... Văn hóa thống trị Văn hóa là gì? Là cái gì định nghĩa con người. Cái gì mang lại ý nghĩa cho con người, cho đời sống. Khác với con vật, con người luôn luôn tìm ý nghĩa, hoặc tự nhiên, hoặc có ý thức. Và bởi vì con người không sống riêng rẽ mà tụ họp thành xã hội, mỗi xã hội cung cấp cho con người những ý nghĩa, những lẽ sống, nghĩa là một nền văn hóa. Nếu tôi chấp nhận văn hóa của tôi, nếu tôi thấy hạnh phúc trong đó, xin anh ở ngoài đừng bắt tôi theo văn hóa của anh mà anh cho là cao hơn. Không nền văn hóa nào cao hơn nền văn hóa nào, không văn minh nào là thượng đẳng. Vấn đề là hạnh phúc của tôi và khả năng của một nền văn hóa có mang lại được hạnh phúc cho tôi không. Khốn thay, bởi vì kinh tế và kỹ thuật là hai yếu tố quan trọng của văn hóa, và bởi vì con người rất dễ định nghĩa hạnh phúc của mình qua những lợi ích mà kinh tế và kỹ thuật mang lại, nền văn hóa nào có trình độ văn hóa kỹ thuật cao rất dễ tự cho mình và rất dễ được xem là văn hóa thượng đẳng. Trên thực tế, đó là văn hóa thống trị. Hãy nói một khí giới thôi, hiện đại nhất, trong nền văn hóa thống trị đó: cái máy vi tính.
Cái máy - nghĩa là kỹ thuật - vốn trung lập: nó hay hay dở là tùy mình sử dụng nó để làm gì. Tự nó, cái máy vi tính đem lại muôn vàn lợi ích cho tôi. Để viết bài nầy, tôi đã gõ lên đầu nó và nó đã đưa bao nhiêu kiến thức vào đầu tôi. Thế thì ông chính trị cũng gõ lên đầu nó để thống trị cái đầu thiên hạ. Đây, tuyên bố của một viên chức cao cấp Mỹ: “Đối với nước Mỹ, mục đích cơ bản của ngoại giao trong thời đại thông tin là phải thắng trong trận chiến về luồng thông tin thế giới bằng cách chế ngự các làn sóng, y hệt như nước Anh trước đây đã chế ngự biển cả”. Ông nói thêm: “Quyền lợi kinh tế và chính trị của nước Mỹ là phải làm thế nào để buộc thế giới phải dùng tiếng Anh nếu thế giới chấp nhận một ngôn ngữ chung; làm thế nào, nếu thế giới đi đến chỗ đồng ý trên những nguyên tắc chung về truyền thống, về an ninh, và chất lượng, thì nguyên tắc chung đó phải là nguyên tắc của Mỹ; làm thế nào, nếu mỗi vùng trên thế giới được nối kết với nhau bằng truyền hình, truyền thanh và âm nhạc, các chương trình đó phải là chương trình của Mỹ; và làm thế nào, nếu mọi người vạch ra những giá trị chung, thì đó phải là những giá trị mà nước Mỹ xem như là của mình”. Chuyện đó là dĩ nhiên. Tại sao? Tại vì “người Mỹ không thể chối cãi sự kiện rằng, trong tất cả mọi quốc gia từ khi có lịch sử loài người, lịch sử nước Mỹ là công bằng nhất, khoan dung nhất, sẵn sàng đặt lại vấn đề nhất, và thường xuyên tự mình hoàn hảo, nước Mỹ là mô hình tốt đẹp nhất cho tương lai”.
Cái máy vi tính chứa đựng tất cả khả năng, tất cả yếu tố: nó là một tổng thể văn hóa, nó là văn hóa. Nó cung cấp toàn bộ ý nghĩa. Không phải chỉ cho một người: cho cả nhân loại. Trong giấc mơ thống trị của ông chính trị, sẽ không có ai thiếu vắng được nó; nó sẽ trở thành cần thiết như không khí, như nước uống. Nếu mỗi nhà đều có cái bàn thờ, thì mỗi nhà cũng phải có nó. Thế giới còn tranh chấp là vì nó chưa vào được mỗi nhà. Chuyện đó là chưa bình thường. Trên 6,5 tỷ người hiện nay trên toàn cầu, đã có 4,5 tỷ máy thu thanh, 3,5 tỷ máy truyền hình, 1,4 tỷ điện thoại di động, vậy mà chỉ mới có dưới 1 tỷ máy vi tính. Chưa bình thường! Ngày nào máy vi tính lọt vào tổ ấm của mọi gia đình, ngày ấy thế giới mới chỉ còn là một thôn xóm, ai cũng biết ai, ai cũng quen ai, ai cũng cùng một thứ văn hóa, đâu còn nữa chiến tranh! Cái máy vi tính sẽ dạy chúng ta sống như thế nào, chết như thế nào, trong thôn xóm với nhau cả, sống chết giống nhau, thờ phụng như nhau. Ông thần nào là số một hiện nay? Đâu cần hỏi: Bill Gates!
Tất nhiên sự thật sẽ không là vậy trăm phần trăm; nhưng đâu cần phải chiếm trọn trăm phần trăm cái đầu mới thống trị được nó? Lai giống là được rồi! Ông chính trị nói: tôi không nghiền nát văn hóa của quý quốc đâu; cái máy vi tính là nguồn suối của đa văn hóa. Có văn hóa nào là nguyên chất như vàng ròng đâu, văn hóa bao giờ cũng tiếp xúc nhau, thâm nhập nhau, lai nhau để sản sinh ra chất mới. Đúng quá. Nhưng trong việc lai giống, có giống yếu giống mạnh, sản phẩm đẻ ra khó giữ được bản sắc của giống yếu. Ông chính trị biết vậy nên mục đích ngắn hạn mà ông nhắm không phải là hủy diệt các văn hóa khác: các văn hóa ấy cứ vẽ bản sắc của mình lên trên một cái phông, miễn rằng cái phông ấy là văn hóa của ông, nghĩa là văn hóa toàn cầu. Và như vậy, mỗi dân tộc trên thế giới sẽ có thêm một bản sắc thứ hai, bản sắc chung, yếu tố đưa đến hòa bình nhân loại.
Cùng là Tây phương cả, nhưng nước Pháp sợ nhất là cái bản sắc thứ hai đó. Đằng sau cái thứ hai ấy, người Pháp nói, là cả một bộ máy khổng lồ nhằm làm loãng đi hết những cái thứ nhất. Nhượng Mỹ ở đâu cũng được, nhưng Pháp nhất quyết không lùi trước tấn công văn hóa của Mỹ nhắm vào tự do văn hóa như tự do mậu dịch. Văn hóa không phải là hàng hóa; sản phẩm văn hóa không được đồng hóa với mọi sản phẩm: đó là khẩu hiệu có tính nguyên tắc của Pháp. Hàng hóa thì mặc cả, thuận mua vừa bán. Văn hóa - nghĩa là niềm tin, giá trị, ngôn ngữ, gia tài, cách sống - thì bất khả thương lượng. Văn hóa thì phải tôn trọng lẫn nhau; không thể có toàn cầu hóa nếu bản sắc văn hóa của các dân tộc không được tôn trọng. Tiếp xúc nhau là cần, nhưng trao đổi là để giữ bản sắc của nhau, không phải để hòa tan cái khác mình trong dung dịch của mình. Cái máy là thông tin, được rồi, nhưng thông tin gì, cho ai, để phục vụ quan niệm gì về văn hóa, chia sẻ với nhau thế nào về thông tin, làm thế nào để tôn trọng văn hóa, văn minh, tôn giáo của các dân tộc khác. Làm chủ cái máy là nhiệm vụ của mỗi dân tộc, nhưng khổ thay, kẻ đánh qua người đánh lại, lửa choảng nhau với tường lửa, âm binh đánh với âm binh, kẻ lỗ đầu chảy máu không có ai khác hơn là chính tự do.
Riêng đối với chúng ta, có nên đề phòng cái máy không? Nên! Có nên cảnh giác không? Nên quá! Nhưng có nên sợ cái máy, sợ toàn cầu hóa không? Không! Vậy thì sợ cái gì? Thứ nhất là sợ cái ngu, tưởng ma là mình. Thứ hai là sợ co cụm, tưởng thu mình trong vỏ ốc là thoát. Làm thế nào tránh cả hai? Đâu có mưu thần chước quỷ gì! Từ ngàn xưa đến nay, phép thiêng chỉ có một thôi.
Bản sắc Biết mình, biết mình thật rõ, đừng tơ lơ mơ. Hễ tơ lơ mơ là lai ngay. Biết rõ mình rồi thì chơi với ai, ai đến chơi, cũng chẳng sợ. Biết mình, biết rõ giá trị vô song của mình, thì không co cụm. Một nền văn hóa co cụm là một nền văn hóa yếu, biết trước mình sẽ thua. Y như một cơ thể yếu, không dám ra sương gió. Đóng cửa, trùm chăn, thì yếu vẫn yếu. Không có cách nào khác hơn là tự tu bổ sức khỏe, tự phát huy nội lực. Một dân tộc cũng vậy, thấy đâu là nội lực, đâu là ngoại nhập, đứng vững trên cái thứ nhất thì không sợ cái thứ hai. Thì làm chủ cái máy, làm chủ thông tin, làm chủ toàn cầu hóa. Hãy tin và dựa vào cái gì mà dân chúng thấy là của mình, thấy thân thiết, thấy quen biết, thấy đó là căn nhà văn hóa của mình, nơi mà mình sống thoải mái nhất. Đạo đức xã hội, đạo đức chính trị, môi trường sống, trường học, quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, giữa người dân với chính quyền: nếu gió thuận mưa hòa trên những quan hệ đó, người ít học nhất cũng biết phân biệt đâu là thật đâu là giả, đâu là đáng tin đâu là lừa đảo. Khi một dân tộc đã có lòng tin từ trên đến dưới, đố luồng thông tin nào từ bên ngoài làm sứt mẻ nổi lòng tin đó ở bên trong. Dựa vào đâu để chống ngoại nhập? Vào nhau! Vào cái gì đã chứng tỏ là bền bỉ nhất của dân tộc! Vào tường lòng, thay vì tường lửa.
Cho nên cái gì vững chắc nhất trong bản sắc, cái ấy không sợ toàn cầu hóa tấn công mà còn tấn công ngược lại. Tôi lấy hai ví dụ: thức ăn, y phục. Ai cũng biết McDonald là tiêu biểu của toàn cầu hóa thống trị. Khi nông dân Pháp nổi dậy chống áp dụng kỹ thuật làm biến chất thực phẩm (OGM), họ đốt tiệm ăn McDonald. Dưới mắt họ, cũng như dưới mắt dư luận thế giới, McDonald không phải chỉ là khoanh bánh mì và miếng thịt chiên; đó là cả văn hóa ẩm thực, văn hóa ăn nhanh, kỹ thuật sản xuất, tính hiệu quả, tính tiên đoán, tài kiểm soát, khả năng sản xuất đồng bộ, khả năng đánh thức một mùi vị đồng nhất, tóm lại khả năng tạo ra một bản sắc riêng chiếm hữu không những cái lưỡi mà cả cái đầu của người tiêu thụ. Một phong cách ăn tràn ngập thế giới bất kể thù bạn. Một văn hóa chung, “bản sắc thứ hai”, quê hương thứ hai của cả nhân loại.
Nhưng McDonald có làm tôi kém chung tình với chén cơm thường ngày của tôi không? Thức ăn là một trong những yếu tố then chốt của bản sắc. “Hãy nói cho tôi biết anh ăn thứ gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai”. Ăn hoài khoai tây mà không biết chán thì chẳng cần khai tôi cũng biết anh là người Đức. Cầm khoanh phó mát ngửi cho đã đời rồi mới ăn thì anh đích thực là người Pháp biết sống. Thức ăn là bản sắc nên đi đâu người ta cũng mang nó theo, đâu có di dân thì đấy có nó, nó không mất mà còn lan ra tứ xứ. Lai giống Mỹ, pizza vẫn là pizza. Khắp nơi, vịt quay Bắc Kinh treo lủng lẳng, Pa Ri, Luân Đôn, Niu ốc... bao tử ở đâu cũng hẩu xực mì vịt quay. Vậy thì sá gì McDonald! Hỏi cái bụng, hỏi cái lưỡi, hỏi cái đầu, hỏi từng tế bào trong cơ thể của tôi: chúng mầy nhớ cái gì nhất, cơm hay McDonald, chúng nó đâu cần trả lời! Có nghĩa lý gì đâu khi con cái đòi vào McDonald! Hãy vào, như hãy vào pizza, vào vịt quay, vào couscous Bắc Phi, vào cà ri Ấn Độ! Bản sắc chỉ đích thực là bản sắc khi phải đối phó với nhiều thách thức, cạnh tranh. Nó chỉ là hoa hậu khi nó đánh bạt mọi giai nhân khác. Còn nếu không có đối thủ, cái gọi là bản sắc cũng không có, bởi vì bản sắc được định nghĩa là cái gì khác, cái gì đặc biệt. Cái đó không mạnh thì dù co cụm trong thành trì cũng bị đào thải thôi.
Thức ăn là yếu tố mạnh nhất trong bản sắc, cho nên nó phát triển với toàn cầu hóa. Suchi của Nhật ngày nay toàn cầu hóa thực đơn khắp năm châu bốn biển. Mà đơn giản quá: chỉ chút cơm bọc rau câu. Thế giới nhà giàu càng chán mỡ càng chuộng suchi. Nắm yếu điểm đó, suchi tiến công trên thị trường chuộng thức ăn nhẹ: nó đùa với cái bao tử, hư hư thực thực, ăn vào như có như không. Phở của ta bây giờ cũng thế, cũng toàn cầu hóa trong nhu cầu fast food! Trái với suchi, nó thực chất, làm một tô bự là giải quyết xong bữa ăn trưa, mà mùi vị lại đậm đà, kích thích. Chưa nói đến chả giò mà tiếng quốc tế bây giờ là nem. Nem đi vào các nhà hàng không phải chỉ của người Việt, đi vào tận căng tin của các trường học. Nham nham, học trò thấy nem, chưa ăn đã nham nham chảy nước miếng.
Nhưng dù là nem hay phở, dù phở do bếp Tàu nấu hay dù nem đang lai giống với bánh tráng Thái Lan, cái đặc biệt khác với Tàu, với Thái của Việt Nam, cái làm cho món ăn Việt Nam được ưa chuộng trên thế giới, cái làm cho con người Việt Nam muôn đời vẫn tự định nghĩa mình là người Việt Nam bất chấp không gian, bất chấp luật quốc tịch, vẫn là cái đó, cái mùi thum thủm, cái vị mặn mặn, mà nếu thiếu nó cuộc đời nhạt nhẽo như thiếu tổ quốc: cái chai nước mắm. Nước mắm là đại nguyên soái bách chiến bách thắng. Thực dân, đế quốc, bá quyền, Bắc thuộc, Tây thuộc... nó chẳng coi ra gì. Thì ra cái thá gì McDonald! Y phục là yếu tố then chốt thứ hai của bản sắc. Kimono không phải chỉ là áo Nhật mà là nước Nhật. Sari là nước Ấn Độ. Hãy xem những người lãnh đạo Ấn Độ: có bao giờ họ rời bỏ quốc phục của họ đâu? Và hãy xem ta: nào đâu quốc phục của ta? Mỗi dân tộc trên đất nước ta đều có y phục riêng, chỉ có dân tộc Kinh là mất quốc phục mà thôi. Nhận xét nầy có áp dụng được cho cả Trung Quốc không? Lúc nhỏ, đi vào tiệm Tàu, tôi thấy tiệm nào cũng treo chân dung Tôn Dật Tiên với bộ áo cổ cao, không phải áo Tây phương. Sau nầy, tôi nghe nói Tôn Trung Sơn chế biến y phục, dung hòa kiểu Tây với kiểu cổ, để biểu dương một Trung Hoa hiện đại, Cộng Hòa, nhưng không mất bản sắc. Áo Mao, cổ Mao, xuất thân từ đó chăng?
Áo ấy, cổ ấy, bây giờ chẳng còn là lễ phục tiếp khách nữa nơi Hồ Cẩm Đào. Nhưng áo Tàu truyền thống đâu có biến mất nơi các bà, các cô? áo ấy, cổ ấy, len lỏi vào thời trang Âu Mỹ tuy rằng thời trang Âu Mỹ cũng được gió toàn cầu hóa thổi rất nhanh vào Bắc Kinh. Chẳng mấy chốc sau khi Đặng Tiểu Bình tứ hiện đại mèo đen mèo xám, mọc lên ở phố may mặc Dong An, quận Wang Fu Jing, một tiệm thời trang mang tên là Mu Zhen Liao dành cho khách sang. Kiểu áo Qipaus thượng lưu của thời nhà Thanh xuất hiện, mới lạ, làm khách qua đường phải ngoái cổ nhìn. Báo Mỹ cho rằng Qipaus là áo Mãn Châu, không phải Hán Đường Tống Minh, nhưng Nguyên Thanh chẳng phải là lịch sử Trung Quốc hay sao?
Nói tới Qipaus là để trở về với chiếc áo dài của ta. áo dài cũng không phải là truyền thống lâu đời, cũng là y phục cải cách từ những năm 1930 thôi, cũng là thời trang chế biến để thích nghi với thời đại mới. Nhưng nó thành công bao nhiêu, thân thương bao nhiêu, yêu kiều bao nhiêu, thích hợp bao nhiêu! Nó đi vào lòng dân tộc như thể nó đã được khai sinh từ thuở dân tộc còn nằm nôi! Và nó hãnh diện phất phới trên thế giới; thế giới thán phục nó. Ngày nay, thời trang tha hồ vẽ vời, thêm bớt; nó nhân lên nhiều kiểu mới, nhưng nó vẫn là nó, vẫn là nhan sắc vô địch. Cái gì hợp với dân tộc qua bao nhiêu thử thách, cái ấy là bản sắc, cái ấy không sợ ma nào ám, kẻ cướp nào lấy.
Bởi vậy, câu hỏi mà tôi nêu lên để kết luận là liệu yếu tố căn bản thứ ba mà ta vốn cho là nằm tận trong thâm sâu của bản sắc dân tộc, đóa hoa sen tinh khiết trong lịch sử, sen đó có nở được trên bùn, trên bao nhiêu rác rưởi mà người ngoài và chính ta, chính ta trước tiên, không ngớt ném tràn lên nó từ bao lâu nay hay không. Câu hỏi đó không đặt riêng cho chúng ta; bất cứ ai quan tâm đến trường tồn của dân tộc đều phải đặt ra. Nhưng trường tồn hay không là tự chúng ta trước hết. Không ai giết chết được chúng ta ngoài chính chúng ta. Toàn cầu hóa ngày nay chẳng có gì mới hơn cửa bể trong ca dao: đi qua cửa bể Thần Phù, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm. Phép thiêng chỉ có một thôi từ ngàn xưa: là tu. Là sống đúng như lời mình nói, đúng như lời Đức Phật dạy. Là nói ít ít. Để tu nhiều nhiều. Như vậy thì chẳng sợ ai. Như chén nước mắm. Như chiếc áo dài. Muôn đời của dân tộc. C.H.T
(nguồn: TCSH số 213 - 11 - 2006)
|