Nghiên Cứu & Bình Luận
Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa - những vấn đề tranh luận
15:19 | 08/05/2015

(Cuộc trưng cầu ý kiến các giảng viên dạy lý luận và lịch sử văn học ở các trường ĐHTH ở Liên Xô)

Ba câu hỏi do Báo văn học nêu lên:

1. Anh có bằng lòng với tình trạng hiện nay của lý luận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không?

2. Anh cho những vấn đề nào của lý luận CNHTXHCN là cấp bách nhất hiện nay?

3. Các tác phẩm vừa lấy ra từ kho lưu trữ văn học và in trên báo chí có được xếp vào lý luận CNHTXHCN trong tình trạng hiện nay của nó không?

Dưới đây là các câu trả lời:

* V.Dakharôp, phó giáo sư ĐHTH Pêtrôdarôt

Dưới ánh sáng của lý tưởng.

1. Không có một lý luận CNHTXHCN hiện đại, phù hợp với tinh thần của thời đại. Có nhiều cuốn sách chuyên khảo và các bài báo, trong đó lặp lại những chân lý hiển nhiên ai cũng biết và vẫn chỉ đưa ra chừng ấy tác phẩm giống nhau để minh họa. Triệu chứng đáng lo là khái niệm "CNHTXHCN" đã không còn là phạm trù của sự phân tích quá trình văn học hiện đại. Đó là sự phản ứng đối với thói kinh viện và giáo điều - khi người ta đã và vẫn thường đang nói về CNHTXHCN theo cái giọng chức vụ hành chính.

2. Việc xây dựng lý luận hiện đại của CNHTXHCN, một lý luận thật sự tính đến kinh nghiệm phong phú của văn học Xô-viết và thế giới. Bất kỳ lý luận nào cũng thể hiện mình trước hết qua định nghĩa. Định nghĩa CNHTXHCN trong điều lệ Hội nhà văn ít ai vừa ý, nhưng cho đến nay nó vẫn quy định đời sống tổ chức của hội sáng tạo, quy định quan điểm của nhiều sách chuyên khảo và nhiều bài báo. Trong định nghĩa đó nhiệm vụ được xác lập thế này: văn học Xô-viết cần phái trở nên như nó được hình dung vào những năm 20 - 30, CNHTXHCN được xác định khá chính xác - "sự phản ánh lịch sử - cụ thể hiện thực" (dù có thể nói chính xác hơn - không phải là sự phản ảnh, mà là sự tái hiện". Thế nhưng phần hai của định nghĩa (" trong sự phát triển cách mạng của nó") lập tức đã thu hẹp lại phạm vi các tác phẩm "được thừa nhận". Thứ nhất, không phải tất cả các thời đại đều có tính cách mạng, tiến hóa - cũng là con đường phát triển. Thứ hai, có không ít lĩnh vực, của văn học, ở đó công thức này trở thành hoặc là ẩn dụ (không có ý nghĩa trực tiếp), hoặc là bịa đặt. Như nhà thơ trữ tình thì có thể nói về sự phát triển cách mạng nào? Tất nhiên trong văn học vẫn có sai số thơ trữ tình cách mạng cũng có xuất hiện. Nhưng dẫu sao đó không phải là con đường chung, đó là ngoại lệ hơn là quy tắc. Tôi xin đề nghị một định nghĩa thế này về CNHTXHCN, "sự tái hiện lịch sử cụ thể hiện thực theo quan điểm của lý tưởng xã hội chủ nghĩa" (cộng sản chủ nghĩa). "Lý tưởng vĩ đại tạo nên nhà văn vĩ đại. Thật lạ lùng là vấn đề này không nằm ở trung tâm của những sự nghiên cứu văn học và khảo cứu xã hội: có những cuốn sách viết "theo đề tài" thiếu những khám phá khoa học và tinh thần. Nhưng giữa đám sách đó đặc biệt có nổi lên những công trình sâu sắc của nhà triết học đã quá cố E.ILencốp được tập hợp trong cuốn "Nghệ thuật và lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa". Tôi tin rằng vấn đề lý tưởng (cả thẩm mỹ, chính trị và triết học) - đó là anpha và ômêga của quá trình văn học hiện đại, là nhiệm vụ của văn học trong điều kiện của cuộc cải tổ.

3. Những tác phẩm văn học bị vùi trong các kho lưu trữ mâu thuẫn với lý luận về CNHTXHCN, chính vì thế chúng phải chờ đợi lâu đến thế cái giờ của mình - ra mắt bạn đọc. Nhưng nếu xem xét chúng dưới ánh sáng của lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà tôi đã nói trên, thì thấy chúng được viết ra theo tinh thần của CNHTXHCN: điều này thể hiện trong thái độ của nhà văn đối với hiện thực, trong sự đánh giá của họ về các sự kiện và nhân vật trong quan điểm cuộc sống. Ở các nhà văn này có lý tưởng cao cả, thực chất lý tưởng đó không mâu thuẫn với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Các tác phẩm của họ làm thay đổi bức tranh của quá trình văn học những năm 20 - 70, vì thế cần phải có không chỉ lý luận hiện đại của CNHTXHCN, mà cả lịch sử mới của nền văn học Xô-viết.

* M.Gicsman, giáo sư ĐHTH Đônhét

Quan điểm thẩm mỹ về thế giới

1. Tình hình hiện nay của lý luận CNHTXHCN, lẽ tất nhiên không làm tôi bằng lòng. Theo ý tôi, sự đào sâu về mặt lý luận và sự soi sáng các khái niệm chung hơn là điều cần thiết để phát triển nó có hiệu quả.

2. Thứ nhất, khái niệm phương pháp sáng tác cần được phát triển về mặt nguyên tắc. Nó cần phải trở thành một khái niệm thẩm mỹ về thế giới và sự tái hiện sáng tạo nó qua ngôn từ. Thứ hai, cũng cần phải tiếp tục soạn thảo bản thân khái niệm CNHT, trước hết là CNHT thế kỷ XX trong sự đặc thù về chất của nó và trong các mối quan hệ của nó với các phương pháp sáng tác khác, trước hết là với chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa tự nhiên, hai phương pháp này cũng phải được nghiên cứu kỹ hơn.

3. Việc đưa vào phạm vi sự phân tích nghiên cứu văn học toàn bộ quá trình văn học của thế kỷ XX đó là điều kiện cần thiết cho việc đào sâu thêm các khái niệm lý luận. Chính với ý nghĩa này mà những tác phẩm lấy ra từ kho lưu trữ nhà văn không hẳn chỉ được lý giải nhờ vào lý luận hiện đại của chủ nghĩa HTXHCN, mà cái chính - tôi tin vào điều này - là chúng sẽ thúc đẩy sự phát triển của quan niệm mang tính khoa học chân chính về cả CNHT nói chung, cả CNHTXHCN.

Mặc dù tất cả những sự khác biệt to lớn của những tác phẩm như "Sông Đông êm đềm" và "Ông chủ và thợ cả Macgrita", "Kinh cầu hồn" và "Về điều đó" bộ ba tự truyện của Gorki và "Hố móng" chúng được thống nhất lại với nhau bởi sự khám phá sâu sắc "quá trình chuyển động hiện thực" của cuộc sống thế kỷ XX, xét trên qui mô lịch sử toàn thế giới. Cho nên chính việc giải thích phương pháp sáng tác của các tác giả những tác phẩm trên đòi hỏi một qui mô như vậy.

* V.Tiupa, phó giáo sư ĐHTH Kêmêrốp

Phép biện chứng là cần thiết.

1. Lý luận CNHTXHCN trong tình trạng hiện nay của nó tôi cảm thấy không còn có thể làm vừa lòng được bất kỳ ai. Dưới mọi biến thể khác nhau, nó là việc lấy khẩu hiệu dùng với tư cách là khái niệm khoa học. Cụm từ "CNHTXHCN" ra đời chính như là một khẩu hiệu có ý nghĩa cấp thiết đối với những năm 30 để thống nhất, tập trung hóa thực tế sáng tạo của các nhà văn Xô-viết. Nhưng khẩu hiệu không có thể thực hiện được chức năng giải thích một cách thỏa mãn. Chính vì vậy mà vẫn còn một số lượng lớn các tác phẩm xuất sắc và nổi bật của thế kỷ XX bị nằm ngoài khu vực vươn tới của lý luận này.

2. Việc soạn thảo khái niệm khoa học về phương pháp sáng tác của văn học Xô-viết đòi hỏi trước hết sự phân tích khoa học - không phải mang tính chất hời hợt, mà là nghiêm túc, có chiều sâu. Mỗi khuynh hướng nghệ thuật quan trọng xuất hiện không phải ngẫu nhiên: sự nảy sinh và phát triển của nó đánh dấu một giai đoạn kế tiếp trong quá trình xã hội suy xét về bản chất và chức năng của hoạt động nghệ thuật. Lý luận và thực tế sáng tạo của các nhà cổ điển dựa trên việc nhận thức bản chất ký hiệu của nghệ thuật. Tương tự, cơ sở của chủ nghĩa tình cảm - là sự phát hiện ra đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật, cơ sở của chủ nghĩa lãng mạn - là đặc trưng sáng tạo, cơ sở của chủ nghĩa hiện thực cổ điển thế kỷ XX - là đặc trưng sáng tạo, cơ sở của chủ nghĩa thực hiện cổ điển thế kỷ XIX là đặc trưng nhận thức. Giai đoạn mới của quá trình văn học thế giới mang tên gọi CNHTXHCN dựa trên việc nhận thức ra bản chất tư tưởng của nghệ thuật.

Bước tiến hóa nghệ thuật này thể hiện ra cả trong bản luận văn Tônxtôi "Nghệ thuật là giờ", cả trong bài báo của Lê-nin "Tổ chức Đảng và văn học có tính Đảng", cả trong định nghĩa phổ biến về CNHTXHCN của điều lệ Hội nhà văn. Bây giờ chúng ta đang đứng trước sự cần thiết phải đi sâu soạn thảo các vấn đề về đặc trưng tư tưởng hệ và chức năng của nghệ thuật ngôn từ (có tính đến tất cả những khám phá mà sự tự ý thức nghệ thuật xã hội đã được thực hiện trong quá khứ).

* V.Prôdôrôp, giáo sư, ĐHTH Xaratôp

Không phải một phương pháp, mà nhiều phương pháp.

1 - 3. CNHTXHCN sinh ra như một khái niệm chính trị là chủ yếu, nó không có được sự giải thích khoa học đủ chặt chẽ, nhưng lại giữ một âm điệu chuẩn mực - đánh giá rạch ròi.

Những sự giải thích mở rộng khái niệm này do các nhà lý luận chúng ta cố gắng đưa ra trong những thập niên gần đây càng làm cho việc luận chứng nó như một phương pháp nghệ thuật thêm kết định và khó hiểu.

Công bằng mà nói thì những dấu hiệu của các phương pháp sáng tác được biểu hiện bằng các tính từ đã không gặp may về mặt niên đại trong khoa văn học. Tính thiếu chính xác của chúng ngày càng trở nên rõ rệt (hãy so sánh: chủ nghĩa lãng mạn tích cựcbảo thủ, chủ nghĩa hiện thực dân chủ - cách mạng đến nay vẫn chưa dứt những cuộc tranh cãi về một định nghĩa đầy đủ của CNHT phê phán).

Đối với thế kỷ chúng ta phải nói cụ thể hơn đâu hết về các phương pháp sáng tác của nền văn học xô viết: CNHT, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa mô đéc...

* V.Curilôp, phó giáo sư, ĐHTH Rôxtôp

Khuynh hướng hay phương pháp?

1. Việc tiềm năng hiện thực chủ nghĩa của nền văn học Xô-viết bị tụt xuống trong những năm 60,70, theo ý tôi, cũng được phản ánh cả trong trạng thái lý luận CNHTXHCN. Đã bị biến mất khỏi văn học không chỉ CNHTXHCN ở nước ta được xây dựng trước hết trên sự khái quát thực tế nghệ thuật đương đại như là sự ý thức khoa học của nó không có gì đáng ngạc nhiên là lý luận CNHTXHCN trong những năm gần đây đã không thể khởi thảo được những tư tưởng tươi mới nào. Cho đến nay khoa nghiên cứu văn học vẫn chưa xây dựng được hệ thống khái niệm và hệ phương pháp phân tích tác phẩm theo quan điểm của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, do đó phạm trù này "không làm việc" trong thực tiễn phê bình và nghiên cứu văn học.

2. Cả một loạt vấn đề gắn với việc chưa soạn thảo đầy đủ lý luận phương pháp sáng tác nói chung. Hiện nay chúng ta vẫn đang xem phương pháp chỉ như một phạm trù của quá trình văn học, dù trước hết nó là phạm trù của quá trình sáng tạo và cần được nghiên cứu theo cách thích hợp, bởi vì nó "sống" hoạt động trong quá trình nhận thức và phản ánh nghệ thuật hiện thực, do đó nó "bao hàm trong mình tất cả nội dung của sự sáng tạo. Ngoài ra, chúng ta còn chưa biết liên kết phương pháp với các khái niệm khác gần gũi với nó. Điều này đặc biệt liên quan khái niệm "thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học" bởi vì phương pháp - đó là những nguyên tắc xây dựng thế giới bên trong của tác phẩm.

Sự phát triển lý luận CNHTXHCN đòi hỏi chúng ta sự phân tích tình hình văn học Xô-viết những năm 60 - 80 theo quan điểm phương pháp: mỗi hiện tượng văn học nổi bật phải được sự định danh chính xác, chỉ khi đó chúng ta mới thấy rõ những phương pháp nào đang tồn tại trong nền văn học chúng ta cái gì trong nó có thể xếp vào CNHTXHCN, còn cái gì không. Chúng ta cần phải phục hồi danh dự về mặt lý luận - trong con mắt của nhà văn và bạn đọc - cho phương pháp hiện thực XHCN, khám phá những khả năng nghệ thuật thẩm mỹ to lớn của nó, những tiềm năng nhiều phần chưa được sử dụng, thông qua tấm gương của những tác phẩm kinh điển của phương pháp mới, trước hết là bộ sử thi "Sông Đông êm đềm" của M.Sôlôkhôp.

3. Từng phần, bởi vì các tác phẩm trong kho lưu trữ nhà văn được công bố thời gian gần đây thuộc về những hệ thống nghệ thuật khác nhau.

* A.Gutôrôp, phó giáo sư, ĐHTH Kháccốp

Chống lại sự rập khuôn

1. Không bằng lòng. Lý luận HTXHCN hình thành trong thời kỳ của cái gọi là "cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt", vì thế nó đã bộc lộ sự phụ thuộc quá mức vào hệ tư tưởng chính trị, hầu như không mang trong mình các thành tố nghệ thuật - thẩm mỹ. Tiếp đó sự phân tích quá trình sáng tạo nghệ thuật đã diễn ra giống như cách thức rập khuôn tính qui chuẩn lên cơ thể sống của chính thể nghệ thuật. Sự xa rời "chuẩn mực" bị coi là tội phạm, mặc dù bản thân quan niệm đó phần nhiều là mang tính thiển cận.

2. Lý luận CNHTXHCN có thể và cần phải được phát triển trong sự tác động qua lại chặt chẽ với sự vận động của bản thân văn học. Chúng ta nhớ: Đôbrôliubôp đã rút ra nhiều quan điểm của phê bình cách mạng dân chủ từ quá trình văn học sống động...

3. Những tác phẩm mới công bố gần đây của A. Platônốp, A. Akhmatôva, A.Tracđôpxki xứng đáng được xếp vào quá trình văn học của thời mình, cũng như vào khung cảnh nghệ thuật hiện đại. Do đó văn học thêm một lần nữa chứng tỏ những cách tiếp cận và những quan điểm hết sức khác nhau trong khi cùng giải quyết những nhiệm vụ chung. Lẽ tự nhiên là, cả khoa nghiên cứu văn học hiện đại (nói riêng, lý luận CNHTXHCN) cần phải có tính biện chứng, tính đến sự phong phú đa dạng của các hiện tượng văn học.

* V.Pêrêvecdin, phó giáo sư ĐHTH Iacút

Triệu chứng đáng lo.

1. Việc biến mất khái niệm "CNHT XHCN" khỏi phê bình đương đại đó là triệu chứng rất nghiêm trọng về thái độ không bằng lòng của những người viết về văn học đối với trình độ soạn thảo lý luận CNHTXHCN. Điều đó theo ý tôi cũng chứng tỏ rằng trong nền văn học Xô-viết có những tác phẩm không có quan hệ gì với CNHTXHCN.

2. Từ đấy nảy sinh sự cần thiết phải giới hạn các khái niệm "văn học Xô viết", "văn học hiện thực XHCN", điều này 20 năm trước G.N. Pôxpêlốp đã nói tới.

3. Như chúng ta vừa thừa nhận khả năng của sự tồn tại trong nền văn học Xô-viết các tác phẩm hiện thực viết không phải theo tinh thần của CNHTXHCN, thì không còn cần thiết phải phán xét về tất cả các tác phẩm chỉ trên quan điểm những nguyên tắc lý luận của phương pháp sáng tác này. "Trái tim chó" chẳng hạn, không chịu được sự kiểm nghiệm như thế, nhưng điều đó không nên có ảnh hướng gì đến số phận ra mắt độc giả của nó. Quan trọng hơn nhiều là việc tập trung suy xét chiều sâu của CNHT phê phán trong tác phẩm đó, suy xét tính nhân dân chân chính của nó, dù điều này có vẻ hết sức nghịch lý, những phẩm chất nghệ thuật - thẩm mỹ và vị trí của nó trong lịch sử văn học trào phúng Xô-viết.

* V.Ayđinôva, giáo sư ĐHTH Uran

Khoảng cách giữa thực tiễn và lý luận

1. Sự phát triển của văn học Xô-viết trong vòng hai chục năm gần đây, đáng tiếc, không đi kèm với việc soạn thảo lý luận của phương pháp hiện thực XHCN lý luận này những năm gần đây hầu như dẫm chân tại chỗ trong sự phát triển của mình. Tình hình như thế không thể được coi là bằng lòng do một loạt nguyên nhân. Thứ nhất, công thức của phương pháp được đưa ra trong điều lệ Hội nhà văn Liên Xô đến gần đây bị coi là không chính xác, gắn liền với nó là toàn bộ "hình ảnh" của nền văn học - gọi là văn học hiện thực XHCN bị méo mó. Tính không chính xác trong việc thay thế phương thức phản ánh, phương thức tư duy bằng đối tượng của sự phản ánh ("sự phản ánh cuộc sống trong sự phát triển cách mạng của nó"). Thứ hai, lý luận về phương pháp bị rút lại không phải ở sự soạn thảo những nguyên tắc của sự phản ánh, mà ở sự giới hạn của lớp hiện thực (yếu tố đề tài, nhân vật...) được phép hay không được phép đưa vào văn học Xô-viết.

Thứ ba, bản thân công thức "sự phản ánh chân thực lịch sử cụ thể cuộc sống trong sự phát triển cách mạng của nó" được hiểu một cách giáo điều, tức là như sự phát triển, sự vận động chỉ theo đường thẳng mà thôi.

2. Theo ý tôi, đặc biệt quan trọng là công việc so sánh đối chiếu một cách căn bản, nghiêm túc văn học Xô-viết hiện đại và những giai đoạn phát triển trước đây của nó với quá trình văn học thế giới.

3. Ngay trước khi công bố các tác phẩm lưu trữ của nhà văn đã thấy rõ ràng nền văn học Xô-viết thể hiện mình là một kiểu phản ánh hiện thực mới và nó tồn tại trong sự đa dạng nghệ thuật rất phong phú. Những tác phẩm mới công bố càng chứng tỏ rõ rệt hơn việc nền văn học chúng ta nhìn cuộc sống sâu sắc và độc đáo đến thế nào. Bản thân sự kiện về cuộc sống mới ngày hôm nay của những tác phẩm được viết ra trước đây đó là một bằng chứng có lợi cho luận điểm về tầm rộng lớn và sự đa dạng của phương pháp nghệ thuật mới. Hơn thế, việc đưa vào văn học hiện đại những tác phẩm của A.Platônôp, M.Bungacốp, A.Tracđốpxki, A. Akhmatôva và các nhà văn khác cho phép nhìn ra những khả năng của phương pháp nghiên cứu cuộc sống của các nghệ sĩ những khả năng này nói chung là bị lý luận CNHTXHCN hiện đang tồn tại loại bỏ (châm biếm, đả kích, bi hài kịch) nhưng xét đến cùng chúng đều phục vụ sự nghiệp của CNXH.

Tôi cho rằng nhiệm vụ của các nhà lý luận còn phải là suy xét khối lượng tài liệu to lớn hiện đang ở trong tay họ. Cho đến nay lý luận và văn học vẫn đang tách rời nhau ở một khoảng cách khá lớn.

PHẠM XUÂN NGUYÊN dịch
Báo Văn học (IG) số 15 (13-4-1988)
(SH34/12-88)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bến xuân (16/04/2015)