Nghiên Cứu & Bình Luận
Vô thức và cảm hứng
16:12 | 05/12/2008
NGUYỄN ĐỨC TÙNGVô thức là những hoạt động tinh thần mà chúng ta không thể nhận thức ra được. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, Diễn dịch các giấc mơ, Freud lần đầu tiên đề nghị khái niệm vô thức (unconscious) để phân biệt với ý thức (conscious) và tiềm thức (preconscious), sau này gọi là lý thuyết topo.

Vô thức chứa những suy tưởng bị đè nén, những nguyện vọng bị vùi lấp, những giấc mơ và hy vọng như những cọng cỏ non dưới tảng đá mãi mãi không bao giờ ngoi lên được với ánh sáng của mặt trời lý trí. Thế giới của vô thức vì vậy hoàn toàn không thể hiểu được trừ hai trường hợp, khi chúng tự thể hiện trong những giấc mơ hoặc xuyên qua những rung động sáng tạo trong nghệ thuật như thơ ca và âm nhạc.
Những hoạt động tinh thần của vô thức được coi là các quá trình sơ cấp, nguyên thuỷ. Những hoạt động tương tự của ý thức và tiềm thức gọi là các quá trình thứ cấp. Trong quá trình sơ cấp, tinh thần vượt qua các quy luật hợp lý, phá bỏ các cấu trúc, chấp nhận các mâu thuẫn, hoà giải các nghịch lý lịch sử.

Những người làm thơ đôi khi trải qua một kinh nghiệm tuyệt diệu: trong một giấc mơ ngắn, một bài thơ dài được hoàn tất. Nếu khi ngủ dậy, anh ta còn may mắn nhớ lại đựơc, thì công việc của nhà thơ chỉ là ngồi chép lại một sáng tạo vô thức. Nhiều nhạc sỹ cũng có những kinh nghiệm tương tự. Có nhiều người còn đi xa hơn đến mức chuyên dùng các giấc mơ của mình làm căn bản cho các tác phẩm. Có những tác giả không chấp nhận việc sửa chữa và chỉnh lý các bài thơ vì cho rằng chỉ có những chữ đầu tiên những câu thơ đầu tiên là sáng tạo thần bí của vũ trụ, và như vậy mới có giá trị nghệ thuật.

Trong thơ, cảm hứng là điều quan trọng nhất, nếu so với những loaiå hình văn học khác như tiểu thuyết, tiểu luận, tuỳ bút. Ai cũng biết rằng có những tác giả viết một mạch nhiều bài thơ hay một lúc, nhưng cũng chính tác giả đó có thể năm bảy năm liền không cầm bút được. Vô thức có lẽ là người mẹ của cảm h?ng. Trong
những hoàn cảnh đó, một không gian nào đó, trước một tình huống đặc biệt, các động lực vô thức trở nên chín mùi và thúc đẩy sự biểu hiện chúng lên bề mặt của nhận thức. Các nhà phân tâm học tin rằng trong cõi sương mờ của vô thức, nguyên lý vui chơi (pleasure principle) là lực căn bản nhất chi phối các động lực. Vậy thì cảm hứng phải chăng là kết quả của nhu cầu vui thú của tâm hồn? Nỗi vui thú ở đây không nên được hiểu một cách hời hợt  như kiểu sự vui chơi của trẻ con, mà nên được xem là sự thoả mãn, hài lòng với chính mình. Khi một tâm hồn đang đau khổ vì sự mất mát, thơ đem lại sự biểu hiện và chia sẻ, và như vậy làm thoả mãn tâm hồn đó. Khi một kẻ tràn ngập hạnh phúc như trong mối tình đầu, trái tim hét to lên đến vỡ lồng ngực một niềm vui bất tận mà tuổi hai mươi không thể nào chịu đựng được nữa: khi đó thơ đến với anh, và nói cho anh biết rằng nó có những phương cách khác để mang niềm vui của anh đi tặng mỗi người và những cỏ hoa, và anh lập tức nhận ra rằng sự chia sẻ ấy càng chia ra càng được nhân lên, và hoá ra là chịu đựng nổi. Như thể tình yêu mang lại cho người thanh niên niềm vui, thường chỉ là chốc lát, nhưng thơ mang lại cho anh niềm vui thứ hai, có vẻ lâu bền.

Nhưng vô thức không phải là tất cả cội nguồn của cảm hứng. Khi nhà thơ gặp một điều mới mẻ, nhận thức bừng sáng trong tia chớp, đánh động những thói quen cũ kỹ, một lối sống cũ kỹ, những cột nhà và rường nhà kêu răng rắc, rung lên trong cơn bão nhận thức, căn nhà trí tuệ của nhà thơ, nơi trú ẩn tâm hồn anh, cũng tràn ngập cảm hứng. Ở những cá nhân khác, trí tuệ chọn cho mình những con đường phản ứng khác, nhưng ở người làm thơ, nó lập tức liên kết mình với sự xúc cảm. Chỉ khi nào xúc cảm thực sự bắt tay vào việc, bài thơ mới có cơ hội khởi đầu. Trí tuệ và xúc cảm đều thuộc về ý thức, nhưng xúc cảm gần hơn với các hoạt động vô thức, chính chúng là những kênh tương tác kỳ lạ giữa ánh sáng và bóng tối, giữa lý trí và những điều thần bí.
Các tác phẩm đẻ ra các tác phẩm. Các nhà thơ kêu gọi nhau. Các tài năng có một tính chất đặc biệt là làm phát triển các tài năng khác. Sống giữa thời đại của mình, một nhà thơ bao giờ cũng làm nảy sinh trong tâm hồn một nhà thơ khác, thường là cùng một thế hệ với mình, có khi là bạn bè thân thiết, cái nhu cầu được sáng tạo y hệt và hơn so với nhà thơ đó. Tôi xin gọi đó là sự cộng hưởng và sự tranh đua lành mạnh. Sự cộng hưởng có tính vô thức, và sự tranh đua có tính ý thức.

Không có gì đáng ngạc nhiên là trong một xã hội văn minh và cởi mở, tương đối phóng khoáng, khi các nhà thơ tự do đi lại, xuất bản, trao đổi, bàn bạc, tự do tập hợp với nhau dưới những bảng hiệu khác nhau, trường phái khác nhau, kiểu Tự lực Văn đoàn, hay Nghệ an Thi xã, tự do nhậu nhẹt, tự do chơi bời, tự do sáng tạo, thì xã hội đó và thời đại đó có nhiều tài năng, và các tài năng này đều lớn, vì chúng được kích thích bởi nhau.
Do tính chất mong manh của nó, thơ thường sinh ra dưới bàn tay chăm sóc đùm bọc kỹ càng của rất nhiều cơ duyên trên đời, và vì nhạy cảm, thơ thường bay đi mất trước một cố gắng dù chỉ hơi phần nào dung tục. Xin đừng nhầm với đề tài: Thơ có thể nói về bất cứ chuyện gì, thậm chí về những đề tài tội lỗi, xấu xa, tục tĩu, dơ bẩn, căm ghét, cay đắng nhưng cội nguồn cảm hứng của nhà thơ bao giờ cũng chiếu rọi vào nó thứ ánh sáng làm nẩy lên hạt mầm mùa xuân, thứ ánh sáng của lòng tin và tình yêu cao thượng.

Vô thức không biết đến sự cao thượng, nó chỉ biết đến vui chơi.
Nhưng một đứa trẻ có thể được / bị dạy dỗ để trở nên vui thú với những trò chơi ác độc hay những trò chơi lành mạnh. Vũ trụ là mù, nhưng nhân loại cầm tay nhau đi qua sự mù loà của vũ trụ bằng khả năng tự nhận thức và bằng tâm hồn thơ ca như ngọn đèn thắp lên trên bậc cửa giữa hai thế giới hữu thức và vô thức.
N.Đ.T

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng