PHAN NGỌC
"Kính tặng hương hồn thân phụ"
LTS: Giáo sư Phan Ngọc gởi cho SH bài khảo cứu tâm huyết trên đây với nội dung rất phong phú và kết cấu chặt chẽ. SH muốn dành số trang xứng thích hợp để in trọn vẹn bài này nhưng để "ra Giêng" thì quá chậm, lại lỡ mất dịp Xuân về nói chuyện câu đối và lối tư duy thông thái của cha ông, đành mạn phép tác giả và mong anh thông cảm, xin trích giới thiệu với độc giả.
... 10. Ngày thầy tôi làm ở bộ Lại có tham dự vào việc làm câu đối của đồng châu Nghệ Tĩnh viếng Nguyễn Phong Di. Ông này người Nghệ Tĩnh trước theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật, sau về đầu thú, thi đỗ đình nguyên, làm quan rồi chết. Đồng châu Nghệ Tĩnh trong đó có năm ông đại khoa họp nhau làm đôi câu đối viếng. Cái khó là đã viếng thì phải khen ngợi và tỏ lòng thương xót. Nhưng làm sao có thể khen một người đầu thú? Vậy phải viếng một đôi câu đối mà hiểu là khen cũng được để đúng luật chơi, thà hiểu là chê cũng ổn. Do đó vế ra phải rất bình thường "Một nén hương đưa người chí sĩ". Chỉ nói là "người" không nói là "nhà" tức là không khen, tuy có vẻ khen. Câu này là "xôi chè" các cụ tán thành ngay. Các cụ chỉ bàn về vế dưới. Ba bốn vế đưa ra đều bị bác. Cuối cùng ai cũng phải thừa nhận vế này là tuyệt hay "Trăm năm còn mãi tiếng đình nguyên". Nó phi thường ở chữ "tiếng". Chữ này lập tức nhắc đến cái chết do câu tục ngữ "Trâu chết để da, người ta chết để tiếng", tức là người chết không phải bình thường mà có để tiếng lại. Nó lại có hai nghĩa, hiểu là "danh tiếng" cũng được, mà hiểu là "tai tiếng" càng hay. Do áp lực của cấu trúc, khi "tiếng đình nguyên" là tai tiếng thì "người chí sĩ" tức khắc thành "người đầu thú". Các cụ tranh luận hàng giờ mới tìm được chữ "tiếng" làm mọi người thỏa mãn. Rõ ràng cái đẹp là khách quan và có ngữ pháp của nó.
Câu đối Yên Đỗ làm đùa một anh bạn, bóp vú một cô gái bị cô réo cha ông ra mà chửi cũng làm theo kiểu này:
Con cháu nâng niu đôi oản bụt,
Cha ông lừng lẫy tám phương trời.
Dùng chữ "nâng niu đôi oản bụt", để long trọng hóa một hành động nghịch ngợm đã là hay, nhưng dùng chữ "cha ông lừng lẫy" thì thực là tuyệt.
Anh Nguyễn Tuân trong "Những chiếc ấm đất" có nhắc đến đôi câu đối của ông Tú Hải Văn đề ở ngoài cổng:
Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu;
Ta trồng cây cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai.
Cũng là một đôi câu đối hay, khẳng định thái độ vui với cuộc sống thanh đạm chứa đựng cái đẹp cao quý.
Khi ta có được một đôi câu đối hay, thực không có một tác phẩm nghệ thuật nào sánh nổi với nó về sự ngắn gọn, súc tích, ý tứ sâu xa và những quan hệ kín đáo giữa người tặng với người được tặng.
11. Khi dạy tôi về câu đối, thầy tôi có đọc cho tôi hàng chục câu đối hay của mình bằng chữ Hán và nói thầy tôi mơ ước trong đời làm cho kỳ được một đôi câu đối bất tử mà chịu. Thầy tôi lại đọc cho tôi trên một chục câu đối bất tử bằng chữ Hán. Tôi ngạc nhiên tại sao tất cả đều là những câu đối rất gần đây, từ thời Đông Du trở lại. Thầy tôi trả lời buồn rầu:
- Không biết nữa. Trước đó cậu không thấy có câu đối bất tử. Phải có thời, có người, có cảnh hết sức hiếm có mới có nổi câu đối bất tử.
- Cậu có biết câu đối nôm nào thuộc loại bất tử không?
- Chỉ có ông thánh câu đối Yên Đỗ mới làm nổi, và làm được nhiều câu mới khiếp chứ!
- Thí dụ đôi câu đối này của cụ Yên Đỗ (thầy tôi không bao giờ gọi tên) viết hộ người vợ thợ nhuộm khóc chồng.
Thiếp từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc con đen, điều dại, điều khôn nhờ bố đỏ;
Vế trên như thế là cực "hiểm". Năm màu thợ nhuộm, sáu chữ cùng âm lại nói đến người chồng và cảnh vợ chồng đoàn tụ. Viết như thế còn cách nào mà đối được nữa. Nhưng vế dưới mới vô song:
Chàng ở suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.
Lại năm màu thợ nhuộm, sáu chữ cùng âm. Mà nói đến cảnh thực vợ giờ còn trẻ, con thơ dại. Chữ gì cũng có thể đoán được. Đến chữ tím gan tím ruột thì phải nói là thần bút.
Sau này tôi tự lý giải tại sao chữ tím là thần bút. Bởi vì nó chỉ một cơn giận (bầm gan tím ruột) nung nấu suốt đời không cách nào vơi được. Vế dưới là vô song vì nó trữ tình tột bực. Nếu không có chữ tím này câu đối vẫn hay nhưng chưa bất tử bởi vì chỉ cần chữ này thôi đã thâu tóm hết cả cảnh ngộ của người vợ trẻ chết chồng. Rõ ràng cái linh diệu của nghệ thuật là quan hệ hóa được.
12. Sau khi đã đứng ở khía cạnh thức nhận xét chơi chữ nói chung và chơi chữ trong câu đối nói riêng, ta có điều kiện để xét cấu trúc của cách chơi chữ bằng từ đồng âm. Cách này biểu hiện dưới hai hình thức:
a) Hình thức xuôi: Da trắng vỗ bì bạch
b) Hình thức nói lái: Con cá đối nằm trong cối đá
Trái cam tươi rớt xuống cươi tam.
Để cho chặt chúng tôi chỉ xét hiện tượng đồng âm toàn phần mà không xét cái hiện tượng đồng âm bộ phận như:
a) Lặp lại phụ âm đầu:
Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế;
Hội hè hòng hí hửng, hỏi han hàng họ hẳn hay ho.
b) Đọc xuôi ngược chữ Hán và chữ Nôm. Thí dụ câu đối của Yên Đỗ đọc xuôi là câu rất nghiêm chỉnh để mừng đám cưới:
Oanh đề phượng ngữ nghinh hoa trướng (oanh hót, phượng nói, đón trướng hoa);
Nhạn vũ loan phi phất cẩm đình (nhạn múa, loan bay, lay bình phong gấm).
Nhưng đọc ngược theo chữ nôm lại là một câu đối rất nghịch ngợm:
Bình gấm phất phơ, oanh mó (sờ) nhạn;
Trướng hoa nghiêng ngửa phượng đè loan.
12. Bây giờ ta theo dõi các thao tác của chơi chữ trong câu đối.
1- Thao tác đầu tiên là tháo, tức là các âm tiết đều phải được xem là những từ đơn tiết bất kể nguồn gốc ở đâu: các kết hợp bì bạch, lâm thâm, bọ hung, hồi hương, phụ tử trong các câu đối trên đều bị tháo tung ra thành từ đơn tiết dù cho về lý luận có thể cho là từ đa tiết;
2- Thao tác thứ hai là đối ứng theo loại, tức là danh từ đối ứng với danh từ, động từ, tính từ, hư từ đều thế;
3- Thao tác thứ ba là đối ứng theo bằng trắc, ở cuối mỗi nhịp, chữ trên bằng thì chữ dưới trắc;
4- Thao tác thứ tư là đối ứng cùng kiểu, thí dụ:
Thủ thỉ chén đầu lợn;
Hung hổ vỗ bụng hùm.
Thủ thỉ ở trên là láy âm, đồng âm với từ Hán-Việt, thủ là đầu, thỉ là lợn. Vậy ở vế dưới cũng phải cùng kiểu: hung hổ là láy âm đồng âm với từ Hán-Việt hung là bụng, hổ là hùm.
Năm thao tác có thể thêm và bớt, khi từ chơi chữ là Hán-Việt thì thêm một thao tác thứ sáu là dịch, tức là nghĩa từ Hán-Việt được dịch ra từ thuần Việt ở ngay vế đối: thí dụ nghĩa của bì bạch đã nằm ngay trong câu "Da trắng vỗ bì bạch". Thao tác tháo có thể bớt đi khi bản thân cái câu chỉ gồm những từ đơn tiết, thí dụ:
Chuồng gà kê áp chuồng vịt;
Cá giếc tức phường cá mè.
Nhưng điều này không hề bác bỏ số lượng của thao tác mà càng khẳng định tính khách quan của các thao tác.
13. Sự phân tích trên đây chứng minh hai điều rất quan trọng của phong cách học cấu trúc.
1- Mỹ cảm trong chơi chữ là kết quả của 6 thao tác đối lập của trí tuệ, không có sự tham dự của trí tưởng tượng, trực giác, cảm xúc. Chỉ cần một thao tác thất bại là mỹ cảm tan vỡ.
2- Các thao tác hiển nhiên như vậy phải có những tiền đề khách quan. Tức là khách quan mà nói tiếng Việt tách ra thành âm tiết, chia thành loại, các thanh điệu phân ra hai nhóm bằng và trắc, các kết hợp làm thành ba lớp (thuần Việt, Hán-Việt, láy âm). Và ta có thể dự kiến các tiền đề khách quan này sẽ xuất hiện ở mọi biện pháp nghệ thuật của tiếng Việt, đâu chỉ ở chơi chữ.
14. Bây giờ để chứng minh tính khách quan của mỹ cảm ta chỉ cần khảo sát vài kiểu từ đồng âm có thể có. Khi ta đã thừa nhận trong tiếng Việt có 3 lớp từ là thuần Việt, Hán-Việt và láy âm thì về mặt lý thuyết tối đa chỉ có thể có 6 kiểu từ đồng âm là:
1- Thuần Việt đồng âm với Thuần Việt
2- Thuần Việt đồng âm với láy âm
3- Hán Việt đồng âm với thuần Việt
4- Hán Việt đồng âm với Hán Việt
5- Hán Việt đồng âm với láy âm
6- Láy âm đồng âm với láy âm.
Nói khác đi, không tài nào tìm ra 7 kiểu từ đồng âm, còn nếu thiếu đi 1 kiểu thì cái chỗ thiếu đó phải có lý do về cấu trúc chứ không phải cứ tự nhiên mà thiếu đi. Và khi tình trạng này là hiển nhiên không cách nào bác bỏ được thì phải thừa nhận từ đồng âm Việt Nam có cấu trúc hết sức độc đáo không lặp lại ở một ngôn ngữ thứ hai cũng như ngữ âm tiếng Việt có cấu trúc riêng không lặp lại ở một ngôn ngữ khác.
15. Trước khi đi vào cấu trúc từ đồng âm, phải xét từ đồng âm ở góc độ thức nhận chung cho mọi ngôn ngữ bởi vì không làm thế thì cách trình bày còn có vẻ ngẫu nhiên. Tôi đánh bài ngửa để chứng minh tôi có tìm được cái gì đó là nhờ phương pháp chứ thực tình chẳng có gì may mắn về học vấn và sự tế nhị.
Mọi ngôn ngữ đều có từ đồng âm do đó có cách chơi chữ bằng từ đồng âm. Lý do là vì vỏ ngữ âm của từ là võ đoán không liên quan gì với nội dung cả. Vậy cùng một nội dung có thể có hai, ba hình thức diễn đạt, tức là có hai ba từ đồng âm. Và khi đã có hai ba từ đồng âm thì một từ có thể hiểu hai ba cách do đó có chơi chữ. Nhưng thực ra hiện tượng từ đồng âm chỉ phổ biến ở các từ một hai âm tiết mà thôi mà rất hiếm ở các từ từ ba âm tiết trở lên. Lý do này là do cấu trúc ngôn ngữ. Chỉ có các từ một hình vị thì mới võ đoán còn đã có hai hình vị thì tính võ đoán nhường chỗ cho tính có căn cứ (motive). Mà các từ một hay hai âm tiết thì mới có thể chỉ có một hình vị. Từ ba âm tiết trở lên thì đã gần hai hình vị trở lên rồi cho nên khả năng đồng âm rất hiếm. Mặt khác, ở các ngôn ngữ đơn tiết như tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Thái thì số lượng từ đồng âm phải lớn hơn ở các ngôn ngữ đa tiết, do đó khả năng chơi chữ bằng từ đồng âm dồi dào hơn và lôi cuốn được toàn dân hơn. Tôi cố tình không đưa ra một thí dụ nào hết để chứng minh phương pháp diễn dịch dựa vào cấu trúc thực sự là một chỗ dựa rất quan trọng cho nhà ngôn ngữ học. Mendeleev đã thành công trong hóa học hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Nắm phương pháp này, ta hãy kiểm tra các kiểu từ đồng âm xem.
16. Kiểu thứ nhất, từ thuần Việt đồng âm với từ thuần Việt.
Nói đến cấu trúc là nói đến cấp độ, tức là có cái chính cái phụ. Tuy về lý thuyết có thể có 6 kiểu từ đồng âm nhưng một khi tiếng Việt đã là đơn tiết thì chắc chắn hiện tượng đồng âm giữa từ thuần Việt với từ thuần Việt phải là cơ bản nhất tức là quen thuộc nhất, dễ làm nhất, tần số xuất hiện nhiều nhất làm cơ sở cho mọi hiện tượng đồng âm khác.
Khi từ đồng âm xuất hiện từ hai từ trở lên sẽ có hai khả năng: a) các từ này làm thành hệ thống thuộc một lĩnh vực riêng liên quan tới chủ đề cần biểu hiện. Lúc đó trình độ chơi chữ càng cao.
1- Xuất hiện không thành hệ thống:
1 lần: Ngói đỏ lợp nghè (nhà ngói), lớp trên đè lớp dưới:
Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên. (Khi mới đỗ cử nhân, tức là ông cống, Yên Đỗ làm câu đối này mừng một ông tiến sĩ, tức ông nghè).
2 từ: - Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu,
Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò.
3 từ: - Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa;
Thằng mù nhìn thằng mù nhìn, thằng mù nhìn không nhìn thằng mù.
2- Xuất hiện thành hệ thống.
4 từ: - Trời mưa đất thịt trơn như mỡ,
dò đến hàng nem chả muốn ăn (= các thức ăn).
Dẫu sao chỉ vế ra chưa ai đối được.
- Gái tơ chỉ kén ngài (người) quân tử (thuật ngữ tơ tằm).
3 từ: - Nhà cửa lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp?
Công việc đành bỏ bê, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.
(Yên Đỗ làm hộ vợ người thợ rèn khóc chồng).
17. Kiểu thứ hai: Từ Thuần Việt đồng âm với từ láy âm.
- Kiến đậu cành cam bò quấn quýt
Ngựa về làng bưởi chạy lanh chanh.
- Bà đồ nứa đi vòng đòn tre, đến khóm trúc, thở dài hi hóp.
(Vì một âm tiết láy âm tự nó không có nghĩa nên khi chơi từ đồng âm loại này phải tạo nên một bối cảnh gồm những từ đơn tiết cùng loại. Do đó phải có cam để đi với quýt, có nứa, tre, trúc để đi với hóp.
- Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc nó cạch đến già.
Chú công đi qua chùa kênh, chim nghe tiếng cồng chim kềnh cổ lại.
18. Kiểu thứ ba: Từ Hán Việt đồng âm với từ thuần Hán Việt.
Đây là kiểu quan trọng thứ hai bởi vì số từ Hán Việt chiếm một nửa vốn từ Việt Nam lại có nghĩa rõ ràng từng âm tiết một chứ không phải như từ láy âm tách từng âm tiết ra thì âm tiết láy không có nghĩa. Mặt khác đa số các từ Hán - Việt này không đứng một mình nên khó hiểu với người Việt. Do đó áp lực ngữ nghĩa bắt nó phải được dịch lại thành từ thuần Việt nằm ngay trong vế.
1 từ: - Ô! quạ tha gà (ô là quạ)
Xà! rắn bắt ngóe (xà là rắn)
2 từ: - Chuồng gà kê áp chuồng vịt (kê là gà, áp là vịt; Cá giếc tức phường cá mè (tức là giếc, phường là mè);
3 từ: - Không vô trong nội nhớ hoài (vế ra của vua Duy Tân: vô là không, nội là trong, hoài là nhớ)
Đi chi đường đạo sợ cụ (chi là đi, đạo là đường, cụ là sợ, vế đối của Nguyễn Hữu Bài).
19. Kiểu thứ tư: Từ Hán-Việt đồng âm với từ Hán-Việt.
- Cha con thầy thuốc về làng, quảy một gánh hồi hương, phu tử.
- Vũ cậy mạnh, vũ ra vũ múa, gặp phải trời mưa vũ ướt cả lông;
Theo giai thoại, một ông quan thị tức là thái giám, người thường bị thiến, ra vế này thách một ông quan vũ đối để trêu ông ta. Có bốn từ vũ Hán - Việt với những nghĩa khác nhau là mạnh(vũ dũng), múa (vũ đạo), mưa (vũ lộ), và lông (vũ mao). Ông quan vũ đối lại rất hay, nhắc đến chuyện ông thị nhìn các cung nữ mà bất lực.
Thị phải chầu, thị đứng thị xem, thị cũng thèm thị không có ấy.
(thị Hán Việt có bốn từ đồng âm nghĩa là chầu (thị vệ, xem (thị giác), thèm (thị hiếu) và ấy (ngày xưa dịch ngã thị nhân là tôi ấy người).
20. Kiểu thứ năm: Từ Hán Việt đồng âm với từ láy âm.
Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.
- Thủ thỉ chén đầu lợn,
Hung hổ vỗ bụng hùm.
- Da trắng vỗ bì bạch (Đoàn Thị Điểm)
Rừng sâu mưa lâm thâm (Nguyễn Xuân Thâm).
Anh Thâm kể lại cho tôi, anh có người anh là Lâm. Một hôm ngẫu nhiên ông cha gọi Lâm, Thâm vào đây. Sẵn máu chơi chữ, anh tìm được vế đối thực đắt cho cái vế ra xưa nay vẫn treo.
21. Kiểu thứ sáu: Từ láy âm đồng âm với từ láy âm.
Kiểu này về lý thuyết cấu trúc là không thể xảy ra trong thực tế mặc dầu có thể xảy ra trong khả năng. Một âm tiết láy âm tự nó đã không có ý nghĩa làm sao có thể đồng âm với một âm tiết cũng như nó nữa. Ta đã thấy ở 17 muốn tìm âm tiết đồng âm và láy âm phải có cả loạt: Kiến đậu cành cam bò quấn quýt.
Nếu không có cam, quýt làm sao tách ra được?
Nhưng nếu bổ sung bằng từ phiên âm thì vẫn có:
Xúc xích treo xúc xích (saucisse)
Lắc lê kéo lắc lê (la clef)
22. Bây giờ ta xét lớp từ phiên âm mới xuất hiện. Từ phiên âm hầu hết là danh từ. Nó không được xem ngang hàng với ba lớp trên vì nói đến cấu trúc là nói đến tôn ty, cấp độ không có chuyện cá mè một lứa được. Nếu nó là đơn tiết nó được xử lý như từ thuần Việt.
Trong trần ai, ai cũng ghét ai! (Hồ Chủ tịch)
Ai đây là Eisenhower, Tổng thống Mỹ.
Khi thì nó được đồng nhất hóa với từ Hán Việt. Tú Mỡ nói đến viên tướng Cô-nhi (Cogny), vì Hán-Việt Cô nhi là đứa con mồ côi nên Tú Mỡ báo trước rằng vợ hắn sẽ thành quả phụ.
- Bác (chính là bát là tám) ngủ (chính là ngũ là năm)
Ông (onze là mười một) đui (douze là mười hai).
Khi có hình thức láy âm thì xếp vào láy âm (21).
23. Tóm lại thực tế là khớp răm rắp với điều ta dự đoán chứng tỏ cách nhìn cấu trúc là có cơ sở. Ta thấy nó có cơ sở trong toán học, hóa học, vật lý nguyên tử, sinh học và là công cụ làm việc có hiệu lực. Trong ngôn ngữ học cũng thế. Không nên đồng nhất hóa nó với địch, tư sản, xét lại.
Những thí dụ trên là chỉ đơn thuần theo một kiểu. Còn nếu vế trên theo nhiều kiểu cùng một lúc thì vế dưới sẽ theo đúng bấy nhiêu kiểu sự tương ứng một/một.
- Ao Thanh thì nước trong leo lẻo, cá lội ngắc ngư.
Sông Ngân hà sao bạc chan chan, vịt nằm ấp áp.
- Con trai Văn Cốc, lên dốc bắn cò, đứng lăm le, cười khanh khách.
Cô gái Bát tràng (chão chàng), bán hàng thịt ếch ngồi châu chẫu, nói ương ương (ễnh ương).
Tôi cảm ơn tác giả Câu đối Việt Nam, Phong Châu, nhiều thí dụ trong bài này là lấy ở đấy.
24. Để cho sự khảo sát phép chơi chữ bằng từ đồng âm được chu đáo và nêu bật tính cấu trúc của phong cách phải xét nói lái theo mô hình của câu đối để xem thử có ổn không. Nếu nó ổn thì sẽ là một bằng chứng xác minh tính khách quan của cách tiếp cận.
Trước đó phải xây dựng một cơ sở lý luận cho hiện tượng này. Ngôn ngữ nào cũng có phép chơi chữ bằng từ đồng âm, nhưng không phải ngôn ngữ nào cũng sử dụng phép nói lái. Muốn cá đối nói lái trở thành cối đá thì cối đá phải có nghĩa. Do đó muốn cho nói lái trở thành biện pháp chơi chữ thì ngôn ngữ phải đơn tiết và số lượng âm tiết lý tưởng không quá lớn so với số lượng âm tiết trong thực tế. Số lượng âm tiết lý tưởng được xác định bằng cách nhân số phụ âm đầu với số lượng các vần có thể có sáu thanh rồi nhân sáu sau đó lại cộng với số lượng phụ âm đầu nhân với số lượng các vần chỉ có hai thanh rồi nhân hai. Con số ấy là 12000 đối với tiếng Việt. Còn số lượng âm tiết khác nhau kiểm tra trong từ điển là 6200. Chẳng hạn tam, tàm, tám, tạm là những âm tiết có trong thực tế, còn tảm, tãm chỉ có trong lý tưởng không có trong thực tế. Vì số lượng âm tiết thực tế quá 1/2 số lượng âm tiết lý tưởng, lại có nhiều cách nói lái (lọ tương, thành lương to, lượng to, tượng lo v.v...) nên trước sau có khả năng lái thành từ song tiết có nghĩa. Hiện tượng nói lái trong tiếng Hán trung đại theo Mạc Hữu Chi đời Thanh trong Văn học nguyên lưu (thí dụ: ưu hôn thành ôn hưu) là phổ biến vì Vận kính cho ta 3870 âm tiết trong thực tế. Hiện tượng nói lái đã mất trong tiếng Hán hiện đại bởi vì hiện nay số âm tiết thực tế chỉ còn 1380 âm tiết khác nhau mà thôi. Xét một biện pháp nghệ thuật như là kết quả của cấu trúc ngôn ngữ, rồi lại dùng cấu trúc ngôn ngữ để dự tính tất cả các biểu hiện lý tưởng và thực tế, sau đó kiểm tra bằng tư liệu đó là cách làm của phong cách học cấu trúc. Chỉ khi nào tư liệu xác nhận những điều đã dự đoán lúc đó mới có khả năng chứng minh tính khách quan của suy luận. Nếu tư liệu bác bỏ thì trong suy luận nhất định có chỗ lầm lẫn và phải làm lại từ đầu.
25. Ta áp dụng cách làm này với phép nói lái và sẽ thấy khớp từng điểm một.
1. Thuần Việt lái thành thuần Việt:
- Cháy chợ, chớ chạy.
Bể vò, bỏ về!
- Rực rỡ mé đường tây, kẻ lại người qua, ca ngợi sinh phần quan lớn Lại (lái lợn).
Vang lừng trong cõi Bắc, trên tỉnh dưới rái, một làng tôn trọng cụ trong dân (rận trong cu).
Câu đối này mừng nghị Lại trước làm lái lợn, sau giàu hống hách, thích người ta gọi bằng cụ và làm một cái sinh phần đẹp.
2. Thuần Việt lái thành láy âm:
Tắm tôi lái thành tối tăm
Loi lẻn lái thành len lỏi.
3. Hán Việt thành thuần Việt:
- Người khuê các nhưng khác quê
Kẻ lưu manh lại lanh mưu.
4. Hán Việt lái thành Hán Việt:
- Xem tư liệu để tiêu lự (đỡ buồn)
Giả tú tài bị tái tù (tù lần thứ hai).
Đặc biệt các nhà văn thích biện pháp này trong việc đặt biệt hiệu: Thứ Lễ thành Thế Lữ, Trương Đình thành Trinh Đường, Nguyễn Huy Lư thành Lữ Huy Nguyên.
5. Hán Việt lái thành láy âm.
Tàng tinh (sao ấn) thành tình tang.
6. Láy âm lái thành láy âm.
Không xuất hiện vì những lý do đã nói ở 21.
Ham thích này của người Việt lan cả sang các từ phiên âm.
- Đi vêlô (là xe đạp) bị vôlê (ăn cắp)
- Học philô (philosophie là triết học) thành phôli (folie là điên).
26. Tại sao chơi chữ lối xuôi là phổ biến mà chơi chữ lối ngược (nói lái) chỉ dùng để chế nhạo? Ngoại lệ duy nhất là bút danh vì bút danh là Thứ Lễ thành Hán Việt Thế Lữ là có nghĩa riêng của nó (người khách trên đường đời). Điều này cũng cắt nghĩa được bằng cấu trúc. Tự thân nói lái đã là làm chuyện ngược đời, trái quy tắc rồi cho nên một biện pháp trái quy tắc nói năng bình thường không thể dùng để nói chuyện nghiêm chỉnh. Hễ đã có nói lái tức là có chuyện trêu chọc. Hồ Xuân Hương đưa nó vào thơ, bài thơ Chùa Quán sứ để tả cái chùa lớn nhất của Thăng Long bắt đầu bằng 4 câu, ba chữ cuối mỗi câu đều nói lái:
Quán sứ sao mà cảnh vắng teo,
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình tiêu để suông không đấm
Tràng hạt, vãi lần đếm lại đeo...
Vần đã là vần eo tức là không nghiêm chỉnh, lại dùng biện pháp nói lái thì tính chất châm biếm càng tăng.
27. Tôi viết bài này để ôn lại những lời dạy của thầy tôi. Nội dung là những lời cha dạy con trong cái nghề chữ nghĩa ngày xưa. Cách trình bày là của tôi bởi vì cách nói của thầy tôi là theo khuôn phép cổ. Tôi trình bày theo lối "bài ngữa", để các bạn dễ dàng bác lại. Tôi chỉ mong thấy sai lầm, bởi vì còn thấy được sai lầm là còn có khả năng tiến bộ. Sai lầm của tôi là cả của những người khác cũng nghĩ như tôi. Trên con đường khoa học không ai tránh khỏi sai lầm. Chỉ có một cách: sai chỗ nào thì thừa nhận ngay để cho khoa học tiến lên.
P.N
(TCSH40/01-1990)