Ở Việt Nam ta, nói đến cơ chế thị trường có nghĩa nói đến nền kinh tế phi bao cấp đã tồn tại trước đây. Hội nhập có nghĩa mua và bán hàng hóa ra thế giới, bình thường hóa trong quan hệ quốc tế. Hàng hóa vật chất và phi vật chất. Hàng hóa vật chất xuất khẩu của Việt Nam là hàng gia công và nguyên liệu thô (dầu hỏa, than đá, gỗ, cao-su, gạo, cà-phê, thủy hải sản), một ít cơ khí. Hàng hóa phi vật chất là văn hóa văn học nghệ thuật. Loại hàng hóa thứ hai nầy ta bán ra thế giới được một ít tranh, giới thiệu được với thế giới một chút âm nhạc, phim ảnh, gần đây có một chút về tin học. Còn văn học thì mấy ai trên thế giới đọc được tiếng Việt mà mua văn của ta? Ngay cả trên tám mươi triệu dân ta nói và viết tiếng mẹ đẻ nhưng có được bao ngàn người đọc văn ta? Văn nổi tiếng chỉ in được vài ngàn bản, thơ của các thi bá in ra chủ yếu để nộp lưu chiểu và tặng bạn bè là chính. Khi hàng hóa vật chất không bán được, người ta phải xem lại nguyên liệu, máy móc, qui trình sản xuất, tiếp thị, tổ chức hệ thống phân phối và đặc biệt là tay nghề của công nhân. Văn học là sản phẩm trí tuệ, đối với thị trường nó cũng là một lọai hàng hóa thôi. Có lẽ nó chỉ khác ở chỗ một bên nặng về lao động chân tay (công nhân), một bên nặng về tài năng và trí tuệ (văn nhân).
Vậy, nhìn dưới con mắt của người hoạt động trong “cơ chế thị trường và hội nhập”, tình hình “sản xuất” của nhà văn Việt Nam hiện nay ra sao?
Tôi không phải là nhà nghiên cứu phê bình lý luận văn học, do tuổi tác và hoàn cảnh tôi chỉ tiếp xúc được với phần đông nhà văn xuất hiện từ trước và sau ngày Việt Nam thống nhất, cho nên những gì tôi sắp trình bày dưới đây không mang tính phổ biến chung cho mọi lớp nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ U 30, U 40 mà chỉ riêng cho thế hệ tôi (trên dưới bảy mươi tuổi). Vậy có gì bất cập kính mong được đại xá cho.
1. Nhà văn Việt Nam xuất hiện trước và sau năm 1975, phần lớn đã có quá trình đóng góp với kháng chiến, đấu tranh ở đô thị miền Nam hoặc xây dựng hậu phương ở miền Bắc. Dù mặc áo lính hay không, nhà văn Việt Nam cũng là những chiến sĩ. Nhà văn Việt Nam tự hào mình đã góp phần làm nên lịch sử cứu nước. Do đó, những đòi hỏi của thời bình, đặc biệt là thời kinh tế thị trường và hội nhập (theo phương Tây), nhà văn Việt Nam thiếu nhiều thứ: ngoại ngữ, phương tiện tin học, kiến thức chung về lịch sử văn hóa tư tưởng Việt Nam, kiến thức chung về thế giới, và đặc biệt không bán được văn nên đời sống kinh tế hết sức khó khăn. Cái khó bó cái khôn. [Một số nhà văn khá hoặc giàu là nhờ gia đình, con cái, hoặc nghề tay trái viết báo, viết kịch bản phim truyền hình hoặc buôn nhà đất chứ không phải khá, giàu nhờ bán văn].
2. Mặc dù đất nước đã bước vào kinh tế thị trường và hội nhập, nhưng những lực lượng bất mãn với chế độ ta vẫn chưa buông tha Việt Nam. Cứ vào mạng toàn cầu (Web) và những gì vừa diễn ra ở đường Nhà Chung và ấp Thái Hà là thấy ngay. Do đó ta cần phải quản lý công tác tư tưởng văn hóa. Quản lý vì chính nghĩa, vì sự ổn định để phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, quản lý làm sao để những người cầm bút “tâm phục khẩu phục” chứ không thể theo phương thức cũ của thời bao cấp cùng một tác phẩm văn học, mỗi cấp ủy địa phương đánh giá mỗi khác, ở mỗi nhà xuất bản đánh giá mỗi khác. Một số người có chức có quyền không muốn nhà văn viết những vấn đề khác ý mình. Những người đấu tranh chống tiêu cực có lúc “không biết tránh đâu”. Những người thẳng thắn trung thực thường bị nghi kỵ. Đồng thời những người chân chính có khi bị địch “đánh” mà không được một tổ chức, một cá nhân nào của xã hội bảo vệ (ví dụ trường hợp anh HPNT và tôi bị các nhà văn chống Cộng “đánh” ba bốn mươi năm qua).
3. Nỗi khổ tâm nhất và cũng khó nhất của nhà văn Việt Nam hôm nay là đề tài. Đề tài văn học đương đại đang bứt phá ra khỏi biên giới các quốc gia. Lớp nhà văn lứa chúng tôi không theo nổi. Đề tài lớn và được các nhà văn chúng tôi quan tâm đầu tư là hai cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ để giải phóng dân tộc. Nhưng mấy chục năm qua ta mới viết về phía ta chứ chưa hiểu rõ về phía đối phương. Khi biết rõ đối phương chút đỉnh thì tình thế thay đổi: Thù xưa đã trở thành bạn nay. Hợp tác toàn diện kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng. Có ai viết chuyện xưa xem như lỗi thời. Trước người có nhiều ruộng đất là địa chủ bị lấy đất lấy ruộng nay là chủ doanh trại được cấp đất theo yêu cầu đi đầu trong nông nghiệp; xưa đối tượng của cách mạng là “con buôn”, “tư sản” nay thời kinh tế thị trường và hội nhập con buôn tư sản trở thành doanh nhân - lực lượng chính làm cho dân giàu nước mạnh. Về chính trị, kinh tế phải vận dụng theo thời. Mà phải thế. Vận dụng thế vẫn còn chậm. Nhưng đối với nhà văn kháng chiến là một sự hụt hẫng lớn. Nhà văn chạy không kịp. Nhà văn không những phải viết hay, viết đúng mà còn phải viết có tầm tư tưởng. Việt Nam có tư tưởng gì để thế giới ngưỡng mộ? Chuyện còn đang phải tìm.
4. Trước đây thời bao cấp, xuất bản phẩm của thế giới không đến được Việt Nam. Nay đất nước đi vào kinh tế thị trường, hội nhập, Internet, các đài truyền hình cáp đem xuất bản phẩm (tốt và xấu) của nhân loại đến ngay trên bàn viết, ngay trong phòng ngủ của nhà văn. Nhưng có mấy ai tiếp cận được những thông tin, tri thức cập nhật qua các phương tiện ấy? Các nhà văn Việt Nam chỉ còn kỳ vọng ở Ban đối ngọai, vài ba trang báo Văn Nghệ, ở tạp chí Văn học nước ngoài mỗi tháng một kỳ của Hội Nhà văn. Bởi thế tôi tá hỏa khi nghe nhà thơ dịch giả Bằng Việt trả lời báo điện tử VNnet nói rằng: “Mà Ban đối ngoại của Hội Nhà văn thì năng lực ngoại ngữ cực yếu. Cho nên dịch buồn cười lắm”. Thật tội cho nhà văn Việt Nam. Vì chiến tranh, vì xuất thân công nông, đa số nhà văn không biết ngoại ngữ. Không biết ngoại ngữ không phải là một cái tội. Tiếp xúc với một số nhà văn Pháp, nhà văn Nhật tôi biết trong họ có nhiều người không biết ngọai ngữ. Nhưng những chuyện hay chuyện dở gì trên thế giới đã cũ hay mới xảy ra họ đều biết hết. Đặc biệt là người Nhật. Bởi nhờ lực lượng dịch thuật của Nhật rất mạnh và rất giỏi. Nhìn vào thực lực người biết ngoại ngữ của Việt Nam ta trong và ngoài nước không hiếm. Có thể nói Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn nhiều nước. Anh, Mỹ, Đông Âu, Tây Âu, A-rập, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản v.v. ở đâu cũng có người Việt Nam giỏi. Tôi không rành chuyện nầy, nhưng qua tiếp xúc tôi biết người cầm bút Việt Nam dịch văn chương Âu Mỹ rất giỏi: Bằng Việt, Hồ Anh Thái (Hà Nội), Bửu Ý (Huế), Trần Văn Dĩnh-Nguyễn Bá Chung (Hoa Kỳ), Nguyễn Tường Bách-Thái Kim Lan (Đức), Lê Thành Khôi - Cao Huy Thuần - Đặng Tiến (Pháp).v.v. Anh Nguyễn Bá Chung đã dịch và xuất bản ở Mỹ A Time Far Past (Thời xa vằng của Lê Lựu); 6 Vietnamese Poets (Sáu nhà thơ Việt Nam [1] ); Distant Road (Đường xa, tập hợp thơ Nguyễn Duy [2] ); Yen Poems From Early Vietnam (Thơ Thiền Lý Trần, VHSG 2005) v.v. và hiện đang sưu tập Thơ Thiền Lê Nguyễn để dịch tiếp. Dịch giả Bửu Ý đang soạn lại những bản dịch cũ để tái bản, sẵn sàng nhận dịch những tác phẩm đương đại của Pháp. Tôi chỉ dẫn chứng những người tôi biết chắc, sự thực lực lượng dịch thuật văn chương đông đảo lớn gấp hàng chục lần so với những dịch giả tôi nêu. Bộ phận dịch thuật văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam đã đặt hàng cho những dịch giả nầy chưa?
5. Ở đây đó, vào những trường hợp khác nhau nhà văn bị quần chúng và tổ chức lãnh đạo, tổ chức chính quyền xem thường. Một trong những biểu hiện bị xem thường là do một số nhà văn không có bản lãnh, sống không thực. Không phải không có nhà văn đi đánh quả, nhà văn đi bốc thơm những người có chức quyền và những người có tiền, nhà văn “đánh” việc làm chân chính của đồng nghiệp của mình để lấy “điểm”. Sau bút ký Đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải, các nhà văn có tâm sự gì xin khai báo sớm để tránh những bất ngờ cho độc giả từng tin vào sự lương thiện của chúng ta. Việt Nam chưa có tự do sáng tác? Còn được quản lý, còn phải thông qua “biên tập” của các nhà xuất bản thì không thể nói là tự do theo kiểu của các nước Âu, Mỹ bây giờ được. Nhưng tại sao có được Nguyễn Huy Thiệp, Nỗi buồn chiến tranh, Chuyện kể năm hai ngàn, Cánh đồng bất tận, kịch bản phim Bao giờ cho đến tháng mười, Mùa ổi?.v.v. Phải chăng hơn nhau không phải chỉ ở chỗ tài năng mà còn ở chỗ có bản lãnh hay không.
6. Văn học Việt Nam đương đại chưa có tác phẩm lớn ngang tầm thời đại. Lãnh đạo cũng như quần chúng nhân dân đều nói như vậy. Có nguồn dư luận than là các nhà quản lý sử dụng nhà văn để minh họa nghị quyết của Đảng - Nhà nước, ai viết khác không được ủng hộ nên Việt Nam chưa có tác phẩm lớn. Nhưng cả trăm nhà văn Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, “tự do biết mầy”, không bị ai ngăn trở, không bị kiểm duyệt gì cả mà hơn ba chục năm qua, trên hàng chục nhà xuất bản, hàng trăm trang Web có thấy xuất hiện tác phẩm lớn nào đâu? Nhà văn, kể cả nhà văn Mỹ biết rất rõ cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ đang thực hiện ở I- rắc, dân I-rắc bị giết hằng ngày cả trăm mạng, nhưng có nhà văn Việt Nam nào bên Mỹ dám viết phê phán Mỹ đâu? Tác phẩm Dương Thu Hương một thời được “thế giới” quảng cáo rùm beng chỉ vì cô dám động đến những “thần tượng”. Các thế lực chống phá Việt Nam lợi dụng phất cô lên một thời ghê gớm đến nay đâu lại vào đó chẳng còn ảnh hưởng gì trong văn giới nữa. Cô bạn Túy Hồng của tôi trước 4-1975 là một cây bút nữ “ngứa ngáy” số 1 ở Sài Gòn [3], mấy chục năm nay định cư bên Mỹ “quá được tự do”, nhưng mỗi cuốn sách ra đời bán không quá vài trăm cuốn, chuyện chống Cộng cũng lỗi thời nay không biết viết gì đành nằm yên ở Washington. Người ta chê văn học trong nước nhếch nhác, Nguyễn Mộng Giác - tác giả bộ Sông Côn Mùa Lũ nổi tiếng viết “văn học Việt Nam hải ngoại lão hóa”[4]. Văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn vì đâu? Vì nhà văn ta trong và ngoài nước đến đầu thế kỷ XXI nầy nó mới đến thế. Mọi chuyện khác đều xem như những nguyên nhân phụ.
*
Theo quan niệm của tôi, hay thế hệ của tôi, chúng tôi khó có thể sản xuất được tác phẩm văn học lớn để xuất khẩu như hàng may mặc, thủy hải sản, nông lâm sản. Trong cơ chế mở hiện nay, xin các ngành chức năng giải quyết những vướng mắc của thời bao cấp để lại, tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà văn tuổi “cổ lai hy” có thể hoàn thành tốt những tác phẩm mà mỗi người đang mang nặng. Biết đâu trong số tác phẩm ấy cũng sẽ có tác phẩm có một giá trị nào đó trong lịch sử văn học đương đại Việt Nam. Tôi xin có mấy ý kiến sau đây:
1. Để tránh tình trạng nhà văn dẫm theo chân Nguyễn Khải “sắp chết mới dám nói thật”, Đảng và nhà nước nên phát động hội viên Hội Nhà văn (cả nhà văn không ở trong Hội) có điều gì cần nói thẳng với Đảng hãy viết thành văn bản gởi cho Đảng. Xem như một tác phẩm. Đảng cam kết tham khảo mọi ý kiến phản biện, không để những ý kiến phản biện ảnh hưởng đến đời sống tác giả hiện nay. “Tác phẩm” được trả nhuận bút ở bậc cao. Đây cũng là một cơ hội thử thách bản lãnh của nhà văn Việt Nam.
2. Hội Nhà văn Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư cho các nhà văn Việt Nam viết tác phẩm tâm đắc cuối đời mình. Viết theo tâm trí của nhà văn, không cấm kỵ bất cứ một điều gì. Đây là loại tác phẩm để đời chưa vội công bố nên không sợ ảnh hưởng tốt xấu đến xã hội. Qua đây cũng có thể thấy được thực chất của nhà văn Việt Nam như thế nào. Kết quả đó cũng là một cơ sở để Đảng tham khảo trong việc hoạch định phương hướng phát triển mới của văn học Việt Nam trong tương lai.
3. Nước Việt Nam ta đã là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, có một vị thế quan trọng trong Asean, nước sản xuất dầu hỏa, sản xuất gạo đứng thứ nhì thế giới, hàng dệt may có thể đứng vào top 5 của thế giới, sản xuất được tàu biển có trọng tải lớn, từng đánh thắng hai đế quốc to vậy thì văn học Việt Nam như thế nào? Nói như Bằng Việt: “Cái điều kiện tối thiểu để cho họ biết đến mình là phải dịch tác phẩm của mình ra, chỉ tiếc là ta chưa làm được cái gì ra hồn cả”. Sự thật, không những chúng ta đã có những bản dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài rất tốt như bản dịch Bình Ngô Đại Cáo của Ưng Quả, Truyện Kiều của Nguyễn Khắc Viện v.v. Và, không những dịch, nhiều tác giả Việt Nam đã viết ngay bằng tiếng nước ngoài. Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Khiêm, Phạm Quỳnh, Phạm Văn Ký, Phạm Quốc Xá [5] v.v. Để cho thế giới thấy văn học ngoại ngữ của Việt Nam cũng đã có một chiều dày, nên chăng ta sưu tập tuyển chọn giới thiệu những di sản của cha anh để lại (giống như ta đã thực hiện với kho tàng Hán Nôm) đồng thời với những gì ta dịch và viết hôm nay. Không những quan tâm đến các bậc cha anh mà cũng cần phải quan tâm đến những tác giả đương đại [6], các tác giả thế hệ thứ hai viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh xuất hiện khá đông trên thế giới [7].
4. Ta rất cần người dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài, cần dịch văn học nước ngoài ra tiếng nước ta. Thực hiện việc này Việt Kiều trên thế giới thuận lợi hơn người Việt trong nước. Cho nên, nói đến đối ngoại văn học trước tiên ta nên quan tâm đến người Việt ở nước ngoài. Theo tôi biết hiện nay có hơn 500 người Việt Nam nghiên cứu văn học nghệ thuật và sáng tác ở nước ngoài (theo danh sách bạn bè giới thiệu, tôi đang có trong tay, chưa kể các nhà báo, các sử gia, các nhà nghiên cứu khác). Hàng trăm người trong số 500 người ấy có tác phẩm tâm huyết phản ảnh nhiều mặt của người Việt Nam có hoàn cảnh khác hoàn cảnh người Việt ở trong nước. Nên chăng Viện Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam thành lập một bộ phận sưu tập, nghiên cứu văn học nghệ thuật người Việt Nam ở nước ngoài? (Có thể có rồi mà tôi chưa biết chăng?) Nên chăng tổ chức cho người Việt Nam cầm bút trong và ngoài nước gặp nhau (ở trong nước và nước ngoài), giao lưu tìm hiểu, lấp đầy những ngộ nhận vì thiếu thông tin, phát triển những chỗ chung, kiên nhẫn chờ thời gian làm teo lại những dị biệt. Xuất bản và biểu dương những tác phẩm có giá trị như Trung tâm nghiên cứu quốc học đã xuất bản Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác, nhà xuất bản Tôn giáo đối với hàng chục tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh v.v. Bộ phận đối ngoại của Hội Nhà văn thiết lập mạng lưới dịch thuật văn học khắp các vùng trong và ngòai nước. Mở các cuộc thi riêng sách dịch hằng năm. Báo Văn Nghệ, tạp chí Văn học nước ngoài quan tâm hơn nữa thông tin thời sự văn học nghệ thuật thế giới và Việt Nam ở nước ngoài. Tôi nghĩ những việc thông thường nầy trong tầm tay của các ngành chức năng. Nếu được thực hiện tốt chuyện hội nhập của văn học Việt Nam sẽ khởi sắc lên ngay.
5. Về tổ chức, Việt Nam chưa có Viện Hàn lâm Văn học thì hãy bổ sung thêm vào Hội đồng Lý luận-Phê bình VHNT TW những người tiêu biểu ở các vùng miền, đặc biệt trong Hội đồng phải có các thành viên giỏi ngoại ngữ (Nga, Trung, Anh, Pháp, Tây Ban Nha) để có thể tham mưu cho Trung ương đánh giá đúng sự đóng góp của các nhà văn và giá trị đích thực của các tác phẩm văn học. Các báo, tạp chí Văn học cần có những trang phê bình văn học thực sự chứ không nương tay, nâng bi hay xuê xoa lâu nay. Và cũng cần đào tạo, bồi dưỡng lực lượng phê bình văn học mới cho tương lai.
Gác Thọ Lộc (Huế), một ngày cuối tháng 9-2008
N.Đ.X (241/03-09)
-------------- [*] Tham luận đã đăng Bản tin Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật của Hội đồng LLPBVHNT Trung ương số 4 tháng 12-2008, tr. 35 đến 39 [1] Ý Nhi, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đức Mậu, Xuân Quỳnh, & Phạm Tiến Duật), [2] Cùng dịch với Kevin Bowen, Curbstone Press: 1999 [3] Tác giả các tiểu thuyết Thở Dài (1963), Vết Thương Dậy Thì (1967), Tôi Nhìn Tôi Trên Vách (1970), Những Sợi Sắc Không, Trong Mưa Móc Hạt Huyền (1970), Bướm Khuya (1971), Nhánh Tóc Sợi Dòn (1972), Mối Thù Rực Rỡ, Eo Biển Ða Tình (1973) v.v. [4] “Tình trạng lão hoá trong sinh hoạt văn học” [Nguyễn Mộng Giác, Nghĩ về văn học hải ngọai, tiểu luận Văn Mới (Cali), 2004 nxb Văn Mới, 2004] cho biết những nhà xuất bản uy tín trước đây [như Văn Nghệ, Thanh Văn, An Tiêm và mới nhất như Văn Mới] ngày càng ngại bỏ tiền xuất bản sách, nhất là loại sáng tác như thơ, tiểu thuyết. Số ấn bản trung bình chỉ lên đến 500, nghĩa là nếu bán hết may lắm lấy lại đủ vốn, cho nên dù sách xuất bản dưới nhãn hiệu nào, đa số trường hợp đều do chính tác giả bỏ tiền túi in lấy sách của mình. “Tình trạng ấy đưa đến một loạt phụ ứng: sách in ra nhiều nhưng chất lượng không bao nhiêu, nhu cầu quảng cáo để bán sách giết chết ngành phê bình, độc giả đứng trước rừng sách nhiều màu không biết nên mua sách nào sau nhiều lần “trao thân lầm tướng cướp” quyết định không mua sách nữa, không có người mua sách thì ngành xuất bản sa sút kéo theo động cơ thúc đẩy việc sáng tác Cái vòng lẩn quẩn không lối thoát ấy có thể xảy ra cả trong nước, nhưng ở hải ngoại trầm trọng hơn do tình trạng lão hoá của sinh hoạt chữ nghĩa.” [5] Phạm Quấc Xá bút danh của TS Phạm Như Khôi (Unesco), được giải Hàn Lâm Thi Ca Pháp với tập Les chansons sous la lune- Những khúc hát dưới trăng, 1993) [6] Như Thích Nhất Hạnh tác giả các tác phẩm viết bằng tiếng Anh Peace in Every Steps, Being Peace, Touching Peace. .. [7] Như Aimee Phan (1977 California– USA) hiện đang sống ở Las Vegas, tác giả tập We Should Never Meet (Collection of short story, 2005);. Andrew X Pham (1967 Vietnam -- USA), sống ở California, tác giả tập Catfish and Mandala.
|