Mặc dù đã từng ở trọ nhà anh, từng trò chuyện với anh và giảng dạy thơ Nguyễn Khoa Điềm trong nhà trường nhưng chưa lần nào tôi nghĩ sẽ viết về thơ anh nhất là khi anh luôn thăng tiến trên con đường danh vọng. Nhưng đến lúc này, khi anh đã trở về với “ngôi nhà bình yên giữa cây cỏ, hoa lá”. Và khi đọc những bài thơ mới nhất của anh ở Văn nghệ (5/8/2006) và Tuổi trẻ (27/8/2006) tôi thấy như có gì thôi thúc trong lòng muốn viết một điều gì đó về thơ anh. Quả thật, khác với giọng điệu thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở “Đất ngoại ô” (1973), “Mặt đường khát vọng” (1974), thơ anh đã có bước chuyển giọng điệu kể từ tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” (1986) và “Thơ Nguyễn Khoa Điềm” (1990). Giọng điệu thơ anh ở các tập thơ này không còn là “giọng cao” của một thời “thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát” (Tố Hữu) khi anh và những thi sĩ cùng thời đều sống và chiến đấu thật trong sáng và lạc quan “Ta đi bao năm gian khổ Vẫn nghe hát dưới cội rừng” (Màu xanh lên đường) Mà đã chuyển sang “giọng trầm” thấm đẫm nỗi niềm day dứt trước những biến sinh của đời sống, khiến anh nhiều khi cảm thấy xót xa. “Những bài hát không ai hát nữa Đã vỡ trên môi anh ngọn gió dịu dàng ................ Những con đường không ai trở lại Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm ................. Những con người không ai gặp nữa Đã đặt trên vai anh gánh nặng cuối cùng.” (Những bài hát, con đường và con người) Không đau xót sao được khi cuộc sống lúc bấy giờ là bao nỗi lo toan của chuyện cơm áo đời thường. “Con chào đời Không có mười hai bà mụ áo quần xanh đỏ ngồi bên Mà hai mươi bốn khuôn dấu vuông tròn chứng nhận con trên đủ loại giấy tờ tem phiếu” (Ngôi nhà có ngọn lửa ấm) Cho đến những bài thơ đăng báo Văn nghệ và Tuổi trẻ hôm nay thì giọng thơ thế sự ấy đã được đẩy lên một cung bậc mới đầy chất triết lí nhân sinh. Có lẽ mọi con đường của thơ nói chung và của nhà thơ nói riêng suy cho cùng đều chảy về một biển. Đó là biển của cõi nhân gian, của những nghĩ suy về thân phận con người như nhà thơ Bùi Giáng đã suy ngẫm “Chúng ta là một hạt bụi giữa mịt mùng. Rủi ro là một hạt bụi biết đau khổ.(1) Phải chăng những nghĩ suy của thi sĩ Bùi Giáng trên đây cũng là những suy nghiệm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong những bài thơ của anh vừa công bố: “Bây giờ là lúc có thể chia tay với điện thoại để bàn, cac vi-dit, nắm đấm mi-cro Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường Một mình một ba lô và xe đạp Bây giờ gió gọi anh đi Mặt trời đánh nhịp về tám hướng Từ giã cà vạt, giầy đen, lời trịnh trọng Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ. Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép Thế giới thật rộng, những ngã đường độ lượng” (Bây giờ là lúc...) Để rồi anh lại “định vị” cho mình, cũng là “định vị” cho thơ khi anh muốn “làm mới cuộc đời mình”, “Để là một người trong mọi người” sống gắn bó với cộng đồng, với làng xóm, quê hương. Đó là con đường trở về an nhiên nhất, sau những gì anh đã trải nghiệm trong cuộc sống. Tôi thật lòng chia sẻ với anh, một sự chia sẻ tri âm của người đọc với nhà thơ. “Tôi trở về thành phố tuổi thơ Sau bảy trăm cột cây số mải miết Mỗi sớm mai, cùng với mặt trời Tôi đạp xe dọc bờ sông Hút tâm trí đường bơi những con bống cát.” (Định vị) Thật vậy, không phải ai từng bước lên đỉnh cao danh vọng, đã từng ở trong vòng xoáy của chốn quan trường mà khi trở về lại thanh thản đến thế. Vì vậy, tôi hoài nghi sự thanh thản này khi mới chỉ đọc 3 bài thơ đầu của anh đăng trên Văn nghệ. Nhưng khi đọc tiếp 3 bài thơ của anh đăng trên Tuổi trẻ chỉ cách nhau có ba tuần và hầu hết các bài thơ đều được viết trong tháng 7/2006 thì tôi tin sự thanh thản của anh là có thật. Phải chăng, đây là một ứng xử văn hoá, một nhân cách sống, đã làm nên một hệ giá trị mới cho thơ anh. Bởi lẽ, dẫu đó là những bài thơ được viết ra trong tháng 7 như thời gian ghi ở cuối các bài thơ, nhưng chắc hẳn không ai ngây thơ tin rằng đó là những cảm xúc chợt đến mà là những nghĩ suy của một quá trình nghiệm sinh từ chính cuộc đời thi nhận. Chính cốt cách này đã tạo cho thơ anh một dáng đứng vững chãi, không phải là “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ” trong thơ của một thời đã qua mà đó là dáng đứng “vô tư” của “con bò gặm cỏ” “Đứng đấy tự bao giờ, bên dòng sông cũ Con bò gặm cỏ Chậm rãi Một ít bóng đêm và ít hạt bình minh Từng miếng một, nhai và thở Không nghe tiếng người, tiếng xe cộ lại qua Bụi bặm một ngày kiếm sống Nó nghe thấy vị ngọt trong cọng cỏ.” (Cỏ Ngọt) Có quá lời chăng khi tôi nghĩ rằng hình tượng “con bò gặm cỏ” ở bài thơ này đã hiển lộ cái chất “thiền”, chất “triết lí” vốn là một nét phong cách trong thơ anh nói như Vũ Quần Phương: “Nguyễn Khoa Điềm thể hiện rõ một khuynh hướng trí tuệ trong các dạng thức cảm xúc. Đây vốn là mặt mạnh của anh ngay ở tập thơ đầu”. (2) Hình tượng ấy đã trở thành một điểm sáng thẩm mĩ, một nỗi ám ảnh từ trong vô thức thường xuất hiện trong thơ anh thể hiện một chiều sâu tâm cảm xoáy vào tâm thức người đọc như ở bài thơ “Chiều Hương Giang” mà anh đã viết trước đây: “Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ Bên giòng sông chưa biết chiều tan Tôi với nó lặng im bè bạn Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang” Hình ảnh “Con bò gặm cỏ” rất đỗi bình thường hằng ngày ta vẫn thấy mà sao khi đọc thơ anh, tôi thấy lòng rưng rưng day dứt. Và tự nhiên có một mơ ước thành thực đến quái dị, không chỉ như anh làm bạn với con bò mà muốn mình được hóa thân thành “con bò gặm cỏ” vô tư, chậm rãi, không buồn nghe bất cứ xao động gì của đời sống ngoài kia, chỉ còn cảm nhận vị ngọt của cỏ. Bởi vì: “Giữa thế giới không nhiều may mắn Ta học cách vừa lòng với mình Chia sẻ sự bình tâm của cỏ” (Hi vọng) Ai có thể bình tâm trước đời sống có quá nhiều điều bất an!? Nhưng trong một không gian nào đó của cuộc sống, hay một thời gian nào đó của đời người nhiều khi chúng ta phải “học cách vừa lòng với mình”, học cách “bình tâm” nếu chúng ta không muốn mình bị loại ra khỏi “cuộc chơi” của “canh bạc” cuộc đời. Nhưng để giữ được là mình ta phải tự tạo sức đề kháng cho chính mình. Chính sức đề kháng này đã đưa anh trở về với tuổi thơ và cho anh niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. “Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành Nỗi buồn đánh thức hy vọng” (Hy vọng) Đồng thời nó cũng là một thứ thuốc thử trước những cám dỗ của lợi danh để những điều tốt đẹp trong tâm hồn anh được kết tủa, được toả sáng giúp anh gìn giữ nhân cách mình. Vì thế, anh luôn tự đối thoại với mình để làm một cuộc phản tỉnh, một sự phân thân nhưng không bao giờ đánh mất mình. Đó là điều đáng quí ở anh. “Có khi giữa đêm chợt thức Bồng bềnh ý nghĩ xót xa Mình có thể, không thể?” (Hy vọng) Tôi nhớ một thiền sư đã nói đại ý: Sáng nay trước nghìn đạo quân không làm tôi sợ nhưng tối nay tôi sợ chính mình. Quả thật, cuộc đấu tranh với chính mình là cuộc đấu tranh gay go và khốc liệt nhất. Biết bao người đã không vượt qua chính mình đành “bị chấp nhận” hay “mặc nhiên chấp nhận” sự vong thân của mình để rồi họ đánh mất mình tự lúc nào mà chính họ cũng không nhận biết. Nguyễn Khoa Điềm thì khác, anh “chưa bị” đánh mất mình và cũng “không chịu” đánh mất mình vì không những anh luôn tự phản tỉnh mình mà còn biết cách tự giữ mình. Cho dù: “Không còn cách nào khác Dù bị chặn hết mọi ngả về” (Hi vọng 2) Song anh: “Vẫn hi vọng vào lòng tốt - Lòng tốt của anh, lòng tốt mọi người Để đứng cao hơn cái chết”. (Hi vọng 2) Như một chân lý vĩnh hằng, cuộc chiến đấu chống lại cái ác giữa cuộc đời này không hề đơn giản chút nào. Nhất là nhiều khi cái ác ấy lại được ngụy tạo bằng những danh từ hào nhoáng hoa mỹ. Nhưng tôi tin rằng dù ngụy tạo cách nào thì cái ác cuối cùng vẫn phải phơi bày chân tướng của nó. Thơ Nguyễn Khoa Điềm đã giúp chúng ta tin vào điều hằng cửu này. Đó là một tất yếu những không phải ai cũng ngộ ra mà nhiều khi họ đắm chìm trong bến mê ấy một cách “tự nhiên, nhi nhiên” để rồi đến cả niềm vui, nỗi buồn của họ cũng không bao giờ có thật. Họ biến mình trở thành một thứ robot, một thứ tắc kè hoa luôn đổi màu trước những biến sinh của đời sống. Và để tồn tại họ chấp nhận đánh mất mình, chấp nhận sống chung với các ác. Nhưng ở anh thì khác! Bằng tâm linh và sự thấu thị của một thi nhân, anh đã nhận thấy: “Nỗi buồn thăm thẳm chỉ có anh biết được Chỉ có anh đếm được bằng tay những đốt sống và xương sườn của mình Trước kết cục bụi bặm Chỉ có anh Trông mong sức mạnh của lòng tốt Vốn lẻ loi Vốn chua xót Chỉ có lòng tốt Dù anh đến cuối đời này Để gặp hạnh phúc” (Hi vọng 2) Niềm tin vào lòng tốt của con người ở Nguyễn Khoa Điềm không phải là một ngẫu hứng một thứ khẩu hiệu mà đó là một tuyên ngôn nghệ thuật, một quan niệm sống như chính lời “Tự bạch” của anh: “Tôi nghĩ có ba yếu tố làm nên phẩm chất của văn chương, đó là Lời - Hành động - Tấm lòng. ................ Có lời hay, có khát vọng hành động mạnh mẽ, nhưng thiếu đi tấm lòng nhân hậu, cao thượng thì vẫn chưa thể có văn hay. Cho nên có sách nói thuỷ tổ là lời, có sách nói thuỷ tổ là hành động cũng nên có sách thuỷ tổ là tấm lòng.” (3) Và cũng như anh, tôi tin rằng “chỉ có lòng tốt” mới giúp con người tìm thấy hạnh phúc, một thứ “của cải” không dễ gì tìm thấy giữa chốn nhân gian nầy. Riêng với Nguyễn Khoa Điềm tôi nghĩ anh sẽ có hạnh phúc trong những ngày còn lại của đời mình. Một hạnh phúc thật sự nhờ anh biết “vịn” vào lòng tốt và “vịn” vào những câu thơ để vui sống. Bởi nói như Cyprian Norwid, một nhà thơ Ba Lan “Thế giới nầy rốt cuộc còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: thi ca và lòng nhân ái... Không còn gì khác”. Và tôi nghĩ Nguyễn Khoa Điềm đã nhận ra chân giá trị mà nhà thơ Ba Lan kia đã nói. Cho nên, anh đã trở về với thơ như trở về ngôi nhà “hữu thể của mình”. Đó là ngôi nhà của “Mẹ và Thơ”. Cuộc trở về sau một thời gian “xa mặt” nhưng chẳng “cách lòng”. Vì thế, anh vẫn hiệu hữu cùng với nàng thơ. Thơ anh vẫn tươi trẻ, vẫn sung túc, vẫn còn nguyên sự chiêm nghiệm như ngày nào trong lòng người đọc. Bởi anh là người luôn biết sống: “Hãy lộn ngược da anh Và ghi lên đó mật khẩu Không lùi bước!” (Bây giờ là lúc....) Quảng Ngãi, 27-8-2006 T.H.A
(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)
----------- (1) Bùi Giáng, nhân đọc “Rừng Phong” (Vũ Hoàng Chương), Văn số 150 ra ngày 15/3/1970, tr 47). (2) Vũ Quần Phương “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”, Tác phẩm văn học số 4 tháng 1-2-1988, trang 216). (3) Nhà văn Việt
Thế kỷ XX (tập 2) Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1999, trang 178-179).
|