Nghiên Cứu & Bình Luận
Bất cập của nghiên cứu hay bất cập của nhận thức về nghiên cứu văn học?
15:37 | 29/10/2013

TRIỆU SƠN

Bài này nhằm trao đổi với tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy về những bất cập của nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay nhân đọc bài “Những bất cập và thái quá trong nghiên cứu văn học hiện nay” của tác giả trên Sông Hương, 294/08-13.

Bất cập của nghiên cứu hay bất cập của nhận thức về nghiên cứu văn học?

Tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy đã làm công việc “chẩn bệnh” nghiên cứu văn học. Để “chẩn bệnh”, phải căn cứ vào thực trạng, nhưng đọc kĩ hơn 3 ngàn chữ trong “bệnh án”, tôi không rõ tác giả lấy cứ liệu từ đâu ra? Tất cả đều rất chung chung, không phải là dẫn chứng. Để trao đổi, đầu tiên, tôi phải giả định tất cả những ví dụ tác giả nêu ra đều… có cơ sở thực tế.

Có một số điểm, theo tôi, tác giả có lý. Dưới đây chỉ trao đổi về những điểm tôi cho là bất cập.

1. Vấn đề thuật ngữ: tiểu thuyết lịch sử hay tiểu thuyết tân lịch sử?

Phần 1.1 của bài viết, tác giả nói lý luận ở Việt Nam “tụt hậu” (so với thế giới). Điều này không ai cãi. Nhiều người đã trình bày từ lâu. Không có gì mới mẻ cả. Cuối mục này, xuất hiện một đánh giá khiến tôi giật mình: “Rất nhiều tiểu thuyết Việt Nam được sáng tác theo khuynh hướng tân lịch sử nhưng giới nghiên cứu thường gọi là tiểu thuyết lịch sử. Cách gọi này cho thấy sự tụt hậu của lý luận nghiên cứu so với sáng tác”. “Rất nhiều tiểu thuyết” mà tác giả muốn nói chắc hẳn là Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Nguyễn Thị Lộ (Hà Văn Thùy), Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Mạc Đăng Dung (Lưu Văn Khuê),... Theo tác giả, những tiểu thuyết như thế phải được gọi là “tiểu thuyết tân lịch sử” mới không “tụt hậu về lý luận so với sáng tác”. Xin thưa, thứ nhất, tác giả đã không hiểu rõ và phân biệt được 2 cách gọi tên này. Gọi “tiểu thuyết lịch sử” là dựa vào đề tài. Còn “tân lịch sử” (new history) là khuynh hướng tư tưởng. Đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Vấn đề là nhà nghiên cứu đứng ở tiêu chí nào để phân loại. Không trùng lấp về tiêu chí, vì thế, một tiểu thuyết (tác phẩm văn học viết về đề tài) lịch sử có thể đồng thời cũng là tiểu thuyết (mang tư tưởng) tân lịch sử. Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác là tiểu thuyết lịch sử nhưng có tư tưởng tân lịch sử. Thứ hai, tác giả tự mâu thuẫn trong chính lập luận của mình: “…đối với chủ nghĩa tân lịch sử, ngay cả bản thân sách lịch sử của các sử gia cũng là “lịch sử của tôi”, là “tự sự về lịch sử” và không thể có cái gọi là chân tướng lịch sử, lịch sử khách quan tuyệt đối”. Nếu đã không có “lịch sử khách quan tuyệt đối” thì làm gì có tiểu thuyết lịch sử (theo lập luận của tiến sĩ), nói cách khác, tất cả tiểu thuyết lịch sử, trước nay vẫn gọi là, lập tức chuyển thành tiểu thuyết tân lịch sử hết! Thế ra, trước khi có thuật ngữ tiểu thuyết tân lịch sử, tất cả các tiểu thuyết lịch sử (thậm chí, cả sách lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, An Nam chí lược,…) phải được gọi là gì đây? Trong bối cảnh xã hội, văn hóa ngày càng dân chủ hóa, sự khác biệt quan điểm được lực lượng trí thức tiến bộ cổ súy, thừa nhận, lịch sử được “viết lại”, bằng chính lịch sử, và bằng cả văn chương. Tân lịch sử được dùng để gọi tên khuynh hướng đó với tư cách thuật ngữ. Thuật ngữ này có thể được thay thế, như Giải lịch sử, chẳng hạn. Không lẽ, đến lúc đó, lại phải tiếp tục đổi tên thể loại văn học từ văn học tân lịch sử thành văn học giải lịch sử hay sao! Tư duy lý luận “chạy theo” như thế không chỉ không đuổi kịp tính hiện đại mà còn khiến lý luận thể loại thêm rối rắm, mơ hồ, tạm bợ. May mắn, đến nay, không “nhà lý luận” nào tin theo tác giả cả. Giáo sư Trần Đình Sử, trong bài viết gần đây vẫn dùng khái niệm tiểu thuyết lịch sử khi trình bày về việc nhận thức lại thể loại này(1). Rõ ràng, không có vấn đề gì ở đây để cao đàm khoát luận là “tụt hậu” giữa lý luận so với sáng tác.

2. Thuật ngữ dịch: có cần thống nhất?

Các Hội thảo đây đó và các Hội đồng, Viện, các Đại học đã không “hệ thống” hóa cho gọn các thuật ngữ. Ở Việt Nam, tiếp thu lý luận nước ngoài thiếu hệ thống. Đúng! Có thể thấy rõ điều này nếu đặt bên cạnh Trung Quốc để so sánh. Cũng đúng! Nhưng việc tồn tại song song các cặp thuật ngữ: “trần thuật học / tự sự học, điểm nhìn / góc nhìn, siêu hư cấu / siêu tiểu thuyết... vẫn cứ tồn tại song song” liệu có “càng làm phức tạp hóa lý luận”, và là biểu hiện của “tiếp thu lý luận một cách tự phát, bị động, thiếu hệ thống” không? Chúng ta đều biết rằng, các thuật ngữ trên tương ứng trong tiếng Anh là: Narratology, Point oj view, metafiction. Đến nay, mỗi thuật ngữ đều có những cách chuyển ngữ khác nhau. Đây là chuyện hết sức bình thường. Bản thân tiếng Anh, “điểm nhìn” đôi khi cũng được dùng chữ “The out look” mà chưa thấy nhà khoa học nào bàn đến chuyện thống nhất. Không chỉ thuật ngữ khoa học, những từ loại thông dụng khi được dịch sang ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 bao giờ cũng có hơn 1 ngôn tự tương ứng trong ngôn ngữ đích, sự khác nhau giữa các ngôn tự thường chỉ là những nét nghĩa nhỏ, trong chừng mực nào đó có thể chấp nhận được. Xóa bỏ “khoảng cách” về nghĩa giữa các từ trong ngôn ngữ gốc và các từ được dịch trong ngôn ngữ đích chỉ có thể xảy ra khi ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích là một. Có nghĩa là… không tồn tại việc dịch! Trở lại các cặp thuật ngữ được dịch ở trên, sự tồn tại song song giữa chúng không chỉ không làm rối lý luận mà trái lại, trong những trường hợp khác nhau, còn có thể cho phép người nghiên cứu có được lựa chọn tối ưu. Vì thế, sự thiếu hệ thống ở đây, nếu có, chỉ là “tầm nhìn” bị khuất lấp đối với đặc điểm của ngôn ngữ mà thôi.

Liên quan đến dịch thuật ngữ, tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy còn có một nhận định khác: “Sử dụng lý thuyết theo kiểu “tam sao thất bản”. Vận dụng lý thuyết nước ngoài vào nghiên cứu văn học trong nước, để cho nghiêm xác, là việc không dễ. Vì thế, đã có những sự hiểu không thật đúng tinh thần của lý luận công cụ. Điều này hẳn không phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong một bài “tổng quan” những bất cập của nghiên cứu văn học, mọi nhận định của tác giả lại mơ hồ, chung chung, ham nhận định nhưng không chứng minh. Đọc bài của tác giả, tôi đang chờ đợi xem những ai, trong công trình nào sử dụng lý thuyết phương Tây kiểu “tam sao thất bản”?, “tam sao thất bản” thế nào? Chúng ta cùng xem tác giả lý giải: “Các nhà lý luận Việt Nam tùy theo cách hiểu và khả năng diễn đạt của mình đã dịch thành như sau: cận văn bản, siêu văn bản, ngoa dụ văn bản, kiến trúc văn bản, liên văn bản (Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX, Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân, tr. 447); bàng văn bản, siêu văn bản, cực đại văn bản, cổ văn bản, liên văn bản (Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học, Nguyễn Hưng Quốc, tr. 233); cận văn bản, văn bản, siêu văn bản, nguồn văn bản, văn bản (Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học, Phạm Gia Lâm, tr. 486); cận văn bản, siêu văn bản, thượng văn bản, nguyên văn bản, liên văn bản (Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Những lằn ranh văn học”, ĐHSP TP HCM, tr. 897 (…)” và “Đúng ra, người sử dụng cần phải lý giải thuật ngữ, phải so sánh, cân nhắc giữa các bản dịch để hiểu cặn kẽ hơn vấn đề. Nhưng có một thực trạng chung là phần lớn họ chỉ căn cứ vào một hoặc vài bản dịch mà mình có được (hoặc tin tưởng) và xem đó là những định lý”. Hết. Lạ! Tại sao dịch một thuật ngữ theo những cách khác nhau lại gọi là “tam sao thất bản”? việc các nhà nghiên cứu (nào đó) không lý giải, so sánh các thuật ngữ đã được dịch cũng lại gọi là “tam sao thất bản”? Và, chỉ nhận định chung chung như thế sao có thể kết luận rằng họ (nếu có) “xem (cách dịch mà họ chọn dùng) đó là những định lý”! Bất kỳ học sinh phổ thông nào nếu biết cách tra từ điển và học qua kỹ năng lập luận cũng sẽ thấy cách hiểu thành ngữ “tam sao thất bản” và lối lập luận của tác giả quá ư… bất ngờ. Với kiểu “lập luận logic” rất lạ đó, không khó hình dung ra những nhận định sau đây cũng là của tác giả: “Ngoài ra, khi định nghĩa một thuật ngữ, những người nghiên cứu sau thường dẫn theo một công trình nào đó của người đi trước. Đây là kiểu tiếp nhận hớt ngọn xuất phát từ tâm lý ỷ lại và không muốn hoặc không dám tự chịu trách nhiệm về cách hiểu một thuật ngữ và nguồn tư liệu gốc”. Ôi trời! thuật ngữ khoa học đâu phải ngôn từ Xuân tóc đỏ dùng quảng bá cho hiệu thuốc lậu mà ai hiểu sao và ai cũng có thể định nghĩa được. Vì thế, trích dẫn định nghĩa của một tác giả khác (thường là tác giả có uy tín) phải là cần thiết và rất khoa học. Không lẽ, khi nghiên cứu đề tài Xung đột ý thức - vật chất trong nhân vật Truyện Kiều, tôi sẽ bị coi là kẻ “ỷ lại”, “hớt ngọn”, “không dám tự chịu trách nhiệm” vì dẫn định nghĩa vật chất của Lenin sao? Trong trường hợp của tôi, tác giả có “dám” đưa ra định nghĩa mới về vật chất không? Nếu có, thì xin thưa, tác giả đã làm một việc vô bổ. Lenin, trong Bút ký phê phán, cũng không ít lần dùng quan điểm triết học của Engels như một định lý nhận thức(2). Đó là thao tác khoa học thông thường. Nhà nghiên cứu, trong đề tài cụ thể của mình, hoàn toàn có thể dẫn theo một cách hiểu nào đó về thuật ngữ. Yêu cầu của đề tài và dụng ý của nhà nghiên cứu mới là điều quyết định việc dẫn thuật ngữ (dẫn của ai, như thế nào) cũng như có cần giải thích thêm cho việc dẫn đó hay không chứ không phải do sự đa dạng của cách dịch. Tác giả nhớ lại giúp, bản thân tác giả cũng đã trích dẫn định nghĩa “nhại” của Henri Benac trong cuốn Dẫn giải ý tưởng văn chương và lấy nó làm cơ sở lý luận, tức dùng nó như định lý mà không giải thích gì thêm, trong một bài Hội thảo khoa học cách đây không lâu(3).

3. “Đẽo chân cho vừa giày”, “Dĩ Âu vi trung” hay sự quy kết vội vã và không nắm rõ bản chất vấn đề?

Trong nghiên cứu văn học hiện nay, tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy còn “phát hiện” hai sự thái quá: 1, “đẽo chân cho vừa giày”, 2, “dĩ Âu vi trung”. Hai “phát hiện” đó, mới nghe, đều thấy hấp dẫn, đọc vào, thấy “sai sự mục đích cả”. Để hiểu rõ hơn, hãy đi vào cụ thể.

“Đẽo chân cho vừa giày”, theo tác giả, là “‘cưỡng bức’ tác phẩm văn học bằng lý luận”, tác phẩm không có gì (hoặc có ít) hậu hiện đại, hậu thực dân,… cũng “cố” nghiên cứu dưới góc nhìn hậu hiện đại, hậu thực dân,… Ngoài ra còn là “rập khuôn, mô phỏng một cách máy móc từ dạng thức tên đề tài cho đến cấu trúc của công trình”. Về điểm thứ nhất, tôi không có ý kiến thêm, chỉ xin trao đổi với tác giả về khía cạnh thứ hai. Xin lấy ví dụ: có 4 nhà văn: J.M. Coetzee, Monique Wittig, Hồ Anh Thái, Đặng Thân, tôi lần lượt nghiên cứu họ dưới ánh sáng của lý thuyết hậu hiện đại với các đề tài: Dấu ấn hậu hiện đại trong sáng tác của J.M. Coetzee, Monique Wittig, Hồ Anh Thái, Đặng Thân. Có vấn đề gì về khoa học ở đây không? Hiển nhiên là không. Quan trọng là tôi đã chọn lý thuyết tiếp cận phù hợp với đối tượng, từ đó, tôi giải quyết tốt các vấn đề đặt ra. Tên và bố cục đề tài dù có “rập khuôn” như tác giả phê cũng đâu có ảnh hưởng gì tới kết quả nghiên cứu, đúng không? Tác giả cũng “quên” mất điều này: trong mọi sự giống nhau đều chứa đựng sự khác biệt. Cụ thể, tên và cấu trúc các đề tài tương tự nhau cũng đâu có đồng nghĩa với cách giải quyết vấn đề như nhau, và do đó, cũng không có nghĩa kết quả là một. Với đề tài nêu trên, tôi đều dành một chương nghiên cứu tính liên văn bản (intertextuality) trong sáng tác của các nhà văn. Nhưng, liên văn bản ở J.M. Coetzee khác Monique Wittig, tương tự, ở Hồ Anh Thái cũng không giống ở Đặng Thân. Vậy, có còn gì là “rập khuôn”, “áp đặt” nữa không?

Lạm dụng “dĩ Âu vi trung”, theo tác giả là chỉ nhìn thấy nguồn gốc, ảnh hưởng, biểu hiện từ phương Tây, mà không đủ “thâm hậu” (về kiến thức) để hiểu rằng, nhiều vấn đề đã có từ xa xưa và sâu xa trong văn học phương Đông, chẳng hạn: “Chỉ thấy “mặc cảm Odipe” qua những mối quan hệ loạn luân trong Kafka bên bờ biển của Murakami, N. P của Banana Yoshimoto... mà không hề thấy “phức cảm Genji” - một yếu tố mẫu gốc của văn học Nhật Bản. Gặp tình yêu đồng tính trong các tác phẩm văn học đương đại phương Đông thì sẽ nghĩ ngay đến sự ảnh hưởng từ văn hóa, văn học phương Tây hiện đại mà không nghĩ đến những mối tình đồng tính đã trở thành điển tích “phân đào”, “đoạn tụ” của vua Vệ và vua Hán ở Trung Quốc với cận thần hoặc của hoàng tử Genji với nhiều chàng trai khác trong tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của Nhật Bản là Truyện Genji. Nói đến “bất tín nhận thức” thì cho rằng đó là vấn đề rất mới mẻ của chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây mà không biết rằng nhà văn Akutagawa của Nhật Bản đã từng đặt ra vấn đề này một cách độc đáo trong truyện ngắn Bồn bề bờ bụi từ năm 1922 và xa hơn nữa là sự mơ hồ, hoài nghi chính sự tồn tại của bản thân mình của Trang Tử và chủ nghĩa hoài nghi tất thảy của Khuất Nguyên ở Trung Quốc trước công nguyên…. Đoạn văn trên cho thấy, tác giả đã không phân biệt được văn hóa trong phạm vi dấu hiệu với văn hóa ở phạm vi lý thuyết. Ở phạm vi thứ nhất, văn hóa chỉ được nhìn nhận trong các khía cạnh lẻ tẻ, cụ thể, không thể đại diện, lan tỏa, bao trùm. Ở phạm vi thứ hai, văn hóa được gọi tên từ sự khái quát hàng loạt các biểu hiện cùng bản chất. Tên gọi của nó được theo sau cả một học thuyết, một tư tưởng về văn hóa. Nhắc đến nó là nhắc đến tư tưởng, học thuyết có khả năng đại diện và bao trùm. Văn hóa Đông Nam Á được gọi văn hóa lúa nước, văn hóa lúa nước trở thành thuật ngữ. Nhưng không ai dùng thuật ngữ đó để chỉ vùng bắc Trường Giang dù ở đó vẫn thỉnh thoảng có nơi trồng lúa nước. Cũng thế, văn hóa phương Tây được coi là văn hóa gốc du mục. Ở phương Đông cũng có vài nơi chăn thả gia súc, nhưng chẳng ai gọi văn hóa vùng này là du mục cả. Cũng vậy, chuyện về Odipe chỉ được gọi là mặc cảm Odipe (Complexe d’Oedipe) với phân tâm học Freud - cuối thế kỷ XIX. Nó, ban đầu chỉ là một biểu hiện, gắn với 1 trường hợp nhân sinh cụ thể: nhân vật Odipe trong thần thoại Hy Lạp và trong bi kịch Odipe vua của Sophoclo. Sau, trở thành học thuyết với S. Freud và được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Từ đó, nó được dùng để chỉ chung cho một biểu hiện tâm lý ấu thơ ở loài người: quyến luyến tính dục với người sinh thành khác (giới) tính, thù nghịch với người sinh thành cùng tính. Vì thế, mặc cảm Odipe trở thành một thuật ngữ chung cho các biểu hiện nói trên. Ở phương Đông, đúng như tác giả nói, có Phức cảm Genji mang tính chất tương tự, nhưng khác nhau ở chỗ: Phức cảm Genji không phải một học thuyết khoa học được thế giới thừa nhận. Nó chỉ dừng lại ở cấp độ chi tiết của tác phẩm nghệ thuật, dù chi tiết này có chiều sâu nhân học. Do vậy, nếu nói mặc cảm Odipe thì ai cũng hiểu, nhưng nói Phức cảm Genji tình hình sẽ trái hẳn, nhất là với người đọc phương Tây. Điều đó lý giải tại sao, trong thần thoại Hy Lạp cũng có trường hợp tương tự chuyện Odipe: thần thoại về Electra, sau này, cũng được dựng thành bi kịch Electra: vở Mourning becomes Electra (Khóc thương nàng Electra - 1931) của nhà văn Nobel Eugene O’neill, nhưng đâu có ai dùng Mặc cảm Electra thay thế Mặc cảm Odipe! Không chỉ trường hợp trên, nhiều vấn đề của khoa học văn học hiện nay cũng được thể hiện đây đó trong quá khứ xa xôi ở văn học phương Đông, chẳng hạn việc dùng điển tích, đối thoại với biểu tượng lịch sử. Nhưng chỉ đến giữa thế kỷ XX, người ta mới biết đó là liên văn bản, qua tư tưởng của J. Kristeva. Vấn đề bất tín nhận thức cũng nằm trong trường hợp này.

Sự bất tín nhận thức và hoài nghi không chỉ tồn tại trong một, một vài tác phẩm cụ thể, mà nó vươn lên thành những tư tưởng triết học ở phương Tây với các nhà Hiện sinh như F. Nietzche, A. Camuy, J. Sartre,… từ đó, có ảnh hưởng rất sắc và lâu dài trong văn học, văn hóa và tinh thần phương Tây. Ở phương Đông cũng có thể tìm thấy những vấn đề này. Đặc biệt, tư tưởng hoài nghi phát triển thành tư tưởng trong triết học Trang Tử và phần nào triết học Ấn Độ (Phật giáo, Krishnamurti). Tuy nhiên, khác với vấn đề thuật ngữ (mặc cảm Odipe, Phức cảm Genji) ở trên. Tôi chưa thấy nhà nghiên cứu nào coi bất tín nhận thức hay tâm lý hoài nghi có nguồn cội phương Tây hay dùng nó như thuật ngữ gắn với một “điển tích” phương Tây. Sở dĩ, người ta hay chú trọng mối liên hệ giữa bất tín nhận thức và tâm lý hoài nghi trong văn học nước ta hiện nay với văn học phương Tây cũng có lý do của họ. Suốt từ đầu thế kỷ XX đến nay, văn học Việt Nam đang phát triển theo hướng văn học phương Tây xuất phát từ nền tảng kinh tế, xã hội có thể nói là phương Tây hóa mạnh mẽ. Tìm mối liên hệ với chính nền văn học mình xem như mô hình phát triển là việc làm đúng đắn, có ý nghĩa, phù hợp với tiến trình văn học, và lý giải khả quan nhất các vấn đề của con người hiện đại/tại mà tác phẩm đặt ra. Tìm về cội nguồn văn hóa xa xưa, ví dụ như trong tư tưởng Trang Tử, liệu có đem lại cách lý giải tối ưu hơn?! Vậy thì, kết luận “lạm dụng tư tưởng ‘dĩ Âu vi trung’” trong trường hợp này có phải của một người có “kiến văn thâm hậu” chăng?

Quả thực, nghiên cứu văn học hiện nay còn nhiều bất cập, những vấn đề không được đề cập trong bài này, tôi nghĩ, tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy có lý, nhưng nên chăng cần bổ sung thêm bất cập này nữa: một trong những “bệnh” trong nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay là nhận định, kết luận vội vàng dù chưa nắm rõ bản chất vấn đề?

T.S
(SH296/10-13)


-------------------
1. Xem Trần Đình Sử, Cần đổi mới suy nghĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử, http://phebinhvanhoc. com.vn/
2. Lenin, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Bút ký phê phán một triết học phản động, Nxb. Tiến bộ, Maxcova, 1976; xem Chương 2, Lý luận nhận thức của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán và chủ nghĩa duy vật biện chứng, trang 86.
3. Xem Nguyễn Thị Tịnh Thy, Pastiche trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, Hội thảo khoa học Văn học hậu hiện đại - Diễn giải và tiếp nhận, ĐHKH Huế, 03/2011, in lại trong cuốn sách cùng tên, Nxb. Văn học, 2013, trang 556.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lòng nhân từ (10/09/2013)