Nghiên Cứu & Bình Luận
Báo động giả và báo động thật: đổi mới hay không đổi mới
15:29 | 04/12/2015

LỮ PHƯƠNG

Sau khi Sông Hương 36, 1989 xuất hiện, cũng đã xuất hiện một số bài báo phản ứng, trong đó có hai bài nhắc đến bài viết của tôi (1) - bài ký tên Trần Phú Lộc: “Ðôi lời nhân đọc Sông Hương số 36”, Văn nghệ số 21, 27-5-1989 và bài ký tên Văn Nguyên: “Báo động thật hay giả”, Nhân dân 20.5.1989.

Tôi đã đợi chờ một sự phản bác có sức thuyết phục, để mong học được đôi điều bổ ích cho mình, đồng thời mang đến một cái gì đó tích cực để giải quyết một số vấn đề tranh luận trong văn học hiện nay. Nhưng qua bài báo ấy, tôi chẳng tìm được gì bổ ích cả, ngoài việc giúp tôi nhận ra rõ hơn nữa một cung cách tranh luận đang tự bộc lộ thêm những khuyết tật hầu như đã thành thâm căn cố đế: thích nói chung chung để lạc đề, thích cắt xén để xuyên tạc, thích vội vã suy diễn không cần minh chứng, và bao trùm lên tất cả là một thứ tư duy văn học rất xưa, rất cũ.

Ðể mở đầu, tôi muốn dẫn ra đây vài ví dụ trong hai bài báo trên để minh chứng rằng cái lối thích nói chung chung ấy đã chứa đầy những điều sai lạc. Chẳng hạn cái câu sau đây của Văn Nguyên trên ND là không đúng với tôi: “Theo các tác giả kể trên thì rõ nhất là Lê Xuân Vũ (TCCS số 11-1988) và sớm nhất là Phan Cự Ðệ (Văn nghệ quân đội số 12-1987) còn ở khoảng giữa đó là Hà Xuân Trường, Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, Nguyễn Ðình Thi, Hoàng Trung Thông và cả Văn Lưu nữa”. Tôi có nhắc đến Hà Xuân Trường và Phan Cự Ðệ cũng chỉ để đòi hỏi mấy chữ “ấn tượng” của những tác giả này – thí dụ cách nói của Hà Xuân Trường: “gây ấn tượng phủ nhận” – cần được làm sáng tỏ có bằng chứng để dễ thảo luận, chứ không phải liệt kê danh sách những người gọi là “chống phủ nhận”. Ðọc Trần Phú Lộc trên VN tôi cũng thấy giống giống như vậy: “Các anh rút lui ý kiến ấy lại thì thôi…”; cách nói gộp chung ấy tôi thấy cũng chẳng có gì liên hệ đến tôi cả. Trước đây tôi không hề đưa ra cái gì gọi là “phủ nhận” ai, cũng chẳng hề tạo ra cái lý luận gọi là “hai bá quyền”, cho nên bây giờ tôi chẳng có lý do gì để gọi là “rút lui ý kiến ấy lại”. Thử hỏi trong tranh luận mà cứ phải đi mãi vào những cái vụn vặt ấy để thanh minh đính chính thì đến bao giờ mới xong? Thấy người khác nói không đúng về mình, không trả lời thì là im lặng chấp nhận sai lạc, còn nếu cứ sa vào những cái ấy thì liệu còn có thì giờ đâu đề cập những vấn đề nghiêm chỉnh?

Chẳng qua thì cũng tại các anh có thói quen hay nói chung chung thôi. Rõ nhất là nơi Trần Phú Lộc trên VN. Mới mở đầu bài viết của mình anh đã xâu mọi người lại bằng “một sợi chỉ… đen” rồi. Thật ra nói như vậy thì cũng được, nếu như anh coi đó là cái tiền đề để chứng minh. Nhưng tôi thấy anh chẳng chứng minh gì cả. Anh nói không có báo động giả. Nhưng tại sao anh không đi vào từng tác giả trên SH 36 để làm rõ những cái không đúng trong cách dùng chữ của họ, và để làm được điều này, anh phải căn cứ vào những sự việc cụ thể, chính xác nào đó để phản bác lại họ ngay từ trong cách lập luận của họ, từ những vấn đề cụ thể về văn học mà họ đã đặt ra. Với Nguyễn Ðăng Mạnh. Với Hoàng Dũng. Và với tôi (2). Tại sao anh không đặt ra cho mình cái câu hỏi tương tự như thế này: vì cái lý do gì tôi không coi lập luận của Lê Xuân Vũ trong bài viết trên TCCS số 11-1989 chỉ là “ý kiến trao đổi tranh luận với nhau” một cách bình thường như Văn Nguyên đã gọi như thế trên ND, mà lại phải dùng đến chữ “báo động giả” gây ra sóng gió. Nhưng hình như anh không cần biết đến điều đó vì anh đã viết từ đầu: “Chuyện các anh tranh luận với Lê Xuân Vũ thì đó là việc của các anh với nhau. Tôi không có các bài của hai anh ấy (một của Lê Xuân Vũ, còn một của ai? - thật là lủng củng! LP) trong tay nên khó mà đối chiếu”. Tại sao anh cho đó là “chuyện” của người khác với nhau, anh không có những bài ấy trong tay, mà anh lại nhảy vào để… kết luận hộ! Trong khi đó thì đối với bản thân tôi, tất cả đều khởi đầu từ bài viết của Lê Xuân Vũ trên TCCS mà ra.

Anh nói cái “giọng” của tôi “đỡ cay cú” hơn một tác giả trên SH 36; tôi xin được nói là đối với tôi chẳng có gì là “cay cú” hay “đỡ cay cú” cả; phải nói là phẫn nộ mới đúng. Khởi đầu tôi chỉ đứng ngoài (không hề biết mặt một ai trong cuộc tranh luận), chăm chú nhìn cuộc tranh luận ấy như một người quan sát, nhưng khi đọc bài của Lê Xuân Vũ trên TCCS tôi giật mình: như thế này thì không còn văn học nữa rồi. Trong bài viết ấy, Lê Xuân Vũ đâu có tranh luận bình thường, và cũng đâu có cái mà sau này TCCS gọi là “phê phán những tư tưởng lệch lạc”(3)! Có gì là tranh luận bình thường, có gì gọi là “phê phán” ở cái cách thức xuyên tạo sự kiện, bất chấp lô gích, bất chấp kiến văn, kiến thức… để gán cho một người (Lại Nguyên Ân) cái mà thực chất anh ấy không có và không muốn có; và chẳng những đối với một người thôi mà còn mở rộng cái điều xuyên tạo ấy ra đến hàng loạt biết bao người khác vốn đang nói về một câu chuyện khác chẳng quan hệ trực tiếp đến câu chuyện khởi đầu! Cái lối lập luận đổi trắng thay đen ấy, vơ đũa cả nắm ấy, cái lối quy nạp phi lô gích ấy – đúng như vậy đấy – với một số kết luận “chết người” như ngày nay người ta đang nói ấy, cái kết luận ấy mà lại công bố trên TCCS, cơ quan lý luận của Ðảng, đăng gần như ở trang đầu của tờ báo như một ý kiến chỉ đạo, trong khi đó thì luận điểm gọi là “hai bá quyền” đang bị chính thức lên án để cùng với nhiều cái khác tạo nên cái gọi là “những lệch lạc nghiêm trọng” đưa đến những biện pháp xử lý hành chính đối với cả một xu hướng văn học, thử hỏi cái kết luận ấy có “tác dụng” gì, nhằm mục đích gì!

Ðâu có phải như lời đồng chí Ðào Duy Tùng mà TCCS sau này đã dẫn là “thảo luận dân chủ, cởi mở, chân tình, lấy nội dung đúng đắn để thuyết phục chứ không đả kích vùi dập”(4)! Và đối với những cái cần “thảo luận dân chủ” ấy, trong bài phát biểu của mình, đồng chí Ðào Duy Tùng cũng đâu có kể ra cái gọi là “hai bá quyền” như TCCS số mới đây đã liệt kê ra (5)! Như vậy thì rốt cuộc lại là gì nếu không phải là một cái gì tương tự như là thái độ “dối trên lừa dưới” như Trần Phú Lộc đã định nghĩa về mấy chữ “báo động giả”! Thật ra khi dùng mấy chữ này, tôi không hề muốn định nghĩa như anh – ghê gớm như anh – nghĩa là không đòi nghiêm trị ai “theo quân pháp” như anh nói mà chỉ muốn đề nghị cái điều cực kỳ cần thiết này cho văn học; hãy từ bỏ cái việc dựng đứng sự kiện, xuyên tạc vấn đề để gán ghép cho người khác và hàng loạt người khác những điều họ không có và không muốn có - một cách không nghiêm chỉnh, không thiện chí và bất công. Xin Trần Phú Lộc hãy đọc kỹ lại bài của Lê Xuân Vũ và hãy đi thẳng vào vấn đề cụ thể ấy của tôi, từ vấn đề cụ thể ấy để “thuyết phục” tôi – xin mượn chữ của đồng chí Ðào Duy Tùng áp dụng vào đây - chứ đừng nói chung chung mãi.

Cái gốc rễ của vấn đề ở đây vẫn là cái việc anh – và cả Văn Nguyên nữa - cứ thích nói những cái chung chung như vậy. Các anh rất thích bắt chộp một vài chữ nào đó của người khác - một chữ lạ tai, một cái gì sơ hở, thiếu chặt chẽ chẳng hạn - rồi cứ thế mà phát triển lên cho thật to bự rồi đem những cái khác to bự hơn để công kích, suy diễn. Tôi không hề nói vu vơ. Ðể làm được việc đó, Trần Phú Lộc, trên VN đã lặp ghép nhiều đoạn trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa 6) theo một chủ kiến rất rõ của mình là: đang có báo động thật những cái đại loại như thế này: đang có ai đó muốn “xa rời nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin”, đang có ai đó đòi “thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội”, đang có ai đó đang muốn “phủ nhận hoặc hạ thấp sự lãnh đạo của Ðảng”… - và chẳng những thế thôi, họ còn “đi xa” hơn thế nữa kia, ở đây thì anh dẫn Trần Bạch Ðằng, dài hơn cả Nghị quyết nữa, rằng có những ai đó đang đặt ra những câu hỏi đại loại như là “Có cần cuộc cách mạng tháng Tám không” “Có cần cuộc kháng chiến chống Pháp không” “Có cần cuộc kháng chiến chống Mỹ không” (6) v.v… Có khác gì với Văn Nguyên trên ND khi tác giả này cũng liệt kê ra hàng loạt những cái như là có ai đó sẽ “nướng lại” “cái bánh mì khác”, có ai sẽ đòi “đeo huân chương, bằng khen lộn ngược” cùng với một câu hỏi thật… “vui” (chữ của Văn Nguyên) như “hà tất phải đổi mới, cứ trở lại với sách của ông Phan Khôi và mấy anh em hồi Nhân văn ấy mà, có phải đỡ mất công mất sức mà lại đoàn kết thật sự được không?”…

Nêu ra mãi những câu hỏi như vậy, kể ra mãi những việc như vậy là để làm gì? Trong khi các vấn đề cụ thể về văn học mà một số tác giả trên SH 36, bằng những câu, những chữ, những bài cụ thể, và những lập luận hết sức minh bạch đã cùng đi đến một số nhận định gần giống nhau là: chỉ có phủ nhận những cái cần phủ nhận để đổi mới chứ không hề có phủ nhận sạch trơn; và trong quá trình tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề này, đã xuất hiện hiện tượng cực kỳ nguy hiểm, đó là hiện tượng báo động giả, chụp mũ chính trị, mục đích là để gây nhiều thông tin một cách thiếu thiện chí, nếu không nói là ác ý. Tất cả vấn đề là ở đó và đó cũng là vấn đề nghiêm trọng, và dường như đang có nguy cơ phát triển thành một bệnh dịch trên báo chí và cả trong sinh hoạt văn học nữa. Trần phú Lộc có nói đến cái “hiệu quả” của thái độ này, thái độ nọ đối với cuộc sống và quần chúng; nhưng tại sao anh không chịu nhìn ra cái “hiệu quả” của cái hiện tượng nguy hiểm ấy đối với quần chúng văn học, với những người lãnh đạo tư tưởng và với cả bản thân đời sống văn học! Tại sao anh không nhìn thẳng và trả lời thẳng vào cái vấn đề ấy, do một số tác giả trên SH 36 đặt ra và có cơ sở thực tế để đặt ra, mà chỉ nói mãi về những cái chung chung – có thể có, có thể đúng ở những chỗ khác, nhưng không liên quan gì trực tiếp đến những việc ở đây và bây giờ! Phải chăng là cuối cùng người ta sẽ phải đưa ra giả thiết này để giải thích thái độ lảng tránh ấy của các anh: phải chăng các anh muốn lảng tránh vấn đề “báo động giả” bằng răn đe, hù dọa! Mấy chữ “sợi chỉ… đen” của Trần Phú Lộc trên VN đã chẳng phải là biểu hiện cụ thể cho một thái độ thiếu thiện chí như vậy hay sao!

Phần tôi, tôi vẫn chưa muốn nghĩ về các anh như vậy vì tôi chỉ đang muốn tìm hiểu thêm về cái tư duy lý luận của các anh, để xem xem cái tư duy ấy là nghiêm chỉnh hay không nghiêm chỉnh, cái tư duy ấy có thật sự muốn giải quyết vấn đề đổi mới hay không đổi mới thôi. Cho tôi xin nói với các anh điều này: các anh chẳng nghiêm chỉnh chút nào và cũng chẳng mới chút nào. Vì các anh chỉ sính bám vào các chữ, chứ không thích đi vào thực chất của các vấn đề: các anh không muốn bàn về chữ “báo động giả” của Nguyễn Ðăng Mạnh, của Hoàng Dũng và của tôi mà chỉ muốn bàn về chữ “báo động giả” nói chung, chung cho cả nước, cho Nghị quyết, cho tình hình tư tưởng, xã hội, chính trị, cho chủ nghĩa Mác-Lênin, cho chủ nghĩa xã hội… Và đó chính là một cung cách tranh luận không văn học. Tôi đã minh chứng và lần này tôi sẽ minh chứng tiếp bằng cách nói đến mấy chữ “chính trị không thể chi phối được văn nghệ”, mấy chữ đã làm Văn Nguyên trên ND “bất ngờ” và Trần Phú Lộc trên VN cho là “đáng kinh ngạc”.

Ðể mở đầu cho vấn đề này, xin mời Trần Phú Lộc hãy đọc lại đoạn văn này của anh trên VN: “Trong khi chưa nắm vững về lý luận mác-xít, Lữ Phương lại đi quy kết người khác và để quy kết, anh đã dẫn cả Mao thông qua Roger Garaudy”, và “theo đó” anh cho rằng cái gọi là mác-xít của tôi (và cả những người mà tôi cho là mác-xít) là “chưa đủ độ tin cậy”. Tôi biết Trần Phú Lộc rất đắc ý vì vừa mới “chộp” được mấy chữ “Roger Garaudy” đã có trong bài viết của tôi. Ðó chẳng phải là một tác giả cộng sản Pháp từng một thời bị coi là “xét lại” hay sao? Mà tôi thì dẫn Mao “thông qua” tác giả này thì làm sao cái gọi là mác-xít của tôi (và cả của nhiều người mà tôi cho là mác-xít) có “đủ độ tin cậy” – như anh đã nhấn mạnh? Xin được nói ngay với anh rằng: chưa nói đến việc Garaudy xét lại lúc nào, không xét lại lúc nào, chưa nói đến việc Garaudy có đúng là xét lại hay không – chưa nói đến những cái đó, anh đã hố to rồi đấy, thưa anh! Chẳng lẽ anh không hiểu hoặc cố tình không muốn hiểu nội dung cái chú thích của tôi sau khi tôi đã dẫn hai ý của Mao Trạch Ðông qua Những bài phát biểu về văn học nghệ thuật ở Diên An năm 1942 như thế này: “(Phụ lục in trong Roger Garaudy: Le problème chinois, Editions Seighers, 1967, bản Pháp văn: Ouang Cheliou)”? Chẳng lẽ tôi lại coi thường độc giả để phải giải thích với anh hai chữ “phụ lục” ấy hay sao? Thú thật ban đầu tôi hơi ngạc nhiên, nhưng sau đó khi dần dần hiểu ra cái tư duy lý luận của anh, tôi bổng cười ngất: đối với một lối tư duy như vậy, anh chỉ cần cái tên Garaudy là đủ tạo ra bao nhiêu là cái to tát để nói về biết bao người rồi, chứ có cần gì Garaudy lúc nào, Garaudy đang nói về vấn đề gì, Garaudy được dẫn ra sao!

Nhưng cũng chính vì vậy mà anh không lường trước được những điều kỳ cục sẽ đến với anh do sự vội vã đó. Anh viết dứt khoát rằng anh “không tán thành cái tam đoạn luận của Lê Xuân Vũ (mà Lữ Phương dẫn ra), đặc biệt là cái kết luận: Văn nghệ “đã phát triển dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của chính trị”. Ðó chẳng phải là những gì mà tôi đã chứng minh được về Lê Xuân Vũ hay sao? Vậy mà theo như anh, cái chủ nghĩa Mác mà tôi đã tiếp thu lại là “không đến đầu đến đũa”, cái thứ chủ nghĩa Mác ấy làm sao có khả năng phê phán được Lê Xuân Vũ như vậy, làm sao nó lại có thể làm cho anh chấp nhận (dù không nói ra) kết quả của sự phê phán ấy dễ dàng đến như vậy? Anh chẳng thấy rằng anh đang tự mâu thuẫn hay sao? Và cũng chẳng phải như thế thôi đâu! Anh đã viết rằng anh “không có trong tay” bài của Lê Xuân Vũ, vậy mà anh chỉ dựa vào sự trích dẫn của tôi về Lê Xuân Vũ – mà tôi là người mà trình độ về chủ nghĩa Mác như thế nào thì anh đã nói nhiều lần rồi - để kết luận về Lê Xuân Vũ; như vậy anh không sợ Lê Xuân Vũ cho rằng anh cũng chẳng đáng tin cậy, hay nói theo chữ của anh “chưa đủ độ tin cậy” hay sao? Tôi cho rằng dù anh có buộc phải phê phán Lê Xuân Vũ, anh vẫn chưa vượt được Lê Xuân Vũ: anh vẫn vội vàng hấp tấp, chỉ cần nói cho lấy được điều muốn nói, chứ không cần thận trọng gì cả.

Ngay cái việc anh trích dẫn một câu của tôi, anh cũng chẳng thấy cần phải nghiêm chỉnh. Vì tính chất quan trọng của vấn đề, xin phép độc giả cho tôi dẫn lại toàn bộ câu này trên SH 36: “Bởi vì đối với những ai đã đã biết đến chủ nghĩa Mác thì không phải là chính trị phản ánh cơ sở kinh tế vì vậy nó chi phối đời sống tinh thần xã hội mà chính là kiến trúc thượng tầng (trong đó có văn nghệ và chính trị) phản ánh cơ sở kinh tế, vì thế văn nghệ và chính trị đều chỉ là những hình thái ý thức của kiến trúc thượng tầng, có quan hệ tác động lẫn nhau trên cơ sở quyết định biện chứng của cơ sở kinh tế (quan hệ sản xuất, quan hệ giai cấp); và cũng chính vì vậy mà chính trị không thể chi phối được văn nghệ cũng như ngược lại”. Trần Phú Lộc đã không trích như vậy mà lại dùng dấu chấm (.) để cắt đứt toàn bộ mệnh đề cuối của toàn câu ra khỏi mạch văn của nó rồi nhấn mạnh: “Và cũng chính vì vậy mà chính trị không thể chi phối được văn nghệ cũng như ngược lại”. Có thể là anh sơ xuất vì có lẽ đối với anh, chấm (.) hay chấm phẩy (;) chẳng có gì là quan trọng. Tôi cũng có thể bỏ qua cái việc ấy, nhưng tôi không thể bỏ qua cái việc anh bỏ qua mấy chữ chuyển tiếp của tôi (“và cũng chính vì vậy”) để chỉ giữ lấy cái ý “chính trị không thể chi phối được văn nghệ”, từ đó phát triển lên thành một luận điểm hay một cái gì đó giống như vậy để phê phán, giảng giải nhiều điều. Anh đã chẳng làm như thế hay sao? Anh đã chẳng đưa ra cái mệnh đề phản bác này “Văn nghệ đâu có thể đứng ngoài chính trị hay sao”! Ðiều đó chẳng phải anh muốn kết luận rằng tôi đã chủ trương “văn nghệ đứng ngoài chính trị” hay sao!

Nhưng rồi trong khi cứ đi theo cái đã suy diễn của mình, anh đã không có cả đến một liếc mắt để nhìn lại mấy chữ ở trước đó trong toàn bộ câu văn của tôi mà chính anh vừa trích dẫn: “văn nghệ và chính trị có quan hệ tác động lẫn nhau trên cơ sở quyết định biện chứng của cơ sở kinh tế”. Như vậy nói “có quan hệ tác động lẫn nhau” là không giống với nói “chi phối”, nhưng đâu phải là “đứng ngoài” theo cái quan niệm của anh!

Trong khi đó thì nếu trả lại cả cái mệnh đề để có mấy chữ “không thể chi phối” ấy vào toàn thể cái mạch văn của nó, nó chỉ là cái kết quả tất yếu của những gì đã nói, rõ rệt nhất là để phản bác lại mấy chữ “chi phối” theo quan niệm của Lê Xuân Vũ (có thể hình dung: văn nghệ “ở trong” chính trị giống như một cái chén nhỏ nằm trong một cái chén lớn) và như thế thì cũng chỉ là muốn trả văn nghệ và chính trị về chỗ đứng của chúng trên kiến trúc thượng tầng ở đó chúng “quan hệ tác động lẫn nhau” trên cơ sở hạ tầng. Như vậy có gì là trái với quan điểm chính thống và chặt chẽ của Mác? Thật ra thì có điều gì chưa được rõ rệt trong cái mệnh đề ấy của tôi, thì chỉ vì tôi chỉ giới hạn cái mệnh đề ấy trong phạm vi tranh luận với Lê Xuân Vũ, chứ chưa phải là chỗ để diễn giải dài dòng (vì như thế sẽ là lạc đề) về những cái cần phải dài dòng như tính chất đặc thù của văn nghệ thường được xem là một hình thái ý thức đặc thù, như mối quan hệ giữa văn nghệ với các hình thái ý thức xã hội khác (không riêng gì chính trị) trên phương diện thực tiễn và lịch sử.

Trần Phú Lộc lại cho rằng cái tôi chưa nói vì chưa cần nói ấy lại là cái tôi chưa biết cho nên mới cho rằng tôi đã “không hiểu đến đều đến đũa một số nguyên lý “sách vở” căn bản”. Tôi cho rằng anh chỉ giả định, chứ làm sao anh biết là tôi “không hiểu”. Bây giờ đã đến lúc nói, tôi xin nói với anh rằng: tôi đã biết điều đó, không hơn ai, nhưng ít nhất cũng rõ hơn anh và không sai lầm như anh. Anh viết: “Xét đến cùng, Mác viết, kinh tế quyết định tất cả, nhưng đó là xét đến cùng, còn tác động của kinh tế phải thông qua bao trung giới (médiatisation) trong đó cái trực tiếp nhất, mạnh nhất bao giờ (tôi nhấn mạnh LP) cũng là chính trị”. Tôi có thử kiểm tra lại xem cái câu mà anh cho là Mác viết ấy là ở đâu, sách nào, nhưng thú thật tìm mãi vẫn chưa ra (mong anh chỉ hộ và xin được yêu cầu lần sau anh chỉ rõ xuất xứ để khỏi phải làm khổ anh em!). Nhưng theo chỗ tôi biết rõ vì đã đọc từ lâu thì đó không phải là câu của Mác mà chính là hai ý từ hai đoạn văn của Ăng-ghen (8) mà dường như anh đã trộn lại theo trí nhớ và diễn lại theo cách hành văn của anh một cách đã xuyên tạc!

Anh thử đọc lại các đoạn văn ấy của Ăng-ghen xem! Trong những đoạn văn ấy, Ăng-ghen, trong khi phê phán những quan điểm máy móc cái gì cũng lấy kinh tế (kinh tế là duy nhất) để giải thích, đã lấy cái thí dụ về triết học và cho rằng ở đây “kinh tế tự nó không trực tiếp tạo ra cái gì cả”, nếu có tạo ra thì nó đã “đưa đến một thứ biến đổi nhất định nào đó” để đưa đến sự phát triển cho triết học, và ngay cả việc đưa đến sự phát triển này, cũng chỉ đưa qua “một cách gián tiếp”, tức là qua những cái đã bị kinh tế quyết định rồi như Ăng-ghen đã viết là “những phản ánh chính trị, pháp luật, đạo đức đều tác động đến triết học một cách trực tiếp, lớn lao nhất” (9). Như vậy nếu đặt ý kiến trên đây của Ăng-ghen vào luận điểm căn bản của chủ nghĩa Mác cho rằng tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, tức là hạ tầng cơ sở quyết định kiến trúc thượng tầng, người ta thấy Ăng-ghen đã nói rõ thêm về quan điểm biện chứng của luận điểm đó, nói rõ thêm về khả năng tác động lẫn nhau một cách trực tiếp giữa các hình thái ý thức xã hội, trên cơ sở hạ tầng kinh tế. Nói nôm na thì giống như những trái bi-da nằm trên bàn bi-da, trái này có thể tác động đến trái kia thông qua một trái khác – và chính những trái bi-da được thông qua đó có thể gọi là “những trung giới” (hình ảnh trái bi-da tôi dùng có lẽ không chính xác, nhưng cứ tạm chấp nhận để dễ hiểu vấn đề).

Tôi biết Trần Phú Lộc muốn giảng với tôi như vậy, nhưng trong khi giảng như vậy anh đã giảng theo ý của anh: anh đã biến chính trị, vốn là cái cùng hàng với các hình thái ý thức khác như Ăng-ghen đã kể (chính trị, pháp luật, đạo đức) thành cái trung giới mạnh nhất, trực tiếp nhất, bao giờ cũng chi phối tất cả, quyết định tất cả; với lối trình bày như vậy thì dù muốn dù không anh đã tuyệt đối hóa chính trị mà chủ nghĩa Mác chưa bị méo mó không thể cho phép làm như vậy về mặt lý luận. Phải chăng đây cũng chính là cung cách trình bày chủ nghĩa Mác – Lênin không khác gì với cái cung cách của Mao Trạch Ðông khi bàn về văn học nghệ thuật ở Diên An năm 1942, nhân danh một thứ chủ nghĩa Mác “sống động” “không có trong sách vở” để cắt xén Lênin và cho đó là Lênin? Và phải chăng đó cũng chính là nguồn gốc về phương pháp luận của tất cả những cái mà trong điều kiện “cải tổ” ngày nay người ta đã gọi là những thứ chủ nghĩa Mác đã bị bóp méo (10)?

Xin Trần Phú Lộc đừng vội cho là tôi “quy kết”! Chữ nghĩa của anh còn đó, sách vở của Mác vẫn còn đó; anh thử chứng minh ngược lại với cách lập luận của tôi đi! Trong khi đợi chờ anh phản bác, cho tôi được phát biểu một suy nghĩ này: với cái cung cách tranh luận hoàn toàn không nghiêm chỉnh của anh, trong việc anh đề cập khá nhiều vấn đề ở trên, kể cả với sách vở kinh điển, tôi rất tiếc là không thể cùng anh bàn luận tiếp về những vấn đề quan trọng khác. Chẳng hạn như về những cái mà anh nhắc đến khá nhiều là “chiến tranh và cách mạng”, về những cái mà anh gọi là “những giai đoạn lịch sử nhất định” ở đó “chính trị quyết định văn nghệ”… tức là đi vào giải quyết mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ về phương diện thực tiễn và lịch sử, và chẳng hạn biết bao vấn đề khác liên hệ đến tình hình văn học hiện nay như vấn đề phủ nhận và thừa kế quá khứ, vấn đề hình thành một tư duy mới về văn nghệ trong toàn cục cuộc đổi mới được xem là “cuộc cách mạng sâu sắc và toàn diện trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội” (11) v.v… Tôi rất tiếc không thể bàn luận thêm được những vấn đề ấy vì, với những gì mà anh đã tự bộc lộ qua bài viết của anh trên Văn nghệ số 21, ngày 27.5.1989, tôi nhận ra rằng giữa tôi và anh đã chưa có được một mảnh đất chung để cùng nhau thúc đẩy vấn đề đi tới, và ngại rằng như vậy rồi cũng sẽ đưa đến cảnh “ông nói gà bà nói vịt” thôi!

Cho tôi được đề nghị những gì mà tôi có thể đề nghị qua những cái mà tôi đã thu nhận được từ bài báo nói trên của anh: anh nên nghiêm chỉnh hơn trong tranh luận, nhất là nghiêm chỉnh với cái chuyện “sách vở” mà anh có nhiều lời biếm nhẽ; anh đừng bám quá nhiều vào chữ, vào cái vỏ của sự việc mà nên đi sâu vào thực chất của các vấn đề; anh đừng nên nói mãi về những cái chung chung, xa vời mà nên đi vào những cái cụ thể, có thật; anh đừng nên xuyên tạc câu cú của anh em, nhất là đừng cắt xén Nghị quyết làm cho không khí trở nên nặng nề; anh đừng vội vàng để “dị ứng” với những gì không giống với những cái mà anh cho là đã thành khuôn vàng thước ngọc… Biết bao là đề nghị – có thật đấy, rút ra từ chính bài viết của anh đấy – nhưng rút cục chỉ có một điều chính yếu này thôi: anh nên thay đổi cái cung cách lý luận của anh đi. Chừng nào anh chưa thay đổi được cái điều căn bản ấy thì độc giả văn học sẽ không thể hy vọng ở anh điều gì mới mẻ hơn là cái “sợi chỉ… đen” mà anh giảng ra với nhiều thích thú!

Anh nghĩ sao về những đề nghị ấy của tôi trước khi chúng ta cùng nhau tranh luận tiếp?

8.6.1989
L.P.
(SH38/07&08-89)
 

-----------------
CHÚ THÍCH

(1) LỮ PHƯƠNG: “Chính trị và văn nghệ: đổi mới hay không đổi mới?”, Sông Hương số 36, tháng 3-4, 1989.
(2) Ở đây chỉ nói về những bài tranh luận văn học. SH 36 có bài của Tòa soạn. “Một lần nữa chúng tôi lo ngại, và những vấn đề cần làm sáng tỏ” đề cập vấn đề trì hoãn Ðại hội Nhà văn lần IV, tôi không có ý kiến. Ðề nghị trong tranh luận văn học, nên tách hẳn vấn đề này ra.
(3) BAN BẠN ÐỌC: “Có thật chứ không phải “báo động giả”, Tạp chí Cộng sản số 5-1989, tr. 72.
(4) Như trên, tr. 71.
(5) Như trên, tr. 72.
(6) Xin dẫn cách Trần Phú Lộc đã lắp ghép Nghị quyết như thế nào: “Ðổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa… Không phải là xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin” “phải phê phán những khuynh hướng phủ nhận hoặc hạ thấp sự lãnh đạo của Ðảng!!”. Và xin bạn đọc lưu ý: Trần Phú Lộc đã thêm vào Nghị quyết cả hai chấm than (!!) nữa! Chúng tôi xin dẫn lại vài câu nguyên văn của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Ðảng (khóa 6): “Ðổi mới tư duy là nhằm khắc phục những quan niệm không đúng, làm phong phú những quan niệm đúng về thời đại, về chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chứ không phải xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin”. “Dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo để phát huy dân chủ đúng hướng; mặt khác phải lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, trên cơ sở phát huy dân chủ” (Sài gòn Giải phóng, 29.4.1989, tr. 2).
(7) Trần Bạch Ðằng: “Văn học - cuộc trường chinh gian khổ”, Văn số 3, tháng 12.1989.
(8) Ăng-ghen: “Thư gửi cho Giô-dép Bơ-lô-sơ ngày 21.9.1890” (Xem C. Mác và F. Ăng-ghen: Về Văn học và Nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1958, tr. 57) và Ăng-ghen: “Thư gửi cho Côn-rát Sơ-mít ngày 17.10.1890” (Sđd, tr. 54-55).
(9) Ăng-ghen: “Thư gửi cho Côn-rát Sơ-mít” (Sđd, tr. 55).
(10) Ðây là một vấn đề khá lý thú và quan trọng, mong được đề cập rõ hơn trong một dịp khác.
(11) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Ðảng (khóa 6) (Sài Gòn Giải phóng, 29.4.1989, tr. 2).






 

Các bài mới
Các bài đã đăng