Nghiên Cứu & Bình Luận
Hát bội
08:38 | 10/02/2009
ĐẶNG TIẾNTừ điển Nghệ Thuật Hát Bội Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Lộc chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, ấn hành năm 1998, gồm non 700 trang khổ lớn 15x23cm, in đẹp, bìa cứng tổng hợp đầy đủ kiến thức về ngành ca kịch hát bội, còn gọi là hát bộ, hay tuồng, hay tuồng cổ.
Hát bội

Sách kiểm kê tên các tác gia, các vở tuồng, nhân vật, nghệ sĩ biểu diễn, các sách nghiên cứu, các tổ chức, đoàn, gánh hát bội và phân tích nghệ thuật, kỹ thuật hát bội, từ điệu hát, điệu múa đến áo mão hia râu. Danh mục có nhiều hình ảnh minh hoạ, là một tư liệu quý giá về nghệ thuật và lịch sử sân khấu cổ truyền trên bình diện văn học, xã hội và dân tộc học.
Hát Bội, hay Tuồng cổ, là một nghệ thuật lâu đời, độc đáo và phong phú nhưng đang thất truyền. Giáo sư Nguyễn Lộc và một số đồng nghiệp muốn ghi lại những tri thức qua sách vở, tư liệu còn lại, và qua những nghiên cứu, phỏng vấn tại chỗ, tại Quảng Nam năm 1985 và tại Bình Định năm 1992, là hai cái nôi của Hát Bội. Các cuộc khảo sát này được chính quyền địa phương giúp đỡ và được cơ quan Toyota Foundation tài trợ trong 3 năm để hoàn tất dưới hình thức Tự điển.

Điều ghi nhận đầu tiên là tên sách. Nhóm biên soạn dùng từ Hát Bội thay cho chữ Tuồng là danh xưng chính thức thịnh hành từ miền Bắc từ 1957 và toàn quốc từ 1975. Từ điển Văn học của Hà Nội in năm 1983 không có từ Hát Bội mà chỉ có chữ Tuồng, mà đề mục Tuồng lại do chính giáo sư Nguyễn Lộc chấp bút. Và ông không một lần dùng chữ hát bội  có từ cuối thế kỷ XVIII theo Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tuỳ bút (chương Âm Nhạc)(1). Một chuyên gia về bộ môn này, ông Hoàng Châu Ký trong cuốn Sơ thảo lịch sử nghệ thuật Tuồng (1973), dày 200 trang chỉ một lần (tr. 55) “chú ý rằng Hát Bội là danh từ riêng chỉ nghệ thuật Tuồng. Ở Miền hiện nay nhân dân vẫn dùng như thế”(2). Cũng cần thêm rằng hát bội phát triển chủ yếu ở Đàng Trong, theo Huỳnh Lý: “Từ khi có cuộc phân tranh Bắc, ở miền Bắc tuy vua chúa có chơi tuồng nhưng không đặc biệt chăm sóc; chèo được diễn khắp nơi, tuồng chỉ sống ở triều đình và đô thị lớn và không được cải tiến nhiều”. “Ở miền Nam, không biết có phải vì Chúa Nguyễn cấm hay không, mà không có diễn Chèo. Trái lại, Tuồng được phát triển mạnh. Từ chúa Nguyễn trở về sau, lịch sử hát tuồng hay hát bội đã có tài liệu chính xác”(3). Nói khác đi, gọi Hát Bội chính danh là Hát Bội, giáo sư Nguyễn Lộc đã anh dũng trả của “xê da” cho “xê da”.

Trong chừng mực nào đó, Từ điển Hát Bội, thoát khỏi những quy ước thông thường của thể loại từ điển và đạt tới nhiều trang hào hứng, khiến người đọc có chút ít kỷ niệm về hát bội có thể sống lại được nghệ thuật này, dù cho nguồn say mê đã trở thành hoài niệm. Nghệ thuật hát bội, suốt hai thế kỷ vừa qua, đã thấm sâu vào tâm thức người dân nông thôn Trung Bộ và Nam Bộ, đã nhập vào lời ăn tiếng nói của dân gian. Những từ ngữ như: ta đây, nói tào, độn thổ, anh em họ Tạ, ngực đánh trống chầu, quýnh trống chiến, chạy như Tào Tháo (bị) rượt... là do ảnh hưởng Hát Bội. Từ điển Phương ngữ Nam Bộ (1994)(4) có ghi từ “uất trì” nghĩa là dốt nát là do tên Uất Trì Cung danh tướng thao lược trong Thuyết Đường không biết đọc. Những thành ngữ: ác như Đổng Trác, xấu như Chung Vô Diệm, nóng như Trương Phi... đến với dân gian qua sân khấu chứ không phải qua sách truyện, vốn hiếm hoi ở nông thôn... Miền Bắc dùng thành ngữ “truất ngựa truy phong” lấy từ truyện Kiều, thì miền Nam nói "hát bài Tẩu mã” lấy từ Hát Bội. Câu hát: “Đổng Kim Lân hồi còn nhỏ ... đi gánh cỏ nuôi mẹ già...”  lấy từ tuồng Sơn Hậu.

Bạn đọc thanh niên ngày nay, có nhiều trò tiêu khiển tân tiến và quốc tế, khó tưởng tượng được niềm vui cách đây nửa thế kỷ: “Chiều chiều đang đá banh, đang bơi lội, đang xem rao thuốc dán Sơn Đông, nghe tiếng trống, thanh la rao bảng hát bội cắc tùng xoà, xoà xoà lặp đi lặp lại, con nít thôi đá, bỏ bơi, không xem xiếc, chạy theo chiếc xe kéo tay hoặc những diễn viên vẽ mặt đeo râu, phục trang nhân vật hát bội đi xe đạp dể quảng cáo cho đêm diễn...” (5)
Từ điển Hát Bội
ngoài việc khôi phục lại một kỷ niệm và làm sống lại không khí sân khấu một thời, còn là một tư liệu văn học chính xác khi trích dẫn văn bản. Ví dụ nhóm biên soạn đã phân biệt tuồng Chinh Tây  thường được lưu diễn với vở Đường Chinh Tây, kịch bản còn lưu trữ tại Paris (tr.176). Hoặc phân biệt vở Trương Đồ Nhục của Nguyễn Hiển Dĩnh (1853-1926) với tuồng đồ Hồn Trương Ba da hàng thịt (vô danh) cùng một đề tài mà Lưu Quang Vũ sử dụng viết thành vở kịch nói hiện đại nổi tiếng, được lưu diễn nhiều nước, gần đây nhất là tại Mỹ (1998).

Nhóm biên soạn Từ điển Hát Bội có kiến thức chuyên và có khả năng phê phán và khái quát. Sau mỗi đề mục quan trọng như tuồng hát, nhân vật ... các tác giả đã đánh giá, nhanh gọn nhưng công bình và uyển chuyển. Ví dụ chê Chinh Đông là “câu chuyện dàn trải”, Chinh Tây là “dài đòng, rối rắm”. Và khen Ngũ hổ bình tây của Nguyễn Diêu “kết cấu chặt chẽ. Tác giả nhằm ca ngợi những tình cảm nhân bản nhất của con người như tình mẹ con, vợ chồng” (tr.398). Về nhân vật Địch Thanh, từ điển cũng nhận định xuất sắc: “Địch Thanh là tướng tài nhưng tài năng không giúp chàng chiến thắng mà tấm lòng thuỷ chung với bằng hữu, tướng sĩ và trong đạo vợ chồng, hiếu thảo với mẹ và trung nghĩa với vua đã giúp chàng làm nên sự nghiệp” (tr.128).  Ở đây, các tác giả  bấm đúng vào động mạch của Hát Bội, giải thích lý do đã đưa bộ môn sân khấu này vào lòng người: khán giả yêu thích Hát Bội vì những chi tiết đạo nghĩa nhân bản, chứ không phải vì nội dung nói chung là phong kiến và khuôn sáo.
Vua băng, nịnh tiếm, bà thứ lên chùa
Diệt nịnh, định đô, phò vua tức vị ...
Và ưu điểm lớn của Từ điển Hát Bội, ngoài tính cách chuyên môn, còn là một tác phẩm trọn nghĩa vẹn tình. Ví dụ những lời đằm thắm, 4 trang dài, dành cho Hội Khuyến lệ cổ ca thành lập tại Sài Gòn năm 1952 với các vị Đỗ Văn Rở (đốc phủ), Nguyễn Văn Quý... , thời “Pháp chiếm”.

Ngày nay mỗi khi nhắc đến Hội Khuyến lệ cổ ca, trong và ngoài giới hát bội, ai ai cũng đều nhất trí ca ngợi, tuy là một hội đoàn tư nhân, nhưng đã có công lớn trong việc góp phần gìn giữ  bản sắc dân tộc...” (tr.259). Sách báo trong nước xưa nay ít khi ca ngợi những đoàn thể “khác phe” như vậy. Từ điển, trong tinh thần đó, đã dành hơn một trang ưu ái cho nữ nghệ sĩ Trương Thị Dần, tài hoa nhưng tên tuổi ít người biết. (Tuy nhiên, đã có đề mục Trương Thị Dần thì nên thêm đề mục Nguyễn Diện, thường đóng chung với bà Dần, mà từ điển có nhắc tới ở mục Đoàn Tuồng Thuỳ Dương, tr. 160).

Dĩ nhiên, nói thiếu tên người nọ tên người  kia thì vô cùng. Làm từ điển ngôn ngữ, chỉ có việc đánh vần quốc ngữ abc, còn thiếu sót, nói chi đến việc làm từ điển nghệ thuật. Nói chung, thì nhóm biên soạn có phần lơ là với tuồng cổ miền Bắc. Có nhiều tên rạp hát lớn và nhỏ ở miền Trung, mà không có đề mục Quảng Lạc là rạp hát lớn ở Hà Nôị đã một thời cưu mang Tuồng cổ; hai chữ Quảng Lạc đã thành tính từ có nghĩa hát bội, phường chèo..  Dĩ nhiên là không có các rạp Sán Nhiên Đài hay Thắng Ý đã diễn tuồng Người Cá và Thiên Thai của Tản Đà (mà Khái Hưng có được xem và kể lại).  Những tác phẩm này không có trong từ điển, không hiểu vì kịch bản thất lạc hay vì nhóm biên soạn không xem như là Hát Bội. Có thể vì lý do này mà không có tên những vở tuồng đã diễn ở rạp Quảng Lạc năm 1920 như Ai giết người của Tô Giang hay Già kén kẹn hom của Phạm Ngọc Khôi, những tuồng “tân thời” về sau chuyển sang cải lương.

Nói rằng tuồng cổ không được phổ biến tại miền Bắc e không đúng, nhiều người còn nhớ bài thơ Mưa xuân (1936) của Nguyễn Bính kể chuyện “phường chèo làng Đặng”. Gọi là phường Chèo nhưng hát tuồng cổ “đóng Nhị độ mai” (bài Đêm cuối cùng, 1936).
Trong Tóc chị Hoài, 1943, Nguyễn Tuân có nhắc đến vở tuồng này:
Mai Kha ới hỡi Mai Kha
Rời nhau một bước nên xa mấy trùng...
Đi xem tuồng cổ, lúc họ bày cảnh Trùng Đài, có lúc cầm tay nhau khóc trên sân khấu. Hạnh Nguyên và Mai Sinh mỗi người đều đứng trên một cái ghế đẩu. Hôm nào anh thấy rạp tuồng ngoại ô quảng cáo diễn tuồng cổ về đoạn Nhị Độ Mai này, anh nhớ rủ tôi cùng đi với”(6).
Hồi ký của Song Kim còn ghi lại nhiều kỷ niệm lúc bà 12 tuổi, khoảng 1935: “Gánh tuồng cổ qua làng tôi, đóng lại, rồi diễn ngay ở đình làng... Khi tấm màn mở ra, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một thế giới kỳ diệu khác thường, với bao sắc màu tráng lệ...  Tiếng trống, tiếng thanh la vang lên, lôi cuốn những tốp người khắp hang cùng ngõ hẻm trong làng lũ lượt kéo tới. Chị bồng em, cháu gọi bà náo nức...”.(7)

Về sân khấu miền Nam, từ điển không có Vì nước quên nhà của Hồ Biểu Chánh, soạn chung với đốc phủ Bảy, đã công diễn và xuất bản ở Nam Bộ. Những tuồng này, dù không được phổ biến cũng nên ghi lại vì tính cách lịch sử và văn học. Lạ là không có cả Mạnh Lệ Quân, vừa là nhân vật vừa là kịch bản, phải diễn nhiều đêm và phổ biến từ Nam ra Bắc (tên nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có lẽ do tên một nhân vật trong tuồng tên Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Gia đình ông Tường họ Hoàng Hữu nổi tiếng ở Quảng Trị). Hai cha con La Thành La Thông nhân vật trong các vở La Thành Thọ Tiễn, La Thông Tảo Bắc không có ở đề mục, nhưng có rải rác trong sách. Về tuồng Thuyết Đường, gọi nhân vật “Thúc Bảo tự Tần Quỳnh” là nói ngược. Phải nói Tần Quỳnh tự Thúc Bảo. Do đó đề mục Thúc Bảo (nhân vật, tr. 539) không chính xác, phải xếp vào Tần Thúc Bảo.
Về vở Nguyễn Chúa phù Lê Hoàng (1927) của Nguyễn Thúc Khiêm, diễn nhiều đêm, đăng trên Nam Phong, tưởng cũng nên thêm phần tiểu sử tác giả chết trong ngục Sơn La mấy tháng trước 1945. Nguyễn Thúc Khiêm là tác giả khoảng 40 tác phẩm gồm có tuồng, chèo, cải lương và một thiên biên khảo. Hát Tuồng và hát Chèo trên hai vạn chữ(8).

Bên cạnh những thiếu sót khó tránh được, còn có những chi tiết dài dòng, không cần thiết. Ví dụ về Ngụy Khắc Đản thiếu năm sinh (1917) và thừa việc con trai “làm quan đến chức tri huyện” (!); ông là tác giả tuồng Kim Vân Kiều, in năm 1896 về sau nhà Khai Trí có tái bản tại Sài Gòn (1969). Mục Nguyễn Bá Nghi cũng dài dòng và thiếu năm sinh (1807).
Về các tác gia hiện đại, Hoàng Châu Ký chiếm 3 trang, ngang với Tống Phước Phổ, Nguyễn Hiển Dĩnh, gồm nhiều chi tiết vô bổ: như ông vào đảng năm nào, mấy lần làm huyện uỷ, chưa kể những lần làm chủ tịch huyện (!). Nhưng vẫn thiếu tác phẩm Tuồng Cổ trong đó ông sưu tầm giới thiệu hai vở Sơn hậu Tam Nữ Đồ Vương(9) là những văn bản ngày nay khó kiếm. Ngoài ra nên thêm: Hoàng Châu Ký còn là một nhà thơ, thậm chí bản chất là một nhà thơ; Ông rất tự hào về điều này và ... thỉnh thoảng cũng có nói ra(10). Thơ ông cụ hay và mới, như bài Trước giờ khai mạc (1950)(11). Cuối cùng, Từ điển Hát Bội nên có một chương dẫn nhập có tính cách khái quát và tổng hợp, nói qua về lịch và những đặc trưng, quy ước của hát bội, để hướng dẫn độc giả và khán giả.
Chúng tôi nêu lên một vài thiếu sót nhỏ nhặt, không tránh khỏi của Từ điển Hát Bội, những sơ sót do thiếu tư liệu hay do sự gạn lọc, ý thức và vô thức của trí nhớ, để chứng tỏ với Ban Biên tập là: những người xa đất nước vẫn đọc các anh cặn kẽ, và giới thiệu tâm huyết. Chứ không làm cái chuyện mà Nguyễn Tuân từng gọi là “ tào Bắc đẩu”.

Từ điển Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam “giáo đầu” bằng chữ Ái Châu nhân vật nữ trong Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa và kết thúc với yêu cá nhân vật trong Lý Phụng Đình: Nếu Từ điển không đề xuất thì chúng ta không biết đến hay không nhớ ra. Tra chữ “nam”, từ Nam Xuân đến Nam Ai có 13 điệu hát nam. Bên cạnh 11 điệu hát khách. Ngoài ra riêng chữ HÁT có 28 đầu vào. Tra chữ “kép”, ta biết có 21 loại kép, từ kép câu đến kép xanh. Từ đào ác đến đào võ, có 13 loại đào (nhưng vẫn sót đào thương!). Có 8 kiểu  mão, 8 kiểu râu, được minh hoạ bằng hình màu in rõ nét.
Từ “Trống-Mái” chiếm hơn hai trang, vì bắt nguồn từ quan niệm nhị nguyên về vũ trụ “trong nghệ thuật hát bội Trống Mái trở thành một trong những nguyên tắc cấu trúc của mọi hình thức nói lối cũng như các làn điệu có nhịp và không nhịp.. Một cấu trúc được hoàn chỉnh bao giờ cũng phải hội đủ cả hai yếu tố Trống Mái” (tr. 596); rồi các tác giả phân tích những câu, những vế, những phần Trống đối lập với Mái qua nhiều câu, điệu hát, khiến ta không khỏi liên tưởng đến lý thuyết ngữ học của Féc-đi-năng đơ-Xốt-Xuya (Ferdinand de Saussure) “một đơn vị cấu trúc ổn định, trọn vẹn hoàn chỉnh là một đề mục xuất sắc”.

Những tiết mục đề cập đến phong tục Hát Bội, thờ cúng thần linh, như hát án để tế cá voi đưa người đọc vào xã hội học và dân tộc học làm nghĩ đến những công trình Lê-vi-Strốt (Levi Strauss). Từ điển, ngoài giá trị kỹ thuật chuyên môn, đằng sau những ưu hoài và dư âm tình cảm, còn mở nhiều nẻo đường mới vào những khoa học hiện đại, đồng quy về nhiều hướng nghiên cứu nhân văn, nhất là dân tộc học đang hiện hành trên thế giới. Lý thú là các tác giả không cố tình, không làm dáng, “tân trang” trí  thức cho hợp thời trang hiện đại. Từ điển Hát Bội là một buổi “nói tuồng” không hoá trang.

Nhìn từ nước ngoài, chúng tôi mừng cho văn học trong nước có cuốn Từ điển Nghệ thuật Hát Bội Việt . Sách vui và bổ ích, nhẹ nhàng nhưng hàm súc, bình dị mà uyên bác. Đọc chơi cũng vui, đọc thiệt càng vui. Đọc xong xếp vào tủ sách không e phí chỗ và ngượng ngùng với khách đến chơi nhà, thuộc loại “bác đến chơi đây ta với ta”.
Paris , 20/4/2000
  Đ.T

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 



--------------------
(1) Phạm Đình Hổ, Vũ Trung tuỳ bút, Hà Nội,  Văn học, 1972, tr. 57.
(2) Hoàng Châu Ký, Sơ thảo lịch sử nghệ thuật Tuồng, Hà Nội, Văn hoá, 1973, tr. 55.
(3) Huỳnh Lý (nhóm Lê Quý Đôn) Lược thảo văn học Việt Nam, Hà Nội, Xây Dựng, 1957, tr. 89-90.
(4) Nguyễn Văn Ái, Từ điển Phương ngôn Nam Bộ, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1994, tr. 593.
(5) Trương Đình Quang, báo Đất Quảng số 113, tháng 5/1993, Đà Nẵng, tr. 78.
(6) Nguyễn Tuân, Tuyển tập I, NXB Văn học Hà Nội, 1981, tr. 243.
(7) Song Kim, Cuộc đời sân khấu của chúng tôi, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1983, tr. 9.
(8) Nguyễn Thúc Khiêm, Chí Sĩ, Nghệ sĩ, Hà Nội, Văn học, 1997, 780 trang.
(9) Hoàng Châu Ký, Tuồng Cổ, Hà Nội, Văn hoá, 1978.
(10) Hoàng Châu Ký, « Tôi làm thơ và tự đánh giá có bài
khá hơn một số thơ trên báo chí lúc bấy giờ”, báo Đất Quảng số 113 đã dẫn, tr. 13.
(11)  Dọc Trường Sơn, tập thơ nhiều tác giả, Hà Nội, NXB Văn Nghệ, 1957, tr. 49-51.

Các bài mới
Các bài đã đăng