Nghiên Cứu & Bình Luận
Nên giữ lại bản dịch bài NAM QUỐC SƠN HÀ của cụ Hoàng Xuân Hãn
15:17 | 09/05/2016

HỒ VIẾT TƯ
 

南國山河     

南國山河南帝居 
截然定分在天書 
如何逆虜來侵犯 
汝等行看取敗虛
NAM QUỐC SƠN HÀ

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

 

Nên giữ lại bản dịch bài NAM QUỐC SƠN HÀ của cụ Hoàng Xuân Hãn

Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Có ý kiến của PGS.TS Đoàn Lê Giang “Có cần thay bản dịch bài Nam quốc sơn hà?” đăng trên Báo Tuổi trẻ số 307/2015 (8132) ra ngày thứ năm 12/11/2015 về bản dịch của bài thơ tôi rất vui mừng. Tôi xin góp thêm vài ý kiến:

Nói về thơ, người xưa có câu: “Hữu thanh, vận, khả ca vịnh chi văn vị chi thi” (Một bài văn có thanh, có vần, có thể ngâm được, ca được gọi là bài thơ), như vậy, nhất thiết một bài thơ thì phải có thanh, có vần, đặc biệt thơ xưa loại thất ngôn bát cú hay thất ngôn tứ tuyệt thì niêm luật rất chặt chẽ, bài thơ đúng niêm luật thì khi đọc nghe rất xuôi tai, dễ thuộc, và tự thân nó mang tính đại chúng.

Dịch một bài thơ cổ đạt trình độ tín, đạt, nhã đã khó, lại còn sao cho “hữu thanh, vận” lại khó hơn. Bản dịch của cụ Hoàng Xuân Hãn tiệm cận với các yêu cầu đó, lại có thanh, có vần nên khi đọc rất dễ thuộc, và do đó bao thế hệ học trò rất nhiều người thuộc, nó còn là vũ khí đấu tranh sắc bén, ăn sâu trong tiềm thức người Việt, rất hào sản khi đọc các vần thơ này và cũng rất hiên ngang lúc vận nước có nguy cơ bị xâm lăng.

Nhưng bản dịch của Lê Thước, Nam Trân được đưa vào sách giáo khoa đã dịch:

Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Câu một của bài thơ Chữ Hán không có Quốc hiệu Việt Nam, và vào thời điểm đó nước ta chưa phải là Việt Nam. Cho nên Nam quốc sơn hà Nam Đế cư, dịch là Núi sông Việt Nam vua Nam ở là không đúng với tín, Hoàng Xuân hãn dịch Sông núi Nước Nam vua Nam ở, chính xác hơn.

Câu hai của bài thơ gốc: từ tiệt nhiên là động từ, xác định rạch ròi, định phận là phân chia (núi sông ở câu trên), tại thiên thư là tại sách trời mà dịch là vằng vặc, một tính từ chỉ cấp độ ánh sáng (ví dụ: ánh trăng vằng vặc), lại thêm chia xứ sở, trong câu tiệt nhiên định phận tại thiên thư không có xứ sở nào cả mà chỉ có chia sông núi như đã nói trên, dịch như vậy nó không tiệm cận được cả về tín và đạt.

Câu ba: như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, từ xâm phạm nó đã được Việt hóa, đọc lên ai cũng hiểu, lai xâm phạm mà dịch là phạm đến đây là một hành vi có thể hiểu mới chạm đến chứ chưa hẳn là hành động xâm lăng, dịch như vậy không sát nghĩa cũng đã phạm vào tín, và tất yếu không đạt.

Câu bốn: cụm từ thủ bại hư có nghĩa chuốc lấy thất bại, đây là một đội quân xâm lược, (một đám người) thì chỉ có thể tan rã, chứ không phải là vật cứng, vô tri mà tan vỡ cho nên cũng không đạt nguyên tắc tín.

Ngoài ra, vần điệu trúc trắc, khục khặc cũng bất khả ca, vịnh. Bởi vậy giữ lại bản dịch của cụ Hoàng Xuân Hãn hay hơn nhiều.

H.V.T  
(SHSDB20/04-2016)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tân Hình Thức (19/04/2016)