YẾN THANH
Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo viết ngày 28/8/1945 tại 48 Hàng Ngang và đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một văn bản chính trị quan trọng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, chính trị của nó, có lẽ chúng ta đã có nhiều công trình nghiên cứu khá thấu đáo, nhưng từ góc độ văn chương nghệ thuật, theo tôi những tìm tòi thời gian qua vẫn chưa có nhiều mới mẻ, và đa phần vẫn lấy những điều kiện xã hội, lịch sử khách quan bên ngoài, tức dùng phương pháp xã hội học nhằm cắt nghĩa. Tuyên ngôn độc lập trước tiên cần phải khẳng định với tư cách là một văn bản hành chính viết theo lối văn chương chính luận, chứ không phải là một sáng tạo nghệ thuật thuần túy. Tuy nhiên, giá trị của nó đã vượt ra/lên khỏi những lập luận đơn thuần về mặt tư duy logic, các phán đoán duy lý theo khuôn mẫu của loại văn bản hành chính, chính trị, điều này thể hiện thiên tư nghệ sĩ và năng lực nghệ thuật của Hồ Chí Minh - một thiên tài chính trị, quân sự nhưng đồng thời cũng là một nhà văn hóa, nhà văn lớn.
Những công trình nghiên cứu về tính văn chương của bản Tuyên ngôn độc lập mà chúng ta đã tiến hành thời gian qua chủ yếu vẫn dừng lại ở việc phân tích khả năng lập luận, kĩ năng sử dụng ngôn từ và thủ pháp trích dẫn hai đoạn tuyên ngôn của Pháp và Mỹ ở phần mở đầu. Những phân tích kiểu này, như đã nói, không dẫn dắt chúng ta đi xa hơn quy phạm thông thường của thể loại nghị luận xã hội hay văn bản hành chính, sự vụ. Mà văn bản hành chính sự vụ bao giờ cũng chỉ được viết theo tinh thần độc thoại, bởi nó chỉ có giá trị thông báo và trao đổi thông tin cụ thể cho một ai đó, qua phần “kính gửi” ở đầu văn bản. Tôi quan niệm rằng, trong tính bản thể của nó, Tuyên ngôn độc lập mang tính nghệ thuật sâu sắc bởi nó được viết nên từ trong tinh thần đối thoại. M.M.Bakhtin - nhà bác học lỗi lạc của Liên Xô (cũ), nhà triết học mở đường cho chủ nghĩa hậu hiện đại trên thế giới đã có một phát hiện quan trọng trên phương diện ngôn ngữ, nghệ thuật tiểu thuyết nói riêng và đặc tính văn chương nói chung, đó chính là tính đối thoại (dialogic). Ngôn ngữ và văn chương bao giờ cũng được viết trong tinh thần và không gian đối thoại. Mỗi lời phát ra bao giờ cũng là để đáp lời ai đó, và nó được đặt trong một tình thế đón nhận những sự hồi đáp không ngừng mà chúng ta gọi là trường đối thoại. Khác với độc thoại quan liêu, giáo điều, đối thoại đại diện cho tinh thần giải cấu trúc, giải trung tâm và nó biểu hiện cho sự dân chủ, nhân văn mới (xin xem thêm Trên đường biên của lí luận văn học của Trần Đình Sử và Lí luận văn học những vấn đề hiện đại của Lã Nguyên). Vận dụng nguyên lí đối thoại của Bakhtin kết hợp với tu từ học (Rhetoric) của W.Booth về tác giả hàm ẩn và người đọc hàm ẩn (xin xem thêm Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết của Cao Kim Lan), chúng ta sẽ khám phá Tuyên ngôn độc lập trong tính văn chương nội tại của nó.
Đầu tiên, cần xem mỗi tác phẩm văn chương là một cuộc hồi đáp bất tận, do vậy, nó phải có người nói và người nghe nằm hàm ẩn ngay trong văn bản. Xét từ góc độ người nói hay tác giả hàm ẩn, ta có thể thấy bản Tuyên ngôn độc lập là một tập thể người nói ở nhiều cấp độ khác nhau. Người nói đầu tiên đó là Hồ Chí Minh - tác giả thực tế của bản tuyên ngôn độc lập, là người trực tiếp chấp bút viết nên và cũng tự mình đọc trước quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình. Trong quá trình diễn thuyết bản Tuyên ngôn, có một chi tiết không nằm trong văn bản, nhưng đã được đi vào trong sử sách như một minh chứng hùng hồn của sự gần gũi giữa lãnh tụ (người nói) và quần chúng nhân dân (người nghe), đó là thời điểm khi đang đọc bản Tuyên ngôn thì Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại và hỏi ân cần: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Tuy nhiên, ở đây, người nói không đơn giản thuần túy chỉ là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà đại từ nhân xưng của người nói là “chúng ta” hoặc “chúng tôi”, tức thuộc về ngôi thứ nhất, số nhiều. Phân tích “chúng ta” và “chúng tôi”, sẽ hiểu thêm hai chủ thể người nói khác nhau. Đầu tiên, đại từ “chúng ta” hoặc “ta” đó chính là nhân dân/dân tộc Việt Nam nói chung, bởi vì trong Tuyên ngôn có nhiều đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ phạm trù đại từ này chính là “đồng bào ta”, “dân ta”, “nước ta”... Đại từ này được sử dụng rất phổ biến trong đoạn đầu của bản Tuyên ngôn, nhằm chỉ những tội ác mà nhân dân ta phải gánh chịu do thực dân Pháp gây ra. Phạm trù đồng bào hay nhân dân này được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa và nhấn mạnh bao gồm: “dân cày”, “dân buôn”, “nhà tư sản” và “công nhân”. Như vậy, ngay từ đầu cuộc cách mạng giành và bảo vệ độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy cái nhìn chiến lược, thực tiễn khi xếp những “dân buôn” và “nhà tư sản” (tư sản và tiểu tư sản) cũng là những lực lượng cách mạng tiềm năng chịu nhiều bất công, bóc lột, bên cạnh hai lực lượng cách mạng truyền thống là “dân cày” (nông dân) và “công nhân”. Cần chú ý Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng lực lượng tư sản và tiểu tư sản, khi dùng từ “nhà tư sản” (YT nhấn mạnh), đây là vấn đề mà không phải giai đoạn lịch sử nào chúng ta cũng nhận thức đầy đủ viễn kiến của Hồ Chủ tịch, mặc dù ngày nay thực tiễn xây dựng và đổi mới đất nước đã cho thấy sự đúng đắn của nó.
Thứ hai, “chúng tôi” ở đây chính là hai thực thể người nói cụ thể khác mà ta cần nhận ra đó là “Việt Minh” và “Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Ở đoạn cuối của bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng…”. Nhưng ở đoạn giữa của bản Tuyên ngôn, trong đoạn tố cáo sự đê hèn của thực dân Pháp khi hèn nhát từ chối liên minh chống Nhật, hay tội ác giết số đông tù chính trị ở Yên Bái, Cao Bằng, người đọc có thể hiểu chúng tôi còn là lực lượng Việt Minh. Thực ra Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Minh chỉ là một lực lượng mà thôi, tuy nhiên, Chính phủ Lâm thời thể hiện sự ra đời của một bộ máy chính trị cầm quyền hoàn chỉnh, đại diện chính thức và hợp pháp về mặt tổ chức để lãnh đạo đất nước non trẻ, thể hiện cho sự trưởng thành và tính hợp hiến, tự giác của cách mạng.
Tập hợp chỉnh thể bốn thành phần người nói ấy không phải tạo ra chỉ để thể hiện cho số đông, sự trùng điệp của chủ thể người nói, mà thực ra nó là một thủ pháp tự sự quan trọng mang những giá trị thẩm mỹ, tư tưởng cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với chỉnh thể người nghe/đọc. Cấu trúc của người nghe/đọc hàm ẩn cũng là một tập hợp bao gồm bốn thành phần mà chúng ta sẽ lần lượt xét đến như sau. Thứ nhất, ứng với chủ thể người nói là cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì người nghe cụ thể, thực tế ban đầu sẽ là quốc dân đồng bào có mặt tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945. Bản Tuyên ngôn độc lập trước hết được viết/đọc là dành cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Như vậy, hàng loạt đại từ nhân xưng như “nòi giống ta”, “đồng bào ta”, “dân ta”… vừa là ngôi thứ nhất, nhưng cũng đồng thời là ngôi thứ hai trong trường đối thoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ngôi thứ nhất số nhiều trong đối thoại nhằm thể hiện tính đoàn kết, gần gũi không thể tách rời với nhân dân.
Thứ hai, người nghe/đọc hàm ẩn còn chính là thực dân Pháp, bởi bản Tuyên ngôn được viết nên là nhằm vạch rõ tội ác của bè lũ thực dân, nhằm xóa bỏ mọi sự ràng buộc, thỏa ước với Pháp. Hồ Chủ tịch lập luận rõ như sau nhằm hướng đến đối tượng người nghe/đọc là thực dân Pháp: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Bản Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như vậy một cách cụ thể và dụng hành nhất là hướng đến thực dân Pháp, do nước ta trước khi giành độc lập sau Cách mạng tháng Tám 1945 là thuộc địa của Pháp, và khi bản Tuyên ngôn được xướng lên thì Pháp cũng đang lăm le theo chân quân Đồng Minh quay lại chiếm nước ta.
Thứ ba, người nghe/đọc còn là lực lượng Đồng minh trên thế giới mới giành chiến thắng trước quân Phát xít. Ta đều biết nước ta giành độc lập năm 1945 từ tay phát xít Nhật, bởi sự “bảo hộ” của chế độ thực dân Pháp lúc này chỉ còn là trên danh nghĩa tính từ cuộc binh biến ngày 9 tháng 3, Nhật hất cẳng Pháp để chiếm nước ta. Nhưng trước khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, quân phát xít Nhật trên thế giới và ở quê hương của chúng đã đầu hàng quân Đồng minh. Đồng minh là lực lượng chiến thắng, lực lượng chính nghĩa mà Việt Nam là một thành phần cách mạng ủng hộ. Ở thời điểm lịch sử này, nếu chính phủ Cách mạng Lâm thời được lực lượng Đồng minh ủng hộ sẽ thể hiện tính hợp hiến và sự thừa nhận quốc tế. Hơn nữa, thực dân Pháp (phe Đồng minh) đang chuẩn bị quay lại chiếm nước ta, dưới chiêu bài đại diện quân Đồng minh vào để giải giáp quân đội Nhật. Do đó, bản Tuyên ngôn được viết nên là nhằm kêu gọi sự thừa nhận, chú ý về mặt pháp lý của lực lượng Đồng minh, nhằm xóa tan âm mưu nham hiểm của Pháp. Đối tượng người nghe/đọc này được chỉ rõ qua lập luận: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu kim sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam… Một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập”.
Thứ tư, người nghe có tính chất vĩ mô, chung nhất của toàn bộ bản Tuyên ngôn này đó là toàn thể nhân dân thế giới. Nếu chủ thể người nói cao nhất là dân tộc Việt Nam thì chủ thể người nghe/đọc cao nhất, khái quát nhất lại là nhân dân thế giới, trong đó có cả những nước từng ủng hộ nền độc lập của Việt Nam và cuộc Cách mạng tháng Tám lẫn những nước đã/đang là kẻ thù, nhăm nhe quay lại cướp nước ta. Suy cho cùng, mọi bản Tuyên ngôn đại diện cho một dân tộc, một chính đảng, một chính quyền bao giờ cũng là khẳng định với toàn thể bạn bè quốc tế về một nền độc lập mới. “Vì những lẽ trên, chúng tôi… trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:…”. Như vậy, bản Tuyên ngôn là một cuộc đối thoại không ngừng giữa các cấp độ người nói/viết và người nghe/đọc. Tính văn chương của bản Tuyên ngôn qua đó được thể hiện ở tính đa thanh, hợp âm, sự liên văn bản chỉ có ở văn bản nghệ thuật. Văn bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch lúc này thực sự đã trở thành quảng trường quảng diễn carnaval những tiếng nói, ý thức của các chủ thể khác nhau, tạo nên một tổng phổ hợp âm nhiều tầng bậc. Tính dân chủ, đối thoại cũng như không khí hội hè, quảng diễn trong văn bản Tuyên ngôn độc lập chính là giá trị nghệ thuật văn chương đặc trưng của bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp bút. Tóm lại, kế thừa truyền thống viết những bản tuyên ngôn độc lập dựa trên hình thức và các thủ pháp nghệ thuật của các bậc tiền nhân trong lịch sử như bài thơ thần (Nam quốc sơn hà) thời Lí Thường Kiệt cho đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên một văn bản chính luận hùng hồn đanh thép, nhưng đồng thời cũng là một văn bản đậm giá trị văn chương, mang tinh thần khai phóng và đối thoại.
Trường An, 15/8/2015
Y.T
(SH319/09-15)