Nghiên Cứu & Bình Luận
Khuynh hướng hiện sinh trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới
16:37 | 19/10/2015

TRẦN HOÀI ANH

1.
Nói đến triết học phương Tây, không thể không nói đến chủ nghĩa hiện sinh, một trào lưu tư tưởng chủ yếu trong trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi duy lý của triết học phương Tây hiện đại.

Khuynh hướng hiện sinh trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới
Tranh Tôn Thất Đào - Ảnh tư liệu

Là triết lý về thân phận con người, với những khắc khoải, âu lo trước hiện hữu và hư vô, chủ nghĩa hiện sinh chi phối không ít quá trình sáng tác của nhiều nhà văn trên thế giới, bất luận là phương Đông hay phương Tây. Không những thế, là triết học gắn với sự sống và cái chết của con người, chủ nghĩa hiện sinh cũng như văn học đều có chung đối tượng khám phá đó là con người, nên văn học hiện sinh là văn học của thân phận. Vì vậy, các phạm trù của triết học hiện sinh nêu ra để luận giải về sự hiện hữu của con người như: hư vô, cô đơn, lo âu, buồn nôn, phi lý, tự do, tha nhân, dấn thân... đã có ảnh hưởng sâu sắc đến văn học, là cơ sở mỹ học để nhà văn vận dụng lý giải những vấn đề của cuộc sống nhân sinh. Và đây là những phẩm tính không thể thiếu của khuynh hướng hiện sinh trong văn học.

Ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện sinh đã du nhập vào miền Nam từ thập niên 50 của thế kỷ XX và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 cả trong sáng tác và lý luận - phê bình(*). Nhưng sau 1975, vì nhiều lý do khác nhau, chủ nghĩa hiện sinh không được nghiên cứu, thậm chí bị phê phán một cách thô bạo cho rằng đó là thứ triết học “đồi trụy”, “phản động” mà không thấy được mặt tích cực cùng những giá trị nhân văn của nó, rõ nhất là việc khẳng định vấn đề nhân vị của cái tôi bản thể cũng như ý thức “dấn thân” (J. P.Sartre) của con người đối với xã hội và cộng đồng. Rất nhiều trí thức ở miền Nam trước 1975 vì ảnh hưởng những mặt tích cực của triết học hiện sinh đã chọn con đường dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc để chiến đấu, hy sinh giành độc lập tự do cho đất nước mà điển hình là nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha.

Từ sau 1986, khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, cuộc đời mỗi người cũng bắt đầu có những đổi thay cùng với sự đổi thay của dân tộc. Hiện thực cuộc sống bây giờ không phải là những tháng năm hào hùng chiến đấu và chiến thắng, mà ẩn chứa đằng sau những vinh quang của một thời đã qua là những đắng cay của số phận con người khi đối diện với muôn mặt của cuộc sống đời thường. Vấn đề đặt ra lúc này không chỉ là vận mệnh dân tộc, nhân dân mà còn là số phận của từng cá nhân. Cái tôi, cái cá thể của mỗi người lâu nay bị chìm khuất trong cái ta thì lúc này đã nổi lên như một yêu cầu bức thiết của đời sống. Cảm hứng lịch sử và dân tộc đang được thay dần bởi cảm hứng thế sự và đời tư. Và đây là tiền đề tạo nên quan niệm mới về hiện thực mang tâm thức hiện sinh của văn học thời kỳ đổi mới được thể hiện ở nhiều thể loại văn học trong đó thơ ca.

Khảo sát thơ nữ Việt Nam từ sau 1986 đến nay, chúng tôi nhận thấy ảnh hưởng của tư tưởng hiện sinh đã tạo thành một khuynh hướng sáng tác trong thơ của nhiều tác giả thuộc các thế hệ cầm bút khác nhau: Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ, Dư Thị Hoàn, Đinh Thị Thu Vân, Đoàn Thị Lam Luyến, Bùi Kim Anh, Thảo Phương, Thúy Nga, Phạm Thị Ngọc Liên, Anh Hồng, Ly Hoàng Ly, Cát Du, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Đinh Thị Như Thúy, Đoàn Ngọc Thu, Nguyễn Thị Đạo Tỉnh, Nguyệt Phạm, Khương Hà, Phương Lan, Thanh Xuân, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Chiêu Anh Nguyễn, Bùi Tuyết Nhung, Đào Phong Lan, Phạm Phong Lan, Lê Thùy Vân, Trần Lê Sơn Ý, Đinh Thu Thủy... Lấy triết học hiện sinh làm cơ sở mỹ học để luận giải, chúng tôi muốn làm sáng rõ những biểu hiện của khuynh hướng hiện sinh trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới trên một số bình diện sau.

2.

Những biểu hiện của chủ nghĩa hiện sinh trong thơ nữ Việt Nam thời đổi mới.

2.1. Đi tìm Cái tôi bản thể...

Như trên đã nói, từ thời kỳ đổi mới đến nay, với bao biến thiên của đời sống xã hội trong tiến trình hội nhập và phát triển, với bầu khí quyển dân chủ mà công cuộc đổi mới mang lại, nhiều trường phái triết học phương Tây du nhập vào Việt Nam trong đó có chủ nghĩa hiện sinh đã/đang/sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến sáng tác văn học mà đặc biệt là thơ của các nhà thơ nữ, khiến cho không ít nhà văn/thơ phải tự nhìn lại mình, tự phản tư trên tinh thần đi tìm cái tôi đã mất (Nguyễn Khải). Vì vậy, có thể nói, thực chất của khuynh hướng hiện sinh trong sáng tác văn học Việt Nam nói chung và trong thơ nữ từ đổi mới đến nay nói riêng là “văn học đi tìm cái tôi đã mất” mà nội dung chủ yếu là những trăn trở, day dứt, âu lo về thân phận như: sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, khát khao đi tìm cái tôi bản thể, cảm thức về nỗi cô đơn và lưu đày, về nỗi buồn, niềm đau, sự hư hao mỏng manh của kiếp người, là cảm thức về những khát khao nhục cảm thân xác mà trước kia văn học không đề cập đến, hoặc phải “hy sinh” những điều thiêng liêng ấy cho những điều thiêng liêng hơn đó là cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho tổ quốc. Đây cũng là điều bình thường trong lịch sử của một dân tộc có hàng ngàn năm chống ngoại xâm như dân tộc Việt Nam. Nhưng sẽ là điều không bình thường, nếu cho đến nay chúng ta vẫn cứ mãi tụng ca điều ấy như một tín điều để mãi mãi “ăn mày dĩ vãng” (Chu Lai) mà không quan tâm đến những khao khát hiện sinh vốn là những vấn đề rất nhân bản luôn ám ảnh thân phận con người. Vì vậy, dù muốn hay không, chủ nghĩa hiện sinh vẫn hiện hữu như một thực thể và là một tiếng gọi thao thiết, mãnh liệt đối với đời sống và văn học mà các nhà văn/thơ không thể không quan tâm. Bởi đây cũng chính là nhu cầu tự thân trong hành trình sáng tạo của những nhà văn/thơ chân chính luôn khao khát khẳng định nhân vị trên chính tài năng và tâm năng của mình chứ không bám vào một “mãnh lực nào khác” để rồi tự đánh mất thiên chức của người cầm bút. Đây cũng là cảm hứng đã trở thành khát vọng sống, thành tâm thức hiện sinh ám ảnh trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới, từ các nhà thơ đã trưởng thành trong kháng chiến, cho đến các nhà thơ thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x sau này. Tất cả họ đều có nhu cầu khám phá, khẳng định cái Tôi bản thể với nhiều cách nhìn, cách thể hiện và nhiều cung bậc khác nhau.

Trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, khát vọng đi tìm cái tôi bản thể đã biến thành mộng mị gắn liền với hành trình sống, với sự hiện hữu của thân phận mà chị là một hữu thể: “Đêm qua/ Tôi mơ thành tôi/ Tôi mơ thành chim/ Tôi mơ thành giấc mơ” (Đề tặng một giấc mơ). Với Bùi Kim Anh, khát vọng đi tìm cái tôi bản thể đã bị lạc mất giữa “khoảng trời mênh mông” vô định trên cõi nhân gian đã khiến chị ngẩn ngơ nuối tiếc, mà nếu không có ý thức hiện sinh sẽ không bao giờ nhận ra giá trị của nó. Vì vậy, sự tiếc nuối của nhà thơ, phải chăng cũng là một phẩm tính Người mà chủ nghĩa hiện sinh đã khai phóng cho nhân loại: “Ngày xưa đã ngày xưa rồi/ Tôi tìm tôi/ lạc khoảng trời mênh mông” (Lạc khoảng trời). Còn với Cát Du, khát vọng đi tìm cái tôi bản thể lại khởi đi từ những câu hỏi mang tính bản thể luận như nhà thơ tự bạch: “Ta từ đâu tới?/ Tới để làm gì?/ Ta sẽ về đâu?” (Nàng). Và những câu hỏi trong thơ Cát Du là những vấn đề mang tính triết luận, luôn tồn tại như ám ảnh của một tâm thức hiện sinh mà nhà thơ cứ mãi đi tìm như đi tìm cái Tôi bản thể của mình. Đó là một cái Tôi vừa thực lại vừa ảo, vừa gần gũi lại vừa xa xôi như một thứ ảo giác, nên khi nhìn vào gương, một chiếc gương cũng được làm bằng ảo giác của mộng mị vô thường, nhà thơ đã hoài nghi chính sự hiện hữu của mình: “Em đang làm gì?/ Soi gương/ Soi gương tìm gì?/ Tìm em/ Em sao?” (Ủa, lạ nào!). Chính vì vậy, cho dẫu nhà thơ đã hóa thân thành nhiều cái tôi hiện sinh khác nhau: Có khi giống “nàng Nguyệt Nga mặc đồ cổ trang và ngồi trên xe ngựa liếc tình với Lục Vân Tiên”. Có khi lại “thấy mình giống công chức mặc áo cổ cồn và có đeo ve/ công chức mặt nghiêm không hé môi cười”. Có khi lại “thấy mình đang gặt hái trên cánh đồng lúa/ êm ả cò bay”... Nhưng rồi, những sự hóa thân này cũng chỉ là hư ảo: “Màn nhung khép lại/ Thế em đâu rồi?/ Không biết” (Ủa! lạ nào!) Bởi khi “Soi gương chỉ thấy cuộc đời” mà đó chỉ là “những cuộc đời không em”...!? (Ủa! lạ nào!)

Có thể nói, sự “bất khả thể” trong hành trình tìm kiếm mình là điển hình của tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du cũng như trong thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới. Nhưng càng “bất khả thể” thì càng khao khát kiếm tìm. Bởi câu hỏi “Tôi tồn tại hay không tồn tại!?” mãi là điều ám ảnh suy tư của loài người. Vì thế, cũng trong cảm thức đi tìm cái tôi bản thể, Phan Huyền Thư trong Sẹo độc lập luôn đi “tìm tên tôi”, đi “nhặt lại tên mình” ở mọi ngóc ngách của cuộc đời để khẳng định sự hiện hữu của mình như một nhân vị. Ý thức về vết Sẹo độc lập, phải chăng, là một giá trị xác tín của cái tôi hiện hữu: “Tôi tìm tên tôi./ Trong đám giấy lộn./ Trên bàn nhậu và góc vỉa hè.../ Tôi thẫn thờ đi nhặt lại tên mình/ Lay lắt trên những con đường hoàng lan, phố vắng” (Hoang mang). Còn Anh Hồng trong Người đàn bà qua hai mùa tóc với một cách thể hiện riêng tâm thức hiện sinh của mình, nhà thơ không những đi tìm cái “Tôi hiện hữu” mà còn đi tìm từng “mảnh vỡ” của cái “Tôi”: “Từng mảnh Tôi/ Từng mảnh Tôi/ Tan vỡ/ Chơi vơi/ Tìm nơi náu mình/ Trên ngọn cỏ.../ Mặt đất lè tè/ Ngọn cỏ thấp/ Từng mảnh Tôi/ Lặng lẽ.../ Tìm Tôi...” (Mở). Hay Ly Hoàng Ly trong Lô Lô thì đi tìm cái tôi trong đêm, trong mưa: Tôi lẫn vào trong Mưa. Mưa lẫn trong Tôi. Cả Tôi Mưa lẫn vào trong tiếng hát, trong mùi của đêm... Nên đêm trong thơ Ly không chỉ là hiện thân của những nỗi đau trần thế mà còn là nơi trở về trú ngụ của bản thể, là một thứ “Sóng đêm” phản tỉnh của tâm linh để con người nhận ra chính mình: “Những hỗn loạn của ban ngày/ Đêm không bắt được/ Những nỗi lòng như sông uẩn khúc/ Chỉ chảy được về đêm” (Sóng đêm).

Như vậy khát vọng đi tìm cái tôi bản thể hay đi tìm “cái tôi đã mất” là một thực thể luôn tồn sinh trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới như một tiếng nói để xác quyết sự hiện hữu của giới nữ không chỉ trong thơ ca mà cả trong đời sống. Không những thế, đây còn là vấn đề mang ý thức nữ quyền cho thấy nhu cầu tự biểu hiện cái tôi của các nhà thơ nữ. Vì vậy, nó là một trong những giá trị của khuynh hướng hiện sinh trong thơ nữ Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay cần được trân quí và khẳng định.

2.2. Cảm thức về nỗi cô đơn và thân phận lưu đày

Cảm thức về nỗi cô đơn và thân phận lưu đày là một phạn trù tư tưởng của triết học hiện sinh chi phối khá sâu sắc trong văn học hiện sinh và điều này cũng thể hiện rõ trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đọc thơ nữ Việt Nam thời kỳ này, nỗi cô đơn thân phận luôn ám ảnh tâm thức các nhà thơ. Không những thế nó còn là một mã thẩm mỹ trong thi giới của họ mà nỗi cô đơn đầy khắc khoải về thân phận trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là một minh chứng: “Sao không là hai/ Mà quỳnh chỉ một/ Trăng một đóa trời/ Quỳnh đóa trần gian/ Mỏng tang, mỏng tang/ Trăng cô đơn trời/ Quỳnh ơi, ta ngồi/ Một quỳnh, một ta/ Lặng thầm, thiết tha” (Một quỳnh một ta). Còn đây là tâm thức về sự lưu đày của thân phận mà biểu hiện của nó là những hoài nghi về chính sự hiện hữu của con người: “Sao không là đất/ Thấm đẫm bao mồ hôi nước mắt/ Sao không là trời/ Giông bão cuồng say rồi tắt/ Sao ta là Con Người!?” (Nhiều khi). Câu hỏi tưởng chừng như “ngô nghê” nhưng tư tưởng thì không “ngây ngô” chút nào bởi tính triết luận hiện sinh ẩn chứa trong đó. Thời gian qua rất nhanh, sự hiện hữu của con người trong cõi đời cũng chỉ là thoáng chớp mỏng manh, hư ảo. Bởi theo Lâm Thị Mỹ Dạ, chúng ta đang “tự sát bằng thời gian” và bi kịch của thân phận lưu đày mà thi sĩ đã quán chiếu qua cái nhìn của tâm thức hiện sinh cũng khởi đi từ đó: “Số phận cay nghiệt ơi/ cuộc sống dịu dàng ơi/ thời gian một đời người không lặp lại/ một ngày qua đi/ một ngày ta dần mất ta/ từng chút, từng chút một…” (Ngày hôm qua, ngày hôm nay).

Khác với Lâm Thị Mỹ Dạ, nỗi cô đơn trong thơ Ly Hoàng Ly hiện lên trong một thi giới đầy huyễn hoặc của đêm. Vì vậy, đêm trong thơ Ly không chỉ có những yêu đương cháy bỏng, những khát vọng cuồng si mà còn là tiếng gọi thẳm sâu trong tâm thức trước nỗi cô đơn chất ngất của phận người mà khi đọc lên không khỏi làm ta nhói buốt tâm can: “Đêm giật mình thức giấc/ Không thấy anh bên cạnh/ Không hiểu sao lòng bàn tay đầy nước/ Đêm rót lên mình những giọt lạnh” (Nửa đêm). Và đêm bây giờ chỉ là sự hoài niệm, trong trống vắng, đơn côi với nhớ thương, tiếc nuối mà con người chỉ biết gởi vào đêm như một tiếng gọi hồn: “Anh đã đi rồi hồng ơi sao màu tro/ Hồn tro ủ lửa cho đêm,/ Hay cho anh?/ Vầng trăng kia lạnh lắm!” (Hồng Tro). Còn trong thơ Phan Huyền Thư nỗi cô đơn đã hiện lên với những trải nghiệm của một cảm thức hiện sinh: “Uống Nhầm phải giấc mơ/ Thạch sùng gỗ của tôi đêm qua nức nở/ Tự dắt mình men theo mùa hạ/ Tìm một lối đi thu” (Men theo mùa hạ); “Tôi nằm mơ thấy một đám ma mà người chết là tôi/ Tôi đã chết” (Giấc mơ). Hay nỗi cô đơn khủng khiếp đầy huyễn hoặc trong thơ Thúy Nga qua một hình ảnh thơ độc đáo: “Người thiếu phụ có đôi mắt buồn/ Đi lang thang trong chiều mùa hạ/ Nỗi cô đơn lây sang cả đá...” (Nỗi buồn thiếu phụ). Và đó cũng là nỗi cô đơn đã đẩy đến đỉnh điểm của sự cô độc trong thơ Đinh Thị Thu Vân: “Không ai đợi tôi về sau cánh cửa/ Không nồng nàn không ấm áp bao dung/ Tôi như sống nửa đời đêm giấu lửa/ Một nửa đường đang khuất phía mông lung...”. (Một nửa đường đang khuất). Và tận cùng của sự cô độc là một cảm giác trống rỗng đến lạnh lùng, ghê sợ: “Không tất cả, không cả lời gian dối/ không nụ cười hờ hững cuối vành môi” (Trong góc tối). Hay một “khoảng trắng” rỗng không của hiện hữu trong thơ Ly Hoàng Ly: “Không ai nhìn thấy tôi dù muốn hỏi tôi là ai. Nhưng vì đầu tôi cũng trắng nên không có câu trả lời”. (Phòng trắng). Để rồi, cái cảm giác trống vắng ấy đã được Phan Thị Thanh Nhàn khái quát thành một hình ảnh thơ đầy ý nghĩa biểu tượng: “Giật mình tỉnh giấc mơ màng/ Hóa ra tay lại quờ ngang tay mình” (Mơ). Còn với Bùi Kim Anh thì nỗi cô đơn đã hóa thân thành cảm thức lưu đày của thân phận trong chính sự hiện hữu của mình: “Đêm nay tôi ngủ trong tôi/ Câu thơ đứt để bồi hồi lạc phương” (Lạc phương). Và đây cũng là những biểu hiện của tâm thức lưu đày trong thơ Anh Hồng với bao khát vọng kiếm tìm vốn là yếu tính của tình yêu và thân phận: “Tìm đâu, tìm đâu/ Không - Cô - Đơn?/ Cô đơn nhảy múa điên cuồng/ Muốn thiêu ta thành tro bụi/ Chỉ muốn bay lên/ Bay lên... thăm thẳm... bay lên...” (Trạng thái). Đó còn là nỗi cô đơn tái tê của thân phận lưu đày trong Thơ tình với Sài Gòn của Ngô Thị Hạnh: “Giữa phố đông em thời trống trải/ Điệp vàng rơi khao khát em rơi/ Trái tim một nơi thân xác em chốn khác/ Hốc hác giữa trời giữa đất giữa cô đơn” (Giữa em và tâm bão).

Nỗi cô đơn và thân phận lưu đày, một phạm trù của triết học hiện sinh đã được thể hiện sâu sắc, đa dạng trong thơ nữ Việt Nam. Nỗi cô đơn ấy luôn gắn với ý thức đi tìm bản thể và sự lưu đày của thân phận. Nó trở thành một phẩm tính trong thế giới mỹ cảm của thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới và là một giá trị không thể phủ nhận. Nỗi cô đơn ấy không làm người ta yếu hèn, ủy mị, ngược lại, còn giúp cho con người hiểu hơn về chính mình, đánh thức tiềm năng sáng tạo và bản lĩnh sống. Vì thế, nó tạo nên một thi giới thơ buồn và đẹp như chính cái đẹp trong tâm thức hiện sinh của các nhà thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới qua một hình ảnh thơ đầy tính biểu tượng của Lâm Thị Mỹ Dạ: “Ước gì cầm được cô đơn/ Ném lia thia để hóa buồn thành vui. (Ném lia thia).

2.3. Cảm thức về nỗi buồn, sự hư hao mỏng manh của kiếp người

Cảm thức về nỗi cô đơn bao giờ cũng song hành cùng với những ưu lo về sự mỏng manh của phận người. Đây cũng là tâm thức hiện sinh luôn ám ảnh trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới. Nếu trước kia trong thơ Việt Nam nói chung và thơ nữ Việt Nam nói riêng, vấn đề thân phận con người với những suy tư về hiện hữu ít được đặt ra, được nói đến hoặc không được nói đến thì trong thời kỳ đổi mới vấn đề này đã trở thành một trong những cảm hứng chủ đạo, là một phẩm tính không thể thiếu trong thơ.

Lâm Thị Mỹ Dạ là nhà thơ không chỉ có những suy tư về nỗi cô đơn phận người trong kiếp lưu đày mà chị cũng luôn tự vấn, âu lo về nỗi buồn và sự hư hao mỏng manh của kiếp người: “Bây giờ chỉ một mình ta/ Một mình ta với bao la một mình.../ Khóc ta hạt bụi vô thường/ Mai kia tìm chốn cội nguồn nghỉ ngơi.” (Một mình). Song lo âu mà không hoảng hốt. Bởi, thi nhân đã đốn ngộ được cái lẽ vô thường của qui luật tự nhiên: Một bài thơ viết cho anh/ Viết cho một thoáng mong manh tuổi người/ Nhẹ rồi kìa hạt sương rơi/ Thời gian đếm tuổi gửi vào hư vô/ Đời qua nhanh có ai ngờ/ Giật mình ngoảnh lại ngẩn ngơ tuổi mình (Tuổi anh).

Với Đàm Thị Lam Luyến, cảm nhận về nỗi buồn và sự mong manh của kiếp người ở chị là sự tiếc nuối đến ngỡ ngàng về sự qua đi quá nhanh của kiếp người: “Đời buồn như xác pháo/ xé tan tuổi hai mươi/ Chưa tiêu gì ra món/ Đã hết veo cuộc đời” (Đêm trắng). Và đây cũng là cảm thức trong thơ Đoàn Ngọc Thu khi chị cảm nhận về nỗi buồn trước sự hư hao của kiếp người như là trò đùa đớn đau của số phận: “Số phận đùa em bởi trò chơi cút bắt/ Quay một vòng lại về bến hư không” (Khúc thu). Còn với Nguyễn Thị Hồng Ngát thì nỗi buồn về thân phận như được chưng cất từ những trải nghiệm của đời mình: “Mới sáng đã ra chiều rồi/ Cuộc đời thoắt bỗng xa vời là xa” (Chẳng còn nữa anh và em). Với Anh Hồng, cảm nhận về sự hư hao và mỏng manh của kiếp người là quá trình nghiệm sinh từ những vinh quang, cay đắng, hạnh phúc, khổ đau của số phận: “Người đàn bà qua hai mùa tóc/ Đôi mắt nâu mang theo ánh nhìn của biển chiều đông/ Giông bão lật tung những giấc mơ chở đầy màu tro của đất/ Với tay, không kịp túm lại chút mong manh còn lại/ Người đàn bà tự dắt mình bước qua định mệnh/ Từng nhích nhích hao mòn...”. (Người đàn bà - những giấc mơ). Bởi, trong tâm cảm thi nhân những gì đi qua trong đời cũng hư hao theo năm tháng của kiếp phù sinh:“Qua đi, qua đi những khoảnh khắc mong manh như lá/ Qua đi, qua đi những ánh chớp vui, buồn.../ Để một ngày chợt ngắm vầng trăng khuyết/ Biết hao gầy thao thức giấc chiêm bao.../ Để một ngày lặng nghe lòng buốt xót/ Hiểu cát cũng buồn nếu không biển mênh mông... (Để một ngày).

Triết gia Heraclite đã xác quyết: “không ai có thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”. Và cuộc đời mỗi người không thể sống hai lần. Vì vậy, khi con người ý thức về sự hiện hữu của mình trên cõi đời, sẽ trân quí hơn cuộc sống và khi đó mọi cái đi qua đời mình đều trở thành những giá trị. Như vậy, cùng với những cảm nhận về sự cô đơn và lưu đày của thân phân, sự trăn trở của các nhà thơ về nỗi buồn, niềm đau và sự hư hao của kiếp người, một vấn đề mà chủ nghĩa hiện sinh rất quan tâm không chỉ trong triết học mà trong cả văn học cũng là một tâm thức hiện sinh luôn ám ảnh trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đây cũng là một giá trị làm nên thế giới nghệ thuật trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới luôn có sức ám gợi tâm thức người đọc.

2.4. Những khát khao nhục cảm thân xác mang tính nhân văn

Một trong những vấn đề chủ nghĩa hiện sinh quan tâm lý giải là những khao khát nhục cảm của con người được xem như một giá trị nhân văn. Chủ nghĩa hiện sinh, từ trong bản chất không đề cao nhục cảm theo kiểu sống gấp, sống vội như một số người lâu nay vẫn hiểu. Trong cái nhìn của triết học hiên sinh, vấn đề nhục cảm là một giá trị, là một phần của sự sống không thể thiếu, luôn tồn sinh cùng với sự tồn sinh của con người, nói như Friedrich Engels, đó là thứ “nhục cảm lành mạnh”. Điều này cũng được phản ánh khá sinh động trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới và được các nhà thơ thể hiện một cách tinh tế nhưng cũng không kém phần bạo liệt.

Phạm Thị Ngọc Liên đã đốt cháy khát vọng nhục cảm tình yêu trong thơ mình bằng những cảm xúc mạnh mẽ với những diễn ngôn đầy sức ám gợi: “Lặn ngụp trong thơ/ Tắm gội mối tình mình/ Hừng hực trong tôi/ cháy bỏng ngôn từ/ không hề giấu mặt/ phải trả nỗi đau bằng tiếng thét” (Khỏa thân tím). Và những diễn ngôn này thật sự có sức lay động trái tim người đọc. Nó là một tiếng gọi thao thiết đầy chất hiện sinh với một ý thức nữ quyền mà ta không thể tìm thấy trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ tiền đổi mới: “Ta thèm khỏa thân dưới nắng/ Thèm ngủ yên trên cát/ Có vòng tay người tình như chiếc lưới/ Võng ta vào giấc mộng trăm năm”. (Biển trăm năm).

Cũng như Phạm Thị Ngọc Liên, khát vọng nhục cảm trong thơ Ly Hoàng Ly cũng không kém phần mãnh liệt. Đó là khát vọng của những đêm ái ân nồng nàn miên viễn của tình yêu, đêm của ái ân cuồng nhiệt ở người đàn bà luôn ý thức rất cao về quyền sống đích thực đầy hiện sinh: “Đêm là của chúng mình/ Tình yêu thắp sáng đêm/ Đêm là của chúng mình/ Sao nỡ ngủ/ hở anh.” (Đêm là của chúng mình). Hay một tuyên ngôn hiện sinh cháy bỏng khao khát yêu đương của người phụ nữ mà Vi Thùy Linh đã xác quyết như một giá trị của cuộc sống hằng thường nhưng không phải ai cũng nhận ra hoặc cố tình không nhận ra khi người ta đang mãi chìm trong những thứ triết lý cao siêu, mơ hồ và huyễn hoặc: “Khu vườn lắng lại chỉ còn Anh và em/ Khởi đầu phận sự thiêng liêng/ Những cặp chân khóa chặt nhau khước từ chân lý” (Anh sẽ ru em ngủ - Đồng Tử). Vì vậy, thơ Linh là thơ của những khát vọng về một tình yêu bản năng luôn bùng cháy những cảm xúc hiện sinh: “Hãy ghì chặt em, hãy hôn em, vượt qua khắc nghiệt/ Chỉ có đôi mắt Anh, đôi môi Anh có lửa/ Chỉ có đôi mắt Anh, đôi môi Anh cháy ở môi em” (Ở lại). Và những khao khát ấy luôn được đẩy lên đến tận cùng của cảm xúc và ngày càng mãnh liệt hơn, trở thành một “chân dung” của những ám ảnh hiện sinh trong thơ Linh: “Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng/ Thèm có chồng ở bên...”. (Chân dung) Vì vậy, theo Lưu Khánh Thơ: “Vi Thùy Linh là cây bút nữ đầu tiên không ngần ngại thể hiện những khao khát nhục cảm trong thơ mình một cách hăm hở.”(1) Còn Nguyễn Đăng Điệp, khi cảm nhận yếu tố nhục cảm trong thơ Linh thì cho rằng: Linh đã có “ý thức đập vỡ những rào cản, kỵ húy giả tạo để nói lên tiếng nói sâu sắc nhất của một cái tôi lúc nào cũng thật khát thèm”(2).

Không chỉ Phạm Thị Ngọc Liên, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới còn có rất nhiều nhà thơ thể hiện khát vọng nhục cảm trong tình yêu mà mỗi nhà thơ đều có cách thể hiện riêng. Đó là cảm thức khát yêu trong thơ Đoàn Ngọc Thu: “Thôi,/ Em sẽ làm tình cùng trăng, cùng gió và cả mặt trời/ Đêm cong mình lên và trăng mềm phủ sáng” (Yêu II - Quá Giang). Hay những khát vọng ái ân đầy chất nhục cảm nhân bản trong thơ Anh Hồng: “Thèm một cái ôm ghì siết của anh/ Để phiêu diêu vào cõi thiên đường/ Của Eva và A Đam/ Thèm anh ở trong em thăm thẳm/ Thiêu đốt tận cùng bằng ngọn lửa/ Ăn cắp của thần Dớt trên đỉnh Olympus/ Nếu một ngày.../ Không còn thèm gì nữa/ Có nên quẳng đời vào Recycle Bin??? (Thèm)... Khát vọng tình yêu đó chính là “nguồn sống”, là nội lực giúp chúng ta vượt lên những muộn phiền, những đớn đau của thân phận: “Xiết chặt thân thể nhau trong vòng tay êm ái/ Đêm choàng áo dịu dàng/ Anh hút chặt em vào miền quên lãng/ Gột rửa ưu phiền/ Chỉ còn lại/ Tiếng thì thầm mộng mị như nhung/ Em!/ Anh!/ Em!!!!!!” (Tình yêu).

Cũng như Anh Hồng, Phạm Thị Ngọc Liên, Vi Thùy Linh, Đoàn Ngọc Thu, cuộc hành trình của tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du còn được biểu hiện ở khát vọng nhục cảm tinh khiết được chưng cất từ sự hiện hữu của hai thực thể CON và NGƯỜI mà Cát Du không hề lẫn tránh, không cao đạo nhưng cũng không buông tuồng, suồng sã trước những tiếng gọi đầy chất hiện sinh. Vì thế, những khát vọng nhục cảm trong thơ Cát Du không tầm thường, không dẫn dụ người đọc vào những thèm khát bản năng, trái lại đưa người đọc vào thế giới của sự thăng hoa, của những sáng tạo đầy khát vọng hiện sinh: “Gương mặt vừa được hôn ngày hôm qua/ thức dậy/ vẫn còn mơ/ Mắt em anh ánh/ Môi em nồng nồng/ Vòng tay âm ấm/ Vẫn còn đâu đây... Hãy siết em lần nữa/ Siết em lần nữa đi nào/ Siết!” (Hãy siết em lần nữa). Hay cảm giác “lơ đễnh” thật đáng yêu đầy xúc cảm của những khao khát hiện sinh trong thơ Đinh Thị Thu Vân: “Vai anh rộng để em thèm bé nhỏ/ Mơ một ngày yên ngủ giữa vòng tay/ Một ngày thôi lơi lỏng áo quên cài.” (Nhớ) Và còn biết bao bài thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới đến nay mà ở đó những khát vọng về tình yêu nhục cảm thân xác mang màu sắc hiện sinh với những khát khao bạo liệt nồng nàn đang tuôn chảy như: Tâm cảnh, Tự khúc 1, Tự khúc 2, Quà tặng thượng đế, Em yêu anh như yêu tháng giêng của Phạm Thị Ngọc Liên; Soi mưa, say nắng, Bị động mùa thu, Cất giấu của Vi Thùy Linh; Giữ tháng ba, Gió dịu dàng của Hoàng Kim Dung; Lời yêu, Lối mưa của Bùi Kim Anh, Diêm của Nguyễn Kim Anh, Thơ tuổi bốn mươi của Phạm Thu Yến, Không đề của Lâm Thị Mỹ Dạ, mà ở đó, cảm thức về những khao khát tình yêu nhục cảm như muốn vượt lên mọi giới hạn: “Trời ơi/ làm sao có được một cuộc đời/ Để tôi ném mình vào đó/ Mà không hề cân nhắc đắn đo/ Rằng cuộc đời ấy còn chưa đủ” (Không đề).

Rõ ràng khát vọng nhục cảm thân xác thể hiện trong thơ của các nhà thơ nữ nói trên và nhiều nhà thơ nữ khác chưa được nói đến (do giới hạn về dung lượng của một bài tham luận) là những giá trị nhân bản, là yếu tính làm nên cảm thức hiện sinh trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới mà nếu không có nó, liệu con người có còn động lực để sống, để vượt qua những khó khăn, trở ngại, những nỗi đau, mất mát và những bi kịch của đời mình để tồn tại, để hiện hữu hay không!?

Như vậy, khát khao nhục cảm thân xác trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới là một thực thể hiện sinh không thể phủ nhận cũng như không thể phủ nhận chính sự hiện hữu của con người trong cõi nhân gian này. Do những quan niệm ấu trĩ và cực đoan của một thời, khi nói đến vấn đề nhục cảm thân xác trong văn học người ta thường qui kết nó là “đồi trụy”, là “hiện sinh”, là “sống gấp” mà quên rằng nó là một nhu cầu rất nhân bản, rất người, luôn song hành với cuộc sống con người trong từng sát na của hiện hữu. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ nhận ra vấn đề nhục cảm thân xác thể hiện trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới là một giá trị góp phần làm phong phú các giá trị nhân văn của nền văn học Việt Nam mà không khí đổi mới đã mang đến cho văn học dân tộc để tiếp nối tâm thức “văn hóa phồn thực” trong nguồn mạch của văn học dân tộc đã có từ trong văn học dân gian, văn học trung đại và cả trong văn học hiện đại ở một số giai đoạn trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Bởi theo Phạm Xuân Nguyên: “Một đặc điểm không khó nhận thấy của văn học ta trong 10 năm, 15 năm nửa cuối thế kỷ XX vừa qua là các cây bút nữ tỏ ra táo bạo khi viết về tình yêu, không ngần ngại đụng chạm đến tình yêu nhục thể.”(3)

3.

Chấp nhận sự tồn tại hay không tồn tại của chủ nghĩa hiện sinh trong đời sống cũng như có hay không khuynh hướng hiện sinh trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới còn tùy ở điểm nhìn và hệ hình tư duy của mỗi người. Nhưng theo chúng tôi, với những gì đã nói trên, khuynh hướng hiện sinh trong thơ nữ Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay là một giá trị không thể phủ nhận, nó phản ánh đúng qui luật vận động và phát triển của đời sống và văn học, đúng tâm lý của con người Việt Nam thời hậu chiến và thời hiện đại trong quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa văn hóa - văn học.

Khuynh hướng sáng tác hiện sinh đã góp phần làm phong phú hệ giá trị của văn học dân tộc từ đổi mới đến nay, đồng thời cũng mở ra cho các nhà văn nhiều chân trời khám phá và sáng tạo. Vì vậy, trong thơ nữ Việt Nam sau thời kỳ đổi mới đã xuất hiện khá nhiều cây bút (nhất là các cây bút trẻ) thể hiện rõ khuynh hướng hiện sinh trong sáng tác với những cảm thức đầy ám gợi về thân phận, về hữu thể, về nhân sinh, về thế sự mà chúng tôi đã nói đến ở trên.

Khuynh hướng hiện sinh trong thơ nữ Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay thực chất là sự tiếp nối cảm thức hiện sinh vốn có từ nguồn mạch văn học của dân tộc đã bị đứt gãy trong một số thời kỳ do những va đập của lịch sử nhưng khi có điều kiện nó sẽ phục sinh và hiện hữu như một tất yếu của đời sống và văn học. Bởi lẽ, đối tượng của văn học không gì khác là con người và vì con người với tất cả hỉ nộ ái ố ai lạc dục của nó. Đây cũng là điều mà chủ nghĩa hiện sinh lưu tâm. Và đó cũng là lý do để chủ nghĩa hiện sinh tồn tại không chỉ trong triết học mà còn cả trong văn học. Trong xu thế toàn cầu hóa hôm nay điều ấy lại càng là một giá trị không thể phủ nhận.

T.H.A
(SH320/10-15)


------------------
(*) Xem Trần Hoài Anh, Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 -1975, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2009.
(1) Lưu Khánh Thơ, Thơ và một số gương mặt thơ hiện đại Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 2005 tr.111.
(2) Nguyễn Đăng Điệp, “Màu yêu trong Đồng Tử, Thơ Linh”, Tạp chí Sông H
ương số 202/2005, tr.80.
(3) Phạm Xuân Nguyên, “Thơ Linh” Tạp chí Sông Hương số 46/2001, tr.79







 

Các bài mới
Các bài đã đăng