Từ năm 1972 cho tới nay đã có nhiều học giả, qua tập Yên thiều bút lục mới sưu tầm và vài nguồn tư liệu khác, đưa ra nhận định: Câu đối “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của tri phủ Ngải Tuấn Mỹ người Hoa tặng phó sứ Nguyễn Tư Giản khi sứ bộ Việt Nam ghé lại địa phương này chứ không phải của Cao Bá Quát.
Tuy nhiên, nguồn tư liệu chính Yên thiều bút lục vốn làn bản chép tay rất có thể “tam sao thất bổn”, xét về mặt văn bản học là đáng ngờ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan dưới đây sẽ đưa ra thêm nhiều khía cạnh khác để chứng minh rằng: Hai câu thơ trên vẫn là của Cao Bá Quát. Dĩ nhiên, qua đây vẫn tiếp tục mở ra nhiều hướng khai thác thú vị. Sông Hương giới thiệu bài viết này để bạn đọc rộng đường tham khảo.
HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
Vào khoảng năm 1969, học giả Hoa Bằng, công bố 4 cặp câu đối của Cao Bá Quát mà ông đã sưu tầm được từ cụ Đỗ Mộng Khương (cử nhân khoa Ất Mão 1915) và cụ Đoàn Như Khuê, (1883 - 1957 nhà nghiên cứu Hán Nôm), trong đó có câu:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Phỏng dịch: Lặn lội mười năm tìm kiếm báu/ Cúi đầu một thuở bái hoa mai).
Từ đó phát hiện này được phổ biến rộng rãi trong các tài liệu văn sử học và các sách giáo khoa. Nhiều người ngưỡng mộ Cao Bá Quát, yêu văn học và yêu hoa mai đã sao, chép, viết lại hai câu trên bằng chữ Hán để treo trong phòng khách, thư viện.
Thế nhưng ba năm sau cũng chính học giả Hoa Bằng trên tạp chí Văn Học (Số 2 - tháng 3 - 4 - Hà Nội 1972) lại công bố một phát hiện mới theo đó câu đối nói trên không phải của Cao Bá Quát mà là của một người Hoa là Ngải Tuấn Mỹ, tri phủ Hán Dương tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) tặng phó sứ Nguyễn Tư Giản khi sứ bộ Việt Nam ghé lại địa phương này. Cụ Hoa Bằng dũng cảm nhận trước đây mình đã nhầm lẫn, nay xin đính chính. Ngoài Hoa Bằng còn có nhà nghiên cứu Tảo Trang cùng chủ xướng việc đính chính này. Từ đó, không ít người ngậm ngùi đính chính theo. Luận chứng của những người đính chính dựa trên một tài liệu là tập Yên thiều bút lục mới sưu tầm được từ bản sao chép tay của thư viện Khoa học xã hội ký hiệu là A. 852 - tờ 18 a-b. Nội dung tài liệu đính chính được dẫn chứng như sau:
“Năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử một sứ bộ sang Tàu. Cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); phó sứ là Nguyễn Tử Giản (đỗ Hoàng Giáp năm 1844); phó sứ thứ 2 là cử nhân Hoàng Tịnh. Hành trình của sứ bộ theo lối xưa từ ải Nam Quan đến Yên Kinh, thủy bộ mất 181 ngày. Sau 125 ngày thì đến huyện thành Hán Dương tỉnh Hồ Bắc, ở đó đoàn Sứ bộ Việt Nam được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng các vị chánh, phó sứ mỗi người một câu đối.
- Câu đối tặng chánh sứ Lê Tuấn:
Hữu khẩu tu ngôn thiên hạ sự/ Kháng hoài bất nhượng cổ chi nhân
(Có miệng nên bàn việc thiên hạ/ Nghị lực không chịu nhường người xưa.)
- Câu đối tặng phó sứ Nguyễn Tử Giản:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Mười năm giao du tìm thanh kiếm cổ/ Một đời cúi đầu bái hoa mai).
- Câu đối tặng phó sứ Hoàng Tịnh:
Truyền thần cổ hữu Lý Tư Huấn/ Vấn tự kim vô Dương Tử Vân
(Truyền thần xưa có Lý Tư Huấn/ Hỏi chữ nay không Dương Tử Vân.)”
Nếu chỉ dựa vào bấy nhiêu tài liệu đó thì theo tôi, sự đính chính của các cụ Hoa Bằng và Tảo Trang chưa thực sự thuyết phục. Xin nêu một số điểm nghi vấn như sau:
Về mặt văn bản, Yên thiều bút lục của Thư viện Khoa học xã hội chưa phải là bản gốc mà chỉ là bản sao từ bản sao chép tay vào khoảng thập niên 1930 của Viện bác cổ Pháp. Nghe nói bản gốc nhiều tờ đã rách nát không đọc được. Hồi đó chưa có kỹ thuật photocopy và microfilm nên các bản sao đều phải chép tay. Yên thiều bút lục lại là một tập tài liệu khá lộn xộn. Theo bài viết: “Về tác phẩm Yên thiều thi văn tập của Nguyễn Tư Giản” của nhà nghiên cứu Hoàng Văn Lâu - (hannom. org. vn - web//tchn/data/0003-a. htm) thì: “... Yên thiều thi văn tập, bản A. 199 là bộ sưu tập gồm 3 tác phẩm: Yên thiều thi thảo, Yên thiều văn thảo, Trung Châu quỳnh giao tập của Nguyễn Tư Giản đã được nói tới trong Truyện Nguyễn Tư Giản của Đại Nam liệt truyện, chỉ khác ở chỗ: Đại Nam liệt truyện ghi Yên thiều thi thảo 3 quyển thì ở bản A. 199 chia thành hai quyển: Quyển Nhất và Quyển Hạ; Yên thiều văn thảo, Liệt truyện ghi quyển 1 thì ở bản A. 199 ghi “Quyển Thượng” (mà không có quyển Hạ), còn Trung Châu quỳnh giao tập thì bản A. 199 không ghi số tập, số quyển, còn Liệt truyện ghi quyển 1. Có thể nghĩ rằng, ba tác phẩm này vốn lưu hành riêng lẻ. Sau này, trong quá trình sao lục, người ta biên tập cả 3 tác phẩm vào một sách, lấy tên chung là Yên thiều thi văn tập...).
Trong bài: “ Về mối liên hệ giữa văn bản học và sử liệu học” đăng trên trang web vanthuluutru. com, Gs Hà Văn Tấn từng lưu ý giới nghiên cứu: “Nói đến văn bản Hán Nôm, tôi thường nghĩ đến các bản sao. Mà tam sao thì thất bản!”
Tài liệu về Yên thiều bút lục đã rối rắm như vậy mà lại qua nhiều khâu sao chép, biên tập thì ai dám bảo đảm không có sự tam sao thất bổn? Liệu có thể hoàn toàn tin cậy ở các bản sao chép tay nói trên được không?
Một bên là các cụ Đỗ Mộng Khương và Đoàn Như Khuê nói câu đối là của Cao Bá Quát - một bên là bản sao chép tay (và dầu là bản chính) của cụ Nguyễn Tư Giản nói là của Ngải Tuấn Mỹ. Bất quá cả hai đều là ý kiến một phía. Một khi văn bản về các tác phẩm của cụ Nguyễn Tư Giản chưa đủ tin cậy thì dựa vào đâu mà phủ nhận ý kiến của phía cụ các Đỗ Mộng Khương, Đoàn Như Khuê và bảo lưu ý kiến của phía cụ Nguyễn Tư Giản?
Tính xác thực của văn bản Yên thiều bút lục càng đáng nghi ngờ hơn nữa khi ta xét đến mối liên hệ giữa văn bản và sử liệu mà Gs. Hà Văn Tấn đã nêu. Cụ thể:
- Theo lệ xưa, nước ta cứ ba năm phải đi sứ sang Tàu một lần để tiến cống. Do thời cuộc lộn xộn ở cả hai nước nên chuyến đi sứ của các ông Lê Tuấn, Nguyễn Tư Giản và Hoàng Tịnh cách chuyến đi sứ trước đó những 15 năm. Phủ Hán Dương tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc lại cách biên giới nước ta những 125 ngày đường. Với khoảng cách thời gian và không gian diệu vợi đó, làm sao một ông tri phủ người Hoa ở Hán Dương lại nắm rõ mồn một lý lịch và hành trạng của cả ba nhân vật trong sứ bộ của một nước mà cho đến lúc ấy, họ vẫn còn cho là “man di”, lại vừa ở xa đến và làm thơ tặng mỗi người một bài như thử họ là bạn tri kỷ từ muôn kiếp trước?
- Câu đối nói là của Ngải Tuấn Mỹ tặng chánh sứ Lê Tuấn ý tứ rất chung chung, vừa là lời khuyên, vừa là lời khen rất là vô thưởng vô phạt, có thể dùng để tặng bất kỳ vị sứ thần nào, kể cả các vị đại sứ thời nay. Vậy câu này không có gì phải bàn.
- Câu đối Ngải Tuấn Mỹ tặng phó sứ Hoàng Tịnh có lời lẽ đề cao vị phó sứ của chúng ta tài thi họa sánh bằng Lý Tư Huấn thời Bắc Tống, chữ nghĩa hơn hẳn Dương Tử Vân - là những danh nhân văn hóa hàng đầu của Trung Quốc. Vậy mà sao ngay ở Việt Nam xưa nay lại không thấy có tài liệu văn sử học nào nói về tài năng kiệt xuất của phó sứ Hoàng Tịnh?
- Trong khoa văn bản học, còn có một phương pháp để góp phần xác minh tác giả và tác phẩm. Đó là đối chiếu nội dung thơ văn với hành trạng, thân thế sự nghiệp của tác giả dựa trên nguyên tắc: Văn tức là Người. Trên quan điểm biện chứng đó, ta hãy xét lại hai câu:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
để xem thử văn chương ấy thích hợp với nhân thân của Cao Bá Quát hay Nguyễn Tư Giản.
+ Trong thơ văn Cao Bá Quát, hình ảnh thanh kiếm thường xuất hiện như một biểu tượng của chí nam nhi. Ví dụ trong bài “Tài tử đa cùng phú”: “... Để ta đeo vòng thư kiếm, quyết xoay bạch ốc lại lâu đài...” Hoặc tả sông Hương ở Huế: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Sông dài như kiếm dựng giữa trời xanh). Dĩ nhiên thanh kiếm của Cao Bá Quát không phải là thứ vũ khí của sát thủ trong truyện kiếm hiệp mà là thứ bảo kiếm của người quốc sĩ mưu việc lớn. Đó là thứ nguyên nhung kiếm mà Trương Lương trao tặng Hàn Tín trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng: “Một ngọn đèn chong/ Hai ngọn đèn chong/ Quốc sĩ vô song/ Là ngươi Hàn Tín...” Trong hình ảnh thanh kiếm của Cao Bá Quát đã thấp thoáng hoài bão nổi dậy của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương sau này. Phải chăng đó cũng chính là thứ “cổ kiếm” mà tác giả câu thơ “Thập tải luân giao...” đã mất mười năm lặn lội đi tìm?
Còn cụ Nguyễn Tư Giản? Cụ làm quan suốt 40 năm, trải 7 đời vua nhà Nguyễn, chứng tỏ cụ rất biết phục tùng vương pháp. Trong cuộc biến động Thất thủ Kinh đô ở Huế năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn còn cụ thì chạy sang phía cố đạo đại Việt gian Trần Lục để nương thân. Khi tên đại quan tay sai của thực dân Pháp là Nguyễn Hữu Độ khánh thành ngôi đền thờ sống của y, cụ làm thơ, viết câu đối đề bia tâng bốc y lên tận mây xanh:
Tứ hải phong trần chi hậu, doãn tạ hiền lao (Đương lúc bốn bề gió bụi, nhờ cái công khó nhọc của ông mới định được đại cục).
Cửu chân sơn thủy chi linh, đĩnh sinh anh kiệt (Khí thiêng sông núi ở quận Cửu chân (Thanh Hóa) sinh ra người anh kiệt).
Về sau, Nguyễn Tư Giản mất ở Kim Sơn, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến có viếng câu đối như sau:
Nhất bi tuyệt bút sinh từ hạ (Một bài văn bia ở sinh từ (Nguyễn Hữu Độ) là tuyệt bút).
Thiên cổ du hồn Cự lĩnh gian (Ngàn năm hồn còn phảng phất ở vùng Cự lĩnh).
Câu trên nhắc chuyện Nguyễn Tư Giản làm văn bia ở sinh từ, tâng bốc Nguyễn Hữu Độ quá mức cần thiết. Câu dưới có chữ Cự Lĩnh là hang ổ của bọn Trần Lục. Cụ Nguyễn Khuyến nhắc lại hai việc ấy có ý mỉa mai chê trách Nguyễn Tư Giản. Người “hiền” như cụ Nguyễn Tư Giản, không phải là dân chơi kiếm thì lặn lội mười năm đi tìm cổ kiếm để làm gì? Chẳng lẽ để chống lại triều đình Huế và bọn gian tà Trần Lục, Nguyễn Hữu Độ? Thanh cổ kiếm ấy gắn với khẩu khí của Cao Bá Quát thì thích hợp hơn.
Thanh cổ kiếm đã không thể dành cho Nguyễn Tư Giản thì câu “Một đời cúi đầu trước hoa mai” cũng vậy. Hoa mai thì vô số người thích nhưng nếu nói Nguyễn Tư Giản thích đến một đời cúi đầu bái hoa mai thì khó tìm thấy bằng chứng niềm đam mê này trong thơ văn của cụ.
Với Cao Bá Quát thì ngược lại, có khá nhiều dẫn chứng:
- Giai nhân nan tái đắc/ Trót yêu hoa nên dan díu với tình/ Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh/ Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ... (Hoài nhân).
Trong bài bài Tài mai:
- Đầu non nắm hạt mai gieo
Giống thanh gửi chốn núi đèo xanh tươi
Nữa mai xuân điểm bầu trời
Bức tranh tuyệt tác cho người xem chung
(Trồng mai- Hoàng Tạo dịch thơ chữ Hán)
Và trong bài thơ gửi bạn Phương Đình Nguyễn Văn Siêu:
- Khóm trúc vườn xưa chờ thu đến/ Bụi mai gác nhỏ một mình trông.
Hoặc:
- Những bản thảo cũ đầy bụi, chất đống trong bồ rách
Cây mai con cũng cố ngoi lên vượt bức tường cao.
(Kiến Bắc nhân lai, nhân thoại cố hương tiêu tức)
Rồi khi ở trong cảnh lưu đày, có người ngoài Bắc vào, sau khi biết tin tức gia đình, ông hỏi cây mai sau nhà còn sống không? Người khách cho biết, cây vẫn tốt tươi và ông yên tâm đưa vào thơ của mình: Cây mai đã lớn, vẫn sau nhà... Mới đây trên trang web vanchuongviet. org có bài bài tiểu luận “Cao Bá Quát: một đời lận đận vì hoa” của Văn Thành Lê có câu “Mấy phen vào tội ra tù, lên voi xuống chó, con người tự ví mình như cây mai võ, như con chim có sức bay cao mà bị nhốt trong lồng không thể cam lòng chịu để cho sóng gió cuộc đời vùi dập vẻ sáng lấp lánh của hai chữ Thiên lương...”. Cũng trong bài này, tác giả Văn Thành Lê gọi Cao Bá Quát là “cây mai võ của làng Phú Thị”. Tôi cảm nhận được rằng những danh từ thư kiếm và mai võ trong thơ văn Cao Bá Quát có sự đồng dạng, đồng thanh và đồng khí với những danh từ cổ kiếm và mai hoa trong câu đối “Thập tải luân giao...” và điều này cho phép tôi càng tin rằng Cao Bá Quát là tác giả của câu đối ấy. Câu đối ấy như chiếc áo-rất có thể mặc vừa với Cao Bá Quát và rất không vừa với Nguyễn Tư Giản. Nói “Văn tức là Người” ý là như vậy. Tôi cũng xin nhấn mạnh một lần nữa rằng: Hai câu Thập tử luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa chứa đầy tâm tư, hoài bão sâu kín là dạng tự bạch của tác giả. Người ngoài, nhất là ông Ngải Tuấn Mỹ nào đó ở bên Tàu chắc không dám hư cấu sẵn câu đối như vậy để tặng vị sứ thần ở xa tới. Hư cấu kiểu đó chẳng khác gì tặng vị khách quý của mình một chiếc áo mà không chắc khách đã mặc vừa.
Vậy thì sau đây tôi xin thử nêu một kiến giải khác:
- Như chúng ta biết, lúc sinh thời Cao Bá Quát sáng tác rất nhiều. Sau khi ông bị án tru di, tác phẩm của ông trở thành văn tự quốc cấm, lưu lạc trong dân gian. Giả sử ai có lòng trân trọng gìn giữ những tác phẩm ấy, không nỡ để nó thất truyền chắc cũng không dám công khai tên tác giả là Cao Bá Quát vì sợ mắc tội với triều đình. Còn những người “thích đùa” thì muốn để bút hiệu nào thay cho Cao Bá Quát mà chẳng được? Có khi nào câu đối “Thập tải luân giao...” rơi vào số phận bèo dạt mây trôi nói trên không?
Thú thật, tôi chỉ là kẻ hậu học, lại mù Hán Nôm mà lạm bàn chuyện này thì thật là điếc không sợ súng. Chỉ mong được các bậc cao minh giải mã giùm những tồn nghi nói trên, may ra có thể trả lại công bằng cho Cao Bá Quát - cũng là trả lại hào khí cho thanh bảo kiếm của người quốc sĩ và trả lại thanh khí cho loài hoa mai của người nghệ sĩ.
H.P.N.P
(SH324/02-16)