LÊ QUANG THÁI
Ngày mỗi lần du khách từ phương xa đến với Huế, không ai không viếng thăm Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, trường Quốc Học...
Cứ theo di chỉ thì những kỳ tích ấy đã gắn liền với hình ảnh xa mã và gợi lên các năm Ngọ có ý nghĩa trong việc hình thành đất Thuận Hóa ở các thời điểm mang tên các năm Ngọ: Bính Ngọ, 1306; Mậu Ngọ, 1558; Bính Ngọ, 1786; Mậu Ngọ, 1918; Canh Ngọ, 1930...
Trên một ngàn năm của lịch sử đấu tranh để hình thành, đất Thuận Hóa đã in dấu ngựa và vó ngựa của các bậc anh hùng dân tộc trong sứ mệnh cao cả giữ nước (năm 979 mở đầu chinh phạt Chiêm Thành) và dựng nước (các năm 1069, 1306...)
Bầy tôi hãn mã (1) đầy công
Phân minh ngôi thứ, tước phong đàng hoàng.
Huỳnh Thiên Kim (Việt Nam cận đại diễn sử ca).
Nhớ lại... Năm Mậu Ngọ, 1918: thi Hương bãi bỏ và năm sau Kỷ Mùi, 1919 là năm thi hội cuối cùng. Chế độ Hán học cáo chung từ đây và cũng chính ở thời điểm này Nguyễn Tất Thành đổi tên là Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1921, từ Côn Đảo trở về đất Thần kinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trong những lãnh tụ của phong trào chống thuế ở Quảng Nam đã vịnh cảnh Huế:
Hai mươi năm lại đất Thần kinh,
Xe ngựa lâu đài nhộn cả thành.
Hán thư có câu: Xa như lưu thủy, mã như du long, y quan tắc lộ, mà cụ Tiên điền Nguyễn Du đã dịch:
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
(Kiều)
Phải chăng giữa các từ NGỌ, MÃ đều có nghĩa là NGỰA đã có mối duyên văn tự trùng phùng mang đầy ý nghĩa lịch sử và nhân sinh theo quan điểm của triết học phương Đông.
Theo bát quái, mỗi quẻ giữ một hướng quanh vòng trời. Bốn quẻ quan trọng là càn, khôn, khảm, ly được gọi là tứ chính, giữ bốn phương chính. Kiền đóng ở phương Nam thuộc NGỌ. Quẻ Kiền là quẻ ngựa: ngựa rằn, ngựa gầy, ngựa già.. Vua là Thiên tử ngồi quay mặt về phương Nam có núi Ngự Bình làm bình phong thiên nhiên, án ngữ có đàn Nam Giao để làm nơi tế trời. Quay về phương Nam để lắng nghe thiên hạ theo lời hay ý đẹp mà cai trị.
Vì vậy phải hiểu NGỌ MÔN theo ý nghĩa chính thống ấy chứ không chỉ phải hiểu từ NGỌ là đúng giờ Ngọ - lúc 12 giờ trưa, đối nghịch với giờ Tý (nửa đêm) như xưa nay một số sách báo (kể cả dịch thuật) đã quen dùng.
Long mã trước trường Quốc Học được đắp nổi bằng sành sứ cổ |
Hình tượng Long mã còn rõ nét ở bình phong Long mã của trường Quốc Học Huế dựng, năm 1896, năm Thành Thái thứ 8, biểu hiện tinh hoa và cốt tủy của đất văn vật, nói lên quốc hồn quốc túy tức hồn nước của giang sơn cẩm tú này.
Biểu tượng của Long mã rất phong phú và đầy ý nghĩa. Long mã là ngựa đã hóa rồng, giống như rồng, dân Việt tự hào là con Rồng cháu Lạc. Long mã xuất hiện thời thái bình thịnh trị khi vua Nghiêu lên ngôi trị vì thiên hạ. Long mã xuất hiện mình xanh mà vằn đỏ, mình có mang Mã đồ là sách trời ban cho vua để làm cẩm nang trị nước.
Long mã cao 8 thước 5 tấc (thước Tàu) xương cổ dài. Cánh bên phải nhúng xuống nước mà không ướt, trên có thánh nhân để bức cổ đồ (tấm đồ xưa)(2)
Trong cùng ý nghĩa đó, Phu Văn Lâu được dựng vào gần năm gần cuối của thời Gia Long, năm 1819, nhân năm sinh của nhà thơ Tùng Thiện Vương là cháu nội của vua Gia Long, và là con trai của vua Minh Mạng. Phu Văn Lâu là lầu biểu tượng cho nền văn hiến nước nhà, quay mặt về hướng Nam để cầu hiền. Nơi đây nhà vua dùng để dán các sắc, dụ và treo bảng cho khoa thi Hương gọi là bảng Hổ, cho khoa thi Hội gọi bảng Rồng. Ngày nay phía hai bên tả hữu Phu Văn Lâu còn bia đá để bốn chữ KHUYNH CÁI HẠ MÃ nghĩa là nghiêng lọng xuống ngựa.
Long Mã khảm sành sứ trên bình phong cổ phủ Tuy Lý Vương |
Các ông nghè tân khoa được nhà vua chiêu đãi, cho cỡi ngựa xem hoa, dự yến tiện trước khi trở về làng vinh quy bái tổ được làng nước, phủ, huyện, tỉnh rước mừng xe đưa ngựa đón, võng anh đi trước, võng nàng theo sau.
Đó là ý nghĩa đầy thâm hậu của chính sách chiêu hiền đãi sĩ.
Sách Đại Nam nhất thống chí soạn năm 1907, xuất bản năm 1910 tại Huế vào đời vua Thành Thái có ghi:
"... Thiên Nguyệt lịnh, kinh Lễ nói: "Xa giá của Thiên tử đi ra, tháng mạnh xuân (tháng giêng) thắng ngựa thương long, ngựa sắc xanh; tháng mạnh hạ (tháng tư) thắng ngựa xích lưu, ngựa sắc đỏ; tháng mạnh thu (tháng bảy) thắng ngựa bạch lạc, ngựa sắc trắng; tháng mạnh đông (tháng mười) thắng ngựa thiết ly, ngựa sắc đen."(3)
Vua chúa đi xe tứ mã, phía sau khung xe và thùng xe có gắn ngai gọi là ngọc lộ. Chỉ có vua và hoàng hậu hoặc đệ nhất giai phi (triều Nguyễn không lập hoàng hậu) mới được ngồi trên ngai. Con rể theo hầu gọi là phò mã. Chọn phò mã cũng là một cách thế cầu hiền để phò cho ngôi báu của Thiên tử.
Vua ban phẩm tước, chức quyền cho các quan và ân đức, chức phận cho thần dân gọi là thượng tứ. Ngựa thượng tứ là ngựa vua ban cho văn quan hay võ tướng có công phụng mệnh giữ trọng trách với dân với nước.
Vì thế ở Huế có câu:
Mê gì như mê tổ tôm
Mê ngựa Thượng Tứ mê Nôm Thúy Kiều
Sở Kỵ mã thuộc binh chủng kỵ binh nằm ở phía Đông Nam thành nội thuộc phường Ninh Mật về sau dời về phía sau cửa Hòa Bình (gần sân bay Tây Lộc cũ). Tàu ngựa, tàu voi đóng gần kề nhau. Từ đó ở Huế có câu: Voi trong cơ, ngựa thượng tứ.
Trạm kinh là dịch trạm tại Kinh đô. Năm Gia Long thứ 3, 1804 theo quy định mỗi trạm trên thiên lý lộ xuôi ngược đường Nam - Bắc đi các doanh, trấn để đưa tin. Đầu thời Minh Mạng đặt chức Dịch thừa, dịch mục ở mỗi trạm và cấp cho 3 con ngựa. Nhiệm vụ của ngựa trạm và phu trạm là đưa tin theo điều lệ quy định gọi là phát đệ, như sau:
1. Phi đệ
2. Tối khẩn
3. Thứ khẩn
4. Thường khẩn
Và về sau lại thêm thượng khẩn, gia khẩn.
Vì vậy trong dân gian có câu "Chạy như chạy ngựa trạm". Trong từ dịch 驛 có từ mã 馬, hội ý từ "tứ" 四 là bốn và từ "hạnh" 幸 là tốt.
Mỗi cỗ ngựa gồm có bốn con, binh lực hùng mạnh tính theo số đầu voi ngựa có được. Ngày xưa mua voi ngựa, tuyển quân là chuẩn bị cho chiến tranh. Ngựa tốt là ngựa ở Tây Bắc, ngựa dùng để chuyên chở là ngựa ở Đông Nam. (Trong công nghiệp du lịch, ngày nay, ước gì sớm phục hồi những cỗ xe ngựa để đưa đón khách du lịch đến Huế tham quan vùng lăng tẩm và chùa chiền ở khu vực đồi núi bên ngoài nội thành và nhanh chóng sửa chữa khu nghỉ mát Bạch Mã ở Phú Lộc).
Hình ảnh ngựa trên Cửu đỉnh |
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, hình ảnh ngựa được chạm vào Anh đỉnh trong hệ thống Cửu đỉnh ở Đại Nội trước Thế Miếu.
Ngày nay trên chính trường quốc tế hoặc quốc nội của các nước trên thế giới một khi phải thay đổi nhân sự cho phù hợp với thực tiễn tình hình mới, người ta quen dùng danh từ "đổi ngựa".
Năm 1933, Bảo Đại hồi loan, thay đổi nội các mà thực chất là đổi ngựa mà người Huế quen gọi là chính biến 2-5-1933.
Nhà nho Võ Thái đã tế sống năm cụ bằng bài văn tế đọc lên rất sảng khoái về cái cảnh đổi ngựa không do Bảo Đại quyết định mà do bàn tay lông lá của thực dân Pháp:
Ôi thôi thôi! Sĩ chỉ tùy thời, hành tàng tùy ngộ, vua đã tha mà Pháp chẳng tha, ta không phụ sao người nỡ phụ.
Ý nghĩa biểu tượng của ngựa trong văn học thật phong phú và thâm hậu. Sử ký của Tư mã thiên gọi là Mã sử, sách xem tướng ngựa của Bá Nhạc gọi Tướng Mã Kinh. Lê Quí Đôn viết sách VÂN ĐÀI LOẠI NGỮ xong năm Quý Tỵ, 1773, trước đó 3 năm khi ông giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ năm 1776 ở Thuận Hóa có đoạn ghi về cách xem tướng ngựa:
"Ngựa tốt, cần được đầu to, vuông; mắt sáng, xương sống cứng; bụng thon, bốn chân dài; quầng mắt cao, mũi to; đầu mũi có chữ vương (王); tròng mầu đỏ; ống xương chậu tròn, dài, tai gần nhau, mà vểnh về đằng trước, vai nhỏ mà dày.
Phép xem tướng ngựa, phải kiêng trước hết là tam luy và ngũ nô; rồi hãy xem các bộ phận khác. Cổ to đầu nhỏ là nhất luy; xương sống yếu, bụng to, là nhị luy; đùi nhỏ mông to là tam luy.
Đầu to, tai cúp, là nhất nô; cổ dài, không vạy là nhị nô; nửa trên ngắn, nửa dưới dài là tam nô; chân to mà sườn ngắn, là tứ nô; tròng hõm, mà vế mỏng là ngũ nô"(4).
Và chính ông đưa ra lời bình khá sâu sắc:
"Chế độ xưa, quân đội do ở dân gian, người nào cũng phải tự túc, sắm lấy ngựa, cho nên xem ngựa sành như thế".
Có lẽ ngày nay chẳng khác xưa bao nhiêu, mỗi khi "đổi ngựa" tưởng cần xem xét, kiểm tra, phúc tra kỹ lưỡng để thấu rõ bản lai diện mục mới may gặp ngựa gấm khỏi lầm ngựa dổm vì rằng biết người đã khó mà dùng người lại khó hơn, như người xưa đã dạy, chớ không thì ngựa dễ theo đường cũ trở thành ngựa đứt cương, ngựa hoang, ngựa chứng thì nguy to.
Ngày xưa Mạnh Tử khẳng khái nói: "Vua xem bầy tôi như trâu ngựa thì bầy tôi xem vua như cừu địch". Trong bang giao quốc tế cũng thế, Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã viết:
"Cảnh Hưng, Canh Ngọ năm thứ 11 tháng 8 (1750)(5) Thuận Hóa sắp đánh Cao-Mên, sai lễ bộ Nguyễn Đăng Thịnh làm thư gởi cho Vua nước Xiêm-La rằng: "Nước tôi với nước ngài kết tình giao bản từ lâu rồi, không phải như thói ngựa trâu mà không gần nhau được"(6).
Long Mã trang trí trên cổng vào lăng mộ vua Tự Đức |
Trong mọi lãnh vực quân sự, văn hóa, chính trị, xã hội điều cấm kỵ nhất là do thiếu suy tính lợi hại mà quên mất đã sa vào đường cụt, và chỗ tắc tỵ, gieo nên bao nhiêu ách tắc. Người xưa đã nói ngựa phi chắc có hồi quay cổ. Câu nói có lời rẻ mà nghĩa lý sâu sắc, thâm trầm.
Không những người cần có đức mà ngựa cũng cần phải có đức. Đức độ sâu dày thắng bước tất cả mọi thủ đoạn, mưu đồ đen tối của đối phương.
Đức của con ngựa là ở tính khí và công dụng của nó. Ngựa rất chung thủy với chủ, thông minh, tinh ý và nhất là biết chịu đựng gian khổ theo chủ cho đến cuối đời. Vì vậy mà dưới mộ của thủ tướng bao giờ cũng có mộ của lính hầu, mộ của ngựa, cho đến nỗi người đã chết cũng thích đắp được nấm mộ kiểu vành ngựa.
Sách Ô Châu cận lục nói "An Mã tiêm cao, trực quải kỷ tằng chi Hán" có nghĩa là núi An Mã cao mà nhọn, treo thẳng lên sông Giang - Hán mấy từng".
Đại Nam nhất thống chí đã mô tả hình tượng của núi Mã An ở Quảng Bình như sau:
... "Ở phía nam huyện 20 dặm, khi đi vòng quanh uyển chuyển, ở giữa có hòn cao hơn, lưng núi ấy lõm xuống, trống như yên ngựa nên gọi tên ấy, 2 bên tả hữu có dãy núi bám theo hoặc đứt đoạn, hoặc tiếp tục thiên hình vạn trạng, hoặc như ngựa ký đi thong thả, hoặc như ngựa tuấn chạy bôn ba, ngọn núi tối cao đứng đồ sộ, trông có muôn ngàn tinh thần khí tượng thiên nhiên"(7)
Người Việt rất nhân nghĩa, đánh người trên ngựa chớ không nỡ đánh người ngã ngựa.
Huế là trung tâm Phật giáo lớn nhất của đất Thuận Hóa, có thể nói Huế là thủ đô Phật giáo vì nơi đây đã tiếp thu hai nguồn Tiểu Thừa và Đại Thừa Phật giáo và có rất nhiều ngôi chùa cổ kính, nhiều Tổ đình đã đào tạo nên nhiều danh tăng.
Năm Mậu Ngọ 1558, Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Thuận Hóa. Năm Giáp Ngọ 1774, đời vua Dụ Tôn, chúa Nguyễn Phúc Chu ở vườn Cô Gia tại chùa Thiên Mụ hơn một tháng. Chúa sai người đem vàng sang phủ Chiết Giang Trung Quốc thỉnh Đại Tạng Kinh.
Ngựa của HS Hàn Cán thời Đường - Ảnh tư liệu của Huỳnh Hữu Ủy |
Trong thiền học, người ta thường nhắc đến hình ảnh của con ngựa siêu việt, truy phong lướt gió: Con ngựa hay chỉ thấy bóng roi là chạy đúng đường. Con ngựa quí của thái tử Tất Đạt Đa băng qua giòng A-nô-ma trên đường tìm đạo không những đã khắc sâu trong tâm tưởng của tín đồ Phật giáo mà còn được chạm nổi lên phía tiền đường cùng với hình ảnh Bồ tát Mã Minh, ở các chùa chiền của xứ chùa chiền.
Câu nói: "Ngựa trắng, không phải là ngựa" của Công Tôn Long, biết đâu không những là một kiểu lý luận ngụy biện mà còn là một công án đáng cho ta suy gẫm.
Từ khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, người dân Thuận Hóa lại được tiếp thu thêm những hình ảnh ngựa quý của châu Âu. Năm 1789 - thế giới có hai sự kiện trọng đại: phương Đông Quang Trung Nguyễn Huệ ngồi trên mình voi tốc chiến chiếm Thăng Long! đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, Tôn Sĩ Nghị không kịp mang theo ấn tín, phất ngựa tàu cau chạy trốn về Tàu; phương Tây Napoléon đệ nhất chiến thắng cả châu Âu nhờ có con ngựa cái trắng đưa chủ lên thành thiên tài quân sự. Ngựa trắng của vua Henri đệ tứ (1590 - 1610) là bạch mã thuyết mao đã gợi lên một hình ảnh về thần Bạch Mã xa xưa...
Lịch sử nhân loại còn truyền tụng cho đến bây giờ truyện "con ngựa thành Troie". Mới hay "con ngựa thành Troie Việt Nam" xuất hiện khi Nguyễn Nhạc (nhà Tây Sơn) dùng lại kế đó để chiếm thành Bình Định một cách dễ dàng.
Đất Thuận Hóa nằm giữa hai đèo chắn ngang ra bể tạo nên dáng uy nghi, đứng trên núi cao chế ngự cả biển cả Thái Bình Dương mênh mông bát ngát. Ngựa chạy không những trên bộ mà còn phi dưới nước. Trần Bích San đã mô tả cảnh đèo Hải Vân năm 1875 như sau:
Hứa đạo Tần quan chinh lộ hiển
Mã đầu hoa tận đới yên khai.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương dịch:
Đầu ngựa rừng hoa chen khói nổ,
Cười ai khen hiểm lối sang Tần.
Và Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn (1900 - 1947) lại thấy hình ngựa trên sóng biển mới lạ!
Ngựa bể đua chen dàn trận sóng,
Cờ non phất phới kéo hàng mây.
Trận thủy chiến ấy, phải chăng là trận thủy chiến do Trần Khắc Chung cứu Huyền Trân công chúa năm Bính Ngọ, 1306 khỏi lên giàn hỏa thiêu theo tục lệ làm dâu ở đất Chàm.
Truyện ngựa trên đất Thuận Hóa xưa nay còn lắm trò, lắm chuyện, kể sao cho hết. Dân Thừa Thiên-Huế ngày nay còn nhắc đến các thành ngữ, tục ngữ, truyện cổ liên quan đến ngựa một cách thâm trầm như Tái ông thất mã, Thượng độc mã, Trà mã, sao Hy Mã (Pégasse), Sông Mã, Hiệu úy tư mã, Đại tư mã, Phật mã, mã chược, thượng mã phong, cờ ngựa, cá ngựa, lên voi xuống ngựa, đầu trâu mặt ngựa, bóp dái ngựa, thẳng ruột ngựa, ngựa gỗ, cao ngựa bạch, thịt ngựa, té ngựa, án xe ngựa, lý ngựa ô, ngựa ô, ngựa hí, thả thơ ngựa trêu vua, vành móng ngựa...
Tháng ngày trôi nhanh, đã bao giòng nước chảy qua cầu Phú Xuân khiến cho đời người thu lại ngắn chẳng khác nào bóng câu qua cửa sổ sính với vũ trụ mênh mang và miên viễn:
Phấn son tài tuấn phong xa mã,
Cung nữ duyên tà xế ngựa câu.
(Phan Văn Dật)
Nhưng có thức lâu mới biết đêm dài vì rằng trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm. Đốt lửa lên để tận hưởng cho trọn ngày đầu Xuân vì Xuân bất tái lai. Xuân Canh Ngọ, 1990 lại trở về theo vòng quay của trái đất, giữa lúc đất trời đang ở trong tiết Lập Xuân chuyển mình đổi mới. Có già đi trước năm tháng thì chúc hồi xuân trở lại cho sung sức để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, không phụ với ân đức cao dày của Tổ tiên con Rồng cháu Lạc.
Năm Canh Ngọ 1990 phải là năm Ngựa hóa rồng như hình tượng con LONG MÃ ở trường Quốc Học Huế. Bình phong Long Mã được dựng lên gần một thế kỷ và Bác Hồ yêu quý của chúng ta đã từ ngôi trường lịch sử này, năm 1908 đấu tranh chống thuế trước Tòa khâm Huế và năm 1911 đã đi tìm đường cứu nước. Đất trời Thuận Hóa xưa, Thừa Thiên-Huế nay và cả đất trời Việt Nam vững một niềm tin:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
dịch là:
Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
Non sông ngàn thuở vững âu vàng(8).
Huế, 29-12-1989
L.Q.T
(TCSH40/01-1990)
-----------------------
(1) Hãn mã: mồ hôi ngựa, ý chí sự nghiệp của các bậc công thần.
(2) Nguyễn Mạnh Bảo, Dịch kinh tân khảo, Sen vàng, Sài gòn, 1958 tr.41
(3) Đại Nam nhất thống chí, tập số 12, 1962, Sài gòn, tr.91.
(4) Lê Quí Đôn, Vân Đài Loại ngữ, Phạm Vũ Lê Hiền dịch và chú giải, nhà XB miền Nam 1973, tr. 520.
(5) Người viết ghi rõ năm 1750.
(6) Lê Quí Đôn Phủ biên tạp lục, nxb Khoa học xã hội Hà Nội, 1977, tr. 271.
(7) Đại Nam nhất thống chí, tập 9, 1961, Sàigòn, tr. 111.
(8) Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược Tân Việt, in lần thứ 6, Sàigòn, 1958, tr. 155.