Nghiên Cứu & Bình Luận
Giới hạn thân phận con người và motif tự tử trong truyện Nôm bác học
10:04 | 27/12/2016

NGUYỄN QUANG HUY

Truyện Nôm bác học đã và đang được quan tâm soi chiếu từ nhiều hướng, nhiều phương pháp. Trong quá trình quan sát và khảo tả, phân tích đối tượng này, chúng tôi thấy có sự lặp lại đáng chú ý hiện tượng thân phận con người.

Giới hạn thân phận con người và motif tự tử trong truyện Nôm bác học
"Trông vời con nước mênh mông/ Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang" - Tranh lụa Kiều của họa sỹ Ngọc Mai - Ảnh: internet

Đó là sự phơi mở hai trung tâm nhận thức đặc biệt về thế giới sống: thân và tâm. Có cảm giác như các nhân vật bộc lộ hết những nếm trải của nó theo một cách rất đặc biệt để hướng về khẳng định và thể hiện những khát vọng nhân văn. Tuy thế, họ luôn luôn bị giăng bẫy bởi những giới hạn nhất định - những giới hạn thân phận. Có điều lạ lùng là các nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ, lại hướng đến cái chết. Ở bề mặt, có thể coi đó là sự tỏ lòng hoặc sự chống cự giới hạn khắt khe oan nghiệt mà cuộc đời dành cho họ. Nhưng ở chiều sâu, điều này cần được nhìn nhận theo cách khác. Đó là hướng nhìn từ khía cạnh tâm thức tham dự, bối cảnh xã hội tổng thể và tâm lí các chiều sâu. Bài viết này, thông qua việc quan sát các kết quả của các nhà nghiên cứu, phê bình đi trước, như L. Bruhl [3], Nguyễn Lộc [18], Phan Ngọc [19], Trần Đình Sử [22], chúng tôi muốn hướng đến cách lí giải riêng về vấn đề nhiều thú vị này.

1. Giới hạn thử thách thân phận trong truyện Nôm bác học

Thử thách là một motif phổ biến trong các thần thoại và thế giới cổ tích. Thử thách để chứng minh những phẩm tính về sức mạnh, về ý chí, tình cảm của con người trước thế giới và xã hội. Vượt qua thử thách cũng là tiêu chuẩn để đứng đầu trong các anh hùng bộ lạc nguyên thủy. Thử thách càng nặng nề thì thành quả đạt được càng có giá trị. Thử thách trong nhiều trường hợp còn có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng hoặc phải hi sinh tính mạng để chứng minh những năng lực nội tâm, những phẩm giá của cá nhân. Sự thử thách trong những trường hợp này có ý nghĩa như một quá trình “thanh lọc” để hướng đến một thế giới khác cao đẹp hơn, thế giới của lí tưởng. Hình tượng Đam Săn chinh phục nữ thần mặt trời, Sơn Tinh chinh phục Thủy Tinh, Thạch Sanh giết Chằn tinh, v.v. là những kiểu thử thách. Tính chất thử thách biểu hiện tập trung trong các truyện Nôm bác học, hướng đến một thế giới lí tưởng.

Các nhân vật trong truyện Nôm bác học luôn được đặt trong các giới hạn, các hoàn cảnh thử thách khác nhau - các motif thử thách. Các thử thách này luôn đa dạng và chồng lấn lên nhau, từ những giới hạn của bản thân: phận, hoàn cảnh cá nhân, mơ ước, ý chí của cá nhân đến những giới hạn ngoài cá nhân: các lực lượng xã hội, các lực lượng tự nhiên thần bí (quấy rối, phá hoại hoặc giúp sức cho cá nhân đó). Phía trước, trên là đích hướng tới: thế giới lí tưởng mà con người nhất thiết phải đạt được trong phận vị xã hội hoặc trong sự thực hành nội tâm của mỗi cá thể. Sự sáng tạo, tưởng tượng nghệ thuật đặt một cái đích trong sáng, cao cả, viên mãn, lạc quan huy hoàng. Đó là hành trình và dự ước cho các thân phận. Mỗi một hành trình có thể khác nhau về tiểu tiết, vì mỗi tình tiết, lai lịch nhân vật có sự khác nhau nhưng đích hướng tới thì không thay đổi - hướng đến sự hài hòa, có hậu.

Trong quá trình khảo tả các tác phẩm truyện Nôm bác học, chúng tôi thấy có sự xuất hiện hàng loạt tình huống thử thách xẩy đến với các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính. Có thể hình dung điều này trong một vòng giới hạn qua đồ hình sau:

Vòng giới hạn thân phận con người trong truyện Nôm bác học


Có thể chia sự thử thách này trên hai phương diện: 1/ thử thách bên ngoài (nghiêng về hành động) và 2/ thử thách bên trong (nghiêng về nội giới). Theo đó các truyện Nôm bác học như Hoa Tiên (HT) - Nguyễn Huy Tự, Song Tinh (ST) - Nguyễn Hữu Hào, Đoạn trường tân thanh (ĐTTT) - Nguyễn Du, Sơ Kính Tân Trang (SKTT) - Phạm Thái nghiêng về phương diện thứ hai. Lục Vân Tiên (LVT) - Nguyễn Đình Chiểu nghiêng về các kiểu hành động chinh phục.

Theo đồ hình trên các nhân vật chính luôn có một khởi điểm nào đó, được giới hạn: về lai lịch xuất thân, về tài năng, về phận vị xã hội, về bối cảnh lịch sử (yên bình hay sóng gió), v.v. Ví dụ, nhân vật Thúy Kiều trong ĐTTT (Nguyễn Du) sinh trong “gia tư thường thường bậc trung”, bối cảnh lịch sử xã hội “phẳng lặng”, và “tài sắc hơn người”. Nhân vật Lục Vân Tiên trong LVT (Nguyễn Đình Chiểu) sinh trong gia đình thôn dân, trong bối cảnh “lập thân”, là “con hiền”, văn võ song toàn: Văn đà khởi phụng đằng giao/ Võ thêm ba lược sáu thao ai bì (LVT, c. 13-14), mang trong mình lí tưởng nhân nghĩa: Làm trai trong cõi người ta/ Trước lo bào bổ sau là hiển vang (LVT, c. 23-24). Đó là điểm khởi đầu. Nhân vật được đặt trong một tình thế báo trước về những tương lai phía trước qua điềm báo, báo mộng. Các nhân vật luôn vướng mắc bởi một hoặc nhiều yếu tố trong vòng lưới cuộc đời khi bước ra khỏi ngôi nhà của mình - xã hội. Khi bước ra xã hội, ý thức về “thân” và “phận” được phát triển theo một bước mới. Đó là “một thân”, “một mình” đối diện với vô vàn khắc nghiệt của cuộc sống bên ngoài, là các nhân vật bị “quăng ném” vào xã hội như Nguyễn Du gọi là “cuộc bể dâu”. “Thân” của Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, Phạm Kim,... là những cuộc lìa bỏ với chính khung cảnh yên ấm trước đó (mái nhà, quê hương, cái của mình) để bước vào một thế giới nhiều xa lạ, nơi đất khách, phải “bôn tẩu”, lữ thứ nơi “cõi khác”. Không những thế, các thế lực xấu trong xã hội luôn luôn “đồng hành” cùng các nhân vật chính, ví dụ: Hách Nhược, Diêu Doãn trong quan hệ với Song Tinh trong ST; thằng bán tơ, Sở Khanh, Tú Bà, Hồ Tôn Hiến, v.v. trong quan hệ với Thúy Kiều trong ĐTTT; Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Võ Thể Loan, v.v. trong quan hệ với Lục Vân Tiên - LVT,... Những lực cản này chính là những bóng âm trong lí thuyết tâm lí các chiều sâu của C. G. Jung.

Trong các truyện Nôm bác học, chúng ta sẽ nhận thấy một sự thâm nhập đặc biệt của nhiều yếu tố, như đồ hình dưới đây:

Các thế giới biểu tượng khiêu khích và đồng hành


Trong đồ hình trên chúng tôi có tham khảo những nhận định và tổng hợp của Tạ Đức, phần văn hóa Sở, văn hóa Bách Việt và văn hóa Việt Nam [8]. Mĩ học trung đại trong cái nhìn nhị nguyên đã chọn cho mình một mô thức ổn định, đó là sự phân ra rành rẽ hai tuyến nhân vật thiện và ác theo một tuyến tính, một chiều. Tuy thế, một cái nhìn tĩnh như vậy về phẩm chất con người đã khiến nhiều cách “đọc” văn bản trung đại về cá tính nhân vật trở nên không hợp lí. Trong mỗi cá nhân luôn bao gộp những hình thức đậm nhạt khác nhau những yếu tố thiện và ác. Thiện trong tương quan này và có thể ác trong một tương quan khác. Vì thế bóng âm là một cách tốt để định danh trong mỗi sự vật có tính chất hai mặt khi nhìn tương quan của chúng. Như vậy, đây là mô thức tượng trưng về cá nhân và xã hội xẩy ra trong tâm giới mỗi nhân vật. Các nhân vật trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cá nhân, danh vọng để khẳng định bản ngã của mình luôn bị những lực cản, những cấm chỉ. Họ chỉ đạt được điều đó với sự trợ sức của/ từ một thế lực khác, những vị tiên tri, thầy bói, đạo sư, tiên, Phật, v.v. Cách hình dung như vậy, các truyện Nôm bác học mang một thế giới quan thấm đẫm màu sắc của cộng đồng, của cái nhìn từ vô thức tập thể của cư dân định cư và canh tác thảo mộc.

2. Giới hạn tự tử trong truyện Nôm bác học

Như trong các đồ hình 1 2 ở trên, chúng tôi đã mô hình hóa con đường hướng tới lí tưởng của các nhân vật trong truyện Nôm bác học: hướng tới nhân cách lí tưởng, cuộc sống lí tưởng, mẫu hình lí tưởng, v.v. Các nhân vật, đặc biệt là các nhân vật chính luôn có xu hướng đòi buộc cuộc sống phải khác đi, nghĩa là muốn hoàn cảnh tuân theo những sở đắc (tài và tình) của mình. Nhưng cũng chính những sở đắc đó lại tạo nên những rào cản lớn trong hành trình cuộc đời của các thân phận.

Qua khảo sát các truyện Nôm bác học, chúng tôi thấy có một điều kì lạ là hầu hết các nhân vật (thường được giới nghiên cứu đánh giá là các nhân vật tích cực, theo tuyến thiện) đều mang trong mình ý niệm tự tử và các nhân vật trung tâm đều thực hiện hành vi tự tử (chủ yếu là motif chết (tự trầm) trên sông và được ông chài cứu). Nàng Nhụy Châu (ST) nhảy xuống sông để chết (Oan chi nỡ phụ nửa đời hồng nhan/ Thốt thôi gieo xuống suối vàng/ Đã liều làm khách chơi miền thủy cung - ST, c.1526-1528). Nàng Ngọc Khanh (HT) nhảy sông tự trầm khi bị phủ Lưu bức hôn (Vườn sau rón mở then hoa/ Bắt chừng sông cái ruổi pha một mình/ Khóc than vời vợi cuối ghềnh/ Xổ lòng với nước bày tình với trăng/ Sóng tuôn cuồn cuộn nghìn tầng/ Quyết liều gieo hẳn ghê chăng tiết nàng - [12]). Trong bản nhuận sắc Hoa tiên của Nguyễn Thiện diễn tả điều này trau chuốt hơn: “Trông vời trời bể mênh mang/ Đem thân băng tuyết gửi hàm giao long/ Bất tình chi bấy hóa công/ Cho người lấy mảnh má hồng làm chi/ Người hạnh nghĩa khách dung nhi/ Làm cho trâm gãy hương lìa mới thôi”. Trong SKTT (Phạm Thái), nàng Quỳnh Thư không chịu ép duyên, muốn chung thủy, vẹn đạo với Phạm Kim, cũng tự tử: “Nói thôi phong gấm phô chiền/ Ngũ hoa một chén, cửu tuyền nghìn thu/ Ngán thay nhẽ! Áng diêm phù/ Kiếp sinh tử mặc đông lưu một dòng”. Nhân vật Thúy Kiều trong truyện Nôm ĐTTT (Nguyễn Du) ba lần có ý định tự tử và một trong số đó là nhảy sông Tiền Đường để kết liễu kiếp trần ai nhiều đau đớn tủi cực (lần một, “cầm dao nàng đã tuôn bài quyên sinh” khi bị Mã Giám Sinh lừa đến bẽ bàng, không biết thương ngọc, tiếc hương; lần hai, khi gặp Tú Bà, nàng định “một dao oan nghiệt dứt dây phong trần”; và Kiều tự trầm: “Giết chồng mà lại lấy chồng/ Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời/ Thôi thì một thác cho rồi/ Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông/ Trông vời con nước mênh mông/ Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang” (ĐTTT, c. 2631-2636).

Kiều Nguyệt Nga (Lục Vân Tiên), bị cống giặc Ô qua cũng nhảy sông, bỏ qua lệnh trên để giữ danh tiết mình, vẹn đạo với nhà họ Lục: “Vắng người có bóng trăng thanh/ Trăm năm xin gửi chút tình lại đây/ Vân Tiên anh hỡi có hay/ Thiếp nguyền một tấm lòng ngay với chàng/ Than rồi lấy tượng vai mang/ Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay”.

Ngay cả Vương ông (ĐTTT) cũng “liều mình ông đã gieo đầu tường vôi”; Phạm Kim (SKTT) cũng chán ngán kiếp sống hiện tại của mình; Tú Uyên (Bích Câu kì ngộ) cũng quyên sinh, được Giáng Kiều cứu kịp: “Giải là dũ sẵn bên mình/ Cũng liều trắng nợ phong tình thử xem”.

Như vậy, giới hạn thân phận con người trong truyện Nôm bác học đưa đến một hoàn cảnh sống rất ngột ngạt, nhiều trói buộc bởi những kẻ hãm hại, những tính cách nhỏ nhen luôn tham dự và đẩy con người tài, tình vào chốn long đong dang dở. Cái chết trên sông, hay tự trầm, quyên sinh, tự tử,... của các nhân vật chính trong truyện Nôm bác học là một motif phổ biến, một lựa chọn có tính cách chung.

Có nhiều cách giải thích về những quyết định này. Phan Ngọc xem đây là những thử thách của kẻ tài năng, là những điểm cao trào của kịch tính, phải đưa nhân vật vào những tình huống thê thảm của cuộc đời thì mới tỏ lộ hết giá trị của nó [19]. Trần Đình Sử [22] xem đây là những cách “tỏ lòng”, vì hành động của nhân vật là những tượng trưng, bản thân hành động trong các truyện Nôm nói chung và truyện Nôm bác học nói riêng chỉ là cái cớ để họ thể hiện thế giới tâm của mình. Trong các truyện Nôm chúng ta xét, có một sự vướng mắc lớn mà các nhân vật thể hiện, khi đối diện với cuộc đời. Một chủ âm lớn vẫn réo rắt kêu gọi từ Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm kéo dài trong văn học Việt Nam hậu kì trung đại là tiếng nói của thân và tâm, đòi hỏi sự “tương ứng”, “tương cầu” về cộng thông giá trị của nó. Người cung nữ (Cung oán ngâm), Kiều (ĐTTT), là những kẻ tài năng, đòi hỏi sự liên tài, tìm kiếm kẻ biết trọng giá trị, đặc biệt là giá trị tinh thần. Riêng khát vọng tri âm của Kiều phần nào được đền đáp khi gặp Từ Hải, nhưng điều đó tồn tại hết sức ngắn ngủi. Ở phía khác, cấu trúc chung của những trường hợp tự tử này là không giải quyết được mối xung đột giữa bộ ba: tình - hiếu - thân. Một mặt, các nhân vật chọn hi sinh thân (Đau lòng tử biệt sinh li/ thân còn chẳng tiếc tiếc gì đến duyên - ĐTTT), hoặc vì “lòng” mà hi sinh (Gọi là một chút bố kinh/ Nợ lòng phải trả đến mình mới xong - HT). “Mình” ở đây cũng là thân (thể xác). Nghĩa là có thể họ vì hiếu hoặc vì tình mà hủy bỏ cơ thể mình, gửi xác vào sông nước, trăng, trời để vẹn tình vẹn hiếu, vẹn danh phẩm. Hoặc là chọn cái xứng đáng hoặc không là gì cả. Có thể xem đây là động thái của bổn phận. Mặt khác, họ cũng ý thức được thân trong đục, thân vinh nhục, thân sống có được xứng đáng với phẩm tính sống của con người hay không: “Những là oan khổ lưu ly/ Chờ cho hết kiếp còn gì là thân” (ĐTTT). Ý thức về thân như vậy là bước ngoặt mới của chủ nghĩa nhân văn (vì trước đó chỉ chú ý tới phần hồn, chí mà quên mất thân, xác) trong văn học, cụ thể ở đây là truyện Nôm bác học. Đó là thân vùng vẫy để thoát khỏi số mệnh, thoát khỏi những trớ trêu của ông xanh, tạo hóa vốn lắm trò trêu ngươi.

Một nỗ lực khác từ ý thức nhân văn mang tính cộng đồng trung đại là làm hồi sinh, cứu vớt các nhân vật gieo mình xuống sông này. Họ được ông chài cứu sống và giúp họ đi tiếp đoạn đời còn lại, thường là trong sự sum vầy, được báo đáp về hành vi đầy nghĩa khí kia. Ý thức này mang tính chất của cổ mẫu, từ huyền thoại, cổ tích; nó làm thỏa mãn tâm lí tập thể khi nhìn và gửi mong muốn của họ trong quan niệm nhân sinh của mình.

Một điều đáng lưu ý, chúng tôi muốn qua motif tự tử này, đề cập một chuyện khác. Rõ ràng về cái chết, tự trầm hay quyên sinh được nhiều nhà nghiên cứu có uy tín học thuật về văn hóa - văn học trung đại Việt Nam quan tâm, như trong giáo trình Văn học Việt Nam - nửa cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX của nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc, chuyên luận Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử hay trong Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của nhà nghiên cứu Phan Ngọc. Họ xem motif tự tử như một nỗ lực vượt ra khỏi hoàn cảnh tăm tối, ngột ngạt của “thế lực phong kiến”. Văn chương ảnh hưởng từ hiện thực và lấy cảm hứng từ hiện thực là một thực tế không ai chối cãi. Nhưng ảnh hưởng tới mức độ nào lại là một chuyện rất khác, đặc biệt, trong văn học Việt Nam trung đại, yếu tố hiện thực, cái thực, khuynh hướng hiện thực và chủ nghĩa hiện thực còn phải bàn cãi (tranh luận) nhiều, như nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã chỉ ra [16]. Tuy vậy, trong trường lí thuyết (phương pháp) mà chúng tôi vận dụng, có một liên tưởng khác. Nếu chúng ta để ý sẽ thấy một sự hiển nhiên, rằng các nhân vật sau khi tự tử, mọi chuyện diễn ra rất khác, khác đến mức dường như họ đánh mất đi tính chất lịch sử của mình. Sự khác biệt này giống như nghệ thuật luyện đan, một trò quỷ thuật, mọi xung đột, mọi đau đớn đắng cay tủi nhục đều mất hết, đều “trắng nợ”. Các nhân vật, như chúng tôi đề cập ở trên, đều có những “viên mãn” “hài hòa” nhất định nào đó. Nếu theo cái nhìn của chủ nghĩa hiện thực sẽ không có chuyện như vậy. Nó ở một phía khác, ở tính chất là những mô thức tượng trưng, mang nhiều nét mà dân tộc học tiền hiện đại chỉ ra. Truyện Nôm bác học là một hiện tượng đặc biệt về văn hóa văn học, tư tưởng nhân văn dân tộc. Với chúng tôi, cần thiết phải đặt nó trong mối tương liên cội rễ với những di sản văn học trước đó, trong các liên hệ với thần thoại và cổ tích (về mặt chất liệu), liên hệ với tâm thức cộng đồng, những “di chỉ” của tộc loại vốn như những phần căn cước tâm hồn Việt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xem xét cấu trúc nghệ thuật truyện Nôm bác học từ các mô thức tượng trưng, các cấu trúc huyễn tưởng và mơ mộng. Nó không chỉ là phần riêng của cá nhân, của dấu ấn riêng (dấu ấn bác học), nói đúng hơn, đó là sự kết hợp, sự hoài vọng chung của cả cộng đồng trong những thời đại đặc định nào đó mà cá nhân đó, cộng đồng đó kiến tạo nên và thụ hưởng, tỏ bày. Cũng do đó, mỗi một biểu hiện trong thế giới nghệ thuật truyện Nôm bác học, xét từ góc nhìn này đều là những liên hệ với truyền thống, mang trong mình nó những dự ước chung mà các thân phận hướng tới. Truyện Nôm bác học trình ra một thế giới thực tại nhiều biểu trưng. Dù chúng có mượn cốt truyện từ các ca bản, các tiểu thuyết thông tục Trung Hoa hay được sáng tác nhưng rõ ràng là luôn mang dấu ấn cá nhân, dấu ấn tư tưởng riêng, thể hiện ở chỗ trong rất nhiều yếu tố, nhiều tình tiết được lựa chọn hay lược bỏ, được tô đậm thay vì rất nhiều cốt truyện, tình tiết khác. Con người thời đại nào đó, đặc biệt là thời trung đại là những con người đại diện, là những mẫu hình chung. Riêng ở trường hợp Thúy Kiều (ĐTTT) có tính đặc biệt hơn. Ở đây, Phạm Quý Thích khi đề tựa cho ĐTTT, không hiểu ông vì cơn cớ gì, nhưng ông thắc mắc về chuyện Kiều nhảy sông Tiền Đường là nghiễm nhiên rửa sạch hết nợ trước, được đền bồi duyên sau là một thắc mắc có lí riêng. Trước và sau khi nhảy sông tự trầm, có hai nửa trái nghịch của một hình hài, một số phận: “Kiều từ gieo xuống duềnh ngân”, được mô tả khác hẳn cảm nhận đau đớn ê chề tủi nhục và nhiều lí trí sáng suốt trước đó. Nhảy sông xong, được vớt lên, Kiều ở trạng thái “nàng còn ngơ ngẩn biết sao; Giật mình thoắt tỉnh giấc mai/ Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn; Nạn xưa trút sạch làu làu”. Ngay cả không gian bốn bề cũng khác: “Bốn bề bát ngát mênh mông/ Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau”; tiếng đàn cũng khác, nàng gẩy “khúc đầm ấm”, “khúc êm ái”; trong con mắt Kim Trọng, tiếng đàn ấy khác xưa “Chàng rằng: Phổ ấy tay nào/ Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy” (chỗ in đậm là chúng tôi nhấn mạnh). Trần Đình Hượu cho rằng, đến đây, Kiều đã dứt tình và tài, hai thứ được coi là tai họa, làm vạ lây đến thân. Tiếng đàn này gẩy xong, nàng gác đàn không gẩy nữa. Đó là tiếng đàn mà Kiều đã tự thấy đã thoát khỏi duyên nghiệp, giành lại được phẩm giá. “Đó là tiếng đàn hóa sinh, tiếng đàn giải thoát không chỉ đầm ấm vui vầy mà mới mẻ tinh khôi” [16, tr 321] (Những chỗ in đậm do chúng tôi nhấn mạnh). Điều này dẫn đến những liên tưởng về những bước chuyển hóa đặc biệt trong cấu trúc tâm thức nghi lễ chuyển tiếp của vòng đời, trong đó, sự tham gia của các cổ mẫu như nước, lửa đưa đến sự thanh lọc, sự tẩy rửa trọn vẹn để con người bước qua một trạng thái mới của kiếp sống. Trong văn học Việt Nam hiện đại, có một hình tượng được khắc họa mang nhiều nét tương đồng, chúng tôi muốn nói đến trường hợp Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu, khi ông cũng “vẽ” nên và “hứa” cho thân phận cô gái dưới đáy xã hội lúc bấy giờ về một tương lai xán lạn ở “ngày mai”: “Răng không cô gái trên sông/ Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài/ Thơm như hương nhụy hoa lài/ Sạch như nước suối ban mai giữa rừng”. Do vậy, mô hình thực tại trong truyện Nôm bác học, khi chọn con đường giải quyết cho thân phận là một thực tại nghiêng về tượng trưng, trừu tượng, gắn với mô hình, mô thức hơn là cái thực mà trường nghĩa của thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực đặt ra và đề cập đến.

Như vậy, một vài ý thức đặc thù của giới bác học trong sự tạo tác các tác phẩm nghệ thuật nói chung và các truyện Nôm bác học nói riêng thường không chống lại được việc “khuôn” cho thân phận nhân vật của mình những ràng buộc có sẵn. Điều này có nhiều lí do. Thứ nhất, khái niệm sáng tạo với nghệ thuật trung đại tương đương với sự lặp lại, làm theo và noi gương. Thứ hai, thế giới nghệ thuật truyện Nôm bác học có nhiều yếu tố thế tục, nhiều yếu tố dân gian tham dự nhưng đã được bác học hóa, Nho hóa theo tư duy “sử”, “truyện” của mô hình Hoa hạ. Thứ ba, dù các tác giả có “cố ý” vẽ nên cho thân phận nghệ thuật của mình, cố kiến tạo nên các cấu trúc nghệ thuật những hạt nhân có vẻ “văn minh”, sang trọng, mang đậm màu sắc duy lí đi nữa thì con đường giải quyết cho vấn đề thân phận con người và các biểu hiện thẩm mĩ khác vẫn không hoàn toàn tuân thuộc với những gì mà “kinh viện” gợi dẫn. Hay đúng hơn, màu sắc cuộc sống bên ngoài, các yếu tố của truyền thống tâm thức vẫn choán chiếm một không gian văn bản khá lớn trong truyện Nôm bác học. Như vậy, nếu nhìn ở bề mặt, ta thấy một màu sắc quý phái thượng lưu của thế giới nghệ thuật (dấu ấn bác học hóa) như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những kiểu không gian quý tộc phong kiến xa hoa những hình ảnh tiểu thư quan lại, trường hợp nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc [18], nhà nghiên cứu Trần Đình Sử [23], những trải nghiệm đô thị v.v, nhưng ở những cấu trúc chìm, những biểu hiện ẩn giấu, là những thế giới mang những phẩm tính của cộng đồng như những biểu hiện của sự công bằng, sự hài hòa, trên thực tế, là sự thể hiện những ước mơ nhân bản, hướng về những hình mẫu văn hóa mang tính cộng đồng. Ở hướng nhìn này, cái chết của các nhân vật trong truyện Nôm bác học là một mô thức tượng trưng. Nó là một “lựa chọn” chung cho nhiều tác giả truyện Nôm bác học. Motif tự tử và cách giải quyết vấn đề thân phận, giới hạn thân phận chính là những chủ âm, hướng đến những nhận thức quan trọng về đối tượng tưởng chừng như đã đóng khung này.

N.Q.H  
(TCSH334/12-2016)


----------------------
[1]. Đào Duy Anh (1989), Từ điển Truyện Kiều, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2]. Benoist, L. (2006) (Hoàng Mai Anh dịch), Dấu hiệu, biểu trưng và thần thoại, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
[3]. Bruhl, L. (2008) (Ngô Bình Lâm dịch), Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thuỷ, Nxb Thế giới, Hà Nội.
[4]. Doãn Chính (2009) (biên soạn), Từ điển triết học Trung Quốc, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[5]. Nguyễn Đình Chiểu (1980) (nhóm tác giả dịch và chú giải), Toàn tập, tập 1, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
[6]. Dương Ngọc Dũng - Lê Anh Minh (2003), Triết giáo Đông Phương, Nxb. Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.
[7]. Durand, M. (1998), L’univers des “Truyện nôm”, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
[8]. Tạ Đức (2013), Nguồn gốc người Việt người Mường, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
[9]. Lâm Ngữ Đường (1994), Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
[10]. Gurevich, A. JA. (1998) (Hoàng Ngọc Hiến dịch), Các phạm trù văn hóa trung cổ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[11]. Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lí thuyết, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
[12]. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1998), Tuyển tập, tập III, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[13]. Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm - Lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, Nxb. Giáo dục. Hà Nội.
[14]. Haucourt, G. De. (2005) (Dương Linh dịch), Đời sống thời trung cổ, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
[15]. Nguyễn Quang Huy (2015) “Nghiên cứu truyện Nôm bác học trên chiều lịch đại - những cách tiếp cận và hướng đến đọc khác”, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 7 (32) 2015, tr48-58.
[16]. Trần Đình Hượu (2007), Tuyển tập, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[17]. Đặng Thanh Lê (1979), Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[18]. Nguyễn Lộc (2004), Văn học Việt Nam - Nửa cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX, Nxb. Giáo dục, H.
[19]. Phan Ngọc (2009), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb. Lao động, Hà Nội.
[20]. Lê Văn Quán (1993) (chủ biên), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 14A, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[21]. Lê Văn Quán (1993) (chủ biên), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 14B, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[22]. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[23]. Phạm Thái (1960) (Lại Ngọc Cang khảo thích và giới thiệu), Sơ kính tân trang, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
[24]. Trần Ngọc Vương (2007), Văn học Việt Nam thế kỉ X-XIX, những vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng