thu hút sự ngưỡng mộ của người đọc. Vì vậy, vấn đề cách tân thơ, làm mới thơ chỉ là một trong những yếu tính của thơ chứ không phải là yếu tố quyết định phẩm chất thơ. Cái làm nên phẩm chất của thơ, tạo nên giá trị hằng cửu cho thơ là thơ có hay không?! Bởi dù cách tân, mới lạ, hiện đại đến đâu mà thơ không hay thì đó chẳng phải là thơ mà chỉ là những quái thai của thơ. Vì thế, không thể sinh thành nên những hoàng tử thơ, những công chúa thơ hoàn mĩ được. Việc cách tân thơ, làm mới thơ, không chỉ là trách nhiệm của những nhà thơ trẻ mà đó là thiên chức của các nhà thơ. Cho nên, không thể suy nghĩ hàm hồ rằng những người làm thơ của thế hệ trước không có trách nhiệm gì trong việc làm mới, làm trẻ lại thơ hôm nay. Để rồi, họ cứ  sáng tạo theo quán tính, theo lối mòn thì vô tình những nhà thơ đó đã tạo nên sức ỳ cho quá trình cách mạng của thơ.

Đồng thời, các nhà thơ trẻ cũng không vì những yêu cầu cấp bách của sự cách tân, mà đi vào những tìm tòi, thể nghiệm xa lạ với chân giá trị của thơ làm cho thơ trở nên bí hiểm cũng là điều không tốt. Ngược lại, các nhà thơ trẻ phải sáng tạo với khát vọng hướng đến những mỹ cảm mới để tạo nên cái đẹp mới cho thơ ở cả nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Đó cũng là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống và của thơ. Con thuyền thơ có căng buồm lướt sóng vượt ra những đại dương bao la của cõi thơ và cõi đời hay mãi neo lại trong những dòng sông bé nhỏ, đó là trách nhiệm của mọi nhà thơ mà trong đó các nhà thơ trẻ có một vai trò quan trọng chứ không phải là quyết định. Bởi vì sức mạnh để đẩy con thuyền thơ ra khơi đó là sức mạnh tổng hợp của mọi thế hệ nhà thơ và của mọi thế hệ người đọc chứ không phải là “độc quyền” của các nhà thơ trẻ.

3. Nhìn lại thời gian gần đây, ta thấy xuất hiện hàng loạt các nhà thơ trẻ mà tên tuổi của họ luôn được nhắc đến trên thi đàn như Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Phạm Hồ Thu, Bùi Sim Sim, Phạm Kim Anh, Đặng Thị Thanh Hương, Bình Nguyên, Vũ Thị Huyền, Trần Kim Hoa, Nguyễn Quyến, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Bảo Chân... Các nhà thơ trẻ đã có cố gắng, thậm chí có những bức phá trong tự đổi mới mình và đổi mới thơ. Nhưng sự đổi mới đó không phải lúc nào cũng được dư luận ủng hộ, đồng tình, hoặc được các cơ quan xuất bản, quản lý văn nghệ quan tâm. Việc nhà thơ trẻ Văn Cầm Hải với tập thơ “Giấc mơ của lưỡi” mấy năm xếp hàng ở nhà xuất bản, vì biên tập viên nào đọc cũng bảo “không hiểu” (5). Hay Vi Thùy Linh “Đến tập Vili thì chạy vòng quanh qua đủ các cửa ải, và rốt cuộc là xếp xó. Năm năm sau, nghĩa là đến tháng mười năm 2005 mới được in ra bằng một cái tên khác: Đồng tử” (6).

Rồi Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng rất khó khăn mới khẳng định mình. Hay gần đây nhất là sự kiện tập thơ “Dự báo phi thời tiết” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành tháng 12 năm 2005 của nhóm nữ nhà thơ trẻ thuộc thế hệ 8X gồm Lynh Bacardi, Khương Hà, Phương Lan, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân bị thu hồi sau khi đã cho phép phát hành với một lý do không mấy thuyết phục khi cho rằng thơ họ “không phù hợp với văn hóa Việt Nam”. Đó là điều đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ về thái độ đối với những tìm tòi, thể nghiệm trong sáng tạo của các nhà thơ trẻ trên hành trình tìm con đường đổi mới và cách tân thơ ca dân tộc trước đòi hỏi của đời sống đương đại. Những việc làm như thế liệu chúng ta có thật sự công bằng và trân trọng những tìm tòi, sáng tạo của các nhà thơ trẻ không!? Hay chúng ta quá khắt khe vì chưa bắt nhịp được với tư duy của thế hệ trẻ!?

Hiểu biết, Khám phá, sáng tạo, là phẩm chất của người nghệ sĩ tại sao chúng ta còn e ngại trước những khám phá sáng tạo của các nhà thơ trẻ? Hãy mở cho họ cánh cửa đi vào chân trời của khám phá, sáng tạo, và cho phép họ “trình làng” những sản phẩm thơ của họ trước cuộc đời. Nếu đó không phải là thơ hay, không tạo được một hệ giá trị, chắc chắn sẽ tan vào hư vô, sẽ đi vào cõi quên lãng của người đời. Thế thôi! Bởi thời gian và người đọc luôn là một quan tòa công minh với mọi giá trị của sáng tạo nghệ thuật mà thơ không thể là một ngoại lệ. Nếu chúng ta cứ nghiêm khắc và thận trọng một cách “hồn nhiên” như thế liệu còn đâu là động lực để cho những nhà thơ và nhất là các nhà thơ trẻ mạnh dạn đi vào con đường sáng tạo và cách tân vốn không phải lúc nào cũng đầy hoa mà nhiều khi họ phải gánh chịu những hy sinh thầm lặng và có khi còn bị “đóng đinh” trên cây thập giá đời. Và như thế liệu thơ chúng ta sẽ đi về đâu, nếu mọi sang tạo, mọi khám phá, mọi tìm tòi, thể nghiệm không có kích cầu, không được khuyến khích và trân trọng!? Nhà thơ Chế Lan Viên đã đúc kết từ sự nghiệm sinh của cả một đời mình khi ông cho rằng:
                           Những bài thơ già muốn ổn định trong biền ngẫu,
                                                                                   vừa xứng đôi,
                                                                               môn đăng hộ đối
                          Chỉ có sức trẻ mới nhảy ba bậc một lần,
                                                                    Vọt phi ra ngoài cửa sổ...
                          Chỉ có thanh xuân mới so le, thô bạo cộc cằn
                          Ôi! Có khi sai lầm lại phì nhiêu hơn cái khôn khéo
                                                                        Nghèo nàn, trật tự
                                                           (Thi Pháp Trẻ, Di Cảo Thơ III)
Thơ vốn là tiếng gọi từ cõi vô biên. Hãy trả thơ về với cõi vô biên của nó. Như thế, chúng ta mới mong chạm đến bản thể của thơ. Còn không chúng ta chỉ là người bộ hành trong sa mạc thơ với những cơn khát thèm mà không bao giờ tìm được dòng sông thơ để giải thoát cơn thèm khát ấy. Hãy để cho những người trẻ đồng hành cùng những thế hệ nhà thơ lớp trước đi tìm những dòng sông thơ mới lạ từ cõi vô biên của thơ. Chúng ta đừng biến thơ thành sa mạc mà phải biến thơ thành những thảo nguyên bát ngát xanh tươi để thơ thật sự là một vũ trụ với nhữäng ngôi nhà thơ huyền diệu hầu đem lại sự bình yên cho tâm hồn con người vốn đang sống trong một xã hội có quá nhiều điều bất an. Đó là điều cần thiết là thông điệp của mọi nền thơ ca đích thực. Và vấn đề cách tân trong quá trình sáng tạo để đổi mới thơ ca luôn là một tiếng gọi từ trong vô thức của nhà thơ và cũng là một yếu tính của thơ. Bởi vì “Cái sức rung động của một bài thơ chỉ có thể vào sâu và lan rộng nếu đã thâu góp được cái sức rung động của vô biên, nghĩa là của muôn nghìn cõi đất.” (7). Và nói như Cyprian Norwid, một nhà thơ Ba Lan “Thế giới nầy rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái... không còn gì khác”.
                                                                Quảng Ngãi tháng 5-2006
T.H.A

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 


                                                                                
--------------
(1) Blaga Dimitrova, Ngày phán xử cuối cùng, Nxb Thanh Niên, H, 1973 , tr. 298 .                   
(2) Chế Lan Viên,
Bay theo đường dân tộc đang bay , Nxb Văn học giải phóng,1976, tr.96 .
(3) Nguyễn Khắc Thạch, “
Cảm nghĩ về thơ hôm nay”, Sông Hương phê bình và đối thoại, Nxb Văn hóa thông tin H, 2003, tr. 358 .
(4) Nguyễn Khắc Thạch, “
Cảm nghĩ về thơ hôm nay”, Sông Hương phê bình và đối thoại, Nxb Văn hóa thông tin H, 2003, tr. 359 .
(5) Ngô Minh, “
Văn Cầm Hải không ăn bóng một thời đã qua”, Tạp chí sông Hương số 2003-2004; tháng 1,2; 2006, tr. 135 .
(6) Nguyễn Trọng Tạo, “
Mấy suy nghĩ về thơ và thơ trẻ”, Tạp chí sông Hương số 4 (2006), tr. 75.
(7) Quan niệm thơ của Nhóm Dạ Đài, Thơ Mới 1932-1945,
Tác giả, tác phẩm, Nxb Hội Nhà Văn, H, 2004, tr.1254

Các bài mới
Các bài đã đăng