Nghiên Cứu & Bình Luận
Văn trẻ có gì mới?
17:49 | 08/03/2008
NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP1. Đội ngũ các nhà văn trẻ mà tôi nói tới trong bài viết này là những cây bút sinh ra sau 1975. Biết rằng trong văn chương, khái niệm trẻ/ già chỉ là một khái niệm có tính “tương đối” vì già hay trẻ đều phải nỗ lực để tạo nên những tác phẩm xuất sắc, vị trí của họ phải được đánh giá thông qua tác phẩm chứ không phải từ những chiếu cố ngoài văn học. 
Văn trẻ có gì mới?
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu

2. đặc điểm nổi bật của các cây bút trẻ hiện nay là sự thông minh và nhạy cảm, có khả năng tiếp cận cái mới nhanh chóng. Đọc nhiều tác phẩm văn xuôi của họ, thấy một số cây bút có ý thức về nghề, ngôn ngữ sắc sảo, cách tổ chức trần thuật khá linh hoạt và biến hoá. Trong hai năm liền, có hai nhân vật gây được sự chú ý của người đọc là Đỗ Hoàng Diệu và Nguyễn Thị Ngọc Tư. Cả hai cây bút này đều sinh năm 1976. Một người được chú ý vì đã đề cập đến vấn đề tình dục một cách sắc, bạo; một người được chú ý vì chất giọng độc đáo giọng và ngôn ngữ bộ thuần khiết, giàu sức gợi. Gần đây nhất, Truyện ngắn 8X cũng tạo nên những luồng ý kiến trái chiều, trong đó, chê nhiều hơn khen. Thậm chí, có người đã cho rằng, sự “phản cảm” của Truyện ngắn 8X trước hết bắt đầu từ sự tuyển chọn, trình bày tuỳ tiện nhằm mục đích câu khách của người làm sách, thứ nữa, bản thân nhiều tác phẩm có mặt trong tập truyện này chất lượng nghệ thuật thấp, hoặc chạy theo những cách nói gây sự hiếu kì, hoặc chỉ là những cảm xúc vụn vặt, thiếu chiều sâu cần thiết về tư tưởng và suy tư. Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ VII được tổ chức tại Hội An vào trung tuần tháng 5 vừa qua cho dù về cơ bản được đánh giá “thành công” thì vấn đề đặt ra cấp thiết nhất vẫn là “hãy tự đổi mới tâm hồn mình”. Bên cạnh những cây bút lặng lẽ, ngại ngần phát biểu ý kiến thì một số cây bút lại hăng hái trên diễn đàn và hăng hái không kém trong màn trình diễn thời trang! Xem ra, bên cạnh sự đam mê âm thầm sáng tạo cuả nhiều cây bút trẻ, có một số người lại chú ý nhiều hơn đến cách làm sao để chóng được nổi tiếng. Họ không chịu nổi “sự cô đơn trong sáng tạo” vốn là một yếu tố cần thiết để tạo nên  bản lĩnh của nhà văn. Sự tung hô lẫn nhau (hoặc tự tung hô) có tính quảng trường không làm nên tài năng đích thực của nhà văn mà điều quan trọng hơn là phải biết đẩy đam mê đến tận cùng để tạo nên những tác phẩm có khả năng “hữu xạ tự nhiên hương”.

3. Văn trẻ hiện nay tuy đề cập đến khá nhiều vấn đề nhưng theo sự quan sát của tôi, có ba topics nổi bật sau đây:
Thứ nhất, thể hiện những ẩn ức, dồn nén cá nhân. Phần lớn các cây bút trẻ, nhất là các cây bút thuộc thế hệ 8X đều thừa nhận họ sáng tác trước hết vì muốn giải toả những ẩn ức và tâm trạng cá nhân. Thậm chí, có cây bút còn khẳng định  họ viết cho chính họ, vì nhu cầu của họ mà không quan tâm đến người đọc. Bình tĩnh mà xét thì những tuyên bố kia có phần hợp lý vì khi sáng tạo, người viết bao giờ cũng muốn trút những gì gan ruột nhất vào trang viết và mong muốn tìm được sự sẻ chia từ phía người đọc. điều này cũng đúng với quy luật sáng tạo nghệ thuật, vì trên thực tế, những kiệt tác nghệ thuật từ xưa tới nay đều bắt đầu từ cái tôi sâu thẳm của nghệ sĩ. Tuy nhiên, điều cần nói là ở chỗ, cái tôi cá nhân của nhà văn phải mang trong đó hơi thở của thời đại mà họ đang sống chứ không phải là cái tôi dị biệt, nhỏ bé. Vì thế, điều quan trọng nhất đối với nhà văn là phải tạo ra cái nhìn nghệ thuật sâu sắc và đúng đắn. cao, Vũ Trọng Phụng... sở dĩ trở thành những tài năng nghệ thuật lớn bởi vì họ luôn sáng tạo với ý thức “biết đào sâu, biết tìm tòi, biết khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.

Trong sáng tác của Nam Cao, người đọc luôn nhận thấy sự trăn trở của nhà văn về nghề nghiệp, nhìn thấy sự bi đát của con người trong một xã hội phi nhân tính. Số đỏ của Vũ Trọng Phụng (được viết vào năm 1936, khi ông mới tròn 24 tuổi) sở dĩ trở thành kiệt tác nghệ thuật vì ông đã dựng lên một sân khấu vĩ đại để nói về sự nhố nhăng và tha hoá của con người trong thời Âu hoá bằng chất giọng giễu nhại sắc sảo. Ngay cả trong thời đại Thơ mới, cái tôi “là Riêng là thứ nhất” của Xuân Diệu không chỉ thể hiện nỗi cô đơn của cá nhân ông mà còn diễn tả được sự lạnh lẽo của nhân thế. Không phải ngẫu nhiên mà F. Kafka khi viết Lâu đài, ông cùng với M. Proust... đã trình bày những cảm nhận sâu sắc về trạng thái tinh thần của con người hiện đại một cách sâu sắc và độc đáo. Tôi nghĩ, văn trẻ hiện nay chưa thực sự chinh phục được người đọc bởi chưa nói lên được những vấn đề nhân sinh sâu sắc thông qua cảm nhận độc đáo của mình. Nhiều người trong số họ, như lời trần tình của Phạm Hương Giang (Văn nghệ trẻ số 32. 2006), đang bị luẩn quẩn trong đôi “mắt hẹp” của mình.

Xin dẫn ra một cứ liệu để cùng suy ngẫm: cách đây trên nửa thế kỉ, trường thơ Loạn Quy Nhơn bao gồm những cây viết “măng tơ” về tuổi đời như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên.. đã mạnh bạo đưa ra những tuyên bố đầy tính “nổi loạn” (có lẽ cũng không kém gì tuyên bố có tính nổi loạn của một vài cây bút gần đây). Nhưng sự nổi loạn của nhóm thơ này hàm chứa ý thức cách tân nghệ thuật quyết liệt: muốn đẩy mọi cảm xúc đến tột cùng để đưa thơ vươn đến bến bờ huyền diệu của tâm linh. Và quả thật, ý thức cách tân ấy đã được đảm bảo bằng hàng loạt tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, tạo nên cuộc cách mạng mới ngay chính trong lòng Thơ mới. Đây là điều văn trẻ hiện nay chưa vươn tới được. Vì thế, những tuyên bố nổi loạn của một vài cây bút trẻ hôm nay rốt cuộc vẫn chỉ dừng lại ở... tuyên bố mà thôi! Tôi muốn nêu ví dụ cả trong lĩnh vực sáng tác thơ lẫn văn xuôi nhằm khẳng định một chân lí có tính phổ quát: Mọi gây hấn trong nghệ thuật đều hết sức cần thiết vì đó là động lực của sáng tạo. Nhưng chỉ những gây hấn nào hội đủ năng lượng để tạo nên trình độ nghệ thuật cao hơn trước đó thì mới có ý nghĩa lịch sử đích thực.

Thứ hai,
vấn đề tình dục. Trong đời sống hiện đại, tình dục không còn là khu vực cấm kị và trên thực tế, văn chương hiện nay dường như ít nhiều đều dính dáng đến vấn đề tình dục. Không phải ngẫu nhiên mà Bóng đè được coi là tác phẩm nóng nhất trên thị trường sách văn học năm 2005. Cũng không có gì lạ vì tình dục luôn luôn là một phương diện quan trọng của đời sống. So với các nhà văn thế hệ trước, các cây bút trẻ nói về đề tài này riết róng hơn, miêu tả những khát khao và những khoái cảm tình dục một cách táo bạo hơn. Tôi nghĩ, việc miêu tả tình dục đã góp phần đem đến sự cởi mở trong đời sống văn chương Việt nam đương đại. Hiện tượng này có phần giống với văn học Trung quốc với sự xuất hiện của các nhà văn 7X, 8X như Vệ Tuệ, Miên Miên... Tuy nhiên, trong văn học ta hiện nay, đề tài tình dục thường xuất hiện trong hai trường hợp: thứ nhất, là phương tiện kích thích trí tò mò của người đọc; thứ hai, tình dục được nhìn nhận như một yếu tố văn hoá. Trường hợp thứ nhất thường nhằm mục đích câu khách, thoả mãn độc giả một cách rẻ tiền; trường hợp thứ hai muốn thông qua tình dục để nói đến những vấn đề mang tính nhân văn, nói tình dục nhưng để hướng tới cái cao hơn tình dục. Về vấn đề này, tôi nghĩ, sự xuất hiện của Rừng Nauy (tiểu thuyết của Murakami, Trịnh Lữ dịch) là hết sức kịp thời, nó như một tham khảo để các nhà văn trẻ tìm cách viết về sex sao cho hiệu quả hơn, độc đáo hơn. Nếu viết về sex chỉ nhằm một mục đích duy nhất là thoả mãn những thị hiếu thấp kém, tầm thường thì tác phẩm tất yếu sẽ nhanh chóng bị lãng quên.    

Thứ ba,
suy ngẫm về các giá trị truyền thống từ cái nhìn hiện đại. đây cũng là một xu hướng được một số cây bút trẻ quan tâm, trong đó Nguyễn Thị Ngọc Tư là cây bút để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Văn chương của Nguyễn Thị Ngọc Tư thuần hậu nhưng hết sức tinh tế. Cánh đồng bất tận của chị đã dựng lên một biểu tượng nghệ thuật ám ảnh, đầy đau xót nhưng hết sức nhân hậu. Xung quanh “cánh đồng” là hàng loạt quan hệ: con người và tự nhiên, con người với con người, hiện tại và quá khứ, thiện và ác, được và mất... Trên cánh đồng khô hạn và trơ trụi ấy, người đọc nhận thấy một cánh đồng khác: cánh đồng đời mà mỗi phận người là một kiếp nước chảy hoa trôi. Nguyễn Ngọc Tư đã biết thông qua một môi trường thiếu vắng tình người để nói về khát khao tình người mãnh liệt, thông qua những nghịch cảnh đau lòng, những trớ trêu số phận để lay thức người đọc, giúp họ cảm nhận nỗi đau sâu hơn, sống với nhau sao cho “người” hơn. Theo ý tôi, Cánh đồng bất tận không chỉ là truyện ngắn xuất sắc của riêng Nguyễn Ngọc Tư mà thực sự là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam đương đại (đừng lo Nguyễn Ngọc Tư quá trẻ mà ngại xếp loại vì khi truyện ngắn này xuất hiện trên báo Văn nghệ, tác giả đã tròn tuổi ba mươi, so với Vũ Trọng Phụng thì đã bắt đầu “già”!)

4.
Đọc văn trẻ, tôi chia xẻ với nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc khi ông lo lắng về vốn văn hoá của họ. Con đường sáng tạo văn chương khác với ánh đèn sân khấu, nó đòi hỏi sự trường vốn và sự sáng tạo miệt mài. Mỗi lần viết là một lần nhà văn đứng trước “pháp trường trắng”. Tôi nghĩ, lý do cơ bản khiến cho nhiều cây bút trẻ chưa thoát khỏi những cảm xúc vụn vặt, loay hoay cựa quậy trong không gian của cái tôi bé tí chính là họ chưa tạo được một quan niệm nghệ thuật riêng và chưa đủ nội lực văn hoá thâm hậu để sải những bước chân của gió. Thế mạnh của các nhà văn trẻ là có khả năng thâu nạp nhanh những thủ pháp kĩ thuật hiện đại, những trào lưu nghệ thuật mới, nhưng dường như họ ít để ý đến kinh nghiệm nghệ thuật truyền thống. Truyền thống không hề là lực cản nếu nhà văn biết tiếp thu một cách sáng tạo. Nếu hiểu như thế thì truyền thống “nhân hậu” hơn ta nghĩ. Nhà văn chỉ có thể tạo nên đột biến trong sáng tạo nghệ thuật một khi họ biết bám chặt vào mặt đất truyền thống đồng thời với việc hấp thụ những tư tưởng nghệ thuật hiện đại. Đây là biện chứng của phát triển. Còn nhớ, trước khi được coi là nhà thơ “mới nhất” trong số các nhà thơ mới, Xuân Diệu đã cặm cụi làm “thơ cũ” đến mười năm, trước khi vươn đến khung trời siêu thực, Hàn Mặc Tử đã đi ra từ bộ áo đường luật ở Gái quê và những màu sắc tượng trưng trong thi giới Huy Cận vẫn gợn sóng nước Đường thi. Tương tự như thế, Nguyễn Tuân đã thể hiện sự am hiểu cực kì sâu sắc về văn hoá Việt trong Vang bóng một thời và Vũ Trọng Phụng đã biết nâng tiếng cười dân gian thành tiếng cười độc đáo mang tính hiện đại trong Số đỏ của mình.

Tôi đọc văn trẻ với tất cả sự trân trọng của một người đọc yêu văn chương. Nhưng không hiểu sao, tôi luôn mang hai cảm giác trái ngược: vừa tin ở họ, vừa hoài nghi họ. Chẳng nhẽ với các nhà văn trẻ của chúng ta, viết văn làm thơ chỉ là một thú vui để giãi bày sự trống thiếu niềm tin của mình trong chốc lát? Nhưng tôi vẫn hằng tin, sẽ có những cây bút dũng cảm dấn thân vào kiếp “giời đày” một cách tự nguyện, biết vượt qua ảo tưởng nhất thời để sống một cách bền bỉ với các giá trị nghệ thuật, rồi trong sự bền bỉ và từ khao khát sáng tạo sẽ dần lộ diện những tài năng đích thực. Bởi vậy, thay vì trách cứ, phê phán một chiều, cần có sự lắng nghe chân thành. Mà sốt ruột phỏng có ích gì nếu ta để ý đội ngũ viết văn trẻ ở Trung Quốc vài chục năm qua đông đảo là thế, nay chỉ còn lại khoảng trên dưới chục người chung thuỷ với nghề. Và biết đâu, những kẻ còn lại ấy chính là vàng từ cát trắng mênh mông.
            N.Đ.Đ

(nguồn: TCSH số 213 - 11 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng