1. Thơ Huế từ thực tiễn ...
Thành tựu thơ Huế 25 năm qua như đã chứng minh là một may mắn. Như là một quá trình liên tục, một dòng chảy không tách rời, thơ Huế đã làm một cuộc chạy đua tiếp sức cho thơ các giai đoạn trước với khuynh hướng vận động mới, đồng thời, nó cũng nhìn về tương lai với những dự kiến có thể xảy ra, những biến động trên cơ sở thực tại để định hướng cho cả một giai đoạn thơ.
Căn cứ đội ngũ, thành tựu cũng như đặc điểm làm nên chất thơ 25 năm qua, chúng ta thử nghĩ đến diện mạo thơ Huế trong năm năm sắp đến, bắt đầu từ năm bản lề để giã từ và chào đón của hai thế kỷ. Cách nhìn này không phải là việc làm ghê gớm lắm, bởi lẽ những biến động về thi pháp, những dự báo bùng nổ thi ca Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu, vẫn chưa có cuộc cách mạng thi ca nào có thể xảy ra cho đến giữa thế kỷ XXI. Nhưng trong từng thời kỳ nhỏ sẽ có sự thay đổi về chất. Cho nên, mức độ nào đó, nếu chúng ta nhìn nhận có cơ sở sẽ giúp cho việc định hướng giai đoạn thơ ca mới bằng chính nỗ lực của mình. Vùng đất Thừa Thiên Huế với những đặc điểm về vị thế, tiềm năng của nó, có thể tạo được nét riêng cho mình mà vẫn không xa lạ hay lạc lõng với thi ca cả nước. Làm được điều này, thiết tưởng cần thiết, dù biết là khó và cũng có thể sai lệch hoàn toàn nếu những dự đoán không hiện lên thành hiện thực. Nhưng về mặt khác, nó lại có khả năng đánh thức những tiềm lực nào đó ở những người sáng tạo hiện nay và những thế hệ cầm bút tương lai ở một vùng đất đầy khát vọng.
Rõ ràng là nhìn đến cái đích của một nền thơ Việt hiện đại, thơ Thừa Thiên Huế đã đồng hành và tiếp cận về hướng ấy. Tính chất dân chủ, đổi mới của đời sống xã hội, khuynh hướng nhận thức tốt đã đặt ra từ chủ thể sáng tạo, cộng với các phương tiện thông tin đại chúng (mass -média) ngày nay đã cho phép văn học vươn lên chiếm lĩnh những vấn đề mới mà thế giới hiện đại đặt ra. Sự tác động của văn học đến con người, yêu cầu thưởng thức của độc giả... khiến những đòi hỏi trên trở thành nhân tố bức thiết, những dấu ấn của một vùng đất phải được hiện lên trên trang viết. Và từ những trang viết ấy phải hình thành cho được những cá tính sáng tạo. Nếu không làm được điều này, đặc trưng vùng sẽ không xác định. Vùng đất văn học càng giàu có bao nhiêu thường được đo bằng số lượng những cá tính sáng tạo độc đáo bấy nhiêu...
Cá tính sáng tạo, hay bản sắc, cao hơn là phong cách chính là nét độc đáo riêng trong cách cảm, cách nghĩ, cách tiếp cận hiện thực đời sống qua hệ thống đề tài, chủ đề; qua những hình tượng cảm xúc, mang dấu ấn của một vùng đất và quan niệm sáng tác với bút pháp, ngôn ngữ riêng. Khả năng đổi mới, sáng tạo của nhà nghệ sĩ qua tác phẩm của họ sẽ chứng minh, quyết định điều đó. Xét góc độ này, quả là các nhà thơ Thừa Thiên Huế đã làm được trong 25 năm qua.
Mười năm đầu (1975 - 1985) sau sự chững lại như một bước định hướng, thơ nhanh chóng quay về ưu tiên thể hiện đề tài kháng chiến. Trong các tác phẩm này, tuy bút pháp đã có sự gia giảm nhưng nhìn chung hướng ngoại vẫn là khuynh hướng chủ yếu. Không khí thời chiến, hiện thực chiến trường là cơ sở quy định tính hào hùng, sử thi của nội dung. Những trường ca của Nguyễn Trọng Tạo, tác phẩm của Thanh Hải, Hải Bằng, Xuân Hoàng, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Nguyễn Quang Hà, Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Lập... chủ yếu mang âm hưởng này. Dễ dàng nhận thấy bút pháp giai đoạn này không khác xa bút pháp giai đoạn trước năm 1975 là mấy. Khác chăng ở cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề. Có điều, không phải ai cũng thành công trong chủ đề này. Nhiều bài thơ còn dễ dãi, đơn điệu, cấu tứ cũ, ngôn ngữ sáo rỗng. Sau Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ VI và nghị quyết IV của Trung ương về Văn hóa văn nghệ cùng với các khuynh hướng dân chủ hóa, nhân đạo hóa, khuynh hướng nhận thức tối đa trong ý thức nghệ thuật của nhà thơ, các hạn chế này dần dần được khắc phục, và có những chuyển biến tốt.
Sự đổi mới của văn học 15 năm tiếp theo 1985 - 2000 là việc ưu tiên thể hiện con người cá thể. Khuynh hướng đi vào bề sâu của nội tâm đã giúp cho việc thể hiện cái tôi trong thơ trữ tình hiện lên tập trung, đậm nét. Từ tư duy thơ lặng lẽ, ưu tiên chiêm cảm những vấn đề thuộc về tâm linh, tình cảm con người, sau đó, lắng nghe mình, các nhà thơ thời chống Pháp, chống Mỹ đã ổn định bút pháp, chín lại trước hiện thực mới. Ở thơ họ, đều diễn ra quá trình từ cái chung hào hùng trở về cái riêng lặng lẽ, và ổn định, hài hòa dần trong phương thức thể hiện. Xuân Hoàng, Hải Bằng, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Nhu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật... là những tác giả tiêu biểu. Cũng cần thấy rằng trong thành quả chung ấy, có người đã tỏ ra mệt mỏi, tụt lại phía sau hoặc có người từ thái cực này sang thái cực khác vì không nhận rõ bản chất cực kỳ quan trọng của bước chuyển, nên hiệu quả nghệ thuật không cao.
Như vậy là xét bước phát triển của một giai đoạn thơ phải căn cứ trên tiêu chí ổn định, lặp lại, đồng thời trên bình diện của những yếu tố không lặp lại. Yếu tố lặp lại thể hiện nét phong cách, bản sắc của cá nhân, của nền thơ. Yếu tố không lặp lại thể hiện bước tiến mới của chính bản thân thể loại. Thơ Thừa Thiên Huế đạt được những đặc điểm trên một cách rõ ràng.
Cần lưu ý mặt này ở các cây bút trẻ. Họ có cái háo hức, say mê của người mới cầm bút nhưng lại thiếu nhiều tiêu chuẩn để có thơ hay, tác phẩm hay. Nhiều tập thơ mới xuất bản đã nhanh chóng bị thờ ơ, mai một. Họ có cái hồn nhiên say đắm riêng nhưng lại thiếu nhiều yếu tố khác để trở thành chững chạc, sâu lắng. Họ nói nhiều, lạm phát thơ tình bằng những cảm xúc non yếu, ngôn ngữ gò bó, giả tạo nhưng lại quá lười biếng, mà lẽ ra, họ phải tìm tòi, rung cảm và suy nghĩ nghiêm túc. Chưa kể, có người tìm đến văn chương như một cái mode để cho sang chứ không phải vì say mê và có năng khiếu thật sự. Trong những hạn chế này của các cây bút trẻ, một phần thuộc về trách nhiệm của Hội văn nghệ Thừa Thiên Huế và các cơ quan liên quan trong công tác động viên, rút kinh nghiệm. Quá trình phấn đấu tự phát đã làm cho nhiều cây bút trẻ rơi rụng. Trong số họ, ai chịu học hỏi, tìm tòi và thực sự có ý chí vươn lên thì họ tự khẳng định và có dấu hiệu triển vọng; còn những ai lơ là, tự thỏa mãn và tự phụ sớm thì dấu hiệu của sự chững lại, sút kém là kết quả nhãn tiền.
Bước phát triển của một vùng thơ trong từng giai đoạn cụ thể phụ thuộc vào một yêu cầu có tính nguyên tắc: là phải có nhiều thơ hay, nhiều phong cách, cá tính độc đáo cũng như đạt được tính hài hòa về mọi phương diện. Sự biến đổi, đổi mới dù có hiện đại, ý nghĩa bao nhiêu cũng phải chú ý nguyên tắc này. Nghiêm túc mà nói, nhiều nhà thơ Thừa Thiên Huế trong 25 năm qua được cả nước biết đến và ghi nhận sự đóng góp công sức của họ. Tác phẩm của họ được giới thiệu, in ấn trong nước và một số nước trên thế giới. Thường những tác phẩm ấy kết hợp được sự phát hiện của chủ thể sáng tạo và yêu cầu của cuộc sống; giữa công chúng và sự vận động của thể loại. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật, Hồng Nhu, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Ngô Minh, Nguyễn Khoa Điềm, Hải Bằng, Xuân Hoàng... là những nhà thơ đã tạo được sự hài hòa đó và thật sự có bản sắc, cá tính độc đáo, trở thành tiềm lực hùng hậu của khả năng thơ Thừa Thiên Huế.
2 ...đến dự cảm, nhìn sang đường biên của thế kỷ XXI.
Lấy mốc từ 1975 đến nay, có thể thấy thơ Thừa Thiên Huế có sự vận động và phát triển theo chiều hướng khác - chiều hướng thuận so với giai đoạn trước. Thơ bây giờ tĩnh hơn, cái tĩnh cần thiết để cho thơ thâm nhập vào bề sâu của cảm xúc, tâm trạng. Làm một phép thử, dễ dàng nhận thấy các cây bút trẻ còn yếu (trừ một vài người thành công bước đầu). Đội ngũ có sự so le về chất. Không khí học hỏi, trao đổi nghề nghiệp trong các hội còn yếu. Vốn sống và ý thức tích luỹ từ đời sống không nhiều. Cho nên, trong số nhiều cây bút trẻ, tìm một vài người có tiếng nói riêng là rất hiếm. Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng thơ, nhìn sang đường biên của thế kỷ XXI. Trái lại, trên cái nền sẵn có, có thể khẳng định rằng các nhà thơ lớp chống Pháp, đặc biệt là lớp chống Mỹ đang và sắp tới sẽ là lực lượng chủ chốt. Bạn đọc hy vọng ở lớp nhà thơ này nhiều hơn. Ở họ, ngày càng vươn lên thể hiện được sự hài hòa trong thi pháp biểu hiện. Họ có kiếm tìm, thể nghiệm chứ không thụ động. Nguyễn Khắc Thạch là một hướng tìm tòi độc đáo, ở chất ảo và tạo nghĩa: “Bên thềm hoang - Thiếu phụ - Thoát y nằm - Ngọn nến cháy - Sau vầng trăng khuyết“, có khi là sự “tự đốn ngộ” trước nỗi đau của chính mình:
Em đã nói lời có đáy Trên dòng sông suy tưởng Tôi như gã tín đồ Bị rút phép thông công Khi thiên đàng dang ngang sợi tóc.
Trong khi đó, Mỹ Dạ, Ngô Minh, Nguyễn Khoa Như Ý lại đi về một hướng khác, khai thác mặt vô thức, giấc mơ, tâm linh, thơ tự do... Theo hướng kiếm tìm này, Lâm Thị Mỹ Dạ đã tăng cường yếu tố hiện đại cho thơ mình qua tập Viết tặng nỗi buồn riêng.Trong bài thơ Giấc mơ, hình ảnh chú bé và nhà thơ, chú chim nhỏ hoà quyện vào nhau trong giấc mơ tuyệt đẹp:
Bay qua, bay qua nghìn đêm Bay qua, bay qua ngàn sao Những chiếc lá phát sáng màu huyền thoại Những bông hoa mang hình bàn tay ngón tay Ru, ru , ru, ru Ru êm
Cuối cùng, hình ảnh thơ bị phân thân rồi lại hội nhập trong trạng thái thăng hoa của chủ thể trữ tình: “Chú bé là ai - Chú bé là tôi - Con chim là ai - Con chim là tôi - Giấc mơ là ai - Giấc mơ là tôi“.
Hồng Nhu, Xuân Hoàng nghiêng về hoài niệm, pha chút Phật, Thiền. Còn Nguyễn Trọng Tạo cố gắng vươn đến tính hiện đại của thơ cả nước nhưng vẫn bám lấy nền truyền thống. Ví như bài thơ hai câu sau đây được anh viết trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê: “Sông Hương hóa rượu ta đến uống - Ta tỉnh đền đài ngã nghiêng say”. Cái kiểu đồng dao cho trẻ em lại trở thành những chiêm cảm đồng dao cho người lớn. Tính hiện đại nằm trong hình tượng thơ và động thái thơ Nguyễn Trọng Tạo là những thể nghiệm thành công:
Là khi cạn một ly tràn Đáy ly ta lại thấy làn mi xanh Mi xanh buồn đến long lanh Gặp long lanh thấy mong manh là buồn Buồn đừng đi buồn đừng tan Mất buồn còn lại tro tàn mà thôi Buồn ơi buồn có thương tôi Đừng làm tôi phải mồ côi nỗi buồn
Lê Thị Mây có sự thể nghiệm ở lối thơ Haicu (Nhật Bản) và đổi mới vần nhịp thơ lục bát. Cái mới của thơ chị là từ những bài thơ ba câu kiểu Haicu như bài Ba đoá hồng, chị viết : “Hương đoá này thơm lẫn đóa kia - Những nụ hôn thiêng liêng đến vậy - Nửa phần gai , nửa phần hoa lộng lẫy”, chị đã ghép lại thành những bài thơ nhiều khổ, mỗi khổ ba câu. Đó là sự phá và thay vậy.
Hải Bằng thành công ở thể thơ hai câu thông qua bút pháp đối lập, làm đẹp ý nghĩa và đối tượng miêu tả:
- Mùa đông em lấy lửa của tôi đi Để mùa hạ tôi trở thành đám cháy - Em cho tôi những quả chín trong vườn Tôi chỉ nhận chùm trăng trước cửa
Hoàng Phủ Ngọc Tường ổn định với các thể thơ sẵn có mà vẫn thu hút, hiện đại bởi chất triết lý và những ám ảnh hiện sinh: “Có buổi chiều nào như chiều nay - Căn phòng anh bóng tối dâng đầy - Anh lặng thầm như là cái bóng - Hoa tàn một mình mà em không hay”. Từ những cách nói lạ ấy, anh hướng chất thơ của mình vào những triết lý sống vĩnh cửu:
Cánh phù du bay hoài không nghỉ Chút thời gian lay động ở trên cao Bụi phù du kết thành tinh thể Người trần gian mê mải nhìn sao.
Mãi mãi ngàn năm, tình yêu là vĩnh viễn : Từ đó những vì sao Hy Lạp Trong thiên thu mang khát vọng con người Từ đó trên trời đêm Hy Lạp Niềm say mê cháy mãi khôn nguôi
Tính hiện đại còn thể hiện trong thơ của nhiều tác giả, xét ở những yếu tố lặp lại ổn định và những yếu tố tìm tòi, có phủ định và không lặp lại: Với Nguyễn Khoa Điềm: Bây giờ lật lại trang thơ Tôi muốn đặt mình lên từng con chữ Để được sưởi dưới mắt em xa vắng vô bờ
Và Văn Cầm Hải: Đời chị Như viện bảo tàng Có nhiều mặt nạ đàn ông Giờ đây Có ngày yên mệnh Tuổi chị về qua đôi chân dài óng mượt Hoặc: Em ném vào ngõ tối, nỗi âm thầm lá tre rơi Anh tật nguyền ve vuốt đôi bàn chân đất lấp
Tất cả các nhà thơ này họp thành lực lượng đông vui và hứa hẹn một mùa thơ bội thu cho những năm đầu thế kỷ XXI, với một ước vọng và mục tiêu sáng rõ: “Phải sống thật với chính mình - thật đến nỗi vắt kiệt sức mình, phơi bày tận cùng cái xấu, cái tốt, cái đẹp, cái phù phiếm của chính mình. Và từ đó, nhìn ra tha nhân. Ở đó, thơ chính là tấm gương soi, phản chiếu tâm hồn mình vô cùng chân thật”, “Hãy sống đến tận cùng cái tôi của ta và cái ta của mọi người - có thể có thơ hay” (Mỹ Dạ). Đó cũng chính là tâm niệm, là định hướng của các nhà thơ Thừa Thiên Huế trên hành trình đi tìm cái mới, cái đẹp, cái hài hòa cho thơ đầu thế kỷ XXI.
So với thơ hai trung tâm lớn ở hai đầu Tổ quốc thì thơ Thừa Thiên Huế trầm lắng mà dữ dội hơn. Chất miền Trung nắng lửa, khốc liệt, con người miền Trung gian lao mà vững chãi nhân ái, mảnh đất eo hẹp mà độ lượng, hiền hòa là cội nguồn của chất thơ Thừa thiên Huế. Mọi ồn ào, tranh luận qua các cuộc thi thơ, hội thảo thơ đã chứng tỏ điều đó. Các nhà thơ Thừa Thiên Huế đang hướng những nỗ lực của mình vào những tìm tòi khó khăn mà có ích, không sa vào những cuộc đấu đá vô bổ. Các nhà nghiên cứu, phê bình đều nhất trí ở cách nhìn thận trọng khi khảo sát thơ Thừa Thiên Huế. Không có những hiện tượng thơ làm tổn hao giấy mực nhưng vô tăm tích như hai đầu Tổ quốc nhưng lại có những hiện tượng thơ đáng suy ngẫm như Nguyễn Khắc Thạch, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Mỹ Dạ, Lê Thị Mây... Trong lớp trẻ có Văn Cầm Hải với tập Người đi chăn sóng biển, Phạm Nguyên Tường với tập Hoa cúc mùa thu, Lá tháng chạp... Xét về nét riêng và sự đóng góp của một vùng đất vào văn học cả nước, không thể bỏ qua thực tế này.
Ở đây, cần nêu ra một hiện tượng mà nhiều người quan tâm, lo lắng. Đó là số lượng thơ in ngày càng nhiều hiện nay. Thử đánh giá và tìm một hướng đi, nếu không, tính hội tụ của một vùng thơ dễ bị loãng. Quả là không có những tập thơ dở lắm, trái lại, thơ hay, khá ngày càng tăng. So với các tỉnh khác trong cả nước, Huế là một trong ba trung tâm mạnh xét ở tính thống nhất mà đa dạng của chất thơ, nhưng vẫn giữ được nét riêng đặc thù. Các cây bút trẻ đang cố gắng khẳng định mình. Từ cái nền này, ngay từ bây giờ cần phải tính đến khả năng và triển vọng cho đến những năm đầu thế kỷ XXI. Trách nhiệm ấy, trước hết ở từng nhà thơ, nhưng Hội văn học nghệ thuật tỉnh không thể không có biện pháp và kế hoạch, tránh tình trạng lơ là như những năm qua. Công tác nghiên cứu, phê bình thơ phải được khích lệ và đầu tư. Những biến động về thi pháp thơ Việt Nam - như đã nói - còn lâu mới có những thay đổi đột biến, nhưng nhất thiết nội dung của thơ thế kỷ XXI phải khác. Đạt được điều này hay không, phụ thuộc vào lực lượng cầm bút tương lai mà hiện nay họ còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông hay sắp sửa chào đời. Thành tựu thơ Thừa Thiên Huế hai thập kỷ qua chính là cái bệ phóng tốt nhất cho thế hệ trẻ. Tạp chí Sông Hương, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Báo Thừa Thiên Huế, trong đó, các nhà thơ và đặc biệt là những người biên tập thơ đóng vai trò hết sức quan trọng. Với những lý do ấy, ta có quyền hy vọng bước phát triển tốt đẹp hơn của thơ Thừa Thiên Huế trong tương lai.
Chưa bao giờ trong đời sống thơ một vùng đất lại đông vui, sôi nổi, dân chủ như hiện nay. Dù còn những hạn chế, khó khăn, còn nhiều độc giả thờ ơ với thơ; cơ chế thị trường có tác động xấu đến quá trình thưởng thức thơ nhưng với thành quả đạt được, chứng tỏ thơ của vùng đất này chưa bao giờ yên lặng. Sức sống mãnh liệt của nó đang ngày càng lan tỏa, thu hút. Đó là điều đáng mừng. Vì trong số lượng tác phẩm ấy, trong đội ngũ người cầm bút ấy, thơ hay, người giỏi sẽ xuất hiện, những quặng thơ sẽ được khai thác. Nhiều cát ắt sẽ có nhiều vàng. Và từ những tham số hiện lên đó, người đọc khả dĩ chứng minh được bước phát triển mới của thơ Thừa Thiên Huế, nó có khả năng định hướng thẩm mỹ cho giai đoạn thơ tiếp theo. Và dĩ nhiên, từ những tham số ấy, bỏ qua những gì là cá biệt, không bản chất, bỏ qua những giá trị giả, giữ lại những kết quả có tính loài, chúng ta có quyền hy vọng sự vận động và phát triển mới của một vùng thơ trong tương lai, đặc biệt, là những năm khởi động ở đường biên văn học đầu thế kỷ XXI.
H.T.H (172/06-03) |