Nghiên Cứu & Bình Luận
Sức mạnh diễn ngôn tính dục trong một số tiểu thuyết mỹ latin hiện đại
14:26 | 22/06/2015

NGUYỄN THÀNH TRUNG

Sức mạnh diễn ngôn tính dục trong một số tiểu thuyết mỹ latin hiện đại
Sigmund Freud (trái), Carl Gustav Jung (phải) - Ảnh: internet

1. VĂN HÓA TÍNH DỤC VÀ DIỄN NGÔN TÍNH DỤC TRONG VĂN HỌC

Tính dục vẫn là dòng chảy không tận trong lịch sử văn hóa nhân loại. Bằng hành động sáng tạo thế giới, tính dục như thần tính: vô sở bất tại, thấm vào vạn vật và nhận lấy hình ảnh thế giới gá cho, khi là hàng thứ yếu cá nhân, lúc thuần túy động vật, có nơi lại thiêng liêng sùng tín… nhưng diễn ngôn tính dục chưa bao giờ đánh mất vị trí cốt yếu - nâng đỡ thế giới và cái ngã chính mình. Thời hiện đại, tính dục trở thành diễn ngôn của nhiều ngành khoa học, gắn trực tiếp đến cộng đồng, đạt đến phạm vi liên nhân. Khác với tính dục phóng khoáng mang chất cộng đồng tâm linh thần bí châu Phi, tính dục Nam Mỹ phổ biến hiện tượng lệch lạc: ngoại tình, loạn luân thấm đẫm cả vào đời sống Kyto giáo, mang đầy đủ dấu ấn xã hội hiện đại biến động.

Tiếp cận diễn ngôn tính dục là con đường bước vào tư tưởng thẩm mỹ, mô hình quan niệm con người, thế giới của một cộng đồng. Zbigniew Lew - Starowwicz cho rằng chức năng tính dục đã có ba hình thái chủ yếu tương ứng với các thời kỳ: đời sống nguyên thủy - chức năng ma thuật, giai đoạn phi tín ngưỡng - chức năng thẩm mỹ và xã hội có tôn giáo - chức năng tâm linh. Nếu đặt diễn ngôn tính dục vào vị trí trung tâm tư tưởng thì đời sống hiện đại có khả năng biến nó thành một cái tôi mờ đục mà mỗi lần soi dưới ánh sáng nhất định sẽ tán sắc khác nhau. Với một châu Mỹ Latin đang hiện đại hóa nhanh chóng dưới lực đẩy lịch sử - văn hóa lưỡng nguyên thì diễn ngôn tính dục trở thành phức hợp không mang mô hình chung, hay ít ra là một cấu trúc phức tạp - dạng trái cấm lá mặt lá trái mà nhà thờ và thế tục, truyền thống và hiện đại liên tục xoay trở.

Diễn ngôn tính dục chống đỡ nhiều hệ hình tư tưởng hiện đại và vạch ra con đường cho văn học tiếp cận đời sống sâu kín của nhân loại theo cách mà Phân tâm học đã làm. Nằm ở trung tâm lý thuyết của S.Freud là Libido - xung năng tính dục: ngọn nguồn xung đột và phát triển tâm lý thông qua cuộc chiến của Ego và SuperEgo để hòa hoãn bằng Id. Theo đó Freud đặt trọng tâm ở nghiên cứu tiểu sử tác giả và chỉ ra dấu ấn tính dục trong tác phẩm của anh ta bởi chúng ta biết được từ những cuộc sống của những nghệ sĩ xác thực - những người thượng hạng - mà những tác phẩm đồ sộ của họ sẽ chẳng bao giờ sản xuất được nếu họ không lặn ngụp trong tính dục [8,14]. K.Jung đẩy cái riêng của Freud đến cái chung nhân loại bằng hai kiểu tâm lý hướng nội và hướng ngoại, lấy trung tâm là libido nhưng hiểu nó như xung năng hiển hiện bằng những biểu tượng ngầm, những khơi gợi mang tính phổ quát với tên gọi nguyên sơ tượng/ cổ mẫu. Có thể thấy, khởi phát từ Freud, phạm trù trung tâm Libido - tính dục vừa là đối tượng tôn vinh nhưng cũng là cái cớ để người ta chỉ trích, xa lánh. Thừa kế những rung động và tư tưởng thời đại, Darwin đã làm cho Freud tin rằng bản năng động vật di truyền từ tự nhiên; hiện vật cảm tính chỉ là những cái bóng ý niệm kiểu Platon cổ vũ Freud tìm đến liên tưởng tự do, thông qua ngôn ngữ để loại bỏ mây mù, đạt trạng thái xả của thần kinh; điều này có ý nghĩa không chỉ ở bản thân hành vi tính dục mà mục tiêu của phân tâm là sự thỏa mãn trong tính dục (các nhân vật Trăm năm cô đơn quan hệ nhiều nhưng không thể thỏa mãn). Nếu không thì xung năng tính dục sẽ bị dồn nén thành ẩn ức vào lãnh thổ của vô thức và những giấc mơ kiểu nhân mã Geudeli (Con nhân mã trong vườn, Moacyr Jaime Scliar). Jung lại quy những con người của Freud thành biểu tượng, cấu trúc mô hình bản ngã thể hiện bên ngoài bằng mặt nạ và hướng vào bên trong bằng hệ thống cổ mẫu linh dương, linh âm. Cấu trúc chiều sâu này cung cấp hình ảnh của tự ngã, khai mở con đường vương giả tiến vào đời sống tinh thần bằng trí tuệ của linh dương Melquiades (truy tầm, nghiên cứu) và tình cảm tâm linh của Ucsula - thứ cảm tính (lưu nguyên qua hành động loạn luân, tính dục).

Như vậy, tính dục là nguyên nhân cuộc chiến giữa bản ngã và những xung lực tâm lý trên chiến trường văn học. Với Mỹ Latin, đó là cuộc xung đột giữa phức cảm khắc kỷ và phóng túng từ bản ngã Tây Ban Nha, giữa phức cảm tuân phục và chống đối tạo thành từ bản ngã Thiên Chúa giáo. Thế nên G.G.Marquez xây dựng Remedios người đẹp mang bóng dáng Đức Mẹ Maria trong tương quan tính khắc kỷ truyền thống làm sản sinh phức cảm thu hút tính dục và cái chết cho những người đàn ông si mê… Cuối cùng, khi diễn lại cảnh Thăng thiên thì nàng, hương hoa mẫu đơn, mùi những con bọ cạp và chiếc chăn thô cùng bay lên trời. Cuộc chiến này day dứt và kéo dài tưởng như không bao giờ có hồi kết, theo đó cơ hội thứ hai [7,512] mà nhà văn này mong chờ cũng thật mong manh trong trận cuồng phong thời đại đã từng cuốn phăng cả Macondo và dòng họ Buendia. Hứa hẹn một lối thoát, diễn ngôn tính dục hiện đại có lẽ phải gắn bó chặt chẽ với chức năng tâm linh bằng cách đào sâu vào mạch nguồn uyên thâm của nhân loại khởi phát ở phương Đông như một thử nghiệm, một hy vọng, một cơ hội.

Trong thể nghiệm này, chúng tôi liên hệ diễn ngôn tính dục tiểu thuyết Mỹ Latin hiện đại thông qua Phân tâm học với Duy thức học - như hệ thống tâm lý học Phật giáo. Duy thức là yếu chỉ của Pháp tướng Duy thức tông - một trong mười tông pháo Phật giáo do Vasubandhu (315-395) [10,71] bằng Duy thức Nhị thập tụng Duy thức Tam thập tụng sáng lập nên, về sau được Huyền Trang (596 - 664) biên soạn lại trong Thành Duy thức luận. Duy thức phân tích bản chất tâm và biểu hiện của thức để chỉ ra rằng tất cả đều do Tâm biến hiện qua đó làm rõ lý Vô ngã của Phật giáo. Duy Thức học phân tích tâm lý con người thành 3 thức năng biến gồm: Dị thục, tư lương và liễu biệt cảnh thức; trong đó chúng tôi đặc biệt lưu ý đến thức thứ 8: Dị thục (Alaya), tức các chủng tử vô phú vô ký; theo đó vận dụng Duy Thức vào văn học Mỹ Latin không cần ngại tính dục do không có ngã xấu hay tốt, bởi không có một ngã hằng tồn nào. Việc xuất hiện thức (tính dục) là do đối tượng, đề tài và chủ đề tương tác thể hiện ra như một cách nhận thức mà những biểu hiện tính dục là phương tiện biểu hiện. Điều quan trọng là chỉ ra được sự kết hợp và vận hành (tính Duyên khởi) bởi các thành tố văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng… và loại bỏ cái tôi cuồng vọng háo suy lường (Masna) chấp si kiến ngã ái về tính dục, hướng tới khả năng tâm linh kiểu Kim Cương thừa xem tính dục là thiêng liêng khi khai mở các luân xa và giải phóng khí chất nhằm chuyển hóa năng lượng, thực hiện cuộc đối thoại sâu sắc giữa cái tôi và cái ta để nhìn nó như huyễn ảo, như “không trung hoa” mà đạt giác ngộ. Duy thức, vì thế, hứa hẹn nhiều viễn tượng lý thú nhưng cũng cần được tiếp tục bàn bạc, định hướng và ứng dụng thực nghiệm phân tích văn học.

2. TÍNH DỤC VÀ VĂN HỌC MỸ LATIN: PHƯƠNG TIỆN VÀ CỨU CÁNH

Diễn ngôn tính dục trong văn học luôn bị cân nhắc bởi tính chất phương tiện hay cứu cánh của mình. Tự thân điều này hình thành lằn ranh đòi hỏi một khuynh hướng giải định chế, giúp cất lên một tiếng nói trong độ sâu thẳm của nó hay là nỗ lực liên tục hình thành hệ giá trị thông qua đấu tranh. Nhân vật Guedeli từng để mình thành chiến trường của những khát khao nhục cảm và lý trí xã hội, có khi phần ngựa phát triển mạnh hơn khiến con người thành một thứ búp bê bằng giẻ… Trải nghiệm này như một biểu tượng kiểu Jung đã hiểu dạng loạn luân cá nhân của Freud theo khía cạnh tôn giáo. Theo Jung thì loạn luân không phải với một người mẹ cụ thể mà là khát vọng trở lại thiên đường ấu thơ, như việc Juan Pedro (Pêđrô Paramô, Joan Rulfo) ngủ với những người phụ nữ của cha mình trong nỗ lực tìm kiếm, truy nguyên gốc tích mẫu nữ thần linh khai mở trí tuệ. Theo đó tính dục là một bóng âm trước quy chuẩn xã hội nhưng chính nó tạo nên sức mạnh phức cảm, tác động đến mặt nạ xã hội Mỹ Latin thành những rung chấn lớn, những huyễn tưởng say lòng nhân loại để đồng nhất với năng lượng và phẩm chất của mình. Văn hóa đại chúng thế giới hiện đại mang tính gợi dục khá rõ: đề tài tính dục được giới thiệu rộng rãi, bàn tán công khai từ đó hình thành chế định luyến ái mới, từ bỏ diệt dục và khổ hạnh thậm chí đến mức thần bí và nổi loạn. Có thể nói thực hành đã đi trước một bước so với lý luận tính dục hiện đại. Câu hỏi được đặt ra: giới hạn tính dục là đâu? Trong văn chương khi nào tính dục mang giá trị, khi nào thì vượt ngưỡng? Theo chúng tôi, diễn ngôn tính dục mang giá trị thẩm mỹ khi nó làm rõ đặc trưng văn hóa dân tộc; mang giá trị văn học khi thông qua nó cốt truyện, tình tiết, biểu tượng được liên kết chặt chẽ nhằm tạo nên một thế giới nghệ thuật nhân bản. Ngoài ra, cực đoan tính dục chỉ có hại cho văn hóa, văn học.

Với định hướng trên, đặc điểm địa lý Mỹ Latin đóng góp cho tiểu thuyết hiện đại hệ thống không gian đẫm chất tính dục. Trung và Nam Mỹ mang khí hậu nhiệt đới xích đạo, kết hợp gió mùa từ biển; cơ địa sinh học và tư duy thẩm mỹ cư dân sớm hình thành một nét đẹp mạnh mẽ hoang dã bản địa kết hợp kiêu sa châu Âu và nồng nàn châu Phi. Cái nóng bứt rứt này khởi phát những ẩn ức: Trong những đêm nóng bức như thế Aureliano đã buộc phải tìm đến một cô gái lai đang trần truồng nằm trên giường với đôi vú hệt như vú chó… về mặt lý thuyết cậu đã biết nghệ thuật làm tình, nhưng vì gối đã mỏi nên không thể đứng thẳng được, và mặc dù da mình đã nổi da gà và nóng hầm hập cậu vẫn không kìm được những cú trung tiện đang đòi hỏi mau chóng được thoát ra ngoài [7,82]. Cảm thức cô đơn trở thành nỗi ám ảnh đẩy các nhân vật đến cánh cửa tính dục: Jose Arcadio với Pila Tecnera, thậm chí vượt qua giới hạn đạo đức: Amaranta với cháu mình là Aureliano Jose, Amaranta Ucsula với Aureliano Babylona. Khi khát khao chếnh choáng vừa muốn được chạy trốn vừa muốn được ở lại mãi mãi trong cái im lặng đầy thất vọng và cái cô đơn đáng sợ hãi thì thông qua quan hệ tính dục các nhân vật không chỉ cô đơn mà còn cô đơn hóa bản thân.

Xã hội Mỹ Latin đã chuẩn bị sẵn một mảnh đất màu mỡ cho hoa màu tính dục nẩy nở trong tiểu thuyết. Câu chuyện tình yêu mù quáng lặp lại tấm gương tày liếp của dòng họ Buendia, nói rộng ra là một hiện tượng mang tính xã hội. Lối sống phóng khoáng nhục dục bản năng là kết quả của quá trình thành thị hóa quá nhanh nhưng lại thiếu một nền tảng truyền thống, triết học tương đương để đối trị; trong khi ở hai cực thì nhà thờ Thiên Chúa giáo ngăn cấm còn Phân tâm học mở cửa chỉ để gặm nhấm cuộc chiến dai dẳng. Giải pháp tình yêu chân chính không cứu được đứa con mang đuôi lợn cuối cùng của dòng họ; phải chăng cần yêu có trí tuệ? Bên cạnh đó, quá trình di dân thúc đẩy các cộng đồng đa dạng phong phú hòa huyết phát triển kinh tế chính trị; những mô hình ứng xử và văn hóa cọ xát tạo nên sức hút hướng đến khả năng khám phá, chinh phục, chiêm ngưỡng tha nhân và phát triển. Hành trình này quy về thực thể mới và khát khao phóng chiếu bản thân lên đối tượng: sự xuất hiện của nhóm người Digan và những chủng người khác đến Macondo mang bệnh mất ngủ, nhiều xáo trộn kèm những thứ mới lạ từ công nghệ, chính trị và đến cả cơ thể sinh lý được hồ hởi tiếp nhận… vừa thúc đẩy, vừa tiêu diệt Macondo.

Diễn ngôn tính dục quy định những thành phần cơ bản của tiểu thuyết Mỹ Latin, từ cốt truyện, tình tiết đến biểu tượng. Tiêu biểu nhất là hành trình chạy vào tính dục trốn nỗi cô đơn của dòng họ Buendia từ quan hệ trong hôn nhân đến ngoài giá thú xoay quanh các mối tình của Jose Arcadio (với người giúp việc, Pila Ternera, cô gái Digan), đại tá Aureliano Buendya với 17 cô gái, Arcadio và Aureliano với Pilar Ternera; Arcadio Segundo và Aureliano Segundo với Petras Cotes; các mối quan hệ loạn luân của bà cô Ucsula, Jose Arcadio Buendia - Ucsula Igoaran, Amaranta và Pilar Ternera với Aureliano Jose, Amaranta Ucsula - Aureliona Babilona, Amaranta - Aureliano… trong đó nổi bật lên là sự truy tầm quá khứ qua hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi xuyên suốt trong dòng họ tạo nên mối quan hệ chủ yếu là cô - cháu; một lần nữa sáng lên câu chuyện Eudipe với khát khao tính dục nội hôn có nguồn gốc sâu xa từ tất cả những thần thoại cổ sơ loài người đồng thời là một tấm gương phản ánh đặc điểm tính dục nam của tác giả: những con người yếu đuối, tìm một anima mạnh mẽ (kinh nghiệm) cho mình. Hệ thống tình tiết tính dục được soi sáng dưới góc nhìn lý thuyết Jung gần hơn với quan niệm sáng tác văn học. Nếu Freud cho rằng văn chương là sự giải phóng ẩn ức của nghệ sĩ thì Jung miêu tả sự chuyển hóa này như tiến trình tích lũy năng lượng của phức cảm tạo ra các huyễn tưởng và về trung hòa kiểu như tích lũy cực điểm giết người bạn chọi gà và phá khóa trinh tiết của vợ (Jose Arcadio Buendia). Theo hướng khác, tính xoay chuyển ý thức của cổ mẫu hình thành sức mạnh áp đảo chi phối khiến người ta đồng nhất cổ mẫu vào năng lực cao biến đổi những nỗ lực chống cự ban đầu thành nhiệt tình ủng hộ và xem đó là lẽ sống cho mình như Juan Amado từ ghen tỵ với người phụ nữ của thư pháp gia, thông qua sức mạnh tính nữ và ám ảnh quyền lực người cha đã dùng cả đời mình đi tìm kiếm người phụ nữ huyền hoặc ấy (Alberto Ruy Sanchez, Đôi môi của nước) trong một hành trình thấm đẫm những làn hương. Các cổ mẫu tâm lý, từ đó, trở thành những biểu tượng vượt lên chính mình, khơi gợi những thông điệp nhân sinh: Đứa con mang đuôi lợn là nguy cơ loạn luân, tuyệt diệt giống loài và vong nhân… có vai trò như vật thay thế của dục vọng dồn nén, là bộ mặt được hóa trang. Khảo sát đoạn trích tuyệt bút của Marquez khi miêu tả cuộc tình giữa Amaranta Ucsula - Aureliona Babilona, chúng tôi, một lần nữa, nhận ra tầm quan trọng của biểu tượng tính dục trong việc mã hóa những ý nghĩa tiềm ẩn; tất nhiên với điều kiện phải có cơ hội hiểu gần nhất so với nguyên bản:

Una conmoción descomunal la inmovilizó en su centre de gravedad, la sembró en su sitie, y su voluntad defensiva fue demolida por la ansiedad irresistible de descubrir qué eran los silbos (tiếng rít - NTT) anaranjados (màu cam - NTT) y les globos (quả cầu - NTT) invisibles que la esperaban al otro lado de la muerte [6, 446].

Trước đến nay vẫn được hiểu là: Một sự rung động kỳ lạ đã chôn chặt cô, giữ chịt lấy cô, và ý chí tự vệ của cô đã bị nghiền nát bởi khát vọng không thể kìm lại được là phát hiện xem những tiếng hú màu vàng và những quả bóng vô hình đang đợi cô ở bên kia cái chết là gì [7,487]. Màu da cam (anaranjados) theo trường liên tưởng của Trăm năm cô đơn gắn liền với cái chết, hình ảnh này từng xuất hiện như điềm báo khi Ursula thấy một hàng đĩa tròn màu da cam bay vù vù như tia chớp rồi nhận xác đại tá Aureliano Buendia hay trước khi cụ chết thì cũng nhìn thấy một hàng đĩa màu da cam rực sáng bay trên trời. Les globos invisibles nên hiểu là những quả cầu vô hình (globos cautivos từng được nhiều lần dịch là bóng thám không [6,288 - 289]) kết hợp với những tiếng rít màu cam chính là hình ảnh nghịch hợp nằm trong trường nghĩa cái chết, tiêu vong mà Marquez gắn với diễn ngôn tính dục của dòng họ Buendia như dự cảm, biểu tượng ẩn ức - vừa ham muốn vừa lo sợ.

Như một khái quát, rất có khả năng quá trình phát triển hệ thống đề tài và tính chất tiểu thuyết Mỹ Latin hiện đại sẽ được hé mở thông qua nghiên cứu vai trò thể hiện phong phú của diễn ngôn tính dục. Có thể nhận thấy vài hình thái này trong một số tiểu thuyết nổi bật: Tính dục lịch sử trong Pedro Paramo thể hiện dấu ấn một giai đoạn xã hội Mexico nam quyền nông thôn gắn với địa chủ tư sản; tính dục tâm lý miêu tả hành trình trưởng thành của một thanh niên Do Thái (Con nhân mã trong vườn) với những ám ảnh tuổi thơ. Đặc biệt là tính dục tâm linh trong mối hỗ tương giới tính, tôn giáo mà Đôi môi của nước thể hiện trong bối cảnh toàn cầu hóa thúc đẩy sự dịch chuyển hệ tư tưởng và khuynh hướng thẩm mỹ hướng đến đối thoại, đa phương để khám phá và nhìn lại đặc điểm bản thân Mexico nói riêng và Mỹ Latin nói chung. Quá trình này chính là đi vào chiều sâu tâm lý, vào cái vô thức cá nhân, tập thể: từ kể (Pedro Paramo) đến miêu tả đầy nam tính (Trăm năm cô đơn) và cảm nhận, thể nghiệm (Đôi môi của nước). Nếu như tính dục phương Đông chủ yếu là đạo đức hóa, phương Tây là tự do tận hưởng - cảm xúc hóa thì Mỹ Latin lại đậm chất hiện thực bởi tính dục là một nhu cầu đời sống không cần đến những đánh giá ngoại tại. Như vậy, có vẻ diễn ngôn tính dục khu biệt bản sắc tiểu thuyết Mỹ Latin trên bản đồ văn học thế giới.

Khả năng khơi mở tâm lý và kết nối các tuyến nhân vật hướng đến một cuộc đối thoại văn hóa rộng lớn của diễn ngôn tính dục cũng là một thực tế. Alberto Ruy Sanchez đã dùng 9 giấc mơ bóng nước hòa trong dáng hình 9 người tình lý tưởng đưa Juan Amado theo chân những người mộng du và thư pháp gia cổ đại Samarkand thăng hoa qua 9 tầng của lửa không chỉ là cấu trúc bề mặt mà còn là đường kết ngầm hình thành mê cung ký hiệu mà tính dục là mã khóa biểu hiện rõ nhất ở chương Chiếm hữu trên không. Như vậy, quan hệ tính dục gắn liền với nguyên lý giấc mơ: Một trong bốn quá trình cơ bản của cảnh mộng là cô đúc hình thành “tập hợp nhân vật”; 9 cô gái trong Đôi môi của nước là sự cô đúc của Hawwâ: sự chuyển tiếp và cô đúc từ mô hình 1 nhập 9, một là tất cả. Có lẽ nhu cầu về tâm lý thường đòi hỏi được bù đắp bằng cái giá về sinh lý [5,135] khi các nhân vật trong tiểu thuyết Mỹ Latin không mang mặt nạ thỏa hiệp xã hội, hay chọn thỏa hiệp cách khác (tính dục); sâu trong tâm lý họ cô đơn tự thân, càng chăm chú vào bản ngã thì trở thành kẻ độc tài (Ngài tổng thống, Miguel Angel Asturias), né tránh thì biến thành một ẩn sĩ (đại tá Aureliano), muốn hóa giải bằng tình yêu thì bản năng lại chống đối (Guedeli, Con nhân mã trong vườn)… Theo Jung, khi có mâu thuẫn giữa bóng âm và mặt nạ thì giải pháp sẽ xuất hiện nếu bản ngã bỏ cả hai và tạo ra một khoảng trống nội tâm trong đó vô thức có thể tạo ra một giải pháp sáng tạo dưới hình thức một ký hiệu tượng trưng mới. Ký hiệu tượng trưng này sẽ tạo ra một lựa chọn để phát triển: bao gồm phần nào đó trong cả hai - không đơn giản là thỏa hiệp mà là hòa trộn đòi hỏi thái độ mới về bản ngã và kiểu liên hệ với thế giới [9,187]. Ấy có lẽ là một cuộc đối thoại văn hóa xã hội kiểu nhà tắm Hammam (Tên của khí trời, Alberto Ruy Sanchez): niềm hoan lạc bất tận vượt qua mọi rào cản cấm kỵ xã hội lẫn tôn giáo. Nhưng liệu giải pháp này có đảm bảo thấu triệt bởi phụ nữ cũng như thành phố: đi vào họ, chiếm lấy họ, song, trong sâu thẳm, hoàn toàn không thể xâm nhập họ được [12.206]. Tiểu thuyết Mỹ Latin cần một nền triết học khai phóng làm nền tảng cho quá trình chiêm quan cái huyền thoại xảy ra trong chính bản thân mình. Các vị cha xứ của Marquez đã phải bỏ đi khỏi ngôi làng bị nguyền rủa, Melquiades như một bác sĩ phân tâm chữa chứng mất trí nhớ của làng Macondo rồi lại tỉ mẩn viết lịch sử lên tấm da dê; phải chăng cần một giải pháp triệt để, căn cơ hơn? Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển dịch tâm lý (dời tình) trong thực nghiệm của Freud đi vào Đôi môi của nước: Juan Amado với Hawwâ (thỏa mãn từ nhà thư pháp chuyển dịch sang) mở rộng ra có thể lý giải được bút pháp các nhà văn Mỹ Latin: tỉnh táo và dửng dưng để chống lại dịch chuyển cảm xúc, tránh để người đọc hoàn toàn tin tưởng, dời tình theo kiểu truyện cổ tích - gián cách. Nhưng bản thân nhà văn vẫn tin điều đó nên thủ pháp vẫn thuyết phục lòng tin và nhà văn nhiệt tình với niềm tin đó: chiến lược song đề nước đôi này biểu hiện ngay cả trong phạm vi ngôn ngữ. Việc khác biệt giữa tiếng Tây Ban Nha gốc và tiếng Tây Ban Nha Mỹ Latin, cụ thể hơn là việc Marquez thường xuyên viết sai chính tả chính là kết quả tác động lẫn nhau giữa can thiệp ý hướng và ý hướng bị can thiệp.

3. DIỄN NGÔN TÍNH DỤC VỚI LỐI THOÁT TÂM LINH

Diễn ngôn tính dục luôn nằm trong độ giằng co nhất định giữa cái ấy và cái siêu tôi. Nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tại không thể dung hòa đã để lại nhiều “hố bom” trong tư tưởng nhân loại thời hiện đại. Các triết gia Hiện sinh từng đối đầu với bước gãy chọn lựa khi hư vô hóa tồn tại, dùng cái chết chống tàn phai và tính dục chống cô đơn mà vẫn không khỏi lo sợ, xao xuyến bởi ám ảnh bị đối tượng hóa. Tình yêu không thể là một giải pháp khi Sartre băn khoăn với nan đề tình yêu can dự vào tự do đối tượng, từ bỏ cái tôi cá nhân cũng không thể mang lại hạnh phúc vì giới hạn con người không thể vươn tới trí tuệ. Phân tâm học giải thích hiện tượng này bằng việc hình thành các phức cảm: Don Joan (Pedro Paramo), phức cảm Don Quichote (Đôi môi của nước), phức cảm Romeo Juliet và phức cảm Tristian - Iseus (Trăm năm cô đơn); phức cảm Hiệp sĩ - kẻ trụy lạc (Con nhân mã trong vườn). Như vậy, có thể thấy Phân tâm đã vượt ý thức, chạm đến vô thức nhưng vẫn không thể giải quyết xung đột tâm lý này. Nhu cầu một con đường trí tuệ trị liệu tâm lý và hòa giải tâm linh cho tiểu thuyết Mỹ Latin là một thực tế. Paulo Coelho đã thử nghiệm tình yêu vô dục đậm chất Ấn Độ giáo trong Nhà giả kim, Ruy Sanchez đề xuất thái độ tính dục Hồi giáo trong Đôi môi của nước là bước đầu tiên trên con đường tìm giải pháp tính dục cho tiểu thuyết Mỹ Latin.

Tuy nhiên, vẫn có một con đường khác để lựa chọn trong viễn tượng hòa giải mô hình tâm lý phân tâm học đã miêu tả mà chưa giải quyết; ấy là Duy thức học Phật giáo. Sự đấu tranh giữa bản ngã và tha ngã được Jung phân thành bốn phần: Bản ngã ý thức - bản ngã ý thức khác phóng chiếu - anima/ mus - hình ảnh siêu việt - mang tính chất tính dục của tinh thần và sức hút như một trò chơi ảo tưởng của linh âm linh dương với những hình ảnh siêu việt cay đắng khi bản ngã cố tránh xa. Con đường là nhận ra nó là Maya (vô ngã), linh thiêng sẽ đưa tới sự nhận thức hoàn toàn mới về thế giới [9:220]. Giải pháp tình yêu cho nỗi cô đơn không chỉ ở tình cảm mà còn ở trí tuệ, tâm linh theo cấu trúc Roberto Assagioli đề xuất [1,400]. Theo góc độ này thì tâm lý học Phật giáo hướng dẫn vượt ra cả vô thức, phá vỡ chấp ngã, chấp vật, chấp pháp. Tiêu điểm nằm ở tàng thức mà Freud chưa/không thể chạm đến (vô ngã): biểu hiện là các chủng tử hay thân trung ấm (Kim Cương thừa). Nếu K.Jung nhớ lại những kỷ niệm xa xưa vẫn không thể an lạc thì Phật giáo không cho rằng gợi lại giúp giải thoát; cái không của Phật giáo là giải thoát còn cái gợi của phân tâm là gặm nhấm đau khổ; thực hành Kim Cương thừa chuyển hóa năng lượng tính dục để đạt ngộ. Có vẻ Marquez không ngẫu nhiên để bí mật lớn nhất Trăm năm cô đơn viết bằng tiếng Phạn. Nắm lịch sử của dòng họ Buendia chính là nhìn ra vòng luẩn quẩn trôi lăn trong đam mê và tính dục; buông bỏ kiểu Duy Thức không làm nhân vật mất sắc thanh hương vị xúc pháp mà chỉ gỡ bỏ Manas (tư lương) suy lường của cái Tôi. Hiểu như vậy thì tiếng mèo cái đi tơ (khát khao sâu thẳm), tiếng khóc chào đời của đại tá Aureliano cũng không còn là tiếng ích kỷ để 17 đứa con trai (kết quả tính dục) vẫn còn lại ở đời, José Arcadio Buendía không cần chạy theo phân tích lý trí khoa học để chết bên gốc dẻ. Còn phân biệt là còn đau khổ, không chấp ta và người thì Juan Amado không cần phải để tâm đến xâm nhập và chiếm hữu… Khi đó, đóa hoa tính dục vẫn đẹp, vẫn tỏa hương mà không lo sợ bị dập vùi, cấm đoán. Nếu Phân tâm đưa tính dục phát triển bình thường khỏi cấm kỵ thì Phật giáo có thể hướng thoát ám ảnh của nó khi chỉ ra tính phương tiện nhằm giúp đạt trí tuệ. Theo cách đó thì tiểu thuyết Mỹ Latin biến diễn ngôn tính dục từ những chủng tử hữu lậu thành chủng tử vô lậu để hưởng an lạc, dùng năng lượng libido hấp dẫn chuyển hóa thành tính nhân văn thông qua hệ thống biểu tượng, nhân vật, không gian và giọng điệu nghệ thuật; để thấy rằng tính dục và văn chương không khác: trong văn có dục, trong dục có văn, là bất nhị, không phân biệt.

Từ góc nhìn đó, khi bỏ qua cái ngã quá lớn của Tôi, con đường tính dục tiểu thuyết Mỹ Latin vẫn quy về nguồn nhân bản. Tuy vậy, bỏ đi cái ngã cũng có khả năng mất đi bản sắc văn học, độ lệch giữa Pháp thánh nhân và cõi trần thế vẫn còn đó nên niềm vui tính dục vẫn luôn hoài trăn trở. Thế nên Duy thức học và Kim Cương thừa đề cập ở đây cũng như một con đường, một phương tiện tham chiếu để nhìn lại vị trí và đóng góp của Phân tâm học khi vẽ nên bản đồ tâm lý phân biệt ý thức, vô thức cũng như miêu tả cuộc chiến tính dục đầy cam go trong văn chương. Nghệ thuật nên là một tiến trình hơn là điểm đến, Duy Thức lẫn Phân tâm đều hữu ích khi soi chiếu nhưng ẩn tàng nguy cơ khi trở thành một thiết chế quyền lực - đối tượng liên tục bị giải trừ, phủ nhận thời Hậu hiện đại. Dù sao thì diễn ngôn tính dục vẫn là một thành tố quan trọng của tiểu thuyết Mỹ Latin nói riêng và văn học nói chung bởi sự thỏa mãn tính dục cùng một nguyên tắc với quá trình tâm lý được giải phóng khi sáng tác và thưởng thức nghệ thuật: đó là trút xả năng lượng thần kinh khi hai xung lực ngược nhau và triệt tiêu. Diễn ngôn tính dục quy lại cũng là một phương tiện, một bè lau, một ngón tay chỉ trăng nhưng nếu không có nó thì lịch sử văn học có lẽ đã phải viết khác, hoặc không cần phải viết nữa.

4. KẾT LUẬN

Tóm lại, có thể nói lấy diễn ngôn tính dục làm trung tâm, văn học Mỹ latin soi chiếu qua Phân tâm học sáng lên nhiều vấn đề, tránh được những thành kiến và thiên lệch bởi: Đi vào đời sống bằng đường lối của âm đạo thì cũng tốt đẹp như bất cứ đường lối nào khác. Nếu bạn đi vào đủ sâu, đủ lâu bền, bạn sẽ tìm thấy những gì bạn tìm kiếm. Nhưng bạn phải đi vào với trái tim và linh hồn - và kiểm soát để lại quần áo của bạn bên ngoài. (Nói quần áo, tôi định nói đến, nỗi sợ hãi, thiên kiến, mê tín) [8, 37]. Trong quá trình này Phân tâm học dừng lại ở mức miêu tả và lý giải hơn là đề xuất con đường giải thoát khỏi tính dục, nhiệm vụ này có thể lấy Duy Thức học Phật giáo làm cơ sở tham chiếu. Quá trình vận dụng Duy thức và diễn ngôn tính dục có vẻ tránh được cực đoan bởi hai đối tượng này chuyển hóa lẫn nhau, đặc biệt là trong văn học, bởi nếu chỉ Thánh hay tội đồ thì còn rất ít lựa chọn.

N.T.T
(SH316/06-15)

 



 

Các bài mới
Các bài đã đăng