VŨ TRỌNG QUANG
I. HÀNH TRÌNH TẤT YẾU
Bước chân bắt đầu từ khởi điểm Octavio Paz “Giữa im lặng và tiếng nói, đó là thơ”. Vậy thì im lặng hay lên tiếng, có người nói thơ là tiếng nói, và có người cho vô ngôn là một giá trị.
Khi còn bé tôi rất mê xem phim hoạt hình, từ chú chuột Mickey đến Bambi đến Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn, mê tới độ sau này ước ao Việt Nam mình khoảng 20 năm nữa sẽ thực hiện được những bộ phim như vậy. Đến nay khi Bạch Tuyết hoạt hình tổ chức sinh nhật 50 năm, từ hoạt hình phẳng 2D “Vua Sư Tử”…v.v, di chuyển bay vào không gian 3D “Đi tìm Nemo”…, mình vẫn chưa chạy kịp bước đi của Bambi. Thôi thì thông cảm, kỹ thuật họ tiên tiến, xảo thuật họ linh động, chờ thêm 100 năm biết đâu mình sẽ bơi theo kịp chú cá nhỏ Nemo.
Con tôi hỏi “Xạo quá ba ơi! Cá cha của Nemo biết đọc chữ”. Không xạo đâu con, nó khêu gợi trí tưởng tượng của con đó.
Phải tưởng tượng, liên tưởng, bay bổng.
Phải di chuyển.
Thơ di chuyển như những bước chân, nếu gọi bước chân là hiện thực thì chiếc xe đạp là đôi chân trên hiện thực (hay siêu thực), thời gian sẽ gắn cho xe thêm động cơ, không gian sẽ gắn cho bước chân động cơ cánh bay, bay vào và vượt qua khỏi tầng khí quyển. Nếu dừng lại có nghĩa là lùi lại, bước chân mở ra những con đường, từ đường mòn đến đại lộ, nhiều xa lộ giao nhau, từ mặt phẳng đến không gian. Khơi mở, đi và bay mãi. Thơ không dừng lại.
Thơ Mới (còn gọi là Thơ Tiền Chiến) bỏ lại sau những Đường Thi Cổ Điển, đi qua những ràng buộc luật lệ khắt khe. Đi như đôi hia bảy dặm, bay như Tôn Ngộ Không cân đẩu vân, rực rỡ vô cùng. “Tình già” của Phan Khôi, “Lời kỹ nữ” của Xuân Diệu, mấy bài thơ của TTKH …v.v. Ngày xưa những bài này mẹ tôi hay đọc cho nghe, hồi ấy nó thuộc hàng “Top Ten”, nhưng bây giờ rên rỉ như kiểu “Nếu biết rằng tôi đã có chồng. Trời ơi! Người ấy có buồn không?” thì còn là gì nữa, nếu bắt chước con đường Thơ Mới đã đi qua, thì Thơ Mới sẽ buồn lắm, Thơ Mới sẽ cũ đi, như thế có nghĩa ta đắp mồ cho chính thi ca.
Trong thời kỳ này có cuộc hành trình của Xuân Thu Nhã Tập, nhóm này vẫn là dạng phơi mở, đi chưa hết và vẫn tiếp tục (có thể xem như gieo gợi cho dòng thơ hiện đại sau này).
Cuộc sống như một mũi tên lao tới. Có một thời tôi bị thôi thúc bởi những câu thơ Thanh Tâm Tuyền:
“Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
mà hồn mình phơi trên kè đá
chiều không xanh không tím không hồng
những ống khói tàu mệt lả”.
Mỗi lúc mỗi thời điểm phải khác đi, Nguyễn Trãi vĩ đại, Hồ Xuân Hương vĩ đại, Nguyễn Du vĩ đại. Nhưng không vì thế mà rập khuôn tiếp bước. Sau Đoạn Trường Tân Thanh có nhiều hậu Đoạn Trường Tân Thanh, nhưng như mọi người đều biết tất cả bay theo mây và giá trị để lại vô thanh.
Đến ngã tư, dừng lại một chút, thấy một hành khất thổi còi điều khiển xe cộ qua lại; thi sĩ Bùi Giáng:
“Con chim thì ta biết nó bay
con cá thì ta biết nó lội
thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ
nhưng thơ là gì
thì đó là điều
ta không biết”.
Vậy thì càng phải đi tiếp, mênh mông, bát ngát quá. Tìm thơ ở đâu?
Con ruồi sống vài ngày, con rùa sống một hai trăm năm, thời gian nằm trong một hệ quy chiếu, tất cả chỉ là một sát na, tất cả chỉ là chớp mắt. Kim Tự Tháp có mấy ngàn năm, rồi cũng sẽ tan biến. Mặt trời sẽ tắt, vũ trụ rồi sẽ được hình thành từ sự mất đi của vũ trụ khác. Tôi thích nghệ thuật cận đại: Sắp Đặt (Installation) và Trình Diễn (Performance), được tạo dựng tồn tại khoảnh khắc và tự xóa bỏ.
Từ hôm qua đến hôm nay, cổ điển đến hiện đại, chạm vào hôm sau bức tường Max Jacob “Thơ hiện đại vượt qua mọi lời giải thích”, chạm vào mênh mông bức tường Archibald MacLeish “Một bài thơ không nên có nghĩa. Nhưng là thơ”.
Nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng: Thi ca là bước vận động biện chứng tiến hóa đi tới và sáng tạo vượt qua. Nhà thơ là kẻ thất bại trên hành trình từ khởi điểm này đến khởi điểm khác, là kẻ ý thức về đỉnh cao chứ không thể chạm tới đỉnh cao.
II. HIỆN TRẠNG THƠ VÀ PHI THƠ
Và thơ đương đại Việt Nam? Một tra vấn về số mạng sứ mạng của thơ.
Có một số nhiều đôi mắt trăm tuổi nhìn thơ hiện đại khai phá và cách tân qua kính lúp không thiện cảm, nhìn thể nghiệm bằng sự dị ứng và chối bỏ. Do vậy từ lâu thơ chạm phải những rào cản lớn, đó là các biên tập viên dè dặt của nhà xuất bản, những người chọn thơ cho báo chí và tạp chí; dĩ nhiên là họ thực hiện theo sự “nhắc nhở” ở trên: Thơ phải có tiêu chí, phải được định hướng, phải xác định rõ ràng. Đối với thơ không có cái gọi xác định, mà nó ám ảnh tình trạng tâm thức phi xác định. Thơ là giấc mơ đời sống tâm linh, không chịu tầng áp bức nào. Thơ ở vị trí của mức thủy ngân trong nhiệt kế, tự nhiên đo lường ý thức tâm hồn nóng lạnh buồn vui của bản ngã, không gì có thể đè mức dao động ấy. Tiếc thay cũng có những người thỏa hiệp, tự biên tập làm cũ chính mình, nép mình vào trong cánh cửa để chữ được phơi bày ra, vì vậy không khó hiểu khi thơ phi thơ được sản sinh vô tính hàng loạt. Trong guồng máy văn chương thi ca quán tính, cũng có một số khuôn mặt đam mê cái mới đam mê cái khác nhưng cũng tự lệ thuộc quanh quẩn trong vòng tròn đã được vẽ sẵn. Bi kịch ở chỗ thơ chống lại thơ ấy vẫn còn tiếp tục và trở thành bi kịch khác. Có người nói nếu anh giỏi thì thơ phải biết lách, trời ơi! Thơ phải hèn vậy sao?
Nhưng… Thơ chân chính chân thực, Thơ viết Hoa, thơ đích thực không cam chịu cư trú trong bốn bức tường, thơ là hơi thở nên cần nơi thông thoáng đầy đủ dưỡng khí. Cuộc cách mạng viễn thông tạo ra lực nam châm thu hút dòng thơ nỗ lực tìm kiếm, tác giả thơ có điều kiện bày tỏ trọn vẹn, sự thể hiện thể nghiệm được chú ý, sự trung thực được đồng tình; các websites các blogs là nơi chốn được thơ tìm đến (Tất nhiên ở đó vẫn có rác, tự do mà, rác thì môi trường nào cũng có); cuộc cách mạng viễn thông đưa thế giới nằm trong lòng bàn tay, biến dàn vi tính trở thành một nhà xuất bản nằm trong lòng bàn tay, sách in ra mỹ thuật không thua gì ở những nhà in “chính qui”. Những tác giả xuất hiện ở nhà in mini này nhìn thấy “đứa con” được mang khuôn mặt của chính mình mà giá trị là sự hài lòng.
Sự gì tốt, sự ấy hợp với quy luật, chiếm được ưu thế và nhiều ưa chuộng, con đường phát triển không lùi lại của thơ là một xu thế trào dâng trào lưu đi tới chứ không phải những mode thời trang thoáng qua.
Một câu nói rất xưa nhưng luôn đúng “Thời gian là thước đo”. Thi ca nói riêng văn chương nói chung là những mùa xuân, nhưng là mùa xuân đi tới. Đi tới cái khác.
V.T.Q
(SDB14/09-14)