Nghiên Cứu & Bình Luận
Hình ảnh trái tim trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
10:24 | 09/01/2009
PHẠM THỊ THÚY VINHThơ Lâm Thị Mỹ Dạ rất giàu hình ảnh. Thế giới hình ảnh trong thơ chị vừa đậm sắc màu hiện thực, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống vừa mang tính biểu tượng cao. Điều đó đã thể hiện tài năng và sự khéo léo của nhà thơ, nhằm làm cho những bài thơ của mình không chỉ dừng lại ở những lời thuyết lí khô khan, trừu tượng. Thế giời hình ảnh bao giờ cũng gợi ra trong trí tưởng tượng của người đọc nhiều liên tưởng bất ngờ và thú vị, làm cho lời thơ thêm mượt mà, trong sáng.
Hình ảnh trái tim trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Đọc lại những bài thơ của Mỹ Dạ, có thể thấy, một số hình ảnh đời thường xuất hiện nhiều trong thơ như một nỗi ám ảnh, trở thành biểu tượng nghệ thuật như:  giấc mơ, trái tim, biển cả… Nhưng có lẽ không ở đâu hình ảnh trái tim được nhắc nhiều như trong thơ chị. Nữ thi sĩ này có tới 44 bài thơ với 82 lần nhắc đến hình ảnh trái tim (Trái tim sinh nở, Trái tim buốt nhức, Nói với trái tim, Khoảng thời gian xanh biếc, Tặng nỗi buồn riêng…). Đó vừa là trái tim của một cái tôi trữ tình “Hạnh phúc thì mỏng đớn đau thì dày”, vừa là trái tim của nhiều đối tượng trữ tình khác nhau: trái tim của một người mẹ, trái tim của một người bạn, trái tim của một người đồng chí, trái tim của những người lính Mỹ và cả trái tim của những người mẹ Mỹ có con hi sinh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đó còn là trái tim của mùa xuân, trái tim của đất nước…

Trong nếp nghĩ quen thuộc của mọi người, hình ảnh trái tim luôn là tiếng nói thổn thức của tình yêu với mọi sắc thái của nó. Biểu tượng trái tim dành cho tình yêu đã có từ thời tiền sử và được nhìn thấy trong các bức hoạ hang động thời kỳ đồ đá ở Tây Ban Nha, hay trong các quân bài ở châu Âu vào thế kỷ XV. Hình ảnh trái tim cũng đã từng xuất hiện nhiều trong thơ ca Việt hiện đại. Nữ thi sĩ  Xuân Quỳnh khi bộc lộ tình yêu thiết tha và mãnh liệt với người mình yêu cũng đã từng đưa hình ảnh trái tim mình ra để thề nguyền:
Em  trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
                                                (Tự hát)
Hay:
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào đập chẳng vì anh
                                                (Chỉ có sóng và em)

Nhưng trong thơ Mỹ Dạ, hình ảnh trái tim còn mang một ý nghĩa khác. Nó là một hình ảnh hoán dụ tượng trưng cho số phận, cuộc đời không bình yên của cái tôi trữ tình. Trái tim thấm đẫm nỗi đau nhân tình của Lâm Thị Mỹ Dạ được biểu hiện qua những trạng huống cảm xúc phức tạp:
Ôi trái tim
 Sao em lại mang dáng lưỡi cày
 Để suốt đời không bao giờ yên ổn
 Để suốt
đời cày lên
 Đớn đau và hạnh phúc

                                     (Nói với trái tim).
Bài thơ như một lời dự báo cho cuộc đời không mấy bình yên của chị. Là một người phụ nữ làm thơ đa mang và đa cảm, trái tim đời và trái tim thơ của chị luôn đập lên những nhịp đập thổn thức, bồi hồi và cả nhói đau. Trong thơ Mỹ Dạ, hình ảnh trái tim thường gắn liền với số phận người phụ nữ đa đoan, bất hạnh. Dù là trái tim của đối tượng trữ tình hay trái tim của cái tôi trữ tình thì đó đều là những trái tim biết lắng nghe nhịp thở của đất, biết đón nhận những vang động của đời và biết vượt lên chính mình để trẻ mãi với thời gian và tuổi tác. Hãy lắng nghe Mỹ Dạ nói về trái tim người mẹ:
Trái tim mẹ tưởng héo rồi lại tươi
 hay trái tim của chính mình:
Cô đơn thành thói quen mẹ biết gì đau khổ
Bao  vết thương trái tim sẹo chai lì
                                                 (Viết về câu trả lời của con)
Dẫu không mấy bình yên và thường chịu nhiều cay đắng, nhưng có những lúc trái tim ấy vẫn rung lên những nhịp đập thổn thức, bồi hồi trước tình yêu đôi lứa:
Trái tim có mấy phần buồn?
Mấy phần vui sướng?nhớ thương mấy phần?
Phần yêu em gửi cho anh
Còn phần hi vọng em dành cho con
                                                        (Trái tim sinh nở)
Câu thơ của Mỹ Dạ gợi nhắc người đọc nhớ đến những lời thơ cũng viết về hình ảnh trái tim mình của nhà thơ Tố Hữu:
Quả tim anh chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu

Vẫn là hình ảnh trái tim đấy thôi nhưng trái tim của mỗi thi nhân lại mang những sắc thái tình cảm khác nhau. Tố Hữu có cái phần quyết liệt, dứt khoát, thẳng thắn của đàn ông, nhưng trong trái tim của một người làm cách mạng cũng không chỉ có lí tưởng. Trái tim ấy còn ngân lên những nhịp đập cho tình yêu và cho cả thơ ca. Còn Mỹ Dạ có cái phần dịu dàng, nữ tính, có chiều sâu và đầy suy tư, trăn trở nhưng lại rất chân thành, tha thiết.
Điều đáng trân trọng là qua bao nhiêu cô đơn và đớn đau, người thơ ấy vẫn giữ lại cho mình một trái tim dịu dàng, trong suốt và vô cùng nhân hậu. Chị đã ôm hết yêu thương vào lòng mình mà vẫn thấy chưa đủ, chưa đầy:
Trái tim tôi nặng đầy
Yêu thương còn chưa hết
 
                                    (Ngước nhìn trời cao)
Chính vì thế, cái tôi trong thơ Mỹ Dạ chưa bao giờ lên tiếng ruồng rẫy, chối bỏ chính tâm hồn mình với mong muốn kiếm tìm một lối thoát bình yên. Cái tôi ấy, ngược lại, tỏ ra rất trân trọng, yêu thương và chấp nhận:
Nhưng nếu được sống một nghìn cuộc đời
Với một trái tim như thế
Buốt nhức vì giận hờn
vì yêu
vì nhớ
Thì tôi chẳng bao giờ đổi
Trái tim buốt nhức này
                              để lấy một trái tim bình yên khác
                                                                 (Trái tim buốt nhức)
 Ý thức rất rõ điều đó nên chị đã nói với trái tim mình:
Trái tim đừng lúc nào tĩnh vật
Mà thiết tha đời như ngọn cây
                                                  (Đêm như ngân)

Không chỉ yêu đời, Mỹ Dạ còn mang trong lòng mình một trái tim tha thiết yêu người, tình yêu thương con người của chị không chỉ thể hiện qua tiếng nói của trái tim mình, mà hơn thế nữa, trái tim nhân hậu của chị đã soi chiếu và nhìn thấu cả bao nhiêu trái tim khác: từ trái tim “sâu thẳm”của một người nghệ sỹ: “Nhớ người nhạc sỹ đã xa/ Trái tim anh sâu thẳm thế” (Nhớ Xêđôi với ca khúc “Chiều Matxcơva”) đến trái tim “kiên tâm” của người thợ tàu: “Họ lặng thầm thách thức thời gian/ Bằng chính trái tim kiên tâm người thợ” (Con tàu vét), trái tim “quen chờ đợi” của người lính Việt: “Tôi mang trong lòng làng quê có bóng em/ Và trái tim quen chờ đợi” (Anh thương binh kể chuyện). Còn đây là hình ảnh trái tim người lính Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt : “Xin hãy giở dưới lần da chó sói/ Trái tim nai thắm đỏ thơ ngây” (Khuôn mặt ẩn kín)…

Thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia đó là điều thường trực trong trái tim Mỹ Dạ. Mỹ Dạ không chỉ nhìn con người bằng cái vẻ hào nhoáng bên ngoài mà chị thường chú ý đến thế giới nội tâm, tâm hồn của họ với mong muốn thấu hiểu đến tận cùng những nhịp đập của trái tim người. Đó cũng chính là lí do tạo nên đặc trưng tư duy hướng nội trong thơ chị.

Mượn hình ảnh trái tim để nói lên nỗi lòng mình là một điều mà nhiều nhà thơ đã từng làm, song ít người biết khai thác nó đến cùng như Mỹ Dạ. Mọi buồn vui, đau khổ đều được chị gửi gắm qua hình ảnh trái tim. Nỗi đau đời và yêu đời cũng được đánh thức từ trái tim ấy. Đó là một trái tim luôn mang trong mình những nhịp đập cho mình, cho người và cả cho đời. Hình ảnh trái tim quả đã làm cho thơ Mỹ Dạ trở nên hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn và nhân ái hơn. Để có được những hình ảnh về trái tim ấy trong thơ, chị đã phải đánh đổi cả một trái tim nhân hậu ở ngoài đời. Trong cuộc sống ngày càng xô bồ, bon chen và lắm mưu sinh, thì những vần thơ viết về trái tim của Mỹ Dạ như một lời đánh thức con người cần trở về với những giá trị đích thực của tâm hồn để lắng nghe tiếng lòng mình và tiếng đời đi trong từng tế bào sinh nở. Sự nhạy cảm của con người là điều không thể thiếu trong bất cứ hoàn cảnh sống nào. Có như vậy thì người với người mới ngày càng xích lại gần nhau hơn.  
P.T.T.V

(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng