Nghiên Cứu & Bình Luận
Lý thuyết giả lập về hư cấu của Thomasson
09:18 | 31/07/2015

PHẠM TẤN XUÂN CAO

Trong một dạng thức của lời nói, các đối tượng không có màu sắc.
                                           Wittgenstein[1]

Lý thuyết giả lập về hư cấu của Thomasson
Tác phẩm "Fiction and Metaphysics" của Bà Amie Thomasson - Ảnh: internet

Hư cấu, ở đây, sẽ không được đồng nhất như là một thủ pháp của các sáng tác văn học hay như là một hình thức tu từ trong địa hạt văn chương. Ở bài viết này, hư cấu được xem như là một vấn đề của siêu hình học (metaphysics).[2] Bước chuyển hướng thứ nhất trong công cuộc tìm kiếm những vấn đề của siêu hình học trong văn học được đánh dấu bởi sự xuất hiện của ẩn dụ (metaphor) trong tư cách đồng vị với những vấn đề truyền thống của siêu hình học như: tồn tại (being), hiện hữu (exist), thực tại (reality), vật chất (matter), tâm trí (mind), tinh thần (spirituality), sự kiện (fact), thực thể (entity), thuộc tính (property)... Hans Blumenberg (1920 - 1996) được xem là người tiên phong trong quá trình đưa ẩn dụ trở thành một đối tượng nghiên cứu của siêu hình học. Ông đã đưa ra khái niệm “ẩn dụ học” (metaphorology) qua công trình Paradigms for a metaphorology. Mục đích của một “ẩn dụ học” đó chính là tái xác lập ý nghĩa của thế giới trong quá trình chúng ta nhận thức về nó, nhằm thu nhiếp những khái niệm lại với nhau, trong một trường quy chiếu khả hữu, mà không làm thất thoát đi những đơn vị ý nghĩa của thế giới, trong tính chất đa tạp của chính bản thân thế giới. Hưởng ứng điều này, và có thể được xem như là bước chuyển hướng thứ hai, Amie Thomasson (sinh năm 1968, hiện đang là giáo sư triết học ở University of Miami) đã thực hiện một công cuộc biến hư cấu trở thành một đối tượng nghiên cứu của siêu hình học qua tác phẩm Fiction and metaphysics (1999). Bà nổi tiếng trong giới nghiên cứu với “lý thuyết giả lập về hư cấu” (artifactual theory of fiction). Qua tác phẩm vừa nêu trên, cho thấy, việc biến hư cấu trở thành một đối tượng nghiên cứu của siêu hình học đã trở thành hiện thực. Khi các nhà triết học truyền thống coi hư cấu chỉ như là một vấn đề hạn hẹp thuộc lĩnh vực luận lý học hay triết học ngôn ngữ thì Thomasson đã chống lại điều này. Bà cho rằng, bản thân hư cấu chứa đựng những tiềm năng đầy triển vọng và nó xứng đáng được đặt ngang hàng với các vấn đề khác mà xưa nay siêu hình học vẫn thường hay nghiên cứu. “Lý thuyết giả lập về hư cấu” xem “các nhân vật hư cấu” (fictional characters) như là “các thể giả lập trừu tượng” (abstract artifacts), mà hệ quả trên bình diện siêu hình học của vấn đề này đã đưa đến một sự thiết lập mới mẻ về các phạm trù cơ bản của hữu thể học (basic ontological categories).[3]

Gregory Currie trong tác phẩm The Nature of Fiction khẳng định rằng, không thể có một lối giải thích tổng quát về hư cấu, vì bất kỳ một cố gắng nào nhằm giải thích nó cũng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn (circular). Thuật ngữ hư cấu không tiền giả định một cách hiểu nào về chính bản thân nó cả. Ông đưa ra câu hỏi: “Chúng ta có thể kỳ vọng điều gì từ một lý thuyết tổng quát về hư cấu?” Nếu như có thể có một lý thuyết đáp ứng được điều đó, thì khi căn cứ trên lý thuyết ấy, chúng ta có thể đưa ra các phán đoán của mình về một tác phẩm nào đó là hư cấu hay không hư cấu (nonfiction) thông qua việc xác thực nó về mặt trực giác (intuitively) của mỗi người. “Nếu nó thực sự là một giải thích đúng đắn, nó sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi khác về hư cấu giống như thế; ví dụ, nó sẽ giúp chúng ta hiểu được các loại ảnh hưởng mà hư cấu đem lại cho người đọc tác phẩm.”[4] Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, vấn đề mà Currie nêu ra hướng đến việc tập trung làm rõ các tính chất hư cấu (characters of fiction) của một tác phẩm nào đó là gì. Điều này khác với cách tiếp cận của Thomasson về hư cấu, khi bà tập trung vào việc làm rõ cơ chế phát sinh và tồn tại của các nhân vật hư cấu (fictional characters) là như thế nào. Và cơ chế vừa nêu bằng với chính nội dung trọng tâm của lý thuyết giả lập về hư cấu sẽ được trình bày tiếp dưới đây.

1. Hư cấu và nhân vật hư cấu

Thuật ngữ hư cấu (fiction) bắt nguồn từ tiếng Latin fingere nghĩa là “tạo hình” (to form)[5]. Mở đầu tác phẩm Fiction and metaphysics, Thomasson đưa ra câu hỏi, nếu chúng ta mặc nhiên thừa nhận (postulate) các nhân vật hư cấu (rằng chúng có), thế thì chúng sẽ là gì? Nếu như thế, một khi thông qua hành động mặc nhiên thừa nhận ấy, các nhân vật hư cấu giờ này sẽ trở thành các thực thể (entities), mà các thực thể này có thể được xem như là các đối tượng mang những tính chất sau: trừu tượng (abstract), phi hiện hữu (nonexist) và khả năng (possible) - gọi chung là các đối tượng hư cấu (fictional objects). Các nhân vật hư cấu như Sherlock Holmes, Hamlet, và Tom Sawyer được xem như là các thực thể “hiện hữu trong một thời gian xác thực qua hành động [sáng tác] của tác giả.”[6] Thomasson cho rằng các nhân vật hư cấu là tâm điểm của việc nhận thức thông thường của chúng ta về hư cấu. Ý nghĩa “tạo hình” trong nội hàm thuật ngữ hư cấu giờ đây mới phát huy tác dụng, rằng nếu chúng ta mặc nhiên thừa nhận các nhân vật hư cấu như là các thực thể, thế thì chúng được tạo ra như thế nào? Thomasson trả lời rằng, chúng hiện hữu khi và chỉ khi thông qua hành động vật lý và tinh thần của chính tác giả viết nên tác phẩm hàm chứa (maintenance) sự có mặt của các nhân vật hư cấu, do đó, ở đây có thể coi chúng như là các thực thể sáng tạo (created entities). Một điều chúng ta cần lưu ý ở đây rằng, các nhân vật hư cấu không chỉ được sáng tạo nên một lần rồi di trú trong thế giới, mà nó luôn luôn liên kết thiết yếu với chính nguồn gốc đặc thù đã tạo ra nó, nguồn gốc này có thể là văn bản bảo lưu (preserve) nhân vật hư cấu hay cũng có thể là hành động đặc thù từ một hay nhiều tác giả đem lại cho nhân vật ấy có được tư cách hiện hữu như một đối tượng/thực thể.

“Nếu chúng ta coi các nhân vật hư cấu như là những tạo vật được phát minh bởi các tác giả trong việc sáng tác nên những tác phẩm văn học, và [chúng] hiện hữu bởi vì sự xuất hiện của chúng trong các tác phẩm như thế, khi ấy điều đó cho thấy rằng dường như nhân vật hư cấu đã được bảo lưu [nơi tác phẩm], [đồng thời] một vài tác phẩm văn học vẫn phải được coi là hiện hữu.”[7]

Ở đây, một vấn đề đầy thách thức được đặt ra như sau. Nếu nhân vật hư cấu hiện hữu dựa trên tác phẩm văn học, vậy thì tác phẩm văn học dựa trên cái gì, khi chúng ta có thể nói rằng tác phẩm văn học hiện hữu, như ý cuối cùng của trích dẫn vừa nêu ra ở trên kia. Thomasson cho rằng, các nhân vật hư cấu dựa vào các tác phẩm văn học, mà bất kỳ một tác phẩm nào cũng phải dựa vào các nhân vật của nó - thể hiện tính tương liên (interrelation) giữa tác phẩm và nhân vật. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy thông qua các diễn ngôn phê bình về tác phẩm, “một tác phẩm văn học không phải là một dãy trừu tượng các từ và khái niệm chờ được khám phá mà thay vào đó là sự sáng tạo nên một cá nhân riêng biệt trong một giai đoạn, một hoàn cảnh lịch sử và xã hội đặc thù”[8]. Từ đó, các tác phẩm văn học phải được sáng tác bởi một hay nhiều tác giả trong khoảng thời gian xác thực khiến chúng trở nên hiện hữu.

Nếu chúng ta xem các tác phẩm văn học như là các thể giả lập (artifacts) được tạo nên trong một khoảng thời gian xác thực, và như thế thì cũng như những đối tượng khác, liệu rằng chúng có thể bị phá hủy hay không? Điều này xem ra có vẻ quái đản (bizzarre), khi cho rằng các câu chuyện trước đây như chưa bao giờ có mặt vậy, nếu như chúng ta tạm chấp nhận kết quả rằng là nó có thể bị phá hủy. Thế nhưng, ngược lại, khi cho rằng các tác phẩm văn học, nếu chúng hiện hữu, chúng phải hiện hữu vĩnh viễn (eternal) theo quan điểm của thuyết Platon (Platonism). Thuyết này cho rằng, tất cả các thực thể trừu tượng (abstract entities) tạo nên một địa hạt, mà mọi thứ ở đó trở nên bất biến (changeless) và vô tận (timeless), nếu chúng ta xem các tác phẩm văn học như là các thể giả lập trừu tượng thì cũng không thể loại trừ cách nhìn như thế. Thomasson cho rằng, cái có thể bị phá hủy chỉ là những tập hợp (collection) của các bản sao từ các tác phẩm văn học mà thôi. Bởi vì, tác phẩm văn học không cần đến bất kỳ bản sao chép cụ thể nào cả, nhằm làm cho nó hiện hữu, mà nó chắc chắn có thể được xem là hiện hữu, khi chúng ta trừu xuất cách nhìn của chúng ta về nó như những thể giả lập trừu tượng (abstract artifacts). Các nhân vật hư cấu cũng giống như các tác phẩm văn học, khi chúng hiện hữu thì cũng có thể có khả năng là khi mà chúng không còn hiện hữu nữa, so với truyền thống văn học của một nền văn hóa nào đó.

“Nếu tất cả các tác nhân ý thức bị phá hủy, thì không có gì cho phép các nhân vật hay tác phẩm hư cấu được hình dung về chúng từ những dòng mực in trên giấy. Tương tự, nếu tất cả người nói một ngôn ngữ nào đó chết hết, thì ngôn ngữ đó chẳng bao giờ được phát hiện lại, như thế các tác phẩm văn học cũng có thể xem như là cái thứ ngôn ngữ bạc mệnh ấy.”[9]

Chẳng có nhân vật hư cấu nào trơ trọi hay lẻ loi cả, trong công cuộc truy xét đến các hình thái xác thực nhằm thông hiểu con người, chúng (các nhân vật hư cấu) luôn luôn được bảo lưu qua sự sáng tạo. Các tác phẩm nghệ thuật không đơn thuần chỉ là các đối tượng vật lý, mà thay vào đó, chúng còn là sự thuyết minh (instantiation) về chính những đối tượng vật lý ấy.

Trước khi đi vào phân tích sự tùy thuộc hiện hữu (existential dependence) đóng vai trò như là căn nền (substratum) cho sự có mặt của các nhân vật hư cấu, chúng ta sẽ điểm qua lần lượt hai lý thuyết phổ biến về hư cấu.

* Lý thuyết Meinong về hư cấu (Meinongian Theory of Fiction)

Lý thuyết này xem các nhân vật hư cấu như là các thực thể trừu tượng, phi hiện hữu. Alexius Meinong (1853 - 1920), triết gia người Áo, là học trò của Franz Brentano (1838 - 1917). Ông được xem là một nhà triết học duy thực (realist). Tính chất chung của phái duy thực (realism), đó là việc họ quan niệm rằng, các đối tượng vẫn tiếp tục hiện hữu ngay cả khi nó không còn xuất hiện ở trong thế giới nữa. Meinong quan niệm rằng, các đối tượng có thể là một trong ba thể thức (modalitities) của tồn tại và không-tồn tại (non-being):

a/ hiện hữu (existence) - đối tượng tồn tại mang tính thời gian và vật chất.

b/ hiện hữu khiếm diện (subsistence) - đối tượng tồn tại trong ý thức phi thời gian (non-temporal sense).

c/ hiện hữu tiền định (absistence) - đối tượng tồn tại nhưng có thể xem như là nó không tồn tại, vì rằng mẫu thức tối thiểu (minimal mode) của tồn tại loại này không được coi như là mẫu thức của tất cả tồn tại, nó không có sự phủ định (negation), nó có thể được xem như là mẫu thức của cả tồn tại lẫn không-tồn tại.

Lý thuyết này được phát triển nhờ Terence Parsons, Edward Zalta và William Rapaport. Ở đây, có thể tổng quát lại ba nguyên tắc nền tảng của lý thuyết này trong việc nhìn nhận về các đối tượng phi hiện hữu như sau (trong đó bao gồm cả các đối tượng/thực thể/nhân vật hư cấu):

(i.) nguyên tắc lĩnh hội vô số các đối tượng phi hiện hữu (đối tượng được đặt trong tương quan với vô số các thuộc tính, và thường thì các thuộc tính loại này ở dạng phức hợp - complex properties);

(ii.) các đối tượng ở loại (i.) dù gì đi nữa cũng không hiện hữu;

(iii.) mặc dù các đối tượng ấy không hiện hữu nhưng chúng lại có các thuộc tính được đặt trong một tương quan nào đó.

Thomasson phản đối lý thuyết này, bằng cách khẳng định rằng, các nhân vật hư cấu vẫn hiện hữu. Chúng có thể hiện hữu khi tôi nghĩ về chúng hay ám chỉ đến chúng. Theo lý thuyết giả lập, các nhân vật hư cấu được sáng tạo trong một thời đoạn xác thực (a certain point in time), chúng không chỉ được khám phá ra mà còn được chọn lấy nữa. Cách tiếp cận của quan điểm giả lập là cách tiếp cận từ dưới lên trên (bottom-up approach), còn cách tiếp cận của lý thuyết Meinong thì lại là cách tiếp cận từ trên xuống dưới (top-bottom approach). Các học giả phát triển lý thuyết Meinong cho rằng, khi tác giả viết ra một câu chuyện, bản thân các nhân vật hư cấu mà tác giả sẽ nhắc đến trong tác phẩm đã hiện diện trong một dãy vô hạn các đối tượng trừu tượng, phi hiện hữu; việc làm của tác giả chỉ là chọn lấy trong số các đối tượng mà tác giả cho đó là nhân vật mình định viết trong tác phẩm của mình. Còn lý thuyết giả lập cho rằng, các nhân vật hư cấu được tạo ra bởi tác giả dựa trên những đối tượng thông thường (odinary objects). Lý thuyết giả lập khác biệt một cách tận nền tảng trong cách tiếp cận so với lý thuyết Meinong về nhân vật hư cấu. Khi lý thuyết đó cho rằng các nhân vật hư cấu được trừu xuất từ địa hạt (realm) của các đối tượng phi hiện hữu, trong khi lý thuyết giả lập cố gắng cho thấy rằng, các nhân vật hư cấu có liên quan đến các thực thể trong thế giới thông thường (entities in the ordinary world).

* Lý thuyết khả năng về hư cấu (Possibilist Theory of Fiction)

Lý thuyết này muốn khai triển một hữu thể học về các khả thể (an ontology of possibilia). Cố gắng của nó là xác định các nhân vật hư cấu trong số các khả thể phi thực hữu (unactualized possibilia). Đại biểu của lý thuyết này có thể kể đến như Saul Kripke (1940) và Alvin Plantinga (1932). Và họ coi các thực thể khả năng (possible entities), mà trong đó có cả các nhân vật hư cấu, như là những khả thể phi thực hữu. Họ cho rằng, khi tác giả viết ra một tác phẩm, thì giả như, nếu trong suốt quá trình đó không có một con người thực hữu (actual person) nào, mà tất cả các thuộc tính của con người ấy, được gán cho chính bản thân nhân vật hư cấu mà tác giả sẽ viết nên, thì chắc chắn rằng, ở đó, sẽ có một vài con người khả năng (some possible person) chứa đựng tất cả các thuộc tính làm nên nhân vật sau khi tác giả đã tạo dựng, khi nó được coi như là một thành viên của thế giới khả năng khác (a member of another possible world). Điều này khác với quan điểm của lý thuyết giả lập về nhân vật hư cấu, khi lý thuyết giả lập cho rằng, “các đối tượng hư cấu không phải là con người khả năng mà là các nhân vật thực hữu.”[10] Nếu theo quan điểm của lý thuyết khả năng, khi họ cho rằng, trước khi một nhân vật hư cấu được gán tên thì nó được xem như là một trong số các cá nhân khả năng (possible individuals), tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể biết được rằng, nhân vật hư cấu mà tác giả viết nên được chọn như thế nào trong số các cá nhân khả năng ấy. Vì rằng, nếu chúng ta cố gắng nhận dạng các nhân vật với tư cách như là những con người khả năng thì các đặc tính của một nhân vật (the features of a character) sẽ không bao giờ được khai mở trong tác phẩm (khi chúng luôn đang đứng ở trong một sự đa biệt vô tận (infinite variety) của các khả thể), nên việc xác định một nhân vật cụ thể (particular character) như nhân vật mà tác giả đã viết nên là nhân vật nào trong số các nhân vật khả năng ấy thì quả thực rất khó khăn.

2. Sự tùy thuộc hiện hữu

Thomasson cho rằng, “các tính chất hư cấu làm xuất hiện các đối tượng tùy thuộc nhau về mặt hệ hình”[11] (paradigmatically dependent objects), do đó, công cụ để phát triển một lý thuyết giả lập về các nhân vật hư cấu không nằm ngoài một lý thuyết tùy thuộc (theory of dependence). Các nhân vật hư cấu như là các đối tượng tùy thuộc (dependent objects), mà sự hiện hữu của chúng coi như đó là các thực thể trong các tác phẩm văn học luôn được xuất phát từ hành động sáng tạo (creative act) của tác giả. Do đó, các nhân vật hư cấu được nhìn nhận như là các thể tùy thuộc (dependencies). Theo Thomasson, sự tùy thuộc là “một hiện tượng dị biệt và phổ biến một cách kỳ lạ.” [12] Khi chúng ta muốn có được một quan niệm rõ ràng về các thể tùy thuộc, thì việc xác định vị thế của chúng như một đối tượng để quan niệm, ở đây, không chỉ giới hạn ở các đối tượng hư cấu mà còn cả những thực thể văn hóa (cultural entities), các đối tượng trừu tượng, vật lý và sinh học. Việc phát triển một lý thuyết tùy thuộc sẽ là công cụ tối ưu trong công cuộc phân tích về cấu trúc của một sự đa biệt thực thể (the structure of variety of entities). Sự tùy thuộc hiện hữu, vẫn thường được định nghĩa như sau: một cách thiết yếu, nếu A hiện hữu thì B hiện hữu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một vài định nghĩa phản đối tính nhân quả (causality) loại này, khi từ A ta không phải luôn luôn có B. Mặc dù vậy, lối định nghĩa phản đối vừa nêu lại cung cấp cho chúng ta một cách tiếp cận hữu ích (a useful approximation) cho vấn đề về sự tùy thuộc hiện hữu trong một lối tiếp cận hình thức (formal approximation) có liên quan đến các quan hệ siêu hình học (metaphysical relations) - các quan hệ thành phần-toàn thể (part-whole relations). Việc chúng ta cần nhận thấy ở đây chính là khoảng thời gian mà một thực thể hiện hữu có xác thực hay không. Do đó, ta có thể phát biểu lối định nghĩa trên kia như sau: nếu A hiện hữu trong một khoảng thời gian thì B cũng hiện hữu trong một khoảng thời gian nào đó. Cho nên, ở đây, căn cứ trên sự quy định về mặt thời gian của một thực thể hiện hữu, chúng ta có được hai hình thức tùy thuộc hiện hữu chủ đạo: sự tùy thuộc phiếm định (constant dependence) và sự tùy thuộc sử tính (historical dependence).

2.1. Sự tùy thuộc phiếm định

Thomasson cho rằng, sự tùy thuộc phiếm định là ý niệm trung tâm nhất về sự tùy thuộc hiện hữu. Khi đưa ra điều kiện, B tùy thuộc một cách phiếm định từ A, thì một cách thiết yếu, A nào hiện hữu thì B cũng hiện hữu. “Nếu căn cứ vào thực thể như là một cá nhân đặc thù thì quan hệ của sự tùy thuộc phiếm định là rạch ròi.”[13] Tính rạch ròi này thể hiện ở chỗ, một đối tượng còn có thể là một thể tùy thuộc phiếm định một cách rạch ròi (rigidly constantly dependent) khi nó vào vai là một thành phần hay một khoảnh khắc hiện hữu của thực thể. Ví dụ, bộ não của tôi có thể được xem như là thể tùy thuộc phiếm định một cách rạch ròi so với tôi (tôi hiện hữu thì bộ não của tôi cũng hiện hữu). “Nếu A là thể tùy thuộc phiếm định một cách rạch ròi so với B, và B là một phần tinh yếu (a proper part) của A, chúng ta có thể gọi B là một “phần yếu tính” (essential part) của A.”[14] Bên cạnh đó, các vật tùy thuộc một cách phiếm định phải bao gồm các thuộc tính đặc thù hóa (particularized properties), điều này có thể nói rằng, thể tùy thuộc phiếm định xác định đối tượng cho chúng, ví dụ, màu đỏ (của quả táo) hiện hữu thì quả táo cũng hiện hữu. Thomasson cho rằng, nếu A là thể tùy thuộc phiếm định một cách rạch ròi nơi những chuyện đặc biệt (specific state of affairs) bao hàm chính nó, chúng ta có thể gọi thuộc tính cấu thành những chuyện đó là một “thuộc tính bản chất” (essential property) của A. Nếu Napoleon là thể tùy thuộc phiếm định một cách rạch ròi trong “Napoleon là con người này” thì chúng ta có thể nói rằng “con người này” (being human) là một thuộc tính bản chất của Napoleon. Khi thực thể A, đòi hỏi một cách phiếm định đó là một sự vật thì sự vật ấy luôn viện dẫn đến một thuộc tính tiền định (a given property). “Các đối tượng, những chuyện (state of affairs), và các thuộc tính, tất cả chúng có thể đứng trong các quan hệ của một sự tùy thuộc phiếm định đồng chủng (generic constant dependence).”[15]

2.2. Sự tùy thuộc sử tính

Sự tùy thuộc sử tính (historical dependence) đặt ra vấn đề như sau. Khi một thực thể cần đến một vật khác để trở nên hiện hữu ngay từ lúc ban đầu (initially), thì mặc dù nó có thể hiện hữu một cách độc lập (independently) khi một lần nó được tạo ra. Ở đây, sự tùy thuộc sử tính không cần đến một thực thể phụ (supporting entity) hiện diện đời đời (present at all times) để thực thể tùy thuộc đó có, mà thực thể ấy luôn luôn ở trong một sự tùy thuộc sử tính rạch ròi (rigid historical dependence). Tôi là một thể tùy thuộc sử tính một cách rạch ròi so với bố mẹ tôi, họ có thành thử họ khiến tôi hiện hữu. Bất kỳ “một thực thể sáng tạo (created entity) nào cũng phải được tạo ra thông qua một cá nhân riêng biệt (a specific individual), cá nhân này không chỉ là một vài cá nhân của một kiểu loại lý thuyết (a specified type), nó cũng có thể là nguồn gốc đặc thù từ một sự hiện hữu của con người sáng tạo (a created being’s existence) là một thành phần của mọi yếu tính của nó.”[16] Ví dụ, tôi, một thực thể tùy thuộc về mặt sử tính, không đơn giản chỉ là phụ thuộc vào việc tồn tại một vài thực thể giống như bố mẹ của tôi, mà tôi có thể xem như là tùy thuộc về mặt lịch sử so với bao ông bố bà mẹ khác nữa - nghiễm nhiên là tùy thuộc ở trong thuộc tính “con” khi gọi những người đó (nếu họ sinh ra tôi) là bố và mẹ. Khái niệm sự tùy thuộc sử tính đồng chủng (generic historical dependence) có thể được xem là vô nghĩa (nonsensical), rằng các đối tượng, nếu tất cả chúng tùy thuộc về mặt sử tính thì chúng luôn luôn tùy thuộc về mặt sử tính một cách rạch ròi vào một vật cụ thể, không kể đến bất kỳ một thực thể nào bắt gặp được những điều kiện xác thực cả. Tuy nhiên, sự tùy thuộc sử tính rạch ròi có thể được mô tả thông qua một vài trường hợp, coi như ở đó, khái niệm sự tùy thuộc sử tính đồng chủng vẫn có thể được coi là có khả năng (room) có được ý nghĩa. Điều này có thể được hiểu thông qua một loại hình của sự tùy thuộc mà một thực thể có một vài điều kiện cần thiết cho sự sáng tạo của nó khiến nó được tiềm tàng (implicate) trong một thực thể của một thực thể sáng tạo. Ví dụ, rượu được làm ra từ đường sau khi lên men. Men không tham gia vào việc cấu tạo nên hợp chất (compound) cuối cùng của phản ứng (reaction), mà ở đây chỉ có bản thân các nguyên tố có trong các phân tử đường tham gia vào việc cấu tạo nên chất rượu mà thôi. Vì thế mà có thể coi rượu tùy thuộc về mặt sử tính một cách rạch ròi vào loại đường cấu tạo nên nó, do đó, có thể coi rượu là một thể tùy thuộc về mặt sử tính một cách đồng chủng (generically historically dependent) - khác với thể tùy thuộc phiếm định: sự tùy thuộc phiếm định đồng chủng (generic constant dependence) - cái trước là trạng từ (adverb) - (generically), và cái sau là một tính từ (adjective) - (generic).

3. Các nhân vật hư cấu như là những thể giả lập trừu tượng

Thomasson cho rằng, các nhân vật hư cấu là cấp độ cao hơn so với các thực thể tùy thuộc (dependent entities), các thực thể tùy thuộc trong trạng thái khác nhau của các chiều hướng dựa trên một sự đa biệt của các thực thể. Các nhân vật hư cấu, ở đây, được xem như là những thể giả lập trừu tượng (abstract artifacts), “một loại thực thể thường hay [được] bắt gặp thế nhưng thừa nhận [nó còn] quá ít.”[17] Thomasson muốn tạo ra một lối giải thích trực giác (the intuitive version) cho lý thuyết giả lập dựa trên sự tùy thuộc hiện hữu của các nhân vật hư cấu. Từ đó, mở ra một công cuộc nghiên cứu làm thế nào mà các thực thể tùy thuộc lại thích hợp với một siêu hình học thể thức tổng quát (a general modal metaphysics). Trước khi trình bày quan điểm của lý thuyết giả lập về nhân vật hư cấu, chúng ta lần lượt điểm qua hai quan điểm thông thường về nhân vật hư cấu sau đây, qua đó, có thể phân biệt được cách nhìn nhận về cơ chế phát sinh và tồn tại của các nhân vật hư cấu ở mỗi lý thuyết là như thế nào.

(i). Các nhân vật hư cấu như là các đối tượng tham chiếu (objects of reference)

Theo quan điểm này, chúng ta phải mặc nhiên thừa nhận rằng, các đối tượng hư cấu (trong đó có cả nhân vật hư cấu) có ý nghĩa cho một kiểu loại xác thực của diễn ngôn văn học được nhìn nhận như là những đối tượng tham chiếu. Crittenden xem các đối tượng hư cấu như là “những đối tượng ngữ pháp” (grammatical objects). Peter van Inwagen thì cho rằng các đối tượng hư cấu là “những đối tượng lý thuyết” (theoretical objects) xuất hiện trong các tác phẩm phê bình văn học. Xuất phát từ quan điểm phổ biến của Wittgenstein về ngôn ngữ (a broadly Wittgensteinian view of language), Crittenden mặc nhiên thừa nhận các đối tượng hư cấu như là các đối tượng tham chiếu, hay những đối tượng ngữ pháp. Ông cho rằng, các danh xưng hư cấu (fictional names) luôn quy chiếu đến những đối tượng xác thực (certain objects), mà những đối tượng này chỉ trở nên hiệu dụng một khi chúng được tham chiếu thông qua độc giả, nhà phê bình hay các nhà chuyên môn. Crittendent phủ nhận các nhân vật hư cấu, ông cho rằng, chúng không hiện hữu và cũng không được hiểu, xem như nó là bất kỳ một thành phần nào của thực tại cả. Các đối tượng hư cấu chỉ được xem là hiện hữu khi nó được tạo ra qua hành động viết của tác giả xây dựng nên tác phẩm, chúng không bao giờ được xem là hiện hữu độc lập khi chúng ta cố gắng nhấn mạnh rằng chúng như là một bộ phận của thực tại. Chúng hoàn toàn dựa vào hành động viết của tác giả, do đó chúng luôn được nhấn mạnh đến qua các thực hành ngôn ngữ, rằng chúng sẽ nhận lấy ý nghĩa, khi một thực hành trong lối viết của tác giả là khả hữu, nhằm đem lại ý nghĩa trong một sự tham chiếu đến đối tượng nào đó. Peter van Inwagen thì quan niệm rằng, các nhân vật hư cấu là “những thực thể lý thuyết của phê bình văn học” (theoretical entities of literary criticism). Ông cho rằng, các thực thể lý thuyết, một cách tổng quát, “chỉ như là những hành động tham chiếu đến các từ vựng đặc biệt của những kỷ luật lý thuyết sao cho có thể tạo ra những câu văn hợp lý.”[18] Tuy nhiên, van Inwagen không đề cập đến việc các nhân vật hư cấu được tạo ra bằng cách gì, nó quan hệ với độc giả như thế nào, và làm sao chúng ta có thể nhận dạng hoàn cảnh xuất hiện của chúng chỉ từ một vài câu văn thông qua diễn ngôn phê bình. Về cơ bản, quan niệm của lý thuyết giả lập về nhân vật hư cấu khác với quan điểm xem các nhân vật hư cấu như là những đối tượng tham chiếu. Chúng không là một loại hình riêng biệt (a peculiar type) của đối tượng hư cấu mà là một loại hình của đối tượng tương thích với các câu chuyện và các đối tượng đời thường khác (other everyday objects), Thomasson nhấn mạnh.

(ii). Các nhân vật hư cấu như là các đối tượng tưởng tượng (imaginary objects)

Quan điểm này khẳng định rằng, có một sự tương đồng xác thực (a certain similarity) giữa yếu tố tinh thần và các đối tượng hư cấu. Ở đây, các nhân vật hư cấu được tạo ra và xác nhận thông qua những hành vi tưởng tượng (imaginative acts). Đại diện cho quan điểm này có Jean-Paul Sartre và Ingarden. Sartre muốn áp dụng không chỉ ở các đối tượng tưởng tượng (imagined objects) mà còn ở các đối tượng tượng trưng trong các tác phẩm nghệ thuật, và ngay cả chính bản thân các tác phẩm nghệ thuật. “Một đối tượng tưởng tượng, ở quan điểm này, là một thực thể được sáng tạo thông qua một hành vi tưởng tượng của ý thức, và trong suốt thời gian đó, nó hiện hữu như là một tồn tại được hình dung.”[19] Các đối tượng tưởng tượng được tạo ra qua những hành vi ý hướng (intentional acts) từ phía các tác giả của chúng. Sartre cho rằng, các đối tượng này chỉ hiện hữu khi có một ai đó suy nghĩ về chúng. Chúng chỉ hiện hữu trong suốt khoảng thời gian mà chúng đang có trong suy nghĩ và đồng thời ngừng lại vĩnh viễn trong một khoảng thời gian khi không có bất kỳ người nào tưởng tượng về nó cả. Điều này dường như đem lại một hệ quả kỳ quặc khi cho rằng các nhân vật hư cấu “chuyển di hiện hữu một cách nội ngoại xuất nhập.”[20] (flit in and out of existencen) Sartre quan niệm rằng, các nhân vật hư cấu không chỉ được sáng tạo bởi những hành vi tưởng tượng của tác giả (the authors imaginative acts) mà chúng còn được tái sáng tạo lại lần nữa thông qua những hành vi tưởng tượng ở mỗi độc giả (the imaginative acts of each reader). Điều này xem ra khó có được tính hợp thức hóa ở đây, vì rằng, hai hay nhiều người đọc liệu có thể đảm bảo được rằng họ có đang đọc và có chung một kinh nghiệm về cùng một nhân vật hư cấu hay không. Ingarden đã tránh được những vấn đề này, khi ông cho rằng, các nhân vật hư cấu, trong một vài ý nghĩa nào đó, luôn phụ thuộc vào ý hướng tính (intentionality). Theo Ingarden, các nhân vật hư cấu là một “đối tượng ý hướng một cách thuần túy”[21] (purely intentional object), một đối tượng tạo ra thông qua ý thức, đồng thời có “nguồn gốc hiện hữu và yếu tính toàn phần của nó”[22] (the source of its existence and total essence) trong ý hướng tính. Nhân vật hư cấu được sáng tạo bởi tác giả xây dựng nên những câu văn về nó, thế nhưng nó còn được duy trì sự hiện hữu của nó về sau không chỉ thông qua sự tưởng tượng của các cá nhân mà còn thông qua chính những từ ngữ và câu văn trong tác phẩm. Ingarden gọi những từ ngữ và câu văn này là “ý hướng tính vay mượn” (borrowed intentionality), một năng lực đại diện trích xuất từ những hành vi ý hướng cấp nghĩa (confer meaning) cho các âm vị và hình vị được viết/phiên ra. Mặc dù các nhân vật hư cấu vẫn được coi là tùy thuộc một cách tức thời vào ý hướng tính, tuy nhiên sự tùy thuộc tức thời (the immediate dependence) của các nhân vật hư cấu trên những từ ngữ và câu văn đặt chúng trong một sự tùy thuộc tương đối (a relative independence) từ bất kỳ một hành vi cụ thể nào của ý thức. Điều này, xem ra lại khác với quan điểm của lý thuyết giả lập về nhân vật hư cấu. Khi lý thuyết này cho rằng, “các nhân vật hư cấu được duy trì hiện hữu một cách thông thường thông qua sự hiện hữu của một vài bản sao tác phẩm văn học liên quan đến chúng.”[23] Ví như, sự hiện hữu hiện thời (the ongoing existence) của đồng tiền đòi hỏi xã hội sẽ chấp nhận nó như là tiền mặc dù nó không phải khi nào cũng được nhìn nhận một cách dứt khoát bởi một ai đó rằng “đây là tiền.” Các nhân vật hư cấu không chỉ chuyển di hiện hữu một cách nội ngoại xuất nhập dựa trên bất kỳ người nào đang suy nghĩ về chúng, mà chúng còn hiện hữu trong khắp các tác phẩm văn học xem như chúng vẫn có đó.

3.1. Tính tùy thuộc của các nhân vật hư cấu

Tính tùy thuộc của các nhân vật hư cấu thể hiện ở chỗ, chúng tùy thuộc vào những hành vi sáng tạo của một hay nhiều tác giả viết nên tác phẩm. Rõ ràng rằng, sự tùy thuộc của nhân vật hư cấu vào những hành vi ý hướng của một hay nhiều người sáng tạo nên nó là một sự tùy thuộc sử tính rạch ròi. “Sự tùy thuộc sử tính của nó dựa trên các hình thức xác thực của ý hướng tính biểu ký (signal) nó như là một thể giả lập, một đối tượng được tạo ra qua hành vi có mục đích của nhiều người.”[24] Sự tùy thuộc tức thời của nhân vật hư cấu là một sự tùy thuộc phiếm định đồng chủng trong một vài tác phẩm văn học về nó, bởi vì nhân vật chỉ hiện hữu trong khắp một vài tác phẩm văn học viết về nó, xem như chúng vẫn còn có đó, và đồng chủng bởi vì nhân vật có thể được duy trì qua sự hiện diện ở bất kỳ những tác phẩm văn học nào khác nữa. Tính tùy thuộc giữa các tác phẩm văn học và các tác giả rút tỉa (exhaust) tính tùy thuộc tức thời của các nhân vật hư cấu; bên cạnh đó tính tùy thuộc dựa trên các tác giả, bản sao hay bộ nhớ, đồng thời với một mối quan hệ thành thạo giữa các độc giả dẫn đến việc rút tỉa tính tùy thuộc tức thời của các tác phẩm văn học. Mặc dù các nhân vật hư cấu là những thể giả lập, chúng còn được coi như là những thể giả lập cụ thể (concrete artifacts) nữa. Tính tùy thuộc của các nhân vật hư cấu dựa trên những thực thể thông thường giống như các bản sao văn bản, đồng thời các nhân vật hư cấu không có một vị trí không-thời gian (a spatiotemporal location), do đó chúng khoác lấy tính trừu tượng trong ý nghĩa của các thể giả lập. Ví như có ai đó muốn tìm kiếm nhân vật Sherlock Holmes ở Wall Street hay bất kỳ nơi đâu, trong nhiều vị trí không thời gian thực tế, thì đó được xem như là một lầm lẫn quá ngây thơ, vì rằng họ đã kỳ vọng vào nhân vật Sherlock Holmes như một thực thể không-thời gian, đôi khi có lẽ như là một con người thực hơn cả một nhân vật hư cấu, mà vốn dĩ cái tên Sherlock Holmes khoác lấy. Nếu các nhân vật hư cấu không thể được định vị, hoặc ở trong câu chuyện, hoặc trong những bản sao của các tác phẩm văn học, thì có lẽ rằng, sự thiếu vắng các ứng viên có vẻ hợp lý (plausible candidates) xem như là các nhân vật hư cấu chỉ đơn giản như những thực thể không có vị trí không-thời gian. Mặc dù những thực thể này là trừu tượng trong ý nghĩa không có vị trí không-thời gian của chúng, chúng thường dựa vào những thực thể tiếp liên (contigent entities) và không được đặc tính hóa như là những thực thể thiết yếu (necessary entities). Hơn nữa, các thể giả lập trừu tượng không phải vô tận, mà thay vào đó, chúng được tạo ra trong một khoảng thời gian cụ thể, trong những hoàn cảnh đặc thù, và vì thế chúng có thể thay đổi, do đó, chúng có thể biến mất ngay sau khi chúng được tạo ra.

3.2. Các nhân vật hư cấu trong siêu hình học thể thức

Siêu hình học thể thức (modal metaphysics) bao hàm các thực thể cụ thể thực hữu (actual concrete entities) và các thực thể cụ thể khả năng (possible concrete entities). Nếu các thể trừu tượng (abstracta) bao gồm chúng (2 dạng thực thể vừa nêu), một cách tổng quát, chúng ta có thể nói rằng tất cả chúng sẽ được lưu trú (occupy) trong các thế giới khả năng (possible worlds). Từ đó nảy sinh ba phản hồi về vấn đề thế giới khả năng mà nhân vật hư cấu lưu trú.

(i) Người không tin vào vấn đề thế giới khả năng thì cho rằng không có đối tượng hư cấu nào trong thế giới thực hữu hay bất kỳ thế giới khả năng nào cả.

(ii) Người theo quan điểm về vấn đề thế giới khả năng thì cho rằng, bởi vì các nhân vật hư cấu là các khả thể (possibilia), nên chúng chỉ ở trong những thế giới khả năng (chứ không phải trong thế giới thực hữu).

(iii) Người theo quan điểm trừu tượng về vấn đề thế giới khả năng thì cho rằng, chúng như các đối tượng trừu tượng, các nhân vật hư cấu là những thành viên của tất cả các thế giới khả năng (bao gồm luôn cả thế giới thực hữu).

Mỗi người bạn của chúng ta, coi như đó là các nhân vật hư cấu/thực hữu là một thành viên của thế giới thực hữu và các thế giới khả năng khác cũng chứa đựng tất cả điều kiện cần thiết để giả định nên các thực thể tương tự như vậy. Ví dụ, những thế giới bên ngoài của Shakespeare cũng là những thế giới bên ngoài Hamlet, Macbeth. Do đó, cũng một kiểu tương tự, nếu các thế giới này không có câu chuyện về Holmes thì cũng chẳng có một Sherlock Holmes nào cả. Và các thế giới này cũng không thể có một ý thức về việc có đó những thế giới khác mà ở đấy không có lấy một nhân vật hư cấu nào. “Chúng ta có thể thiết lập nhiều hoàn cảnh xác định cho những thế giới mà nhân vật hư cấu được bao hàm [ở trong đó] qua việc thẩm tra các tính tùy thuộc đặc thù.”[25] Vì rằng, các nhân vật hư cấu tùy thuộc một cách rạch ròi vào tác giả của nó khiến cho nó trở nên hiện hữu, thành thử bất kỳ thế giới khả năng nào cũng chứa đựng một nhân vật tiền định (a given character) như là một thành viên của thế giới hàm chứa nhiều tác giả và hành động sáng tạo của họ. Việc nắm lấy những hành vi sáng tạo của một tác giả (an author’s creative acts) và tác phẩm văn học về nhân vật hư cấu đồng thời cũng được coi là đầy đủ để xác lập cho một nhân vật hư cấu, nhân vật hiện diện trong tất cả các thế giới chứa đựng toàn bộ điều kiện thiết yếu được giả định như là các thực thể. Nếu bất kỳ một trong số những điều kiện này không có thì thế giới không chứa đựng nhân vật, ngay cả khi nếu nó có thể chứa đựng một vài những nền tảng của nhân vật đó. Hơn nữa, lý thuyết giả lập chỉ cho phép chúng ta thảo luận dưới những điều kiện mà ở đó phải có các nhân vật hư cấu, chứ thật sự chúng không có mặt một cách thực hữu, mà chúng chỉ thực hữu ở dạng tiềm năng mà thôi.

Tóm lại, việc Thomasson đưa ra tranh luận siêu hình học về sự hiện hữu của các đối tượng hư cấu trong một sự đa biệt của các vị trí. Tranh luận đầu tiên thông qua các thực hành văn học của chúng ta, đồng thời với khái niệm của chúng ta về nhân vật hư cấu. Tranh luận thứ hai cho rằng, các thực hành văn học đồng thời với ý nghĩa và những nguyên tắc được chi phối bởi thuật ngữ “nhân vật hư cấu” (fictional character), đưa đến sự có mặt của các nhân vật hư cấu. Hai tranh luận này xác thực về mặt quan hệ giữa các khái niệm và ý nghĩa, chúng tương đương nhau và có thể áp dụng cho nhau. Khi nhà văn viết ra một tác phẩm, anh ta thường không ý thức được một ý niệm tiền giả định về điều hư cấu mà anh ta định viết sẽ là gì, thế nhưng, khi anh ta hoàn thành tác phẩm, anh ta đã tiền giả định một thế giới của các nhân vật hư cấu mà những nghiên cứu siêu hình học về vấn đề hư cấu lấy đó làm đối tượng để thẩm tra. Theo lý thuyết giả lập của Thomasson thì thế giới của các nhân vật hư cấu ấy chính là thế giới của các thể giả lập trừu tượng tùy thuộc trên một thể thức phát sinh tiềm năng.  

P.T.X.C
(SH317/07-15)


-------------------
[1] Wittgenstein, Tractatus Logico-Philosophicus, 2.023: “In a manner of speaking, objects are colourless”.
[2] Siêu hình học (metaphysics) là một nhánh trọng yếu của triết học, mà mục đích của nó là truy  nguyên về bản chất của thực tại.
[3] Hữu thể học (ontology) là một nhánh chủ đạo của siêu hình học, mà mục đích của nó là tập trung  nghiên cứu về vấn đề tồn tại.
[4] Gregory Currie (2008) The Nature of Fiction, Cambridge University Press, p.2.
[5] Amie Lynn Thomasson (1999), Fiction and metaphysics, Cambridge University Press, p.6.
[6] Ibid, p.5.
[7] Ibid, p.7.
[8] Ibid, p.8.
[9] Ibid, p.11.  
[10] Ibid, p.27.
[11] Ibid, p.3.  
[12] Ibid, p.24.  
[13] Ibid, p.30.  
[14] Ibid, p.30.  
[15] Ibid, p.31.  
[16] Ibid, p.32.  
[17] Ibid, p.35.  
[18] Ibid, p.20.  
[19] Ibid, p.21-22.  
[20] Ibid, p.22.  
[21] Ibid, p.22.  
[22] Ibid, p.22.
[23] Ibid, p.23.  
[24] Ibid, p.35.
[25] Ibid, p.39.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng