Nghiên Cứu & Bình Luận
Nghìn nẻo đường đến với thi ca
14:36 | 11/12/2008
TRÚC THÔNGLTS: Cuộc hội thảo Thơ Huế trong mạch nguồn thơ Việt do Hội Nhà văn TT Huế tổ chức nhân dịp Festival Thơ Huế 2006 đã “truy cập” được nhiều nhà thơ, nhà lý luận- phê bình tham dự.Tiếp theo số tháng 6, trong số tháng 7 này, Sông Hương xin trích đăng thêm một số tham luận và ý kiến về cuộc hội thảo nói trên.

Có thi sĩ đi con đường chân chất, phẳng bằng, nhẹ nhõm. Có người đi khuất khúc, chớn chở, quanh co. Có người lại đi như thiên thần, từ đất vọt lên trời, rồi mới từ trời nhuộm ánh sáng lạ trở về cõi nhân gian... Có người tạng cụ thể dân giã. Có người ưng siêu hình miên man nghĩ ngợi. Người chữ nghĩa trong như nước giếng thơi. Người chữ nghĩa trập trùng ẩn hiện... Ấy là theo tạng người, xuất phát từ những hoàn cảnh sống, môi trường văn hoá khác nhau. Không phải hơn kém nhau. Mà khác biệt nhau một cách tương đối. Bởi không bao giờ khác biệt nhau theo kiểu chống đối. Bởi các tạng, các lối nẻo đều chung một định hướng đến THƠ. Chỉ có sự chưa trưởng thành vươn tới chân lý đích thực là THƠ, các trường phái, các phê bình gia mới cực đoan, tụng lối này, bác kiểu kia. Thời gian không phải một hai năm, mà lịch sử phát triển THI CA hàng thiên niên kỷ đã chứng minh: tất cả mọi nẻo đường, từ đâu và vòng vo thế nào không biết, cứ đến được THƠ thì những đường đi ấy đều có lý, vì đã hằn rõ trên đường dấu chân mải miết của các nhà thơ.

Bên cạnh lối tạng cảm thụ, yêu thích đương nhiên bao giờ cũng có phần thiên lệch của từng thi sĩ, cần trữ nạp trong từng nhà thơ sự hiểu biết dân chủ một cách sáng suốt của người đọc thơ. Giống như các nhóm thi sĩ gần nhau, người đọc cũng có những nhóm hợp thể tạng nhau. Muôn đời không qui đồng được. Thay vì đả phá, công kích, người đọc có kiến văn thi ca, có thể quan chiêm các lối thơ khác nhau, mới nhìn qua có vẻ như những lối thơ ấy chống nhau, bài nhau. Đang thích sự chĩnh chện, đài các quý phái của thơ Bà Huyện Thanh Quan.
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai vỗ cánh chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn...

Bỗng như giật thót mình nghe nữ sĩ phá cách số một của thi ca trung đại Việt Nam- Hồ Xuân Hương- riễu cợt các vị sư phá giới:
Thuyền từ những muốn về tây trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo!
Vung gươm tiếng Việt như thế chẳng phải đại tài thi sĩ thì đố ai dám. Quen quen với cái thẩm mĩ ngang ngược ấy (mà qui cách văn chương của Khổng sân Trình phê phán) người đọc thuở ấy chắc hẳn thầm khoái với những:
Một trái trăng thu chín mõm mòm
Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom
....
Còn chúng ta giờ đây thì kính phục đến cúi rạp mình trước nhà nghệ sĩ cự phách của tiếng Việt:
...Luồng gió thông reo vỗ phập phòm
...Con đường vô ngạn tối om om

Dẫn chứng trên thuộc về thơ Việt thế kỷ 19 trở về trước. Sang thế kỷ 20, thêm ảnh hưởng của Âu Mỹ, mặc dù chưa rộ mạnh, giống cây thơ Việt đã đa hệ đa sắc hơn. Tình hình thơ hiện đại thế giới nhiều biến động, không chỉ thuần tuý trữ tình theo lối tỏ bày nội tâm, theo kiểu nhà thơ lớn nước Pháp Muset “thiên tài chính là đánh mạnh vào quả tim người đọc”. Cũng vẫn tỏ bày nội tâm nhưng theo nhiều lối khác, ngúc ngoắc, phức hợp hơn. Đã báo hiệu từ cuối thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, đặc biệt từ nửa đầu tới giữa thế kỷ, tại Pháp, Ý, Đức, Mỹ đã ra đời thơ hiện đại mà chủ yếu là thơ tượng trưng, thơ siêu thực. Quét những góc chiếu, hướng nhìn mới tạo nên những cải tiến ngôn ngữ- phương thức biểu hiện chủ đạo của thơ- đã gây nên nhiều va đậåp khác nhau. Ở Việt ta bên cạnh lối lãng mạn dễ nhận biết của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... đã có những người hướng theo nẻo siêu thực tượng trưng như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, sau đó là Đinh Hùng rất đậm tượng trưng. Vật liệu của thơ đã thay đổi đáng kể, sự thưởng thức, thám sát thơ cũng đòi hỏi hình thành, kéo theo những “thói quen” mới. Các thi sĩ và người đọc đều có những phản ứng khác nhau là tất nhiên. Vấn đề ở đây, vượt lên sự thích, sự hợp tạng là ý hướng khám phá và thụ hưởng những khám phá mới đầy hấp dẫn của nghệ thuật thơ, những vận động không tránh khỏi của thơ trữ tình thời hiện đại.

Rồi khi sáng tác, mời các thi sĩ lại tự nhiên trở về với lối tạng của mình. Ai hiện đại cứ hiện đại, ai truyền thống cứ truyền thống. Hoặc kết hợp hài hoà giữa hai lối v.v... Một quang cảnh dân chủ trong viết, trong đọc, trong thẩm định chính là quang cảnh thật đẹp của một nền thơ Việt đa sắc đa hệ chúng ta mong đạt tới.
T.T

(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng