LÊ THÀNH NGHỊ
Văn học nghệ thuật có sứ mệnh phản ảnh sự thật cuộc sống qua đó rút ra bài học ý nghĩa đối với con người. Nguyên lý này không có gì mới mẻ. Lịch sử văn học nghệ thuật cũng chứng minh rằng, gắn bó với hiện thực, phản ảnh chân thực hiện thực là thước đo giá trị của tác phẩm. Điều này cũng không còn xa lạ với mọi người.
Tuy nhiên, một khi tự do sáng tác đã được xác lập thì đối với nghệ sĩ, đối với tác phẩm, tính chân thực nghệ thuật luôn luôn được đặt ra hàng đầu trong quá trình sáng tạo.
Chúng ta đều biết, sau năm 1975, do quán tính của thời kỳ chiến tranh, văn học nghệ thuật phải mất một khoảng thời gian khá lâu vẫn còn trong quỹ đạo của văn nghệ thời chiến. Vì vậy, rất nhiều ý kiến về văn học phải đạo, văn học minh họa... ra đời trong thời kỳ này thể hiện tâm trạng bức xúc của cả giới. Thực chất những quan niệm này đã nói lên cách hiểu về tính chân thực nghệ thuật của nền văn nghệ chúng ta lúc này đang cản trở sức sáng tạo của nghệ sĩ.
Những ý kiến về văn nghệ trên đây như báo hiệu sự cần thiết phải thay đổi, phải đổi mới, và đúng là kể từ năm 1986, cùng với các lĩnh vực xã hội khác, văn nghệ Việt Nam đã bước sang một chặng đường mới, với những quan niệm mới, có ý nghĩa giải phóng sức sáng tạo của nghệ sĩ. Những điều thời kỳ trước là mơ ước của nhiều người cầm bút, cầm cọ... thì nay đã trở thành sự thật. Đó là tự do sáng tác. Nhưng từ đây trong thực tiễn sáng tác, xuất hiện những quan niệm về tự do sáng tác và tính chân thực nghệ thuật có thể cần được trao đổi.
Tự do sáng tác là không bị hạn chế trước mọi biểu hiện của hiện thực.
Có thể nói người nghệ sĩ hôm nay đã không còn bị cấm kỵ trước mọi biểu hiện của hiện thực. Những đề tài nhạy cảm như đồng tính, sex, cải cách ruộng đất... đều đã được viết đến trong văn học, nhất là sáng tác của các cây bút trẻ. Quan niệm về đi thực tế cũng có thể đã thay đổi vì nhiều người cho rằng: thực tế cuộc sống chung quanh họ cũng không thiếu những đề tài cho sáng tạo, không cần phải đi đến những nơi nào đó! Bằng chứng là đã xuất hiện nhiều tác phẩm viết về tâm trạng cá nhân rất riêng tư (Và khi tro bụi, Làm dâu nước Pháp...). Những mặt khuất lấp của hiện thực, trong đó có hiện thực chiến tranh đã được nói đến khá nhiều trong một số tác phẩm. Chẳng hạn, Mùa hè giá buốt của Văn Lê viết về những tổn thất trong chiến dịch Mậu Thân; Đội thi hành án của Thái Bá Lợi viết về những lỗi lầm của người chiến sĩ trên chiến trường; Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức không ngần ngại vạch ra những tội ác thất nhân tâm của con người hôm nay chia xương xẻ cốt liệt sĩ lừa gạt chính quyền để trục lợi; Xuân Lộc của Hoàng Đình Quang dựng lại những hy sinh to lớn của người chiến sĩ trước cửa ngõ Sài Gòn năm 1975; Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương đi vào những éo le của số phận những người tham gia chiến tranh tại thành phố Sài Gòn những năm gian khổ nhất... Ở những tác phẩm này dễ nhận ra sự trầm tĩnh, thận trọng của ngòi bút trước một hiện thực đã được các nhà văn cân nhắc, nghiền ngẫm một thời gian khá dài sau chiến tranh. Không còn dấu vết của sự minh họa, tuyên truyền..., ngược lại, sự thật chiến tranh đã được miêu tả khá chân thật, hoàn toàn gây được sự tin cậy trong nhận thức của độc giả, mà vẫn không làm sai lệch ý nghĩa của cuộc kháng chiến vừa qua, nghĩa là không làm mất đi ý nghĩa cốt lõi của hiện thực, hơn thế càng giúp người đọc hiểu sâu hơn, cụ thể hơn, toàn diện hơn về những hy sinh mất mát mà dân tộc đã trải qua. Như vậy, hóa ra nói lên những sự thật có khi lại có thể đề cao tính tuyên truyền của văn chương nghệ thuật!
Ở đề tài đạo đức xã hội hôm nay cũng được nhiều cây bút quan tâm đặc biệt. Những nhức nhối của đời sống xã hội được nhìn từ điểm nhìn của người trong cuộc, với cảm hứng phân tích hiện thực đang diễn ra, làm cho trang viết của họ tươi rói, sinh động, ngổn ngang và quyết liệt. Có thể kể Đỗ Thị Hiền Hòa qua tiểu thuyết Gió đổi mùa (Heo may về), Bích Ngân với tiểu thuyết Thế giới xô lệch, Y Ban với tác phẩm Xuân Từ Chiều, Nguyễn Văn Thọ với tiểu thuyết Quyên, Phạm Việt Long với Giã từ, Nguyễn Tam Mỹ với Sấp ngửa bàn tay, Thu Loan với Hành trình làng, Nguyễn Bắc Sơn với Lửa đắng, Nguyễn Như Phong với Chạy án, Nguyễn Hiếu với Mặt nạ để đời, và nhiều tác giả, tác phẩm khác nữa. Với một hiện thực đang diễn ra, chưa đến hồi kết, thử thách của ngòi bút không những cần phải nhận thức tinh tế bản chất của hiện thực, mà còn phải đặc biệt nhạy cảm tìm ra hướng chuyển động của đời sống, để giúp người đọc tiếp nhận đúng bản chất hiện thực, không làm mất đi niềm tin của họ trước đời sống. Đáng chú ý là ở những cuốn sách vừa nói trên đây, người đọc một mặt nhận ra thái độ không khoan nhượng của nhà văn trước các hiện tượng tiêu cực, mặt khác cảm nhận được sự công bằng của ngòi bút nhà văn, khi trang viết của họ không quên một điều hiển nhiên rằng, dù sao cuộc đời vẫn không phải chỉ một gam màu xám xịt, rằng bên cạnh những tiêu cực đáng buồn kia vẫn hiện diện những con nguời, những việc làm tốt đẹp. Đó chính là hình ảnh của cuộc sống của chúng ta hôm nay. Bài học rút ra ở đây là cho dù những suy thoái đạo đức nghiêm trọng đến đâu, xúc phạm nặng nề lương tâm của người cầm bút đến đâu, một thái độ bình tĩnh để nhìn nhận và khái quát hiện thực, một cái đầu lạnh là hết sức cần thiết đối với mỗi người cầm bút. Như vậy, khác với bị cấm kỵ, khi nhà văn đã được tự do sáng tạo, trách nhiệm xã hội của họ, như một sự tỉnh táo cần thiết, càng phải được nâng cao hơn.
Trong những cuốn sách viết về sự kiện cải cách ruộng đất cũng có thể nhận ra ngòi bút tự do của từng tác giả. Nguyễn Phan Hách trong Cuồng phong, Dương Hướng trong Dưới chín tầng trời, Đào Thắng trong Dòng sông mía, Hoàng Minh Tường trong Thời của thánh thần, Dương Kỳ Anh trong Xuyên Cẩm, Nguyễn Xuân Khánh trong Đội gạo lên chùa... đã không hề bị một rào cản nào khi dựng lại bức tranh cải cách ruộng đất ngột ngạt năm nào. Một ký ức sâu đậm trong tâm khảm người cầm bút được chuyển tải lên những trang tiểu thuyết về một sự thật tuy xảy ra đã khá lâu, nhưng có cảm giác vẫn còn nhức nhối, đã phần nào xua đi trong ý nghĩ người đọc về một vùng cấm kỵ bấy lâu nay vẫn tồn tại trong đời sống văn nghệ nước ta. Quả là trong đời sống văn học điều này tồn tại lâu đến mức mỗi khi có một ai định viết về nó, cảm giác mất tự do lại cản trở họ. Lúc này thì khác, những rào cản đã lùi về quá khứ. Nhà văn có dịp đào xới trong ký ức của mình những gì bấy lâu vẫn tích tụ, phong kín và đòi lên tiếng trong tâm tư họ. Trang viết vì vậy dễ nhận ra sắc thái quyết liệt của người cầm bút. Điều này, về phía người tiếp nhận cần được thông cảm và coi đó như một sự giải tỏa tâm trạng của quá trình sáng tạo. Còn về phía nhà văn, như trên đã nói, tự do cần thiết phải đi đôi với sự bảo đảm cho một thái độ không phiến diện, một cách nhìn thỏa đáng trước những khía cạnh của hiện thực, sao cho thật công bằng với đời sống. Tính chân thực nghệ thuật phần nhiều nằm ở thái độ của người sáng tạo. Hiện thực trong tác phẩm không bao giờ là chỗ người nghệ sĩ trút sự bực dọc, thỏa mãn cơn nóng giận, mà là nơi anh ta biểu hiện bản lĩnh của một nhà tư tưởng, để qua những biểu hiện cụ thể của chi tiết đời sống, rút ra những ý nghĩa của cuộc sống. Bài học làm người, cũng như hình ảnh tương lai của một xã hội có thể được rút ra từ trong những cái bất hảo của đời sống hôm nay. Đó mới là điều con người cần đến văn chương nghệ thuật.
Nhưng bên cạnh đó, một vài cuốn sách đã có những dấu hiệu diễu nhại quá mức, u mua quá đáng, vi phạm tính chân thực của nghệ thuật, trong khi những số phận cá nhân mang tính thời đại, lịch sử lại không thật sự nổi bật. Tất nhiên bài học làm người có thể được rút ra từ tiếng cười nhạo báng, từ sự u mua, hoạt kê, nhưng cần viết sao cho khi tiếp xúc với tác phẩm, người đọc nhận ra một cách thấm thìa nỗi đau của người nghệ sĩ trước những gì không hoàn hảo của cuộc đời. Nhạo báng chỉ để mà nhạo báng, cười cợt chỉ để khinh bỉ... không làm cho tác phẩm lớn được. Ngược lại nó lại rơi vào minh họa mới. Và vì thế, nó chỉ chứng tỏ sự yếu kém của văn học chúng ta, nói cách khác, tình trạng local của văn học Việt Nam có thể một phần ở khía cạnh này chăng?
Những sáng tác về đề tài lịch sử mấy năm gần đây cũng là một hiện tượng đáng chú ý trong văn nghệ Việt Nam. Nếu như ở những thời kỳ trước, viết về lịch sử thường là mô tả lại các sự kiện, minh họa lại các biến cố, các nhân vật lịch sử theo những gì đã được ghi, được mặc định trong sách vở theo kiểu ta tốt địch xấu, ta mạnh địch yếu, ta thắng địch thua... thì những năm gần đây, trong sáng tác đã thấy xuất hiện những đề xuất mới về cách nhận thức sự thật lịch sử. Chúng ta đều biết, nếu một cuốn tiểu thuyết chỉ kể lại lịch sử, ngòi bút của tác giả luôn luôn sự rơi vào xuyên tạc lịch sử thì bản thân người viết hoàn toàn chưa có tự do sáng tạo theo nghĩa chính xác của từ này. Nhưng cũng như ở các đề tài khác, không thể nhân danh hư cấu, nhân danh tự do sáng tác để làm sai lạc sự thật, cho dù đó là sự thật đời sống hay sự thật lịch sử. Vậy, giữa một bên là sự thật lịch sử, một bên là hư cấu nghệ thuật - bản chất của sáng tạo nghệ thuật, ở đâu là không gian sáng tạo của nghệ sĩ? Câu nói nổi tiếng của A. Duma liệu còn có ích đối với nhà sáng tác?
Sự thật lịch sử chỉ là những kiến thức có trong sách giáo khoa, trong chính sử hay có thể còn ở trong truyền thuyết, trong lời đồn đại, trong truyện kể dân gian, trong ký ức nhân dân? Nếu chỉ căn cứ vào sách vở, liệu chúng ta đã có đầy đủ kiến thức về lịch sử như nó vốn có? Và liệu lịch sử được ghi lại trong sử sách đã có sự thống nhất? Chỉ lấy một sự kiện lịch sử Mạc Đăng Dung lên ngôi ở thế kỷ XVI thôi, Trần Trọng Kim thì lên án thóa mạ, cho là Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, trong khi Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Văn Thái nhân danh vua Lê Cung Hoàng thảo Bản nhường ngôi lại ghi nhận những công đức của Mạc Đăng Dung và cho việc lên ngôi của họ Mạc là thuận mệnh trời, lòng dân. Hoặc nữa, bài thơ Nam Quốc sơn hà, chúng ta vẫn thường nghĩ là của Lý Thường Kiệt, nhưng lại có những ý kiến cho rằng không phải Lý Thường Kiệt là tác giả của bài thơ, v.v. Điều này nói lên rằng lịch sử vẫn còn hàm chứa rất nhiều ẩn số cần được làm sáng tỏ không chỉ với các nhà sử học, mà cả đối với văn nghệ sĩ. (Nói như vậy không có nghĩa là đề cao chủ nghĩa hoài nghi lịch sử). Mặt khác, có cuốn sử nào ghi được những các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và còn ghi được cả số phận, lời ăn tiếng nói, trang phục, khẩu ngữ, thói quen, tâm lý, tính cách... của những con người cùng với những sự kiện lịch sử đó? Nếu có thì hà tất chúng ta đã cần đến tiểu thuyết!
Nhà tiểu thuyết và nhà sử học đều muốn đem đến cho người đọc chân lý lịch sử, nhưng khác nhà sử học, nhà tiểu thuyết chỉ giữ lại tinh thần của lịch sử và hư cấu lại sự kiện lịch sử bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Chân lý lịch sử ở tác phẩm nghệ thuật, vì thế được nhận thức qua chân lý nghệ thuât. Nó thú vị hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn và gây hiệu quả thẩm mỹ trong nhận thức của người đọc. Một tác phẩm lịch sử mang những phẩm chất khác, chứ hoàn toàn không có những phẩm chất này. Như vậy, tự do sáng tạo ở đây không phải là tự do bịa đặt, xuyên tạc, lại càng xa lạ với việc hạ bệ thần tượng, giải thiêng lịch sử một cách cố ý. Cái đinh để tác giả treo những bộ trang phục nghệ thuật, như A. Duma nói, hoàn toàn không phải nghi ngờ. Nói cách khác, nhà nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm của mình trên cơ sở tuân thủ tinh thần của lịch sử. Và không gian sáng tạo của nghệ sĩ, vì thế hết sức rộng rãi. Đến đây, càng thấy rõ ràng hơn trách nhiệm công dân của nghệ sĩ đối với hiện thực, một khi đã có tự do sáng tác.
Chúng ta thường nói một nửa sự thật chưa phải là sự thật. Vậy, nếu đưa vào tác phẩm toàn bộ sự thật thì sẽ đạt đến tính chân thực nghệ thuật? Không hẳn là vậy. Quy luật điển hình hóa là một câu chuyện mà trong đó tính đặc thù của chi tiết, khả năng nắm bắt hiện thực qua chi tiết và từ đó khái quát thành ý nghĩa cuộc sống của người nghệ sĩ cho thấy, không phải cứ càng đầy đủ chi tiết đời sống thì tác phẩm càng chân thực. Chủ nghĩa tự nhiên không bao giờ đem lại chân thực nghệ thuật. Bởi vì nếu không thì một bức tranh nghệ thuật chẳng lẽ lại ít chân thực hơn một bức ảnh; một cuốn sách hăm hở viết về sex trần trụi liệu có đạt được tính chân thực nghệ thuật? Có thể viết về sex, về hiện tượng đồng tính, có thể phản ảnh hiện thực đời thường, những biểu hiện chung quanh cuộc sống của mỗi con người, thậm chí, có thể viết về những biểu hiện tâm trạng của cá nhân, nhưng điều đó khác với việc chỉ thích thú đưa vào tác phẩm một cách không chọn lọc cái vụn vặt của đời sống, bỏ qua cái điển hình, cũng như chỉ thích thú phản ảnh cái tiêu cực bỏ qua cái tích cực, nhấn mạnh cái đau thương mất mát mà quên đi những mặt khác của hiện thực. Có thể viết về thói xấu của con người, như văn chương nghệ thuật của nhân loại đã từng làm, cũng như viết về sự xuống cấp hôm nay của văn hóa, đạo đức của một nhóm người đương thời, nhưng vấn đề là viết bằng nguyên tắc nghệ thuật nào, đưa người đọc đến đâu trong thái độ đối với hiện thực.
Hiển nhiên là không khoan nhượng cái xấu, cái ác, nhưng cũng nên xem đấy là tất yếu của đời sống con người, diễn ra có tính phổ biến trong một xã hội đang phát triển. Một cái nhìn biện chứng luôn luôn là phẩm chất cần có thể hiện kinh nghiệm nghề nghiệp.
Ở mọi đề tài trong văn nghệ hôm nay, người nghệ sĩ thực sự là những người đang phát huy tính chủ động của mình trong sáng tạo với một tinh thần nghiên cứu, khám phá và phản biện sâu sắc hiện thực. Có thể khẳng định sự thật đời sống đã từng bước được tiếp cận ở chiều sâu, ở tính toàn diện, ở sự cân nhắc đầy trách nhiệm của người sáng tạo. Văn học, nghệ thuật vì vậy đã gần hơn với đời sống.
Tự do sáng tác là người nghệ sĩ không bị hạn chế bởi các thủ pháp nghệ thuật.
Nghệ sĩ sáng tác theo phương pháp riêng của từng cá nhân. Bút pháp không thể là sự gò bó, bắt buộc, mà là sự lựa chọn mang phong cách, thói quen, quan niệm và kinh nghiệm nghệ thuật của từng tác giả.
Vậy, tính chân thực nghệ thuật có nhất thiết chỉ phải tuân thủ theo bút pháp hiện thực? Lịch sử văn nghệ kim cổ cho thấy không ai quan niệm đơn giản như vậy. Nếu tính chân thực nghệ thuật là mục đích thì bút pháp là phương tiện. Nghệ sĩ có quyền vận dụng những phương tiện hữu hiệu và kinh nghiệm nghệ thuật của cá nhân mình để đạt mục đích. Có thể là pha chút phi thực, ảo dị như Truyền thuyết Quán Tiên của Xuân Thiều, Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp, Trại hoa đỏ của DiLi; có thể là vận dụng phương pháp đồng hiện như Minh sư của Thái Bá Lợi; có thể là giãi bày theo lối tự kể chuyện mình như Chân trần của Thùy Dương, Bloger của Phong Điệp; có thể là dòng tâm trạng, ý thức như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng; có thể là u mua, hài hước, hoạt kê như Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn, Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, Những mảnh trần gian của Nguyễn Hiếu; có thể là phi sử thi hóa như Hội thề của Nguyễn Quang Thân; có thể là luận giải lịch sử như Lý Công Uẩn của Ngô Văn Phú; có thể là suy nghiệm lịch sử như Biết đâu địa ngục thiên đường của Nguyễn Khắc Phê; phản biện lịch sử như Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê, và tất nhiên là có thể tuân thủ bút pháp hiện thực như Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Đối chiến của Khuất Quang Thụy, Xuân Lộc của Hoàng Đình Quang, Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí, Mùa hè giá buốt của Văn Lê, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Biên bản chiến tranh 1.2.3.4.75 của Trần Mai Hạnh... Như vậy, từ tự do sáng tác đến chân thực nghệ thuật mở ra khả năng của tư duy sáng tạo nhằm đề cao tính chủ động tiếp cận hiện thực, bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cũng như phát huy tài năng nghệ thuật của nghệ sĩ. Có tự do, sẽ có những khám phá mới mẻ từ sự nghiên cứu, phân tích, phản biện đời sống, phản biện lịch sử và tất yếu sẽ có những đề xuất khác với lối nghĩ thông thường, khác những lối nghĩ theo lối mòn, đã có sẵn.
Cần nhớ là không có một lĩnh vực sáng tạo, phát minh nào chỉ có toàn những cái đúng và cần phải thấy là sự trì trệ luôn triệt tiêu tinh thần phản biện, trong khi đó phản biện lại là tiền đề để phát triển. Cần làm quen với điều đó và xem những lệch lạc nếu có trong khi thực hiện sự phản biện cũng chỉ là những điều khó tránh khỏi trong quá trình đi tìm tính chân thực nghệ thuật.
L.T.N
(SH319/09-15)