Kể từ ngày đổi mới đến nay, trên văn đàn nước ta đã xuất hiện rất nhiều lý thuyết và phương pháp nghiên cứu phê bình văn học. Tất nhiên đây không phải là những lý thuyết và phương pháp hoàn toàn mới, mà hầu hết chỉ là những lý thuyết và phương pháp du nhập của phương Tây. Một loạt các cuốn sách được dịch khá công phu. Nhiều lý thuyết và phương pháp của phương Tây đã được áp dụng cho việc nghiên cứu văn học Việt
. Có thể nói, nhiều lý thuyết và phương pháp trước đây được coi là vùng cấm kỵ thì nay đã được phổ biến rộng rãi, hầu như không còn có sự hạn chế nào trong việc tiếp cận kho tàng lý luận văn học của thế giới. Quyền tự do trong nghiên cứu đã được tôn trọng và mở rộng. Một số người còn áp dụng khá thành công các phương pháp nghiên cứu của phương Tây vào thực tiễn nghiên cứu văn học của nước nhà mà cách đây hơn hai mươi năm, việc đó khó có thể được thực hiện. Thậm chí, có những quan niệm trước đây bị phê phán kịch liệt, như tâm phân học, lý thuyết về văn học so sánh, lý luận tiếp nhận,... nay đã được tiếp thu một cách cởi mở và áp dụng vào thực tế nghiên cứu văn học.
Tuy vậy, hệ thống lý luận văn học cũ của chúng ta tuyệt nhiên không phải là không còn giá trị. Xét ở cấp tổng thể, những quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử áp dụng cho mỹ học và nghiên cứu văn học vẫn mãi mãi mang ý nghĩa thời sự. Nhưng, những quan niệm cụ thể của mỹ học Mácxít cũng tuyệt nhiên không thể là những giáo điều bất biến. Thực tiễn lịch sử và xã hội sẽ quy định mọi quan niệm lý thuyết. Sự thay đổi của các điều kiện lịch sử-xã hội sẽ quyết định sự thay đổi của các quan niệm nghệ thuật. Đó là quy luật khách quan đương nhiên. Về cơ bản, những quan niệm về bản chất và đặc điểm của văn học vẫn có những hạt nhân hợp lý của chúng cần được giữ lại. Tuy nhiên, các mối quan hệ giữa chúng với nhau thì không còn như trước đây. Chẳng hạn, chúng ta không thể phủ nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa chính trị với văn học, nhưng ngay từ những ngày đầu đổi mới, các văn nghệ sĩ và các nhà quản lý văn nghệ đã có những cuộc thảo luận và trao đổi rất cởi mở về vấn đề này, và đến nay, chính trị và văn học đã được nhìn nhận trong mối quan hệ biện chứng và hợp lý. Gần đây nhất, trong cuộc hội thảo của Hội đồng Lý luận-Phê bình Văn học-Nghệ thuật Trung ương ngày 14-1-2005, đồng chí Hồng Vinh, Phó trưởng ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương, đã phát biểu: “...cần tránh các quan niệm cực đoan, đi tìm văn nghệ thuần tuý, hoặc xem văn nghệ chỉ là vũ khí phục vụ một cách thô thiển cho chính trị.”
Chúng ta cũng không thể phủ nhận tính giai cấp của văn học, nhưng chúng ta không còn coi nó là đặc điểm thống soái của văn học, không còn coi nó là đặc điểm chi phối và quyết định mọi đặc điểm và tính chất khác của văn học. (Cần lưu ý rằng trong lĩnh vực chính trị, ở thời kỳ trước và trong một số năm đầu đổi mới, Đảng ta chưa dùng khái niệm hệ thống chính trị, mà vẫn dùng một cách phổ biến khái niệm chuyên chính vô sản để chỉ hệ thống và cơ cấu các cơ quan quyền lực lãnh đạo và quản lý xã hội. Bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6 khoá VI (tháng 3-1989) Đảng ta dùng khái niệm hệ thống chính trị (thay cho khái niệm chuyên chính vô sản) và xác định nhu cầu về đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị. Đến Đại hội VII, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã chỉ rõ mục tiêu của hệ thống chính trị của chúng ta là “xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”. Như vậy ngày nay, khái niệm dân chủ XHCN đã trở thành khái niệm trung tâm, thay thế cho khái niệm chuyên chính vô sản, một khái niệm thuộc phạm trù tính giai cấp). Chúng ta cũng không còn coi phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác độc tôn như trước đây, mà chỉ coi nó là một trong những phương pháp sáng tác của văn học; và việc ngày nay phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa ít được nhắc đến đã chứng tỏ nó chỉ là một trong những phương pháp bình đẳng với mọi phương pháp khác, không phải là một tấm bùa hộ mệnh cho nền văn học của chúng ta.
Đó là những thay đổi rất quan trọng và kịp thời. Cho nên không thể nói lý luận văn học hiện nay là đang hoàn toàn lúng túng, không theo kịp thời đại. Chúng ta đang có những nỗ lực chấn chỉnh từng bước để xây dựng một hệ thống lý luận văn học hoàn chỉnh. Rõ ràng, hệ thống lý luận văn học cũ đang có sự thay đổi đáng kể. Đó là một sự thay đổi không phải bằng những tuyên ngôn lý luận, mà là bằng những công việc thực hành trên thực tiễn: có nhiều khái niệm, phạm trù trước đây là những khái niệm, phạm trù trọng tâm, chủ đạo, nay trở thành những khái niệm, phạm trù thông thường, bình đẳng như mọi khái niệm, phạm trù khác.
Tuy nhiên vẫn phải công nhận rằng đây mới chỉ là những nỗ lực riêng lẻ của các nhà khoa học, chủ yếu là ở lĩnh vực nghiên cứu. Việc đưa các lý thuyết và phương pháp mới vào giáo trình giảng dạy ở bậc đại học hầu như vẫn chưa được thực hiện, hiện tại mới chỉ có sự giới thiệu một số lý thuyết và phương pháp ở bậc đào tạo sau đại học. Để có được một hệ thống giảng dạy lý luận văn học ở bậc đại học cũng như sau đại học, chúng ta cần phải có một sự hợp tác và nhất trí rộng rãi. Chúng ta đã có rất nhiều cuộc hội thảo, nhưng kết quả hội thảo chỉ là một tập hợp các ý kiến, quan niệm, chứ chưa được biến thành một chương trình hành động thống nhất. Sau hội thảo, các nhà nghiên cứu và giảng dạy lại ai về làm việc của người nấy, để rồi lại chuẩn bị cho một cuộc hội thảo tiếp theo khi nào có kinh phí. Và tình hình lý luận vẫn là một bức tranh chắp vá, ghép mảnh, vì thế đôi khi không tránh khỏi những mâu thuẫn không đáng có. Có những khái niệm tưởng chừng như đã được nhất trí cao qua các cuộc hội thảo, trao đổi, qua thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy, ấy vậy mà vẫn xuất hiện những hiện tượng tiền hậu bất nhất trong quan niệm về chúng, thậm chí ngay cả ở một nhà nghiên cứu.
Ví dụ như đối với trường hợp của khái niệm “văn học so sánh”. Đây là một trong những khái niệm đã phải trải qua những bước thăng trầm suốt hàng chục năm mới được khẳng định. Cho đến nay, qua nhiều cuộc trao đổi trên báo chí và hội thảo, nó đã giành được sự đánh giá khá nhất trí, đã được đưa vào giảng dạy ở bậc đào tạo sau đại học của nhiều trường đại học với tư cách là một môn học. Một số trường đang muốn mở một bộ môn văn học so sánh, Viện Văn học vừa mới thành lập Ban Văn học So sánh. Ấy vậy mà gần đây nhất, trong cuốn Từ điển văn học (bộ mới) do Nxb. Thế giới ấn hành năm 2004, các tác giả của cuốn từ điển này – thuộc trong số những người tích cực nhất đang chủ trương thành lập bộ môn văn học so sánh – vẫn nhắc lại cái quan niệm lỗi thời cách đó ba mươi năm: “Văn học so sánh [là] một trong những trường phái nghiên cứu văn học xuất hiện ở châu Âu thế kỷ XIX, chuyên nghiên cứu những mối liên hệ văn học quốc tế, đối với các nhà nghiên cứu văn học Mácxít thì được quan niệm như một phương pháp cụ thể để tiến hành nghiên cứu văn học” (tr.1961) (tôi nhấn mạnh). Một nhà nghiên cứu bình thường nhất cũng không thể quan niệm bộ môn là trường phái hoặc là một phương pháp cụ thể. Rõ ràng, tính nhất trí thống nhất là một yêu cầu hàng đầu của việc xây dựng một thệ thống, nhất là một hệ thống phức tạp như lý luận văn học. Điều này cũng cho thấy: sự nhất trí phải được thực hiện ở mọi cấp độ, đặc biệt là ở cấp độ khái niệm.
Có thể kể thêm một khái niệm chủ chốt của lý luận văn học mà cho đến nay ở ta nó vẫn chưa nhận được sự nhất trí trong quan niệm, đó là khái niệm “ngôn ngữ văn học”. Các tác giả của cuốn Từ điển thuật ngữ văn học (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1992) giải thích khái niệm này theo hai nghĩa: một nghĩa là chỉ thứ ngôn ngữ chuẩn mực của một quốc gia, nghĩa thứ hai được các tác giả quan tâm hơn là chỉ thứ ngôn ngữ “được dùng trong văn học”. Các cuốn từ điển tiếng Việt hiện nay cũng giải thích thuật ngữ này theo hai nghĩa như vậy. Còn cuốn 150 thuật ngữ văn học của Lại Nguyên Ân (Nxb. Đại học QGHN, Hà Nội, 1999), và cuốn Từ điển văn học (bộ mới) (2004, với mục từ “ngôn ngữ văn học” cũng do Lại Nguyên Ân viết] thì coi nó là ngôn ngữ chuẩn mực phổ thông của một quốc gia, đối lập với ngôn ngữ thông tục, với các phương ngữ khu vực và với các phương ngữ xã hội. Tác giả Lại Nguyên Ân cũng phân biệt “ngôn ngữ văn học” với “ngôn ngữ của văn học” mà ông xác định nó bằng một khái niệm khác là “ngôn từ nghệ thuật”. Trong khi đó thì cuốn Từ điển thuật ngữ văn học nói trên không có mục từ “ngôn từ nghệ thuật” (tức “ngôn ngữ của văn học”), bởi vì mục từ “ngôn ngữ văn học” đã đảm nhiệm chính cái nhiệm vụ của “ngôn ngữ của văn học”. Vậy chúng ta phải giải quyết sự khác biệt quan niệm này ra sao đây? Và chúng ta sẽ phải giảng dạy như thế nào cho học sinh và sinh viên?
Sự thực là ở các nước trên thế giới người ta phân biệt rất rõ hai khái niệm: “ngôn ngữ văn học” và “ngôn ngữ của/trong văn học”. Và người ta cũng định nghĩa rất rõ rằng “ngôn ngữ văn học” là ngôn ngữ chuẩn quốc gia; còn “ngôn ngữ của/trong văn học” là thứ ngôn ngữ được phép sử dụng tất cả các loại ngôn ngữ, trong đó có cả ngôn ngữ nói (tức “văn nói” hay “khẩu ngữ”), cả ngôn ngữ thông tục, phương ngữ, biệt ngữ, v.v... Có thể do hạn chế của tiếng Việt mà chúng ta đã không thống nhất được là nên dùng các thuật ngữ như thế nào để phân biệt được hai khái niệm nói trên.
Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở sự thiếu nhất trí về mặt lý luận, mà sự thiếu nhất trí này đã dẫn đến những sai lầm trong việc áp dụng lý luận vào thực tiễn phê bình văn học. Theo định nghĩa thì khái niệm “ngôn ngữ văn học” có liên quan chặt chẽ với khái niệm “ngôn ngữ viết”. Văn tự chính là hình thức tiêu chuẩn của ngôn ngữ văn học được hiểu là ngôn ngữ chuẩn mực. Như thế, khái niệm “ngôn ngữ viết” (hay “văn viết”) gần như đồng nghĩa với “ngôn ngữ văn học”. Còn ngôn ngữ của văn học thì không có sự hạn chế nào cả. Và do không phân biệt được hai khái niệm này, cho nên vừa qua có người đã phê phán Nguyễn Ngọc Tư là sử dụng cả “văn nói” trong Cánh đồng bất tận. Liệu phê phán như vậy thì có ấu trĩ quá không: Bởi lẽ, có nhà văn nào mà không sử dụng văn nói trong sáng tác? Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, “Cò kè bớt một thêm hai”, “Chém cha cái số hoa đào”, v.v... Rõ ràng, việc thiếu hợp tác và nhất trí trong nghiên cứu lý luận đã làm cho ngành phê bình văn học của chúng ta mắc phải những bất cập như thế nào trong việc đánh giá thực tiễn văn học.
Đây chính là một trong những vấn đề lớn còn tồn đọng mà sắp tới các nhà lý luận văn học sẽ phải hợp tác để giải quyết dứt điểm. Hoặc là chúng ta sẽ phải thay khái nhiệm “ngôn ngữ văn học” với nghĩa “ngôn ngữ chuẩn” bằng khái niệm “ngôn ngữ chuẩn quốc gia”, để cho khái niệm “ngôn ngữ văn học” chỉ còn lại một nghĩa là “ngôn ngữ của/trong văn học”, hoặc là chúng ta sẽ phải thay khái niệm “ngôn ngữ của/trong văn học” bằng khái niệm “ngôn từ văn học”, để cho khái niệm “ngôn ngữ văn học” chỉ còn một nghĩa là “ngôn ngữ chuẩn quốc gia”. Nhưng theo tôi, phương án thứ nhất tỏ ra khả thi hơn, sẽ ít gây nhầm lẫn hơn. Và nếu các nhà lý luận nhất trí với phương án đó, thì từ nay ta sẽ phải dịch khái niệm “ngôn ngữ văn học” của nước ngoài là “ngôn ngữ chuẩn quốc gia”. Những điều trên cho thấy việc xây dựng lý luận văn học đòi hỏi phải tuân thủ tính hệ thống chặt chẽ và khoa học. Tính hệ thống có thể có mặt ở cấp vĩ mô, như hệ thống các lý thuyết, hệ thống các phạm trù, khái niệm, v.v... Nhưng tính hệ thống cũng có thể có mặt ở một cấp độ vi mô, với nghĩa là mỗi một vấn đề cũng có thể làm thành hoặc được trình bày thành một hệ thống, ví dụ như việc trình bày các quan niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại.
Về chủ nghĩa hậu hiện đại, hiện ở nước ta đã có rất nhiều quan niệm khác nhau được giới thiệu, trong đó có cả những quan niệm mâu thuẫn nhau: ví dụ như có một quan niệm chủ đạo của Lyotard coi chủ nghĩa hậu hiện đại là một phản ứng chống lại tính toàn trị “đại tự sự” (hay “chuyện lớn”) của chủ nghĩa Mác, trong khi đó có một nhà khoa học người Trung Quốc lại coi chủ nghĩa hậu hiện đại có đặc điểm giống với chủ nghĩa Mác và do vậy có khả năng dung hợp với chủ nghĩa Mác. Vậy nếu chúng ta tiếp thu cái quan niệm sau thì liệu có mâu thuẫn với hầu hết những quan niệm về [chủ nghĩa] hậu hiện đại của phương Tây không? Và quan trọng hơn là như thế thì liệu chúng ta có hiểu hết được bản chất của các quan niệm về (chủ nghĩa) hậu hiện đại để có thể phê phán và tiếp thu chúng một cách đúng đắn không? Ở đây, tôi nói “phê phán và tiếp thu các quan niệm về (chủ nghĩa) hậu hiện đại” chứ không nói phê phán và tiếp thu “chủ nghĩa hậu hiện đại”, bởi lẽ, vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn đang là một vấn đề để ngỏ. Một lần nữa, chúng ta thấy yêu cầu về việc tuân thủ tính hệ thống trong lý luận có một ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Tính hệ thống của lý luận có một tầm quan trọng rất lớn. Nếu không có một hệ thống lý luận mạch lạc và khoa học, thì nó có nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn giữa lý luận và phê bình như chúng tôi đã chứng minh. Sau đó là có nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn giữa phê bình với sáng tác. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công việc sáng tạo văn học. Một hệ thống lý luận khoa học chặt chẽ sẽ soi đường cho một nền phê bình có sức thuyết phục. Một nền phê bình có sức thuyết phục sẽ tạo một không khí tin cậy và hợp tác giữa phê bình và sáng tác. Phê bình không dựa vào lý luận sẽ không thể có sức thuyết phục, từ đó có nguy cơ làm cho sáng tác quay lưng lại với phê bình. Chỉ có tài năng nhạy cảm phê bình dựa trên lý luận khoa học chặt chẽ thì chúng ta mới có được những đòn bẩy làm xuất hiện những tác phẩm văn học chất lượng cao. Từ đây, chúng ta thấy giữa lý luận với phê bình và sáng tác văn học có một mối quan hệ biện chứng và khoa học như thế nào? Đó cũng chính là một trong những tiền đề và động lực để thúc đẩy nền văn học đổi mới của chúng ta ngày nay, một nền văn học với mục đích tối cao là tạo ra những tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng tổ quốc. Đồ Sơn, tháng 10-2006 N.V.D
(nguồn: TCSH số 213 - 11 - 2006)
-------------------------- (1) Hồng Vinh: “Phát triển nền tảng lý luận đáp ứng nhu cầu xây dựng nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Văn nghệ số 9, ngày 26-2-2005. (2) Đảng Cộng sản Việt
: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.19
|