Nghiên Cứu & Bình Luận
Giáo sư Lê Huy Bắc – Người đi tìm “Cột đèn giữa những ngã tư”
14:24 | 19/11/2013

YẾN THANH

Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhìn nhận những cống hiến của GS.TS Lê Huy Bắc trên lĩnh vực khoa học, đây là những thành tựu mà theo chúng tôi, vừa có tính lan tỏa, lại vừa có tính bền vững. Bởi vì, có thể nhiều học viên, nhà nghiên cứu dù không trực tiếp được nhà khoa học giảng dạy, hướng dẫn, nhưng từ những công trình, bài báo khoa học, vẫn được kế thừa và chịu sự tác động từ người thầy đó. 

Giáo sư Lê Huy Bắc – Người đi tìm “Cột đèn giữa những ngã tư”
Gs Lê Huy Bắc

“Xin hãy cứ làm thầy của những người thầy trẻ tuổi. Xin hãy khuyên bảo chúng con (...) chừng nào còn sống, con sẽ còn cần đến thầy. Con cần đến điều đó hơn bao giờ hết, giờ đây khi những chức năng làm người của con đã bắt đầu.” [Émile hay là về giáo dục, Jean-Jacques Rousseau, Nxb Tri thức, trang 689]

Trong đợt phong danh hiệu học hàm ngành giáo dục lần này tại Quốc Tử giám, nhà giáo Lê Huy Bắc vinh dự là một trong những giáo sư khá hiếm hoi của ngành khoa học xã hội, đặc biệt, ông nhận học hàm giáo sư khi mới 45 tuổi. Theo GS.TS Lê Chí Quế, thành viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước - chủ tịch Hội đồng giáo sư Ngành, trong năm nay, ngành khoa học xã hội có 3 giáo sư được phong, văn hóa nghệ thuật có 1 giáo sư, ứng viên Lê Huy Bắc đạt phiếu rất cao trong cả ba vòng bỏ phiếu. Ở độ tuổi 45, Lê Huy Bắc là giáo sư trẻ nhất trừ trước đến nay của ngành khoa học xã hội.

GS.TS Lê Huy Bắc sinh năm 1968, quê ở Quảng Trị, từng là Phó giáo sư ngành khoa học xã hội trẻ nhất Việt Nam vào lúc đó, khi ông 36 tuổi. Nhìn nhận lại những cống hiến và thành tích của giáo sư Lê Huy Bắc, trước tiên chúng ta cần ghi nhận ông là một nhà sư phạm mẫu mực, có nhiều cống hiến và quá trình gắn bó lâu dài với sự nghiệp đào tạo con người, nhất là đào tạo giáo viên, giảng viên tương lai.

Trong suốt sự nghiệp giảng dạy, giáo sư Lê Huy Bắc công tác tại hai trường sư phạm lớn và uy tín bậc nhất Việt Nam, đó là Đại học Sư phạm Huế (1991–1997) và Đại học Sư phạm Hà Nội (từ 1998 đến nay). Ngoài ra, ông còn là giảng viên thỉnh giảng ở hàng chục cơ sở đào tạo khác như Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Huế, Đại học Vinh,… với cả ba bậc đào tạo: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, với 4 chuyên đề đại học và 5 chuyên đề sau đại học, 5 giáo trình đại học, hướng dẫn khoa học cho hơn 50 học viên cao học và 11 nghiên cứu sinh...

Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhìn nhận những cống hiến của GS.TS Lê Huy Bắc trên lĩnh vực khoa học, đây là những thành tựu mà theo chúng tôi, vừa có tính lan tỏa, lại vừa có tính bền vững. Bởi vì, có thể nhiều học viên, nhà nghiên cứu dù không trực tiếp được nhà khoa học giảng dạy, hướng dẫn, nhưng từ những công trình, bài báo khoa học, vẫn được kế thừa và chịu sự tác động từ người thầy đó. Cho đến nay, GS.TS Lê Huy Bắc đã có hơn 100 cuốn sách xuất bản (viết riêng, viết chung, dịch thuật, chủ biên) và trên 100 bài báo khoa học (4 bài báo in ở nước ngoài). Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến 6 chuyên luận viết riêng. Trong các công trình ấy, có thể quy thành ba chủ đề nghiên cứu cơ bản: Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học; Lịch sử văn học Anh – Mỹ; Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và văn học Mỹ Latin.

Mỗi nhà khoa học hàng đầu cần có một đóng góp riêng, có tính “điểm” nhất, hoặc tạo ra sự thay đổi bước ngoặt trong ngành khoa học mà mình nghiên cứu. Theo GS.TS Lê Chí Quế, “Lê Huy Bắc là người được đào tạo trong nước, nhưng lại nghiên cứu văn học nước ngoài và lí thuyết phương Tây, điều đó đòi hỏi ở anh sự khổ công, nỗ lực, vừa học ngoại ngữ lại vừa nỗ lực đọc nhiều sách nước ngoài. Bản dịch Ông già và biển cả của Lê Huy Bắc đã được chọn dạy trong nhà trường, chứng tỏ chất lượng của bản dịch. Đợt phong học hàm giáo sư năm nay, với 6 chuyên khảo, 5 giáo trình, có thể nói chưa có ứng cử viên nào có số lượng sách nhiều và chất lượng tốt như vậy”.

Trong ngành ngữ văn học, GS.TS Lê Huy Bắc đã nỗ lực qua những công trình nghiên cứu của mình nhằm góp phần cùng những nhà khoa học ngữ văn hàng đầu khác, nhằm dịch chuyển hệ hình nghiên cứu văn học từ tiền hiện đại, hiện đại sang hậu hiện đại. Có thể nói, trong số các nhà khoa học Việt Nam, GS.TS Lê Huy Bắc là một trong những người đầu tiên, có nhiều thành tựu và cũng là người quyết liệt, tự tin bậc nhất trong việc giới thiệu lý thuyết hậu hiện đại ở Việt Nam, cũng như khẳng định sự tồn tại tất yếu và chứng minh tính bản sắc dân tộc của văn học hậu hiện đại Việt Nam. Còn nhớ, hai cuốn sách chuyên khảo đầu tiên về hậu hiện đại được xuất bản ở nước ta là (1). Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lí thuyết (Nxb Hội nhà văn, 2003), và (2). Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới (Nxb Hội nhà văn, 2003) thì trong cuốn đầu tiên GS.TS Lê Huy Bắc đã công bố bài nghiên cứu đầu tiên của ông về hậu hiện đại, từng được in trên tạp chí Văn học một năm trước đó (2002) là “Truyện ngắn hậu hiện đại”, còn cuốn sách thứ hai (tuyển tập truyện ngắn hậu hiện đại) thì ông là người biên soạn, dịch thuật và tuyển chọn. Ngoài ra, GS.TS Lê Huy Bắc còn là người thứ hai xuất bản một chuyên luận về hậu hiện đại ở Việt Nam, với tựa đề Văn học hậu hiện đại – lí thuyết và tiếp nhận, sau cuốn Lí thuyết văn học hậu hiện đại của GS.TSKH. Phương Lựu (2011). Trong các kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia được in thành sách về văn học hậu hiện đại ở nước ta cho đến nay, đều không thể thiếu bài viết của GS.TS Lê Huy Bắc, mà tiêu biểu là hai cuốn Văn học hậu hiện đại – lí thuyết và thực tiễn (Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2013) do Lê Huy Bắc chủ biên (cùng Lê Nguyên Cẩn và Đỗ Hải Phong), và Văn học hậu hiện đại – diễn giải và tiếp nhận (Nxb Văn học, 2013) do Hồ Thế Hà chủ biên (cùng Nguyễn Thành, Nguyễn Hồng Dũng). Gần đây nhất, GS.TS Lê Huy Bắc tiếp tục chủ biên cuốn Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam (Nxb Tri thức, 2013), cùng vài chục bài báo khoa học công bố trong và ngoài nước, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh nghiên cứu về hậu hiện đại. Như vậy, xét theo số lượng công trình, bài viết, GS.TS Lê Huy Bắc là người có cống hiến bậc nhất cho việc giới thiệu, ứng dụng và phổ biến lý thuyết hậu hiện đại trong nghiên cứu văn học Việt Nam.

Tổng quan lại những luận điểm của ông trong các công trình, bài viết, bỏ qua những chỗ trùng lặp, những ý kiến mà bản thân ông sau này tự phủ định, bác bỏ, chúng ta có thể thấy những cống hiến như sau:

Thứ nhất, GS.TS Lê Huy Bắc đã xác định được các cách hiểu về hậu hiện đại, các tính chất mỹ học hậu hiện đại (dựa trên việc giới thiệu bảng phân biệt của I.Hassan), lịch sử tiếp nhận hậu hiện đại ở Việt Nam, các mốc phát triển của lý thuyết hậu hiện đại nói chung và các mốc xác định trong từng thể loại về sự chuyển hướng theo hậu hiện đại (thơ kể từ thơ Đa đa, kịch là Kịch phi lý (thập niên 1950), văn xuôi từ thập niên 1960 trở đi, mà tiêu biểu là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo [Xin xem thêm hai tiểu luận “Khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại” in trong Văn học hậu hiện đại – diễn giải và tiếp nhận và “Truyện ngắn hậu hiện đại” in trong Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lí thuyết].

Thứ hai, GS.TS Lê Huy Bắc đã xác định bản thể tư tưởng hậu hiện đại là triết học ngôn ngữ, mà cụ thể hơn là lý thuyết trò chơi ngôn ngữ của L.Wittgentein cho đến F.Lyotard, J.Kristeva mà đặc biệt là J.Derrida [Xin xem thêm “Lí thuyết phê bình hậu hiện đại như một siêu ngữ”, “Từ ngôn ngữ đến trò chơi ngôn ngữ hậu hiện đại”].

Thứ ba, GS.TS Lê Huy Bắc là người tích cực áp dụng lí thuyết hậu hiện đại vào phê bình các tác phẩm văn học và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc thông hiểu văn học thế giới. Các tiểu luận của ông nghiên cứu về Paul Auster, Don Dellilo, Ken Kesey, G.G.Márquez, J.L.Borges… đã mở ra những cách tiếp cận mới với văn chương nhân loại đương đại.

Thứ tư, GS.TS Lê Huy Bắc còn nỗ lực đi tìm chỗ đứng cho văn chương hậu hiện đại Việt Nam, cũng như bản sắc dân tộc của trào lưu văn học này ở nước ta. Thông qua các chương nghiên cứu về Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Bảo Ninh… trong Văn học hậu hiện đại – lí thuyết và tiếp nhận, GS.TS Lê Huy Bắc đã tìm ra các đặc trưng tâm thức và thủ pháp hậu hiện đại trong văn chương Việt như nhại, hỗn độn, đa trị, tiểu tự sự… cũng như xác định các mốc hậu hiện đại trong văn chương Việt Nam, thơ từ Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm… văn xuôi từ Nguyễn Khải, kịch từ Lưu Quang Vũ...

Tóm lại, giữa vô vàn những lựa chọn học thuật có tính “an toàn”, “bằng phẳng” hơn cho sự nghiệp, GS.TS Lê Huy Bắc đã chọn lấy “cột đèn” hậu hiện đại đầy gian truân, nghi ngờ và cả những phản đối của không ít người. Nhưng cũng vì cách lựa chọn dũng cảm ấy giữa những ngã tư, nên tính độc sáng của ông trong nghiên cứu lại được thừa nhận rộng rãi.

Mảng nghiên cứu thứ hai đáng chú ý của GS.TS Lê Huy Bắc đó là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và văn học Mỹ Latin. Đây là mảng ở Việt Nam có thể nói không có nhiều chuyên gia, dù văn học Mỹ Latin và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là bộ phận được dịch, giới thiệu và được đón đọc bậc nhất trên văn đàn. Sau sự ra đi vĩnh viễn của chuyên gia số một về mảng này là Nguyễn Trung Đức, có thể nói Lê Huy Bắc là nhà nghiên cứu đáng kể nhất, hiếm hoi còn đam mê với đối tượng này. Chuyên luận Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo & Gabriel García Márquez (Nxb Giáo dục, 2009) cùng chuyên luận Nghệ thuật Franz Kafka (Nxb Giáo dục, 2006) – hai chuyên luận đầu tiên và duy nhất cho đến nay về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, đã làm rõ nhiều đặc trưng nghệ thuật và quan điểm thẩm mỹ quan trọng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo nói chung và văn học Mỹ Latin nói riêng (chuyên luận về Márquez).

Cống hiến quan trọng của GS.TS Lê Huy Bắc không chỉ là việc phác thảo tiến trình phát triển của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, mà ông còn làm rõ sự phân biệt về mặt mỹ học các giai đoạn của “kiểu sáng tác huyễn ảo” nói chung, bao gồm cái huyễn tưởng (mythical); cái kì ảo (fantastic) và cái huyền ảo (magical), tương ứng với ba giai đoạn tiền hiện đại – hiện đại và hậu hiện đại. Trong đó, cái huyễn tưởng mang thái độ không sợ hãi, cái kì ảo mang thái độ sợ hãi và cái huyền ảo vừa sợ lại vừa không sợ, mang tính giễu nhại. Với cách phân kỳ này, Lê Huy Bắc đã tạo cơ sở lí thuyết cho nghiên cứu văn học huyễn ảo nói chung và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (Magic realism) nói riêng, trên phương diện phân biệt các hệ hình, phân định vị trí của các tác gia, cũng như cung cấp chìa khóa lí thuyết nhằm cắt nghĩa yếu tố huyễn ảo trong từng tác phẩm cụ thể. Nhiều tác gia chủ nghĩa hiện thực huyền ảo như F.Kafka, G.Grass, J.Borges, T.Morrison, I.Calvino, A.Carpentier… mà đặc biệt là G.G.Márquez đã được GS.TS Lê Huy Bắc quan tâm nghiên cứu trong hai chuyên luận nói trên cùng hệ thống bài tiểu luận khoa học đồ sộ đã đăng tải trên các tạp chí khoa học.

Trong khoa học, có những mảng nghiên cứu hết sức “cô đơn”, bởi trước hết do sự mới lạ của đối tượng, nhưng đồng thời cũng có thể vì việc ứng dụng và phổ biến còn nhiều giới hạn. Nhưng thái độ chấp nhận sự “cô đơn” trong khoa học là cần thiết, giữa những ngã tư và những cột đèn, vẫn rất cần có những người đi về những góc tối, nơi thế giới của giấc mơ, của những bóng ma, của những phép màu huyền ảo… Sự dũng cảm ấy không đáng ghi nhận sao?

Mảng nghiên cứu lớn thứ ba của GS.TS Lê Huy Bắc là về văn học Anh – Mỹ, trong lĩnh vực này ông cũng là chuyên gia hàng đầu với nhiều công trình đáng chú ý, mà đặc biệt cần nhắc đến là Đặc trưng truyện ngắn Anh-Mỹ (Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội), Văn học Mĩ (Nxb Đại học Sư phạm), Văn học Âu-Mỹ thế kỷ XX (Nxb Đại học Sư phạm, chủ biên)… mà đặc biệt là Lịch sử văn học Hoa Kỳ (Nxb Giáo dục, 2010). Có thể nói, cho đến nay, ngoài PGS.TS Lê Đình Cúc, thì GS.TS Lê Huy Bắc là chuyên gia số một về văn học Hoa Kỳ. Công trình Lịch sử văn học Hoa Kỳ của ông xứng đáng là tư liệu lịch sử văn học lớn nhất, công phu và toàn diện nhất về nền văn học lớn bậc nhất thế giới trong thế kỷ XX ở nước ta. Với gần 1000 trang khổ lớn, công trình của tác giả Lê Huy Bắc đã phác họa lại chi tiết và khái quát nền văn học Hoa Kỳ từ 1607 cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, bao quát cả thực tiễn sáng tạo lẫn sự vận động và phát triển của lí luận phê bình. Ngoài ra, chân dung và sự nghiệp sáng tạo của 30 tác giả lớn nhất của văn học Hoa Kỳ cũng đã được khảo cứu kĩ lưỡng trong công trình này. Tất nhiên là có sự kế thừa của những người đi trước, những tài liệu nghiên cứu của nước ngoài, nhưng GS.TS Lê Huy Bắc đã chứng tỏ mình là chuyên gia lịch sử văn học uyên bác, có tầm bao phủ rộng trên nhiều nền văn học dân tộc khác nhau. Lựa chọn “cột đèn” văn học Hoa Kỳ để nghiên cứu cách đây hơn 20 năm, với GS.TS Lê Huy Bắc đó là một dấn thân học thuật không dễ dàng gì, bởi nó trượt ra khỏi quán tính nghiên cứu văn học Nga, Trung Hoa, Pháp, Ấn Độ, Hy Lạp… - những nền văn học được nghiên cứu một cách truyền thống trong bộ môn lịch sử văn học nước ngoài ở nước ta. Người đi đầu bao giờ cũng là kẻ chấp nhận mở đường, chấp nhận xây xát và cả những giới hạn. Trong nhiều lúc, ở nhiều nơi, GS.TS Lê Huy Bắc đều lựa chọn đi vào những con đường mới trên những ngã tư thiếu đèn.

Nhiều thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong những năm qua vẫn nhớ về một người thầy trẻ, luôn thường trực nụ cười chân thành, sảng khoái trên môi cả ở trên giảng đường, ngoài đời thường hay ở bục bảo vệ. Có thể nói, dù mới ở tuổi 45, nhưng GS.TS Lê Huy Bắc đã đạt được những thành tích nghiên cứu rất đáng ghi nhận, tôn vinh, và trên hết, là sự quý mến, gần gũi của đa số học trò trên cả nước, sự lan tỏa tri thức và sự hấp dẫn của những vấn đề mà ông nghiên cứu đối với giới khoa học trẻ. Đó có lẽ là tài sản quý báu nhất của mọi người thầy. GS.TS Lê Chí Quế cũng tâm sự rằng, học hàm giáo sư sẽ là một ghi nhận xứng đáng với bản thân Lê Huy Bắc. Hi vọng rằng sau khi nhận được chức danh cao quý trên, Lê Huy Bắc sẽ còn phấn đấu tích cực hơn, kết tinh tri thức hơn, thận trọng hơn cũng như giữ được nhiệt huyết và sáng tạo làm việc như thời gian qua.

Năm 1966, Trần Dần hoàn thành cuốn tiểu thuyết có tính “hậu hiện đại” đầu tiên ở Việt Nam với tựa đề Những ngã tư và những cột đèn. 44 năm sau cuốn tiểu thuyết ấy được xuất bản, được trao giải, và như thế, được thừa nhận. Ngày nay, với thành tựu của đổi mới, với sự trổi dậy vượt bậc của dân tộc trên nhiều lĩnh vực, những người nghiên cứu “trẻ”, dám dũng cảm đi về phía những cái mới và không ngừng tiếp xúc với thế giới đã được ghi nhận, tôn vinh kịp thời hơn, chính xác và công bằng hơn.

Chúng tôi xin chúc GS.TS Lê Huy Bắc sẽ luôn tìm thấy những cột đèn sáng sau những ngã tư.

 Y T

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lòng nhân từ (10/09/2013)