Nghiên Cứu & Bình Luận
Nguyễn Công Trứ, thông reo Ngàn H[h]ống
07:57 | 27/04/2015

ĐỖ LAI THÚY

Ngồi buồn lại trách ông xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

                         (Nguyễn Công Trứ)

Nguyễn Công Trứ, thông reo Ngàn H[h]ống
Nguyễn Công Trứ - Ảnh: internet

Đọc Nguyễn Công Trứ, ai cũng cảm thấy ở thi nhân hai nhịp mạnh là chí nam nhi tư tưởng hành lạc. Đọc sâu ông, vì vậy, thực chất là lý giải hai chiều kích đối lập nhau trong một con người này. Nếu nhìn Nguyễn Công Trứ chỉ như một nhà nho thuần túy thì đó là một nan đề bất khả giải. Còn coi ông như một nhà nho đã cườm vào những yếu tố phi nho thì đó là sự mâu thuẫn giữa Nho giáo và tư tưởng Lão Trang được dùng như một biện chính cho hành lạc. Và, để thống nhất hai mâu thuẫn trên, người ta thường đặt chúng kế tiếp nhau trên trục thời gian đời người: trẻ Nho già Lão. Nhưng, vấn đề là, ở Nguyễn Công Trứ, hành đạo và hành lạc lại tồn tại đồng thời, cùng lúc xoắn luyến nhau suốt cuộc đời nhà thơ. Gỡ tiếp nút thắt trên, Trương Tửu coi đấy là sự trả thù trái khoáy, cả ở cạnh khía cá nhân lẫn trên phương diện đẳng cấp, của một nhà nho với tầng lớp phú hộ trên chính điểm mạnh của nó là sự ăn chơi bằng một ăn chơi khác, có nghệ thuật, có triết lý(1). Đọc sau những đọc trên, tôi muốn tìm một thông diễn khác.

Con người, tôi nghĩ, là một động vật lưỡng thê. Trước hết, trong mỗi con người, ở cội nguồn vô thức của nó, theo S.Freud, bao giờ cũng tồn tại cùng lúc những xung năng đối lập nhau, nhưng lại tương tác với nhau, như yêu ghét, nguyên lý khoái lạc và nguyên lý thực tiễn, bản năng sống (eros) và bản năng chết (thanatos)... Những đối lập nhau này, ở Nguyễn Công Trứ, trên tư cách là một con người sinh học, đó là hành đạo và hành lạc. Còn với tư cách là một nhà nho, ở cội nguồn tinh thần của nó, là tư tưởng Nho giáo và tư tưởng Lão Trang. Nho giáo Việt Nam chỉ hưng thịnh từ Lê Thánh Tông, nên trước đó, để thích nghi tồn tại, nó phải dung hòa ít nhiều với Phật giáo và Lão giáo. Sau một thời kỳ độc tôn, đến Lê mạt, nó lại phải hòa đồng lần thứ hai, mà Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm là tác phẩm tiêu biểu cho tư tưởng tam giáo đồng nguyên này. Có điều với các nhà nho tài tử ở giai đoạn này thì tư tưởng đạo gia cao thâm huyền nhiệm trở thành triết lý biện chính cho tư tưởng hành lạc. Hơn nữa, ở giai đoạn này, sự phát triển của đô thị thương mại, của tư tưởng thị dân đã ngấm dần vào các nhà nho khiến ý thức cá nhân ở họ bước đầu phát triển(2). Điều này làm cho con người không còn trùng khít với chính bản thân nó nữa: trong con người có một con người. Tức, ở Nguyễn Công Trứ, trong con người nhà nho có con người Trang Tử. Hai con người đối lập nhau này, hành đạo và hành lạc, song song tồn tại vừa phải ứng xử với xã hội bên ngoài, vừa phải ứng xử nội bộ, tức ứng xử giữa hai con người bên trong này với nhau, để tìm ra một phương án tối ưu cho tồn tại, trước hết, của Nguyễn Công Trứ.

Tư tưởng hành đạo của nhà nho nói chung, như một thuộc tính của anh ta, được Nguyễn Công Trứ gọi bằng một cái tên rất đặc thù cho/của ông: Chí nam nhi.

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả trả vay.
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ,
Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh.
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ?
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,
Quyết ra tay trèo lái trận cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên đấng anh hùng đâu đó tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.


Căn cốt của chí nam nhi, như vậy, vẫn là con đường nho gia truyền thống: học hành thi đỗ làm quan hành đạo. Đây là thông lộ/ lệ dẫn đến nghề làm quan/ thư lại thuần túy. Nhưng đấy cũng là niềm mơ ước của Nguyễn Công Trứ và các nho sinh cùng thời với ông. Bởi lẽ, suốt Lê mạt, chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn thống trị khiến Nho giáo bị mất giá, thi cử bị đình hoãn. Đến Nguyễn sơ, đất nước thống nhất trở lại, Nho giáo được khôi phục để làm công cụ xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế mới. Đấy là chưa kể lúc này phong khí nho gia lên cao vì nhà Nguyễn tiếp tục xiển dương Tống nho (Tân Khổng giáo) và, do đó, cho rằng mình chính thống hơn nhà Thanh dị tộc(3). Khoa cử, con đường tiến thân duy nhất này, là một khát vọng, một lối thoát với chàng trai nghèo nhưng giàu chí tiến thủ, tài năng nhưng lận đận trường ốc.

Tuy nhiên, với Nguyễn Công Trứ, bằng những trải nghiệm đời sống riêng của mình, ông đã “lạ hóa” lối mòn này, truyền cho nó một sức hấp dẫn mới, một động lực mới. Trước hết, những hình tượng ám ảnh của thời thơ ấu về những nhân vật “dọc ngang ngang dọc” một thời như Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Ánh... còn để lại nhiều dư vọng. Đấy là thời người ta có quyền chọn chủ: theo/ chống Lê Trịnh, theo/ chống Tây Sơn, theo/ chống Nguyễn Ánh, hoặc chính mình trở thành, nếu có tài năng hoặc cơ may lịch sử, trở thành những nhân vật thời đại. Nay những dư ảnh trên được tháp vào con người hành đạo nho gia để trở thành một quan niệm sống mới, tích cực hơn, ít nhiều thích nghi khuôn khổ của chế độ chuyên chế nhà Nguyễn giai đoạn đầu. Đó là quan niệm con người sống ở trên đời này phải để lại một sự nghiệp, tức để lại danh tiếng, như “trâu chết để da, người ta chết để tiếng”:

- Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông

- Có sự nghiệp đứng trong trời đất
Không công danh thì nát với cỏ cây

- Vũ trụ giai ngô phận sự
Chẳng công danh chi đứng giữa trần hoàn


Có lẽ thế, nên trong cuộc đời của mình, Nguyễn Công Trứ không cam tâm làm một viên quan thư lại thuần chủng. Ông đã trở thành một nho tướng dùng mưu lược của mình dẹp yên các cuộc bạo loạn của nông dân và những tộc thiểu số câu kết với bọn giặc cướp ở biên giới miền núi phía Bắc, vùng duyên hải phía Đông, đứng đầu là Nông Văn Vân, Phan Bá Vành... Hoặc lập các chiến công thành Trấn Tây ở phía Nam đất nước. Ngoài ra, ông cũng còn là người có tầm nhìn xa trong việc quai đê lấn biển mở ra hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn cho dân nghèo và những người, do nghèo, đã từng làm loạn, được yên bề làm ăn sinh sống.

Một con người với tài năng và ý chí như vậy đã trở thành ngoại cỡ với khung khổ của chính quyền chuyên chế. Từ vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị đến vua Tự Đức đều không thể dùng ông và cũng không thể không dùng ông. Con đường hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ, vì thế, lên voi xuống chó thất thường, lúc thì chỉ một vài năm đã lên tới thượng thư, tổng đốc, lúc thì đùng một cái xuống làm lính thú nơi biên ải. Chuyện kể rằng khi ông mặc áo lính đến trình diện tuần vũ Quảng Ngãi để chờ lệnh phái đi đồn thú thì viên quan chủ tỉnh này cứ nhất thiết bắt ông thay đổi binh phục và mời ngồi lên ghế. Ông điềm nhiên nói: khi làm đại tướng tôi không lấy làm vinh, nên khi làm tên lính cũng không lấy làm nhục, quan lớn cứ để tự nhiên cho. Sở dĩ Nguyễn Công Trứ có “thái độ trò chơi” như vậy, tôi nghĩ, ông coi “gian nan là nợ anh hùng phải vay”.

Từ quan niệm tam tài, trong đó con người là gạch nối giữa trời và đất, Nguyễn Công Trứ cho rằng người anh hùng, trong đó có ông, là sự chung đúc của khí thiêng sông núi: “Thiên phú ngô, địa tái ngô/ Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý./ Dã thị giang sơn chung tú khí, Quả nhiên đài các xuất danh công” (Trời che ta, đất chở ta/ Trời đất sinh ta vốn có chủ ý./ Vốn là non sông chung đúc khí tốt lại./ Quả nhiên làm được một người có danh vọng ở nơi đài các). Người anh hùng, do vậy, mang nợ trời sinh đất dưỡng. Giống như người Kitô hữu, sinh ra đã mắc tội tổ tông, nên sống với anh ta là một quá trình chuộc tội. Còn với Nguyễn Công Trứ, sống là một quá trình trả nợ. Đầu tiên là nợ gian nan, bởi chỉ có gian nan mới tôi luyện nên người anh hùng, rèn nên chí khí của anh ta, dù cái chí ấy, xét cho cùng, vốn là một thuộc tính (chứ không phải công năng) của người anh hùng.

Đọc Nguyễn Công Trứ, vì vậy, có thể thấy từ chí nợ có khả năng thay thế nhau trong một loạt các trường hợp như chí/ nợ nam nhi, chí/ nợ tang bồng... Có chí để trả nợ và để trả nợ nên có chí. Nợ và chí thống nhất với nhau, tuy hai mà một. Như vậy, Nguyễn Công Trứ tự đeo vào mình rất nhiều món nợ và quyết tâm trả nợ, đặc biệt là nợ tang bồng:

- Nợ sách đèn đem nghiên bút trả xong
Duyên ngư thủy hội long vân còn đó

- Tài bộ thế mà công danh lại thế
Nợ trần hoàn quyết trả lúc này xong
- Đố kị sá chi con tạo hóa
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
- Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
- Nợ tang bồng trang trắng mặt nam nhi

Đấy là trách nhiệm của kẻ sĩ, một nhân vật kết tinh lý tưởng của nho gia. Nguyễn Công Trứ bao giờ cũng tự nhận mình là kẻ sĩ, hành động theo lý tưởng kẻ sĩ. Bài Kẻ sĩ của ông không chỉ cho chúng ta một kẻ sĩ lý tưởng chung cho mọi nhà nho, mà còn là một kẻ sĩ mang đậm dấu ấn của nhà nho thời Nho giáo phục hưng đầu Nguyễn:

Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên.
Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
Từ Chu, Hán, vốn sĩ này là quý.
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu đễ
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường.
Khí hạo nhiên chí đại chí cương,
So chính khí đã đầy trong trời đất.
Lúc vị ngộ, hối tàng nơi bồng tất,
Hiêu hiêu nhiên, điếu Vị, canh Sằn,
Xe bồ luân chưa gặp Thang, Văn,
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị,
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí,
Hồi cuồng loan nhi chướng bách xuyên,
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.
Trong lăng miếu ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy vạch mũi can tương.
Sĩ làm cho bách thế lưu phương,
Trước là sĩ sau là khanh tướng.
Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ chi gian, giai phận sự,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng.
Nhà nước yên mà sĩ được ung dung,
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch.
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,
Tiêu dao nơi hàn cốc thâm sơn.
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi,
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh.
Này này sĩ mới hoàn danh.


Bài thơ chia cuộc đời kẻ sĩ, đúng hơn hành trình một nhà nho trở thành kẻ sĩ, ra ba giai đoạn: 1) thời hối tàng, tức hàn vi, chờ thời “điếu Vị, canh Sằn”; 2) thời hiển đạt, tức hành đạo, “Trong lăng miếu ra tài lương đống,/ Ngoài biên thùy vạch mũi can tương”; thời nhàn dật, tức nghỉ ngơi, hưởng thụ, “Nhà nước yên mà sĩ cũng ung dung,/ Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch”. Đây là mô hình “ba giai đoạn” tiêu biểu cho mọi nhà nho. Ấn Độ giáo cũng chia đời người thành ba giai đoạn: 1) thời kỳ học tập; 2) thời kỳ làm giàu, hưởng thụ và 3) thời kỳ buông bỏ vào rừng ẩn cư tìm đường chứng ngộ. Con người nên sống hết mình ở từng giai đoạn để khi chuyển sang giai đoạn sau sẽ không còn hối tiếc thì mới mong có thành tựu. Với các nhà nho cũng vậy, cuối đời họ đến với Lão Trang cũng chỉ như một giai đoạn xả hơi, một sống vớt sau một hành trình mệt nhọc, căng thẳng. Riêng với Nguyễn Công Trứ, tuy Lão Trang, mà chủ yếu là Trang, xét cho cùng cũng chỉ là một yếu tố ngoại vi trong hệ tư tưởng Nho giáo, nhưng nó lại tồn tại ngay từ đầu, xoắn luyến với Nho và đi song hành suốt đời ông từ trẻ đến già. Hơn nữa, ông còn coi cuộc đi ấy là cuộc chơi, là trò chơi, là chơi. Không chỉ cầm kỳ thi tửu mới là chơi, mà công danh sự nghiệp cũng là chơi. Điều này, rõ ràng, không nằm trong sơ đồ chung của kẻ sĩ, mà của riêng Nguyễn Công Trứ, do sự quy định của thời đại ông một phần và phần khác, quan trọng hơn, cá nhân ông.

Thời đại Nguyễn Công Trứ, Nho giáo phục hưng trở lại, tuy chủ yếu vẫn ở tầng lớp thượng lưu. Nhưng, đây cũng là thời đại chứng kiến sự phát triển cả nội thương lẫn ngoại/ hải thương đang trỗi dậy trong lòng một xã hội nông nghiệp. Bởi thế, nó cũng là thời đại hình thành các đô thị trung đại và tầng lớp thị dân. Tư tưởng thị dân, vì vậy, tác động không nhỏ đến các nhà nho, trong đó không ít các nhà nho quan lại cũng tham gia vào việc buôn bán, dù là buôn bán cửa sau qua các bà vợ. Người thị dân, khác với người nông dân làng xã “ăn chắc mặc bền” và nhà nho chính thống “an bần lạc đạo”, chăm lo đến việc kiếm tiền để rồi hưởng thụ cuộc sống bằng những đồng tiền kiếm được của mình. Đây chính là nguồn gốc của tư tưởng hành lạc ở Nguyễn Công Trứ và một vài nhà nho khác. Tư tưởng này lại được triết học Trang tử biện chính cho để trở thành triết lý hành lạc. Với Nguyễn Công Trứ, một người sống giữa hai thời đại, hay chí ít tuổi thơ cũng sống với những âm vang của thời đại trước, thời đại anh hùng, nên con người ấy ít nhiều đã bị lưỡng phân. Một mặt, hành đạo hết mình và hành lạc cũng hết mình. Mặt khác, hành đạo và hành lạc, do tồn tại đồng thời, nên ít nhiều có chế ước lẫn nhau. Cả thời thanh/ trung niên sống trong nghèo túng, do ăn chơi và thèm khát ăn chơi, nên khi có điều kiện, Nguyễn Công Trứ coi ăn chơi như một thứ đạo sống: “Nhân sinh bất hành lạc/ Thiên tuế diệc vi thương”, “Cuộc hành lạc chơi đâu là lãi đấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”, “Chơi cho lịch mới là chơi/ Chơi cho đài các cho người biết tay”... Nguyễn Công Trứ, như vậy, không chê cười người thị dân mà chỉ chê cười người thị dân không biết ăn chơi, không phê phán hành lạc mà chỉ phê phán hành lạc không có nghệ thuật, không có triết lý.

Thực ra, cái gọi là hành lạc với các nhà nho cũng chỉ là cầm kỳ thi họa. Các thú chơi này cần phải được học tập, đào luyện để nâng lên thành một nghệ thuật. Có như vậy nó mới trở thành một dấu hiệu khu biệt tầng lớp nho sĩ với các tầng lớp khác trong “tứ dân”. Tuy rằng, so với nho sĩ Trung Hoa, thì ở nho sĩ Việt Nam, tứ thú/ khoái này đã bị hạ xuống một bực qua việc thay họa bằng tửu. Liệu có thể người Việt không dồi dào năng khiếu hội họa? Hay tâm trí Việt thiên về thực dụng, nên muốn bay bổng, thăng hoa phải “dụng tửu”? Chỉ biết rằng với Nguyễn Công Trứ, ông đã chọn hát ả đào cho thú chơi của mình. Hát ả đào chẳng những hội tụ được bốn yếu tố hành lạc trên, cầm kỳ thi tửu, mà còn thêm một yếu tố thứ năm quan trọng nữa là sắc dục. Sự có mặt của người nữ với nhân vật chính là đào hát và các nhân vật phụ là đào rượu, đào chè thuốc điếu đóm... tạo ra một lực hấp dẫn mới với các nhà nho: “Tài tử với giai nhân nợ sẵn”, hoặc “Có yến yến hường hường mới thú”.

Tham dự hết mình vào thú ả đào, nhất là lại tự sáng tác ra các bài ca để đào nương hát, Nguyễn Công Trứ đã góp công lớn vào việc đưa loại hình ca hát này từ cửa đình về phường phố, một sinh hoạt tâm linh thành sinh hoạt đô thị, một diễn ngôn tôn giáo thành diễn ngôn nghệ thuật, hát nói, một thể loại thơ mới trong văn học Việt Nam. Loại hình sinh hoạt đô thị này với Nguyễn Công Trứ đã nâng lên đến đỉnh cao. Nó còn tiếp tục phát triển vào nửa sau thế kỷ XIX và đặc biệt nửa đầu thế kỷ XX với cả tầng lớp văn nghệ sĩ trí thức Tây học. Tiếc rằng, đô thị Việt Nam hình thành khá muộn, khoảng thế kỷ thứ XVII - XVIII, còn bị chìm lấn trong một biển tiểu nông. Đô thị chỉ tồn tại như một sự trương nở và phát triển một siêu làng, siêu chợ. Văn hóa đô thị, do đó, còn tồn sinh yếu ớt và chưa đủ bề dày thời gian để hình thành nên một tầng lớp ả đào, có tài năng nghệ thuật, có sắc đẹp, biết giao tiếp, ứng xử, như kỹ nữ của Trung Hoa, đặc biệt Gheisha của Nhật Bản, nhằm lưu giữ và phát triển nghệ thuật hát ả đào nói riêng và các nghệ thuật khác nói chung. Nhưng, chỉ với những gì vốn có, hát ả đào cũng đã tạo ra được một môi trường hành lạc, môi trường nghệ thuật, nơi các nhà nho bộc lộ được con người cá nhân, tuy chỉ là cá nhân tập đoàn, của mình, nơi nhiều dục vọng được thỏa mãn, đặc biệt nơi gặp gỡ và, do đó, nảy sinh những tình yêu tự do ngoài hôn nhân, nơi tài năng nghệ thuật, đặc biệt là hát nói, được phát triển.

Là một cây bút đa tài, đa diện, nhưng sự nghiệp văn chương của Nguyễn Công Trứ tựu lại ở hát nói. Khác với các nhà thơ đương thời quá thiên về thơ chữ Hán, đặc biệt là Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ đi hẳn về phía thơ Nôm. Hát nói, kể cả thơ Đường luật, của ông gần với ngôn ngữ của người bình dân, nhiều ca dao tục ngữ, không nhiều điển cố và đẹp lời như hát - nói - Dương - Khuê. Vốn một người có cá tính mạnh, tình cảm sôi sục, có lý tưởng sống rõ ràng, lại muốn nói hết ra, nên hát - nói - Nguyễn - Công - Trứ phảng phất hơi hướm thơ ngôn chí, một đặc sản của các nhà nho. Nhưng nhờ sống chủ động và sống ý thức dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khi làm vị đại tướng cũng như khi làm tên lính thú, đặc biệt là dám bộc lộ con người đa dục của mình, Nguyễn Công Trứ đã phá vỡ công thức của thơ ngôn chí, khiến hát nói trở thành một thể loại mới. Có thể nói, hát nói Nguyễn Công Trứ là sự hạnh ngộ giữa một cá tính đặc biệt và một tài thơ đặc biệt.

Cuối đời Nguyễn Công Trứ làm Bài ca ngất ngưởng, một bài thơ vừa như một tuyên bố vừa như một tổng kết đời mình:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây cờ đại tướng,
Có khi về phủ doãn Thừa Thiên.
Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi!
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Được mất dương dương người thế thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không tiên, không vướng tục.
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,
Trong triều ai ngất ngưởng bằng ông.


Ngất ngưởng là một ứng xử/ thái độ/ lối sống chỉ sự vượt ra/ lên một mặt bằng nào đó, chiếm lĩnh một độ cao nào đó, nhưng ở trong thế chênh vênh, không vững vàng. Trong ba giai đoạn/ thời điểm quan trọng của cuộc đời bao giờ Nguyễn Công Trứ cũng là tay ngất ngưởng. Khi hiển đạt, ông ngất ngưởng vì mình có tài thao lược. Đến khi về hưu, một thời điểm quan trọng của cuộc đời, người ta thường luyến tiếc, buồn phiền hay vui sướng, cưỡi ngựa về làng thì ông lại ngất ngưởng cưỡi một con bò vàng nhưng đeo đạc ngựa, thậm chí còn đeo một cái mo vào chỗ ấy của con bò cái với dòng chữ “che miệng thế gian”. Sau khi về hưu, ông thường du sơn ngoạn thủy với cô đầu hoặc nàng hầu, đến nỗi “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”. Nhưng rồi khi đã “vào lồng” cũng như ở “ngoài vòng cương tỏa”, tuy ngất ngưởng là vậy, nhưng ông không thoát khỏi một cái lồng lớn hơn là “nghĩa vua tôi”, “đạo sơ chung”. Nghĩa là Nguyễn Công Trứ chỉ ngất ngưởng so với các nhà nho “trong triều”, các nhà nho... không ngất ngưởng. Ông không/ chưa có khả năng phá giới mình để chuyển sang một giới khác. Hay, nói khác, dù suốt đời sống ở mép rìa một hệ hình tư duy nhưng không thể vượt thoát để chuyển sang một hệ hình tư duy khác.

Như vậy, hai chiều kích hành đạo và hành lạc đối lập nhau trong con người Nguyễn Công Trứ đi suốt cuộc đời ông đến đây thì kết lại ở Bài ca ngất ngưởng như một thỏa thuận. Nếu cuộc đời Nguyễn Công Trứ là một cuộc chơi với hai “người chơi” là hành đạo và hành lạc, thì ngất ngưởng là kết quả của cuộc chơi đó. Giả sử hành đạo thắng thì Nguyễn Công Trứ trở thành một nhà nho chính thống, còn nếu hành lạc thắng thì Nguyễn Công Trứ không còn là một nhà nho nữa, mà là một nhà... hành lạc. Cả hai kết quả này đều làm cho trò chơi kết thúc và chúng ta không có được một Nguyễn Công Trứ như đã có. Ngày nay, theo lý thuyết trò chơi, người ta không còn chơi trò chơi “ai thắng ai” nữa, mà chơi trò chơi “cả hai cùng thắng”, đối thủ/ thụi trở thành đối tác để hai bên cùng có lợi. Hành đạo và hành lạc không chỉ đã trở thành đối tác của nhau để cuộc - chơi - Nguyễn - Công - Trứ mà còn tồn tại và làm tiền đề cho những cuộc chơi khác kế tục. Bởi thế, cuộc chơi của Nguyễn Công Trứ với bản thân mình chỉ là cuộc chơi nhỏ lồng trong một cuộc chơi lớn hơn. Đó là Nguyễn Công Trứ, ông được/ bị chơi với cả chế độ quân chủ chuyên chế đứng đầu là hoàng đế. Nhà vua, một mặt phải sử dụng người tài Nguyễn Công Trứ, mặt khác lại sợ tài năng đó ảnh hưởng đến uy thế của mình, nên chơi trò “ân uy”, cây gậy và củ cà rốt. Ân rất lớn như thăng quan vượt cấp, đối xử ân tình: khi đói thì dấu bạc vào phong thuốc lào gửi tặng, khi ốm thì sai ngự y mang thuốc men vượt đường xa đến tận nơi chữa bệnh. Còn uy thì cũng rất ghê: biết không có lỗi mà vẫn hạ chức, thậm chí cách tuột làm lính. Nguyễn Công Trứ đã đối ứng khôn ngoan với “phép thử” này và trong toàn bộ cuộc chơi. Ông không đặt cược toàn bộ đời mình vào hành đạo, mà bao giờ cũng dành cho mình một đường rút đó là hành lạc. Bởi vậy, sự thăng trầm, sự vinh nhục chốn quan trường không ảnh hưởng đến ông. Đây cũng chính là quy ước chơi chung cho mọi nhà nho phi chính thống trong chế độ quan chủ Nho giáo chuyên chế, bởi dù họ có xa chính thống đến đâu thì vẫn cứ là nhà nho. Chỉ khi nào quy ước chơi này bị phá vỡ bởi một quy ước chơi khác của người trí thức Tây học thì trò chơi này mới kết thúc. Như vậy, nguyện vọng của Nguyễn Công Trứ là muốn làm cây thông một mình đứng reo giữa ngàn Hống, nhưng thực tế đời ông, cũng như thơ văn ông, lại là tiếng tranh chấp giữa thông reo (tiếng thanh cao của người quân tử, hành đạo) và ngàn hống (tiếng gầm rú của đại ngàn, của bản năng, hành tạc). Âm thanh này lúc trầm lúc bổng, khi to khi nhỏ, nhưng không bao giờ dứt. Như đời và thơ văn Nguyễn Công Trứ với tính cách là một trò chơi, một người chơi còn lại mãi mãi.

12/2014
Đ.L.T
* Bài viết này được tài trợ của quỹ Khoa học Quốc gia Nafosted - ĐLT.  
(SH314/04-15)

-------------------
1. Nguyễn Bách Khoa, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Nxb. Hàn Thuyên, H., 1944.
2. Nguyeãn Thanh Nhaõ, Böùc tranh kinh teá Vieät Nam theá kyû XVII vaø XVIII, (Nguyeãn Nghò dòch), Nxb. Tri thức, H., 2013.
3. Xem thêm: 1) Y. Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847-1885), (Nguyễn Đình Đầu dịch) Nxb. Tri Thức, H., 2011 và 2) Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Nxb. Thế giới, H., 2013.  








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bến xuân (16/04/2015)