Ông đề xuất một ngành khoa học mới mà ban đầu ông gọi là “vật lý học xã hội” và sau đó gọi là “xã hội học”. Ngày nay, người ta đã định nghĩa xã hội học là khoa học nghiên cứu về xã hội con người và về các sự việc xã hội(1); hay là khoa học nghiên cứu sự phát triển, cơ cấu và chức năng của xã hội con người(2). Nói cụ thể là xã hội học nghiên cứu sự tương tác giữa một bên là các cơ cấu và thể chế xã hội cũng như các vấn đề xã hội với một bên là sự phát triển của xã hội. Và trong số “các cơ cấu, thể chế và vấn đề xã hội” đó có văn học và nghệ thuật. Chính vì vậy mà trong ngành xã hội học có một bộ môn được gọi là “xã hội học nghệ thuật”, trong đó bao hàm cả một đối tượng là văn học.
Như thế, xã hội học văn học là lĩnh vực nằm trong ngành xã hội học nói chung, vậy tại sao những người làm lý luận văn học lại quan tâm đến xã hội học văn học và lại áp dụng phương pháp xã hội học để nghiên cứu văn học? Đó là vì trên thực tế, do có sự đa dạng lớn trong các phương pháp nghiên cứu và các phương thức tiếp cận lý luận, cho nên các nhà xã hội học thuộc một lĩnh vực riêng biệt thường có nhiều điểm chung với những người làm việc ở bộ môn đối tác với lĩnh vực đó hơn là với những nhà xã hội học làm việc ở các lĩnh vực riêng biệt khác trong ngành xã hội học. Chính vì vậy mà một nhà xã hội học văn học sẽ gần gũi, thậm chí là đồng nhất, với một nhà nghiên cứu văn học, hơn là với một đồng nghiệp của họ ở một lĩnh vực xã hội học khác, như lĩnh vực xã hội học về lao động chẳng hạn.
Nằm trong ngành xã hội học, bộ môn xã hội học văn học cũng nhanh chóng phát triển, và từ giữa thế kỷ XX nó trở thành một khoa học phổ biến trên thế giới. Nhiều nước đã thành lập các ban, các trung tâm nghiên cứu xã hội học văn học nằm trong các viện xã hội học hoặc trong các trường đại học. Đại hội VI của Hiệp hội Văn học So sánh Quốc tế họp tại Bordeaux (Pháp) năm 1970 đã lấy chủ đề là Văn học và xã hội, đánh dấu thái độ nhất trí quan tâm của giới nghiên cứu văn học trên thế giới đối với cách tiếp cập xã hội học văn học. Ở nước ta hiện nay, Viện Xã hội học có một phòng nghiên cứu về văn hoá: Phòng Văn hoá, trong đó văn học chưa được chú ý nhiều. Có thể nói ở nước ta, xã hội học văn học chưa có được những thành tựu đáng kể. Và nếu có, thì đó là kết quả của các chuyên gia nghiên cứu văn học nhiều hơn là của các nhà xã hội học chuyên nghiệp. Ở đây, tôi sẽ giới thiệu xã hội học văn học với tư cách là phương pháp áp dụng cho nghiên cứu văn học.
Nói đến xã hội học văn học, chúng ta phải kể tới đóng góp của nhà xã hội học người Pháp Robert Escarpit, giáo sư Đại học Bordeaux III (1910-?). Năm 1958, ông đã cho xuất bản một công trình được coi là tác phẩm giáo trình “kinh điển” của xã hội học văn học nhan đề: Xã hội học văn học, trong đó ông chia văn học ra làm ba bộ phận cơ bản: + sản xuất, + phân phối [phổ biến, truyền bá] và + tiêu thụ văn học. Tức là thuật ngữ “văn học” không còn chỉ đơn thuần có nghĩa là sản xuất ra tác phẩm văn học như trước đây người ta vẫn thường quan niệm, mà nó còn bao gồm cả hoạt động tiêu thụ văn học. Với Escarpit, quá trình văn học sẽ bao gồm các khâu: tác giả – tác phẩm – công chúng. Ở đây, Escarpit đã dùng các thuật ngữ mang tính chất xã hội hoá, theo đúng với tinh thần là việc viết văn đã trở thành một nghề trong xã hội: nghề viết văn [“le métier des lettres”]. Trong cuốn sách của ông, ông đã giới thiệu cái nghề này rất tường tận.
Tuy nhiên chúng tôi phải nói rằng, cuốn sách của ông chỉ là một cuốn cẩm nang đặc thù về công tác điều tra xã hội học đối với văn học với tư cách là một đối tượng xã hội học, chứ ông không đi sâu phân tích hiệu quả nghệ thuật của mối quan hệ tương tác giữa xã hội và văn học. Ông điều tra rất kỹ các yếu tố con người và xã hội của nhà văn như tuổi tác, nơi sinh, thành phần xã hội-nghề nghiệp; ông cũng khảo sát khâu phân phối văn học với các phương thức và thiết chế như nhà xuất bản, thư viện...; và ông phân tích chi tiết các thành phần “công chúng” trong khâu “tiêu thụ văn học”. Nhưng tất cả những cái đó chỉ dừng lại ở các sự việc mang tính chất gần như thuần tuý xã hội học, chúng không dẫn tới những kết luận về mặt giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của tác phẩm và hiện tượng văn học. Tức là khái niệm “xã hội học văn học” của Escarpit nặng về vế “xã hội học” và nhẹ về vế “văn học”. Ở đây ông chỉ đứng từ góc độ xã hội học để điều tra các sự việc văn học, chứ ông không đứng từ góc độ văn học để đánh giá văn học trong mối quan hệ với xã hội. Đọc nó, ta chỉ thấy chân dung của nhà xã hội học mà không thấy bóng dáng của văn học. Chính vì vậy mà qua cuốn sách của ông, chúng ta sẽ không rút ra được những bài học về mặt áp dụng phương pháp xã hội học cho nghiên cứu văn học. Cho nên theo tôi, cuốn sách của ông chỉ có giá trị là một cuốn sách nhập môn, đưa ra những đường hướng chung cho xã hội học văn học. Nó là một cuốn cẩm nang cho các nhà xã hội học chứ không phải cho các nhà nghiên cứu văn học. Dù sao đây cũng là một trong những cuốn sách đầu tiên đề cập một cách khá đầy đủ đến mọi khía cạnh của lĩnh vực xã hội học văn học.
Tuy nhiên không phải bất cứ một nhà xã hội học văn học nào cũng đi theo hướng nghiên cứu của Escarpit, mà trên thực tế trong ngành xã hội học văn học đã hình thành hai xu hướng khá rõ rệt: xu hướng thứ nhất tập trung chú ý vào sự tác động của xã hội đến văn học, xu hướng này ban đầu có vẻ như được nhiều người quan tâm hơn và có thể được gọi là xã hội học sáng tác; xu hướng thứ hai chú ý vào sự tác động của văn học đến xã hội, được gọi là xã hội học tiếp nhận. Về xã hội học tiếp nhận, tôi đã có dịp bàn đến nó(3), nay tôi xin đề cập riêng đến xu hướng thứ nhất mà ta có thể gọi là “phương pháp xã hội học sáng tác”.
Xu hướng xã hội học nghiên cứu sự tác động của xã hội đến sáng tác văn học là một xu hướng phổ biến và đã có nguồn gốc từ lâu. Xu hướng này ban đầu được thể hiện một phần trong những công trình không chuyên về xã hội học. Nhưng đến thế kỷ XX thì nó được thể hiện thành những công trình chuyên luận xã hội học văn học một cách triệt để. Ở đây, tôi xin giới thiệu một chuyên gia về xã hội học văn học đã có ý muốn xác lập những nguyên tắc lý thuyết cho lĩnh vực xã hội học sáng tác, đó là nhà xã hội học văn học người Pháp Lucien Goldmann (1913-1970).
Trong công trình Vì một xã hội học tiểu thuyết, (
Paris
, 1964), Goldmann, một học trò của G. Lukacs (Hungari), đã thiết lập những nguyên tắc phương pháp luận cho việc nghiên cứu xã hội học tiểu thuyết. Ông tuyên bố: “...vấn đề đầu tiên mà một khoa học xã hội học tiểu thuyết cần phải giải quyết là vấn đề về mối quan hệ giữa chính cái hình thức tiểu thuyết với cái cơ cấu [hay “cấu trúc”] của môi trường xã hội mà trong đó cái hình thức tiểu thuyết được phát triển, tức nó là vấn đề về tiểu thuyết như là một thể loại văn học và về cái xã hội hiện đại mang tính cá nhân chủ nghĩa”(4). Và cái xã hội mang tính cá nhân chủ nghĩa này, Goldmann cho rằng nó là “do nền sản xuất phục vụ thị trường sinh ra”; rằng “Có một sự giống nhau chặt chẽ giữa hình thức văn học của tiểu thuyết [...] so với mối quan hệ hàng ngày của con người với của cải nói chung, và mở rộng ra là mối quan hệ của con người với con người trong một xã hội sản xuất phục vụ thị trường”(5). Và, căn cứ vào quan niệm của Lukacs cho rằng hình thức của tiểu thuyết được đặc trưng hoá bởi sự tồn tại của một nhân vật chính được ông định nghĩa rất thích đáng là nhân vật có vấn đề, Goldmann đi đến chỗ quan niệm rằng “Tiểu thuyết là lịch sử một sự tìm kiếm mang tính biến thoái [...], một sự tìm kiếm các giá trị đích thực trong một thế giới cũng bị biến thoái nhưng ở một cấp độ cao hơn nhiều và theo một phương thức khác”(6). Goldmann cho rằng các giá trị đích thực là những giá trị đặc trưng cho mỗi cuốn tiểu thuyết và chúng khác nhau theo từng cuốn tiểu thuyết. Như vậy, giá trị đích thực là căn cứ để đánh giá sự biến thoái của nhân vật, và nhà nghiên cứu phải phân tích các giá trị đích thực ngoài đời để xác địch các giá trị đích thực trong một cuốn tiểu thuyết.
Theo Goldmann, trong xã hội, giá trị sử dụng của các đồ vật sẽ là giá trị đích thực; còn trong xã hội sản xuất phục vụ thị trường của chủ nghĩa tư bản, thì giá trị sử dụng bị biến thoái thành giá trị trao đổi. Đồng thời, trong cái xã hội có sự biến thoái từ giá trị sử dụng thành giá trị trao đổi ấy, vẫn còn một số cá nhân – là những người sáng tạo trong tất cả mọi lĩnh vực văn hoá-tinh thần – vẫn muốn tìm kiếm các giá trị sử dụng, và vì thế, họ bị gạt ra ngoài lề xã hội và trở thành những cá nhân có vấn đề. Và trên bình diện văn học, những cá nhân có vấn đề đó được thể hiện thành các nhân vật có vấn đề. Đó chính là cái lịch sử đồng đẳng của cơ cấu xã hội và cấu trúc tiểu thuyết mà đối với mỗi cuốn tiểu thuyết, nhà nghiên cứu xã hội học có nhiệm vụ phải tìm ra.
Từ quan niệm trên, Goldmann đi đến quan niệm về cái mà ông gọi là “Phương pháp cấu trúc phát sinh trong lịch sử văn học”. Ông đã trình bày một số nguyên tắc cơ bản của phương pháp cấu trúc phát sinh như sau: Phương pháp cấu trúc phát sinh xuất phát từ giả thiết cho rằng bất cứ một hành vi ứng xử nào của con người cũng là một nỗ lực muốn đưa ra một lời giải đáp có ý nghĩa đối với một tình huống riêng biệt, và chính qua đó nó có xu hướng muốn tạo ra sự cân bằng giữa chủ thể hành động với đối tượng nhận thức của nó, tức là thế giới quanh ta. Tuy nhiên xu hướng cân bằng này luôn mang một tính chất không bền và tạm thời, bởi vì bất cứ sự cân bằng nào cũng sẽ dẫn đến tình trạng trong đó thái độ ứng xử của con người sẽ làm biến đổi thế giới, và sự biến đổi thế giới sẽ làm cho thế cân bằng cũ trở nên không đáp ứng và sản sinh ra xu hướng cân bằng mới để rồi cuối cùng đến lượt nó, nó lại bị đào thải. Như thế, hiện thực con người diễn ra như một quá trình hai mặt: + giải kết cấu đối với các cơ cấu cũ và + kết cấu các cơ cấu mới để tạo ra thế cân bằng nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của các tầng lớp xã hội(7). Phương pháp nghiên cứu cái quá trình giải kết cấu và kết cấu này được Goldmann gọi là “phương pháp cấu trúc [hay cơ cấu] phát sinh”. Sau đó Goldmann lần lượt giải quyết những vấn đề mà phương pháp cấu trúc phát sinh gặp phải.
Thứ nhất là vấn đề chủ thể của tư tưởng và hành động. Ông cho rằng bất cứ cá nhân nào cũng phải nằm trong một tầng lớp xã hội nhất định. Do đó trong lĩnh vực văn hoá-văn học, người sáng tạo chỉ là người đại diện cho một tầng lớp xã hội, và tầng lớp xã hội, “xét đến cùng, mới chính là chủ thể thực sự của hành động sáng tác, thông qua người sáng tác”(8). Về điểm này, theo Goldmann, phương pháp cấu trúc phát sinh là một sự thay đổi hoàn toàn phương hướng nghiên cứu, bởi vì giả thiết cơ bản của nó là nó cho rằng tính chất tập thể của sự sáng tạo văn học được hình thành bởi một điều: cấu trúc của thế giới tác phẩm có tính chất đồng đẳng với cấu trúc tinh thần của một số tầng lớp xã hội, trong khi trên bình diện nội dung, tức là trên bình diện của sự sáng tạo ra những thế giới tưởng tượng nằm dưới sự chi phối của các cấu trúc đó, thì nhà văn có một sự tự do sáng tạo hoàn toàn(9).
Thứ hai là vấn đề “cắt lớp đối tượng”. Vấn đề này yêu cầu nhà xã hội học văn học khi nghiên cứu bằng phương pháp cấu trúc phát sinh sẽ phải phân định phạm vi cho các nhóm dữ liệu kinh nghiệm với tư cách là các thành tố làm nên các cấu trúc, các tổng thể tương đối, và sau đó phải đưa chúng vào trong các cấu trúc khác rộng lớn hơn nhưng phải cùng loại, và cứ tiếp tục như thế. Trong quá trình cắt lớp đối tượng này, khâu đoạn làm sáng tỏ một cấu trúc ý nghĩa của tác phẩm được Goldmann gọi là quá trình tìm hiểu tác phẩm; còn khâu đoạn đưa tác phẩm vào trong một cấu trúc [hay cơ cấu] rộng lớn hơn được ông gọi là quá trình lý giải đối với tác phẩm đó.
Cuối cùng Goldmann nói đến “chức năng của sự sáng tạo văn hoá trong đời sống của con người”. Về vấn đề này ông cho rằng sự sáng tạo văn hoá là để “bù đắp cho sự pha tạp và cho những sự thoả hiệp mà thực tế đã áp đặt cho các chủ thể con người, và nó tạo thuận lợi để cho họ hoà nhập vào thế giới thực tại, điều này có thể là cơ sở tâm lý học của sự thanh lọc [catharsis]. Ở đây, Goldmann đã kết hợp chiết trung chủ nghĩa Mác với tâm phân học Freud để xây dựng nên phương pháp cấu trúc phát sinh.
Như vậy ở Goldmann có sự kết hợp các phương pháp (mặc dù có phần chiết trung, máy móc) để phục vụ cho một công trình nghiên cứu xã hội học về văn học. Về cơ bản Goldmann vẫn là một nhà xã hội học văn học, bởi vì các nguyên tắc và mục đích phương pháp luận của ông vẫn là thuộc lĩnh vực xã hội học. Ông không bàn sâu về các nguyên tắc của chủ nghĩa cấu trúc, mà ông chỉ áp dụng phương pháp phân tích cấu trúc và tâm phân học để rút ra những kết luận về xã hội học, về cơ sở xã hội của cấu trúc tiểu thuyết. Thuật ngữ “cấu trúc” của ông đôi khi có thể được hiểu một cách rất phóng khoáng. Thậm chí cái phương pháp cấu trúc phát sinh của ông cũng có thể được gọi là phương pháp hệ thống. Bởi lẽ, những cái mà ông gọi là các cấu trúc/cơ cấu x• hội nhiều tầng cũng có thể được gọi là những hệ thống, và nếu thay thuật ngữ “cấu trúc” bằng thuật ngữ “hệ thống”, thì ta cũng có thể gọi phương pháp của Goldmann là “phương pháp hệ thống phát sinh”. Do đó trong trường hợp của Goldmann, nếu ta có tiếp thu những thành tựu phương pháp của ông thì ta có thể gọi phương pháp của ông là “phương pháp xã hội học hệ thống-cấu trúc/cơ cấu”. Vì thế, đối với Goldmann, tôi vẫn xếp ông vào phương pháp xã hội học chứ không xếp ông vào chủ nghĩa cấu trúc như có người đã làm.
Ở cuối công trình, Goldmann cũng đã nói đến “chức năng của sự sáng tạo văn hoá trong đời sống của con người”, đó là chức năng giống như kiểu “thanh lọc” [catharsis] của Aristote, nhưng ông chỉ coi đó là một giả thiết. Ông vẫn chưa đề cập kỹ lưỡng đến khâu tiếp nhận văn học. Do đó, xã hội học văn học của ông chủ yếu vẫn là xã hội học sáng tác. Tuy nhiên, về mặt bài học phương pháp thì cuốn sách của Goldmann có ích cho chúng ta hơn so với cuốn sách của Escarpit trong việc áp dụng phương pháp xã hội học vào nghiên cứu văn học.
Trước đây, ở thế kỷ XIX, có một nhà triết học và phê bình văn học người Pháp là Hippolyte Taine cũng đã phát triển một phương pháp nghiên cứu văn học mang tính nhân học-xã hội học. Taine cho rằng mọi nhà văn và tác phẩm đều chịu ảnh hưởng của ba yếu tố: chủng tộc, môi trường xã hội, thời đại lịch sử. Ông cho rằng các yếu tố tâm-sinh lý của nhà văn, các yếu tố về hoàn cảnh xã hội, về lịch sử thời đại, đều có một vai trò quyết định đến tính chất và giá trị của tác phẩm. Và để nghiên cứu các yếu tố đó, nhà nghiên cứu phải áp dụng các thành tựu của khoa học nhân văn – như sinh lý học, tâm lý học, nhân chủng học – và của xã hội học. Như vậy, có thể nói phương pháp nghiên cứu của Taine cũng là một mầm mống của phương pháp xã hội học hiện đại. Chỉ có điều ở ông có sự kết hợp nhiều lĩnh vực mà nếu phân tích rạch ròi theo cái nhìn ngày nay thì ta có thể còn nói đến một phương pháp sinh lý, phương pháp tâm lý và phương pháp lịch sử. Chính vì vậy mà có nhiều người đã xếp ông vào trường phái văn hoá-lịch sử. Dù sao, với quan điểm của ông về hoàn cảnh, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò mở đầu của ông đối với phương pháp xã hội học.
Ở Việt
, phương pháp xã hội học cũng đã được các nhà nghiên cứu văn học áp dụng từ lâu. Tuy nhiên nó thường được kết hợp với các phương pháp khác để giúp nhà nghiên cứu đánh giá toàn diện một đối tượng. Nhìn chung các nhà nghiên cứu của Việt
thường kết hợp nghiên cứu hoàn cảnh xã hội với nghiên cứu thân thế tiểu sử, con người, sự nghiệp của nhà văn để tìm hiểu tác phẩm. Có thể nói xuất phát điểm của cách làm này là hợp lý. Chỉ có điều nếu quá lệ thuộc vào các yếu tố thân thế nhà văn và hoàn cảnh xã hội thì đôi khi sẽ dẫn đến những kết luận khiên cưỡng. Trường hợp của Nguyễn Bách Khoa là một ví dụ.
Là người chịu ảnh hưởng của các lý thuyết khoa học phương Tây, như lý thuyết nhân học-xã hội học của H. Taine, lý thuyết của nhà tâm lý học người Thuỵ Sĩ thế kỷ XX J. Piaget, lý thuyết xã hội học-lịch sử của nhà lý luận chính trị người Nga G. V. Plekhanov, lý thuyết tâm phân học vô thức của nhà tâm phân học người áo cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX S. Freud, Nguyễn Bách Khoa cũng có thể được coi là một người đa phương pháp. Mặc dù tiếp thu phương pháp xã hội học của Taine trong việc đề cao vai trò của hoàn cảnh xã hội và thời đại lịch sử, nhưng Nguyễn Bách Khoa vẫn phê phán Taine là đã không chú ý đến tâm lý cá nhân của nhà văn. Và đó là điều mà Nguyễn Bách Khoa đã quan tâm. Ông tiếp thu các phương pháp tâm lý, và tiếp thu phương pháp xã hội học-lịch sử về đấu tranh giai cấp của Plekhanov, để bổ khuyết cho phương pháp của Taine. Nhưng ở ông, cái nổi bật nhất vẫn là phương pháp xã hội học-lịch sử.
Nguyễn Bách Khoa là người rất có ý thức về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu. Trong lời Tựa viết cho công trình Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, ông đã công khai tuyên bố rõ ràng các nguyên tắc mà có thể gọi là “nguyên tắc phương pháp luận” của ông như sau: “1.) Đời sống tinh thần của con người là sản phẩm của đời sống sinh lý và xã hội. 2.) Bản chất (cả sinh lý lẫn tâm lý) của con người luôn luôn biến đổi theo sự biến đổi của hoàn cảnh xã hội. 3.) Con người sau khi bị xã hội quyết định có thể ảnh hưởng trở lại đến xã hội, nhưng sức ảnh hưởng này cũng vẫn bị những điều kiện xã hội quyết định”(10). Sau đó ông cho rằng, theo các nguyên tắc trên, muốn hiểu một nhân vật lịch sử, chúng ta phải khảo sát các phương diện sau: “1.) Khảo xét [sát - NVD] kỹ hoàn cảnh xã hội [...] 2.) Khảo xét kỹ kiến trúc nguyện vọng, tâm lý, tư tưởng, xu hướng cùng vai trò lịch sử của đẳng cấp cá nhân ấy. 3.) Khảo xét xem những ảnh hưởng của cuộc xung đột đẳng cấp trong xã hội đã tác động đến cá nhân ra sao và đã chịu sức phản động của cá nhân ấy tới chừng nào.
Tóm lại: phải nghiên cứu tất cả cái hệ thống xã hội trong đó cá nhân kia, đứng ở phạm vi đẳng cấp của mình, đã bị hoàn cảnh quyết định và đã chiến đấu để phản động lại hoàn cảnh ấy”(11). Như vậy, Nguyễn Bách Khoa rất có ý thức quan tâm đến phương pháp làm việc của một nhà nghiên cứu, rất nhấn mạnh đến tính khoa học của phương pháp, và ông đả phá kịch liệt những người nào chỉ ưa cái thói bình văn, tán văn theo lối tụng ca mà không đưa ra được bất cứ một luận cứ nào cho sự tụng ca đó. Lối phê bình này ông gọi là “phương pháp phê bình phù phiếm”. Mặt khác ông cũng phản đối những người nào chỉ biết tôn thờ thái quá cái đẹp nghệ thuật để đi đến chỗ tuyên bố rằng vì nó đẹp quá, hay quá, nên chúng ta chỉ được phép ngắm nhìn mà ngưỡng mộ nó chứ không được phép mổ xẻ, phân tích nó. Sau đó, ông đã áp dụng cái mà ông gọi là “phương pháp duy vật biện chứng” của mình để nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều. Đối với thơ Hồ Xuân Hương, ông Nguyễn Bách Khoa đã xuất phát từ tâm phân học Freud để đi đến kết luận đó chỉ là một sản phẩm của những ẩn ức tâm sinh lý hay “là sự phản ánh của sản phẩm đó.”
Còn đối với Truyện Kiều, ông Nguyễn Bách Khoa cho rằng cái mà từ trước đến nay người ta vẫn khen nhất ở Truyện Kiều là thể thơ lục bát (tức là hình thức nghệ thuật), thì theo ông nó cũng “chỉ là sản phẩm của một trạng thái nô lệ của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử (thời Bắc thuộc).” Và ông nhấn mạnh: “Âm điệu lục bát tiến đến chỗ tuyệt diệu là một âm điệu báo tin sự diệt vong vậy”. Còn về nội dung Truyện Kiều thì theo ông nó chỉ là sự phản ánh cái ý thức hệ ốm yếu của đẳng cấp của Nguyễn Du mà thôi: “Truyện Kiều chỉ là cái kết tinh của những cái suy nhược trong cốt tinh Việt
”. Và: “Một xã hội ốm, một đẳng cấp ốm, một cá nhân ốm: Tất cả Truyện Kiều là ở đó”. “Ý thức của nghệ sĩ quy định hình thức của tác phẩm thật là chặt chịa. Tôi thành thực hiến câu kết luận này cho sự suy nghĩ của những ai đã tưởng nhầm rằng giá trị một tác phẩm chỉ là một giá trị kỹ thuật, một giá trị về hình thức”(12). Cuối cùng ông kết luận bằng một câu phủ nhận giá trị Truyện Kiều: “Truyện Kiều là một thứ văn chương đã ở một vị trí phản tiến hoá lúc đương thời của Nguyễn Du. Nó chứa chan một chất tàn héo, tiêu ma (chất thơ). Nó là kết tinh phẩm của một chặng đường suy đồi nhất trên tràng kỳ tiến hoá của cá tính Việt
. Cái đẹp của Truyện Kiều ngày nay chỉ những tâm hồn muốn thụt lùi mới có thể thưởng ngoạn được”(13).
Ngày nay chúng ta đã thấy rõ là phương pháp xã hội học của Nguyễn Bách Khoa đã bộc lộ những khiếm khuyết không thể tha thứ. Ông đã có xuất phát điểm đúng khi phê phán “phương pháp phê bình phù phiếm”, nhưng ông lại sa vào một cực đoan khác: phê bình máy móc. Mặc dù ông tuyên bố phương pháp của ông là “phương pháp duy vật biện chứng”, mang tính khoa học chặt chẽ, nhưng việc thực hành phương pháp của ông lại thiếu biện chứng và thiếu chặt chẽ. Ông đã lược quy một cách thô thiển sự tác động của hoàn cảnh xã hội để suy diễn một cách máy móc, đã không thấy được mâu thuẫn trong con người Nguyễn Du khi đánh giá nội dung Truyện Kiều, và không thấy được vị trí độc lập của nghệ thuật so với ý thức giai cấp-xã hội khi ông đánh giá giá trị của thể thơ lục bát. Việc này đã làm cho cái “phương pháp duy vật biện chứng” của ông biến thành “phương pháp duy vật máy móc” và đã bị nhiều người phê phán.
Tóm lại, phương pháp xã hội học có nhiệm vụ tìm hiểu các mối quan hệ giữa văn học với xã hội. Tuy nhiên cần lưu ý rằng đây chỉ là một phương pháp bổ sung để giúp ta hiểu được những khía cạnh ngoại văn học có liên quan mật thiết đến bản chất của hiện tượng văn học, từ đó hiểu rõ bản chất của hiện tượng văn học hơn. N.V.D (196/06-05)
------------------ (1) Le petit Larousse illustré,
Paris
, 2000. (2) Microsoft Encarta 99 Encyclopedia. (3) Xem: Nguyễn Văn Dân: Tiếp nhận văn học – một đề tài lớn của nghiên cứu văn học, in trong Nghiên cứu văn học – lý luận và ứng dụng, H., Nxb. Giáo dục, 1999, tr. 58-91. (4) Lucien Goldmann: Pour une sociologie du roman,
Paris
, Ed. Gallimard, 1992, p. 34-35 (tái bản). (5) L Goldmann: Như trên, tr. 36. (6) L. Goldmann: Như trên, tr. 23. (7) L. Goldmann: Sđd., tr. 338. (8) L. Goldmann: Sđd., tr. 342-343. (9) Xem L. Goldmann: Sđd., tr. 344-345. (10) Nguyễn Bách Khoa: Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Nxb. Hàn Thuyên, 1944, tr. XXIV. (11) Như trên, tr. XXIX (Nguyễn Bách Khoa nhấn mạnh). (12) Nguyễn Bách Khoa: Văn chương Truyện Kiều, (in lần ba), Hà Nội, Nxb. Thế giới, 1953, tr. 153-156. (13) Như trên, tr. 166. |