Nghiên Cứu & Bình Luận
Nửa thế kỷ suối trinh nguyên hư ảo
09:27 | 30/01/2018

LÊ TỪ HIỂN

1. Ngôi sao mai lạc nẻo mưa giăng

Nửa thế kỷ suối trinh nguyên hư ảo
Nhà thơ Đinh Hùng - Ảnh: internet

Nhập thân văn học tiền chiến từ những năm 40, hòa vào dòng chảy phong trào Thơ mới, chẳng chịu khuôn vào mực thước, cùng ra tuyên ngôn trường phái Tượng trưng, Hành phương Nam cất giọng Tao Đàn, và tuôn trào nguồn mạch ấy từ 1954 theo khuynh hướng tự do tư tưởng tự hòa giải đã có mầm mống từ Khi mới lớn - Xa vở bài, mở rộng sách Ham Mê... với những tập thơ Đốt lò hương cũ, Mê hồn ca, Đường vào tình sử, Tiếng ca bộ lạc. Dòng chảy cuộc đời - dòng chảy thi ca, từ một ngày Thu ly biệt năm nào đến nay - giữa giọt mưa lành cuối Đông, nửa thế kỷ trút hơi thở cuối cùng hóa thinh không, một Đinh Hùng (1920 - 1967) tài hoa phận bạc... ngôi sao mai lạc nẻo cuối trời quên.



Vượt lên cái hấp dẫn quen thuộc giàu vần điệu của Thi giới Thơ mới được tô điểm những tình mộng đẹp buồn trong thời đại chữ Tôi mới mẻ mà tác giả Thi nhân Việt Nam đã xưng tụng, Đinh Hùng như một hành tinh lẻ loi mang nguồn năng lượng sáng tạo vượt thực tại, thi giới cấu trúc trên hư tưởng siêu thực trong một hình thức không mới, kiến trúc nên một giấc mộng hồ giữa cuộc đời giao thoa gió Âu mưa Á... nên rất thực mà vô cùng kỳ bí như tòa thạch động.

Mặc dù có một vị trí đặc biệt trong tiến trình thơ Việt, Liên tưởng đăng trong Thơ văn mùa xuân của Đại La (1943), Bài ca man rợ đăng trên giai phẩm Đời nay (1943)... nhưng nói như Đặng Tiến, thơ Đinh Hùng là “một cành hoa nhỏ - loài hoa nở muộn lạc loài”... giữa “Những cánh thủy tiên dại nở muộn sau cơn mưa, dọc con đường quanh chưa kịp se mùi cỏ dại”. Thực tiễn sáng tạo bao giờ cũng vượt trước cái mực thước lý thuyết... Bông hoa lạ nở trên đỉnh Xuân hoa cỏ, lững lờ lặn sau cánh cửa Thuở sơ khai, thấp thoáng những Người man rợ, Gái muôn thuở... không xương khớp mà ấm nồng máu thịt nên mãi hòa điệu vô thanh Tình thái cổ.

Đinh Hùng lặn lẫn đâu mất trong Thi nhân Việt Nam, vốn được xem là Của tin gọi một chút này... với làn sóng lãng mạn ngân nga. Hoài Thanh thoáng ớn lạnh với miền kinh dị của Chế Lan Viên, rụt rè pha chút thương cảm với những hồn, máu... nhuốm màu siêu thực tượng trưng của Hàn Mặc Tử. Dĩ nhiên cái tạng của Đinh Hùng trở nên không phù hợp, vượt ngưỡng thẩm thấu ở Hoài Thanh. Không nằm trong số 45 tác giả được tuyển chọn và giới thiệu vì không lọt mắt xanh một thời âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng ngay cả trong bài tổng quan Một thời đại trong thi ca, cái tên Đinh Hùng chỉ được nhắc đến một lần nằm trong dãy liệt kê “chung quanh đôi bạn Xuân Diệu - Huy Cận có vô số thi sĩ bàn nhì, bàn ba...” thì rõ ra chẳng những cái tạng Đinh Hùng không thuộc ngưỡng lãng mạn ngân nga mà còn vì thiếu chìa khóa giải mã khi “cuốn Thi nhân Việt Nam viết trong một giai đoạn mà ý thức thi ca của văn giới Việt Nam còn phôi thai” (Đặng Tiến).

Mãi sau này (1995), Võ Phiến “dẫn ra những thái độ khác nhau đối với thơ Đinh Hùng... rồi lơ lửng lưng chừng... Tôi yêu những câu thơ - nhiều câu, nhiều bài - thật đẹp của Đinh Hùng, nhưng đối với toàn bộ không thấy có sự đồng cảm”. Nhà văn biện giải duyên cớ, rất thành thật trong cái tạng cá tính “Tôi tiếc là mình không thấy hợp được với phong cách ấy”. Đó chẳng những là điều dễ hiểu mà còn nói lên cõi thơ, như cõi người đầy những phức điệu, lặn sâu trong vô biên chạm bờ hiện hữu ở giá trị hằng cửu của thơ Đinh Hùng.

Thích Đinh Hùng, thích đến dạng tri kỷ nên rất cẩn trọng kiệm lời phải kể đến Trần Dần, Thế Lữ, Hồ Dzếnh, Vũ Hoàng Chương... Cái hồn thơ Chiều giao thoa âm dương bảng lảng ngập ngừng Tiếng buồn vang trong mây... Khói vờn bay lên cây... mê thơ Đinh Hùng hơn cả thơ mình, chẳng phân giải gì mà tự bỏ tiền in thơ cho bạn mang đi Hành phương Nam, mình lặng im ở lại. Tri kỷ như Vũ Hoàng Chương mà cũng có lần bị Đinh Hùng “lên đồng” mắng “đếch” hiểu thơ mình, nên Vũ đến lúc tưởng niệm bạn mình vừa nằm xuống, cũng tự nhủ mình và nhắn người “Thận trọng đấy nhé! Thận trọng và thận trọng hơn nữa. Điều nào không thể nói ra được thì lặng im”. Người có nhiều tương hợp, từng viết Nửa truyện hồ ly ấy cũng chỉ im lặng dừng lại trước ngưỡng cửa truyền kỳ hồ ly, để bạn mình mãi thiên di trong khoảng chân không ma quái trác tuyệt bạn mình tự biết.

Lời ai điếu vũ trụ trong thu biệt ly 1967 bên cửa huyệt bạn - hai ta nửa bước không rời nhau nói lên điều ấy. Không rời nhau thì không cần ngôn ngữ biện giải. Và theo lời kể của Võ Phiến, “Bốn hôm sau, nghe tiếng bạn ngâm thơ Tao Đàn trên làng sóng đài phát thanh Sài Gòn, Vũ xúc động viết phăng phăng một bài thơ với những câu não ruột ghê rợn: Ngâm câu: Yếm tác nhân gian ngữ - Giục ngọn đèn thu nở thịt xương... Đôi ta lại một chiếu giường - Cười rung bóng Quỷ Vô Thường ngoài kia”. Không có gì mơ hồ mà thấu thị bằng con tim thơ. Lời của Vũ đồng cảm thấu nhập với bạn vừa mất qua một tiếng ngâm làm nhớ đến Vương Sĩ Trinh sống cùng thời với Bồ Tùng Linh viết Đề từ cho Liêu Trai Chí Dị, trong đó có câu Liệu ưng yếm tác nhân ngữ mà Vũ nhắc đến được Tản Đà dịch toàn bài: Nói láo mà chơi, nghe láo chơi - Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi - Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc - Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời. Bồ Tùng Linh có họa lại Vương, mở đầu Chí dị làm xong, cất tiếng cười và kết Mưa lạnh, đêm tàn, kể láo chơi. Đinh Hùng đã bước sang thế giới bên kia, không họa lại Vũ. Nhưng thi giới ông để lại đúng là chí dị trong tiếng cười tự biết của riêng mình, lặn sâu tận đáy mà giăng đầy mưa lạnh, nhòa khoảng trống Dĩ vãng dầm mưa lén bước về - Áo trùng mây tỏ, mặt sầu che - Run tay ấm nửa bàn chân lạnh - Thương những con đường mưa cuốn đi... Và trong khuynh hướng âm tính ướt át ấy cứ lung linh những ánh sao đêm Em đến cùng trăng, đi với sao. Ấy là Người con gái - Thiên nhiên vĩnh hằng. Cả con đường sao mọc lúc ta đi - Cả chiều sương mây phủ lối ta về... Vậy là không phân biệt khách chủ, đi về một cõi, sống chết vô thỉ vô chung. Em đã về chưa? - Em sắp về chưa? - Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ - Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn. Ấy là tình Liêu trai trong giấc mộng hồ.

2. Ôi kiến trúc một chiêm bao thần bí

Liêu Trai Chí Dị hầu hết là những chuyện thần ma, hồ ly, hoa mộc tinh... phảng phất giấc mộng hồ mang khát vọng ấm tình. Những ức chế - ý thức hay vô thức - thường tạo nên một nhãn quan khác lạ, vượt thoát ra ngoài kết cấu cố hữu của xã hội, hứng thú khởi trào, dục vọng nội tâm và tình cảm tự nhiên được tự do biểu hiện trong cảnh hư ảo tách rời luân lý, tình cảm chân thật của con người và những cảnh tượng thuộc về ảo giác, tình tiết ly kỳ mang lý tưởng đồng nhất tự ngã - tha nhân, kiểu không - thời gian phi thời tính... làm nên sức hấp dẫn và nuôi dưỡng giấc mơ. Giấc mơ ấy được Đinh Hùng lai ghép tự nhiên truyền kỳ - siêu thực, cổ kim - đông tây, người - ma, hồn - xác, người sống trong mơ, xác sống ấm tình người, người - ma hồi sinh tự nhiên nguyên thủy... trong thế giới tưởng như hỗn độn mà thuần khiết của riêng ông. Trăng bỗng mơ hồ nắng cổ sơ - Em về nếp áo rộng hư vô - Khói thương thạch động xa vầng trán - Ta lạc vào trang tiểu thuyết xưa.

Âm hưởng Liêu Trai Chí Dị trong văn học lãng mạn 32 - 45 Việt Nam mơ hồ phảng phất trong thơ và rõ nét ở văn xuôi Tân truyền kỳ theo phương thức mô phỏng và sáng tạo. Tân truyền kỳ, phỏng truyền kỳ, hay truyện yêu ngôn theo cách gọi của Nguyễn Tuân, chỉ dạng truyện sử dụng motif truyền kỳ, đậm nét yếu tố kỳ ảo. Tất nhiên, phải kể đến sự kích hoạt của kiểu truyện kỳ ảo phương Tây với các tác giả lớn như Hoffman, Edgar Poe... được phổ biến thời bấy giờ, với sức thâm nhập, hòa tan mạnh mẽ của Liêu Trai. Có thể nói đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên cho cuộc kết hợp giữa truyền thống văn học Á Đông và văn học phương Tây hiện đại, mà người đầu tiên là Thế Lữ. Nếu trong thơ, Thế Lữ là vị chủ soái như một vừng sao đột nhiên sáng chói cả trời thơ Việt Nam, thì trong lĩnh vực văn xuôi ông cũng có công đầu trong việc “dung hợp cả văn Thái Tây và văn Á Đông... tỏ ra có óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh - hai nhà viết những truyện ghê gớm, huyễn hoặc làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya” như Khái Hưng đã ghi nhận. Vậy là chủ soái thơ sau khi dạo lên Cây đàn muôn điệu trong cuộc rong chơi giữa hình và nhạc, bằng ý thức nhạy cảm mà dám dừng chuyện làm thơ trong ánh hào quang mà chuyển sang truyện.

Sứ mệnh gánh cái Đẹp lưu đày dạng thơ thần bí ở một hình thức không mới tạo dựng thế giới mới ôm trùm giấc mộng hồ ba cõi được trao cho người mãi lặn tìm tự nhận Đời của tôi là giấc mộng ban chiều. Sớm nhận ra điều đó là ở tâm hồn thơ Thế Lữ, tinh mắt khéo chọn bài Kỳ nữ của Đinh Hùng đưa vào truyện Trại Bồ Tùng Linh (1941), cuộc tình giữa Tuấn và người con gái hiện thân của hương hoàng lan, bất chợt một đêm... Mở đầu: Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm - Ở bên Em - ôi biển sắc, rừng hương! - Em lộng lẫy như ngàn hoa sớm - Em đến đây như đến tự thiên đường..., đoạn giữa Vì người Em có bao phép nhiệm mầu - Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc... và kết thúc Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn - Ta hái trong Em lấy đóa hoa hồn. Vậy là rõ, nguồn mạch tạo nên thi giới ở con người vốn mang cá tính ngang tàng cuồng nhiệt ấy mãi ngụp lặn vào thế giới nội cảm riêng mình của những mộng hồn. Truyện Thế Lữ nổi tiếng dài lâu trong mạch văn yêu ngôn. Đinh Hùng thì cứ mãi lửng lơ như một Lời thông điệp gửi mai sau mà chẳng mấy ai nhận được. Rồi những lời mê, những ý say - Sẽ ghi lên đá, khắc vào cây - Và khi Em nhập vào cây cỏ - Hồn sẽ tan trong nét nhạc này. Lặn chìm tan là vô thức tự cảm, nhưng cũng là ý thức tự biết. Hỡi Em gương mặt hờn trăng khuyết - Quyền phép hai ta hết nhiệm mầu. Hóa ra định vị một nhà thơ vẫn khó hơn một nhà viết truyện.

Mạch truyền kỳ, màu sắc thần bí phương Đông, giấc mộng hồ trong cấu trúc hư tưởng của Baudelaire, hòa với nội hàm siêu thực phương Tây. “Tính tự động của tâm lý thuần túy, bài chính tả của tư duy, vắng mặt mọi giám sát của lý trí, đứng ngoài mọi thiên kiến thẩm mỹ hay đạo đức. Chủ nghĩa siêu thực dựa vào lòng tin ở thực tại siêu đẳng của những hình thái liên tưởng sơ lậu, ở giấc mơ vạn năng, ở tư duy không vụ lợi” (Andre Breton). Và trên cánh đồng hôn phối ấy đã nở đóa hoa thơ Đinh Hùng - một dạng Ác Hoa phương Đông. Thật có lý khi Phan Canh trong Thi ca Việt Nam thời tiền chiến đã tuyển 6 bài thơ Đinh Hùng xếp vào khuynh hướng siêu tưởng - siêu thực (surréalisme). Và ngay cả khi cần quy lược “Hai chủ đề chính trong thơ Đinh Hùng là thiên nhiên và tình yêu” thì cũng rất đúng khi tiếp cận là “cần đặt lại trong một thế giới hư ảo” (Đặng Tiến).

Thế giới hư ảo đầy giấc mộng hồ ấy trong thơ Đinh Hùng như tác giả đã có lần hé cửa. Ôi kiến trúc một chiêm bao thần bí. Kiến trúc chỉ là một cách thức - dù là hư cấu, hư tưởng. Chiêm bao chỉ là giấc mộng người còn sống. Thần bí là cảm thức bao trùm lên cả cách thức dù quen dù lạ, thực hay mộng, sống hay chết, xác hay hồn... liệu người chết mãi thức - có lúc nào ngủ, có lúc nào biết mộng biết mơ... Non cao tròn kiếp hoang vu - Mắt Em ngủ thiếp con đò thần giao - Lạ lùng cửa động chiêm bao - Tiếng ca mở lối Em vào hồn anh. Đó là thế giới mở trong những mạch nguồn giao cảm, mộng trong mộng xóa nhòa mọi ranh giới, cả thời gian hiện tại - dĩ vãng thơ ấu, tiền sinh, tiền sử, cả không gian ba cõi trần gian - địa ngục - thiên đường chuyển hóa, cả hồn thơm lẫn xác sống ấm gọi nhau. Người sống có cái gọi là tâm hồn, người chết có cái gọi là linh hồn, vẫn là hồn ấy thôi. Người sống có mái nhà cõi trọ đi về, người chết có ngôi mộ cho xác ẩn nằm và hồn thoát nhập vĩnh hằng. Ấy chỉ là một trong thơ Đinh Hùng vốn đầy những hồn - xác - mộ... theo kiểu tư duy tôn giáo mang màu sắc huyền thoại âm tính. Lặn sâu trong vô biên là chạm bờ hiện hữu. Ta gửi bài thơ anh linh... Và trong hiện hữu bỗng hóa vô biên. Những cánh hoa này rất mỏng manh - Ngày mai cho gió cuốn xa cành - Và ngày mai nữa, em đi dạo - Sẽ gặp hồn tôi trên cỏ xanh.

3. Mộng vô hạn trong lòng tay nhỏ bé

Vậy là chẳng còn gì phải nhập nhằng trong kiểu tư duy nhị nguyên phân cực đầy những mâu thuẫn giữa đô thị hiện đại và thiên nhiên hoang dã, giữa thể xác - linh hồn, trần tục - linh thánh, mất - còn, hữu hạn - vô biên... mà ngạc nhiên vui sướng trong khoái cảm thẩm mỹ huyền bí. Ngay cả cái gọi là thơ tình của Đinh Hùng cũng thuộc dạng siêu lý tình yêu. Chỉ đọc qua 18 bài thơ được tuyển trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Nguyễn Tấn Long - Nxb. Văn học, 2000), Đinh Hùng những 34 lần nhắc đến linh hồn, 28 lần nói đến mộng, 8 lần mơ và 2 lần chiêm bao. Nếu rạch ròi, vẫn thấy có sự phân tuyến, nhưng đó không phải là dụng ý của con người thực mà là chiêm bao thần bí này. Bản mệnh con người và bản thể vũ trụ sinh tồn trong một hơi thở như trộn lẫn tóc hai ta - Gió đằm thắm giúp đôi hồn phơ phất. Xác là phần ít có thể thấy được và hồn là vô cùng mấy mắt ai trông thấy, qua hơi thở hồn về xác sống ấm lên. Nhớ bàn tay thẹn, mê từng ngón - Môi nhớ làn môi, vai nhớ vai - Hơi thở gọi nhau, hồn nhớ xác - Nhớ như thần phách lạc hình hài.

Giấc mộng Liêu Trai đã được Đinh Hùng kiến trúc ở đỉnh cao huy hoàng nhất. Đó là khát vọng thành thực trong tình yêu rộng lớn huyền vi, hòa hợp tuyệt đối những đối cực... trên một thế giới không có bản đồ của tham vọng và quyền lực, trong một vũ trụ hòa điệu tương thông. Ngoài thiên nhiên nở bừng thân mỹ nữ - Người yêu ta, huyễn hoặc mối kỳ tình... Cảnh diễm lệ ngẩn ngơ hồn cầm thú - Thôi dừng chân, xem Nhan sắc lên ngàn. Này là Trời ảo diệu xiết bao tình tứ. Quên đi em... hãy sống hồn cây cỏ - Từng linh hồn dan díu với hương hoa. Này là đêm huyền diệu có muôn hoa hồng nở, đêm hiển linh xóa nhòa khoảng cách âm dương cho hồn yêu đương. Mê Em ta thoát thân hình - Nhập vào cây cỏ đa tình mỗi đêm. Sợi đêm dài ban ơn tĩnh lặng. Đêm mảnh mai hơn sợi tóc mây ngày. Cõi phù sinh ròng giọt mưa sao... “Thi giới Đinh Hùng kết tinh bằng Thiên nhiên huyền bí, bằng dị thảo kỳ hoa, biển Giáp, non Thần, bằng Xuân phương thảo cũng như xuân tùng bách, nuôi dưỡng bằng một mạch sống mãnh liệt - hay mạch sầu bất diệt - đã trở thành những đóa hoa đẹp nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam” (Đặng Tiến). Liêu Trai Chí Dị xứng danh là thiên cổ kỳ thư, thơ Đinh Hùng cũng là trác tuyệt kỳ thi.

Dẫu Trong cô độc, tình thương cũng mất... nhưng đó là cô độc ngọt ngào trong bào thai vũ trụ Tự tình dưới hoa. Chưa gặp Em, tôi vẫn nghĩ rằng - Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng - Mắt xanh là bóng dừa hoang dại - Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng. Nhập hứng, nhập thần, nhập mê... chỉ có ở những nhà thơ kỳ tài theo kiểu tư duy huyền bí giữa đời thường mới có những dạng ngồi Đốt lò hương cũ, dạo Cung đàn tưởng niệm, bước lững lờ trong Đường vào tình sử, Tìm bóng Tử thần, lạc lối Mê hồn ca... trong thế giới mơ hoa mộng ảo. Sương khói bạc chiều rừng - Thành quách bến Sông Mê - Những ngọn đèn hồn lênh đênh trôi về kiếp trước - Ôi cửa động mù sương, mưa bay tiềm thức! Không xương khớp mà ấm đầy máu thịt trong cấu trúc hư tưởng phiêu linh. Thương Nước vô danh, người mộng ảo. Ấy là kiểu nhà thơ thuộc về chân không lịch sử đồng nhất hữu hạn và vô biên bằng sự huyền bí như là... bằng Trái tim hồng ngọc. Hãy áp môi trên phiến đá mòn - Loài hoa mộ chí cánh thoa son - Vầng trăng đáy huyệt xanh trong mắt - Nghe biển mưa sao, gió gọi hồn. Lớp trẻ bây giờ, đọc thơ Đinh Hùng, dẫu chưa hiểu gì, cũng thốt lên: đẹp man dại, đẹp hãi!

L.T.H  
(SHSDB27/12-2017)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng