LÊ DỤC TÚ
“Chủ nghĩa nhân văn tôn giáo cũng là một nguồn cảm hứng của văn nghệ, đồng cảm với con người nhân đạo trong văn chương”...
1. Mối quan hệ giữa tôn giáo và văn học
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử. Với đặc điểm địa lý, Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, là nơi giao lưu của nhiều luồng tư tưởng và văn hóa khác nhau nên là nơi hội tụ của nhiều loại hình tôn giáo trên thế giới và khu vực như: Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo… Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn trong bài viết Thử bàn về biểu hiện tôn giáo đã chỉ ra sự phong phú và đa dạng của các loại hình tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam: “Tình hình tôn giáo ở miền Viễn Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng thật đa dạng, đa sắc với đầy đủ những tôn giáo cổ, kim, ngoại sinh, nội sinh ở những mức độ khác nhau. Con người phiếm thần của xã hội truyền thống rất khó chấp nhận một vị thần độc tôn, rất dễ chấp nhận đưa vào điện thần của các vị thần khác tôn giáo, thậm chí giáo lý khác trái ngược nhau, và cũng lại không khó khăn gì tham gia vào nhiều hành vi và các tôn giáo khác nhau”(1). Ngoài những đặc điểm trên, theo quan niệm truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam còn thần thánh hóa những vị vua, những người anh hùng có công với làng, nước, coi họ là những vị thần để tôn vinh, thờ cúng. Bởi vậy trong tâm thức của người Việt, tổ tiên, thành hoàng làng, những người có công với làng, nước có một vị trí rất thiêng liêng và quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của họ.
Bàn về mối quan hệ qua lại giữa tôn giáo và văn học, giáo trình Lý luận văn học tập 1, đã khẳng định: “Chủ nghĩa nhân văn tôn giáo cũng là một nguồn cảm hứng của văn nghệ, đồng cảm với con người nhân đạo trong văn chương”(2).
Trên thực tế, mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo là mối quan hệ đã được kiểm nghiệm qua thời gian. Từ lâu, tôn giáo đã trở thành một nguồn mạch khơi dậy những cảm hứng cho văn học, góp phần tạo nên nhiều kỳ tích cho văn học nghệ thuật. Trong văn học thế giới, chúng ta từng có những tác phẩm văn học nổi tiếng lấy hình tượng tôn giáo làm đối tượng khám phá như Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức bà của Vích to Huy Gô, Tiếng chim hót trong bụi mận gai của Colleen McCulloug, Đoạn đầu đài của Aimatov, Lũ người quỷ ám của Đôxtoiepxki, Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgacop, Tây du kí của Ngô Thừa Ân và gần đây là Mật mã Da Vinci, Thiên thần và ác quỷ của Dan Brown. Các nền văn học lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… đều mang nặng dấu ấn tôn giáo. Trong văn học Việt Nam, ở văn học Trung đại, văn học các đời Lý, Trần, đều gắn liền với cảm quan Phật giáo. Đến văn học hiện đại và đương đại, hình ảnh, tư tưởng tôn giáo tiếp tục có mặt trong các tác phẩm văn học có tiếng vang như Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan, Nhân sứ, Bụt mệt của Hòa Vang, Đường Tăng của Trương Quốc Dũng, Thợ may của Phạm Hải Vân, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái, Cơ hội của chúa, Khải huyền muộn, Của rơi của Nguyễn Việt Hà, Đêm thánh vô cùng của Sương Nguyệt Minh, Lời nguyền hai trăm năm của Khôi Vũ, Gióng của Nguyễn Minh Hà, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương và nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp…
2. Cảm quan Tôn giáo trong văn xuôi Việt Nam đương đại
Trong bài viết Các tôn giáo cổ truyền và văn học Việt Nam thế kỷ XX, giáo sư N.I.Niculin sau khi trình bày về mối quan hệ của các tôn giáo cổ truyền và văn học Việt Nam qua các giai đoạn, đã đặc biệt nhấn mạnh: “Chỉ đến thời kỳ đổi mới, nghĩa là từ nửa sau những năm 1980, các nhà văn Việt Nam đã trở nên dũng cảm hơn khi viết chủ đề tôn giáo”(3).
2.1 Đức tin tôn giáo cứu rỗi con người
Trong đời sống con người, niềm tin tôn giáo giữ một vai trò đặc biệt quan trọng và nó khác với các kiểu niềm tin xã hội khác. Nếu niềm tin khoa học được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn về hiện thực khách quan thì niềm tin của các tín đồ tôn giáo hướng vào sự tồn tại của đấng siêu nhiên và coi đấng siêu nhiên là người quyết định số phận của mình. Trong Cơ hội của Chúa, Nguyễn Việt Hà đã để cho nhân vật Hoàng thốt lên: “Sự cùng quẫn cuối cùng của con người, đấy là cơ hội của Chúa”. Trong Khải huyền muộn, các nhân vật trong tác phẩm đều là những tín đồ của đạo Thiên chúa “Người yêu đầu tiên của tôi mắt buồn, khe khẽ lắc đầu. Anh là người tin có chúa GiêSu chịu nạn trên cây thánh giá và đức mẹ Maria có con mà vẫn đồng trinh. Tuần anh đi lễ nhà thờ Lớn ba lần và chưa bao giờ bỏ lễ ngày Chủ nhật. Vào tuần cuối của tháng Phục sinh anh kín đáo ăn chay…” (Khải huyền muộn). Ở Cơ hội của Chúa, hình ảnh đức cha Mai được miêu tả khá kỹ lưỡng cả về hình thức bên ngoài lẫn trí tuệ, phẩm hạnh: “Cha Mai là quản thủ phòng đọc của chủng viện có dáng dấp một nhà giả kim thuật thời trung cổ. Cha là vị linh mục có tầm tri thức bách khoa rộng đến kinh ngạc. Thông thạo khoảng tám ngoại ngữ, kể cả từ ngữ Sancrist. Cha là bộ đại từ điển về lịch sử truyền giáo vào đất Việt”. Khi biết Hoàng vẫn mang trong mình sự thù hận, cha Mai đã khuyên anh: “Con không được hận thù kể cả khi con cùng quẫn trong bất hạnh… Con còn có tình yêu. Hãy yêu như con đã từng yêu”. Hoàng, Tâm - những nhân vật chính trong Cơ hội của Chúa mỗi khi mắc lỗi lầm đều tìm đến Chúa như một sự cứu rỗi linh hồn, một sự giải thoát. Tâm từng cầu nguyện: “Lạy Chúa, chỉ có sức mạnh hiển linh của Người mới cứu được con… Con là đứa con bé nhỏ của Người… Khi con vượt qua được sự cám dỗ, dạn dĩ nhìn vào bình minh của ngày hôm sau, nhìn thẳng vào mắt người đầu tiên trong ngày đang đi trên đường kia, con mới biết ân Chúa to lớn biết nhường nào. Con vẫn được là con của Chúa, không phải vì con có học, có lòng trung thực hay dũng cảm. Mà đó là ý Chúa”. Mai trong Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng sau những bất hạnh khổ đau của cuộc đời đã tìm đến cửa Phật như tìm đến một điểm tựa “Tôi khóc, và trong lúc tôi khóc tôi cầu xin đức Phật Bà đến với tôi”. Nhân vật người đàn ông trong Đêm thánh vô cùng của Sương Nguyệt Minh trong những lúc cô đơn trước sự vô cảm đến tàn nhẫn của vợ con, đã tìm về kí ức của một đêm Giáng sinh với không gian của những “mái nhà thờ hình chóp chọc lên trời xanh, cây thánh giá dầm trong dãi dầu mưa nắng” và hình ảnh người bạn gái đồng trinh Terexa Mùi có tâm hồn nhân ái, thánh thiện như Đức mẹ Maria. Trở về nơi đây, nhân vật của Sương Nguyệt Minh như thấy cuộc đời mình vừa đi qua một “hoang mạc vô lạnh” để đến được một “đồng cỏ tốt tươi của vùng nhiệt đới”, nó giúp anh quên đi ý nghĩ tìm đến cái chết. Khát vọng đi tìm Mẹ Cả của Chương trong Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện giữa “một không khí u uất và tù đọng” của làng quê. Ở đó, con người ngày càng mòn mỏi bởi một cuộc sống tẻ nhạt cứ lặp đi lặp lại “sáng đi cày, chiều đào đá ong, tối lột giang đan mũ”, đến bữa ăn thì “vục mặt xuống như chó” và giá trị tinh thần “trở thành một món hàng xa xỉ”. Trong tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, có hai con người trẻ tuổi là Từ Lộ và Nhuệ Anh, cả hai đều đã chọn cách giải thoát cho mình là tìm đến cửa Phật để đi tu khi cuộc đời đẩy họ đến tột cùng của khổ đau, bi kịch.
Phải chăng các cây bút đương đại đã vẽ lên chân dung những con người đang trốn tránh hiện tại bằng tôn giáo? Có lẽ không phải như vậy.
Mượn cảm quan tôn giáo, các nhà văn đã khắc họa nên những con người thế tục đậm chất hiện sinh. Khi bất lực, con người tìm đến tôn giáo. Thế giới của tôn giáo là thế giới của lòng tin và đức tin nên tôn giáo cần ở con người một lòng tin tuyệt đối, thanh sạch và tận hiến. Nhưng dường như lòng tin đó cũng đang dần đổ vỡ trước một hiện thực phi lý đầy rẫy cái ác, đầy rẫy sự giả dối lọc lừa. Từ Lộ (Giàn thiêu) muốn đi tu để học đạo pháp cao cường để báo oán. Chàng muốn trả thù pháp sư Đại Diên - kẻ đã phá nát gia đình chàng, giày xéo cuộc đời chàng, ngang nhiên chém chết cha mẹ chàng - những người chỉ biết dùng đạo từ bi để đối nhân xử thế; dù khi đại sư Thập Quang đã cảnh báo: “Con đường đến với Đức Phật ngắn nhất không phải đi trên những đống xương hận thù”. Còn Nhuệ Anh, nàng tiểu thư khuê các “đẹp mong manh” lại xuống tóc đi tu khi vừa bước qua tuổi mười chín, căn duyên cũng chỉ tại một chữ “tình”. Nàng đã bỏ nhà, bỏ cha mẹ, quên thân vì Từ Lộ để rồi cuối cùng mới biết những gì mình hy sinh thật hão huyễn. Nhận thức được sai lầm của mình cũng là lúc Nhuệ Anh đến được bến bờ của giác ngộ để làm một con người tự do, không còn vướng bận bởi khổ đau, tục lụy. Trong Con gái thủy thần, để cho nhân vật Chương nuôi khát vọng đi tìm Mẹ Cả, nhà văn như muốn đốt lên trong lòng Chương ngọn lửa khát khao đốt cháy cái thực tại tầm thường, đen tối để vươn đến một cái gì sáng láng hơn, thánh thiện hơn. Nhưng con đường của Chương cũng đơn độc và vô vọng biết chừng nào: “Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào?” - một câu hỏi không có lời đáp. Trên hành trình đi ra biển, Chương chỉ thấy rặt “những ngộ nhận giới tính và thói đạo đức giả giết chết vẻ diễm lệ trên các khuôn mặt thiếu nữ”. Đến “nửa đời người” Chương mới nhận ra rằng thiên thần chỉ là trò bịa đặt, thượng đế đã chết ở trần gian địa ngục “mái nhà sập xuống đầu tôi, bầu trời sập xuống đầu tôi, tất cả là đổ vỡ, tan nát”. Con đường đến với cái đẹp, với ước mơ dường như không tưởng “Trước mắt tôi dòng sông thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển mà đã sống nửa cuộc đời rồi đấy”. Nhân vật chính trong Chảy đi sông ơi cũng mải miết đi tìm huyền thoại về con trâu đen với niềm tin vô bờ bến về những điều tốt đẹp nhưng chỉ được chứng kiến sự lạnh lùng và tàn nhẫn để rồi nhận ra “hành trình đi tìm điều thiện lặng lẽ và cô đơn như con dã tràng xe cát”. Sau những thăng trầm, bất hạnh của cuộc đời, con người trong Cơ hội của Chúa là con người đầy hoài nghi. Nhã thì “Sẽ không tin bất cứ điều gì và không tin bất cứ ai”. Mẹ Nhã thì sống hết cả đời vẫn “chưa kịp tin cái gì”. Thủy, cô sinh viên ngây thơ trong sáng đã từng tin và yêu Hoàng vô điều kiện mà rồi lại thấy “hoang mang” bởi chính tình yêu ấy. Còn Hoàng - một tín đồ của Chúa, vậy mà băn khoăn “Sáng danh Chúa, tại sao có những lúc con lại không tin ở Người?”. AnMi trong Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng trên hành trình đi tìm sự thật, đi tìm chính mình cũng luôn hoang mang, hoài nghi “Biết đâu trong đời không có sự thật nào hết ngoài những sự thật được cố ý làm ra”. Mai trong Mưa ở kiếp sau khao khát đi tìm cha nhưng chính cô cũng không hiểu mình tìm lại cha để làm gì “Tôi không bao giờ thực sự biết tại sao tôi muốn đến đó, để tìm một thứ gì mơ hồ biết và không biết”. Con người trong thế giới hiện đại đã mất niềm tin khi đối diện với sự khốc liệt và hỗn loạn của cuộc sống. Con người trở nên hoang mang và cô độc. Bằng cảm quan tôn giáo, các nhà văn đã tạo ra những hình ảnh đẹp đẽ, cao cả, tràn đầy tinh thần hướng thiện và hướng thượng, là điểm tựa để con người lấy lại niềm tin về những điều tốt đẹp vẫn còn tồn tại trong cuộc đời. Đó là những thông điệp sâu sắc mà các nhà văn đương đại đã gửi đến bạn đọc khi mượn những đức tin của tôn giáo để nói về những vấn đề của con người.
2.2. Thuyết nhân quả của đạo Phật
Bên cạnh tư tưởng từ bi, hỷ xả (tinh thần vị tha, cứu nhân độ thế) của đạo Phật thì thuyết nhân - quả báo ứng của Phật giáo cũng có một ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội. Theo quan niệm của Phật giáo, mỗi người khi sinh ra đều có một nghiệp chướng nào đó. Nghiệp là hành động do con người tạo ra và theo luật nhân quả thì nghiệp thế nào sẽ sinh ra quả như vậy. Bởi vậy dân gian vẫn có câu “ở hiền, gặp lành” hay “ác giả, ác báo”.
Nguyễn Huy Thiệp, một trong những nhà văn tiên phong của văn học đổi mới, là người ảnh hưởng rõ nét tư tưởng Nho - Phật - Đạo. Cảm quan tôn giáo thấm nhuần trong nhiều sáng tác của ông từ việc sử dụng những hình ảnh đến những tư tưởng thấm đẫm triết lý tôn giáo (Thương nhớ đồng quê, Con gái thủy thần, Sang sông, Không có vua, Vàng lửa, Huyền thoại phố phường, Giọt máu, Con thú lớn nhất, Tâm hồn mẹ…). Vàng lửa là câu chuyện về cuộc săn tìm vàng của Phăng và một nhóm người châu Âu dưới triều vua Gia Long. Vàng đã làm Phăng lóa mắt. Lòng tham không chỉ khiến y bỏ mặc người cùng đoàn trong cơn sốt rét đến chết rồi ném xác người đó xuống sông mà vàng còn khiến y rút súng bắn vào đám người thổ dân vô tội. Tội ác của Phăng lập tức bị báo ứng ngay đêm hôm đó. Lán trại của Phăng đã bị ngọn lửa bao vây: “Khoảng nửa đêm, lửa bốc cháy dữ dội xung quanh lều… Trước mắt, sau lưng, trên trời, dưới đất, đâu đâu cũng hấy lửa cháy rừng rực”. Sinh “bông hoa lài cắm bãi cứt trâu” trong Không có vua, là nạn nhân của một môi trường sống đầy rẫy sự đểu giả, ti tiện, thiếu tình người. Cái kết cục bi thảm mà Hạnh trong Huyền thoại phố phường phải chuốc lấy là cái giá phải trả cho khát vọng phải có tiền bằng mọi giá của hắn. Cái chết từ từ của Phong và cái chết bất đắc kỳ tử của thằng Phúc - con trai Phong trong Giọt máu, là nghiệp chướng mà Phong phải chuốc lấy vì anh ta đã đem luật rừng để đối xử với những người thân của mình chỉ vì chút quyền lợi về căn nhà hương hỏa ở quê. Với Con thú lớn nhất, Nguyễn Huy Thiệp cũng cảnh báo: con người hãy biết sống thân thiện hòa đồng với thiên nhiên. Nếu quá tham lam, tàn bạo, sẽ chuốc lấy những hậu quả đau xót.
Ở sáng tác của Nguyễn Bình Phương, thuyết nhân quả của đạo Phật cũng chi phối khá nhiều trong ý đồ xây dựng hình tượng nghệ thuật của nhà văn. Trong tiểu thuyết Người đi vắng Hoàn bị tai nạn, Cương bị điên là hậu quả cho sự trừng phạt bởi cuộc tình vụng trộm giữa hai người trước đó. Hoàn từ một người phụ nữ luôn tràn đầy sinh lực với khuôn mặt “buông lỏng, thảnh thơi” đầy gợi cảm đã rơi vào trạng thái hôn mê, sống bằng mộng mị, tiềm thức, sống sự sống sinh học bằng một khuôn mặt biến dạng “nửa sống, nửa chết, lạnh lùng, hiểm ác”. Tính trong Thoạt kỳ thủy có những hành động điên rồ thích máu, thích giết công cống, giết kiến, thích lửa, thích “chọc tiết” để rồi đi đến hành động đốt nhà, giết người… là hệ lụy từ những tháng năm ấu thơ lang thang theo bố Hiền là ông Điện giết lợn thuê và lớn lên lại bị Hưng - một tên lính đào ngũ, luôn bị ám ảnh bởi bạo lực, kích động. Cái chết của Tính là kết thúc bi đát, nghiệp chướng của một kiếp người sống ngập chìm trong cõi u mê, bị đọa đầy trong những ám ảnh về bạo lực. Từ Lộ trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo từ một chàng trai trẻ thư sinh bị ngọn lửa hận thù thiêu đốt đã trở thành một nhà tu hành khổ luyện, một đại sư nhưng vì trong lòng vẫn “đầy toan tính những con đường giành giật lấy chiếc giường xa hoa dâm loạn” nên cho đến cả kiếp thứ hai Từ Lộ vẫn mãi mãi lầm lạc, quẩn quanh trong cõi u mê của dục vọng. Ở kiếp thứ hai, Từ Lộ đã được hưởng mọi vinh hoa phú quý, xung quanh chàng không thiếu các cung tần mỹ nữ vây quanh nhưng cái mà chàng không bao giờ còn có được đó là tình yêu của Nhuệ Anh, thứ tình yêu thanh sạch, tận hiến mà chàng đã từng có trong tay nhưng Từ Lộ đã đánh đổi nó để lấy sự hận thù. Trong Cõi người rung chuông tận thế, ngay những chương đầu tiên, bạn đọc đã rùng mình bởi được chứng kiến “một chuỗi cái chết đến liền trong vòng nửa tháng xóa sạch một nhóm ba thằng bạn” là Cốc, Phũ và Bóp. Cốc (tên thật Hoàng Công) đã từng khiến cho hai cô bạn gái cùng lớp phải nạo thai. Cốc cũng đã dùng mọi thủ đoạn bẩn thỉu, đê tiện để được thỏa mãn với bất kỳ cô gái nào hắn thích. Hắn đã phải trả giá bằng cái chết bất đắc kì tử khi đang dồn đuổi một cô gái mới gặp trên biển để thỏa mãn thú vui hành lạc. Bóp (tên thật là Bắc) nhưng được gọi là Bóp vì có thú vui chuyên đi “bóp cổ” mọi thứ (cả người và vật), đã chết trong tư thế treo cổ - một hình thức mà hắn định làm với một cô gái khi nghi ngờ cô là thủ phạm giết chết Cốc. Phũ (tên thật là Phú) - một tay đua có số má ở Hà Nội. Phú đã định dùng chiếc xe phân khối lớn nghiền nát đứa con gái được cho là thủ phạm giết hai thằng bạn, nhưng Phũ đã phải hứng chịu cái chết thảm khốc “giống hệt cái chết của gã đua xe chết bỏ”. Những cái chết bí ẩn này được lý giải là có liên quan đến một người con gái có cái tên rất đặc biệt là Mai Trừng. Mai Trừng sinh ra đã được bao bọc bởi một lời nguyền huyền bí như là đại diện cho công lý đi diệt trừ cái ác “Các chị hãy khai sinh cho cháu là Nguyễn Thị Mai Trừng. Mai ngày cháu lớn, cháu sẽ đi trừng phạt kẻ ác”. Trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái, nhân vật Savitri là hình tượng điển hình của thuyết nhân-quả, luân hồi của Phật giáo. Nàng Savitri sống ở hai kiếp. Ở hiện kiếp, mỗi khi bước vào cuộc giao hoan với đàn ông, Savitri không nén được đã luôn bật cười khanh khách vì nàng có khả năng kì lạ là nhìn xuyên qua được bóng tối khiến cái trần trụi lố bịch và sự khiếm khuyết của bạn tình cứ đập vào mắt. Tiếng cười của nàng bật ra như dội một gáo nước lạnh dập tắt cái dục vọng đùng đùng của đám đàn ông khiến cuộc giao hoan bất thành và bởi vậy nàng Savitri không bao giờ còn được tận hưởng một trong những khoái cảm thể xác đặc biệt của đời người. Đó là nghiệp chướng mà Savitri phải gánh chịu vì những gì nàng đã làm trong tiền kiếp. Ở tiền kiếp, người đọc đã thấy một Savitri luôn đắm chìm trong dục vọng thể xác và hưởng thụ khoái lạc một cách tham lam vô độ. Hiện kiếp nàng phải chịu một án phạt nặng nề là một lẽ đương nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà trong Cơ hội của Chúa, Nguyễn Việt Hà đã để cho Hoàng sau những thăng trầm được mất của đời mình đã thốt lên: “Lạy Chúa, Người thật công bằng. Tôi có tội, không phải nghiệp chướng từ kiếp trước mà ngay ở kiếp này tôi đã làm nhiều điều bậy bạ”.
“Ác giả - ác báo” nhưng “ở hiền cũng sẽ gặp lành”. Hai Thìn, nhân vật chính trong tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm của Khôi Vũ được nhà văn vẽ nên bằng một bút pháp vừa hiện thực vừa huyền ảo. Hai Thìn là người dám đương đầu với sự thách đố của số phận khắc nghiệt, không nản lòng trong hành trình gian truân khó nhọc đi tìm chính mình giữa cuộc đời đầy sóng to, gió lớn để sống “trong sạch, thiện lương”. Và lòng kiên nhẫn của anh đã được đáp đền xứng đáng. Dù Hai Thìn mãi mãi không trở về nhưng anh là người duy nhất đã làm nên được điều kỳ diệu: hóa giải lời nguyền cay độc ám ảnh dòng họ suốt hai thế kỷ. Trời đất đã cảm động trước tâm hồn không vết nhơ của xấu xa, độc ác của Hai Thìn đã để cho Lài - vợ anh, sinh một đứa con trai nối dõi cho dòng họ Lê. Tinh thần nhân bản này của tác phẩm ta còn gặp trong Sống mãi với cây xanh của Nguyễn Minh Châu, Những người thợ xẻ, Tâm hồn mẹ của Nguyễn Huy Thiệp, Rửa tội của Nguyễn Việt Hà. Qua hình tượng nhân vật bác Thông - người có khả năng trò truyện với cây cối, đất đai, Nguyễn Minh Châu như nhắn gửi chúng ta một quan niệm sống: khi con người sống thân thiện, giao hòa với thiên nhiên, với môi trường sống xung quanh, con người sẽ có một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Cô bé Thu trong Tâm hồn mẹ dù mới bảy tuổi nhưng với những tình cảm trong sáng, thánh thiện, bao dung như “tâm hồn mẹ” đã có những khả năng giải cứu đặc biệt. Trong Rửa tội của Nguyễn Việt Hà, bằng phẩm hạnh của mình, cha Sinh đã cảm hóa được giám đốc Vũ và cô thư kí. Cuối cùng cha Sinh đã làm cho hai con người trẻ tuổi luôn hoài nghi và thiếu đức tin vào con người hiểu ra rằng: dù cuộc đời có đầy rẫy sự lọc lừa, xảo trá thì vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp, hãy tin vào cuộc đời và con người.
Có thể nói, trong nhiều sáng tác của văn xuôi đương đại, thuyết nhân quả của Phật giáo đã hiển diện khá rõ song nó không phải chỉ là trình bày những thuyết lý tôn giáo một cách cứng nhắc, hời hợt mà là kết quả của quá trình tư duy nghệ thuật, qua đó bộc lộ tư tưởng và cái nhìn sâu sắc của nhà văn trước cuộc đời. Mượn thuyết nhân quả của Phật giáo các nhà văn đã gửi đến một thông điệp: Con người phải chịu trách nhiệm bởi những gì mình gây ra. Quá trình sống đồng thời là quá trình con người phải tự điều chỉnh hành vi của mình để cho mối quan hệ giữa con người và con người, con người và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
2.3. Cảm quan tôn giáo và tinh thần giải thiêng
Trong những năm gần đây người ta hay nói đến cái gọi là “tinh thần giải thiêng” trong văn chương Việt Nam thời kỳ đổi mới và Nguyễn Huy Thiệp được coi là nhà văn tiên phong cho tinh thần này. Với Phẩm tiết ông đã từng bị dư luận lên án là đã “hạ bệ thần tượng”. Tiếp theo Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái cũng bị cho là đã “giải thiêng Đức Phật”. Như vậy, “giải thiêng” có bị coi là “hạ bệ” thần tượng hay không? Lý giải điều này nhà văn Hồ Anh Thái trong một lần trả lời phỏng vấn đã cho rằng: “Những bậc vĩ nhân là những hình ảnh rất thiêng liêng. Không thể có bất cứ một mục đích hay mưu toan nào có thể thực hiện việc “giải thiêng” hình tượng của họ”(4). Xét cho đến cùng, mục đích hạ bệ thần tượng đều không đặt ra trong tâm thức cộng đồng cũng như ý đồ của nhà văn. Mượn cảm quan tôn giáo với tinh thần giải thiêng, cái đích cuối cùng của văn học là hướng đến một cái nhìn nhân bản hơn, sâu sắc hơn về con người và cuộc đời. Gạt bỏ “khoảng cách sử thi” giữa con người với những hình tượng thiêng liêng cao cả, các nhà văn đã cố gắng trao cho con người cái quyền tối thượng: Sự phát triển và tồn vọng của xã hội là do con người chứ không phải là một lực lượng siêu nhiên nào quyết định. Tinh thần thấm đẫm ý vị triết học này thẩm thấu trên nhiều trang viết của các nhà văn đương đại. Trong Đức Phật nàng Savitri và tôi, cuộc đời Đức Phật từ lúc sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời được kể bằng một giọng kể khách quan của người kể chuyện “biết tất cả”. Gạt bỏ đi vòng hào quang huyền thoại được thêu dệt xung quanh cuộc đời Đức Phật, nhà văn đã vẽ nên hình ảnh một Đức Phật hết sức giản dị và gần gũi. Đức Phật chào đời cũng như bao đứa trẻ khác “Hoàng hậu chửa trâu, người ta bảo nhau, có mang mười tháng rồi mà vẫn chưa lâm bồn… Hoàng tử mới ra đời thì hoàn toàn tỉnh táo. Trắng hồng bụ bẫm. Xứ Ấn da trắng như vậy cũng coi như tỏa hào quang”. Trong quá trình “nhập diệt”, Đức Phật cũng phải nếm trải như một con người bình thường với vòng tuần hoàn Sinh, Lão, Bệnh,Tử, cũng đau ốm như đau khớp, đường ruột, huyết lỵ... nhân vật Đức Phật của Hồ Anh Thái hiện lên có cái cao siêu của một triết gia, một nhà tư tưởng vĩ đại, một bậc hiền triết nhưng cũng đậm chất Người theo đúng nghĩa của nó. Hình ảnh của Đức Phật khi sinh ra đã được nhà văn đời thường hóa thì khi từ giã cõi đời cũng là hình ảnh của một con người bình thường chìm trong bể khổ bởi cảnh thiếu thốn “Vì lượng củi gỗ thu thập được quá ít ỏi” (các đại giáo chủ và các tăng ni Phật tử chỉ đóng góp được chút tiền lễ mọn để lo cho đám tang của Đức Phật) nên ta thấy trên giàn hỏa thiêu “đôi chân Phật bọc trong vải trắng vẫn chìa ra ngoài.”. Hình ảnh này gợi cho ta nhớ đến hình ảnh Bụt trong Bụt mệt hay Sa Ngộ Tĩnh trong Nhân sứ của Hòa Vang, Trong Bụt mệt, ta không còn thấy hình ảnh một ông Bụt vẫn in đậm trong tâm thức con người với dáng vẻ phúc hậu và chòm râu trắng như cước mà là hình ảnh một ông Bụt tiều tụy với chứng bệnh “tẩu hỏa nhập ma cấp tính” và một thân hình tiều tụy “nằm bẹp dưới một cây tùng bách chết khô… áo quần lấm láp, đôi hài mòn vẹt thủng cả gót chân, hơi thở hổn hển, mắt lờ đờ, tay quờ quạng ngắt mấy cụm lá Sống đời đưa lên miệng nhấm nháp”. Trong Nhân sứ, Kim Thân La Hán Sa Ngộ Tĩnh (Sa Tăng) giữa Tây Thiên cực lạc vẫn bị ám ảnh bởi nỗi nhớ trần gian hành hạ gây nên chứng mất ngủ đến nỗi “vóc hạc mình gầy, trán nhăn, mắt trũng”. Còn Như Lai cũng bị chứng ngứa ngáy hành hạ. Vẽ chân dung các nhân vật huyền thoại bằng những chi tiết thường nhật, phàm tục, các nhà văn đã tạo nên những ấn tượng gần gũi trong lòng người đọc. Với tư cách là một thí sinh trong Hội tuyển Nhân sứ, tâm trạng của đức Thống Phụ Chí Tôn cũng giống hệt tử sĩ dưới trần thế với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen: tự tin, hồi hộp, lo lắng, đợi chờ, rồi khi thất vọng cũng ghen tỵ, gièm pha… thậm chí cả nổi đóa với những người may mắn chiến thắng. Thật thú vị khi Sa Tăng - kẻ được xem là “nhân vật nhạt nhẽo nhất” trong đoàn người đi Tây Trúc thỉnh kinh, đã khẩn khoản van nài Phật Tổ Như Lai: “Xin Người cho con được phế bỏ toàn bộ công lực của một La Hán, hạ sơn, độc cô hành Đông du về lại sông Lưu Sa xưa, làm một người thường chài lưới trên sóng nước, chiều chiều thổi một ống tiêu, nhấp một ngụm rượu, nướng con cá nhỏ, và đợi một người đàn bà, lấy vợ sinh con”. Sức hấp dẫn của trần gian còn khiến cả Kim Thân La Hán chẳng những “không chợp mắt được” mà còn có lúc nghi ngờ cả con đường, lý tưởng của Phật. Trong văn xuôi Việt Nam đương đại, dường như nhân vật huyền thoại nào cũng đều được miêu tả trong những duyên nợ, vấn vương với cuộc đời tục lụy. Trong quan niệm của nhà văn, dù là Phật Tổ Như Lai hay Sa Tăng, dù là thần Thủy Tinh (Sự tích một ngày đẹp trời - Hòa Vang), hay Thánh Gióng… đều không phải bước ra từ vòng hào quang của huyền thoại mà hoài thai từ chính cuộc đời trần thế với bao hệ lụy của đắng cay và hạnh phúc. Trong truyện ngắn Gióng, Lê Minh Hà đã viết tiếp câu chuyện huyền thoại Thánh Gióng khi nối dài cho cuộc đời của Gióng bằng sự trở về của chàng nơi đời sống trần thế. Bên cạnh đó, truyện còn có mạch suy tư của người mẹ đã sinh ra Gióng. Trong tâm thức mọi người, Gióng vẫn luôn hiện diện như một người anh hùng bất tử đã có công đuổi giặc cứu nước. Nhưng với mẹ, Gióng vẫn mãi chỉ là đứa trẻ lên ba, luôn ở bên, vui đùa và nũng nịu mà bà vẫn gặp và nói chuyện hàng đêm trong cơn mơ. Bà vẫn khắc khoải khi Gióng xa mẹ còn quá nhỏ “chàng trai ba tuổi mới chỉ biết cuộc đời qua những ngày thơ bé bình yên u mê và những ngày tao loạn sôi sục niềm tin tất thắng”, người mẹ day dứt vì “chưa kịp dạy con gì ngoài yêu thương”. Nếu người đời chỉ còn nhớ hình ảnh chàng Gióng ra trận với sức mạnh ào ạt “áo giáp sắt, mũ sắt, nhổ bụi tre ngà xông ra trận tiền” khiến quân thù khiếp đảm thì người mẹ lại bần thần bởi ngày Gióng ra trận “không có lấy một bóng gái làng bíu giậu cúc tần bối rối”. Người mẹ đã luôn nghĩ đến Gióng không phải chỉ bằng tình cảm tự hào về một người anh hùng cứu nước mà bằng tình yêu giản dị và mãnh liệt của bao bà mẹ trên thế gian này với lòng mong mỏi con trai bà sẽ có một cuộc sống hạnh phúc bên người con gái mà nó yêu thương. Nhắn gửi của nhà văn “Chẳng mấy ai còn nhớ người được dâng hương chính là chú bé của mẹ” như một lời nhắc nhở hậu thế: còn một bức tượng đài mà chúng ta cần dựng lên để tôn thờ là bức tượng đài về người mẹ của Gióng - bức tượng đài về một con người trần thế bình thường mà vĩ đại.
Trong Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, có lẽ những trang viết giàu sức hấp dẫn nhất của tiểu thuyết là những trang viết về những lễ hội mang đậm tín ngưỡng phồn thực. Không gian của lễ hội luôn được nhà văn tô đậm, đặc tả ở phần Đời chứ không phải phần Đạo. Dân làng Cổ Đình đến với lễ hội là đến với một không gian tinh thần linh thiêng mà ở đó con người (những người con trai và con gái) khao khát yêu đương được nếm trải những khoảnh khắc tự do đặc biệt vượt qua điều cấm kị “được tận hưởng những ánh chớp của hạnh phúc chỉ lóe lên trong ngày hội”. Hội ông Đùng bà Đà gắn với tục “trải ổ” là “tục lệ cho phép trai gái yêu nhau, dù chưa được cưới xin, được phép tạo một chiếc giường tình, được phép tạo một chiếc ổ thơm tho, êm ái cho cuộc yêu đương của mình trong một hang đá hoặc dưới một vòm cây nào đó ở trong rừng, cạnh núi Đùng… Cô gái nào có mang trong lúc trải ổ trong thời kỳ ấy được coi là rất may mắn. Cô ấy sẽ sinh quý tử”. Vì thế lớp trẻ làng Cổ Đình đã sửa soạn kỹ lưỡng để đến với lễ hội không phải để “bận tâm đến bi kịch của nhân vật huyền thoại” mà là để được sống những giây phút thăng hoa hiện tại của hạnh phúc. Với họ “Sự sống quan trọng hơn” lớp hào quang huyền thoại của quá khứ.
Ai đã từng đọc Đường Tăng của Trương Quốc Dũng đều nhận thấy nhà văn đã có “một quan niệm nghệ thuật mới về con người” khi ông xây dựng nhân vật Đường Tăng. Đường Tăng trong tác phẩm là một biểu tượng cho ý chí khổ luyện chân tu và lòng từ bi bác ái. Đặt nhân vật trong một thời khắc đặc biệt “Đêm cuối cuộc trường chinh đầy gian khổ trước khi vào yết kiến Phật Như Lai” tác giả đã đặc tả được tâm trạng nhiều day dứt, xót xa, đau nhói của Đường Tăng. Những tự vấn khắc khoải của nhân vật cho ta thấy những góc khuất đầy bí mật của con người trần thế trong nhà tu hành đã được phơi bày: “Mỗi lần cứu giúp con người, ông chỉ nhằm tính toán như xây thêm cho mình một bậc thang tới Phật đài”. Đường Tăng không thể đắc đạo vì “Trên đường thỉnh kinh cứu rỗi người đời, ông dần xa lạ với con người. Và khi không còn là người thì thì làm sao mà đồng cảm mà đòi đồng cảm, cứu vớt con người”. Với Đường Tăng, Trương Quốc Dũng đã cho người đọc một chân lý giản dị: Muốn giải thoát, cứu vớt con người thì trước hết anh phải là người - một con người đúng với ý nghĩa chân chính của nó.
Như vậy, mượn những mô típ, hình ảnh tôn giáo, các nhà văn đương đại không chỉ qua đó vẽ nên một thế giới đầy màu sắc linh thiêng để hướng con người đến những điều cao cả, tốt đẹp mà ở một khía cạnh khác, họ còn muốn thông qua những hình tượng nghệ thuật để mô tả một thế giới hiện thực đa chiều và khám phá con người trên những chiều kích mới. Trong khi tạo dựng một không gian linh thiêng, cao cả với tinh thần “vươn tới cõi vĩnh hằng, chạm đến cái vĩnh cửu” các nhà văn đồng thời cũng luôn nghiền ngẫm, khắc khoải về sự tồn vong của con người trong thế giới trần tục nhiều biến động. Đó là ý nghĩa nhân văn cao cả mà các sáng tác của văn chương đương đại đã đem đến cho người đọc. Tất nhiên, chúng ta cũng còn phải thấy rằng, không chỉ mượn yếu tố tôn giáo để thể hiện sinh động những vấn đề về nội dung tư tưởng mang ý nghĩa triết học mà qua việc thể hiện những yếu tố này, các nhà văn đương đại còn đổi mới cả kỹ thuật thể hiện mà điển hình nhất là việc phô diễn những yếu tố kỳ ảo thông qua những hình tượng tôn giáo đầy sức hấp dẫn.
L.D.T
(SH304/06-14)
----------------------------
(1) Đặng Nghiêm Vạn: Thử bàn về biểu hiện tôn giáo. Trang web: chúng ta.com,16/03/2006.
(2) Phương Lựu (chủ biên): Lí luận văn học, tập 1. Nxb. Đại học Sư phạm, H., 2002, tr.110.
(3) N.I.Niculin: Các tôn giáo cổ truyền và văn học Việt Nam thế kỷ XX, Tạp chí Văn học, số 11, 2000, tr.18.
(4) Hồ Anh Thái: Tôi không giải thiêng hình tượng Đức Phật. Trang web: evan.vnexpress.net, 28/5/2007.