Nghiên Cứu & Bình Luận
Một kiểu nhà báo – nhà văn chiến tranh nhìn qua trường hợp Dương Thị Xuân Quý
08:45 | 16/06/2015

Tóm tắt: Nhà báo – nhà văn Dương Thị Xuân Quý  sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941, hy sinh ngày 8 tháng 3 năm 1969.  Bà nguyên là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968.

Một kiểu nhà báo – nhà văn chiến tranh nhìn qua trường hợp Dương Thị Xuân Quý

Tháng 7 năm 1968, bà xung phong vào chiến trường, nhận nhiệm vụ phóng viên Tạp chí Văn nghệ giải phóng  thuộc trung Trung bộ (Khu 5). Đêm 8 tháng 3 năm 1969, trong một trận càn quét ác liệt của quân địch, bà đã hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam Với tư cách là một nhà báo-nhà văn chiến trường, bà tiêu biểu cho một kiểu người viết của Việt Nam những năm chiến tranh trong  ý nghĩa dấn thân, tác nghiệp và sáng tạo.

*
Nhìn lại những năm tháng chiến tranh 1954-1975, có một lớp đông đảo các nhà báo, nhà văn đã rất sớm dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho cuộc kháng chiến của dân tộc, trong số đó có nhiều người đã mãi mãi không về. Cuộc đời và sự nghiệp của họ đã trở thành những vẻ đẹp hào hùng và bi tráng của nền báo chí, văn nghệ dân tộc. Chỉ tính riêng những người vừa làm báo vừa viết văn đã hy sinh, chúng ta dễ dàng nhớ lại những cái tên như Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Định, Vũ Đình Văn, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ và Dương Thị Xuân Quý. Lại xét riêng về nhà báo – nhà văn liệt sĩ là nữ, có thể nói, Dương Thị Xuân Quý là một trường hợp gần như duy nhất.

1. Những năm tháng ấy lạ lắm. Điều khiến mọi người cho đến tận bây giờ vẫn không thôi bỡ ngỡ đó là hàng loạt những thanh niên trên khắp mọi miền Tổ quốc nhất loạt xung phong lên đường nhập ngũ. Biết rằng phía trước là bom rơi đạn nổ, là cuộc sống trăm bề cực khổ, là cái chết rình rập bất cứ lúc nào, nhưng họ vẫn lên đường với khí thế sôi nổi, hào hứng của tuổi trẻ, chấp nhận hy sinh, gác tình riêng vì nghĩa lớn, thậm chí có người còn viết đơn đầu quân bằng máu, có người còn trốn nhà đi nhập ngũ…

Nhà báo – nhà văn Dương Thị Xuân Quý là một trường hợp vẫn khiến ta chưa hết ngỡ ngàng và cảm động. Khi đang là phóng viên của báo Phụ nữ Việt Nam, chị xung phong vào chiến trường Quảng Nam-Liên khu 5, nơi có người chồng là nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng đã vào đó trước một năm. Lúc ấy, đứa con gái của chị mới 16 tháng tuổi. Chị gửi cháu cho bà ngoại nuôi ở nơi sơ tán. Thế rồi chị lên đường. Từ bấy trở đi, trong các dòng nhật ký, trong những bức thư gửi chồng, gửi bè bạn, tràn ngập một nỗi nhớ thương con. Có những dòng nhật ký chỉ ghi lên những lời gọi con da diết, quằn quại: “Ly-Bé Ly/Ly ơi! Ly ơi!/Bé Ly đâu rồi/Ra đây mẹ bế/Ly ơi Ly ơi/ Ly Ly Ly…”(Bút tích, in trong Dương Thị Xuân Quý-Nhật ký, tác phẩm, NXB Hội nhà văn, 2007). Một nỗi nhớ như điên như dại. Đọc lại những dòng  bút tích này, vẫn thấy nhói đau trong ngực. Nỗi nhớ của Dương Thị Xuân Quý thật tự nhiên song cũng thật lớn lao. Có người mẹ nào trên thế gian này không yêu không nhớ con khi phải xa con, nhất là khi con còn bé bỏng. Nỗi nhớ càng cào xé hơn nữa khi chị đang sống và làm việc giữa vùng chiến địa ác liệt, cái sống cái trên khôn lường.

Cho đến bây giờ không ít người vẫn đặt câu hỏi: Có người mẹ nào như Dương Thị Xuân Quý dám bỏ con ở lại để đi vào chỗ khổ, chỗ chết hay không? Theo tôi nghĩ, không nên đặt câu hỏi như vậy, mà nên đặt câu hỏi: Cuộc sống như thế nào mà thôi thúc người mẹ ấy dám bỏ con ở lại để đi vào chỗ khổ, chỗ chết? Vâng, cuộc sống lúc ấy là một cuộc lên đường vĩ đại, hào sảng, hoàn toàn tự nguyện của cả một dân tộc quyết không chịu khuất phục, không chịu mất nước. Đi ra trận được hình dung như một bài ca thường trực của tất cả mọi người: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây-Phạm Tiến Duật); “Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế /Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ /Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào: “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…” (Cuộc chia ly màu đỏ-Nguyễn Mỹ)…Không thể gì hơn, đó là điều kỳ diệu mà vĩ đại của Tổ quốc một thời đánh giặc.

Sau này, nhà văn Nguyên  Ngọc hồi nhớ lại: “Quý chết ở vùng sâu, lúc ấy anh em chúng tôi, đồng nghiệp đồng chí của chị đều ở xa. Không ai nghe được lời nói cuối cùng của chị khi ngã xuống. Riêng tôi, tôi cứ tin lời cuối cùng của chị là một tiếng gọi: Con!” (Bài Dương Thị Xuân Quý, Sđd).

Con rời cha mẹ, vợ lìa chồng, anh lìa em, xa quê hương, bạn bè, mái trường để bước vào cuộc chiến giành độc lập dân tộc, tự do cho đất nước và cho mỗi con người. Đó là hoàn cảnh rất thực về những năm tháng chiến tranh mà không bút mực nào có thể tái hiện hết.

2. Khi bước vào chiến trường, sống trong môi trường vô cùng khắc nghiệt, đói khổ, cái chết rình rập, các nhà báo – nhà văn hành nghề như thế nào?

Nhìn lại con đường tác nghiệp trong chiến trường mà Dương Thị Xuân Quý đi qua, ta có thể hiểu thêm cái cách mà họ sáng tạo nên các tác phẩm báo chí, văn chương đôi khi rất lạ. Họ vừa hành quân vừa viết, vừa buông cây súng là ngồi viết, thắp sáng đĩa dầu trong hầm để viết, kê giấy lên ba lô mà viết…

Tháng 4 -1968 chị vượt Trường Sơn vào chiến trường làm phóng viên Tạp chíVăn nghệ giải phóng. Ngày mùng 8.3.1969 chị hy sinh trong một trận càn của giặc tại xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lúc ấy chị mới 28 tuổi.

Việc lựa chọn cách hành nghề của chị là một cuộc dấn thân vô cùng quả cảm. Có hai điểm đáng chú ý: 1, Đối với chị, muốn viết được phải trực tiếp sống giữa môi trường đánh giặc, mà phải chọn những nơi ác liệt nhất mới hy vọng viết được những trang viết có giá trị; và 2, phải sống giữa lòng dân mới có thể hiểu nhân dân của đất nước này kiên dũng như thế nào, đùm bọc chiến sĩ bộ đội như thế nào (*). Tất cả, cũng là để làm tròn sứ mệnh của một người viết chân chính!

Về điểm thứ nhất, qua những trang nhật ký của chị và hồi ức của người thân, bạn bè, chúng ta hiểu được thái độ nhập cuộc quả cảm của nữ nghệ sĩ – chiến sĩ này. Không phải chờ đến khi vào chiến trường miền Trung Nam bộ, ngay khi làm phóng viên báoPhụ nữ Việt Nam, chị đã có tác phong nhập cuộc trực tiếp như vậy. Theo như hồi ký của Bùi Minh Quốc – chồng chị, người cùng cơ quan với chị trong những năm tháng ở chiến trường cho biết: “Với chiếc xe đạp lọc cọc, Quý thường xuyên có mặt ở các làng xóm miền Bắc, từ Thái Bình, Hải Hưng, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đến làng xóm ngoại thành Hà Nội (…). Quý về đó không phải chỉ như một cô nhà báo với cuốn sổ cây bút trong tay gặp người này người nọ hỏi và ghi, rồi đi. Không, Quý về đó như một con người tìm đến những con người, sống đời sống của người nông dân chân lấm tay bùn một nắng hai sương, chia sẻ từng niềm vui nỗi khổ của một chị đội trưởng sản xuất, một cô cán bộ kỹ thuật, một cô Bí thư xã đoàn, một anh chủ nhiệm hợp tác xã. Mang thai bé Ly đến tháng thứ sáu, Quý vẫn lặn lội về Quảng Nạp (Thái Bình) vừa lấy tài liệu vừa đi cấy với chị em xã viên” (Bài Dương Thị Xuân Quý, vợ tôi, Sđd). Chị đã đem nguyên tinh thần xông xáo ấy vào chiến trường. Sống mãi ở cơ quan văn nghệ đóng trên rừng, vẫn tham gia làm các công việc như bất cứ chiến sĩ nào, nhưng chị đã có lúc sốt ruột. Chị đề nghị cho đi về dưới vùng sâu, tức vùng đồng bằng nơi đang diễn ra chiến sự ác liệt để được sống và hiểu bộ đội, nhân dân kháng chiến thế nào, tội ác của kẻ thù xâm lược ra sao…Khi nhận được tin cấp trên đồng ý cho đi, chị rất vui sướng ghi trong nhật ký: “15-12-1968. ..Lạ thế, biết là nguy hiểm lắm nhưng sẵn sàng lao vào, dù có hy sinh. Đời người ai chả chết. Dĩ nhiên mình có nghĩ đến đau khổ của anh và Ly. Nhưng cái gì rồi cũng qua thôi. Đó là ý nghĩ của mình khi được phân công đi công tác Quảng Đà từ nay đến cuối tháng 3-1969…Lo, mình lo chứ. Nhưng mình quyết tâm và mình nghĩ thế này: Dù có chết thì cũng như bao người đã chết thôi. Nghĩ vậy, không thấy sợ nữa” (Nhật ký chiến trường, Sđd). Đó là một tâm sự hết sức thành thực nhưng cũng đầy quả cảm.

Từ một thái độ nhập cuộc kiên định như vậy, mà chị đã ghi chép được kín đặc các tư liệu về làng xóm, khung cảnh thiên nhiên, con người, nhất là tội ác hủy diệt của kẻ thù ở trong Nhật ký chiến trường và trong các tác phẩm ký, truyện ngắn của chị. Một ví dụ trong rất nhiều tư liệu từ trang nhật ký của chị được viết trong chuyến đi công tác Quảng Đà: “Bên kia sông Thu Bồn thì ngụy càn, bên này sông thì Mỹ càn. Ngụy ác ôn hơn Mỹ. Nó thẳng tay giết heo, gà của dân. Còn Mỹ không thế. Nó qua thôn này hỏi mua gà. Một con gà 1 ký, nó chìa tờ 500đ, bà chủ lắc đầu vì bà thấy ít quá. Nó rút tờ 500đ nữa bà ấy lại lắc vì nhiều quá. Nó tưởng bà chưa bằng lòng nó lại rút tờ 500đ nữa, bà lại lắc vì sợ nhiều (dân mình thật thà quá). Sau thằng thông ngôn xui bà cứ cầm, bà cầm ngàn rưởi. Nam giới chạy vào núi, còn trẻ con, bà già ở nhà hợp pháp. Nó cho trẻ con ăn bánh, ăn sữa. Nhà nào chạy hết không còn ai thì nó bảo đấy là nhà Xi Vi (Việt cộng) nó đốt. Nó chỉ lùng Xi Vi thôi, dân thường nó không động đến…” (Sđd). Không gì có thể chân thực hơn được nữa. Nhờ con mắt báo chí, giỏi quan sát nắm bắt, mới có thể không để lọt những chi tiết kỹ lưỡng, sống động như vậy.

Về điểm thứ hai, có thể nói, đây cũng là chủ trương chung của bộ đội ta, dựa vào dân, sống cùng dân và đánh giặc cùng dân. Dương Thị Xuân Quý về xã Bình Dương, thôn 5, sống tại nhà mẹ Nhạn. Nhà thơ Bùi Minh Quốc cho hay, sau chuyến đi của người vợ gần hai tháng, ông cũng đã đến nhà mẹ Nhạn: “Khi biết tôi là chồng Quý, mẹ Nhạn kể: Tháng trước con Quý nó ở đây. Nó ở với tao mấy ngày rồi ra thôn sáu lấy tài liệu về ngồi đây viết rồi đi Quảng Đà”. Cũng nhờ sống giữa lòng dân mà tháng 1 năm 1969 chị viết được một cái bút ký khá sinh động mang tên “Gương mặt thách thức”. Thiên bút ký miêu tả một ngôi làng trên cát trải qua liên tục những lần bom đạn giặc cày xới, dân phải sống dưới hầm, nhà cửa bị đốt, có bận bị san phẳng, ấy thế mà những vạt lúa, những cây bí cây ngô, những vồng rau vẫn lên xanh; làng vẫn đón bộ đội thương binh về nuôi, tiếng trẻ vẫn ê a học bài…Một sự sống bất tử không đạn bom nào có thể hủy diệt được. Nếu không sống cùng dân, không hiểu dân thì làm sao có thể viết nên những trang viết chân thực đến vậy.

Quả thật, một người nam đi vào chiến trường đã vô vàn gian khổ, đối với người nữ thì nỗi gian khổ được nhân lân gấp bội lần. Dương Thị Xuân Quý đã vào chiến trường trong tư thế của người chiến sĩ quả cảm. Vượt lên nỗi nhớ con, trút bỏ những yếu mềm phận gái, chị đã tác nghiệp trực tiếp giữa bom đạn, cái chết và sự chiến đấu quật cường của nhân dân, chiến sĩ. Và từ cuộc sống của chính mình, của đồng đội và nhân dân đã cất lên những trang viết chân thực, khỏe khoắn, khét mùi thuốc súng.

3. Ngoài Nhật ký chiến trường vừa có tính tư liệu thông tấn, vừa có  tính văn học, Dương Thị Xuân Quý đã có 18 tác phẩm ký và truyện ngắn, trong đó có 4 tác phẩm viết khi đi chiến đấu ở miền Nam, cùng thời gian này còn có  ba bài thơ viết cho con. Ấy là chưa kể đến các bài báo lẻ trong tư cách là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam trước khi đi chiến trường và cả giai đoạn sau này chắc chưa có điều kiện sưu tầm hết. Quả thật, với những gì đã công bố, có thể nói rằng sự nghiệp báo chí và văn chương của chị chưa phải là lớn về số lượng. Nhưng lạ thay, chỉ ngần ấy thôi, chị đã trở thành một tên tuổi có chỗ đứng lâu bền trong nền báo chí, văn chương dân tộc.

Tôi chỉ muốn đơn cử truyện ngắn Hoa rừng. Tác phẩm này được viết ngay trong  những ngày đói khổ và ác liệt nhất tại chiến trường miền Trung Nam bộ, khi in, chị lấy bút danh Dương Thị Minh Hương (để giữ bí mật theo yêu cầu của cấp trên, áp dụng đối với tất cả những nhà văn, nhà báo chiến trường).

Tác phẩm có một tình huống nghệ thuật rất đẹp: nhân vật chính là Phước, cô giao liên trên mặt trận đã âm thầm mà quyết liệt không thỏa hiệp trước những lời đề nghị, trách móc của viên chỉ huy một đơn vị bộ đội đang hành quân muốn nghỉ sớm do quá mệt; sau cùng viên chỉ hy đã ân hận về sự hiểu lầm của mình…Câu chuyện không có gì đặc biệt, nhưng nhân vật cô giao liên hiện lên rất can trường, quả cảm, và đầy kiên nghị. Nếu trong chiến trường, đôi khi chỉ một phút mềm lòng, không giữ kỷ luật, hoặc tính toán sai một chút là có thể bị trả giá hàng nghìn tính mạng. Kết thúc tác phẩm, cô ôm bó hoa rừng trở về cơ quan sau khi đã dẫn hai đơn vị an toàn vượt qua quãng rừng hiểm nghèo nhất, nơi bom dội khốc liệt nhất; lúc ấy cô hiện lên như chính bông hoa của núi rừng, của nghị lực, của tuổi thanh xuân, của lòng quả cảm và tình yêu cuộc sống.

Nhà văn Nguyên Ngọc, trong cuộc họp hội nghị sáng tác lúc bấy giờ, đã đánh giá rất tốt về tác phẩm này. Chị kể: “Thật là điều bất ngờ đối với mình, “Hoa rừng” được anh Nguyên Ngọc nêu nhiều lần là đã bước đầu thể hiện tốt con người mới trong giai đoạn mới của chiến tranh” (Nhật ký chiến trường, Sđd). Đây cũng là dòng nhật ký cuối cùng trước khi chị hy sinh.

Khi nhận định về thành tựu của nhà báo – nhà văn Dương Thị Xuân Quý, tôi nghĩ rằng: nếu phán xét theo tiêu chí nghệ thuật, dường như đó là điều bất nhẫn. Những năm tháng chiến tranh, đối với những chiến sĩ cầm bút trên chiến trường, phần lớn phải hy sinh tiêu chuẩn nghệ thuật để miễn sao phục vụ kịp thời nhiệm vụ chiến đấu, đánh giặc. Vả lại, nhận thức văn nghệ thời đó đi theo hướng thiết thực, trực diện: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mĩ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương” (Tố Hữu). Với Dương Thị Xuân Quý, mỗi tác phẩm của chị không phải chỉ là mồ hôi, nước mắt, mà còn sự trả giá bằng mạng sống của chính chị. Nó là những bông “Hoa rừng” đẹp đẽ của nền báo chí – văn nghệ thời chiến.

*

Đến đây, có thể thấy rằng, Dương Thị Xuân Quý hiện lên như một kiểu người viết có sự tổng hòa của ba tư cách: nhà báo, nhà văn, chiến sĩ. Nhà báo – nhà văn cùng tương tác, làm giầu thêm vốn sống, tâm hồn trong con người chị. Tư cách chiến sĩ đã hướng chị dấn thân vào cuộc sống lớn, cuộc chiến đấu gian khổ mà vĩ đại của dân tộc.

Nhìn lại những tên tuổi nhà báo – nhà văn đã hy sinh trong cuộc chiến vĩ đại của dân tộc 1954-1975 như Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Định, Vũ Đình Văn, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, cùng với Dương Thị Xuân Quý đã cho phép ta hình dung về một loại hình người viết rất đặc thù ở Việt Nam: họ vừa là nhà báo, vừa là nhà văn, vừa là chiến sĩ. Không thể tách một tư cách nào riêng biệt khi nhắc về những con người như thế. 

                                                                                                            Ngày 21.4.2015

Nguồn: Văn Giá - phebinhvanhoc
                                                                                               

______________________

(*) Để hiểu thêm về cùng một cách dấn thân nghề nghiệp ở chiến trường như vậy, có thể tìm thấy những gương mặt nhà báo nhà văn qua các trang viết của nhiều tác giả trong “Chiến trường sống và viết” (tập 1-2, NXB Tác phẩm mới, 1984); của Nguyễn Thi qua cuốn “Nhật ký Nguyễn Ngọc Tấn” (NXB HNV, 2014); của Chu Cẩm Phong qua cuốn “Nhật ký chiến tranh” (NXB. Đà Nẵng 2005), của Ngô Thảo qua “Thao thức với phần đời chiến trận” (NXB QĐND, 2009)…

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bến xuân (16/04/2015)