Bỗng nhiên, trong mấy năm trở lại đây, người đọc thấy bên cạnh Băng Sơn nhà thơ, lại xuất hiện thêm một Băng Sơn viết văn xuôi với tất cả sự khoẻ khoắn, cường tráng, mạnh mẽ tuôn chảy như không có gì ngăn cản nổi, như có một trữ lượng đã trầm tích lâu ngày, làm tổ trong tâm hồn ông, nay mới có điều kiện bộc lộ, mới tìm được giọng điệu của chính mình. Chỉ tính riêng năm 1993, khi mái tóc đã trắng màu thời gian và tuổi đời đã bước vào ngưỡng cửa sáu mươi, ông liên tục cho ra mắt độc giả ba cuốn sách, gồm 173 chuyện viết về Hà Nội, với gần sáu trăm trang sách: Thú ăn chơi người Hà Nội (Nxb Văn hoá), Hương sắc bốn mùa (Nxb Phụ nữ), Ngàn mùa hoa (Nxb Phụ nữ). Thì cũng là con người đó, tâm hồn đó thôi, có khác chăng là, qua rồi cái thời yêu đương sôi nổi, dễ vui dễ buồn, để nay tình yêu lắng lại, kết tủa thành ngôn từ với tất cả sự điềm tĩnh, cô đọng và đủ độ chín, độ sâu của đời sống. Và, điều ấy buộc phải dùng đến ngôn ngữ thô mộc của chính đời sống, mới có thể biểu hiện đúng những gì đang trỗi dậy, chảy qua tâm hồn ông. Văn xuôi của Băng Sơn có cái là tuỳ bút, là tản văn, có cái là đoản văn, là ngẫu văn, thậm chí có cái là tạp văn, là ét-xe (aissai), có cái là sự hoà trộn thật khó phân biệt tiểu loại, nhưng đều được ông gọi chung là tuỳ bút.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông cho rằng: “Tôi nguyên là người làm thơ. Tôi quan niệm rằng, tuỳ bút rất gần với thơ. Tuỳ bút và thơ như anh em sinh đôi. Tôi suy nghĩ như thế này không biết có đúng không: Tôi tư duy bằng thơ nhưng tôi biểu hiện ra bằng văn xuôi. Tôi đi sâu vào một tiểu loại mà hầu như lâu nay không ai viết, đó là đoản văn, mỗi bài chỉ độ ba, bốn trăm chữ, chưa đầy một trang giấy đánh máy. Tôi cho rằng, nếu viết những đoạn ngắn này cho thật hay, thì mỗi bài như vậy, nó cũng sẽ nói lên được một vấn đề, hoặc giới thiệu được một cảnh vật, một nét văn hoá, thí dụ như một cây khoai nước, một cái cầu ao, một cái tháp nước,...Viết vài ba trăm chữ mà người đọc thích, cũng là điều đáng viết” (1).
Cả ba cuốn sách, tuy có thể được viết ra trong ba thời điểm khác nhau, nhưng cùng được ấn hành trong một năm, và khi đặt cạnh nhau, như những bức tranh liên hoàn về diện mạo đời sống văn hoá tinh thần của Hà Nội. Lẽ cố nhiên, sự bắt đầu của Băng Sơn là đi từ đời sống vật chất, từ những hình ảnh thân quen như chuyện ăn, chuyện mặc, thú vui chơi ca hát, các buổi tiệc tùng, phong tục tập quán... Nhưng, tất cả đều được nhìn dưới góc độ văn hoá tinh thần, để tạo nên một thế giới hình tượng qua những trang văn giàu cảm xúc, mang vẻ đẹp đích thực của văn hoá Thăng Long, và rộng hơn, có thể nói là văn hoá dân tộc, từ trong cội nguồn của lịch sử. Ở Thú ăn chơi người Hà Nội (270 tr.), gồm 20 chuyện về ăn, 15 chuyện về chơi, 10 chuyện về thời tiết, khí hậu, hoa lá, cỏ cây... không chỉ có giá trị về văn chương mà còn có giá trị thực tiễn. Chẳng hạn, những trang viết về các món ăn như Bát nước chấm, Gia vị, Món luộc, Bánh đúc quê hương, Bánh dày bánh giò, không chỉ mang lại những hiệu ứng thẩm mỹ cho người đọc mà còn là những bài học về nữ công gia chánh, về công việc Nội trợ của người phụ nữ, đồng thời còn thể hiện tác giả là người có “tâm hồn ăn uống” một cách sành điệu: “Đang đói mà mất hứng, mà phí công đi xa, ăn không thấy ngon nữa, vì cháo gà, hỏi đến hạt tiêu, ông hàng cháo bảo không có, chỉ có tương ớt. Cháo gà mà ăn với tương ớt thì như thịt gà chấm với nước cáy vậy...”. Hương sắc bốn mùa (192 tr.), gồm có 33 chuyện, là sự tiếp tục mạch cảm xúc trong Thú ăn chơi người Hà Nội, nhưng có phần đi sâu vào những phong tục tập quán, những di tích văn hoá lịch sử, những lễ hội truyền thống dân gian nhiều hơn.
Cũng bắt đầu từ văn hoá vật chất như Nồi cơm, Bát cháo, Chén canh, Món xôi đến các di tích văn hoá, các mỹ tục như Ăn tết chơi tết, Hát văn, Cửa ô, Hàng Bạc, Phố Huế, Yên Phụ... Chuyện không chỉ có vậy, từ việc này ông có thể hướng người đọc liên tưởng đến việc khác, hình dung ra những điều đằm sâu, nén chặt bên trong. Nói đến Nồi cơm (4 tr.), nhưng thực ra ông còn nói về tấm lòng người mẹ, người phụ nữ Việt Nam, chỉ qua vài câu có thể hình dung ra tất cả những đức tính, những phẩm chất mà đôi khi những đúc kết thành khẩu hiệu làm người ta khó hình dung: “Những bát cơm đầy ân tình... Ăn trông nồi... Mẹ là người cầm chịch. Mẹ ăn nhỏ nhẻ, ngắm xem, quan sát những người thân yêu nhất của mình trong bữa ăn, giờ đông đủ nhất của cả gia đình...Thừa, thiếu, hay đủ, đều do mẹ. Có khi mẹ bảo tự nhiên hôm nay no, ăn ít đi. Có khi mẹ lại ăn cố...Chúng ta đâu biết tình mẹ bao la trong hành động con con ấy. Cũng có khi nồi cơm đã tơi rồi mà mẹ vẫn không ngơi tay cứ đánh mãi...Mẹ chờ cái bát không của ai đó sắp đưa cho mẹ.” Liệu ngày nay còn mấy ai dạy cho con gái mình những điều này và những bà mẹ trong tương lai mấy ai còn biết ăn phải trông nồi!
Ngàn mùa hoa (132 tr.), gồm 95 chuyện tập trung cho đối tượng độc giả ở lứa tuổi mới lớn với những cảm xúc trong lành, tươi non được ông mở rộng ra một không gian xa hơn về các làng quê phố huyện như Tiếng hát đồng quê, Cây đa làng, Cái tết làng, Đám cưới quê, Điếm canh đê, Ăn bánh chưng, Cánh bèo, Đò ngang, Đò dọc... những chuyện tưởng như không có gì và không còn gì để nói nữa, nhưng với ông, mỗi sự việc, mỗi đồ vật đều có một đời sống riêng, đều có thể trở thành đối tượng để đối thoại, giãi bày, và đã trở thành thế giới tâm hồn của nhà văn lung linh toả bóng. Cái không khí đặc sánh chất thơ trong Đêm ca trù với tiếng sênh phách gõ nhịp vào tâm hồn người đọc, làm trỗi dậy một không gian mơ hồ trong ký ức xa xôi: “Ta ngồi một mình trong đêm xuân nghe từng bước thời gian đang vần chuyển gấp gáp, vội vàng, vừa rón rén khoan thai e lệ, hồi âm lại hồn ta trong tiềm thức trẻ thơ cũng được sống cùng không khí ẩn hiện tài tình như thế”.
Cũng chính những chuyện không có chuyện, không còn chuyện để nói đó, đã từng được nói đến trong cổ tích, trong truyền thuyết, chuyện kể dân gian, trong những trang văn đầy ắp hương hoa của những cây bút tài hoa một thời làm say lòng người đọc như Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, nay cũng chỉ là những chuyện cũ ấy thôi, bỗng cựa quậy, sống dậy trong tâm hồn Băng Sơn, đòi lên tiếng, ngân lên bao điều mới mẻ, bất ngờ làm cháy lòng người đọc. Có lẽ, bởi cọc neo chính của dòng chảy đời sống văn hoá tinh thần của các nhà văn đều có chung cái cốt lõi, đó là tình yêu mảnh đất và con người Hà Nội nói riêng,Việt Nam nói chung, là truyền thống, là cốt cách tâm hồn dân tộc, những điều căn cốt làm nên bản sắc văn hoá của đất nước, đã thắm một màu Việt Nam, không hề bị tàn phai qua bao nỗi thăng trầm. Văn xuôi của Băng Sơn là văn xuôi trữ tình phong tục. Do đó, ông rất gần với Thạch Lam trong Hà Nội ba sáu phố phường, Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai và Miếng ngon Hà Nội, Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời. Trong trả lời phỏng vấn báo chí ông cũng từng thừa nhận là thích ba tác giả đàn anh này (2). Có người cho rằng, do ông ra đời ở xứ Đông, cách Hà Nội bốn mươi cây số, ở làng Cẩm Giàng, nơi có cái ga sầm uất, nơi sinh ra ba anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam, nên “trong văn Băng Sơn phảng phất cái trong sáng, đôn hậu, chan chứa tình người của Thạch Lam, cái đằm thắm của Hoàng Đạo, cái mơ màng của Nhất Linh”.(3)
Điều quan trọng hơn là cùng quan tâm về một vùng văn hoá, một miền quê sáng tác, nhưng mỗi người có một giọng điệu văn chương. Ở Băng Sơn, cũng có một chút lịch sử, một chút cổ tích hoặc truyền thuyết, chuyện kể dân gian, được thể hiện thông qua bút pháp tự sự thấm đẫm chất trữ tình, vừa ngắn gọn, súc tích, vừa chính xác đến từng chi tiết, mỗi đoản văn chỉ từ một đến năm trang sách, vừa phù hợp với tâm lý người đọc hiện đại, vừa phù hợp với mọi lứa tuổi. Chẳng hạn, Ngàn mùa hoa, gồm 95 đoản văn, gói gọn trong 132 trang sách, ông viết dành cho lứa tuổi học trò, khoảng từ mười hai đến mười sáu, mười bảy tuổi, là sự “nhắc nhở kín đáo của Băng Sơn với việc bảo tồn nền văn hoá dân tộc và làm phong phú tâm hồn cho lớp lớp trẻ thơ” (4), nhưng thật ra còn là những câu chuyện bổ ích cho những người làm cha làm mẹ, làm ông làm bà, khi đến với Ngàn mùa hoa như bắt gặp những tia hồi quang êm dịu trong ký ức một thời đã trôi xa, không ngừng phát hiện để có thể hiểu thêm về mình và con cháu mình. Đặc sắc nhất là những trang hồi ức kỷ niệm, là sự thật cuộc đời của nhân vật trữ tình, cũng chính là hình tượng của tác giả, của người thân như luôn đồng hành cùng với cuộc sống của dân tộc, của đất nước. Hãy nghe Băng Sơn giải thích về công việc của mình: “Có ai không trải qua niềm vui hay nỗi buồn khi con tàu chở mình bắt đầu chuyển bánh rời ga, rền rĩ hồi còi, sầm sập uốn mình lao đi...” Có thể tìm thấy rất nhiều đoạn văn hay và đẹp, đọc lên mọi người đều thấy sự hồn hậu, nhân ái, gần gũi với tâm hồn mình trong trang viết của ông.
Băng Sơn làm thơ, diễn kịch từ thuở còn là học sinh Tú tài những năm năm mươi của thế kỷ XX, tham gia đoàn nhạc kịch Tháng Mười chào mừng giải phóng Thủ đô, rồi có thơ in cùng thời với Ngô Văn Phú, Bùi Minh Quốc, Trần Nhật Lam, Vân Long, nhưng mãi đến năm 1984 ông mới có tập “thơ ba người” Nắng bên sông (chung với Nguyễn Xuân Thâm và Lư Giang, Nxb Tác phẩm mới), sau đó là tập Thơ hai người (chung với Nguyễn Hà, Nxb Văn hoá, 1992). Nhưng bắt đầu từ “bộ ba liên hoàn” với 173 chuyện về Hà Nội phố (1993) đến nay, ông liên tục cho ra mắt độc giả gần mười đầu sách: Con thuyền hoa (Kim Đồng, 1995), Nước Việt hồn tôi (Phụ nữ, 1995), Thú ăn chơi người Hà Nội (tập 2, Văn hoá, 1996), Bóng bảy màu (Kim Đồng, 1996), Nghìn năm còn lại (Hà Nội, 1996), Cái thú lang thang (Hà Nội, 1997), Đường vào Hà Nội (Hà Nội, 1997), Con chim gọi quả (Kim Đồng, 1997), Thú ăn chơi người Hà Nội (tập 3, Thanh niên, 1999) và còn chuẩn bị cho ra mắt cuốn Một trăm ngôi nhà Hà Nội... Quả là, mấy nghìn trang sách đã tạo ra một Băng Sơn đa tài nhưng cũng rất đa đoan, hay như cách gọi của Vân Long là “nhiều nhà trong một nhà”: nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch (tác giả mười vở kịch thơ đã được công diễn và nhiều vở phóng tác từ tác phẩm nước ngoài như Những người khốn khổ, Ngài tổng thống, Tristant và Yseul...), nhà diễn kịch, nhà báo (phóng viên các báo Thuỷ sản, Độc lập...), nhà Hà Nội học, nhà chơi đào thế, nhà... ăn chơi học! Phải ăn và chơi như thế nào mới thấm đẫm vào trang văn mượt mà, sâu sắc và cũng sành điệu đến mức ấy chứ! Trong các nhà ấy, nổi bật nhất là nhà văn, nhà tản văn phong tục đặc sánh trữ tình về văn hoá Hà Nội. Với tôi, có chút thiên vị của người dân ngụ cư, gần gũi và ấn tượng lâu bền nhất, là những trang ông viết về Huế, có liên quan đến Huế, như Phố Huế, Nguyễn Bính với cố đô Huế, Bến Ngự- hồn ca... P.P.P
(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)
------------- (1), (2), Trả lời phỏng vấn báo Thừa Thiên - Huế 30. 4. 1997 (3), Nguyễn Kế Nghiệp, Băng Sơn- cây bút tài hoa của đất Hà Thành, Hội thảo Tuỳ bút của Băng Sơn về Hà Nội, ngày 23. 4. 1996 tại Thư viện Hà Nội. (4), Hoàng Quốc Hải, Băng Sơn- từ Ngàn mùa hoa qua Hương sắc bốn mùa đến Nước Việt hồn tôi, htđd.
|