Nghiên Cứu & Bình Luận
Lan Khai và tạp chí Tao Đàn 1939
09:51 | 26/12/2008
NGUYỄN NGỌC THIỆN(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Lan Khai (1906-2006)Đầu năm 1939, Vũ Đình Long, chủ Nhà xuất bản Tân Dân có sáng kiến xin giấy phép xuất bản ấn hành tạp chí TAO ĐÀN. Đây là tạp chí chuyên ngành về văn học đầu tiên trong làng báo ở ta trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Lan Khai và tạp chí Tao Đàn 1939

Trong số đầu tiên ra mắt ngày 1.3.1939, Bộ biên tập tạp chí đã trình bày lý tưởng và đặc sắc của tạp chí này là “về phương diện tư tưởng cũng như về phương diện nghệ thuật, Tao Đàn sẽ đặc biệt chú trọng vào những công trình sáng tác” vì chỉ ở đó mới phát huy được một cách mạnh mẽ tinh thần dân tộc Việt Nam. Một nền văn hoá Việt cần được tạo dựng bắt đầu từ việc “gây ngay một phong trào quốc văn mạnh mẽ và rộng lớn từ trước đến nay”.

Tạp chí chủ trương tránh biệt phái nhân danh cơ quan riêng của một văn phái, mà cố gắng trở thành một diễn đàn mở rộng, có khả năng tập hợp và hội tụ các lực lượng tuy chính kiến có thể khác nhau, nhưng có chung một lập trường giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, không để rơi vào tình trạng mất gốc, tầm gửi vào các nền văn hoá ngoại lai.
“Nó sẽ là nơi gặp gỡ của hết thảy mọi trào lưu tư tưởng và mọi khuynh hướng nghệ thuật, miễn là các trào lưu và khuynh hướng ấy cùng chung một mục đích: gây dựng một nền văn hoá Việt .
Nó sẽ là một cái vườn ươm hạt giống anh tài của chủng tộc, là nơi để bất cứ một cá tính nào cũng có thể phát triển đầy đủ về phương diện tư tưởng cũng như nghệ thuật; nó sẽ tập trung tất cả mọi sự gắng công để đi tới sự hợp nhất và tiến bộ đến hoàn toàn của ngôn ngữ Việt Nam và sau hết là đi tới sự nhận chân cái bản thể nhân loại qua tâm hồn Việt Nam” (Lời nói đầu).

Vũ Đình Long làm Chủ nhiệm tạp chí, đảm bảo tư cách pháp nhân của ấn phẩm, còn về nội dung bài vở do Lan Khai đặc trách. Ngay từ số đầu tiên, Lan Khai được giao trọng trách Tổng thư ký Bộ biên tập và Quản lý.
Cho đến ngày tự đình bản vào tháng 12/1939 sau khi ra số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng, trong 10 tháng hoạt động. Tao Đàn ra đều kỳ được 13 số (từ tháng 3 đến tháng 7-2kỳ/1 tháng; từ tháng 8 đến tháng 10-1tháng/1kỳ) và 2 số đặc biệt (về Tản Đà - tháng 7; về Vũ Trọng Phụng - tháng 12/1939), với tổng cộng 1.374 trang in khổ 14,5 x 20,5 cm.
Trong số 3 nhà văn lần lượt đảm nhiệm cương vị trong Toà soạn mà ngày nay gọi là Tổng biên tập, thì Lan Khai là người đầu tiên đứng vị trí ấy; ông bỏ nhiều công sức vun đắp xây dựng tạp chí đi đúng theo lộ trình và mục đích đã xác định. Ông làm Tổng thư ký Bộ biên tập kiêm Quản lý từ số 1 đến số 10. Còn 3 số cuối do Nguyễn Triệu Luật đảm nhiệm, 2 số đặc biệt do Lưu Trọng Lư tập hợp bài vở.
Ở tuổi 33 năng động, bút lực mạnh mẽ, sung mãn, Lan Khai đã nỗ lực thu hút bài vở của cộng tác viên và góp bài của mình theo sự phân bố về phần, mục với số trang ấn định.
Trong 3 phần chính yếu của Tạp chí thì trọng tâm là các phần Nghị luận và  khảo cứu; Nghệ thuật.

Về phần Nghị luận, khảo cứu, tạp chí đăng tải các bài tiểu luận khai thác, giới thiệu tinh hoa văn hoá dân tộc qua văn học dân gian người Kinh và dân tộc thiểu số (các bài của Phan Khôi, Lâm Tuyền Khách - bút danh khác của Lan Khai); về văn học cổ điển viết bằng chữ Hán và chữ Nôm (do Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Trọng Thuật, Ngô Tất Tố, Phú Hương...); về văn chương hiện đại (Trương Tửu, Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Trúc Đường). Loạt bài của Từ Ngọc, Nguyễn Triệu Luật, Tảo Trang, Kinh Dinh bàn về ngôn ngữ dân tộc qua việc điển chế văn tự, cải cách chữ quốc ngữ, dịch văn học là những bài viết công phu. Mảng chân dung văn học của các nhà thơ cổ điển, tác giả văn học hiện đại có những bài viết sinh động về Nguyễn Công Trứ, Hội Tao Đàn đời Lê. Đặc biệt với 2 số Tao Đàn tập trung các bài viết về Tản Đà (số đặc biệt tháng 7/1939) và Vũ Trọng Phụng (số đặc biệt, tháng 12/1939), liền sau khi các nhà thơ, nhà văn lớn nói trên vừa qua đời, Tạp chí Tao Đàn có thể xem như đã mở đầu sáng kiến làm số chuyên đề về chân dung tác giả văn học để tưởng niệm, kịp thời ghi lại tình cảm sâu sắc, nóng hổi và sự đánh giá trân trọng của người đương thời, của đồng nghiệp đối với những văn nghệ sĩ đã có công đóng góp lớn cho sự phát triển của văn học dân tộc. Rất nhiều bài trong 2 số tạp chí đặc biệt nói trên đã trở thành những giá trị kiểu mẫu của thể loại chân dung văn học, hồi ức, phê bình văn học, giúp ích cho việc tìm hiểu con người và sự nghiệp của các nhà văn đàn anh, bậc thầy của văn chương Việt Nam hiện đại. Trong đó, Lan Khai góp 2 bài đặc sắc: Phác hoạ hình dung và tâm tính thi sĩ Tản Đà; Con người Vũ Trọng Phụng.

Tuy còn ít ỏi, nhưng các bài viết về nước ngoài (triết học Bergson, Khổng Tử, thơ Đỗ Phủ, cổ học Trung Hoa của Lê Chí Thiệp, Phan Khôi, Hoài Thanh, Nguyễn Trọng Thuật), hoặc dịch truyện, thơ nước ngoài (do Mặc Lan, Đông Hồ thực hiện) đã thể hiện một cách xem xét bình tĩnh, khách quan, tiếp thu hoặc đối thoại từ chỗ đứng và thực tế đời sống dân tộc, không nhắm mắt vọng ngoại hoặc nóng nảy dị ứng, lố bịch.

Đáng chú ý là từ số 2, tạp chí Tao Đàn đã chủ động tổ chức cuộc trao đổi ý kiến xoay quanh chủ đề “Gây dựng nền văn hoá dân tộc Việt Nam như thế nào”, lôi cuốn được các cây bút của 2 phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”“nghệ thuật vị nhân sinh” tham gia thảo luận sôi nổi. Có thể xem đây là hiệp thứ ba của cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh”, do Hải Triều và Hoài Thanh là những người đứng đầu của mỗi phái. Sau khi đăng lại bài viết của Bùi Công Trừng thuộc phải “Nghệ thuật vị nhân sinh”. nhan đề Tán thành sự gây dựng nền văn hoá Việt Nam (đã đăng trên bài Đông Phương trước đó), tạp chí Tao Đàn liên tục cho đăng các bài trao đổi ý kiến nhiệt huyết tâm đắc của Hải Triều (1), Bùi Công Trường (1), Tô Vệ (1), Hoài Thanh (4), Lưu Trọng Lư (5), Lê Quang Lộc (1)... Một mình Lan Khai, trên lập trường “Nghệ thuật vị nghệ thuật” đã góp 7 bài vào cuộc tranh luận... Cũng cần nói thêm rằng, với sự sắp xếp bài vở khéo léo của Lan Khai, mà một số đoạn thích hợp với chủ đề thảo luận, rút từ sách Văn chương và hành động của Hoài Thanh - Lưu Trọng Lư - Lê Tràng Kiều (Phương Đông xuất bản tại Hà Nội năm 1936, chưa kịp phát hành thì đã bị chính quyền thực dân thu hồi) lại được in thành những bài lẻ, giật tít khác đi một chút, thể hiện lập trường tư tưởng nghệ thuật của một nhóm văn nghệ sĩ, kiên trì với quan điểm cũ.

Xung quanh cuộc tranh luận, trao đổi ý kiến này, chúng ta ngày nay có thể rút ra những bài học bổ ích về văn hoá tranh luận, bước tiến trong quá trình tiếp cận tư tưởng học thuật của mỗi bên. Nếu như một số khía cạnh trong bản chất quan điểm nghệ thuật của họ vẫn còn những khác biệt (về quan hệ giữa tính dân tộc với tính người, tính nhân loại; về giá trị trước mắt, đề tài thời sự và giá trị lâu dài, đề tài vĩnh cửu..., thì ở một số điểm khác đã thấy họ biểu hiện sự xích lại gần nhau, tiếp thu những mặt khả thủ của nhau. Chẳng hạn, yêu cầu về sự thống nhất, không thể tách rời giữa nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm; về mục đích chung có tính chất tổng thể mà văn chương nghệ thuật hướng tới là Chân, Thiện, Mỹ chứ không thể biệt lập tách riêng một phương diện nào; về bản thể sinh tồn của văn học là vì con người, cho con người; về yêu cầu không thể thiếu được của tài năng, cá tính sáng tạo độc đáo, giọng điệu riêng của bản lĩnh cầm bút. Những bài viết của Lan Khai tham gia tranh luận tuy không tránh khỏi phiến diện, cực đoan “nghệ thuật vị nghệ thuật”, song ông đã đi sâu vào những khía cạnh khác, xác đáng bàn về bản sắc dân tộc của văn hoá, văn nghệ, về thiên chức cao cả của văn nghệ sĩ, về đòi hỏi cao đối với tài năng và lao động nghệ thuật...

Là một tạp chí ra hàng tháng, định kỳ, song Tao Đàn vẫn chú ý đến những bài viết ngắn gọn trong phần Tạp ký, trong mục Điểm sách, Giới thiệu sách mới, Thư cho bạn. Với tác giả trẻ, tạp chí dành một sự ưu ái trong phê bình, thư từ trao đổi. Bài viết của Hoài Thanh về Một nhà thơ nhiều hi vọng: ông Phan Khắc Khoan và các bức thư của Lan Khai Gửi một bạn trẻ muốn theo đuổi nghề viết văn, Thư cho bạn... cho thấy trách nhiệm và tấm lòng của thế hệ đàn anh đối với việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng trong lực lượng trẻ là cần thiết đến nhường nào!
Như trên đã nói, Tao Đàn dành trọng tâm cho phần Nghệ thuật  tức là dành nhiều số trang để đăng các sáng tác của các tác giả trong mỗi số. Trước hết là văn xuôi; người đọc có dịp thưởng thức văn tài của các cây bút quen thuộc như Vũ Trọng Phụng, Lan Khai...

Trên nhiều kỳ của Tạp chí, Lan Khai đã cho đăng những sáng tác mới của ông gồm truyện ngắn, truyện vừa như Lấy vợ cóc, Đồng tiền Vạn Lịch, Cái ám ảnh, Mọi rợ... hoặc tuỳ bút như Đau và chết. Truyện ngắn thuộc di cảo của Vũ Trọng Phụng, nhờ tạp chí Tao Đàn, đã đến với độc giả ngay sau ngày nhà văn họ Vũ yểu mệnh. Đặc biệt, cây bút mới Nguyễn Tuân xuất hiện đều đặn, liên tục. Với loạt 10 truyện ngắn - thường xuyên được đăng trọn vẹn trong mỗi số - dưới đề mục Vang bóng một thời. Nguyễn Tuân đã gây được ấn tượng mạnh mẽ trong người đọc về một cây bút văn xuôi có nghề, tài hoa, kỹ lưỡng trong câu chữ, diễn đạt. Chỉ một năm sau, vào năm 1940, các truyện ngắn đã in trên Tao Đàn của ông đã được tập hợp lại in thành sách dưới tựa đề “Vang bóng một thời. Như đánh giá của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, đây là “một tập rất quý”, giá trị của nó “sẽ còn tăng lên mãi với thời gian” vì “văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ” (*). Quả thực, loạt truyện này là đỉnh cao của tài năng Nguyễn Tuân, in đậm dấu ấn phong cách truyện ngắn không thể trộn lẫn của ông. Viết về những cái đã qua của một thời dĩ vãng,bằng giọng văn thành kính, trầm lắng và đượm buồn, cảm phục xen lẫn nuối tiếc, hoài niệm về cái đẹp của người và cảnh, của nghiệp dĩ và nếp sinh hoạt của cha ông ngày trước, truyện Nguyễn Tuân tạo được đồng cảm về sự liên tài, về những giá trị nhân bản đích thực như một di sản do tiền nhân để lại mà con cháu không thể để bị mai một do bụi thời gian.

Sau văn xuôi là kịch. Toan Ánh và Vũ Trọng Phụng là 2 tác giả kịch bản văn học có tác phẩm được đăng tải trọn vẹn qua nhiều kỳ tạp chí.
Trên những trang dành cho thơ, người đọc gặp lại các nhà thơ mới khá quen biết: Đông Hồ, Lưu Trọng Lư, Trần Huyền Trân, Phạm Hầu. Lưu Kỳ Linh... Một số bài hay của các thi sĩ này, mấy năm sau đó được Hoài Thanh - Hoài Chân chọn đưa vào hợp truyển bất hủ Thi nhân Việt (1932 - 1941)
Có thể nói với những ngày tháng làm Tạp chí Tao Đàn, Lan Khai đã được thoả nguyện, thể hiện đầy đủ tâm huyết và chí bình sinh của mình góp công sức vào xây dựng một nền văn chương giàu bản lĩnh tinh thần dân tộc Việt Nam, đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc, cả trong tư duy về nghệ thuật cũng như trong thành tựu sáng tác.

Tao Đàn
như một ngôi sao băng,vụt hiện trên bầu trời văn học nước ta trong những ngày giông bão chiến tranh đang vần vụ, nhưng ánh sáng chói ngời của nó đã toả rạng, để lại dấu ấn khó quên trong tâm thức giới sáng tác và người đọc đương thời cũng như rất lâu về sau đến tận hôm nay.
Thành công của Tao Đàn là đáng kể, có thể nói là do thực hiện sát sao tôn chỉ đặt ra là phấn đấu xây dựng nền văn chương nghệ thuật mang dấu ấn đặc sắc của dân tộc. Do đó, nó đã thu hút, gây được cảm mến trong đội ngũ cộng tác viên, nghệ sĩ tên tuổi. Họ đã tích cực đóng góp bài vở công phu, tâm huyết cho các chuyên mục định hình của tạp chí. Tên tuổi của những học giả, văn nghệ sĩ xuất hiện trên Tao Đàn, trong đó có vai trò không nhỏ của Lan Khai với tư cách vừa là người định hướng tổ chức bài vở của Tạp chí liền trong 10 số đầu, vừa là nhà sáng tác văn xuôi, một cây bút tuỳ bút, tiểu luận - phê bình, là những tên tuổi sáng giá của nền văn chương, học thuật Việt Nam thời kỳ rực rỡ nhất thuộc nửa đầu thế kỷ XIX. Các thế hệ sau khi tìm hiểu chân dung tinh thần và sáng tác của họ, không thể không lần giở Tao Đàn, tìm đọc những bài của họ xuất hiện lần đầu trên tờ Tạp chí văn học thân thuộc và nổi tiếng này.
 Hà Nội, 24 tháng 6 năm 2006
         N.N.T

(nguồn: TCSH số 211 - 09 - 2006)

 



-------------
(*) Nhà văn hiện đại, Nhà xuất bản Tân Dân Hà Nội, 1942; Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản, Hà Nội, 1989, tập I, tr.415.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thanh Tâm Tuyền (18/12/2008)