Nghiên Cứu & Bình Luận
Vai trò của người đọc trong việc sáng tạo và cấu trúc văn bản tiểu thuyết "Anh chàng xe điện" của Hitori Nakano
09:03 | 18/11/2014

HỒ TIỂU NGỌC

Thế kỷ XXI là thế kỷ của internet và truyền thông, nơi mọi chân lý và định luật đều gói gọn ở trong hai con số 0 và 1 của ngôn ngữ lập trình mạng.

Vai trò của người đọc trong việc sáng tạo và cấu trúc văn bản tiểu thuyết "Anh chàng xe điện" của Hitori Nakano
Ảnh: internet

Con người của thế kỷ XXI đang tồn tại và được kiến tạo nên từ thế giới mạng hóa, họ bị chi phối và đồng thời cũng bị lệ thuộc vào “thế giới phẳng” (theo thuật ngữ nổi tiếng của Thomas L. Friedman) mà họ đã tạo ra. Cuộc sống trở nên muôn hình vạn trạng hơn dưới sự ảnh hưởng của dòng chảy công nghệ và internet. Diện mạo thế giới thay đổi từng ngày, phát triển và tạo ra những sinh quyển xã hội mới trên mạng xã hội. Nhu cầu của con người, từ đó, cũng tăng lên theo thời đại. Họ khát khao được xích lại gần nhau trong “ngôi làng toàn cầu” (theo Marshall McLuhan trong The global village: transformations in world life and media in the 21st century); và thế giới trở nên trong tầm tay chiếm lĩnh của con người hơn bao giờ hết.

Hai con số 0 và 1 trong ngôn ngữ lập trình máy tính đã tạo nên một hệ hình ngôn ngữ mới - ngôn ngữ nhị phân. “Có thể nói, với ngôn ngữ nhị phân, sức mạnh toàn trị của những nghệ thuật truyền thống đã bị cáo chung, mà văn học là một trong những nạn nhân đầu tiên, tác phẩm văn học đã bị suy chuyển, hoặc ít ra là đã bị biến đổi từ trong bản chất của nó” [1, tr.91]. Chính vì vậy, từ trong ngôn ngữ nhị phân, văn học chuyển mình liên tục để hình thành nên một kiểu loại văn học mới - văn học mạng/máy tính.

Thuật ngữ văn học mạng/máy tính đang ngày một quen thuộc và được sử dụng rộng rãi, trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học đương đại, mà chúng ta, những người đọc hậu hiện đại không thể không chú ý. Với bài viết này, chúng tôi muốn chỉ ra vai trò của người đọc trong việc sáng tạo và cấu trúc một văn bản văn học mạng; cụ thể ở đây, là thông qua tác phẩm Anh chàng xe điện của Hitori Nakano - một cuốn tiểu thuyết đã được văn bản hoá trực tiếp từ một trang diễn đàn mạng tại Nhật Bản.

Anh chàng xe điện (Densha - Otoko) là một tác phẩm văn học mạng điển hình theo đúng nghĩa của thuật ngữ này. Ngay sau khi xuất bản, tác phẩm đã trở thành một hiện tượng văn học của Nhật Bản, vượt qua các tác phẩm viết truyền thống khác để vươn lên trở thành “best - seller” trong nhiều tuần liền. Vậy điều gì đã tạo nên một tác phẩm văn học bán chạy nhất của Nhật Bản? Anh chàng xe điện là một cuốn tiểu thuyết dày 474 trang (bản dịch sang Việt ngữ), được viết dưới hình thức ngôn ngữ đối thoại. Thực chất, Anh chàng xe điện không phải là một văn bản in mang “tính chất tiểu thuyết”, mà nó là một Thread (chủ đề) được rút gọn lại trên một diễn đàn mạng có tên là 2channel, trải qua 57 ngày (14/3 đến 16/5 năm 2004), gồm 29.862 comments, là những mẩu đối thoại liên tục, giữa một bên là nickname Xe điện, với một bên là cả cộng đồng mạng trong trang web 2channel. Trường đối thoại trong tiểu thuyết xoay quanh mối tình của Xe điện với một cô gái có nickname Hermes, là những cuộc trò chuyện, tư vấn của các thành viên thuộc diễn đàn dành cho Xe điện. Thế nhưng, 29.862 comments đã tạo nên diện mạo khác của một trường đối thoại - theo lí thuyết đối thoại của M.Bakhtin, mỗi lời nói luôn nảy sinh trong tình huống đáp lời một lời nói khác. Người ta đã rút gọn từ 29.862 comments đó thành 1919 “bài viết” liên tục, đối thoại với nhau, tạo nên tiểu thuyết Anh chàng xe điện. Cuốn sách được công ty cổ phần Shinchosha xuất bản, với sự cho phép của trang web 2channel. Tuy nhiên, không một ai có quyền tác giả đối với cuốn sách này trong số vô vàn những nickname ẩn danh đó, kể cả nickname Xe điện. Nhà xuất bản thống nhất lấy tên tác giả của Anh chàng xe điện Hitori Nakano, là một cách chơi chữ, nhằm chỉ cộng đồng mạng với tên gọi “Những người độc thân cùng tập trung tại một diễn đàn trên Internet”.

Anh chàng xe điện là một câu chuyện cổ tích có thật giữa cuộc sống xô bồ và nhộn nhịp, nơi những con người cô đơn tìm được tiếng nói chung trong thế giới mạng. Họ là ai, họ là những nickname ảo cùng tìm thấy nhau trên một trang diễn đàn, để rồi chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau thoát khỏi nỗi cô đơn trong cuộc sống thường nhật. Con người hậu hiện đại vốn có thói quen giao tiếp qua mạng xã hội, chat và email, nên sự đánh mất nhân vị trong họ là một thực tại khắc nghiệt, biến tâm hồn của mỗi cá nhân trở thành pháo đài của nỗi cô đơn, thói quen ẩn mình sau những mặt nạ avatar, những bức hình chỉnh sửa cũng khiến họ dần đánh mất cảm giác thực tại, quên đi những kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất của xã hội loài người. Cư dân mạng có thể là bất kỳ ai, họ xuất thân từ nhiều thành phần trong xã hội, làm đủ nghề khác nhau, trong số đó cũng có rất nhiều người là otaku (những người đam mê truyện tranh) như Xe điện… Điều thú vị nhất mà ta có thể thấy khi đọc cuốn sách này, chính là hạnh phúc của Xe điện đã trở thành hạnh phúc chung của cả diễn đàn.

Vậy, vai trò của người đọc trong việc sáng tạo và cấu trúc văn bản tiểu thuyết Anh chàng xe điện là như thế nào?

1. Người đọc với vai trò đồng tác giả

Như đã nói ở trên, Anh chàng xe điện không có tác giả đích thực, hay nói cách khác là tác giả truyền thống đã bị truất quyền khỏi tác phẩm. Vậy câu hỏi đặt ra là ai đã viết nên cuốn sách Anh chàng xe điện mà chúng ta đang cầm trên tay ngày hôm nay? Xin thưa, đó chính là người đọc. Chính người đọc đã tạo nên diện mạo cũng như cốt truyện của cuốn tiểu thuyết này.

Nhưng, người đọc đó là ai? Chắc chắn là không phải những người đang cầm trên tay cuốn tiểu thuyết Anh chàng xe điện như chúng ta. Chúng ta, những người đọc văn bản in của cuốn tiểu thuyết chỉ là dạng người đọc thuần tuý, là công chúng tiếp nhận văn học đơn thuần. Còn người đọc mà tôi muốn nói đến đây, là những nickname ảo trên diễn đàn 2channel, bao gồm những ai đã từng đọc, chia sẻ, và comment ở Thread mà Xe điện là người khởi đi.

Những nickname ảo bình luận trong mỗi comment chính là người đọc, đồng thời họ cũng chính là một phần tác giả của Anh chàng xe điện. Vai trò của những người đọc này vô cùng quan trọng để hình thành nên diện mạo văn bản. Họ vừa đọc comment của Xe điện, vừa đọc các comment của vô số những nickname ẩn danh khác, và đồng thời cũng comment trở lại; cố nhiên, họ chính là một phần tác giả trực tiếp cấu tạo nên văn bản. Ngay bản thân Xe điện, là một nickname ảo thuộc diễn đàn 2channel, anh ta là người đặt vấn đề để tạo nên một Thread, tạo nên trường đối thoại với vô số những thành viên khác trên diễn đàn; thì bản thân anh ta cũng vẫn là một người đọc, đồng tác giả với tất cả những nickname ảo khác. Những thành viên trong diễn đàn này đọc lẫn nhau trong quá trình viết; họ vừa đọc vừa viết, tạo nên một kiểu loại người đọc - tác giả mới, riêng biệt, đậm tính tương tác và luôn nằm trong một lập trường đối thoại, đây là đặc trưng nghệ thuật chỉ có thể tìm thấy ở một văn bản văn học mạng như Anh chàng xe điện.

Giữa người đọc và việc kiến tạo văn bản có mối quan hệ mật thiết, qua lại với nhau; chúng song hành để cùng tồn tại. Đặc điểm này chỉ có thể tìm thấy ở một văn bản văn học mạng, bởi những tính chất đặc thù của nó. Tác phẩm văn học mạng được hình thành dưới hình thức status - comment, có nghĩa là chia sẻ trạng thái và bình luận. Tính chất “đối thoại” để tạo nên trường văn bản là tính chất chủ yếu cấu thành tác phẩm. Như trong tiểu thuyết Anh chàng xe điện chẳng hạn, bản chất của tác phẩm là một trường đối thoại giữa Xe Điện và các nickname ẩn danh khác. Họ chia sẻ trạng thái và bình luận lẫn nhau, tạo nên diện mạo của tác phẩm. Cho nên, ta không thể phân biệt được đâu là người đọc, đâu là tác giả, bởi câu chuyện mà họ dệt nên được chính là câu chuyện chung của cả diễn đàn mạng 2channel.

Văn học mạng ra đời đánh dấu cho một kiểu loại sáng tác mới - đồng kiến tạo văn bản. Thời hậu hiện đại là lúc vai trò của người đọc được lên ngôi, không còn chỉ là công chúng tiếp nhận văn học đơn thuần nữa, mà đã vươn lên trở thành đồng tác giả. Người đọc giờ đây được phân loại thành nhiều tầng, bậc; có loại người đọc là công chúng tiếp nhận đơn thuần; nhưng lý thuyết của Mỹ học tiếp nhận hiện đại đề cao vai trò của độc giả đồng sáng tạo, bổ sung và cấu tạo nên cốt truyện và ý nghĩa cho tác phẩm. Anh chàng xe điện là một tác phẩm tiêu biểu cho kiểu loại người đọc đồng tác giả này. Giữa những nickname ảo có một mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau để hình thành nên trường văn bản. Ranh giới giữa tác giả và người đọc trở nên mong manh, thậm chí là bị xoá nhoà ở trong tác phẩm. Đây chính là sự tương tác của người đọc đối với kiến trúc văn bản trong tác phẩm Anh chàng xe điện. Sự tương tác này tạo nên một “cộng đồng viết” (writing community) mang tên Hitori Nakano - chiếc “mặt nạ tác giả” bí ẩn nhưng hết sức kỳ thú, theo cách nói của Phan Tuấn Anh.

2. “Mặt nạ tác giả” - Hitori Nakano

Như đã nói ở trên, ta có thể thấy rằng tác giả thật sự của Anh chàng xe điện chính là một “cộng đồng viết”. Chính cộng đồng tác giả này đã tạo nên chiếc “mặt nạ tác giả” (author’s mask) - Hitori Nakano. Thực chất, Hitori Nakano chỉ là một tên gọi chung để chỉ “Những người độc thân cùng tập trung tại một diễn đàn trên Internet”, là căn cước chung cho toàn bộ những người đọc - tác giả cùng kiến tạo nên tác phẩm Anh chàng xe điện. Điều thú vị ở một tác phẩm văn học mạng như thế này là đến cả tác giả cũng có cấu trúc riêng, bởi nó được tạo nên bởi “một đám đông có kết nối về mặt ngữ nghĩa” [2,tr.257]. Vậy cấu trúc của “mặt nạ tác giả” - Hitori Nakano bao gồm những thành phần nào?

Theo Phan Tuấn Anh trong tiểu luận Anh chàng xe điện của Hitori Nakano - Sự khiêu khích với những ranh giới, đầu tiên, xuyên suốt và tiêu biểu cho cả tác phẩm đó chính là nickname Xe điện. Có thể nói, nếu xét về chỉnh thể nghệ thuật đơn thuần của một tác phẩm văn học thì Xe điện chính là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Anh chàng xe điện. Tuy nhiên, vai trò nhân vật trung tâm này lại chính do anh chàng xây dựng nên bởi những comment đầu tiên của mình. Chính những comment cầu cứu, kêu gọi đầu tiên của Xe điện đã thúc giục, lôi kéo và kích thích các nickname ẩn danh khác cùng lập nên Thread. Và xuyên suốt tác phẩm, những comment của Xe điện luôn là trung tâm của mọi sự đối thoại. Tất cả các câu chuyện trong tác phẩm đều xoay quanh câu chuyện đầu tiên mà anh chàng khơi mào. Chính vì vậy, nickname Xe điện giữ vai trò tạo lập trước tiên đối với mặt nạ tác giả Hitori Nakano.

Tuy nhiên, nếu chỉ một mình nickname Xe điện không thôi thì sẽ không tạo được một trường đối thoại cấu tạo nên tác phẩm Anh chàng xe điện; nên ở đây, chúng tôi muốn xét đến thành phần thứ hai cấu tạo nên chiếc mặt nạ tác giả Hitori Nakano, đó chính là vô số những nickname ảo khác thuộc cộng đồng mạng 2channel. Xoay quanh những comment của Xe điện là gần hai chục ngàn comment động viên, tư vấn, cổ vũ của những nickname ẩn danh khác. Có thể nói rằng, chính những nickname ảo này của cộng đồng mạng 2channel mới chính là thành phần nòng cốt để tạo nên chiếc mặt nạ tác giả Hitori Nakano. Từ câu chuyện trung tâm là tình yêu giữa Xe điện và Hermes, xoay quanh đó còn là những câu chuyện ngoài lề mang tính chất “tiểu tự sự” của từng nickname ẩn danh trong diễn đàn 2channel. Các câu chuyện “đan khảm”, lồng ghép với nhau phi logic vào câu chuyện chung của Xe điện; tạo nên những trường đối thoại nhộn nhịp, thú vị, đặc trưng cho kiểu loại văn học mạng. Từ đó, ta thấy được tầm quan trọng của các nickname ẩn danh khác trong việc hình thành nên diện mạo tiểu thuyết Anh chàng xe điện.

Nhưng để tạo nên được tác phẩm Anh chàng xe điện, chỉ Xe điện và những nickname ẩn danh khác thuộc diễn đàn 2channel thôi thì chưa đủ, mà đằng sau cuốn sách dày 474 trang bản in còn có một kẻ giấu mặt đầy uy quyền, là mảnh ghép cuối cùng cho chiếc mặt nạ tác giả bí ẩn Hitori Nakano. Vậy kẻ giấu mặt này là ai, và hắn có vai trò gì trong tác phẩm? Xin thưa, hắn chính là kẻ đã kỳ công cắt xén, rút gọn từ 29.862 comments trên diễn đàn 2channel thành 1919 “bài viết” trong văn bản in; chính là kẻ đã chia cuốn sách thành bảy chương với những tiêu đề khác nhau; là kẻ đã ghi lời chú thích, chú giải cuối văn bản; và cũng chính hắn đóng vai trò là người dẫn truyện thoắt ẩn thoắt hiện trong tiểu thuyết. Vậy chúng ta hãy tạm gọi hắn ta là “người biên tập”.

Như vậy, có thể thấy rằng, chính cộng đồng viết đã tạo nên bộ mặt tác giả của thời hậu hiện đại, mà tiêu biểu là văn học mạng. Hitori Nakano là chiếc mặt nạ đại diện cho nhiều thành phần tác giả của tiểu thuyết Anh chàng xe điện. Trong số những thành phần tác giả đó, ai cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc cấu trúc nên văn bản văn học mạng, tạo nên được nét riêng biệt, độc đáo của thời hậu hiện đại.

3. Phân loại người đọc

Văn học mạng ra đời chứng kiến sự lên ngôi của người đọc với vai trò đồng tác giả. Anh chàng xe điện là một văn bản được tạo nên bởi chính những người đọc đồng tác giả này. Cộng đồng viết đã xây dựng nên diện mạo, cốt truyện của tác phẩm. Chính vì vậy, việc phân loại người đọc đồng tác giả trong tác phẩm là cần thiết để thấy rõ được thành phần cấu tạo nên trường đối thoại trong tác phẩm.

Vậy, những người đọc kiêm tác giả trực tiếp của Anh chàng xe điện là những ai? Trong vô số những nickname ảo xuất hiện trong tác phẩm, trừ nickname Xe điện ra, chúng tôi có thể phân loại thành một số dạng người đọc như sau:
 

STT

Kiểu loại

Số thành
viên

Lượt bình luận

Ví dụ

1

Nam độc thân

Đa số

Khoảng
1447

Tên: Ẩn danh. Ngày đăng bài: 18/03/2004
00:55 [4,tr.60]

2

Nam có
người yêu

Thiểu số

Khoảng
20

Tên: Ẩn danh. Ngày đăng bài: 18/04/2004
12:55 [4,tr.210]

3

Con gái/
Phụ nữ

Hiếm

Khoảng
21

Tên: Con gái 1. Ngày đăng bài: 18/03/2004
10:01 [4,tr.60]


Dựa vào bảng thống kê trên, ta có thể dễ dàng hình dung được một diễn đàn mạng là bao gồm những thành phần nào của xã hội. Họ là ai, và vì sao họ lại chọn đến một trang web để chuyện trò thay vì một cuộc nói chuyện trực tiếp ở ngoài đời?

Thứ nhất, thành phần Nam độc thân, họ là thành phần đông đảo trong một diễn đàn mạng như 2channel. Và với Thread mà Xe điện đã tạo ra, họ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc động viên và cổ vũ tinh thần cho anh. Vì cơ bản họ tìm thấy sự đồng cảm, mối tình của Xe điện sẽ cổ vũ cho họ mạnh dạn đi tìm kiếm hạnh phúc và tình yêu. Xe điện khi tạo ra Thread này, bản thân anh ta cũng đang là một nam độc thân; và sự kêu gọi giúp đỡ của anh cũng là sự “ao ước” của biết bao nhiêu nam độc thân khác mong muốn được cất lời, được nhận thông điệp và chia sẻ.

Thứ hai, thành phần Nam có người yêu, họ cũng là một thành phần độc giả trong diễn đàn 2channel. Họ chiếm số lượng không nhiều như thành phần nam độc thân, nhưng với câu chuyện mà Xe điện đã khơi mào, họ cũng thấy thú vị và đã tham gia Thread nhằm động viên và truyền đạt kinh nghiệm. Tất nhiên, trước khi có người yêu, họ cũng đã từng là những nam độc thân, và với tư cách là những người đã “tốt nghiệp” văn bằng độc thân, họ truyền lại kinh nghiệm để giúp đỡ Xe điện chinh phục Hermes.

Thứ ba, thành phần Giới nữ, họ chiếm số lượng không nhiều trong diễn đàn 2channel, bởi đây là một diễn đàn mà thành phần nam độc thân chiếm số lượng áp đảo. Tuy nhiên, ta vẫn tìm thấy vài bóng dáng thấp thoáng của chị em trong Thread mà Xe điện đã khơi mào. Đứng trên lập trường là phái nữ, họ đã đưa ra những ý kiến, cảm nghĩ của bản thân, giúp cho Xe điện và các nam độc thân khác hiểu rõ thêm về tâm lý giới nữ; đồng thời, cũng góp phần cổ vũ, thúc giục Xe điện trong câu chuyện tình yêu với Hermes. Và có thể nói rằng, trong tình yêu, phụ nữ/ thanh nữ cũng mãnh liệt không kém gì đàn ông.

Tất cả những thành phần kể trên, họ là bộ mặt chung của một cộng đồng mạng, mà cụ thể ở đây là cộng đồng 2channel. Với câu chuyện mà Xe điện đã khởi xuất và kích hoạt, những con người vô danh đó đều tham gia và đã giúp đỡ anh trong quá trình đi đến tình yêu với Hermes. Ngoài cuộc đời thật, họ vẫn là những cá thể khác nhau, riêng biệt, mỗi người có một diện mạo, công việc và đời sống cá nhân khác nhau; nhưng khi đến với diễn đàn 2channel, chính mỗi người trong họ đều mang cho mình một “lý lịch” chung, có cùng họ hàng, đó là cư dân mạng. Tất cả nhóm họ đều đeo chung một cái mặt nạ “ẩn danh” để tham gia vào Thread, biến câu chuyện của Xe điện thành câu chuyện chung của bản thân mình. Và họ đã giúp đỡ Xe điện một cách tự nguyện, nhiệt tình dù cho không biết anh là ai. Phải chăng trong câu chuyện cổ tích có thật giữa đời thường này, họ - những nickname ẩn danh - chính là những ông bụt và bà tiên của ngày xưa - những hình tượng ẩn dụ để chỉ về những tình cảm và hành động tốt đẹp, thiêng liêng đối với con người trong thời hiện đại?

Tác phẩm văn học chỉ tồn tại khi tồn tại người đọc, dù có khi đó là người đọc ẩn tàng mà tác giả hướng đến. Đó là đối với tác phẩm văn học viết nói chung. Còn với Anh chàng xe điện, một tiểu thuyết văn học mạng tiêu biểu, thì vai trò của người đọc đồng sáng tạo lại có một vị trí và chức năng riêng. Người đọc đồng sáng tạo này không phải là những nhà phê bình văn học tài năng, chuyên nghiệp mà họ chính là những nickname ẩn danh bình thường cùng tình cờ và sau đó, kết nối thành nhóm tham gia tạo lập diễn biến câu chuyện, để cuối cùng hình thành nên tác phẩm văn học mạng. Chính vì vậy, vai trò của người đọc đồng sáng tạo trong cấu trúc văn bản Anh chàng xe điện đã trở thành điển hình cho một tác phẩm văn học mạng nói chung.

H.T.N
(SH309/11-14)


Tài liệu tham khảo:

1. Phan Tuấn Anh (2009), “Ngôn ngữ nhị phân - Đặc điểm kiến tạo văn hoá nghệ thuật hậu hiện đại”, Tạp chí Sông Hương, số 249, tr.90-95.
2. Phan Tuấn Anh (2012), “Anh chàng xe điện của Hitori Nakano - Sự khiêu khích với những ranh giới”, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1&2, tr.253-274.
3. Lê Huy Bắc (chủ biên), Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
4. Hitori Nakano (2011), Anh chàng xe điện, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
5. Hitori Nakano và tác phẩm Anh chàng xe điện, phongdiep.net  







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Con đường thơ (03/11/2014)