Nghiên Cứu & Bình Luận
Những khoảnh khắc đồng cảm và sáng tạo
16:02 | 18/12/2008
HỒ THẾ HÀĐồng cảm và sáng tạo (*): Tập phê bình-tiểu luận văn học mới nhất của nhà phê bình nữ Lý Hoài Thu. Tập sách gồm 30 bài viết (chủ yếu là phê bình-tiểu luận và 5 bài trao đổi, phỏng vấn, trả lời phỏng vấn), tập trung vào mảng văn học hiện đại Việt Nam với sự bao quát rộng về đề tài, thể loại và những vấn đề liên quan đến phê bình, lý luận văn học, đời sống văn học từ 1991 đến nay.

Đặt trong sườn móc xích bộ tứ: Hiện thực- Nhà văn- Tác phẩm- Người đọc, Lý Hoài Thu đã tự xác định cho mình một trọng trách nặng nề, với tư cách là chủ thể tiếp nhận, chủ thể đồng sáng tạo chuyên sâu khi soi rọi vào tác phẩm, nghiền ngẫm và thổi vào chúng những giá trị, những đồng cảm -và cao hơn- là sự đồng sáng tạo mới từ logic chỉnh thể của tác phẩm. Để làm được công việc tinh tế, khoa học và có tính nghệ thuật này, Lý Hoài Thu đã chọn cho mình một điểm tựa lý luận là lý thuyết thi pháp học để thao tác, giải mã, tìm ra những hằng số lịch sử xã hội - thẩm mỹ trong từng thế giới hình tượng nghệ thuật. Phải nói rằng, đây là hướng tiếp cận khả thi, sở trường làm nên cá tính sáng tạo và tư duy phê bình văn học của Lý Hoài Thu.

Có thể chứng minh cho phong cách phê bình nói trên của Lý Hoài Thu ở chùm 7 bài viết về thơ Xuân Diệu- nhà thơ lớn với sự tích hợp nghệ thuật độc đáo. Nếu không có trình độ chuyên môn và sự nhạy cảm thi ca, thì khó có thể đi vào chiều sâu của thế giới hình tượng thơ độc sáng của Xuân Diệu. Trên cơ sở thống kê, đối lập, xét tần số xuất hiện của các yếu tố cấu thành hình tượng tác phẩm, Lý Hoài Thu đã có những phát hiện và đúc kết thành những luận điểm với những luận chứng thuyết phục. Với mảng thơ tình của Xuân Diệu trước 1945, tác giả đã khái quát “Tư duy nghệ thuật của Xuân Diệu hình thành và phát triển trên cơ sở nguồn cảm xúc ân ái; ngôn ngữ thơ Xuân Diệu vì vậy, cũng nhuộm đậm sắc thái yêu đương. Ông mang nó rải khắp lên thiên nhiên và phủ lên tình ái những vầng hào quang lấp lánh” (tr.7). Và “dù muốn dù không, người ta vẫn nhận thấy thấp thoáng sau rất nhiều câu thơ của Xuân Diệu triết lý sống của chủ nghĩa hiện sinh” (tr.12). Vì vậy, “đối với ông, hạnh phúc mà ái tình mang lại cho con người không phải là sự thủy chung mà là sự hoà hợp tuyệt vời của hai cá thể về cảm xúc và cảm giác”. Xuân Diệu “trước sau chỉ viết về tình yêu của một con người sống giữa loài người chứ không phải một thứ tình yêu cao đạo xa xôi. Thơ tình của Xuân Diệu là thơ của một tâm hồn trẻ, giàu bản lĩnh, khoẻ khoắn và lành mạnh.” (tr.18). Những nhận định thư thế chứng tỏ tác giả đã đi sâu vào tổng thể thế giới thơ tình Xuân Diệu để chỉ ra cái tôi cá nhân (individu) đích thực của “vị hoàng đế tình yêu” thuộc triều đại thơ ca lãng mạn 1932-1945. Đó không chỉ là những cảm giác và rung cảm ái ân, là sự sống thật của cõi người bình thường mà cao hơn- ở cấp độ nghệ thuật- là mỹ học, là tư tưởng, là tuyên ngôn tình ái bằng thi ca của Xuân Diệu. Có như thế, ông mới chiến thắng được không gian bát ngát và thời gian vô tận của vũ trụ. Đó là cách để ông nói lên khát vọng vĩnh hằng của sự sống và tình yêu, cả ngay sau khi mình không có mặt trên cõi đời. Thơ tình Xuân Diệu, vì vậy bao giờ cũng là thơ triết lý, thơ gan ruột từ trái tim run rẩy và lý trí mẫn tiệp, sáng láng nhất, là “quan hệ nhân quả, biện chứng về Thời gian- Đời người- Nhịp sống rất hiện đại’...(tr.121) trong ý thức sáng tạo của Xuân Diệu.

Từ sự giải mã thơ Xuân Diệu trước 1945, Lý Hoài Thu tiếp tục chỉ ra sự vận động của tư tưởng và tư duy sáng tạo trong thơ Xuân Diệu sau 1945 không phải nhằm cắt đứt và cố chứng minh cho những gì khác trước của thơ Xuân Diệu mà là tìm cho được sự tiếp nối hành trình thơ, tư duy thơ trong quan hệ với hiện thực đời sống và tâm trạng của thi nhân qua từng thời khoảng. Ở đây, một lần nữa, Lý Hoài Thu đã cũng trên cơ sở của lý thuyết Thi pháp học, qua khảo sát các tập thơ của Xuân Diệu sau cách mạng tháng Tám để đúc kết bản chất và tiến trình thơ Xuân Diệu một cách xác đáng và thuyết phục: “Sức hấp dẫn của thơ tình Xuân Diệu sau Cách mạng tháng Tám thuộc về những bài thơ có không gian tình yêu vô cùng lớn- kích thước vũ trụ (...) Nhà thơ đã kết hợp được những giai điệu riêng tư với âm vang cuộc đời để tạo nên bài ca sự sống” (tr.241). "Quan điểm sáng tác, tư tưởng nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về đời sống xã hội và con người có thể thay đổi, song những yếu tố thuộc về cá tính nghệ sĩ, những phẩm chất “tiền sáng tạo” thì không thể, và nhất thiết phải bảo lưu” (tr.242). Do thế, thơ tình của Xuân Diệu giai đoạn này có thêm sự kết tinh mới, “là sự thăng hoa của cảm xúc- một cài gì đó vượt lên tất cả mọi thường lệ của cuộc sống. Đây mới thực sự là chất men tình yêu mới tạo độ say nồng cho thơ ông” (tr.245). Và toàn bộ thế giới thơ ông đã trở thành sức mạnh tinh thần của bao thế hệ trẻ Việt : “Có thể gọi đó là một cuộc đối thoại dài, một cuộc đối thoại chân thành và mê say của nhà thơ với cuộc đời” (tr.250). Với 7 tiểu luận về thơ Xuân Diệu, Lý Hoài Thu là một trong rất ít chuyên gia chỉ ra được những vấn đề bản chất nhất của hành trình và thi pháp thơ Xuân Diệu, góp một phong cách phê bình đồng sáng tạo độc đáo và đắm say.

Phần lớn nội dung còn lại của tập phê bình- tiểu luận, Lý Hoài Thu tập trung hướng nghiên cứu vào các chủ điểm và thi pháp thể loại, vào các tác giả, tác phẩm tiêu biểu cũng như các hiện tượng văn học và đời sống văn học nổi bật. Đáng chú ý của phần này là Lý Hoài Thu luôn nhìn nhận, đánh giá thế giới nghệ thuật từ góc nhìn thi pháp học, có đối chiếu với các yếu tố liên quan khả thi như: cuộc đời nhà văn, môi trường, các bước ngoặt chuyển mình của đời sống và văn học cùng với ý thức đổi mới, hội nhập của chủ thể sáng tạo, qua đó, biến mình thành chủ thể đồng sáng tạo luôn vận động, luôn soi rọi từ hiện thực chỉnh thể của tác phẩm. Cách tiếp cận đồng cảm và đồng sáng tạo có tính cá nhân này của Lý Hoài Thu tránh được những nhận xét dễ dãi, chung chung mà thực sự là những suy tư, nghiền ngẫm để phát hiện và bình giá, kết luận.

Những bài viết Thơ Hữu Thỉnh- Một hướng tìm tòi và sáng tạo từ dân tộc đến hiện đại, Mưa trong thành phố và những tìm tòi, sáng tạo mới, Về thôi, nàng ơi..., từ đặc trưng thể loại trữ tình, Lý Hoài Thu đã tìm hiểu sự vận động của cái tôi trữ tình ở từng nhà thơ, qua đấy chứng minh sự kế thừa và cách tân từ truyền thống đến hiện đại của các tác giả. Lý Hoài Thu đã chỉ ra được tư duy thơ đích thực của Hữu Thỉnh: “Một trong những tiềm năng của thơ Hữu Thỉnh là sự nhạy cảm của trực giác... Dĩ nhiên là thơ có thể bắt đầu bằng sự quan sát của thị giác, sự lắng nghe âm thanh của thính giác, nhưng nhiều khi chúng bị đẩy lùi và thay thế bằng cảm giác” (tr.36), “Thơ Hữu Thỉnh giàu sức mạnh nội lực, gắn bó máu thịt với đời sống tâm linh và truyền thống thơ ca của dân tộc Việt Nam... Thơ anh có sự kết hợp giữa phẩm chất dân tộc và tính hiện đại, giữa chiều sâu triết lý và độ xúc cảm tràn trào, giữa sự hiền hoà lắng đọng và mãnh liệt sục sôi, giữa khả năng viết những tác phẩm trường ca và trữ tình ngắn” (tr.46). Về thơ Lê Thành Nghị: “Có thiên hướng tạo thêm tầng nghĩa mới cho thơ bằng triết luận, khái quát”, đó là “sự định hình một giọng điệu, một phong cách thơ” (tr.173). Còn Vương Trọng thì càng đọc, “ta càng nhận thức rõ hơn tỷ lệ thuận chiều giữa cái tâm của nhà thơ và độ bền của những câu thơ” (tr.79). Những nhận định như thế là kết quả của những thao tác khoa học cụ thể từ sự tiếp cận tác phẩm.

Về thể loại và tiến trình thể loại, về phần tác giả, tác phẩm, Lý Hoài Thu quan tâm đến diện và điểm, chú ý đến các hiện tượng và sự kiện có tiếng vang trong dư luận. Khả năng nắm bắt và bình luận của Lý Hoài Thu thể hiện rõ ở các bài viết có sức khái quát cao về lý luận: Dòng sông mía- Một không gian tiểu thuyết vừa quen thuộc vừa mới mẻ, Tập truyện ngắn Phố nhà linh, Phạm Hoa trong vòng đua với Trò đùa của tạo hoá, Về tập truyện ngắn ông Trùm, Vị giáo sư và ẩn sĩ đường- Tập bút ký của một nhà lý luận phê bình... Với Dòng sông mía của Đào Thắng, tác giả nhận xét: “Rõ ràng là, ẩn sau câu chuyện về đòn trả thù khủng khiếp của cá ông, ngòi bút tác giả hướng tới một đời sống tâm linh nguyên sơ và huyền bí, một thứ tín ngưỡng dân gian trong trẻo nhưng rất mực linh thiêng. Cùng với nó là lời cảnh báo về sự ứng xử thô bạo, ngu muội của con người trước thiên nhiên, kêu gọi con người hãy biết sống hài hoà với thiên nhiên” (tr.229). Về hình thức, Dòng sông mía của Đào Thắng “có được nhiều dấu hiệu thành công, mở ra được những hướng tiếp cận mang ý nghĩa cách tân về mặt thể loại” (tr.232). Các bài viết về Hà Minh Đức, Chu Lai, Phạm Hoa, Hồ Phương đều toát lên những nhận xét đồng sáng tạo tinh tế, chứng tỏ Lý Hoài Thu hiểu tác giả và hiểu nhân vật một cách thấu đáo. Với Chu Lai, tác giả nhận định rất sâu rằng để trả món nợ tinh thần và vật chất của người lính- với tư cách là người trong cuộc-Chu Lai đủ “tạo thế chủ động, hay hơn thế nữa, đủ để cho ngòi bút của anh thả sức tung hoành trong biên độ ít giới hạn của đề tài chiến tranh... Vì vậy, trước đề tài chiến tranh, anh không chỉ là viết, là tiếp cận mà là sống, là day dứt, vật vã bằng tâm linh và máu thịt của chính mình” (tr.70). Viết về đề tài cũ nhưng câu trả lời phải mới, phải chân thật từ chính nhu cầu thể hiện của tác giả và nhu cầu nhận thức của độc giả thời hậu chiến.

Tôi đặc biệt chú ý đến hai tiểu luận: Tiểu thuyết- Tầm vóc hiện thực và số phận con người, Sự vận động của các thể văn xuôi trong văn học thời kỳ đổi mới. Qua khảo sát, xét tính trội của thi pháp thể loại, Lý Hoài Thu đã đi đến nhận định: “Nếu thừa nhận cảm hứng về con người với những bước thăng trầm vinh nhục của số phận là đặc trưng nổi bật của tư duy tiểu thuyết, thì rõ ràng, tiểu thuyết sau 1975, đặc biệt là thời kỳ đổi mới (từ 1986 trở lại nay) đã khơi đúng, khơi sâu vào mạch chính của thể loại” (tr.57). Ở đó, tiểu thuyết “đã khẳng định được vị trí và ưu thế của mình bằng việc tái hiện những bức tranh hiện thực với qui mô hoành tráng, kết hợp với việc đi sâu khám phá những vấn đề vừa là một thời, vừa là muôn đời của số phận con người” (tr.56). Dĩ nhiên là những vấn đề này, chúng gặp nhau ở điểm mốc khác của “đường xoáy trôn ốc” khác cao hơn, so với trước.

Qua việc khảo sát tiến trình tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, truyện ngắn mini, ký..., Lý Hoài Thu muốn chỉ ra sức sống của một giai đoạn văn học. Từ đặc trưng loại thể để nhìn nhận cảm hứng sáng tạo, ý thức nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật về con người là hướng đúng để nhìn nhận tư duy nghệ thuật của một thời kỳ hoặc một giai đoạn văn học. Tác giả nhận xét: ‘Nhìn chung, qua gần 20 năm của thời kỳ đổi mới, các thể loại trong dòng văn học đương đại Việt Nam đã có những bước vận động và phát triển tích cực theo chiều hướng hiện đại. Không kỳ vọng vào một cuộc cách mạng văn chương duy tân như thời kỳ 1930-1945, nhưng rõ ràng văn học Việt bước đầu đạt được nhiều thành tựu về thể loại và đang trên đà hiện đại hoá... Trong khi đời sống toàn cầu mở ra những triển vọng giao lưu giữa các vùng văn hoá, giữa văn hoá và văn học... tạo nên nhiều cầu nối liên ngành thì trong nội bộ văn học, hiện tượng giao thoa giữa các thể loại có thể coi là một đặc điểm nổi bật. Nhìn vào sự vận động của chúng, tuy ranh giới không bị xoá nhoà, người ta thấy rất rõ sự thâm nhập, pha trận, chuyển hoá lẫn nhau giữa các thể loại. Chính từ những vùng sóng giao thoa này, các thể loại cũ đã có thêm những tính chất mới”. Đó là những nhận định đúng với bản chất của văn xuôi đương đại Việt trong quá trình đổi mới, hội nhập.

Đến đây, tôi bày tỏ sự nhất trí với Lý Hoài Thu về cách đặt vấn đề: Sự đồng cảm thế hệ giữa nhà phê bình và nhà sáng tác. Đây là vấn đề không mới, nhưng rõ ràng với trình độ và sự hội nhập, tích hợp nghệ thuật hiện đại trong tác phẩm văn học hôm nay, nhà phê bình phải tự nâng mình lên một cách quá ngưỡng của tri thức văn học nói chung từ lý luận, phương pháp phê bình đến vốn sống và cảm thụ thì mới mong có được tiếng nói đồng cảm- đồng cảm không chỉ ở nhà văn, nhà thơ cùng thế hệ mình mà phải đồng cảm với nhiều thế hệ tác giả đã qua và tác giả sắp đến. “Chính nguồn cảm xúc thế hệ ấy đã là chiếc chìa khoá giúp cho những nhà phê bình trẻ hôm nay tìm và giải được những mã mới trong sáng tạo của một số cây bút trẻ. Tất cả những điều đó đều nằm trong quy luật vận động hết sức biện chứng của nền văn học đương đại Việt ” (tr.49). Và tác giả “chỉ muốn làm một người bạn đồng hành của những người viết trẻ hôm nay: Nghĩa là cùng được nếm trải, cùng chứng kiến” (tr.51). Đấy chính là tâm huyết mà cũng là nguyện vọng được làm nhà phê bình văn học đúng nghĩa của Lý Hoài Thu. Và trong tập tiểu luận-phê bình này, chị đã làm được điều ấy một cách hiệu quả khi chị quay về “thời xa vắng” không xa để đồng cảm với Xuân Diệu, rồi sang các tác giả cùng thế hệ mình để có những nhận định xác đáng và cố gắng rút gần khoảng cách giới hạn giữa người tiếp nhận và tác phẩm, tác giả để chứng minh sự đồng cảm với các thế hệ một cách nhiệt tâm.

Sự đồng cảm và sáng tạo của Lý Hoài Thu không chỉ dừng lại ở sự giải mã tác phẩm văn học mà chị còn tiến sâu thêm một cấp nữa của phê bình. Đó là siêu phê bình hay là phê bình của phê bình, cũng thế. Chị đã thử sức trong các tiểu luận đánh giá các công trình phê bình-lý luận của GS. Hà Minh Đức và PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái.
Với bài Cảm hứng phê bình mới qua Đi tìm chân lý nghệ thuật, Lý Hoài Thu đã chỉ ra cốt lõi trong phong cách phê bình của Hà Minh Đức. Đó là “hành trình đi tìm chân lý nghệ thuật được khởi đầu từ thực tiễn văn học của một thời để hướng tới sự khái quát hoá lâu dài của sáng tạo nghệ thuật. Đó là tư tưởng, là phương pháp và triết lý của tập sách này” (tr.191). Xuất phát từ sự đổi mới có phần phức tạp, xô bồ của văn học, “Hà Minh Đức muốn xác định lại tiêu chí muôn thuở của văn chương- thực chất là một định hướng nghệ thuật. Đó là vấn đề văn học phải hướng thiện và góp phần hoàn thiện nhân cách của con người” (tr.193).

Tác giả đã đúc kết phong cách phê bình của Hà Minh Đức, đó là “sự kết hợp hài hoà giữa trí tuệ và cảm xúc, giữa lý luận kinh điển và thực tiễn sinh động, vững vàng trong quan điểm nghệ thuật nhưng uyển chuyển, linh hoạt. Đi tìm chân lý nghệ thuật là tiếng nói phê bình mới có nhiều tìm kiếm năng động và sáng tạo trên cả hai bình diện phương pháp nghiên cứu và nội dung khoa học” (tr.205).
Viết về tập Con mắt xanh của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái, chị cũng có cách nhìn đồng cảm và khai mở. Chị biết được cái khó khăn, bếp núc và sự thăng hoa của người phê bình. Đó “không đơn thuần là cái nhìn thị giác mà là phẩm chất tâm hồn, là tình yêu và niềm say mê của người cầm bút” (tr.218). Chất ngẫu hứng, tuỳ bút, sáng tạo trong phê bình văn học- nghệ thuật của Nguyễn Thị Minh Thái được Lý Hoài Thu điểm trúng huyệt. Vì vậy, tập tiểu luận Con mắt xanh có tiếng nói và giọng điệu riêng của một kiểu phê bình, đó là kiểu phê bình văn học- nghệ thuật mang tính báo chí, cập nhật những vấn đề có tính thời sự trong văn học- nghệ thuật nước nhà thời kỳ đổi mới. Nguyễn Thị Minh Thái “biết kết hợp giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa sự trải nghiệm già dặn với nét trong sáng, ngây thơ; giữa dài hơi và súc tích nhiều lúc ngỡ như đắm đuối, mê man nhưng rồi bỗng đột ngột chuyển động tỉnh rụi như không” (tr.224). Là một nữ đồng nghiệp làm công tác lý luận, phê bình, Lý Hoài Thu đã đồng cảm với Nguyễn Thị Minh Thái từ trong bản chất của công việc không mấy dễ dàng này.

Gấp lại tập phê bình- tiểu luận Đồng cảm và sáng tạo của Lý Hoài Thu, chúng ta thấy những vấn đề muôn thuở của văn chương hiện lên, đánh động đến người đọc và người phê bình về một cách tiếp cận và cảm nhận văn chương đích thực. Nó không hề là lĩnh vực bình lặng và yên vị mà là lĩnh vực luôn nhạy cảm, vận động-vận động trong mỹ học sáng tạo và mỹ học tiếp nhận và ở đó, đang cần những gương mặt, những con mắt xanh của nhà phê bình chuyên nghiệp. Những khoảnh khắc đồng cảm và sáng tạo, chủ yếu lấy đối tượng là tác phẩm, Lý Hoài Thu đã thực sự thổi vào tác phẩm những giá trị mới từ cấu trúc chỉnh thể của chúng để kêu gọi người đọc cùng đồng cảm, sẻ chia. Những giới hạn của phê bình văn học bao giờ cũng là mảnh đất bỏ ngỏ để cho người sau tiếp tục khai thác. Chính vì vậy, những gì mà Lý Hoài Thu đặt ra và lý giải trong tác phẩm này cả những thành tựu và giới hạn, một lần nữa càng chứng tỏ phê bình văn học đang là lãnh địa có phần cô độc và thầm lặng trên cánh đồng văn chương vĩnh cửu. Mọi nỗ lực và thành quả của tác giả Đồng cảm và sáng tạo đáng được ghi nhận, đáng được chúng ta nghĩ suy để tiếp tục đồng cảm và sáng tạo.                       
Huế, 7-2006
H.T.H

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)

 



--------------------
(*) Đồng cảm và sáng tạo - Tập tiểu luận-phê bình của Lý Hoài Thu, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005

Các bài mới
Các bài đã đăng